Làm sáng tỏ
Mật thừa dùng kết quả như là con đường theo nghĩa một con đường tương tự với kết quả được trau dồi. Trong cả Kinh thừa và Mật thừa, người ta trau dồi một con đường tương tự với Pháp thân, nhưng trong Mật thừa người ta còn trau dồi một con đường tương tự với Sắc thân. Theo cách này, Mật thừa thì cao cấp hơn Kinh thừa.
Quan niệm sai lầm : yoga bổn tôn là không cần thiết
Vài người có thể phản đối : ‘Để thành tựu một thân thể được trang nghiêm bằng các tướng tốt của một bậc Chuyển Luân Vương, không cần thiết trau dồi một con đường thiền định tương tự với thân thể một bậc Chuyển Luân Vương.(2) Như thế, không chắc chắn rằng để thành tựu một kết quả người ta phải trau dồi một nguyên nhân phù hợp với kết quả đó. Đâu là lý do phải đòi hỏi một nguyên nhân tương tự với kết quả trong việc làm hiển lộ Phật tánh ?
Trả lời : Theo Thừa Hoàn Thiện, một Sắc thân được hoàn thành qua sự tích tập công đức. Còn khi một Bồ tát đến địa thứ tám trong mười địa, vị ấy mới hoàn thành một thân bằng tâm thức có những điểm giống như những tướng chánh và tướng phụ của một vị Phật và sanh khởi dựa vào giai đoạn của những tập khí tiềm ẩn của vô minh (động lực muốn có một thân bằng tâm thức) và hành động không ô nhiễm (yếu tố tâm thức của ý định là sự vận hành vi tế nằm trong động lực muốn có một thân bằng tâm thức). Thân thể này dần dần tiến triển và cuối cùng chuyển thành Sắc thân một vị Phật. Như thế, dù Thừa Hoàn Thiện không nói rằng chỉ sự tích tập công đức là đã đủ, hay rằng ở mức độ Phật tánh người ta mới hoàn thành một Sắc thân, thì dòng tương tục của Sắc thân ấy chưa hiện hữu trước đó. Trong hai hệ thống Kinh và Mật, cần thiết hoàn thành một cái tương tự với Sắc thân trước khi đạt đến Phật tánh hoàn toàn.
Theo Tantra Yoga Tối Thượng, vài người đạt đến Phật tánh trong chỉ một đời, và bởi vì những người này không sanh ra với một thân thể được trang nghiêm bằng những tướng chánh và phụ, họ phải hoàn thành một thân như thế qua sự thực hành yoga bổn tôn. Những người này không phải là những trường hợp sanh ra với một sắc thân và như thế cũng không tương tự với sự tích tập những nguyên nhân thúc đẩy người ta tái sanh như một chuyển luân vương hay một thú vật, quỷ đói, hay chúng sanh của địa ngục. Trong trường hợp tái sanh, không cần thiết phải tích tập những nguyên nhân đồng dạng với loại tái sanh riêng biệt bị thúc đẩy đến. Có một sự khác biệt lớn lao giữa một nguyên nhân đưa đến tái sanh và một nguyên nhân của loại tương tự.
Thiền định về chính mình như không khác biệt với hóa thần bổn tôn là nguyên nhân đặc biệt của loại tương tự để đạt đến Phật tánh. Nếu người ta chỉ thiền định về tánh Không và không trau dồi phương tiện nào – hoặc của Thừa Hoàn Thiện hoặc của Mật thừa – người ta sẽ rơi vào quả vị của Tiểu thừa là một bậc A la hán Sát Tặc. Để đạt được sự tốt đẹp rốt ráo của thành tựu tối thượng là Phật tánh, yoga bổn tôn là cần thiết. Cũng thế, để đạt được những thành tựu chung, tám kỳ công và…, người ta phải thấy thân mình rõ ràng như một thân bổn tôn thiêng liêng và tu hành sự kiêu hãnh là một bổn tôn. Không có yoga bổn tôn, con đường Mật thừa không thể có được ; yoga bổn tôn là tinh túy của Mật thừa.
Tham thiền về chính mình như có một thân thể bổn tôn có vẻ là một trò chơi trẻ con, giống như kể một câu chuyện cho một đứa trẻ để kích thích trí tưởng tượng của nó. Tuy nhiên, kết hợp với cái thấy tánh Không, động lực vị tha, và hiểu biết về mục đích của nó, nó là một tu hành rất quan trọng về mặt tâm lý – thấy thân mình trong hình thức một bổn tôn, phát sanh sự kiêu hãnh là một bổn tôn, tạm thời thực hiện những hoạt động làm an bình, làm tăng trưởng… và cuối cùng thành tựu Phật tánh. Có một sự khác biệt về sức mạnh giữa việc trì chú và trì chú ấy trong bối cảnh của yoga bổn tôn ; đã đến lúc có thể có một sự giải thích khoa học về sự khác biệt này.
Quan niệm sai lầm : Phật tánh của Thừa Hoàn Thiện
và Phật tánh của Kim Cương thừa khác nhau
Dầu cho có một sự khác biệt giữa Thừa Hoàn Thiện và Mật thừa về phương tiện và nhiều hình thức con đường, không có sự khác biệt nào trong quả, tức là Phật tánh, mục đích của cả hai. Trong vài kinh điển, Phật tánh và Kim Cương Trì tánh có vẻ khác nhau, và như thế có người có ý nghĩ rằng những quả của hai thừa phải khác nhau và Kim Cương Trì tánh thì cao hơn Phật tánh. Sự lầm lẫn này đôi khi xảy ra bởi vì một Bồ tát ở địa thứ mời thường được xem như một vị Phật dù thực ra vị ấy chưa phải là một vị Phật.
Dù sự thực hành chỉ riêng Thừa Hoàn Thiện thì không đủ để thành tựu Phật tánh, nhưng Phật tánh được diễn tả trong hai thừa Kinh và Mật thì như nhau. Sẽ sai lầm khi nói rằng Phật tánh chỉ được thành tựu qua những con đường của Thừa Hoàn Thiện và rằng sau khi đạt đến Phật tánh người ta phải đi vào Mật thừa để thành tựu một quả còn cao hơn. Dù cho cuối cùng người ta phải đi vào Mật thừa để trở thành một vị Phật, tổng quát người ta có thể nói rằng những con đường của Thừa Hoàn Thiện và của Mật thừa thành tựu cùng một quả, với sự khác biệt nằm trong tốc độ mà quả đạt được.
Không thể nói rằng tổng quát Phật tánh có thể thành tựu qua Mật thừa trong chỉ một đời của thời đại suy thoái này mà không dựa vào sự thực hành trải qua những vô số kiếp, bởi vì điều ấy không thể xảy ra nếu chỉ theo những con đường tantra cấp thấp. Cuối cùng người ta phải đi vào Tantra Yoga Tối Thượng để thành tựu Phật tánh mà không phải thực hành qua những vô số kiếp. Theo Đại Diễn Giải về Mật thừa của Tsongkapa, sự đạt đến Phật tánh trong một đời là một đặc trưng riêng biệt của Tantra Yoga Tối Thượng.
Những con đường của ba tantra cấp thấp thì nhanh hơn con đường Hoàn Thiện ở chỗ những con đường tích tập và chuẩn bị không đòi hỏi phải một vô số kiếp thực hành, nhưng thể thức của chúng trên con đường thấy và thiền định thì giống như của Thừa Hoàn Thiện. Tuy nhiên phải biết những Tantra Hoạt Động, Thực Hiện và Yoga nói rằng Phật tánh có thể thành tựu trong một đời. Ví dụ, phần tiếp tục của Vairochana-bhisambodhi Tantra, một Tantra Thực Hiện nói, ‘Những Bồ tát ấy đi vào thực hành từ lối đi của Mật thừa sẽ giác ngộ hoàn toàn trong chính đời này.’ Những phát biểu như vậy nói rằng giác ngộ có thể được hoàn thành trong một đời nhờ vào ba tantra cấp thấp nên được xem như một bày tỏ cường điệu về sự vĩ đại của tantra đặc biệt đó.
Những hành giả của ba tantra cấp thấp đạt được nhiều chứng đắc chung qua đó họ thấy chư Phật và Bồ tát, nghe giáo pháp của các ngài, và dưới sự chăm sóc của các ngài mà hoàn thành những thực hành để đến giác ngộ nhanh chóng, nhưng ngoài sự tiến hành nhanh hơn trên những con đường tích tập và chuẩn bị, phần còn lại của con đường vẫn còn kéo dài. Theo truyền thống truyền miệng, sự đạt được Phật tánh trong một đời ngắn ngủi vào thời suy thoái này (ngày nay cuộc đời khoảng chừng sáu mươi năm) là một đặc trưng đặc biệt của Tantra Yoga Tối Thượng, nhưng sự đạt được Phật tánh trong chỉ một đời cũng là một đặc trưng của ba tantra cấp thấp. Cái sau không phải là một đời ngắn ngủi của thời suy thoái mà ám chỉ đến những khả năng mà thiền định đạt được qua sự thực hành yoga bổn tôn, trì chú… để kéo dài đời của họ qua nhiều kiếp. Trải qua một cuộc đời như vậy người ta có thể đạt đến giác ngộ tối thượng, dựa vào những con đường của ba tantra cấp thấp và cuối cùng đi vào Tantra Yoga Tối Thượng. Đoạn văn trong Vairochanabhisambodhi Tantra có thể ám chỉ đến một đời sống dài lâu như vậy.
Quan niệm sai lầm :
Giai đoạn phát sanh chỉ là yoga bổn tôn
Shantideva nói trong Đi vào Bồ tát hạnh rằng khi một Bồ tát đã đạt đến một địa cho đi thân thể mình, vị ấy không có sự khổ đau vật lý và như thế không có sự khổ đau tâm thức và do đó có thể dễ dàng cho cả thân mình nếu cần. Cũng thế, Kinh Gặp gỡ giữa Cha và Con (Pitaputrasamagama) nói rằng những Bồ tát có thể duy trì một cảm giác lạc phúc trong mọi tình huống, ngay cả khi bị hành hạ. Dựa trên những lời dạy này, Ratnarakshita đã đề xuất một cách sai lầm rằng đại lạc được sản sanh trong Thừa Hoàn Thiện. Tuy nhiên, ngài xác định đúng rằng cả hai thừa Kinh và Mật đều bao gồm thiền định về tánh Không và cũng đúng khi nêu ra rằng trong Thừa Hoàn Thiện, những Bồ tát trong vài trường hợp dùng những thứ thuộc cõi dục như sắc, thanh, hương, vị, xúc gây thích thú và những sự vật thô phù, và bởi thế, sự sử dụng tham muốn vào con đường không phải là một đặc trưng riêng của Mật thừa. Ngài trích dẫn Kinh Chương Kashiapa :
Cũng như chỗ dơ bẩn của đô thị
Giúp cho cánh đồng mía lớn lên
Sự sử dụng những phiền não của một Bồ tát
Góp phần làm lớn mạnh những phẩm tính của một vị Phật.
Ngài cũng nhận xét đúng đắn rằng một nguyện vọng vị tha hướng đến giác ngộ tối thượng, khơi dẫn bởi từ bi, là chung cho cả hai thừa Kinh và Mật. Tuy nhiên, ngài đã sai lầm khi kết luận rằng đặc trưng riêng biệt của tantra là giai đoạn phát sanh. Ngài đã giả định một cách lầm lẫn rằng giai đoạn phát sanh trong Tantra Yoga Tối Thượng chủ yếu là yoga bổn tôn và giai đoạn thành tựu chủ yếu là thiền định về tánh Không, trong khi thật ra cái nền tảng thực sự của yoga bổn tôn là thiền định về tánh Không và yoga bổn tôn cũng xảy ra trong giai đoạn thành tựu.
Quan niệm sai lầm : Sử dụng tham muốn trong
con đường là để cho những hành giả cấp thấp
Tripitakamala nói rằng dù cho mục tiêu của hai thừa – Phật tánh – thì giống nhau, nhưng Mật thừa trội hơn Thừa Hoàn Thiện do bốn đặc trưng :
Đặc trưng thứ nhất là những hành giả Mật thừa không tối tăm trong khi những hành giả Kinh thừa thì vậy. Những hành giả Mật thừa thấu hiểu rằng sự thành tựu một hoàn thiện là quả của định và người ta không thể thành tựu một hoàn thiện qua việc thực sự cho thân thể và vân vân. Những hành giả của Kinh thừa không nhận biết điều này và như vậy là tối tăm.
Sự giải thích này sai lầm bởi vì trong chính Thừa Hoàn Thiện Shantideva nói rằng vì chúng ta còn thấy những người ăn xin trong thế giới và vì chúng ta biết rằng chư Phật và Bồ tát xưa kia đã hoàn thành cái hoàn thiện của bố thí, nên sự hoàn thiện của bố thí (bố thí ba la mật) không thể loại trừ hết sự nghèo đói trong thế giới. Hơn nữa, hoàn thiện của bố thí là sự phát triển đầy đủ của một thái độ rộng lượng – sự thành tựu tư tưởng cho đi mọi cái cùng mọi kết quả sanh ra từ đó, cho tất cả chúng sanh. Theo Shantideva, một hoàn thiện tùy thuộc vào tâm thức. Bởi thế, sự giải thích của Tripitakamala về đặc trưng không tối tăm là không thể được.
Đặc trưng thứ hai là Mật thừa có nhiều phương tiện trong khi Kinh thừa không có. Trong Kinh thừa người ta tiến bộ chỉ bằng những phương tiện an bình, còn Mật thừa có bốn phần mà mỗi phần có nhiều kỹ thuật để đối trị với một vấn đề. Chẳng hạn, với người tham muốn và người kiêu căng, Mật thừa có nhiều phương pháp như là quán tưởng chính mình như là một vị của rất nhiều hóa thần bổn tôn.
Sự giải thích của Tripitakamala về đặc trưng này là đúng, nhưng nó không thể dùng như một lý do để phân chia Đại thừa thành Kinh thừa và Mật thừa bởi vì chẳng hạn như Tantra Yoga Tối Thượng có nhiều kỹ thuật mà ba tantra kia không có, nhưng nó không phải là một thừa riêng biệt.
Đặc trưng thứ ba là Kinh thừa có khổ hạnh trong khi Mật thừa thì không. Jnanakirti và Tripitakamala giải thích rằng Mật thừa có hai loại hành giả : những người không có tham muốn với một Tri Thức Nữ(3) và những người có tham muốn. Những người không có tham muốn với một Tri Thức Nữ là những hành giả cao cấp, và họ thiền định về đại ấn thực sự, nó là sự kết hợp của phương tiện và trí huệ. Những người có tham muốn được chia thành hai nhóm : những người không có tham muốn với một Tri Thức Nữ bên ngoài và những người có tham muốn với một Tri Thức Nữ bên ngoài. Nhóm trước thiền định về một Tri Thức Nữ do quán tưởng, và nhóm sau dùng một Tri Thức Nữ thật sự.
Sự giải thích này là sai lầm vì trong những hành giả của Tantra Yoga Tối Thượng những người nào có khả năng sắc bén nhất dùng tham muốn với một Tri Thức Nữ bên ngoài trên con đường. Chính điều này có nghĩa là ‘những người giống như ngọc’ thành tựu Phật tánh trong một đời. Bởi vì cả hai đều có trau dồi những con đường thoát khỏi dục vọng và những con đường sử dụng dục vọng, nên đặc trưng này không thể phân biệt hai thừa.
Sự giải thích của Tripitakamala về đặc trưng thứ tư, sự sắc bén của những khả năng, cũng không đúng bởi vì nếu ngài hiểu là không tối tăm về phương tiện thì sự giải thích của ngài về sự khác biệt trong phương tiện đã được chứng tỏ là không đầy đủ. Còn nếu ngài hiểu là trong Mật thừa, tham muốn đối với những thứ của cõi dục thì được dùng trong con đường, lúc ấy ngài cũng sai lầm bởi vì theo sự giải thích sai lầm của ngài, những người bén nhạy nhất không làm như vậy, trong khi thật sự là ngược lại.
Quan niệm sai lầm :
Bốn bộ tantra thuộc về bốn bộ đẳng cấp
Có bốn bộ tantra : Hoạt Động, Thực Hiện, Yoga và Yoga Tối Thượng. Một số người còn chia Yoga Tối Thượng thành tantra cha, tantra mẹ và tantra bất nhị, thành ra là sáu. Theo Tsongkapa, ‘tantra bất nhị’ ám chỉ một sự bất nhị của phương tiện và trí huệ – đại lạc và tánh Không ; bởi thế, ngài nói rằng mọi Tantra Yoga Tối Thượng đều là những tantra bất nhị. Dịch giả Tak-sang lại khẳng định rằng Kalachakra là một tantra bất nhị vì nó nhấn mạnh vào sự nhập môn quán đảnh thứ tư, nó là một sự kết hợp của lạc tối thượng bất động và tánh Không tối thượng. Đối với ngài những tantra nhị nguyên nhấn mạnh hoặc cái này hoặc cái kia của hai yếu tố trên.
Những hành giả của bốn tantra này có cùng ý định là họ đều tìm kiếm sự lợi lạc cho những người khác. Mục tiêu để đạt đến – Phật tánh, sự diệt mất mọi lỗi lầm và tròn đầy mọi tính cách tốt đẹp – là chung cho tất cả. Bởi thế, bốn tantra không thể phân chia theo quan điểm phạm vi ý định hay mục tiêu chứng đắc. Cả bốn đều có yoga bổn tôn, và những khác biệt về yoga bổn tôn không đủ để xem như khác biệt giữa chúng, bởi vì mỗi tantra cũng đều có nhiều hình thức yoga bổn tôn. Dầu cho có những nguồn trong những bản văn Ấn Độ nói rằng bốn tantra là dành cho bốn đẳng cấp hay chúng tùy theo những phiền não đặc biệt, những cái ấy không thể dùng như những yếu tố phân biệt bốn tantra hay ngay cả để chỉ ra sự trội hơn của những hành giả thuộc bốn tantra.
Những tantra chủ yếu được thuyết cho những người ở cõi dục và đặc biệt cho những người tìm kiếm giác ngộ bằng cách sử dụng tham muốn vào con đường. Những bộ tantra được phân biệt theo những cách thức thực hành và theo bốn loại hành giả có những khả năng hợp với loại thực hành nào. Đấy là bốn cách thức sử dụng tham muốn trong con đường đặt nền trên những khả năng khác biệt trong việc phát sanh tánh Không và những yoga hóa thần.
Trong bảy ngành – hưởng thụ đầy đủ, kết hợp, đại lạc, vô tự tánh, đại bi, liên tục không ngừng, và không dứt – có ba cái chỉ tìm thấy trong tantra – hưởng thụ đầy đủ, kết hợp và đại lạc – và bốn cái kia thì chung cho cả Kinh và Mật mặc dầu vô tự tánh cũng có thể đặt vào nhóm đặc biệt riêng của tantra khi nó được xem như là đối tượng được xác minh bởi một tâm thức tràn đầy lạc. Ba tantra cấp thấp không nêu lên ngành kết hợp ; thật vậy, trong ba tantra cấp thấp người ta không công nhận một Tri Thức Nữ bên ngoài và rồi dùng tham muốn vào trong con đường, mà chỉ công nhận một Tri Thức Nữ do tham thiền quán tưởng. Trong những Tantra Yoga cái lạc sanh khởi từ sự cầm tay hay ôm ấp được dùng vào con đường ; trong những Tantra Thực Hiện, thì từ sự cười ; và trong những Tantra Hoạt Động, từ cái nhìn. Tóm lại, bốn tantra giống nhau ở chỗ chúng dùng tham muốn những thứ phụ thuộc cõi dục vào con đường.
Trong những Tantra Hoạt Động những hoạt động bên ngoài là chủ yếu. Trong những Tantra Thực Hiện những hoạt động bên ngoài và yoga bên trong được thực hiện bằng nhau. Trong những Tantra Yoga thì yoga bên trong là chủ yếu. Trong những Tantra Yoga Tối Thượng một con đường cao hơn với các cái khác được dạy. Những diễn tả theo ngữ nguyên này về tên của bốn tantra áp dụng cho những hành giả chủ yếu của chúng chứ không cho tất cả hành giả của chúng, bởi vì chẳng hạn có nói rằng ngay một vài Tantra Yoga được nêu bày là để cho những người sợ hãi phải tham thiền về chính mình như một hóa thần bổn tôn.
Bốn tantra được phân biệt theo những khả năng của những hành giả chủ yếu của chúng và không phải theo những người chỉ có một quan tâm thích thú với chúng, bởi vì như trường hợp ngày nay, có nhiều người thích thú một con đường mà họ lại không có khả năng với nó.