Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Kính Lễ Chư Đạo Sư

Một lần, khi Đại sư Yoga, Jetsun (1) Milarepa, ẩn cư trong Thung Lũng Ngọc, ông nghĩ, “Ta nên vâng lệnh Đạo Sư của ta đến Núi Tuyết Lashi và tu tập thiền định ở đó,” rồi ông đi đến đó.

Milarepa đến gần Nya Non Tsar Ma, cổng vào Núi Tuyết Lashi, nơi người dân Tsar Ma đang mở tiệc ăn uống. Khi họ nói chuyện, có người hỏi, “Các bạn có biết hiện thời có một đại hành giả yoga gọi là Milarepa sống ở đó không? Ông ta luôn luôn ở một mình trong các núi tuyết, những nơi hẻo lánh không người, theo giới hạnh khổ tu mà không một ai trừ đức Phật toàn hảo là có thể đạt được. Có bao giờ các bạn nghe nói đến ông ta chưa?” Trong khi họ đang ca ngợi Jetsun, thì Milarepa bước đến cửa. Một cô gái đẹp tên là Lesebum, trang sức bằng những món nữ trang nhà giàu, chào đón ông ở đó, hỏi, “Ông là ai và ông từ đâu tới?” “Nữ chủ nhân thân mến,” Milarepa đáp, “Tôi là hành giả yoga Milarepa, người luôn sống một mình ở những nơi trong núi sâu không ai biết. Tôi đến đây xin thức ăn.” “Tôi vui lòng tặng ông một ít,” cô gái nói, “nhưng có thực ông là Milarepa không?” Milarepa đáp, “Không có lý do gì tôi phải nói dối với cô.” Cô gái hân hoan, liền chạy nhanh trở vào nhà tung tin ra. Cô ta kêu những người vui chơi chè chén, nói, “Các người đang nói chuyện về vị hành giả yoga nổi tiếng sống ở những nơi xa xôi. Ông ta bây giờ đang đứng trước cửa đó.”

Mọi người vội vã chạy đến cửa, một số cúi chào Jetsun, những người khác hỏi ông nhiều câu hỏi khác nhau. Kết quả, tất cả đều biết rằng ông thực sự là Milarepa. Rồi họ mời ông vào, tỏ lòng kính trọng, ngưỡng mộ ông, và cho ông thức ăn.

Nữ chủ nhân, một cô gái nhà giàu tên là Shindormo, tỏ lòng hiếu khách nhiều hơn đối với Jetsun, hỏi, “Tôn giả, tôi có thể hỏi ngài rằng ngài đang đi đâu không?” Milarepa đáp, “Tôi đang trên đường đến núi tuyết Lashi để thiền định.” Lúc ấy cô gái nói, “Chúng tôi hy vọng rằng ngài có thể làm ơn ở lại Dreloon Joomoo và ban sự gia trì cho nơi này. Chúng tôi cung cấp tất cả thức ăn cho ngài mà ngài không cần phải cố gắng làm gì cả.”

Trong đám thực khách có một thầy giáo gọi là Shaja Guna, ông ta nói với Milarepa, “Nếu thầy có lòng từ bi ở lại đây ở Dreloon Joomoo, cái thung lũng ma, thì thầy cũng có ích và chúng tôi cũng có ích. Tôi sẽ cố gắng hết sức để phục vụ thầy.” Một cư sĩ nói, “Kỳ diệu làm sao nếu chúng ta có thể có được vị đại hành giả yoga ấy ở lại với chúng ta! Tôi có một nông trại nuôi bò tốt, nhưng ma quỉ trở nên quá bạo dạn đến nỗi chúng đã thực sự xuất hiện [ngay cả giữa ban ngày]! Chúng rất xấu xa đến nỗi tôi không dám đi gần chỗ ấy nữa. Tôi van xin thầy, vì nhân từ và ân huệ, đến viếng nông trại tôi ngay trưa nay.” Tất cả thực khách cúi đầu chào Jetsun, cầu xin ông đến nông trại ấy.

Milarepa đáp, “Tôi sẽ đến đó ngay bây giờ ‒ nhưng không phải vì nông trại và trâu bò của ông mà vì lòng tôn kính Đạo Sư của tôi.”

“Thầy hứa đi là chúng tôi mãn nguyện rồi,” họ tuyên bố. “Bây giờ xin hãy để chúng tôi chuẩn bị những thức ăn ngon nhất và sắp xếp chuyến đi cho thầy.” Lúc ấy, Milarepa nói, “Tôi đã quen với cô tịch…Tôi sống trong hang động và không cần sự đồng hành hay thức ăn ngon. Nhưng hãy vui lòng chấp nhận lời cảm ơn của tôi vì sự tưởng nghĩ hiến tặng của các người. Trước hết, tôi sẽ đi đến nông trại một mình. Sau đó, các người có thể đến xem tôi đã làm gì.”

Khi Milarepa đến dưới chân núi, bọn Phi-nhân đã tạo ra những ảo cảnh hãi hùng để đe dọa ông. Con đường mòn dẫn lên đỉnh núi, dường như đụng trời, rung chuyển và tung lên. Sấm giận dữ rền vang, chớp rách bươm đánh khắp chung quanh, núi hai bên run rẩy và thay đổi. Dòng sông bỗng nhiên trở thành con suối rách rưới và phá tung các bờ, biến thung lũng thành một cái hồ mênh mông, những năm sau này người ta gọi nó là Hồ Quỉ. Milarepa vươn lên và làm một dáng điệu [bắt ấn], cơn lụt liền hạ xuống. Ông đi xuống vùng thấp hơn của thung lũng. Bọn quỉ đã làm hai bên núi tả tơi. Những cơn mưa giông đá tảng rơi xuống như mưa lớn. Rồi nữ thần Đồi tạo cho Milarepa một lối mòn giống như rắn bò chạy theo rặng núi, con đường mòn về sau gọi là Đường Mòn Nữ Thần Đồi [hay Cầu Đa-ki-ni]. Việc này hàng phục hết các quỉ nhỏ, nhưng các quỉ lớn và mạnh tức giận vì thua trận, cùng nhau tụ tập chung quanh cuối Đường Mòn Nữ Thần Đồi, và mở ra một cuộc tấn công mới. Milarepa tập trung tâm lại và làm một dáng điệu huyền bí [bắt ấn] để hàng phục bọn quỉ. Đột nhiên tất cả những ảo cảnh ma quỉ biến mất. Một dấu chân in xuống còn lưu lại trên tảng đá nơi Milarepa đã đứng. (2) Ông bước đi vài bước và cả bầu trời trở nên quang đãng. Trong tâm thái cao vời, ông ngồi xuống trên đỉnh đồi, nhập Định Tâm Từ, (3) và bi tâm vô lượng hướng đến tất cả chúng sinh xuất hiện trong tâm ông. Vì vậy, Milarepa đã kinh nghiệm sự phát triển và hứng khởi lớn của tâm linh. Về sau, chỗ ông ngồi được gọi là Đồi Từ. Rồi Milarepa đi đến bờ sông [nghĩa đen: Con Sông Thiện] nơi ông tu tập Yoga Dòng Sông. (4)

Vào ngày thứ mười trăng mùa thu năm Con Rồng Lửa, một con quỉ gọi là Bha Ro từ Nepal đến, dẫn theo một đoàn quân quỉ đầy cả đất trời trong thung lũng Sông Thiện, đến thách thức Milarepa.

Lũ quỉ nhổ núi ném vào Jetsun, tấn công ông bằng lưỡi tầm sét và mưa vũ khí. Chúng la hét, nhục mạ ông bằng cách đe dọa: “Tụi tao sẽ giết mày! Tụi tao sẽ trói mày lại, chẻ mày thành nhiều mảnh!” và những câu tương tự như vậy. Chúng cũng hiện ra những hình dáng xấu xí và đáng sợ để dọa ông.

Cảm thấy mục đích ác của đoàn quân quỉ, Milarepa hát “Chân Lý của Nghiệp”:

Con qui y tất cả chư Đạo Sư ân huệ,

Và chí tâm đảnh lễ các Ngài.

Qua bóng nước và ảo ảnh,

Các ngươi những quỉ ma nam và nữ ác hại

Có thể tạo ra những khủng bố dị thường này.

Các ngươi quỉ Ah Tsa Ma (5) đáng thương, ma đói,

Các ngươi chẳng bao giờ hại được ta đâu.

Bởi vì Nghiệp tội lỗi của các ngươi trong quá khứ

Đã chín muồi, (6) và các ngươi đã nhận

Thân quỉ trong đời này.

Với tâm và thân dị dạng,

Các ngươi lang thang trong hư không mãi mãi.

Bị những ô nhiễm dữ (7) lèo lái

Tâm các ngươi đầy những ý nghĩ thù hận, xấu xa.

Hành vi, ngôn ngữ các ngươi thì ác và phá hoại.

Các ngươi la hét, “ Giết hắn! Chặt hắn! Đánh hắn!

Chém hắn!”

Ta là một hành giả yoga vô niệm (8)

Biết rằng không có gì gọi là tâm.

Bước đi hùng dũng như một con sư tử,

Hành động không sợ hãi như những người dũng cảm,

Thân ta hòa nhập với thân Phật,

Lời ta như chánh ngữ của Như Lai, Tâm ta thấm nhập trong Cõi Đại Quang. (9)

Ta thấy rõ ràng tánh không của Sáu Nhóm. (10)

Một hành giả yoga, như ta, bỏ qua sự lăng nhục

của loài ma đói.

Nếu luật Nhân Quả có giá trị, Và người vi phạm đáng để Nghiệp lực chín muồi (11) đưa y xuống Con Đường khốn khổ, ưu phiền.

Ấy là phiền não và khổ đau mà các ngươi,

những quỉ ma Không hiểu Chân Lý! (12)

Ta, Milarepa trông bình dị,

Bây giờ dạy các ngươi bài Pháp ca này.

Tất cả chúng sinh sống bằng dưỡng chất

Là cha của ta và mẹ của ta!

Làm thương tổn những ai chúng ta mang ơn Thì quả thực vô nghĩa và ngu ngốc!

Nếu các ngươi từ bỏ những ý nghĩ xấu xa Ấy không phải là hành động vui sướng sao?

Nếu các ngươi tu tập Mười Đức Hạnh (13)

Ấy không phải là sự gia trì và vui vẻ sao?

Hãy nhớ lấy điều này và suy tư ý nghĩa, Hãy tận sức mình và xét kỹ nó đi.

Lúc ấy bọn quỉ chế nhạo Milarepa: “Mày nói chuyện rời rạc như thế không lừa được tụi tao đâu. Tụi tao sẽ không ngừng pháp thuật để mày tự do đâu.” Rồi bọn quỉ gia tăng gấp bội vũ khí thần thông và sức mạnh của đội quân quỉ để làm khốn khổ ông. Milarepa suy nghĩ một lúc rồi nói, “Hãy nghe đây, các ngươi đội quân quỉ! Nhờ ân đức Đạo Sư, ta đã trở thành một hành giả yoga giác ngộ đầy đủ Chân Lý Tối Hậu. Đối với ta, những khốn khổ và chướng ngại do quỉ gây ra là những vinh quang của tâm hành giả yoga. Khốn khổ như thế càng lớn, ta càng đạt được nhiều hơn trên Đường Bồ-đề. (14) Bây giờ hãy lắng nghe bài hát “Bảy Món Trang Sức” của ta:

Con kính lễ Marpa Dịch giả

Con, người thấy thể tánh tối hậu của hiện hữu,

Hát bài hát [Bảy]Món Trang Sức.

Các ngươi những ác quỉ tụ hội nơi đây,

Hãy đưa tai ra và lắng nghe kỹ lời ta hát.

Bên cạnh Tu-di, (15) ngọn núi trung tâm,

Bầu trời xanh chiếu khắp Châu phía Nam (16)

Bầu trời là vẻ đẹp của trái đất,

Màu xanh của trời là đồ trang sức của nó.

Cao bên trên, Đại Thụ của núi Tu-di (17)

Chiếu những tia sáng rực rỡ của hai vầng nhật nguyệt.

Sáng cả Bốn Châu.

Với từ bi, Long Vương (18) thị hiện thần thông;

Từ bầu trời mênh mông, Vua Rồng cho mưa rơi xuống.

Của trái đất, đây là đồ trang sức.

Từ đại dương hơi nước dâng lên,

Đến bầu trời mênh mông,

Tạo thành những đám mây lớn;

Luật nhân quả điều hành sự biến hoá của các đại

[nguyên tố].

Mùa hè, cầu vồng xuất hiện trên bình nguyên,

Dịu dàng yên nghỉ trên đồi.

Cầu vồng là sắc đẹp và là đồ trang sức

Của bình nguyên và núi.

Ở phương Tây, khi mưa rơi trên biển lạnh,

Các bụi và cây mọc đầy trên mặt đất.

Với vạn vật trên đại Châu,

Đây là vẻ đẹp và là đồ trang sức.

Ta, hành giả yoga thích ở nơi cô tịch,

Thiền định về Tánh Không của Tâm.

Kính sợ vì định lực của ta,

Các ngươi những quỉ ma ganh tị bị buộc dùng huyền thuật.

Những bùa phép quỉ ma

Là vẻ đẹp và là đồ trang sức

Của hành giả yoga.

Các ngươi, những Phi-nhân, hãy lắng nghe ta

và nghe cho kỹ!

Các ngươi biết ta là ai không?

Ta là hành giả Yoga Milarepa;

Từ tim ta hiện ra Đóa hoa Tâm – Giác Ngộ.

Với giọng trong veo, (19) ta hát ẩn dụ này

cho các ngươi nghe,

Với những lời thành thật, ta giảng Pháp cho các ngươi,

Với trái tim ân huệ, ta cho các ngươi lời khuyên này.

Nếu trong tim các ngươi Tâm vì Bồ-đề (20) nẩy mầm,

Dù các ngươi không thể trợ giúp được ai,

Bằng cách khước từ Mười Ác Hạnh, (21)

Hãy biết rằng các ngươi sẽ được vui và giải thoát.

Nếu các ngươi theo những lời ta dạy,

Thành tựu của các ngươi sẽ tăng tiến rất nhiều;

Nếu các ngươi tu tập Pháp bây giờ, Niềm vui miên viễn cuối cùng sẽ ôm lấy các ngươi.

Đa số bọn quỉ đã được bài hát cải hóa, trở nên tin tưởng, kính trọng Milarepa, và đã ngừng thi triển bùa phép hiểm ác. Chúng nói, “Ngài quả thật là một đại hành giả yoga có pháp lực kỳ diệu. Không có sự giải thích về Chân Lý và sự tiết lộ pháp lực kỳ diệu của ngài, chúng tôi sẽ không bao giờ hiểu. Vì thế chúng tôi sẽ không làm phiền ngài nữa. Chúng tôi cũng biết ơn ngài nhất vì sự giảng dạy của ngài về Chân Lý Nghiệp. Tâm của chúng tôi thấm ướt bùn lầy của những suy nghĩ ngoan cố do thói quen. (22) Do đó, xin ngài dạy cho chúng tôi một bài học có ý nghĩa sâu xa, nhiều lợi ích, đơn giản để chúng tôi có thể hiểu và theo được.”

Lúc ấy Milarepa hát “Bài Hát về Bảy Chân Lý”:

Con kính lễ Người, Marpa Dịch giả.

Nguyện xin Người cho con tăng trưởng Tâm Bồ-đề.

Dù lời hát có đẹp đến bao nhiêu,

Ấy cũng chỉ là đúng giọng cho những ai

Không lãnh hội được lời Chân Lý.

Nếu một ngụ ngôn không hợp với lời Phật dạy,

Dù có nghe hùng biện đến đâu,

Ấy cũng chỉ là âm vang quảng cáo.

Nếu một người không tu tập Pháp,

Dù cho học nhiều Giáo pháp đến đâu như y có thể tuyên bố,

Cũng chỉ là tự lừa dối mình thôi.

Sống trong cô tịch là tự giam mình trong ngục thất, Nếu người ấy không tu tập theo lời dạy Khẩu Truyền.

Lao động trên nông trường sẽ chỉ là tự trừng phạt mình,

Nếu người ấy bỏ bê lời Phật dạy.

Với những ai không sống theo giới luật, Lời nguyện chỉ là sự suy nghĩ ước mơ.

Với những ai không thực hành những gì họ dạy, Diễn thuyết chỉ là nói dối không niềm tin.

Tránh làm sai, tội tự tiêu trừ,

Làm điều thiện, công đức kia sẽ được.

Hãy ở lại nơi cô liêu và thiền định một mình;

Nói nhiều chỉ vô ích.

Hãy làm theo những gì ta hát, và tu tập Pháp!

Niềm tin vào Milarepa đã được khơi dậy thêm nữa nơi những người nghe ông, và họ kính trọng ông rất nhiều. Họ đảnh lễ và đi nhiễu vòng quanh ông nhiều lần. (23) Rồi đa số trở về nhà của họ. Nhưng quỉ lãnh đạo, Bha Ro, và một vài quỉ theo y vẫn chưa đi. Một lần nữa, chúng lại triệu gọi những ma cảnh khủng khiếp đe dọa Milarepa, nhưng ông đáp lại bằng bài hát nói về thiện và ác:

Con cúi đầu đảnh lễ dưới chân đức Marpa ân huệ.

Có phải những con qủi độc hại các ngươi

vẫn còn giận dữ?

Thân của các ngươi có thể bay dễ dàng trên không trung,

Nhưng tâm các ngươi đầy những ý nghĩ lỗi lầm do tập khí.

Các ngươi nhe những răng nanh giết người

đe dọa người ta,

Nhưng các ngươi có thể chắc rằng khi các ngươi hại họ,

Các ngươi chỉ tự chuốc lấy ưu phiền.

Nghiệp Luật không bao giờ thất bại vận hành;

Không ai thoát được một khi quả chín. (24)

Các ngươi chỉ tự chuốc lấy ưu phiền.

Ma đói các ngươi, sai lầm và tội lỗi!

Ta cảm thấy tiếc và thương hại cho các ngươi.

Vì các ngươi đang mãi gây tội lỗi,

Xấu ác là tự nhiên đối với các ngươi.

Vì Nghiệp sát sinh trói buộc,

Các ngươi lấy thịt và máu làm thực phẩm.

Do lấy đi sinh mạng người khác, Các ngươi sinh ra làm ma đói.

Những hành vi tội lỗi đưa dẫn các ngươi

Đến những chỗ sâu của Con Đường hạ đẳng.

Hãy quay lưng lại, các bạn ơi, với Nghiệp cạm bẫy này,

Và cố gắng đạt chân hạnh phúc Ở bên kia tất cả hy vọng và sợ hãi!

Các quỉ chế diễu: “Ông đóng vai nhà giảng Đạo lý thiện xảo gây ấn tượng nhất, nhưng ông đã có được niềm tin quyết nào do tu tập Pháp đem lại chưa?”

Milarepa đáp bằng “Khúc Hát Niềm Tin Chắc Hoàn Toàn”:

Chí tâm đảnh lễ đức Marpa toàn hảo.

Ta là hành giả yoga nhận thức Chân Lý Tối Hậu.

Trong Bản nguyên Bất Sinh, ta trước tiên đạt niềm tin chắc;

Trên Con Đường Bất Diệt, dần dần hoàn thiện

năng lực của ta;

Với các biểu tượng và chân ngôn đầy ý nghĩa

Lưu xuất từ tâm đại bi

Bây giờ ta hát khúc hát này

Từ cõi tuyệt đối của Pháp Tánh.

Bởi vì Nghiệp tội lỗi của các ngươi đã tạo

Dày mù lòa và chướng ngại không thể vượt qua,

Các ngươi không thể hiểu nghĩa

Của Chân Lý Tối Hậu.

Vậy, hãy lắng nghe Chân Lý Phương Tiện. (25)

Trong các Kinh xưa không tì vết,

Tất cả chư Phật trong quá khứ đã nhiều lần Khuyên nhủ bằng Chân Lý Nghiệp vĩnh viễn –

Rằng mọi chúng sinh đều là người thân thuộc.

Đây là Chân Lý vĩnh viễn chẳng bao giờ thất bại.

Hãy lắng nghe kỹ lời dạy của Bi Tâm.

Ta, hành giả yoga đã phát triển nhờ các phép tu hành,

Hãy biết rằng các chướng ngại bên ngoài chỉ là bóng diễn,

Và thế gian ma cảnh Một trò chơi huyễn thuật của tâm bất sinh.

Bằng cách nhìn vào trong tâm sẽ thấy

Bản tánh của Tâm – không bản thể, vốn là không.

Qua thiền định trong cô liêu, ân huệ Của chư Đạo Sư Truyền Thừa và giáo lý Của Naropa (26) vĩ đại, đạt được.

Chân Lý bên trong của Phật

Sẽ là đối tượng của thiền định.

Nhờ sự chỉ dạy ân huệ của Đạo Sư ta,

Mà hiểu được nội nghĩa khó hiểu của Mật Điển.

Qua tu tập các Yoga Phát Sinh và Hoàn Thiện, (27)

Lực Sống phát sinh

Và nhận ra duyên cớ của tiểu vũ trụ bên trong.

Như vậy ta không sợ

Những chướng ngại hư huyễn ở thế giới bên ngoài.

Ta thuộc Dòng Truyền Thừa Thần Diệu vĩ đại,

Với vô số hành giả yoga nhiều như tất cả Hư không to lớn.

Khi một người trong tâm ngẫm nghĩ

Về trạng thái bản nguyên của Tâm,

Những ảo tưởng của y tiêu tan

Vào trong Pháp giới. (28)

Không thể thấy ai gây khổ và ai bị khổ.

Học hết các Kinh Cũng không dạy gì hơn thế.

Lúc bấy giờ quỉ lãnh đạo và các quỉ tùy thuộc dâng những chiếc sọ người (29) của chúng cho Milarepa, cúi đầu làm lễ, và đi nhiễu quanh Milarepa nhiều lần. Chúng hứa đem cho ông một tháng thực phẩm, và biến mất như cầu vồng trên trời.

Sáng hôm sau lúc mặt trời mọc, quỉ Bha Ro từ Mon mang theo những nữ ma trang phục quần áo nhà giàu và một đám tùy tùng. Chúng mang theo những ly ngọc đầy rượu nho, những đĩa bằng đồng chất đầy nhiều món ăn khác nhau, gồm cả cơm và thịt, dâng cho Jetsun. Hứa rằng từ đây về sau sẽ phục vụ và vâng lời ông, chúng cúi đầu chào nhiều lần rồi biến mất. Một trong các quỉ đó, gọi là Jarbo Ton Drem, là lãnh đạo của nhiều Thiên thần (Deva).

Qua kinh nghiệm này, Milarepa đạt được sự tiến bộ lớn trong Yoga. Ông đã ở lại đó một tháng, đầy tinh thần và niềm vui, không có những cơn đau vì đói.

Một hôm, [khi tháng ấy đã qua], Milarepa nhớ lại một nơi ở Lashi đã nổi tiếng vì nước tốt, và quyết định đến đó. Trên đường đi, ông đến một vùng thảo nguyên điểm xuyết những cây tân hà liễu sum sê. Ở giữa vùng thảo nguyên nhô lên một tảng đá với một chứng vật vươn lên bên trên nó. Milarepa ngồi trên tảng đá ấy một lúc; nhiều nữ thần xuất hiện, cúi đầu chào ông, và biếu ông những vật đáng ưa thích. Một trong các nữ thần cũng để lại dấu hai bàn chân in trên tảng đá, rồi biến mất như một chiếc cầu vồng.

Khi Milarepa tiến tới trên đường, một đám quỉ tụ tập và dùng phù chú tạo ra những ảo ảnh các cơ quan của người nữ trên đường đi để kích động ông. Lúc ấy Jetsun nhiếp tâm mình và bày ra cơ quan người nam dựng đứng của mình với một dáng điệu [bắt ấn]. Ông còn đi xa hơn, xuyên qua ma ảnh chín cơ quan của người nữ, đến một chỗ có một hòn đá có hình dạng giống như âm đạo đứng ở chính giữa – tinh yếu của khu vực. Ông đút một hòn đá có hình giống như dương vật vào lỗ hổng của tảng đá, [một hành động tượng trưng] (30) hiện ra những hình ảnh kích thích tình dục do các quỉ tạo nên. Chỗ ấy về sau gọi là Ladgu Lungu.

Khi Milarepa đến giữa thảo nguyên, quỉ Bha Ro trở lại chào đón ông. Y chuẩn bị giảng tòa cho Jetsun, tặng phẩm vật và phục vụ, rồi yêu cầu ông giảng Phật Giáo. Milarepa thuyết giảng khái quát về Nghiệp, rồi quỉ biến thành một khối đá lớn ở trước giảng tòa.

Milarepa, trong tâm trạng rất vui, đã ở lại trên trung tâm thảo nguyên một tháng, rồi du hành sang Nya Non Tsa Ma. Ông bảo người ở đó rằng thảo nguyên quả thực đã là vô danh cho đến khi ông hàng phục các quỉ và biến nó thành một nơi thích hợp để tu tập Pháp. Ông cũng bảo họ rằng ông muốn trở lại đó để thiền định càng sớm càng tốt. Sau sự việc này, người dân ở Nya Non có lòng tin sâu xa nơi Milarepa.

Đây là câu chuyện về “Cuộc Hành Trình đến Lashi.”

Chú Thích Chuyện 2

(1) Jetsun: Tôn giả. Xem Chuyện 1, Chú thích 10.

(2) Người Tây Tạng tin rằng những người giác ngộ tâm linh có khả năng thi triển những việc làm phi thường hay thần thông. Để lại dấu chân trên những vật cứng, như đá chẳng hạn, được xem như là bằng chứng của năng lực huyền bí và sự thành tựu của một hành giả yoga. Nhiều bằng chứng về niềm tin này có thể tìm thấy ở Tây Tạng.

(3) Định Tâm Từ: Theo Phật Giáo, Định (Samādhi) chỉ là một trạng thái của tâm tập trung sâu xa. Nó có thể áp dụng hay lợi dụng cho bất cứ một mục đích tôn giáo nào.

(4) Yoga Dòng Sông: Trong Định này hành giả kinh nghiệm sự đồng nhất của mình với dòng Vũ trụ, song hành giả siêu vượt nó. Hành giả không bao giờ rút mình ra khỏi dòng, cũng không có ý định làm ngơ nó; hành giả ở trong đó, nhưng không bị nó ràng buộc. Định này là hình thái năng động hay thể hoạt năng của Yoga Đại Thủ Ấn.

(5) Tên Tây Tạng đặt cho quỉ Ấn Độ.

(6) Nghiệp chín muồi hay thuần thục (T.T.: rNam.sMin.Gyi.Las.; Ph.: Vipāka Karma): Luật về Nghiệp nói rằng thông thường một hành vi không chỉ mang lại một hậu quả mà là nhiều hậu quả. Ví dụ, nếu một người phạm tội giết người, y sẽ bị lương tâm, pháp luật, sự sụp đổ thanh danh và đời sống của y, v.v…trừng phạt. Nhưng đây không phải là tất cả. Sức mạnh của nghiệp chưa kiệt quệ. Trong tương lai sự đầu thai, hay nhiều kiếp đầu thai, người sát nhân sẽ chịu Nghiệp lực huyền bí này cắt ngắn sinh mạng và đem đến nhiều bệnh tật cho y; hoặc y sẽ có khuynh hướng tái sinh vào những lúc và nơi thường có chiến tranh và hiểm nghèo. Sức mạnh này, Nghiệp chín muồi trong nhiều kiếp khác nhau, dường như là khía cạnh nền tảng nhất và huyền bí nhất của giáo lý Phật Giáo.

(7) Ô nhiễm dữ (Ph.: Kleśa): Đây là những dục vọng và đam mê mãnh liệt gây ra tất cả đau khổ và phiền não trong cuộc sống luân hồi.

(8) Vô Niệm: Một hành giả yoga thành tựu sẽ giải thoát mình khỏi tất cả mọi ý nghĩ hay khái niệm, dù đơn giản hay phức tạp, thiện hay ác, nhất nguyên hay nhị nguyên,… đây gọi là đạt Trí Bình Đẳng hay Trí Vô Phân Biệt.

(9) Cảnh giới Đại Quang Minh là cảnh giới của Phật Tánh nguyên thủy. Chữ “Quang Minh” không nên hiểu theo nghĩa đen là chỉ cái gì đó chiếu sáng. Nó thực sự ở bên kia mọi diễn đạt và gán ghép. Nó là sự sáng láng tự do và phổ biến, không có chút gì bám víu hay dính mắc. “Đại Quang Minh” có lẽ là từ tốt nhất dùng miêu tả nó.

(10) Sáu Nhóm (T.T.: Tsogs.Drug.): là sáu thức và sáu trần. Sáu thức là thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý thức phân biệt. Sáu trần là: màu sắc hay hình thể, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, và pháp.

(11) Xem Chú thích 6

(12) Câu này cũng có thể dịch là “… không hiểu Chân Lý Nội tại.”

(13) Mười Đức Hạnh (Điều Thiện): Trái với Mười Ác Hạnh (Điều Ác), xem Chú thích 21.

(14) Đường Bồ-đề: Con Đường đưa đến Phật Tánh. Đây là pháp tu của Bồ-tát, như đã dạy trong Phật Giáo Đại Thừa.

(15) Núi Tu-di (Sumeru): Theo truyền thuyết là trung tâm Vũ trụ, một ý tưởng Phật Giáo mượn của Ấn Độ Giáo, và một vài học giả hiện đại tin rằng nó chỉ một nơi trong rặng Hy-mã-lạp-sơn.

(16) Châu phía Nam: Theo truyền thuyết Phật Giáo, trái đất mà chúng ta đang sống trên đó là Châu phía Nam. Có bốn châu trong vũ trụ này, trôi nổi trên biển: Nam, Bắc, Đông, và Tây. Đứng chính giữa bốn châu là núi Tu-di vĩ đại. [Bốn châu: Bắc Cu-lư-châu (Uttara-kuru), Nam Thiệm bộ châu hay Diêm phù đề (Jampudvipa) là trái đất chúng ta ở, Đông Thắng thần châu (Purva-videha), và Tây Ngưu hóa châu (Godara), ND].

(17) Đại Thụ của Núi Tu-di: Ám chỉ một truyền thuyết khác của Phật Giáo: Từ đáy đại dương, một cây mọc lên cao đụng đỉnh trời. Các A-tu-la sống trong đại dương đó, gây lộn và đánh nhau với chư Thiên để dành lấy quyền sở hữu cây này.

(18) Long Vương hay Vua Rồng điều khiển mưa.

(19) Người ta nói rằng Milarepa có giọng hát rất hay. Xem Tiểu sử của ông “Tibet‟s Great Yogi, Milarepa” của W. Y. Evans-Wentz. [Cũng xem “Milarepa, Con Người Siêu Việt.” ND].

(20) Hay, Tâm-vì-Bồ-đề, Trái-tim-vì-Bồ-đề hay Tâm Bồ-đề (Phạn: Bodhicitta, T.T.: Byan.Chub.Sems.): “Bồ-đề” chỉ trạng thái giác ngộ Phật Tánh. “Tâm-vì-Bồ-đề” là sự ham muốn đạt được sự giác ngộ như thế; nhưng từ này thường ám chỉ còn nhiều hơn sự ước muốn; nó cũng ám chỉ lời thệ nguyện cứu độ tất cả chúng sinh qua những việc làm công đức và tu tập tinh thần, gồm sáu Ba-la-mật [Lục độ]. “Tâm Bồ-đề” là một từ bao hàm nhiều ý nghĩa. Nó không những chỉ ước muốn hay “trái tim” vì Phật Tánh và sự tu tập dẫn đến chứng ngộ Phật Tánh, nhưng trong nhiều trường hợp, nó chỉ Trí Tuệ trực giác nhận ra Chân Lý Tối Hậu – Pháp Thân. Do đó, “Tâm Bồ-đề” được dịch bằng nhiều từ khác nhau như trên, tùy theo văn mạch.

(21) Mười Ác Hạnh: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, lừa gạt, nói hai chiều, nói lời thô bạo, nói chuyện vô nghĩa, tham dục, giận dữ, tà kiến. Mười Ác hạnh đối nghịch với Mười Đức Hạnh ở đoạn trước.

(22) Tư tưởng hay ý nghĩ do thói quen hay tập khí: sức mạnh lèo lái chúng sinh hữu tình trong luân hồi sinh tử.

(23) Đi nhiễu quanh ông: Để tỏ lòng kính trọng đối với Phật, Pháp, và Đạo Sư hay các tăng nhân đáng kính khác, tín đồ Phật Giáo có thói quen đi vòng quanh người hay vật được kính trọng ba lần theo chiều kim đồng hồ rồi quì lạy. Tuy nhiên, phong tục này đã chết ở nhiều quốc gia Phật Giáo ngày nay.

(24) Nghiệp Chín muồi (thuần thục), hay đôi khi Quả Chín muồi (T.T.: rNam.sMin.): Xem Chú thích 6.

(25) Chân Lý Phương Tiện (T.T.: Dran.Don.): Bởi vì có những cá nhân và nhóm người có căn cơ khác nhau nên không thể ban giáo lý tối thượng cho tất cả. Những lời dạy phương tiện dẫn dắt con người hướng về Chân Lý Tối Hậu là cần thiết cho đa số. Tuy nhiên, những lời dạy phương tiện, theo nguyên tắc phải phù hợp và trong tu tập phải đưa dẫn đến Chân Lý Tối Hậu. Như vậy, chúng cũng được biết đến như là những “Chân Lý Phương Tiện.” Theo ánh sáng này, các nhà Phật học Đại Thừa đánh giá những giáo lý khác nhau của các trường phái và tôn giáo khác nhau.

(26) Naropa: Thầy của Marpa.

(27) Yoga Phát Sinh và Hoàn Thiện (T.T.: sKyed.Rim.Dan.rDsogs. Rim.): Trong Anuttara Tantra (Mật Điển Vô Thượng) có hai pháp tu chính:

a) Giáo lý "Các Bước Tuần Tự Hướng Đến Sáng Tạo,” có thể dịch là “Yoga Phát Sinh hay Tăng Trưởng.” Nó là giáo lý và sự tu tập để đồng nhất mình với sự Sáng Tạo của Mật Điển (Tantra).

b) Giáo lý “Các Bước Tuần Tự để Hoàn Thành hay Hoàn Thiện, có thể dịch là “Yoga Hoàn Thiện.” Đây là loại Yoga cao cấp, phương pháp tu tập khiến người tu tập đồng nhất mình với Toàn Hảo Tối Hậu, hay Đại Niết Bàn.

(28) Pháp giới (Phạn: Dharmadhātu): Tính Phổ Biến Tuyệt Đối hay Chân Lý Tổng Thể.

(29) Theo truyền thống Mật Giáo, dâng chiếc xương sọ người là chứng vật trang nghiêm nhất mà quỉ hay ma có thể làm được. Nó tượng trưng cho sự đầu hàng hoàn toàn của thân và hồn cho người nào mà chúng đã lập lời thề.

(30) Ý nghĩa của đoạn văn này có tính cách Mật Giáo, do đó, không rõ ràng. Vì vậy, có thể có những cách giải thích khác nhau. Đây là phóng dịch.

(18) Long Vương hay Vua Rồng điều khiển mưa.

Xem mục lục