Quy y
Truyền thống của Atisha Dipankara mà Gampopa tiếp nối cho rằng ta phải quy y trước hay nhận một trong những giới nguyện của Luật20 để có thể phát triển Bồ đề tâm đích thực. Quả thực, ta có thể ước muốn mạnh mẽ tất cả chúng sinh thoát khỏi đau khổ và đạt được giải thoát viên mãn, nhưng ta không biết phải bắt đầu làm điều đó ra sao. Không có một khuôn mẫu, không có một con đường, chúng ta sẽ lúng túng. Biết được cách thức và nơi chốn ta bắt đầu, ta cần sự giúp đỡ của người hiểu rõ và có khả năng trao truyền sự hiểu biết này. Tuân thủ chiến lược này là điều được gọi là quy y (nương tựa).
Ta có thể nương tựa nhiều thứ. Nếu ta không có chỗ để ngủ, một căn nhà sẽ là nơi nương tựa của ta. Nếu trời mưa, ta sẽ nương tựa một nơi trú ẩn. Nếu ta đói, ta sẽ tìm sự nương tựa trong một tiệm ăn. Một nơi nương tựa là điều đáp ứng một nhu cầu đặc biệt. Trong trường hợp đặc biệt mà ta đang xử sự, ta tìm nơi nương tựa để thoát khỏi những đau khổ của sinh tử. Ta đã hiểu rằng chẳng nơi nào trong sinh tử có được hạnh phúc lâu dài, và ta muốn từ bỏ sinh tử mãi mãi, nhưng ta cần biết cách làm ra sao. Nếu đây là mục đích của ta, bất kỳ điều gì cho phép ta thực hiện nó sẽ là nơi nương tựa của ta. Người mà ta nương tựa phải có năng lực, sự hiểu biết, ý chí, và lòng bi mẫn cần thiết để bảo vệ ta khỏi đau khổ và chỉ cho ta lối ra. Chỉ có Đức Phật (mục đích của ta), Pháp (giáo lý), và Tăng đoàn (những người dẫn dắt ta) mới đáp ứng được những tiêu chuẩn này. Đây là lý do vì sao theo truyền thống, mọi Phật tử đều quy y Phật, Pháp và Tăng đoàn, mà ta gọi là Tam Bảo. Quy y không phải là khẩn cầu Phật, Pháp, và Tăng đoàn giúp đỡ và cứu ta. Nó có nghĩa là tìm ra một mục đích và một con đường và tự cam kết đi theo hướng đó.
Quy y Phật
Theo Đại thừa, nơi quy y chân thực là Đức Phật.
Hai ngàn năm trăm năm trước, Thái tử Tất Đạt Đa đã giải thoát bản thân ngài khỏi những đau khổ của sinh tử bằng cách trở thành một vị Phật. Ngài đã chỉ cho ta mục đích, mục tiêu thực sự: tất cả chúng ta đều có Phật tánh, tất cả chúng ta đều có khả năng để thành Phật, là điều ta phải nhận ra và chứng ngộ. Chấp nhận điều này có nghĩa là ta cố gắng đi theo các giai đoạn trên con đường, để hiểu rõ khả năng đạt được giác ngộ của ta. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc quy y.
Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật nhờ những nỗ lực của ngài, sự hiểu biết của ngài về giáo lý, và nhờ mẫu mực của những vị Phật khác xuất hiện trước ngài. Ngài tuyên bố: “Ta đã giải thoát khỏi những đau khổ của sinh tử, và ta biết con đường dẫn đến giải thoát. Tất cả những ai muốn điều đó cũng có thể thành Phật.”
Khi trình bày về Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế), ngài đã giảng rất rõ về việc làm thế nào và vì sao chúng ta bị trói buộc vào những đau khổ của sinh tử (Chân lý Thứ Nhất, Khổ Đế). Ngài đã giảng về những nguồn gốc của đau khổ này (Chân lý thứ Hai, Tập Đế) và tuyên bố rằng có thể giải thoát chính mình khỏi nỗi khổ đó (Chân lý Thứ Ba, Chân lý của sự Tận diệt, Diệt Đế). Sau đó ngài phác họa con đường tuần tự mà ta có thể đi theo để rời bỏ sinh tử (Chân lý Thứ Tư, Đạo Đế). Ngài không chỉ ban cho ta “cẩm nang” để thấu hiểu về những khổ đau của thế giới này mà còn cho ta “bản đồ” để thoát khỏi nó. Vì thế ngài là gương mẫu duy nhất của chúng ta, vị dẫn dắt duy nhất với kinh nghiệm cần thiết để đưa ta đến cùng đích của con đường. Ta không thể tìm ra một người nào có đầy đủ phẩm tính hơn để nương tựa. Đã từng có vô số vị Phật trong quá khứ và sẽ có vô số vị Phật trong tương lai.
Bên ngoài những cơ cấu lịch sử chặt chẽ, một vị Phật là người đã từ bỏ mọi sự cần phải từ bỏ và đã thành tựu tất cả những gì cần phải thành tựu. Ngài đã tịnh hóa được mọi mê lầm và những cảm xúc tiêu cực. Trí tuệ của ngài hoàn toàn phát triển. Tên gọi “Phật” xuất phát từ gốc Phạn ngữ bodh, có nghĩa là “sự thấu suốt” hay “sự hiểu biết.” Vì thế một vị Phật là người thấu suốt mọi sự phải được thấu suốt. Thậm chí cách dịch Tây Tạng còn rõ ràng hơn. Sang-gye được kết hợp lại từ sang, có nghĩa là “tỉnh thức” hay “giác ngộ,” và gye có nghĩa là “mở rộng, nở rộ.” Vì thế Sang-gye có nghĩa là người đã tỉnh thức khỏi giấc ngủ của sự vô minh và là người có trí tuệ đã hoàn toàn nở rộ.
Chúng ta coi Đức Phật như một gương mẫu để noi theo, một lý tưởng để đạt tới, nhưng ta cũng phải hiểu rằng Phật tánh hiện diện trong mỗi chúng sinh. Mỗi người chúng ta đều có tiềm năng này để trở nên hoàn toàn giác ngộ. Chính với mục tiêu này mà chúng ta bắt đầu trên con đường. Yếu tố cốt tủy trong việc quy y là sự nhận thức về việc ta có khả năng để trở thành những đấng hoàn toàn giác ngộ và sự thấu suốt mà ta chia sẻ khả năng này với tất cả chúng sinh. Quyết định đi theo con đường giác ngộ để cứu giúp bản thân và tất cả chúng sinh là điều mà sự quy y Phật nhắm đến.
Quy y Pháp
Bằng cách quy y Phật, ta mang lại cho cuộc đời ta một ý nghĩa, một hướng đi, một mục tiêu và một ý định; và bằng cách làm điều này, ta tự động quy y Pháp. Quả thực, con đường duy nhất để đạt được mức độ ý thức của một vị Phật là sử dụng giáo lý của Đức Phật như một cách sống và áp dụng những phương pháp của các giáo lý đó. Quyết định học tập và thực hành Pháp là điều mà việc quy y Pháp nhắm đến.
Ta phân biệt hai phương diện của Giáo Pháp:
Quy y Tăng đoàn
Ta thọ nhận các giáo lý và giáo huấn này từ Tăng đoàn, là cộng đồng các hành giả, những bạn đồng hành của ta trong Giáo Pháp, những người thực hành và đã thọ nhận giáo lý được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các thành viên của Tăng đoàn là những người ban cho ta giáo huấn về Pháp. Ta không thể đi vào Giáo Pháp mà không có sự giúp đỡ và hướng dẫn của các ngài. Các ngài chỉ cho ta con đường; các ngài nâng đỡ ta từng bước một và cảnh báo để ta có thể tránh được những sai lầm và cạm bẫy.
Cũng có ba loại Tăng đoàn:
Ta nói đến một nhóm Tăng đoàn (Tăng chúng) ngay khi có hơn bốn Tỳ kheo hay Bồ Tát sống chung với nhau.
Tầm quan trọng được trao cho điều này hay điều khác trong những phương diện này của sự quy y thì tùy thuộc vào mỗi cá nhân hành giả. Những người cảm thấy khó khăn trong cách tiếp cận trí thức và những người không có một tính khí quá sức độc lập và thích đi theo một nhóm sẽ nhận được những kết quả tốt hơn nếu họ tạo thành một thành phần của một cộng đồng các hành giả. Khi đó Tăng đoàn thật quan trọng. Nhờ đi theo Tăng đoàn, họ học được cách thực hành Pháp, và cuối cùng thành công trong việc thấu hiểu Đức Phật.
Đối với những người không muốn lệ thuộc vào người khác và không muốn là một thành phần của một nhóm thì Pháp quan trọng hơn, khi đó Pháp được trình bày như nơi quy y chân thực, bởi chính nhờ Giáo Pháp mà ta nhận ra Đức Phật và đi tới chỗ tiếp xúc với Tăng đoàn ở bên trong.
Tuy nhiên, theo Phật giáo Đại thừa, nơi quy y chính yếu là Phật. Uttaratantra Shastra21 và các bản văn Đại thừa chính yếu giảng nghĩa chi tiết rằng Phật là nơi quy y tối thượng duy nhất. Những Kinh văn đó nhấn mạnh đến tiềm năng thành Phật của ta và thúc đẩy ta coi việc thể nhập tiềm năng này là mục tiêu duy nhất.
Ta tìm thấy một mục đích bằng cách quy y Phật. Ta tìm thấy một phương pháp bằng cách quy y Pháp, và ta tạo ra những hoàn cảnh thích hợp cho việc thực hành của ta bằng cách quy y Tăng đoàn. Quy y Phật, Pháp, và Tăng đoàn là thực hành con đường tâm linh hay con đường dẫn đến Phật quả.
Ba Thân
Bây giờ dĩ nhiên là ta nên có một ý niệm về một vị Phật, bởi chẳng có ý nghĩa gì trong việc muốn trở thành một điều gì đó mà ta chẳng hiểu gì về nó!
Nói chung, như đã nói trước đây, ta có thể định nghĩa một vị Phật là người đã phát triển trí tuệ hay lòng bi mẫn của mình tới mức độ tột cùng, mức độ tối thượng. Tuy nhiên, không có định nghĩa đơn giản về một vị Phật, và vì thế ta phải tiếp cận bản tánh của ngài từ những góc độ khác nhau.
Như thế một vị Phật được mô tả là có ba kaya, hay ba “thân,” đó là dharmakaya (Pháp Thân), sambhogakaya (Báo Thân), và nirmanakaya (Hóa Thân).22 Ý niệm này không phải luôn luôn khó hiểu. Nó không có nghĩa là chư Phật có những hình thức khác nhau, nhưng có nghĩa là điều ta gọi là “Phật” có thể được mô tả từ ba góc độ, ba phương diện, hay ba quan điểm.
Pháp Thân (dharmakaya) Pháp Thân biểu thị sự vắng mặt của tư tưởng nhị nguyên của kiểu nói “Đây là tôi và đây là những người khác”; “Điều này tốt và điều này xấu.” Một vị Phật không vướng mắc vào những ý niệm như thế bởi ngài có tánh Không, hay sunyata, được nhận thức một cách hoàn hảo. Một số người cho rằng sự vắng mặt của tri giác nhị nguyên đưa đến chỗ mọi phân biệt giữa ta và người khác biến mất và khiến ta không là gì hết, như thể ta bị tán nhỏ ra hay bị chìm một một trạng thái hôn mê sâu. Khi đó họ tự hỏi rằng một trạng thái như hế thì có gì là đáng ao ước và đi đến kết luận rằng tốt hơn là nên từ bỏ mọi thực hành tâm linh và tạm bằng lòng với việc theo đuổi các lạc thú thế gian. Họ quên rằng đây không phải là phương diện duy nhất để mô tả một vị Phật.
Pháp Thân là tâm Phật. Nó hoàn toàn không mê lầm nên nó thoát khỏi những ý niệm, giả định, bám chấp, nghi ngờ, và sợ hãi. Nó là sự tỉnh giác vô hạn, bao la, trong sáng và trực tiếp. Tâm suy tưởng mà ta kinh nghiệm thì không trong sáng và đầy những giả định và suy luận. Tâm của Pháp Thân siêu vượt điều đó và nhìn thấy một cách trực tiếp và rõ ràng, vì thế không cần có các ý niệm hay giả định. Đây là kinh nghiệm sâu xa nhất của chân tánh của tâm ta. Tâm Phật thì toàn trí bởi nó không bị trói buộc bởi những tư tưởng nhị nguyên. Kinh nghiệm này cũng được gọi là rigpa, Mahamudra (Đại Ấn), tịnh quang và Đại Viên mãn. Giống như không gian, nó vô hạn, không bị pha trộn, không thể thấu hiểu và nhận biết bằng bất kỳ cách nào. Nó luôn luôn ở đó nhưng ta không thể nắm bắt nó. Nó an bình - không gì có thể quấy nhiễu nó. Nó rõ ràng – mọi sự được nhìn thấy không chút chướng ngại. Nó bi mẫn – mọi chúng sinh được nhìn một cách bình đẳng với bản thân ta. Nó đầy năng lực – một hiện thể Pháp Thân có thể hóa hiện và xuất hiện như điều gì đó hoặc người nào đó, khi cần thiết, mà không cần nỗ lực. Đây là bản tánh cốt tủy của tâm của tất cả chúng ta.
Báo Thân (Sambhogakaya) Sambogakaya là cách chư Phật nhìn chính mình: là sự chói ngời của năm trí tuệ, luôn luôn thanh tịnh, bởi nó không bao giờ bị ô nhiễm; luôn luôn trẻ trung, bởi nó siêu vượt sự sinh ra, chết đi, và thay đổi. Cách dịch sát nghĩa của sambhogakaya là “thân hỉ lạc.”
Nếu dharmakaya là sự chứng ngộ viên mãn và tuyệt đối về điều ta gọi là “tâm Phật” trong trạng thái thuần tịnh, nguyên sơ của nó, thoát khỏi mọi sự nhị nguyên và cảm xúc tiêu cực, thì sambhogakaya là sự hiện diện của những phương diện trí tuệ khác nhau. Phật tánh không phải là một trạng thái tăm tối có thể so sánh được với giấc ngủ sâu. Trái lại, nó sống động với những năng lực rung động và mạnh mẽ, là điều ta gọi là năm trí tuệ. Để giải thích nó một cách ngắn gọn, năm cảm xúc tiêu cực (tham, sân, si, kiêu ngạo và ganh tị) có thể được chuyển hóa thành năm trí tuệ tương ứng. Phật tánh, không hề là một cái không trống rỗng hay chỉ là một sự tỉnh giác trong trẻo, cũng sở hữu những năng lực này, những trí tuệ này. Đây là lý do vì sao các hình thức sambhogakaya của chư Phật luôn luôn được trình bày trong nghệ thuật tôn giáo Tây Tạng như những hoàng tử hay công chúa trẻ trung và tuyệt mỹ, được tô điểm bằng các châu báu và những vật trang sức lộng lẫy tượng trưng cho tính chất rực rỡ, sự chói lọi sáng ngời của phương diện Phật quả này.
Hóa Thân (Nirmanakaya) Phương diện thứ ba là nirmanakaya (Hóa Thân). Hóa Thân là điều được người khác nhìn thấy. Khi ta thành Phật, ta không biến mất khỏi thế giới này như lửa của một ngọn nến vụt tắt. Dòng lưu chuyển, sự tương tục, của các hiện thân Phật vẫn còn tồn tại và không bao giờ chấm dứt. Giống như ta kinh nghiệm cuộc đời này và sự nối tiếp các tái sinh trong sinh tử, khi ta trở thành toàn giác, tâm Phật tiếp tục hiển lộ trong mọi hình thức cần thiết và ích lợi cho chúng sinh. Một vị Phật không còn những tư tưởng hạn hẹp hay vị kỷ nữa, không còn bị giới hạn bởi không gian, thời gian, sự đa dạng hay số lượng nữa. Những hiển lộ này là những gì ta gọi là Hóa Thân.
Ba thân là một cách miêu tả và hiểu biết về ba phẩm tính của một vị Phật. Tất cả ba phương diện này hiện diện đồng thời. Tâm một vị Phật thì hoàn toàn trong sạch và tỉnh giác, và vì thế không cần tạo lập bất kỳ sự giả định và khái niệm nào bởi tất cả được tri giác một cách trực tiếp. Tâm Phật hiểu rõ những phương diện giác ngộ cũng như không giác ngộ và có thể hiển lộ bằng mọi cách thức có thể cứu giúp chúng sinh.
Ba thân cũng là bản tánh cố hữu của tâm ta. Khi nhận ra chúng bằng kinh nghiệm của ta, đó là sự giác ngộ.
Lễ Quy y
Lễ quy y chính thức đánh dấu thời khắc ta trở thành một Phật tử. Nó nhắm tới việc chọn một hướng đi và một con đường cho bản thân ta.
Theo truyền thống, ta quy y với một Lạt ma, nhưng ta cũng có thể làm điều đó trước một hình ảnh của một vị Phật hay Bồ Tát. Trước hết ta lễ lạy ba lần vị mà ta sắp quy y. Các lễ lạy là sự khẩn cầu quy y theo nghi thức. Đức Phật ngăn cấm bất kỳ môn đồ nào của ngài ban sự quy y, hay về việc đó, cùng mọi giới luật hay giáo lý, mà không được đặc biệt khẩn cầu. Sau đó, ta lập lại theo vị Thầy ba lần lời nguyện quy y. Trong hệ thống Tây Tạng, ta thường nhận một cái tên mới chứng tỏ rằng ta đã bắt đầu một cách sống mới. Lạt ma cũng cắt một ít tóc của ta, để tượng trưng rằng ta đã thực hiện lễ cúng dường tối thượng lên Phật, Pháp, và Tăng đoàn. Bởi tóc mọc trên bộ phận cao nhất của thân thể nên điều này tượng trưng cho một món cúng dường đầy ý nghĩa.
Trong tiến trình của buổi lễ này, ta phát những lời nguyện liên quan tới ba đối tượng quy y: ba giới nguyện chính, ba giới nguyện lên kết với các thiện hạnh, và ba giới nguyện liên kết với các ác hạnh. Ba giới nguyện tổng quát là:
1. Thường xuyên nghĩ đến Phật, Pháp, và Tăng đoàn dù ta đang làm gì – khi thức dậy, khi ta ăn, dù ta đi đâu – và cúng dường các ngài trong tâm.
2. Không bao giờ từ bỏ việc quy y Tam Bảo, ngay cả khi được trọng thưởng hay bị tổn hại nặng nề.
3. Lập lại lời nguyện quy y càng thường xuyên càng tốt và nghĩ tới những phẩm tính và lợi lạc của việc quy y.
Ba giới nguyện đặc biệt liên kết với những ác hạnh là:
Ba giới nguyện liên kết với các thiện hạnh nhấn mạnh rằng ta phải tỏ lòng tôn kính:
Tám lợi ích của việc quy y như sau. Ta trở thành một Phật tử, Phật tử có nghĩa là người tập trung vào việc phát triển bên trong24 của mình. Như thế ta thọ nhận căn bản cho những giới luật và sự phát triển trong tương lai. Ta tịnh hóa nghiệp tiêu cực phát sinh từ những ác hạnh trong quá khứ. Ta được bảo vệ để chống lại sự tấn công của con người và các tinh linh. Ta sẽ có thể thành tựu mọi giới nguyện của ta. Ta luôn luôn tích tập công đức như một kết quả của mục tiêu quan trọng ta đã đặt ra cho bản thân. Ta không còn rơi vào những cõi thấp. Cuối cùng, ta ở trên con đường hướng tới giác ngộ.