Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
NHỮNG HÓA THẦN : 
ĐÂU LÀ SỰ BÍ MẬT CỦA CÁC VỊ ? **

Tây Tạng là một xứ sở có truyền thống văn hóa hoàn toàn đặc biệt. Về vật chất, chúng tôi nghèo, nhưng gia sản tâm linh và văn hóa chúng tôi giàu có. Chúng tôi có nhiều để dâng tặng cho thế giới. Ví dụ, tôi biết vì chính tôi đã thử, rằng trong lãnh vực sức khỏe, y học của chúng tôi hoàn toàn hiệu quả, đặc biệt trong trường hợp những bệnh kinh niên. Vả lại, người Hoa đã không lầm ; mặc dầu họ đã cố ý xóa bỏ văn hóa Tây Tạng, họ cũng giữ gìn toàn bộ y học của nó ; chắc chắn y học đó khá có ích để họ quyết định bảo tồn và phổ biến sự sử dụng.

Những đồ vật nghệ thuật là biểu trưng một văn hoá, nhưng đó chỉ là một phương diện. Cái quan trọng nhất không ở trong hội họa hay những diễn tả nghệ thuật khác, mà ở trong tâm thức con người. Khi một văn hóa làm sống động tâm thức của cả một dân tộc trong đời sống hàng ngày của họ, đó là bằng chứng nó hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ, những người Tây Tạng nổi tiếng về sự vui vẻ của họ, đó là một trong những tính cách của chúng tôi. Chúng tôi không biết điều đó, nhưng nhiều người ngoại quốc đến thăm chúng tôi ở Ấn Độ thường nhận xét chúng tôi như vậy. “Đâu là sự bí mật của các vị ?” Đó là câu hỏi thường xuyên lập lại về tính khí tốt đẹp của chúng tôi.

Tôi đã nghĩ rằng nó liên hệ với lý tưởng đại bi của một bồ tát, mà văn hóa Phật giáo của chúng tôi cho chúng tôi nhiều kiểu mẫu. Dù có học hay không học, chúng tôi có thói quen gọi mọi sinh vật là những mẹ những cha của mình : những từ này chúng tôi luôn nghe được ở xứ sở Tây Tạng. Ở đó, ngay cả người mà chúng tôi xem là một kẻ vô lại cũng chỉ có những chữ này trên miệng : “Mọi sinh vật, mẹ của tôi.” Tôi có cảm tưởng rằng sự đồng hóa này với với một lý tưởng đại bi là nguồn mạch cho niềm vui sống của chúng tôi. Nó cho chúng tôi nhiều sức mạnh trong đời sống hàng ngày, đặc biệt trong những tình thế nghiêm trọng.

Nhưng các bạn có thể nói : “Làm sao những người Tây Tạng có thể không ngừng nói đến lòng bi mẫn khi mà một số những vị thần của họ có vẻ hung dữ như vậy ?”

Điều đó như thế này. Trong Phật giáo, chư thiên – hay những thần – xếp thành hai loại, tùy theo họ là chư thiên thế gian hay chư thiên siêu xuất thế gian. Những kinh văn kể một số đông chư thiên và một-nửa-thiên thuộc loại thế gian, ở trong sáu loài sống họ cư ngụ qua lại từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, một-nửa-thiên hay thiên, tùy theo sự lưu chuyển của họ.

Trong cõi dục có sáu loại thiên, và trong cõi sắc có bốn. Họ thuộc về bốn trạng thái định và phân thành mười bảy loại khác. Trong cõi vô sắc, chư thiên có bốn loại. Và cuối cùng, có những loại sinh linh làm hại trong ngạ quỷ, một-nửa-thiên và súc sanh mà chúng ta không tả chi tiết.

Bởi vì chư thiên tạo thành nhiều nhóm, cần phân biệt rõ những thần thế gian và siêu thế gian. Không có điều ấy, các bạn có thể lầm một thần địa phương với một thần của tantra yoga tối thượng. Một số thiên thuộc thế gian nắm quyền sở hữu những cá nhân đặc biệt mà họ dùng như những trung gian ; họ không khác chúng ta, bởi vì họ cũng chịu sự bất lợi của tham lam và thù hận. Trong dòng các kiếp của chúng ta, chúng ta đã sanh trong hình dáng những sinh linh đó ; và chính họ cũng đã biết những tái sanh làm người như chúng ta. Theo viễn cảnh Phật giáo, chúng sanh có thể mặc lấy vô số hình thức, do vô số nghiệp tích cực hay tiêu cực.

Những thần siêu thế gian chia làm hai loại : những vị Phật và những vị Bồ tát đã đạt đến “con đường của cái thấy cái chân thực” ; trong những vị sau có những vị xuất hiện như những Bồ tát trong khi các ngài thực sự đã là những vị Phật, và những vị khác thực sự là những Bồ tát.

Những sinh thể của mức độ này thường biểu lộ dưới hình thức những người bảo vệ, hộ trì như Mahakala, Mahakali…

Những thần của những mạn đà la thuộc vào phạm trù siêu thế gian ; các vị đã đạt đến “con đường nơi không còn gì để học hỏi nữa”, và là những vị Phật. Trong yoga tantra, người ta có thể thấy những mạn đà la trong đó có đến ngàn vị thần, họ là những hóa hiện của thần ở trung tâm. Trong mạn đà la Guhyasamaja, thuộc về tantra yoga tối thượng, người ta có thể thấy ba mươi hai thần linh tượng trưng những yếu tố tịnh hóa những hợp thể cấu tạo thành một con người. Điều này giải thích rằng, mặc dầu nhiều thần ở trong mạn đà la, thì chỉ một vị thật sự ở đó mà thôi.

Sự thực hành yoga về hóa thần chủ yếu nhắm một mục đích : thực hiện công trạng tối thượng là Phật tánh, cho cứu cánh duy nhất là hoàn toàn và không giới hạn phụng sự tất cả chúng sanh. Một cách tổng quát, con đường tantra gồm yoga về bất nhị, về cái sâu xa và về cái biểu lộ. Cái sâu xa là cái trí huệ sâu nhiệm thâm nhập sự bí mật của tánh Không vô tự tánh ; phương diện biểu lộ là vòng tròn thiêng liêng trong đó trí huệ này đồng thời xuất hiện. Nhờ vào khả năng quán tưởng, tâm thức mặc lấy hình tướng của hóa thần, làm xuất hiện mạn đà la của hóa thần và mọi thứ gồm trong lãnh vực sinh sống của hóa thần ; trong khi khả năng kiểm nghiệm cũng của tâm thức này chứng nghiệm sự vô tự tánh của chúng.

Thực hành tantra yoga tối thượng có một tính cách rất đặc biệt, nó vượt khỏi những đường lối sáo cũ và kêu gọi, nhờ cậy đến những mức độ rất vi tế của tâm thức. Về chủ đề này, một đoạn của Tantra Guhyasamaja cho những chỉ dẫn về ba thân “liên kết với trạng thái bình thường”, để chuyển hóa thành ba thân “liên kết với trạng thái đang trên đường” ; ba cái sau này đến lượt chúng, làm nguồn gốc cho sự chuyển hóa thành ba thân của một vị Phật “liên kết với trạng thái Quả”.

Ba thân liên kết với trạng thái bình thường trải nghiệm cái chết bình thường, xảy ra khi tịnh quang khởi hiện ; tương ứng với cái chết bình thường là Pháp thân, liên kết với trạng thái bình thường. Bấy giờ – trừ trường hợp tái sanh vào cõi vô sắc – xảy đến trạng thái trung ấm, giai đoạn giữa cái chết và sự sanh trở lại, tương ứng với nó là Báo thân, liên kết với trạng thái bình thường. Đúng lúc thụ thai, bắt đầu một đời sống mới, tương ứng với nó là Hóa thân, liên kết với trạng thái bình thường.

Cũng như thế trong chu trình hai mươi bốn giờ, giấc ngủ sâu được xem như là Pháp thân liên kết với trạng thái bình thường. Giấc mộng, như là Báo thân liên kết với trạng thái bình thường. Và khi thức như là Hoá thân liên kết với trạng thái bình thường. Những chu trình này của đời sống bình thường được dùng trên con đường đạo như là những cây cầu để đạt đến những yếu tố tương ứng đặc biệt với Phật tánh.

Sự thực hành này gồm trong yoga về hóa thần, nó phong phú bởi vì sự làm việc quý giá trên những mức độ rất vi tế của tâm thức. Nó cho phép những tiến bộ nhanh chóng trên con đường đạt đến Phật tánh.

Trong yoga này, hành giả tìm cách đạt đến mức độ cao nhất : chót đỉnh tối thượng của Phật tánh ; ở mức độ trung, người ấy thử đạt một trong tám thành tích chánh ; và ở mức độ thấp, anh ta thực hành sự làm cho bình an, sự khuếch trương, sự chế phục, sự hàng phục bằng hung nộ, nhưng duy chỉ trong sự lợi lạc cho những người khác. Trong loại thiền định này, người ta kêu gọi đến những thần hòa bình cũng như những thần hung dữ ; và các bạn sắp hiểu những lý do của sự quá nhiều hình dáng này. Những kinh văn dành cho Thanh Văn không cho một chỉ dẫn nào về việc sử dụng những xúc tình vào con đường ; ngược lại trong những kinh văn của thừa hoàn thiện (Ba la mật đa thừa) của Bồ tát, người ta tìm thấy những phương pháp chính xác về cách thức khai thác năng lượng của tham muốn. Người ta biến chúng thành một đồng minh nó làm tăng gấp mười khả năng giúp đỡ hiệu quả người khác của chúng ta, ví dụ như có nhà vua bồ tát đã sinh rất nhiều con cái để cứu cho vương quốc mình.

Mật thừa cũng dạy làm thế nào để rút ra sự ích lợi của thù ghét hầu tiến bộ trên đường đạo. Sự thực hành này được dùng ở giai đoạn thành tựu và không phạm đến chút nào động lực đại bi thuần khiết. Cơn thịnh nộ khởi động bởi đại bi bấy giờ được hướng dẫn đến một mục tiêu đặc biệt, đó là một trong những kỹ thuật được dùng trong giai đoạn thành tựu. Nó dựa vào năng lực mạnh mẽ mà tâm thức sản sinh ra khi cơn giận nổ bùng trong tâm thức. Vậy thì, trong sự thi hành những hoạt động loại “hung nộ”, năng lực và quyền lực đóng một vai trò quan trọng. Những thần hung nộ vậy là để minh hoạ sự sử dụng cơn giận vào con đường giác ngộ. Những hóa thần hung dữ và hòa bình được tượng trưng với những thuộc tính khác nhau. Ví dụ, Chakrasamvara cầm một sọ người đầy máu : sọ người nghĩa là nó nắm giữ phúc lạc và máu tượng trưng tâm thức của tánh Không. Sự liên hệ của sọ người và xuất thần đến từ sự kiện rằng khi chảy lỏng, những hạt căn bản kéo theo cái lạc tính dục ; vậy thì, theo chúng tôi, những hạt căn bản này ở nơi đầu. Ở đại học Virginia, một giáo sư y khoa cũng dạy rằng nguồn gốc của những xuất thoát tinh khí nằm ở trong đầu.

Trong một bối cảnh khác, cái sọ tượng trưng sự vô thường, và một xác chết là tính vô ngã. Khi năm cái đầu đã khô đeo vòng quanh cổ một thần siêu thế, phải thấy đó là một nhắc nhở năm trí huệ tối thượng và năm vị Phật năm bộ. Những giải thích thì chi tiết để hiểu những hóa thần hung nộ diễn tả cái gì.

Trong những lời tán tụng chúng tôi gởi đến các vị thần trong các buổi nghi lễ, thường có nói rằng các vị không bao giờ tách rời với Pháp thân và Từ Bi. Người nào ham thích thực tập những tantra mà không được trang bị lòng đại bi mạnh mẽ là điều kiện tiên quyết, nhất là trong sự thực hành pháp hung nộ, sẽ mất nhiều hơn là được. Như một đại thành tựu giả Tây Tạng là Nam-ka-gyel-sen đã nói, nếu các bạn lao mình vào sự thực hành những tantra mà không với một lòng bi bao la, nếu tình thương và sự thấu hiểu tánh Không thiếu ở nơi bạn, thì do sự kiên trì trì tụng một thần chú hung nộ, các bạn sẽ rơi vào sự tái sanh trong hình thức một loại quỷ thần ác độc ham thích làm hại mọi sinh linh. Những lời khuyên dạy này phải được tuân theo sát từng chữ.

Cũng phải biết rằng sự thực hành đúng đắn yoga về nội khí – hay yoga hơi thở – là phức tạp và không phải không nguy hiểm. Bởi thế, có nói rằng sự thực hành tantra phải được giữ bí mật.

Thật dễ dàng nghiên cứu nghệ thuật Tây Tạng trong một viện bảo tàng hơn là đem nó vào thực hành trong thực tế.

** Bảo tàng Newark.

Xem mục lục