Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Kính Lễ Chư Đạo Sư

Một lần Milarepa ở lại Nya Non [một thời gian ngắn]. Người ở đó thỉnh ông ở lại nhưng ông không bằng lòng, và tuân theo mệnh lệnh của Đạo Sư, ông đến Riwo Balnbar tu tập thiền định trong một cái hang gần Linba. Bên phải chỗ ông ngồi là một kẽ đá. Một đêm khuya, Milarepa nghe tiếng lách cách từ trong kẹt đá vọng ra. Ông từ chỗ ngồi đứng lên và nhìn quanh. Nhưng vì thấy không có gì, ông nghĩ rằng đó chỉ là ảo giác, và ông trở lại sàn ngồi. Bỗng nhiên một luồng ánh sáng rọi ra từ kẹt đá. Trong màn ánh sáng có một người đàn ông màu đỏ cưỡi trên lưng một con nai đen do một người đàn bà đẹp dắt đi. Người đàn ông đánh Milarepa một cú cùi chỏ kèm theo một luồng gió ngộp thở, rồi biến mất. Người đàn bà trở thành một con chó cái màu đỏ, liền vồ lấy bàn chân ông. Milarepa nhận ra rằng đây là một bóng ma hiện hình do [nữ quỉ] Draug Srin Mo triệu gọi, vì thế ông hát bài hát sau đây cho nữ quỉ:

Con đảnh lễ Marpa, bậc ân huệ.

Ngươi, Draug Srin Mo ác độc của Linba Draug,

Ngươi, nữ ma tội lỗi

Xuất hiện trong hình thức phù chú ác ôn,

Trong khinh thường, ngươi đến tìm cơ hội [hại ta].

Ta không lừa dối trong khúc ca đầy giọng điệu:

Ta chỉ hát lời hiền lương và sự thật.

Giữa bầu trời xanh,

Năng lực của mặt trăng và mặt trời đem lại sự giàu sang.

Từ Cung Trời kỳ diệu chiếu ra ánh sáng

Nhờ đó tất cả chúng sinh được soi sáng và được thấy.

[Ta cầu cho] sao Chamju (1) sẽ không đối địch với

Mặt trời và mặt trăng khi chúng quay quanh Bốn Châu. (2)

Ở phương Đông, trên đỉnh Tuyết Sơn,

Darsen Gharmo, con sư tử tuyết cái, đem lại

sự thịnh vượng;

Nó là nữ hoàng của loài thú,

Không bao giờ ăn thịt thối.

Khi nó xuất hiện ở chân trời

Chớ hại nó bằng cơn bão táp!

Ở phương Nam, giữa những cây rừng,

Con cọp núi cái, Dagmo Ridra, mang lại sự thịnh vượng;

Nó là vô địch của tất cả trong các loài dã thú, hào hùng

và không gì thắng được.

Khi nó đi trên lối mòn hẹp và nguy hiểm,

Chớ phục kích nó bằng bẫy của thợ săn!

Ở phương Tây, trong biển lớn Ma Päm, xanh bát ngát,

Con cá [Bụng Trắng] Dogar Nya đem lại sự thịnh vượng;

Nó là vũ nữ tối thượng của thủy đại,

Trong cách thức tuyệt vời nó xoay tròn tròng mắt.

Khi nó tìm thức ăn ngon,

Chớ hại nó bằng lưỡi câu!

Ở phương Bắc, bên trên Tảng Đá Đỏ rộng,

Shajageubo, con linh thứu vĩ đại đem lại sự thịnh vượng;

Nó là nữ hoàng của loài chim.

Kỳ diệu thay, nó không lấy mạng sống của những con khác.

Khi nó tìm thức ăn trên ba đỉnh núi,

Chớ bẫy nó bằng lưới giăng!

Trong động Linba nơi những con linh thứu sống,

Ta, Milarepa, đem lại sự thịnh vượng.

Mục tiêu của ta là lợi ích của ta và những người khác,

Từ bỏ cuộc sống thế gian.

Với tâm giác ngộ, (3)

Ta cố gắng thành Phật trong chỉ một đời.

Tinh tấn và không phân tán, ta tu tập Pháp.

Draug Srin Mo, cầu chớ làm khổ ta!

Cầu hãy nghe bài hát này với năm ngụ ngôn và sáu ý nghĩa,

Khúc hát với nhịp điệu, khúc hát giống sợi dây vàng.

Draug Srin Mo đáng thương! Ngươi hiểu ta chăng?

Kết Nghiệp ác là một tội nặng.

Ngươi sẽ không chú ý đến Nghiệp tội lỗi này sao?

Ngươi sẽ không kiểm soát những suy nghĩ nguy hại và

trái tim độc ác của ngươi sao?

Nếu ngươi không nhận ra tất cả sự vật chỉ là tâm,

Những ma ảnh của Nhamdog (4) sẽ không bao giờ

ngừng lại.

Nếu không nhận ra rằng Tự Tánh của Tâm là không,

Làm sao có thể đuổi đi ác quỉ?

Ngươi, mụ phù thủy già quỉ ma tội lỗi! Chớ làm khổ ta!

Chớ hại ta, và hãy trở về chỗ ở của ngươi!

Lập tức nữ quỉ biến mất. Tuy nhiên, vẫn nắm bàn chân của Milarepa, nó đáp:

Ôi, ông, người con tài năng của Pháp,

Người một mình can đảm và cương nghị,

Hành giả yoga đi Con Đường Nghĩa Địa, (5)

Phật tử thánh thiện theo con đường khổ hạnh, Khúc hát của ông là lời Phật dạy.

Quí hơn vàng.

Đổi vàng để lấy đồng là đáng hổ thẹn.

Nếu tôi không chuộc những tội lỗi tôi đã phạm,

Tất cả những gì tôi từng nói là dối láo.

Để trả lời cho bài hát Nghiệp

Mà ông vừa mới hát cho tôi,

Hãy nghe kỹ những ẩn dụ của tôi.

Giữa bầu trời xanh,

Chiếu ánh sáng của hai vầng nhật nguyệt

Đem lại thịnh vượng cho địa cầu.

Như ông vừa nói,

Những tia sáng chiếu từ Cung Vô lượng (6) của chư Thiên

Xua đi bóng tối trong Bốn Châu,

Trong khi mặt trăng và mặt trời lượn vòng quanh Bốn Đảo,

Thoải mái ban cho ánh sáng;

Nếu không phải chúng bị chói lòa vì ánh sáng của chúng,

Làm sao sao La-hầu (7) có thể hại chúng?

Ở phương Đông, nơi núi tuyết như thủy tinh cao ngất,

Darsen Gharmo đem lại sự thịnh vượng;

Nó là nữ hoàng của loài thú;

Nó ra lệnh chúng như những tôi thần.

Khi nó xuất hiện ở chân trời,

Bão tố sẽ không làm hại nó Nếu nó không trở nên quá kiêu hãnh, kiêu căng.

Ở phương Nam, giữa cây rừng dày đặc,

Con cọp núi cái đem lại sự thịnh vượng;

Nó vô địch trong tất cả loài thú.

Với kiêu hãnh nó khoe những cuộc chinh phục

bằng móng vuốt;

Khi đến gần một lối mòn hẹp và nguy hiểm,

Nó phô trương niềm kiêu hãnh với dáng kiêu kỳ.

Nếu nó không phô trương những đường vằn và

nụ cười mê hoặc,

Không bao giờ nó bị sập bẫy thợ săn.

Ở phương Tây, dưới sâu của đại dương xanh ngát,

Con cá Bụng Trắng đem lại sự thịnh vượng;

Nó là vũ nữ trong thủy đại.

Nó xưng là nhà tiên tri của các thần vĩ đại.

Bởi vì tham ăn nó đi tìm thức ăn khoái khẩu.

Nếu nó không dùng thân huyễn hóa

Đi tìm thức ăn của người,

Làm sao lưỡi câu hại nó được?

Ở phương Bắc, trên Tảng Đá Đỏ rộng, Con linh thứu, nữ hoàng của loài chim,

mang lại sự thịnh vượng.

Nó là Thần (8) của loài chim, cư ngụ trên cây.

Nó kiêu hãnh tuyên bố rằng nó đặt định cho tất cả

loài chim.

Khi nó tìm máu và thịt để ăn,

Nó bay qua ba núi.

Nếu nó không bất ngờ đột kích con mồi,

Làm sao lưới bắt nó được?

Nơi Tảng Đá chim linh thứu ở, ông, Milarepa, đem lại

sự thịnh vượng.

Ông tuyên bố rằng ông đang làm điều tốt cho chính ông

và kẻ khác. (9)

Với Tâm Bồ-đề Toàn hảo nở hoa, ông chú tâm thiền định;

Tham vọng của ông là thành Phật trong một kiếp. Hy vọng của ông là độ chúng sinh trong Sáu Nẻo. (10)

Khi ông chú tâm tu tập thiền định,

Sức mạnh đầy năng lực của ý nghĩ do tập khí phát sinh, (11)

Nó khuấy động Tự Tâm và dấy lên phân biệt mê hoặc.

Nếu trong tâm ông, ý nghĩ phân biệt, “Kẻ thù,”

không bao giờ xuất hiện,

Làm sao tôi, Draug Srin Mo, làm khổ được ông?

Ông nên biết cái ác của ý nghĩ do thói quen Là chỉ từ tâm mà đến.

Tôi theo sự hướng dẫn của ông để làm gì Nếu ông chưa chứng ngộ Tâm Chân Như? (12)

Tốt hơn ông đi đường ông, trong khi tôi đi đường tôi.

Ai không chứng ngộ tánh không của tâm,

Không bao giờ thoát được ảnh hưởng của ác.

Nếu một người tự biết Tự Tâm,

Tất cả chướng ngại và khó khăn trở thành trợ giúp.

Ngay cả tôi, Draug Srin Mo, cũng vui vẻ làm người phục vụ.

Ông, Milarepa, vẫn còn những ý tưởng sai lầm,

Ông chưa vào được bản tánh của Tự Tâm.

Ông chưa thấu triệt căn nguyên của hư vọng.

Khi Draug Srin Mo hát xong, Milarepa cảm kích rất nhiều vì sự khôn ngoan của nữ quỉ. Ông tỏ vẻ rất hài lòng [và có chút ngạc nhiên] vì sự bày tỏ như thế từ một nữ quỉ, để đáp lại, ông hát bài “Tám Ngụ Ngôn về Suy Nghĩ”:

Phải! Phải! Những gì ngươi vừa nói là đúng, quả thật đúng.

Ôi! Ngươi, Draug Srin Mo xấu nết,

Khó tìm được lời nào đúng hơn thế.

Dù ta đã du hành xa và rộng,

Mà chưa từng nghe được bài hát nào đẹp như thế.

Dù cho có trăm đại học giả tụ tập nơi này,

Cũng không thể đưa ra được chứng minh nào hay hơn nữa.

Ngươi, một yêu quái, đã hát những lời rất tốt;

Chúng giống như một thỏi vàng,

Đập vào ngay trái tim ta.

Như thế Tâm-Khí, (13) sự chấp Pháp (14) đã được hóa giải.

Sự mù quáng vô minh của ta như vậy đã được sáng soi.

Đóa sen trắng Trí Tuệ như vậy nở ra;

Ngọn đèn soi sáng Tự Tỉnh Giác (15) được thắp sáng;

Và chú tâm của tỉnh thức được giải thoát hoàn toàn.

[Khi quán nó] sự chú tâm này được giải thoát

Ta nhìn lên bầu trời xanh vĩ đại,

Chứng ngộ hoàn toàn tánh không của hiện thể;

Của hiện hữu hiển nhiên,

Ta không có lo âu hay sợ hãi.

Khi ta nhìn mặt trời và mặt trăng

Ta nhận ra sự trần truồng của chúng, hào quang

Yếu Tánh của Tâm;

Về phân tán và hôn trầm (16) ta không có sợ.

Khi ta nhìn lên đỉnh núi,

Ta nhận ra Tam-muội bất động rõ ràng;

Về thay đổi và chuyển lưu, ta không có sợ.

Khi ta nhìn xuống dòng sông chảy,

Ta nhận ra đầy đủ tánh chảy của tất cả dòng;

Về tà kiến không nguyên nhân, ta không có sợ

hay nhầm lẫn.

Khi ta chiêm nghiệm [hiện hữu hư huyễn] giống như

cầu vồng

Ta thấy rõ ràng tính đồng nhất của Sắc và Không;

Về các tà kiến thường còn và đoạn diệt,(17) ta không có sợ.

Khi ta thấy những cái bóng và trăng trong nước,

Ta hoàn toàn nhận thức được sự tự-sáng của

Không chấp trước;

Về những ý nghĩ chủ quan và khách quan,

ta không có sợ. (18)

Khi ta nhìn vào trong tâm tự tỉnh giác,

Ta thấy rõ ràng ánh sáng của ngọn đèn bên trong;

Về mù quáng vô minh, ta không có sợ.

Khi ta nghe những gì ngươi, con ma tội lỗi, đã hát,

Ta đã nhận ra đầy đủ bản tánh của tự tỉnh giác;

Về chướng ngại và khó khăn, ta không có sợ.

Ngươi, yêu quái, quả thật là nói năng hùng biện!

Ngươi có thực hiểu bản tánh của tâm như ngươi đã nói?

Hãy nhìn sự sinh xấu xa của một yêu quái già xấu xí mà ngươi đã làm công đức!

Ngươi không làm gì trừ những hành vi xấu ác.

Đấy bởi vì sự vô minh về Pháp và bất chấp đạo đức

của ngươi.

Ngươi nên chú ý cần mẫn hơn

Những cái xấu và khổ đau của luân hồi.

Ngươi nên triệt để khước từ Mười Ác Hạnh! (19)

Một hành giả yoga, như sư tử, ta không sợ cũng

không kinh hoảng.

Ngươi, con quỉ tội lỗi, chẳng nên nghĩ lời bông đùa (20)

của ta là thực.

Ta chỉ chế nhạo ngươi thôi.

Ôi ma quỉ! Chiều nay ngươi đã cười nhạo ta!

Nhưng bây giờ chúng ta có thể theo truyền thuyết về Phật

và Năm Con Quỉ, (21)

Và hãy cầu cho Tâm Bồ-đề Toàn Hảo xuất hiện nơi ngươi!

Với thệ nguyện thuần khiết của ngươi, kết hợp với

bi tâm của ta,

Hãy nguyện cho ngươi trở thành một trong những đệ tử

của ta trong đời vị lai.

Xúc động vì lời đáp của Milarepa, một niềm tin đầy đủ nơi Jetsun trổ hoa trong lòng Draug Srin Mo. Nữ quỉ buông bàn chân của Milarepa ra và hát với giọng ngọt ngào:

Nhờ đức hạnh của Công Đức tích lũy (22)

Mà ông, ôi hành giả yoga tài năng,

Có thể tu hành Pháp

Và ở một mình trong cô tịch núi non này!

Đôi mắt từ bi của ông nhìn khắp tất cả chúng sinh!

Tôi theo Dòng Truyền Thừa của Bedma Tutrin (23)

Và đã nghe chuỗi lời quí giá trong thánh Pháp.

Dù tôi đã lắng nghe nhiều giảng dạy,

Và dự các đại hội [thính chúng],

Lòng tham và chấp trước của tôi còn nhiều quá độ.

Tôi đưa những người theo Pháp đến điều lành;

Tôi chỉ Đường đúng cho các Phật tử tài năng.

Dù ý định của tôi thân thiện và động cơ của tôi tốt.

Tôi phải tìm thức ăn cho thân thể suy đồi này.

Tôi lang thang trên trái đất trong hình dạng ác hại này,

Ham máu thịt làm thực phẩm.

Tôi nhập vào hồn bất cứ người nào tôi gặp;

Tôi kích thích trái tim của những trinh nữ, xinh và hấp dẫn;

Tôi làm cho máu của những thanh niên, đẹp trai và

khỏe mạnh điên lên vì nhục dục. Với mắt tôi, tôi vui nhìn tất cả những màn thảm kịch;

Với tâm tôi, tôi xúi giục những thèm khát nơi mọi quốc gia;

Với thân tôi, tôi làm cho người ta kích động và bất an.

Nhà tôi ở Linba,

Chỗ tôi ở là trong Tảng Đá.

Đây là những việc tôi làm,

Đây là câu trả lời thành thật và tự thú thiện lương.

Đây là lời chào mừng sự gặp gỡ của chúng ta,

Đây là bằng chứng niềm tin của tôi nơi ông, và

của những gì tôi cống hiến.

Hát bài hát lương thiện này,

Chúng ta hãy phấn khởi và vui sướng.

Milarepa nghĩ, “Sự dò hỏi nhiệt tình của nữ quỉ này phải được trả lời khéo léo, và sự kiêu hãnh của y thị đã lắng xuống rồi.” Rồi ông hát:

Hãy nghe, hãy nghe cho kỹ, mụ phù thủy già đồi bại.

Đạo Sư tốt, nhưng đệ tử xấu.

Những ai chỉ nghe và đọc lời dạy về Pháp,

Chỉ là nắm lấy lời.

Họ chẳng hiểu chân Pháp.

Hùng biện và thuyết phục như lời nói có thể âm vang,

Chẳng hữu dụng và cũng chẳng giá trị gì trong đó.

Những câu nói gạt gẫm và cuộc nói chuyện trống rỗng

Không giúp gì trong sự tẩy sạch ô nhiễm của tâm.

Bởi vì tập khí xấu của ngươi đã thành hình trong quá khứ,

Và những việc làm ác của ngươi trong hiện tại, Ngươi đã phạm các Giới và Thệ Nguyện của ngươi. (24)

Do sức mạnh của những vi phạm này,

Ngươi đã sinh ra trong thân đàn bà hạ đẳng.

Thân của ngươi lang thang trong ám ảnh khốn cùng

của loài ăn thịt người;

Lời ngươi nói là tự lừa gạt;

Tâm của ngươi ứ đầy những ý nghĩ làm khổ người.

Ấy là vì ngươi bất chấp Nghiệp Luật,

Mà sinh nơi hạ đẳng mang thân xấu xí,

Nếu bây giờ ngươi nghĩ đến những cái xấu của luân hồi

Ngươi nên thú nhận lỗi lầm, và hứa làm điều thiện.

Như sư tử, ta không sợ hãi;

Như con voi, ta không có lo âu;

Như người điên, ta không có giả vờ và hy vọng.

Ta nói với ngươi sự thật lương thiện của ta.

Gây phiền nhiễu và làm khổ ta Chỉ đem lại cho ngươi thêm sầu muộn.

Hãy lập nguyện hướng về thanh tịnh Pháp.

Hãy lập ước mong làm đệ tử của ta trong vị lai.

Ôi, ngươi, mụ phù thủy già, lầm lẫn, hư đốn,

Hãy suy nghĩ cẩn thận những lời này!

Draug Srin Mo bây giờ hiện hình như trước, và với lòng lương thiện, thị hát:

Trong chư Phật Thánh Thiện của Ba Thời, (25)

Phật Vajradhara (Kim Cương Trì) là chính;

Ngài cũng là Chủ Tể của Diệu Pháp.

Sự khởi phát của Tâm Bồ-đề quả thật phi thường.

Ông có thể gọi tôi mụ phù thủy già hư đốn, nhưng tôi

thật có những Công Đức lớn.

Sự hiểu đúng đã phát sinh khi tôi nghe ông cảnh cáo.

Trước kia tôi đã thề vâng theo những chỉ dạy của

Đạo Sư tôi,

Tôi đã nghiên cứu và học thánh Pháp.

Nhưng rồi tôi tự đẫm mình, cấu kết với những hành vi ác.

Với những ô nhiễm (26) xấu xa thiêu đốt điên cuồng,

không thể chịu được trong trái tim tôi. Tôi sinh ra trong thân hình xấu xí của một nữ quỉ.

Tôi đã có ý muốn giúp tất cả chúng sinh,

Nhưng bao lần đều mang kết quả xấu.

Ông, đại hành giả yoga, đã đến vào đầu năm ngoái;

Ở một mình trong hang động, ông thiền định trong cô tịch.

Đôi khi tôi thích ông, nhưng đôi khi tôi không thích!

Ấy là vì tôi thích ông nên tôi đến đêm nay;

Ấy cũng vì không thích, tôi đã nắm chân ông.

Bây giờ tôi hối tiếc vì hành vi xấu ấy.

Từ đây về sau, mụ phù thủy già khốn khổ này sẽ từ bỏ những việc làm sai trái;

Với tất cả trái tim, mụ sẽ tu tập Pháp;

Sẽ phụng sự Phật Giáo với hết sức mình.

Từ đây về sau, với bóng mát của cây ân điển,

Xin làm ơn bảo vệ mụ khỏi Năm Dục Độc. (27)

Tôi, người đàn bà hư đốn với thân hình xấu xí,

qui y nơi ngài,

Và nương tựa những điều ngài chỉ dạy.

Cũng từ đây tôi từ bỏ những móng tâm độc ác.

Từ bây giờ cho đến khi thành Phật, Tôi thề sẽ bảo vệ các hành giả yoga, và thân thiện

với tất cả những ai thiền định.

Tôi sẽ phục vụ và trợ giúp những người theo Giáo Pháp,

Và những người giữ Giới Luật.

Với những hành giả yoga thượng đẳng và Pháp,

tôi sẽ là người phục vụ thiện lương.

Vì vậy, Draug Srin Mo đã thề trước Milarepa rằng trong tương lai bà sẽ không bao giờ hại bất cứ người nào. Bà cũng nguyện bảo vệ tất cả những ai thiền định. Để hướng dẫn Draug Srin Mo, lúc ấy Milarepa hát:

Ta là một kẻ tôn nghiêm đã từ khước luân hồi;

Ta là đứa con cao quí của Đạo Sư ta;

Trong ta chứa những lời dạy quí báu;

Một Phật tử với lòng thành và sùng mộ rất nhiều.

Ta là hành giả yoga nhận biết tự tánh của hiện thể;

Ta như một bà mẹ đối với tất cả chúng sinh;

Ta là người đàn ông can đảm, kiên trì,

Kẻ ôm giữ tinh thần của Phật Cồ-đàm,

Ông chủ của Tâm Bồ-đề phát nguyện.

Ta là người luôn dính liền với từ ái;

Với đại bi, ta đã làm tất cả những ý nghĩ xấu xa lắng xuống.

Ta là kẻ ở trong hang động Linba,

Tu tập thiền định mà không phân tán.

Ngươi có nghĩ ngươi bây giờ an lạc? Ngươi, mụ

phù thủy già khốn nạn, lầm lẫn!

Nếu ngươi không thấy an lạc, ấy là lỗi của ngươi.

Hãy coi chừng! Sự chấp ngã (28) của ngươi còn lớn hơn chính ngươi;

Hãy chú ý! Xúc cảm của ngươi còn mạnh hơn chính ngươi.

Ôi, tinh ma, ý chí xấu xa của ngươi còn tệ hại hơn

chính ngươi;

Ý nghĩ theo thói quen của ngươi còn nhiều đặc tính hơn chính ngươi;

Tâm hành không ngừng (29) của ngươi còn cuồng loạn hơn chính ngươi!

Chủ trương ma hiện hữu,

Chỉ đem lại điều ác;

Hiểu rằng ma không hiện hữu Là con đường của Phật;

Biết rằng ma và Thực tại là một

Là con đường đưa đến Giải Thoát.

Biết rằng ma là tất cả cha mẹ của một người

Là hiểu đúng;

Nhận ra rằng chính ma ấy là Tự Tâm Là vinh quang tối thượng.

Ngươi sẽ được giải thoát khỏi tất cả xích xiềng

Nếu ngươi nhận ra sự thật mà ta vừa nói;

Đây là lời chỉ dạy của ta cho ngươi, nữ quỉ!

Trở thành đệ tử của ta, ngươi phải giữ giới.

Không vi phạm luật của Kim Cang Thừa, (30)

Không làm giảm giá đại Bi,

Không làm khổ thân, khẩu, và ý của hàng Phật tử.

Nếu khi nào ngươi vi phạm các luật này,

Ngươi chắc chắn rơi thẳng xuống Ngục Vajra!(31)

Hãy đọc lại ba lần các luật quan trọng này;

Hãy nhớ ý nghĩa và thực hành những luật đó.

Bây giờ chúng ta hãy lập lời ước nguyện, và cầu cho

ân huệ chóng đến với ngươi!

Với Tâm Bồ-đề vô song, to lớn không thể nghĩ bàn,

Nguyện cho ngươi được sự gia trì lớn.

Trong kiếp sau của ngươi,

Nguyện cho ngươi lúc ấy trở thành đệ tử lớn của ta, Ôi, nữ nhân của Dorje Semba. (32)

Sau khi Draug Srin Mo thề trước Jetsun, bà đảnh lễ với ông và cũng đi nhiễu quanh ông nhiều lần. Bà thề rằng từ đây về sau bà sẽ vâng theo tất cả những mệnh lệnh của ông. Rồi bà biến mất vào bầu trời như một chiếc cầu vồng.

Lúc ấy, trời đã bình minh, mặt trời chiếu sáng. Sau một lúc Draug Srin Mo trở lại, đem theo anh chị em và đám tùy tùng, tất cả đều có bộ mặt đẹp, với áo quần đẹp nhất, đến gặp Jetsun. Họ dâng ông nhiều lễ vật.

Draug Srin Mo nói với Milarepa, “Con là một con ma đầy tội lỗi. Bị ác Nghiệp ép buộc, con bị vướng trong hình dáng sinh trong hạ đẳng; bị niệm tưởng tập khí xấu đưa đẩy, con đã làm cho những kẻ khác cũng trở thành xấu. Con xin thầy tha thứ cho con. Những ý định xấu đã khiến con làm điều ác với thầy. Con xin thầy tha thứ cho con vì những việc con đã làm. Từ nay về sau, con sẽ nghiêm túc vâng lệnh thầy và cố gắng làm người phục vụ lương thiện của thầy. Xin thầy hãy ân huệ nói cho chúng con nghe Chân Lý tối thượng mà thầy đã giác ngộ được.” Để tạo nó thành thỉnh nguyện, Draug Srin Mo hát:

Ôi, Ngài! Ngài [bậc vĩ đại]! Con của các đấng đại hùng!

Đã tích lũy rất nhiều công đức,

Thầy đã trở thành một bậc tài năng;

Thuộc Truyền Thừa khác biệt, (33) Thầy được phú cho những Làn Sóng Ân Huệ. (34)

Thầy là người thiền định với đại kiên trì, chịu ở một mình,

Tinh tấn tu hành những lời dạy sâu xa.

Với thầy không quỉ ma, không chướng ngại!

Qua chứng ngộ tiểu vũ trụ của các Kênh và Khí,

Thầy có thể làm những kỳ tích phi thường.

Chúng con và thầy trong quan hệ hài hòa.

Những ước mong thuần khiết của chúng ta trong những

đời trước đã đem lại cuộc gặp gỡ này.

Dù con đã gặp nhiều bậc thánh thành tựu,

Chỉ qua thầy con mới nhận được ân huệ và dẫn dắt.

Con, một phù thủy già ma quỉ, nói với lòng chân thành!

Chân Lý Phương Tiện của Tiểu Thừa (35) có thể

không bảo đảm;

Quả thật khó khắc phục các nhiễm ô vì Nghiệp!

Người ta có thể hùng biện thuyết Pháp,

Nhưng không ích dụng gì khi khổ và khốn cùng đến.

Loại Đạo Sư đó lạc mất con đường Pháp,

Sẽ không giúp được chính mình và chỉ oán ghét.

Thầy! Hiện thân của Phật (36) trong Ba Thời,

Chứng ngộ chân lý bất động của Pháp Tánh. (37)

Với nội giáo, thầy tu hành tinh hoa của Pháp.

Ở chỗ gia trì này, nơi Giác Ngộ Tối Hậu sinh ra,

Chúng con, Draug Srin Mo và đám tùy tùng, Cầu mong thầy minh giải cho chúng con giáo lý Tối Mật.

Khẩn nguyện! Ban cho chúng con mật ngữ Kim Cang Thừa,

Chân Lý Tối Hậu;

Khẩn nguyện! Dạy cho chúng con Trí Tuệ đại quang minh, Khẩn nguyện! Ban cho chúng con hào quang Ánh sáng!

Nhờ nghe Chân Lý bất động, Mật Giáo thâm sâu,

Người ta sẽ không rơi vào đường hạ đẳng.

Qua tu tập lời dạy của Mật Giáo,

Người ta sẽ không lang thang trong các nẻo luân hồi.

Không cất dấu và giữ kín,

Chúng con cầu mong thầy khai mở cho chúng con

Chân Lý vẹn toàn.

Lúc ấy Milarepa nói, “Theo ta thấy, bây giờ không phải tất cả các ngươi đều có thể tu tập giáo lý tối thượng về Chân Lý bất động. Nếu ngươi khăng khăng đòi học Nội Giáo thì phải thề với mạng sống và dâng tín vật làm lời trọng thệ.”

Vì vậy, Draug Srin Mo thề rằng từ đây bà sẽ tuân theo tất cả mọi mệnh lệnh của Jetsun, phải phục vụ và trợ giúp tất cả mọi Phật tử. Để trả lời các câu hỏi của bà, Milarepa hát một ca khúc, “Pháp Chân Thật và Bất Động về Hai Mươi Bảy Sự Biến Mất”:

Với đức Phật bí mật trong thân người,

Với Dịch Giả vô song, Marpa, Sư phụ của con,

Dưới chân Người con đảnh lễ, ôi Bậc Ân Huệ!

Ta không phải là một ca sĩ thích biểu diễn

tài nghệ của mình,

Nhưng ngươi, nữ quỉ, yêu cầu ta hát và lại hát.

Hôm nay ta sẽ hát cho ngươi về Chân Lý Tối Hậu.

Sấm, chớp, và mây,

Xuất hiện như vậy từ bầu trời,

Biến mất và lui về trong đó.

Cầu vồng, sương mù, và hơi nước,

Xuất hiện như vậy từ bầu trời,

Biến mất và lui về trong đó.

Mật ong, trái cây, và hoa màu sinh ra từ trái đất;

Tất cả đều biến mất và lui về trong đó.

Hoa, lá, và rừng,

Xuất hiện như vậy từ đất,

Biến mất và lại trở về với đất.

Sóng lăn tăn, thủy triều, và dòng nước,

Xuất hiện như vậy từ đại dương,

Cũng biến mất và trở về với đại dương.

Niệm tưởng do tập khí, chấp trước, và dục vọng,

Xuất hiện như vậy từ Thức A-lại-da, (38)

Tất cả biến mất và trở về với A-lại-da.

Tự tỉnh giác, tự chiếu sáng, và tự giải thoát,

Xuất hiện như vậy từ Tự Tánh của Tâm,

Tất cả biến mất và tan lại trong tâm.

Không sinh, không diệt, không hình tướng,

Xuất hiện từ Pháp Tánh

Và tất cả lại trở về Pháp Tánh.

Ma cảnh, ảo ảnh, và thị kiến ma quỉ,

Tất cả sinh ra từ Yoga,

Và tất cả lại trở về và biến mất trong Yoga.

Nếu một người bám vào thực tại của ảo ảnh, (39)

Y sẽ bị nhầm lẫn trong thiền định.

Nếu y không biết rằng tất cả chướng ngại Đều hiển lộ Không, hiện tướng của Tâm,

Y sẽ bị dẫn dắt sai lầm trong thiền định.

Chính căn nguyên của tất cả nhầm lẫn Cũng từ tâm mà đến.

Kẻ nào nhận ra bản tánh của tâm,

Sẽ thấy đại Quang Minh không đến cũng không đi.

Quán sát bản tánh của tất cả hình tướng bên ngoài,

Y chứng ngộ rằng chúng chỉ là thị kiến hư vọng của tâm.

Y cũng thấy tính đồng nhất của Không và Sắc.

Hơn nữa, thiền định là một vọng tưởng;

Không thiền định cũng là vọng tưởng.

Ngươi thiền định hay không thì cũng giống nhau.

Phân biệt cái “hai” (40) là nguồn gốc của tất cả

những cái thấy sai.

Theo quan điểm tối hậu thì không có cái thấy nào cả.

Đây là bản tánh (41) của Tâm.

Giáo lý quán sát về

Pháp Tánh được minh họa bằng tỉ dụ hư không.

Ngươi, Draug Srin Mo, nên nhìn vào nghĩa của

bên kia niệm tưởng;

Ngươi nên nhập vào cảnh giới không phân tán trong

thiền định;

Ngươi nên hành động tự nhiên và tự phát,

Luôn luôn ý thức về Tự Tánh.

Thành tựu thì ở bên kia ngôn từ, không sợ hãi và hy vọng.

Ta không có thì giờ để hát cho vui, lải nhải với

những lời rỗng tuếch.

Ôi, tinh ma! Hãy nghĩ về Pháp cát tường.

Hãy hỏi ít, đừng nêu nhiều câu hỏi;

Nhưng hãy thư giãn và ngồi thoải mái!

Ta đã hát như ngươi yêu cầu;

Đây là những lời hát điên của ta. (42)

Nếu ngươi có thể tu tập chúng,

Khi đói, ngươi sẽ ăn thức ăn Đại Cực Lạc, (43)

Và sẽ uống Cam Lồ (44) khi khát. Rồi ngươi có thể giúp các hành giả yoga bằng hành động.

Vì vậy Draug Srin Mo và đám tùy tùng tràn ngập sùng mộ Jetsun, đảnh lễ và nhiễu quanh ông nhiều lần. Họ kêu lên, “Tôn giả, chúng con thực biết ơn ngài sâu xa!” và họ biến đi như một chiếc cầu vồng, mất dạng trong bầu trời. Từ đó về sau, họ tuân lệnh Milarepa; họ phục vụ các hành giả yoga, không bao giờ làm hại, và trở thành bạn tốt của họ.

Đây là câu chuyện về [cuộc gặp gỡ của Milarepa với] Draug Srin Mo ở hang Linba.

Chú Thích Chuyện 4

(1) Sao La-hầu (Ruha) hay Sao Chamju (T.T.: Khyab.hJug): một hành tinh truyền thuyết cho là xấu ác đối với định mệnh loài người, và được biết đến vì liên tục trả thù mặt trời và mặt trăng cho hả giận.

(2) Bốn Đại Châu: Xem Chuyện 2, Chú thích 15, 16, và 17

(3) Tâm giác ngộ ‒ Tâm Bồ-đề (Ph.: Bodhicitta; T.T.; Byan. Chub.Sems.): Thuật ngữ quan trọng nhất và thường được dùng trong Phật Giáo Đại Thừa có nghĩa là tinh thần, giáo pháp, và triết lý nền tảng của Đại Thừa. Hai nghĩa quan trọng nhất trong các nghĩa và áp dụng của thuật ngữ này là: thứ nhất, lời nguyền và hành động giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ và đưa họ đến Phật Tánh; thứ nhì, sự trực tiếp nhận ra Chân Như. Để làm rõ nghĩa những hình thái khác nhau này chữ „Bodhicitta,‟các thuật ngữ Tâm Bồ-đề, Tâm giác ngộ, v.v…, được dùng thay nhau trong sách này. Xem Chuyện 1, Chú thích 20.

(4) Nhamdog (T.T.: rNam.rTog.): Đây cũng là một thuật ngữ rất thường dùng trong các bản văn Phật Giáo. Nó có nhiều nghĩa, như là, dòng niệm tưởng miên tục, ý niệm hư huyễn, những ý nghĩ cuồng loạn không thể kiểm soát. Xem Chuyện 1, Chú thích 12.

(5) Đi Con Đường Nghĩa Địa: Các hành giả yoga Mật Điển (Tantra) được thúc giục tu tập thiền định trong nghĩa trang, khung cảnh chung quanh như thế được xem là cực kỳ hữu ích cho sự tiến bộ xa hơn.

(6) Cung Vô Lượng (T.T.: gShal.Yas.Khan): “nơi cư ngụ” trên trời của đức Phật trong cõi “Tịnh Độ,” siêu vượt sự giới hạn của không gian, và không thể đo lường được.

(7) Đây ám chỉ nguyệt thực hay nhật thực. Xem Chú thích 1.

(8) Thần (Phạn: Deva; T.T.: lHa.): Trong kinh sách Tây tạng, tất cả chư Phật, Bồ-tát, thiên, thần, đều gọi là “Lha,” nhưng ở đây chỉ dùng theo nghĩa tượng trưng.

(9) Phật Giáo Đại Thừa dạy rằng tất cả những tu tập tôn giáo và nỗ lực tâm linh đều phải cống hiến cho lợi ích và giải thoát tất cả chúng sinh.

(10) Sáu Nẻo [Lục đạo]: Sáu Giới hay Cõi (Ph.: Lokas) là những nơi các loại chúng sinh khác nhau sống dưới những điều kiện khác nhau. Thần, người, a-tu-la sống ở ba Cõi trên; súc sinh, ngạ quỉ (quỉ đói), và cư dân của địa ngục sống ở ba Cõi dưới.

(11) Ý nghĩ do tập khí (T.T.: Bag.Chags.; Phạn: Vàsanā): Theo Phật Giáo Đại Thừa, nhất là Duy Thức Tông (Yogacara), “thức” của chúng sinh bị những ý nghĩ do thói quen đem ra chơi đùa. Nhân và quả tất cả đều được tạo ra từ “những nội dung tâm thần” tích lũy đã được chứa nhóm trong thức A-lại-da hay Hàm tàng thức.

(12) Như Tánh (T.T.: De.bShin.Nid.; Ph.: Tathatā): cũng được dịch là “Tánh đó” hay “Tánh ấy,” ám chỉ Chân Như hay Thực tại Tuyệt Đối, nhất thiết không thể diễn tả được, nó luôn như vậy trong tất cả mọi thời.

(13) Xem Chuyện 1, Chú thích 17.

(14) Chấp Pháp: Theo Phật Giáo, có hai hình thức chấp: (1) Chấp ngã (xem chú thích 28), và (2) Chấp pháp. Chấp pháp ám chỉ khuynh hướng bẩm sinh chấp hữu, sự hiện thân là có thực và tồn tại. Chính quan niệm về “hữu,” Phật Giáo Đại Thừa tuyên bố, là một sản phẩm của Chấp pháp.

(15) Tự Tỉnh Giác (T.T.: Ran.Rig.): Tự Tỉnh Giác hay khả năng tự chứng kiến của ý thức mà nó là, theo Duy Thức Tông, chính là tâm. Nhiệm vụ của tự tỉnh giác là ý thức về chính ý thức; nó là thức thuần túy không có bất cứ nội dung chủ thể nào. Tu dưỡng thức thanh tịnh này là tu tập tột cùng của Đại Thủ Ấn.

(16) Phân tán và hôn trầm: Tất cả những người tu tập thiền định đều kinh nghiệm hai chướng ngại này – hai kẻ thù chính của hành giả yoga.

(17) Tâm con người có khuynh hướng hoặc bám vào cái “Thấy hiện hữu và thường còn” hay cái “Thấy đoạn diệt và không hiện hữu.” Cái trước bám vào sự hiện hữu vĩnh viễn của hiện thể thực hữu, và cái sau bám vào sự hủy diệt tối hậu của toàn bộ hiện hữu. Phương thuốc chữa trị cho cả hai cực đoan hay “tà kiến” này là Giáo lý Trung Đạo mà Phật Giáo chủ trương.

(18) Hay chủ thể và khách thể: Tất cả những quan niệm và cảm xúc được đặc trưng bằng mô hình chủ-khách – cái biết và cái được biết, người yêu và người được yêu, v.v… Mô hình tư tưởng nhị nguyên này là nguyên nhân nền tảng của luân hồi [samsāra]. Giác ngộ chỉ là sự biến đổi và giải thoát ra khỏi hai mép nắm giữ của chiếc kềm nhị nguyên.

(19) Xem chuyện 2, Chú thích 21

(20) Những lời nói đùa: Ở đây Milarepa ám chỉ những nhận xét của ông tán dương nữ quỉ Draug Srin Mo, ở đầu ca khúc thứ nhất, chỉ là sự chế nhạo.

(21) Đức Phật và Năm Con Quỉ: Vào buổi chiều trước khi Giác Ngộ, Phật Cồ-đàm đã hàng phục những con quỉ của Năm Dục Vọng đến hại Ngài.

(22) Sự tích lũy hay kho chứa công đức (T.T.: Tshogs.bSags.): Một ngữ cú khác thường dùng trong Phật Giáo. Thuật ngữ này ám chỉ một giáo pháp khá phức tạp của đạo đức Phật Giáo. Vắn tắt, toàn bộ “trạng thái lành mạnh,” hoặc thế gian hay tôn giáo, vật chất hay tinh thần, luân hồi hay niết bàn, đều được mang đến hiện hữu qua những hành vi công đức. Phật Tánh được xem như là sự hoàn thành của tất cả mọi công đức.

(23) Bedma Turin (T.T.: Pat.Ma.Thod.Phrin.): Đây là một tên khác của Padma Sambhava (Liên Hoa Sanh), đại hành giả yoga Ấn Độ, người sáng lập phái Ningmaba [phái Cổ Mật] của Tây Tạng.

(24) Phạm Giới và các Thệ nguyện: Nữ quỉ này đã một lần thề trước ngài Liên Hoa Sanh (Padma Sambhava) bảo vệ Pháp và giữ Giới Luật.

(25) Ba Thời: Quá khứ, hiện tại, và vị lai.

(26) Ô nhiễm (Ph.: Kleśas; T.T.: Non.Mon.Pa.): Từ này rất khó dịch sang tiếng Anh một cách chính xác, bởi vì nó có nhiều nghĩa khác nhau. Thường nó có nghĩa là những đam mê và dục vọng bừng cháy, như ham nhục dục, ghét, giận, mù quáng, phân tán, và những cái tương tự. Những dục vọng bẩm sinh và có được [từ bên ngoài] mà chúng cản trở đường đến Niết Bàn, là những ô nhiễm.

(27) Năm Dục Độc, hay Năm Ô Nhiễm: nhục dục, ghét, mù quáng, kiêu hãnh, và ganh tị [Tham, Sân, Si, Ngã mạn và Ganh tị]

(28) Chấp ngã (Phạn: Ātma-grāha; T.T.: bDag.hDsin.): sự mê hoặc về một cái ta thường hằng, vô điều kiện, tạo nên sự miên tục của hiện hữu luân hồi. Sự chấp ngã tự hiện thân trong hai hình thức: (1) Ngã bẩm sinh hay bất sinh, khái niệm nền tảng của cái “ta”; và (2) Ngã sở đắc, được phát triển qua kinh nghiệm và học vấn.

(29) Tâm hành không ngừng hay dòng niệm tưởng miên tục: Niệm tưởng của con người không bao giờ ngừng, dù ý thức hay không. Chúng tiếp tục chảy không ngừng, giống như một thác nước.

(30) Luật của Kim Cương Thừa: Các giới luật Mật Giáo hay Samaya [Mật nguyện].

(31) Ngục Vajra: Luyện Ngục là nơi mà tất cả những ai vi phạm các Giới Luật Mật Giáo đều đến đó [nơi ăn năn hối lỗi].

32) Dorje Semba [Phạn: Vajrasattva, Việt: Kim Cang Tát Đỏa]: Trong năm vị Phật của “Man-đa-la,” đây là vị ngồi ở chính giữa, đôi khi cũng gọi là Dorje Chang [Phạn: Vajradhara, Việt: Kim Cương Trì], tất cả các giáo lý của Tan-tra đều phát xuất từ vị Phật này.

(33) Truyền Thừa: Sự thừa kế các giáo lý Mật Giáo.

(34) Làn Sóng Ân Huệ: Năng lực gia trì phát xuất từ các Đạo Sư của Truyền Thừa. Năng lực gia trì này, hay làn sóng ân huệ, được xem như là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một hành giả yoga trong sự sùng mộ của ông ta. Người ta nói rằng tốc độ của sự thành tựu của hành giả phần lớn tùy thuộc vào cường độ và mức lượng của những làn sóng ân huệ mà ông ta có thể nhận được từ vị Đạo Sư của mình.

(35) Tiểu Thừa (Ph.: Hinayāna): có nghĩa đen là cái Xe Nhỏ, ám chỉ hình thức nguyên thủy của Phật Giáo phát triển sau khi đức Thích Ca Mâu Ni diệt độ. Phật Giáo Tiểu Thừa hiện thời đang chiếm ưu thế ở Tích lan (Ceylan), Miến điện, và Thái lan, vì thế nó còn được biết như là Phật Giáo Nam tông đối lại với Đại Thừa (Mahāyāna), có nghĩa là chiếc Xe Lớn, hiện chiếm ưu thế ở Tây Tạng, Trung hoa, Triều tiên, và Nhật bản. [Giáo sư Chang nói đây là vào các thập niên của cuối thế kỷ 20, và ông đã không nhắc đến Việt Nam. ND].

(36) Vì tôn kính, Draug Srin Mo gọi Milarepa là “Trolgu,” Hiện thân hay Hóa Thân của Phật (T.T.: sPrul.sKu.). Tuy nhiên, bản thân Milarepa không bao giờ tuyên bố rằng mình là một hiện thân của Phật hoặc một hiện thể bề trên, tài năng nào cả. Ông khẳng định rằng ông là một người bình thường.

(37) Pháp Tánh (Ph.: Dharmata; T.T.: Chos.Nid.): có nghĩa là bản tánh hay chân lý của hiện thể.

(38) Thức A-lại-da (Ph.: Ālaya) hay thức Hàm tàng: Thức thứ tám [Tàng thức]. Thức này có hơn mười tên khác nhau, xuất hiện trong các bản văn khác nhau của Phật Giáo, mỗi tên chỉ một trong những hình thái hay đặc tính của nó. Triết học Duy thức của Yogacara nhấn mạnh chủ yếu vào sự nghiên cứu về Thức này. Tiếng Tây Tạng “Kun.gShi.rNam.Ces.” có thể dịch là “Thức Phổ Biến hay Nguyên Sơ,” “Thức của Tất Cả Mọi Căn Nguyên,” “Thức của Nghiệp Thuần Thục,” v.v… Sự nghiên cứu tốt về Thức này là cần thiết để hiểu tốt hơn các giáo lý của Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Mật Thừa. Xem Chuyện 10, Chú thích 1.

(39) Dịch theo nghĩa đen là: “ảo ảnh của ma.” Milarepa ám chỉ những ma thuật biến hiện của Draug Srin Mo.

(40) Ý niệm về “Có và Không,” xác định và phủ định.

(41) Nghĩa đen: Sắc Tánh (T.T.: mTshan.Nid.): Từ này vốn có nghĩa là sự xác định, lý do, thể tính, bản tính, v.v… Ở đây Milarepa dùng nó theo một nghĩa rất lơi lỏng ám chỉ một cái gì đó hoàn toàn khác với cách dùng thông thường của từ này.

(42) Các hành giả yoga đã giác ngộ thường có óc khôi hài tốt. Ý thức đầy đủ về giới hạn của lời nói và tính cách phi lý của những khái niệm của con người, đôi khi họ chế nhạo lời nói của họ, mà nó cũng không thể thoát được tình trạng lưỡng nan và vốn có trong cách suy nghĩ và diễn đạt của con người.

(43) Đại Cực Lạc (T.T.: bDe.Chen.): ám chỉ sự xuất thần ngây ngất mà hành giả yoga kinh nghiệm trong thiền định.

(44) Cam lồ: Dịch theo nghĩa đen là, “Cam lồ không rỉ lậu” (T.T.: Zag.Med.). Dùng Định Lực Yoga, hành giả có thể làm tăng sự tiết ra nước miếng của các hạch để làm dịu cảm giác khát nước.

Xem mục lục