Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

Giáo pháp Kim cương thừa


Sự sâu sắc và tinh tế của Mật tông (Tantra)[91] hay Kim cương thừa (Vajrayna) phát xuất từ sự thực hành hợp nhất phương tiện và trí tuệ. Nói một cách hết sức vắn tắt thì một trong những nét độc đáo của sự hợp nhất phương tiện và trí tuệ trong giáo pháp Kim cương thừa là hành giả trước tiên phải hướng nhận thức về bản ngã và thế giới của mình đến một sự hiểu biết về tính không và hòa tan mọi thứ vào tính không đó. Và rồi nhận thức về tính không đó sẽ được hình tượng hóa (dĩ nhiên vào giai đoạn khởi đầu thì chỉ là một cách tưởng tượng) như là một dạng toàn hảo của Thánh hộ trì[92] thiền. Kế đến, bạn quán chiếu về bản chất phi vật thể hay trống không của vị Thánh hộ trì đó. Như vậy, chỉ trong một trường hợp nhận thức, cả phương tiện và trí tuệ đều có mặt và trọn vẹn: có sự hình tượng hóa của một vị Thánh hộ trì và cùng lúc có cả sự hiểu biết về bản chất trống không của vị Thánh hộ trì đó.

Trong truyền thống Kim cương thừa có bốn lớp nguyên lý tantra chính yếu, theo các phái Gelug,[93] Sakya[94] và Kagyu.4 Đó là Kriya tantra, Carya tantra, Yoga tantra, và Tối thượng Du-già tantra.[95] Hai lớp nguyên lý đầu tiên không bao gồm việc phát nguyện Vajrayana; các phát nguyện tantra thuộc về Mật tông Du-già và Mật Tông Tối thượng Du-già. Mật Tông Tối thượng Du-già còn có các thực hành thiền định sử dụng nhiều yếu tố sinh lý đa dạng, chẳng hạn như việc hình tượng hóa các kênh năng lực của cơ thể, các năng lực luân chuyển trong các kênh ấy, các “giọt vi tế”... Trong tất cả các pháp thiền khác nhau này thì điểm then chốt luôn luôn là nguyện lực của tâm Bồ-đề và tuệ giác về tính không. Thiếu đi hai nhân tố này, không một pháp thiền nào kể trên thậm chí có thể được xem là pháp Phật.

Tuy nhiên, theo một số kinh văn xác thật và rất đáng tin cậy của Mật tông Du-già thì pháp tu Kim cương thừa cũng có thể dựa trên hiểu biết về tính không của phái Duy thức, không nhất thiết phải là theo Trung quán tông. Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm thấy rằng nếu muốn cho các thực hành tantra là toàn diện, và muốn đạt tới sự giác ngộ viên mãn theo giáo pháp tantra, thì một tuệ giác về tính không dựa theo Trung quán tông là thực sự cần thiết.

Xem mục lục