Kính Lễ Chư Đạo Sư
Khi Jetsun Milarepa quyết định rời Linba Draug đi Riwo Balnbar để tu tập thiền định, ông thông báo cho những người bảo trợ của ông biết. Họ nói, “Gần Riwo Balnbar có một ngôi chùa ở một địa điểm rất thích thú. Chúng con giới thiệu thầy ở đó. Về Riwo Balnbar, chúng con không biết nhiều lắm. Tôn giả, lúc đầu thầy có thể ở lại trong ngôi chùa đó, chúng con sẽ gửi người đến giám định vùng đó cho thầy.”
Milarepa tự nghĩ, “Trước tiên ta đến ngôi chùa ở một lúc, rồi ta sẽ tiến đến Riwo Balnbar.” Rồi ông bảo họ, “Thầy không cần các con dẫn đường; thầy có thể tự tìm đường cho thầy.” Khi những người bảo trợ hỏi, “Thầy có ai dẫn đường không?” Milarepa đáp, “Có, thầy có.” “Ai thế? Hãy cho chúng con biết y là ai.”
Milarepa hát trả lời:
Đạo Sư vinh quang và thành tựu Xua tan u tối, là người dẫn đường.
Lìa xa lạnh và nóng, những chiếc áo vải này (1)
Nhờ đó ta từ bỏ ham thích lông thú, là người dẫn đường.
Các Yoga Khẩn Nguyện, Đồng Nhất, và Biến Hóa (2)
Nghiền nát mê hoặc của Trung Giới, là người dẫn đường.
Cái chỉ cho các người con đường trong tất cả mọi hành trình qua khắp các cõi miền –
Sự làm chủ hoàn toàn Tâm-Khí (3) là người dẫn đường.
Từ bỏ thân mình là một cúng dường tốt (4) –
Lời dạy Hàng Phục Bản Ngã – là người dẫn đường.
Ở lại trong cô tịch và tu tập thiền định,
Đưa đến Giác Ngộ, là người dẫn đường.
Được sáu người dẫn đường này, và trú trong
Jaung Chub Tsong, (5)
Tất cả sẽ tốt với ta.
Vì vậy, Milarepa đi đến phần thượng lưu của Ragma, từ đó về sau được gọi là Jaung Chub Tsong. Rồi ông tự nhập Định Dòng Sông. (6) Một hôm lúc nửa đêm, ông nghe tiếng ồn lớn và tiếng kêu la, tù và thổi trên không trung tựa như một đoàn quân chiến đấu đang tiến tới. Milarepa nghĩ, “Có đánh nhau trong xứ này chăng?” Rồi ông tự nhập Định Đại Bi. Nhưng âm thanh càng lúc càng gần. Cả trời và đất dường như tắm trong ánh sáng màu đỏ. Milarepa thắc mắc việc gì đang xảy ra. Ông nhìn quanh và thấy cả đồng bằng đang cháy, không còn gì trên đất hay trên trời. Một đoàn quân [quỉ] bận rộn đốt lửa, tạt nước, ném sập núi. Dùng vô số bùa chú, những con quỉ đe dọa Milarepa bằng nhiều thứ vũ khí, cào sập đá và hang động, và cũng chửi mắng ông thậm tệ. Milarepa biết rằng lũ quỉ đang tụ tập để làm hại ông. Ông nghĩ, “Thương thay, từ vô thủy đến nay những con quỉ Ah Tsa Ma (7) đầy tội lỗi này đã làm những chuyện ác trong Sáu Cõi, như thế trở thành quỉ đói bay trong không trung. Với những ý niệm xấu và những ý định ác chúng đã hại bao nhiêu sinh linh, và Nghiệp đen tối này, chúng chẳng còn lựa chọn mà chỉ vào địa ngục trong đời vị lai.” Với tâm đại bi, Milarepa hát:
Con kính lễ Thầy, Marpa Dịch giả.
Trong bầu trời bi tâm mênh mông của Thầy
Các đám mây từ ái đã từ mọi phương tụ hội
Mà từ đó cơn mưa ân huệ phong nhiêu rơi xuống.
Như vậy sự gặt hái của đệ tử được gia tăng.
Vô lượng chúng sinh vô hạn như hư không,
Xin ban cho sóng ân huệ của Thầy để đạt thành Giác Ngộ.
Các ngươi bọn Phi-nhân và quỉ,
Các ngươi phi hành trên không trung
Luôn luôn mong có thức ăn,
Các ngươi những con quỉ đói!
Bị lèo lái bởi Nghiệp lực đã chín muồi, (8)
Trong kiếp này các người sinh ra làm quỉ đói;
Cũng vì Nghiệp của những chuyện ác đã làm,
Do làm hại kẻ khác,
Các ngươi sẽ rơi xuống địa ngục trong kiếp vị lai.
Ta hát về những sự thật của Nghiệp.
Hãy suy nghĩ kỹ những lời ơn ích đó.
Ta là con của những bậc Đạo Sư phái Khẩu truyền;
Với niềm tin phát khởi trong tim,
Ta đang học Pháp.
Khi biết Luật Nhân Quả,
Ta tu tập sống đời khổ hạnh;
Cần mẫn và kiên trì,
Ta thấy chân tánh của Tâm.
Ta nhận ra rằng tất cả hình tướng đều là huyễn hóa.
Như thế ta thấy mình thoát khỏi bịnh ngã chấp,
Như thế ta cắt đứt Sợi Xiềng Chủ-Khách (9) luân hồi
Và đạt đến Cảnh Giới Phật, Pháp Thân bất động.
Ta là hành giả yoga đã vượt qua bên kia tâm [người];
Làm sao các ngươi có thể làm khổ được ta, những tên
quấy nhiễu?
Những hành vi ác và những ý định xấu của các ngươi,
Làm các ngươi mệt mỏi, nhưng chẳng hại được ta.
Lại nữa, các ngươi phải biết rằng tâm là nguồn oán ghét.
Dù từ đáy sâu của mười tám tầng địa ngục bên dưới
Đến cõi Phạm Thiên ở trên,
Các ngươi gom hết tất cả sức lực ở đó ném vào ta,
Cũng khó làm Trí Trùm Khắp của ta gợn sóng,
Vì trong tâm ta không sợ hãi nào có thể phát sinh.
Các ngươi những quỉ và Phi-nhân tụ tập,
Với tất cả phù chú và vũ khí ma thuật,
Các ngươi cũng không thể đả thương ta được;
Tất cả những gì các ngươi đã làm đều vô dụng.
Thật lãng phí và đáng thương nếu các ngươi trở về
mà không hại được ta!
Hãy tận lực làm những gì tệ nhất, các ngươi những
con quỉ đáng thương.
Rồi Milarepa nhập Định Như Tánh. [Vì kinh sợ và do đại hùng lực của ông trấn áp], tất cả bọn quỉ sám hối trước ông và trở nên trung thành với ông. Chúng đảnh lễ và nhiễu hành quanh ông nhiều lần, nói: “Quả thật chúng tôi mù quáng, không biết ngài là một hành giả yoga thành tựu như thế. Cầu mong ngài tha thứ cho chúng tôi vì những gì chúng tôi đã làm đối với ngài. Từ giờ trở đi chúng tôi sẽ theo bất cứ sự chỉ dạy nào ngài có thể ban cho. Cầu mong ngài ban cho chúng tôi giáo lý, như vậy mối liên hệ trong Pháp giữa ngài và chúng tôi có thể thành được.”
Milarepa đáp, “Tốt lắm. Trong trường hợp đó, tôi sẽ cho các ngươi lời dạy này”:
Chớ phạm tội lỗi,
Làm những điều lành!
Tất cả các quỉ kêu lên, “Vâng, chúng tôi sẽ vâng lời!” Rồi chúng dâng ông cuộc đời và tấm lòng của chúng, và cũng hứa với Jetsun sẽ tuân theo mệnh lệnh của ông. Rồi tất cả bọn chúng trở về xứ sở của chúng.
Trong bọn chúng có một tên gọi là Seyi Lhamo, từ Mang đến, và những tên khác là các thần địa phương từ Riwo Balnbar đến. Milarepa cảm thấy rằng, vì các quỉ của Riwo Balnbar đã qui hàng, nên chẳng cần đến đó để thiền định nữa. Ông quyết định ở lại Chỗ Bồ-đề vài ngày. Trong tâm thái rất phấn khởi, ông hát:
Ở đây trong nhà Giác Ngộ,
Ta, [hành giả] Đạo Bồ-đề, Milarepa,
Làm chủ Tâm Bồ-đề,
Tu tập Yoga Tâm Bồ-đề.
Ta sẽ sớm đạt thành đại Bồ-đề,
Và đem vô số chúng sinh như mẹ (10)
Đến chốn già lam thanh tịnh của Giác Ngộ Viên Mãn.
Một hôm, một người bảo trợ đến am của Milarepa mang theo một mớ củi và nửa lọ bột mì. Người khách không mặc đủ y phục và cảm thấy rất lạnh. Ông ta nói, “Ragma là vùng lạnh nhất ở phía Nam và đây là chỗ lạnh nhất của Ragma, tôi muốn cúng dường thầy, Lạt-ma, một cái áo lông thú nếu thầy nhận nó.”
Milarepa hỏi, “Thí chủ thân mến, ông tên là gì?” và người đàn ông đáp, “Labar Shawa.” Lúc ấy Milarepa nói, “Ông có cái tên rất hay, thực đấy. Mặc dù tôi không cần bột mì và áo lông thú của ông, nhưng tôi cảm ơn ông rất nhiều. Tôi sẽ lấy bột mì, nếu ông thích, nhưng về áo lông thú, tôi thật không cần nó.” Và Milarepa hát:
Như một đứa trẻ lạc mất đường về nhà,
Tâm bối rối lang thang trong Sáu Cõi mê hoặc.
Do Nghiệp lực huyễn hóa,
Người ta thấy vô số ma cảnh và cảm thấy xúc động vô cùng.
Đôi khi ta có những cảm giác hư huyễn của sự đói,
Nên ta chuẩn bị thức ăn và bữa ăn chiều.
Đôi khi ta tận sức dựng một ngôi nhà; (11)
Những lúc khác, ta chịu khó ăn đá. (12)
Đôi khi ta ăn thức ăn Tánh Không;
Hoặc ta đổi cách và chẳng ăn gì hết. (13)
Đôi khi cảm thấy khát, ta uống nước xanh tinh khiết;
Những lúc khác, ta nhờ vào chất phân tiết của riêng ta.
Thường khi ta uống nơi dòng Suối Bi Tâm;
Và rất thường ta nhấp cam lồ tươi mát của các thiên nữ.
Đôi khi cảm thấy lạnh, ta mặc chiếc áo Hai Kênh; (14)
Những lúc khác, Yoga Nhiệt ban cho cực lạc cháy bừng
và ấm áp.
Thỉnh thoảng, ta đổi cách sống khổ hạnh của mình;
Đôi khi ta cảm thấy thích có bạn bè quanh ta;
Ta sống với Tỉnh Giác là bạn đồng hành.
Ta thực hành bạch hạnh của Mười Điều Thiện;
Ta quán chân tri thức Thực Tại,
Và biết chắc tâm tự sáng.
Trang sức bằng ngọc quí chân tri thức,
Ta là hành giả Yoga Milarepa – sư tử giữa loài người.
Thành thạo và chiến thắng, ta thiện xảo trong thiền định.
Trên núi tuyết ta tu tập trong cô tịch.
Ta là hành giả yoga đạt được quả công đức.
Ta là hành giả Yoga Milarepa, hổ giữa loài người.
Ta đã ba lần kích hoạt Tâm Bồ-đề, (15)
Ta mỉm cười vui vẻ với Không Phân Biệt Phương Tiện và
Trí Tuệ; (16)
Ta ở trong rừng Thung Lũng Phương Thuốc Sáng Ngời (17)
Và sinh quả lợi ích cho chúng sinh.
Ta là hành giả Yoga Milarepa – chim ó giữa loài người.
Ta có đôi cánh hùng mạnh của Yoga Phát Sinh thấy rõ; (18)
Ta sở hữu đôi cánh Yoga Hoàn Thiện (19) vững vàng.
Ta bay vút lên bầu trời Như tánh Hai-trong-Một; (20)
Ta ngủ trong hang Chân Lý siêu việt;
Ta được quả lợi ích cho ta và người khác.
Ta là hành giả Yoga Milarepa – là người giữa loài người.
Ta là người thấy bộ mặt của hình tướng,
Ta là kẻ cho lời khuyên tốt.
Ta là hành giả yoga không những thuộc tính.
Ta là người không quan tâm chuyện gì có thể xảy ra.
Ta là kẻ xin của bố thí không có thức ăn,
Một ẩn sĩ trần truồng không manh áo,
Một khất sĩ không có đồ trang sức.
Ta không có chỗ gối đầu;
Ta là kẻ không bao giờ nghĩ đến ngoại vật –
Chủ nhân của tất cả hành động yoga.
Giống như người điên, ta sung sướng nếu thần chết đến:
Ta không có gì và không muốn gì hết.
Nếu một người ham sắm mua của cải,
Ấy chỉ đưa đến ganh tị và giận hờn;
Ấy chỉ gây phiền phức cho những người bảo trợ
Và đưa họ vào những nẻo đời sai lạc.
Đối với hành giả yoga, tất cả đều tốt và tuyệt vời!
Với trái tim từ thiện và sự gia trì đồng đạo,
Bố thí bao giờ cũng nên là phép tu tập của anh.
Ta chúc anh tất cả an lạc và thịnh vượng;
Ta chúc anh sức khỏe, nhàn nhã, và sống lâu.
Nguyện cho anh, trong đời kế tiếp, được sinh nơi
Tịnh Địa của Phật,
Ở đó [vui vẻ] tu tập Pháp.
Cầu cho anh lúc ấy có thể không ngừng
Hiến mình cho lợi ích của tất cả loài người.
Vì vậy, niềm tin vào Jetsun đã phát sinh nơi người đàn ông ấy. Ông ta nói, “Bởi vì ngài là hành giả yoga thành tựu, ngài có thể không cần những thứ này. Chỉ vì lợi ích của những người tội lỗi như chúng tôi, mà ngài ở lại đây. Xin thương xót tôi và nhận lấy hiến vật của tôi.”
Từ đó về sau, khi nào Milarepa ở đạo tràng Bồ-đề, người đàn ông ấy luôn luôn mang đến thức ăn và lương thực cho Milarepa một cách rộng rãi. Đầy hân hoan, Milarepa ở lại đó một thời gian.
Một hôm, vài người dân làng từ Ragma đến thăm Jetsun. Họ hỏi ông, “Tôn giả có thích chỗ này không? Ngài có thấy an lạc khi ở lại chỗ này không? Xin ngài nói cho chúng tôi biết ngài nghĩ gì về tất cả những sự việc này!” Để trả lời, Milarepa hát:
Ở đây là Chỗ Bồ-đề, tĩnh lặng và bình an.
Núi tuyết, nơi cư ngụ của các thần, đứng trên cao;
Dưới kia, cách xa đây ở trong làng, các người bảo trợ
trung thành của ta sống;
Chung quanh là núi ẩn mình trong tuyết trắng.
Đứng trên mặt đất phía trước là những cây ban như ý;
Nằm trong thung lũng kia là những đồng cỏ mênh mông, hoa dại nở.
Chung quanh hoa sen thích thú, thơm ngạt ngào,
tiếng côn trùng rỉ rả.
Dọc theo bờ suối
Ở giữa hồ,
Những con hạc giương cổ, thưởng thức cảnh vật,
và hài lòng.
Trên những cành cây, chim rừng hót;
Khi gió thổi nhẹ êm, liễu rủ nhảy múa khoan thai;
Trên đọt cây lũ khỉ phóng nhảy với niềm vui;
Trên đồng cỏ hoang xanh rải rác những đàn bò gặm cỏ,
Những trẻ chăn cừu vui nhộn, chẳng lo âu,
Hát những bài vui và chơi ống sậy.
Người thế gian, với ham muốn cháy bừng,
Phân tán vì thế sự, trở thành nô lệ trên trái đất.
Từ trên đầu Tảng Đá Ngọc Rạng Ngời,
Ta, hành giả yoga, thấy những điều này.
Quan sát chúng, ta biết rằng chúng đang qua nhanh, chóng vánh;
Lặng ngắm chúng, ta nhận thấy dễ chịu và thích thú
Chỉ là những bóng nước và ảnh chiếu trong nước.
Ta thấy đời này như chú thuật, như giấc mơ.
Trong tim ta nổi lên niềm thương xót lớn
Cho những ai không biết sự thật này.
Thực phẩm ta ăn là Không Gian – Tánh Không;
Thiền định của ta là Thiền-na – ở bên kia phân tán.
Vạn thị kiến và cảm giác tất cả đều xuất hiện trước ta –
Thật lạ lùng là hiện tượng luân hồi!
Thật tiêu khiển là các pháp trong Ba Giới, (21)
Ô, kỳ diệu làm sao, tuyệt diệu làm sao!
Do bản tánh là Không mà mọi vật hiển hiện.
Những người dân làng đều [hân hoan với khúc hát này], và họ [rất vui vẻ] trở về nhà với niềm tin mạnh thêm.
Đây là phần thứ nhất của câu chuyện Milarepa ở Ragma.
Chú Thích Chuyện 5
(1) Hành giả yoga tu luyện Yoga Khí Nóng chỉ được mặc một tấm vải, không được phép mặc lông thú. Mục đích của sự tu luyện nghiêm khắc này có hai mặt: khước từ sự kiếm tiền bằng lông thú và sự ham muốn có lông thú, và để tự huấn luyện mình hành sự không có lông thú trong khu vực cực lạnh như Tây Tạng, như vậy để kích thích sự sinh sản nội nhiệt nhiều hơn.
(2) Các Yoga (nghĩa đen, Những Chỉ Dạy) Khẩn Nguyện, Đồng Nhất, và Biến Hóa (T.T.: bSre.hPho. sKor.gSum.): Ở bình diện Bardo (Cảnh Giới Trung Gian giữa chết và tái sinh), người chết thấy một số ảo ảnh và hình tượng mà thực ra chúng chỉ là những hiện tướng của tâm y. Nhưng vì suy nghĩ theo thói quen và chấp ngã, những người không được khai thị không thể nhận ra những ảo ảnh này và không thấy bản tánh mình. Yoga Mật Giáo không những chỉ phục vụ mục đích làm y có thể nhận ra Phật Tánh bẩm sinh trong đời này mà còn chuẩn bị cho y giai đoạn ở Cảnh Giới Trung Gian. Khi một hành giả yoga thông thạo thấy những biến hóa khác nhau của Cảnh Giới Trung Gian, ông ta có thể nhận ra ngay âm thanh mà ông ta nghe với Chân Ngôn (Mantra) (hay lời cầu khẩn) của vị Phật Hộ Trì mình, và những hình tượng ông ta thấy cũng vậy. Qua tu tập các Yoga Khẩn Nguyện, Đồng Nhất, và Biến Hóa, hành giả yoga có thể xua tan sự sợ hãi ở Bardo. Ba Yoga này có thể miêu tả như sau:
(a) Yoga Khẩn Nguyện: Bằng khẩn nguyện và niệm Chân Ngôn (Mantra) của một vị Phật Hộ Trì đặc biệt, hành giả yoga kêu gọi sự hộ trì của vị thần hộ mạng đó.
(b) Yoga Đồng Nhất: Trong phép tu tập Yoga này, hành giả đồng nhất hay hợp nhất mình với vị thần hộ mạng. Như vậy trong cảnh giới Bardo, khi các thần dữ và thần hiền xuất hiện, hành giả có thể hợp nhất mình với các thần đó. (Xem “Tibetan Book of the Dead,” W. Y. Evanz-Wenz hiệu đính).
(c) Yoga Biến Hóa: Qua tu tập Yoga này, có thể biến hóa các ảo cảnh của Bardo tùy ý.
(3) Tâm-Khí hay Tâm-Lực (T.T.: Rlun. Sems.): Đây là một từ quan trọng trong Mật Giáo. Người ta nói rằng một hành giả yoga làm chủ được Tâm-Khí, hay Tâm-Lực có thể thi triển những kỳ công siêu phàm, như bay đến bất cứ chỗ nào tùy ông ta chọn.
(4) Một Yoga đặc biệt của Tây Tạng gọi là “gCod,” được thiết lập để trừ Ngã Chấp. Trong tu tập Yoga này, hành giả hiến thân mình cho chúng sinh qua những quán tưởng đặc biệt.
(5) Jaung Chub Tsong: Lâu đài Bồ-đề (T.T.: Byan.Chub.rDon.).
(6) Định (Samadhi) Dòng Sông: Đây chỉ tâm thái hành giả yoga kinh nghiệm trong tu tập Đại Thủ Ấn (Mahamudra), trong đó hành giả cảm thấy mình không dính mắc với tất cả hiện tượng. Mặc dù ở trong sự hiện hữu của hiện tượng, hành giả không bị nó ảnh hưởng; hành giả bao gồm sự vật biến dịch, nhìn sự biến dịch thành dòng lưu chuyển đi qua. Mặc dù ý thức sự đồng nhất của mình và sự biến dịch, hành giả biết rằng mình là ông chủ, và vui hưởng tinh thần giải thoát bên trong dòng lưu chuyển vĩ đại. (Cũng xem Chuyện 2, Chú thích 4.)
(7) Quỉ Ah Tsa Ma: Xem Chuyện số 2, chú thích 5.
(8) Nghiệp Chín muồi: Xem Chuyện 2, Chú thích 6.
(9) Sợi Xiềng Chủ-Khách: Người làm và việc làm; người thấy và vật bị thấy; v.v… Mô hình tư tưởng nhị nguyên này được xem như là nguyên nhân căn bản của luân hồi sinh tử.
(10) Vì với mỗi nhục thân, người ta có một người mẹ, từ thời vô thủy đến hiện tại người ta phải có vô số mẹ, theo Phật Giáo Đại Thừa, tất cả chúng sinh đều có, hơn một lần, mối quan hệ cha mẹ với nhau. Do đây, phát sinh tâm đại bi của Bồ-tát.
(11) Đây chỉ những lao động của Milarepa làm cho Thầy ông, Marpa, trong thời kỳ thử thách tập sự làm đồ đệ. (Xem Tiểu sử của Milarepa,“The Tibet‟s Great Yogi, Milarepa”. [Cũng xem “Milarepa, Con Người Siêu Việt.” ND.]
(12) Ăn đá: Để tránh vướng mình vào thế gian, các hành giả yoga có quyết tâm được cung cấp cho một kỹ thuật ăn đá thay vì thức ăn.
(13) Nhờ Định lực, hành giả yoga có thể sống mà không ăn trong một thời gian dài.
(14) Hai Kênh (T.T.: rTsa.gNis.): hai Kênh huyền bí phải và trái trong thân người qua đó các lực nóng yoga phát sinh.
(15) Ý nghĩa của câu này không rõ lắm. Dịch giả tin rằng “ba lần kích hoạt Tâm Bồ-đề” có nghĩa là sự khai mở trọn vẹn của cái gọi là ba Tâm Bồ-đề: (a) Thệ nguyện của Bồ-tát, (b) Tâm Bồ-đề Siêu Việt hay Trí Vô Phân Biệt, và (c) Tâm Bồ-đề “Bí ẩn,” tức là, theo Mật Giáo, tinh chất (tinh dịch), hay nguồn năng lực của thân.
(16) Không Phân Biệt Phương Tiện và Trí Tuệ, hay dịch cách khác là Phương Tiện và Trí Tuệ Hai-trong-Một: Bồ-tát Hạnh gồm có hai khía cạnh chính: (a) tu dưỡng Trí Tuệ, tức là, tu tập và giác ngộ Trí Bát-nhã (prajñāpāramitā); và (b) tu tập Phương Tiện và Đức Hạnh, tức là, năm Ba-la-mật đầu, nghĩa là, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, và thiền định. Chỉ những hành giả yoga cao cấp là có khả năng giác ngộ tính Không Phân Biệt của hai pháp tu tập này.
(17) “Sáng Ngời” chỉ bản tánh của Tâm tự sáng, hay tự chiếu sáng; “Thung Lũng Phương Thuốc” chỉ sự giác ngộ của Tự-tâm như là sự chữa trị hay phương thuốc cho tất cả mọi cái xấu.
(18) Yoga Phát Sinh (T. T.: sKyed.Rim.): Trong Mật Điển Vô Thượng (Anuttara Tantra), có hai phương pháp tu tập chính: một là Yoga Phát Sinh, phương pháp kia là Yoga Hoàn Thiện. Phương pháp trước là sự chuẩn bị cho phương pháp sau – nó nhấn mạnh sự luyện tập tập trung và quán tưởng, và qua đó đạt cảnh giới của Thiền-na (Dhyana) và Định (Samadhi), trừ phi hành giả đã đạt đến giai đoạn cao của Thiền và Định, y không thể tu tập Yoga Hoàn Thiện.
(19) Yoga Hoàn Thiện (rDsogs.Rim.): Yoga cao cấp của Mật tông Tây Tạng. Nó là phương pháp tu tập hợp nhất Tâm và Khí (Prana).
(20) Như Tánh Hai-trong-Một: Từ này cũng có thể dịch là “Như Tánh Bất Nhị.” Trong cõi luân hồi, những kiến giải khác nhau về một vật hình thành theo những bình diện và vị trí khác nhau. Đối với người trung bình, thì ly nước chỉ là một phương tiện để giải khát; đối với một nhà vật lý học, nó là một hợp chất của những yếu tố chuyển động khác nhau; đối với một nhà triết học, nó là một loạt của những quan hệ. Những cái thấy hay hiểu khác nhau này, phát xuất từ các bình diện và thế giới tư tưởng khác nhau, và như thế, đó là đặc tính phân biệt của tư tưởng về Sinh Tử hay luân hồi, nhưng trong cảnh giới của Hai-trong-Một hay Nhiều-trong-Một, không có những cái thấy khác nhau đó.
(21) Ba Giới hay Ba Cõi: Theo Phật Giáo, đây là Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới. Người ta tin rằng Ba Giới gồm tất cả chúng sinh trong những lãnh vực khác nhau của tồn sinh luân hồi.