Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
Kim Cương thừa

Thừa Thần Chú Bí Mật được ẩn dấu bởi vì nó không thích hợp với tâm thức của nhiều người. Những thực hành để thành tựu những hoạt động làm an bình, tăng trưởng, kiểm soát và hung nộ, chúng không được trình bày cả trong Thừa Hoàn Thiện (Sáu ba la mật), đã được dạy trong Mật thừa nhưng trong tình trạng dấu giếm bởi vì những người với động cơ không trong sạch sẽ làm hại chính họ và người khác khi dấn thân vào đó. Nếu dòng tâm thức của người ta chưa trưởng thành nhờ những thực hành chung cho cả Đại thừa Kinh điển và Tantra – sự chứng nghiệm khổ, vô thường, quy y, từ bi, phát tâm Bồ đề, và tánh Không vô tự tánh – thì sự thực hành của Mật thừa có thể gây tổn hại vì người ta đảm đương một thực hành cao cấp không thích hợp với khả năng mình. Bởi thế, sự truyền bá công khai của nó bị cấm ; hành giả phải giữ bí mật đối với người không phải là pháp khí của con đường này.

Danh từ ‘mantra’ (mật chú) có nghĩa là ‘bảo vệ tâm’. Nó bảo vệ tâm khỏi những hình tướng và ý niệm bình thường. ‘Tâm’ ở đây nói đến tất cả sáu thức – các thức tai, mũi, lưỡi, thân và ý – chúng được giải thoát, hay che chở, khỏi thế giới thường tục. Có hai yếu tố trong tu hành thần chú, kiêu hãnh tự mình như là một hóa thần bổn tôn và hình tướng sống động của hóa thần bổn tôn này. Kiêu hãnh thiêng liêng của hóa thần bảo vệ người ta khỏi sự kiêu hãnh của con người bình thường, thế tục, và hình tướng thiêng liêng sống động bảo vệ người ta khỏi những hình tướng bình thường thế gian. Bất cứ cái gì xuất hiện cho thế gian đều được nhìn như trò chơi của hóa thần bổn tôn ; ví dụ, bất cứ hình sắc nào cũng được thấy như sự biến hóa lưu xuất của bổn tôn và âm thanh nào cũng được nghe như những thần chú của bổn tôn. Nhờ thế người ta được bảo vệ không rơi vào trong những hình tướng bình phàm, và qua sự chuyển hóa thái độ này, sự kiêu hãnh là hóa thần bổn tôn khởi sanh. Sự bảo vệ như vậy cho tâm cùng với những cam kết và lời nguyện kèm theo được gọi là sự thực hành thần chú.

Một cách khác, chữ man trong từ ‘mantra’ được hiểu là ‘sự hiểu biết về tánh Như’, và tra có gốc từ traya, có nghĩa là ‘lòng bi bảo vệ cho những người lưu lạc’. Sự giải thích này được cả bốn bộ tantra chia xẻ, nhưng từ quan điểm đặc biệt của Tantra Yoga Tối Thượng, lòng bi bảo vệ cho những người lưu lạc có thể được xem là trí huệ của đại lạc. Sự giải thích này được nghĩ ra theo một ngữ nguyên văn cảnh của từ Sanskrit của chữ ‘bi’, karuna, như là ‘dừng lại sự vui thích.’ Khi người nào phát sanh lòng bi – sự không thể chịu đựng nỗi khổ đau của chúng sanh mà không làm gì để cắt bỏ nó, thì niềm vui thích, sự bình an và buông xả tạm thời dừng lại. Như thế, trong Tantra Yoga Tối Thượng, danh từ ‘lòng Bi’ (karuna) là để chỉ sự dừng lại lạc thú của sự xuất thoát tinh túy sinh lực và ám chỉ đến trí huệ của đại lạc (mahasukha). Đây là thần chú của nghĩa rốt ráo và hóa thần của nghĩa rốt ráo.

‘Lòng bi bảo vệ cho những người lưu lạc’ có thể được giải thích theo một cách chung cho cả bốn bộ tantra như là sự kết hợp không dị biệt của trí huệ nhận biết tánh Không với đại bi, hay một sự kết hợp của trí huệ với phương tiện – trí huệ hòa hợp với phương tiện và phương tiện hòa hợp với trí huệ.

Thừa’ có thể được xem trong hai phương diện, một thừa quả – mục đích người ta đi đến – và một thừa nhân – những phương cách nhờ đó người ta đi đến. Dù cho Kim Cương thừa có cả thừa nhân và thừa quả, nó vẫn được gọi là Thừa Quả bởi vì nó thực hành một con đường quán tưởng trong đó người ta đảm đương một cách tin tưởng bốn sự thanh tịnh triệt để – nơi chốn một đức Như Lai ở sau khi giác ngộ viên mãn, thân thể là sự biểu lộ của Trí Huệ Pháp Thân trong hình thức nhà ở và những người cư trú, những tài nguyên được hưởng thụ trong cấp độ của Phật tánh, và những hoạt động tối cao của một vị Phật giáo hóa chúng sanh. Những cái tương tự với bốn yếu tố này của trạng thái quả được trau dồi trong thiền định.

Theo Tantra Yoga Tối Thượng, quả – cách thức của Mật thừa – là trí huệ của đại lạc, và nhân – cách thức của sáu hoàn thiện – là trí huệ thấu suốt tánh Không như được trình bày trong bản văn Trung Đạo. Sự không thể phân chia của cả hai cái này là ý nghĩa ‘không thể phân chia của lạc và tánh Không.’

Theo Tantra Kalachakra, nhân là tánh Không, nhưng tánh không này không phải là một phủ định về hiện hữu nội tại ; nó là một phủ định về những phần tử vật lý. Cái này gọi là ‘hình thể của tánh Không’, hình thể trống không mọi phần tử vật lý, hình thể vượt khỏi vật chất. Hình tướng này của tánh Không, được trang hoàng với những tướng chánh và phụ của một vị Phật trong phương diện cha và mẹ, là nguyên nhân, và cái lạc bất động tối thượng, nó được dẫn khởi dựa vào những hình tướng trống không khác nhau, là quả. Một sự kết hợp của hai cái này là Thừa Nhân-Quả. Một sự bất khả phân của hình tướng tối thượng của tánh Không và cái lạc bất động tối thượng trong dòng tương tục của người học là một ‘thừa’, một cái xe, trong ý nghĩa là phương cách nhờ đó người ta tiến bộ. Trong dòng tương tục của một vị không học nữa, một vị Phật, nó là một thừa, một cái xe theo nghĩa là cái mà người ta đi đến. Như thế, có hai sự kết hợp của hình tướng tối thượng của tánh Không và cái lạc bất động tối thượng.

Cách trình bày sự không phân chia của phương tiện và trí huệ chỉ có từ quan điểm của Tantra Yoga Tối Thượng, và đặc biệt trong quan điểm của Tantra Kalachakra. Một giải thích như vậy không áp dụng cho ba tantra cấp thấp – Hoạt Động, Thực Hiện và Yoga – bởi vì chúng không có những phương cách để làm phát sanh đại lạc bất động. Tantra Kalachakra có sáu phần đoạn : rút lui, tập trung, khí lực và sử dụng, giữ lại, chánh niệm và đại định. Trong giai đoạn chánh niệm, một hình tướng của tánh Không được hoàn thành, và dựa vào nó, cái lạc tối thượng bất động được sanh ra – đây là giai đoạn đại định. Ba tantra cấp thấp không có đủ mọi yếu tố gồm trong năm giai đoạn đầu làm nhân và dĩ nhiên là không có được cái thứ sáu.

Tính cách không phân chia của phương tiện và trí huệ chỉ ra sự cần thiết tiến hành với một phương tiện và trí huệ không tách lìa nhau để đạt đến quả của cái tốt đẹp rốt ráo, tức là sự giải thoát khỏi vòng sanh tử cũng như toàn giác. Cách thức tiến bộ này là chung cho mọi thừa, Nhân và Quả. Trong Thừa Hoàn Thiện (thừa sáu Ba la mật), ‘phương tiện và trí huệ không tách lìa’ ám chỉ phương tiện kết hợp với trí huệ và trí huệ kết hợp với phương tiện. Khi tâm vị tha của giác ngộ được biểu lộ, tâm thực sự thấu biết tánh Không thì không có mặt, và khi một thấu biết hiện thực về tánh Không được biểu lộ, một tâm vị tha của giác ngộ lại không có mặt. Theo Thừa Hoàn Thiện, không thích hợp chỉ trụ trong định về tánh Không mà không dấn thân vào các ba la mật như bố thí, trì giới… vào những lúc khác, và cũng không thích hợp chỉ dấn thân vào những thực hành các hoàn thiện mà không đi vào thiền định về tánh Không trong những lúc khác. Bởi vì thế, một thiền giả của Thừa Hoàn Thiện phải trau dồi một tâm thức thấu biết tánh Không và rồi, trong sự không tổn giảm sức mạnh của quán chiếu mọi hiện tượng như một trò huyễn hóa của nhà huyễn thuật, mà tu hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục… Cũng thế, trong sự không tổn giảm sức mạnh của nguyện vọng vị tha, nó phải tu hành thấu biết tánh Không. Đây là sự không phân chia của phương tiện và trí huệ trong Thừa Hoàn Thiện.

Trong Mật thừa thì sâu xa hơn. Ở đây, sự không phân cách của phương tiện và trí huệ không có nghĩa là phương tiện và trí huệ là hai thực thể khác nhau được kết hợp lại ; mà hơn thế nữa, phương tiện và trí huệ gồm trong một thực thể. Trong Mật thừa hai cái này là trọn vẹn trong những phương diện khác nhau của một tâm thức.

Nếu, như trong Tantra Kalachakra, người ta thừa nhận phương tiện là hình tướng tối thượng toàn triệt của tánh Không và trí huệ như là cái lạc tối thượng bất động, thì điều này không áp dụng chung cho cả bốn tantra. Bởi thế, ý nghĩa của phương tiện và trí huệ bất phân, hay ‘Kim Cương Thừa’, áp dụng cho cả bốn tantra là gì ? Sáu cái hoàn thiện được bao gồm trong phương tiện và trí huệ, và trong Mật thừa, phương tiện và trí huệ được xem như là một thực thể của thiền định Vajrasattva. Đây là một tâm thức nhận biết hình tướng – thân thể của một hóa thần bổn tôn – và chứng ngộ tánh Không của nó, sự vô tự tánh của nó. Pháp thiền bất nhị giữa cái sâu xa và cái biểu lộ hình tướng là thiền định của Vajrasattva. Là một bất khả phân của phương tiện và trí huệ, đây là một kim cương theo nghĩa cái mà người ta đạt đến – trong dòng tương tục của một vị vô học – và theo nghĩa những phương cách nhờ chúng mà người ta đạt đến – trong dòng tương tục của một người còn đang học.

Bởi vì Mật thừa có nhiều phương pháp hay phương tiện thiện xảo hơn Thừa Hoàn Thiện, nó cũng được gọi là Phương Tiện Thừa. Bởi vì chính cái quả được lấy dùng như con đường theo nghĩa người ta hiện thời trau dồi bốn sự thanh tịnh triệt để – nơi chốn, thân thể, tài nguyên và hoạt động của trạng thái Quả – nó được gọi là Thừa Quả. Bởi vì nó phải được thực hành trong sự bí mật cực kỳ, nó được gọi là Thừa Bí Mật. Bởi vì nó chứa đựng những đề mục tu hành của những vị Mang Kiến Thức (Thiện tri thức), nó cũng được gọi là Bộ Phận Kinh Điển của những vị Mang Kiến Thức.

Những tantra có thể được xem là bộ phận kinh điển thứ tư vượt lên ba bộ phận kinh điển của Kinh thừa – Luật, Luận và Kinh – hay được bao gồm trong ba bộ phận đó. Tuy nhiên, có lý do chính đáng khi xem chúng như bao gồm trong những bộ của Luận tạng. Trong Giới, Định, Huệ, đặc trưng của những tantra về phần sâu xa thì chủ yếu liên quan với tu hành Định. Bởi vì những tantra chứa đựng những phương tiện phi thường để thành tựu đại định, chúng trình bày những phương pháp này nên chúng có thể ở trong Luận tạng.

Trong những công trình linh tinh của Tsongkapa có một câu hỏi liên quan đến vấn đề này, và ngài đã trả lời rằng sự khác biệt về chiều sâu trong các tantra có từ những mức độ định. Cũng có một khác biệt về tu hành giới luật và một khác biệt nhỏ về tu hành trí huệ theo loại tâm thức nhận biết tánh Không, nhưng khác biệt chính thức được tìm thấy trong thiền định, nó là sự kết hợp của an định (shamatha) và quán chiếu đặc biệt (vipashyana). Chúng ta hãy thảo luận về việc này.

Như được trình bày trong Thừa Hoàn Thiện, sự thành tựu Phật tánh ít nhất phải trải qua ba vô số kiếp thực hành ; vô số kiếp thứ nhất trải qua những con đường tích tập và chuẩn bị. Vô số kiếp thứ hai đi từ địa thứ nhất đến địa thứ bảy của các địa Bồ tát, chúng được gọi là không trong sạch bởi vì ý niệm về hiện hữu nội tại chưa hoàn toàn từ bỏ được. Vô số kiếp thứ ba tích tập công đức xảy ra ở địa thứ tám, thứ chín và thứ mười, chúng được gọi là trong sạch bởi vì ý niệm về hiện hữu nội tại đã hoàn toàn bị vượt bỏ.

Ba tantra cấp thấp trình bày yoga với những hình tướng và yoga không với những hình tướng chúng có một phương pháp đặc biệt để nhanh chóng phát sanh một kết hợp của an định và quán chiếu đặc biệt, cái này là một trí huệ ‘khởi từ thiền định’ thấu biết tánh Không. Do đó, sự tích tập công đức qua vô số kiếp thứ nhất được hoàn thành trong một thời gian ngắn. Rồi từ địa thứ nhất cho đến Phật tánh, ba tantra cấp thấp trình bày con đường như trong Thừa Hoàn Thiện.

Một người tu hành đặc biệt của Mật thừa ban đầu phát sanh nguyện vọng vị tha đạt đến giác ngộ tối thượng và rồi tu hành những con đường của Mật thừa. Ví dụ, theo Tantra Hoạt Động, nó là cái thấp nhất trong bốn bộ tantra, một thiền giả đi vào những thực hành như trì tụng có bốn phần và sau đó thực hành ba sự tập trung – trụ trong lửa, trụ trong âm thanh và trong sự ban cho giải thoát vào lúc chấm dứt âm thanh. Trong sự tập trung trụ trong lửa và trụ trong âm thanh, khả năng định trở nên mãnh liệt. Qua đó, một định là một kết hợp của an định và quán chiếu đặc biệt được hoàn thành trong dòng tập trung của nó ban cho giải thoát vào lúc chấm dứt âm thanh. Đây là một con đường nhanh hơn để thành tựu an định và quán chiếu đặc biệt so với cái trong Thừa Hoàn Thiện.

Tantra Thực Hiện, cái thứ hai trong bốn tantra, cũng có đặc trưng riêng này về sự thành tựu định, trong khi Tantra Yoga và Tantra Yoga Tối Thượng còn có những kỹ thuật sâu xa hơn của định để hoàn thành một kết hợp của an định và quán chiếu đặc biệt. Như thế, dù có một sự khác biệt giữa Thừa Hoàn Thiện và Mật thừa liên quan đến tu hành giới luật, sự khác biệt trỗi bật là về sự tu hành định.

Xem mục lục