Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

Phần 5 - sáng ngày 03.01.1998

Khế kinh có nói, "Thiếu tuệ giác thâm sâu thì dù có phát được tâm buông xả và tâm bồ đề cũng vẫn không thể phá vỡ gốc rễ luân hồi. Vậy hãy nỗ lực thành tựu tuệ giác toàn hảo thâm sâu."

Theo đó, dù đã phát khởi được tâm buông xả và tâm bồ đề, vẫn cần phải chứng ngộ tánh Không với tuệ giác thâm sâu.

Để thành tựu mục đích tối thượng này, quí vị cần phối hợp phương tiện và trí tuệ. Phương tiện ở đây là tâm bồ đề, còn trí tuệ là Tuệ giác trực nhận tánh Không. Vì trực chứng tánh Không là điều không thể thiếu. Tôi quên nói với quí vị một việc. Khi quán chiếu, quí vị cần vận dụng loại tuệ giác thấy được sự hợp nhất giữa duyên khởi và tánh Không, vì vậy quí vị cần có chút kiến thức căn bản, cần hiểu rõ Phật pháp được lưu truyền như thế nào.

Bằng không, sẽ xảy ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc như hiện nay ở Tây phương đang xảy ra, chỉ vì không hiểu được giáo pháp này phát xuất từ đức Thích Ca Mâu Ni, truyền lại cho những bậc thánh tăng thành một dòng truyền thừa không gián đoạn. Vậy cái mà người Tây phương thường gọi là đạo Lama (Lamaism), thật ra không có. Đây chỉ là một sự hiểu lầm đáng tiếc, chỉ vì thiếu hiểu biết về các dòng truyền thừa trong Phật giáo. 

Bắt đầu là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là vị đại đạo sư vì lòng từ bi mà thuyết giảng sâu rộng về cái gọi là giáo pháp rộng lớn [quảng] và giáo pháp thâm sâu [thâm]. Thâm sâu là Trí tuệ, do vị đại bồ tát Mạn thù sư lợi giữ gìn, truyền lại cho nhiều vị đại thánh tăng như ngài Long thọ, Thánh thiên, Nguyệt xứng v.v... 

Đặc biệt là giáo pháp thâm sâu đưa ra nhiều quan điểm triết lý phù hợp với nhiều trình độ tiếp cập chân tánh của thế giới hiện tượng. Trong tất cả những quan điểm nói trên, cao nhất là quan điểm do ngài Long thọ nêu ra. Long thọ là vị đại thánh tăng người Ấn, giảng tánh Không qua bộ "Trung Quán luận". Kiến giải của ngài Long thọ là kiến giải chính xác nhất về sự hợp nhất của nhị đế [hai chân lý], đó là tục đế [chân lý qui ước], và chân đế [chân lý rốt ráo].

Quí vị phải có được chứng ngộ toàn hảo như vậy mới có thể bứng sạch gốc rễ luân hồi. Nếu không dựa theo kiến giải phối hợp tục đế và chân đế, sẽ không bao giờ diệt bỏ được khổ đau luân hồi. Vì vậy nhất thiết phải tu theo tánh Không Trung quán do ngài Long thọ truyền lại.

Ngài Long thọ có nhiều vị đại đệ tử chứng ngộ rất cao, tiếp nối dòng truyền thừa về tánh Không Trung quán. Sau ngài Long thọ, Trung quán chia thành hai bộ phái chính là phái Trung quán Y tự khởi [Svatantrika], và phái Trung quán Cụ duyên [Prasangika]. Phái Trung Quán Cụ duyên là phái giữ được kiến giải thâm sâu chính xác nhất của tánh Không Trung quán, nắm được ý nghĩa cứu cánh của tánh Không.

Nói về kiến giải của phái Trung quán Cụ duyên, ngài Long thọ có hai vị đại đệ tử đại thánh tăng tên Nguyệt xứng [Chanrdrakirti] và Phật hộ [Buddhapalita]. Hai vị này đứng đầu hai bộ phái Trung quán như đã nói. Giữa hai bộ phái này, ý nghĩa rốt ráo nằm ở kiến giải của phái Cụ duyên, vì vậy giữa ngài Phật hộ và Nguyệt xứng, ngài Nguyệt xứng được tán dương là cao hơn. Kiến giải tánh Không mà ngài A-ti-sa [Atisha] mang vào Tây tạng chính là kiến giải của ngài Nguyệt Xứng. Ngài A-ti-sa có tán dương ngài Nguyệt xứng, nói rằng "tu theo tánh Không của ngài Nguyệt xứng thì có Phật, không tu theo tánh Không của ngài Nguyệt xứng thì không có Phật". Câu này có nghĩa là không chứng được tánh Không như ngài Nguyệt xứng thuyết giảng thì không thể thành Phật.

Vào buổi ban đầu khi Phật giáo mới truyền sang Tây tạng, lúc ấy chưa có Lama Tông Khách Ba sáng lập dòng Gelugpa [Cách lỗ] nên Phật giáo Tây tạng thời ấy có ba dòng chính. Đầu tiên là Nyingma [Ninh mã], là dòng tu cổ nhất, với Shantarakshita và Guru Rinpoche cùng hai mươi lăm vị đại đệ tử. Thời đó tánh Không của phái Nyingma hãy còn thuần túy là tánh Không Trung quán của ngài Long thọ. Qua giai đoạn kế tiếp, Phật Pháp được hoằng dương rộng rãi, hưng thịnh nhất là dòng Kagyu với các vị đại thánh tăng Marpa, Milarepa, vị y sĩ Dagpo và vị đại hành giả Palma Drupa v.v... Những vị nầy sống vào đầu thời kỳ hưng thịnh, đều có được kiến giải thâm sâu của Trung quán. Tiếp theo là dòng Sakya, với những vị thánh tăng như Sonya Gyatso và nhiều vị đại hành giả, tất cả đều dạy, tu, và hoằng dương tánh Không Trung quán. Cũng có những dòng nhỏ như dòng Buton của ngài Jo Nampa. Bất cứ là tông phái nào cũng đều tu theo tánh Không Trung quán.

Vài thế kỷ sau, vì tánh Không Trung quán cực kỳ tinh tế thâm sâu nên kiến giải sai lầm bắt đầu xuất hiện. Giáo pháp về Tánh Không Trung quán càng lúc càng thất thoát, cho đến thời của Lama Tông Khách Ba. Lúc ấy chưa có dòng Gelugpa. Lama Tông Khách Ba nghiên cứu cả ba dòng, nhất là dòng Sakya. Một trong bốn vị đạo sư chính của Lama Tông Khách Ba là thầy Ren Dawa. Vị này là một cao tăng đã chứng ngộ tánh Không. Nhưng vì thời ấy kiến giải sai lầm có quá nhiều, Lama Tông Khách Ba không thể nào lý giải được tánh Không thầy dạy. 

Ngài học rất nhiều, nhưng càng học lại càng sinh nghi hoặc, truy tầm cách nào cũng không thể giải tỏa được mọi thắc mắc của mình. Sư phụ là ngài Ren Dawa tuy đã chứng tánh Không nhưng ngôn ngữ lại không đủ hùng biện nên không thể giải thích được cho Lama Tông Khách Ba hiểu. Ngài Tông Khách Ba rất lo lắng, đã tìm khắp Tây tạng, tìm tòi học hỏi rất nhiều, nhưng vẫn không đạt được cái nhìn chính xác về tánh Không. Ngài quyết định phải sang Ấn tìm đạo. Vào lúc ấy bên Ấn có hai vị đại thánh tăng vẫn còn tại thế, là ngài Maitrippa và một ngài khác tôi quên mất tên.

Hai vị này không những đã chứng được tánh Không mà còn có khả năng giải thích về tánh Không.

Cùng năm trăm vị đệ tử rất mực cần mẫn, Lama Tông Khách Ba bắt đầu cuộc hành trình sang Ấn. Khi đến biên giới Tây tạng, ngừng ở một nơi tên Wolka, có một vị thầy cao trọng đến gặp Lama Tông Khách Ba, khẩn xin đừng tiếp tục cuộc du hành này. 

Vào thời đó đường xá hiểm trở vô cùng. Thời nay, đường đi đã không mấy an toàn, huống chi thời xưa. Lại còn nhiều thay đổi về khí hậu và ẩm thực, v.v... Ngoài ra, dẫn theo bấy nhiêu đệ tử, Tây tạng sẽ không còn thầy hướng dẫn Phật tử. Vì vậy vị thầy này khẩn cầu Lama Tông Khách Ba đừng đi mà nguy hại đến mạng sống, khẩn thiết đến độ Lama Tông Khách Ba từ bỏ ý định sang Ấn.

Vị thầy kia cũng có nói rằng thời đó ở Tây tạng không có ai đủ khả năng để giảng về tánh Không, vì vậy Lama Tông Khách Ba phải nỗ lực sám hối để thanh tịnh nghiệp chướng và tích tụ công đức, có như vậy mới có thể trực tiếp chứng được tuệ giác của mười phương Phật đà, và có thể được Bồ tát Mạn thù đích thân hướng dẫn.

Theo lời khuyên này, Lama Tông Khách Ba về nhập thất cùng với tám vị đại đệ tử. Bốn người từ trung tâm Tây tạng, bốn người từ xứ Kham. Họ đến một nơi gọi là Olga. Nơi này vẫn hãy còn ở Tây tạng, người đã từng sống ở đó có thể diễn tả phong cảnh nơi đó cho quí vị nghe. Hiện nay vẫn còn có thể thấy được di tích của công phu sám hối của Lama Tông Khách Ba. Không phải sàn mạn đà la bằng đồng như bây giờ chúng ta dùng, mà là một tảng đá vuông vĩ đại dưới đất. Họ sống rất đạm bạc khắt khổ, chỉ mang theo công phu tu hành của mình mà thôi. Họ cúng dường hàng trăm ngàn mạn đà la, lạy hàng mấy trăm ngàn lạy. 

Ngài Tông Khách Ba lạy sám hối nhiều đến nỗi trên mặt đá to lớn hãy còn hằn sâu dấu vết của trọn thân hình ngài. Về sau người ta đào tảng đá ấy ra khỏi mặt đất, thờ trong lồng kiếng. Quí vị có thể thấy nguyên thân hình của Lama Tông Khách Ba hằn vết trên đó.

Nhờ khổ công sám hối như vậy, Lama Tông Khách Ba giữ được linh ảnh của ba mươi lăm vị Phật rõ ràng trong nhiều tháng. Khi cúng dường mạn đà la, ngài cũng thấy nhiều vị Pháp chủ, thấy các đấng thủ ngôi của các dòng truyền thừa. Nói tóm lại, có nhiều dấu hiệu cho thấy công phu sám hối và tích tụ công đức đã bắt đầu có kết quả. Cuối giai đoạn này, ngài có thể nói chuyện trực tiếp với bồ tát Mạn thù cũng giống như gặp và nói chuyện với một người bình thường. Nhờ đó mọi vướng mắc liên quan đến tánh Không đều được giải tỏa. Đức Mạn thù còn dặn Lama Tông Khách Ba phải căn cứ theo luận giải của hai ngài Nguyệt xứng và Phật hộ. 

Cuối cùng, trên đỉnh núi, nhờ luận giải của ngài Phật hộ, Lama Tông Khách Ba trực chứng tánh Không. Từ đó về sau giáo pháp của Lama Tông Khách Ba lại chở mang ý nghĩa toàn hảo về tánh Không. Ngài Tông Khách Ba cùng các vị đệ tử lên núi ẩn cư nhập thất mất nhiều năm. Trong thời gian này, họ không mang theo lương thực, mỗi ngày chỉ được một ít thức ăn. Tất cả đều phải nhờ vào công phu "gạn lọc tinh túy" để sống. Gạn lọc tinh túy là một phương pháp thiền định, người tu không cần thức ăn thông thường, mà nhập định rồi gạn lấy tinh túy của hoa cỏ, nước, hay của một loại đá đặc biệt.

 

Trong các đệ tử của Lama Tông Khách Ba có một vị thánh tăng tên Jampa Gyatso, nổi tiếng là chỉ gạn lấy tinh túy của một loại cỏ dại để sống. Người ta gọi vị thánh tăng này là "Lama hoa nụ", vì đây là thức ăn chính của ngài.

 

Không phải như thời nay Phật tử nhập thất, cái gì cũng phải thật thoải mái. Phải có thức ăn ngon, tại vì nếu thức ăn không ngon chúng ta không thể ở lại. Các vị thầy ngày xưa nhập thất là để tu. Khi chứng được tánh Không, Lama Tông Khách Ba dạt dào tin tưởng nơi đấng đại đạo sư là Phật Thích Ca Mâu Ni, ngay từ đầu đã khéo giải thích về thuyết duyên khởi, của tất cả các pháp, và của tánh Không. Dựa trên lòng tin không thể nghĩ bàn này, Lama Tông Khách Ba viết một bài thơ tán dương, tên là "tán dương duyên khởi", và "tinh túy của tiếng lời tuyệt hảo", đều là những bài pháp tuyệt hảo giảng về duyên khởi và tánh không, dựa trên những tánh đức tuyệt hảo của Phật Thích Ca Mâu Ni.

 

Nếu ngày nay chúng ta còn có thể bước vào Phật pháp, có thể hiểu và tu chứng tánh Không, tất cả đều nhờ vào tấm lòng cưu mang của Lama Tông Khách Ba.

 

Lama Tông Khách Ba đồng thời còn là một nhà thơ, một tác giả, sáng tác rất nhiều. Ngài đã soạn mười tám bộ sách, trong đó có thể tìm được giáo pháp về tánh Không, về phương pháp tu hành, toàn là những tác phẩm không thể nghĩ bàn. Chính đức Đalai Lama cũng đã từng nói, nếu muốn biết Lama Tông Khách Ba là người như thế nào, cứ hãy nhìn vào tác phẩm của thầy để lại. Những pháp tu nhỏ bé như cầu thần linh luyện thần thông v.v..., chỉ chiếm phần thiểu số. Còn lại phần lớn đều là hang kiến giải và những phương pháp tu hành rất sâu rộng. Điều này cho thấy Lama Tông Khách Ba quả là một vị đại hành giả.

 

Lama Tông Khách Ba có nhiều đệ tử. Vị đệ tử quan trọng nhất là ngài Gyelsup Rinpoche và Kedrup Rinpoche. Chứng ngộ của hai vị này không kém gì sư phụ. Trước khi gặp Lama Tông Khách Ba, hai vị này đã từng là những vị thầy cao trọng trong dòng Sakya. Họ đến tìm Lama Tông Khách Ba không phải để cầu pháp mà là để thách đấu. Câu chuyện rất hay nhưng ở đây chúng ta không có nhiều thì giờ. Gyelsup Rinpoche đến gặp Lama Tông Khách Ba để thách đấu, nhưng sau đó lại trở thành đệ tử của lạt ma Tông Khách Ba. Về sau ngài Gyelsup Ripoche có viết rằng trước khi gặp Lama Tông Khách Ba, ngài hoàn toàn ngờ rằng có một con đường toàn hảo của tuệ giác tánh Không có khả năng bứng sạch gốc rễ luân hồi.

 

Phát xuất từ Lama Tông Khách Ba là cả một dòng truyền thừa, với những vị chân tu thực chứng, để lại nhiều luận giải về tánh Không. Ví dụ như ngài Kedrup Rinpoche để lại bộ "Đại luận và tiểu luận về Tánh Không" ["Great and Small dose of Emptiness"]. Tóm lại, ý của tôi là nhờ lòng từ bi rộng lớn của Lama Tông Khách Ba mà mọi sự chỉ còn tùy ở chúng ta có muốn đọc, học và tu theo giáo pháp này hay không. Nếu muốn, sẽ không có cái gì về tánh Không mà chúng ta không thể hiểu. Tất cả đều được giữ gìn trọn vẹn, nhờ lòng từ bi vô hạn của các thầy.

 

Chỉ còn chờ chúng ta chịu khó ra sức tìm tòi học hỏi, và tu theo là được.

Nói về phương pháp tu tuệ giác toàn hảo, quí vị cần vận dụng luận lý toàn hảo. Có nhiều phương pháp luận lý có thể giúp chúng ta tiếp cận tánh Không, như "bảy thành phần luận lý", "bốn điểm trọng yếu", hay "luận lý duyên khởi", v.v... Trong giáo pháp "Ba Điểm Tinh Yếu của Đường Tu Giác Ngộ" này, luận lý tiếp cận tánh Không là luận lý duyên khởi. Bài tụng gốc, ngang phần tánh Không, có nói rõ nếu muốn "chặt đứt gốc rễ luân hồi", thì phả "hiểu lý duyên sinh". Bài tụng không nói phải hiểu tánh Không, mà nói tới lý duyên sinh. Vậy đây là phương pháp luận lý được áp dụng trong bài này.

 

Nếu quí vị dựa theo bài tụng này để tu, ngang phần quán chiếu tánh Không quí vị phải tin tưởng nơi sự thật không hư vọng của thuyết duyên khởi. Tôi sẽ cố gắng giải thích tánh Không qua duyên khởi. Ở đây chỉ có thể nói sơ qua. Thật sự mà nói giải thích tánh Không và Duyên khởi cho đệ tử mới tu học không phải là chuyện dễ. Dù quí vị có hiểu được nhiều hay ít, đây vẫn là việc rất khó. Giúp một đệ tử mới tu học hiểu về tánh Không là điều cực kỳ khó khăn.

 

Trước hết, quí vị phải dựa vào luận lý để thấy rõ rằng sự vật, bất kể là nội tâm hay ngoại cảnh, bao gồm cả chính mình, đều không có tự tánh. Điều này được diễn tả như sau "tất cả mọi hiện tượng đều không có tự tánh". Đó là điều được khẳng định, và cũng là điều cần phải trực chứng. Vì sao không có tự tánh? Vì là duyên sinh. Nói cách khác, vì tùy duyên mà có. Cứ xét theo lẽ thì thấy hễ đã tùy duyên mà có thì không thể có tự tánh.

 

Ý nghĩa của duyên sinh là như thế nào? Tùy duyên mà có, có nghĩa là một hiện tượng nhất định chỉ có thể hiện hữu tùy vào nguyên nhân và hoàn cảnh [nhân tố và duyên tố] đến từ bên ngoài. Vì khởi sinh từ nhân duyên, phải tùy thuộc vào những yếu tố bên ngoài, nên sự vật không thể tự sinh, không thể độc lập, không thể có tự tánh. Sự vật vì sinh ra tùy nhân duyên nên không thể có một tế bào nhỏ nhoi nào có tự tánh. Tất cả chỉ là tên gọi và khái niệm, đều là giả danh. Đó là chân tánh của sự vật. Tất cả mọi sự đều là như vậy, kể cả bản thân của quí vị, của người khác, của mọi hiện tượng trong, ngoài, nội tâm ngoại cảnh, không mộthiện tuợng nào có thể có tự tánh, vì tất cả đều có được nhờ duyên sinh.

 

Không sự vật nào có thể tự mình mà có được, không thể nhờ chính quyền năng sức mạnh của mình mà tự sinh, vì tất cả đều là giả danh, do tâm gán tên mà thành. Đây là điều quí vị cần gắng hết sức để hiểu cho thật rõ ràng, hiểu càng rõ ràng càng tốt. Dù sao đi nữa, chỉ nói như vậy thôi chắc quí vị không hiểu nổi tôi đang nói những gì. Để tôi coi thử có ví dụ nào cụ thể hơn không.

 

Thử lấy ví dụ đơn giản này: trong chùa Tây tạng thường có một vị thầy chủ xướng gọi là Umze. Không phải ai cũng có thể làm chủ xướng. Muốn thành chủ xướng, trước hết phải biết kinh kệ, biết nghi thức tụng niệm, và phải có giọng tụng thích hợp.

 

Phải thuộc lòng các bài kinh, thuộc tất cả mọi âm điệu tụng kinh. Quí vị thấy đó, người chủ xướng phải có khả năng làm được một số việc. Tuy vậy, dù hội đủ mọi điều kiện cũng chưa chắc đã là chủ xướng. Còn phải đợi vị sư trụ trì đến bảo: "con có khả năng, từ nay về sau con làm người chủ xướng". Bấy giờ mới thật sự trở thành người chủ xướng. Trước đó mọi khả năng làm chủ xướng đều hội tụ đầy đủ nơi một người, nói cách khác, cơ sở lập danh đã có sẵn, tuy vậy vẫn phải đợi lúc nhà sư trụ trì, dựa trên cơ sở lập danh đó, đặt cho cái tên, rằng "từ nay con là chủ xướng", từ lúc đó trở đi người ấy mới thật sự trở thành người chủ xướng.

 

Nói như vậy quí vị có thể thấy rằng dù đủ khả năng làm người chủ xướng nhưng nếu chưa được chỉ định danh hiệu "người chủ xướng" thì vẫn chưa phải là chủ xướng. Chủ xướng chỉ là tên gọi, đơn giản vậy thôi. Điều khiến người ấy thành chủ xướng không phải là cơ sở lập danh, mà là sự đặt tên. Chỉ cần sư cụ nói "từ nay con là chủ xướng", từ hôm ấy trở đi ai gặp người ấy – nghĩa là gặp cơ sở lập danh – cũng nghĩ rằng mình gặp người chủ xướng, mình thấy người chủ xướng. Chủ xướng là giả danh. Người ấy được dán tên cái danh hiệu chủ xướng, ai cũng gọi người ấy là chủ xướng, và người ấy khi nghĩ về mình cũng là nghĩ về người chủ xướng. "Tôi là chủ xướng".

 

Bản thân quí vị và tất cả mọi việc trong đời đều tương tự như vậy, đều có nhờ dán một cái tên lên trên cơ sở lập danh, chứ thật ra không có một cách chắc thật, hoàn toàn không có tự tánh. Mọi sự trong đời đều như vậy cả. Ví dụ như trưởng ban điều hành trung tâm Phật giáo FPMT chỉ thành trưởng ban điều hành từ thời điểm Lama Zopa Rinpoche chỉ định cho người ấy làm trưởng ban điều hành. Từ đó về sau không ai thấy cơ sở lập danh ra sao mà chỉ thấy có cái tên trưởng ban điều hành. Nếu vị trưởng ban điểu hành không phải là cái tên, không phải là khái niệm, mà từ bản chất đã là trưởng ban điều hành, thì từ đầu chí cuối, ngay cả trước khi sinh ra, đã phải là trưởng ban điều hành rồi, đúng chưa? Không phải đợi đến khi sinh ra cha mẹ mới vui mừng nói "Ô, trưởng ban điều hành của cha mẹ mới ra đời!" Đó là lý do vì sao sự vật hiện hữu toàn nhờ tên gọi và khái niệm chứ không phải vì có tự tánh. Tôi nói như vậy quí vị hiểu được không? Đây là ví dụ ứng vào con người. Bây giờ thử lấy một ví dụ cho thế giới hiện tượng bên ngoài xem sao.

 

Ví dụ có người sắp mua một căn nhà chưa xây xong. Người ấy suy tính xem mình sẽ sắp xếp căn nhà ra sao, phòng ngủ ở đâu, phòng khách ở đâu. Trước khi quyết định phòng khách hay phòng ngủ, thì trong căn nhà chỉ có phòng trống, chưa có cái gọi là phòng ngủ hay phòng khách. Nhưng khi người ấy chọn chỗ này sẽ là phòng ngủ, từ đó về sau gian phòng ấy sẽ là phòng ngủ.

 

Trước đó thì không phải vậy. Nói tóm lại tất cả mọi sự chỉ có từ tên gọi đặt cho cơ sở lập danh. Nói cách khác, tất cả chỉ là giả danh. Nói "chỉ là", có nghĩa là "chỉ có vậy". Chỉ có tên gọi đặt cho cơ sở lập danh, không có một tế bào nhỏ nhoi nào có tự tánh, có một hiện hữu chắc thật không phải chỉ là giả danh.

 

Nếu lấy chính mình làm ví dụ, quí vị có thể khẳng định có một cái tôi, có bản ngã. Rồi thử truy tìm xem cái tôi đó thật ra nằm ở đâu. Phải tìm ở các thành phần thân và tâm. Ngoài thân và tâm ra, không có cái gì khác. Cái tôi có khi giống như là thân, có khi lại giống như tâm. Cũng có khi giống như tổng hợp của thân và tâm. Cái tôi chắc chắn là phải có đó, nhưng khi tìm lại thấy cái tôi khi vầy, khi kia, khi là thân, khi là tâm, khi là cả thân và tâm.

 

Rốt lại sẽ không thể tìm thấy thật sự cái tôi nằm ở đâu cả. Khi cái tôi có vẻ như là tâm, nhìn kỹ vào tâm để tìm cái tôi thì lại không thấy cái tôi đâu cả. Nếu loại hết các thành phần thân tâm ra để tìm coi có cái tôi nào còn sót lại hay không, cũng không thể tìm thấy. Cái tôi có đó, đây là một điều có thể khẳng định được, rõ ràng là CÓ một cái tôi, nhưng khi tìm thì lại không thấy. Quí vị có hiểu được không? Cái tôi có đó nhưng khi quí vị quán chiếu truy tìm thì nó lại tan biến đi. Thật là kỳ lạ. Cái tôi có đó, khi nhìn vào, nó biến mất. Không phải là kỳ lạ lắm sao? Nhưng rõ ràng là phải có cái tôi, vì quí vị rõ ràng là đang có mặt ở đây, đúng chưa?

 

Nếu áp dụng phương pháp quán chiếu đồng nhất, có nghĩa là cái tôi nếu thật có, thì phải đồng nhất với thân tâm, vì con người là tập hợp của thân tâm, từ thân và tâm mà có, vậy cái tôi không thể là cái gì khác, đúng không? Vậy cái tôi có phải là tập hợp của các thành phần vật lý tâm lý? Chỉ có thể có hai trường hợp, hoặc là đồng nhất với thân tâm, hoặc là dị biệt với thân tâm.

 

Nếu nói cái tôi dị biệt với thân tâm, quí vị sẽ thấy điều này không thể xảy ra, cái tôi không thể khác với thân tâm, không thể nằm ngoài thân tâm. Nếu cái tôi nằm ngoài thân tâm, vậy khi thân tâm hủy diệt cái tôi vẫn còn. Không có cái tôi nào giống vậy cả, đúng chưa? Vậy thử nhìn xem nếu cái tôi đồng nhất với thân tâm thì sao? Cái tôi là thân, là tâm, hay vừa là thân vừa là tâm? Nếu là tâm, thì khi tâm nghĩ tới Mỹ hay Pháp, bất luận tâm đang ở đâu thì mình phải có mặt ngay ở đó. Sự thật không như vậy. Dù tâm quí vị đang ở Mỹ, quí vị cũng vẫn ngồi đây, đúng không? Khi đang ngồi ở đây, tâm nghĩ đến nước Mỹ, đến căn nhà của mình, nếu cái tôi với tâm là một, thì tâm ở đâu cái tôi phải ở đó. Sự thật đương nhiên không phải vậy. Tâm đi đâu, cái tôi không thể theo.

 

Sự thật là cái tôi không thể đồng nhất với tâm. Nếu cái tôi đồng nhất với thân, khi thân tan rã cái tôi cũng phải tan rã. Nếu cái tôi đồng nhất với cả thân lẫn tâm, thì vì thân và tâm không phải một, nên cái tôi cũng phải có hai. Còn nếu nói cái tôi chỉ có một, lại đồng nhất với thân tâm, vậy thân tâm cũng phải là một. Những trường hợp này đều phi lý.

 

Cứ quán chiếu như vậy, sẽ đi đến kết luận tuy cái tôi hiện hữu, nhưng không nằm trong thân tâm cũng không nằm ngoài thân tâm, mà chỉ là tên gọi, là khái niệm. Khi ấy quí vị sẽ thấy cái tôi trông giống như một chủ thể nằm trong thân tâm, có hiện hữu chắc thật, nhưng sự thật lại hoàn toàn không có. Cái "không có đó", chính là tánh Không. Bao giờ thấy ra cái tôi tuy có thật nhưng không phải là một chủ thể mà chỉ là tên gọi do tâm đặt ra, từ khái niệm mà có, thấy được cái tôi như vậy là bắt đầu có được cái nhìn chính xác về tánh Không, của Trung quán Cụ duyên.

 

Quí vị trước hết cần thấy bình thường mình quan niệm về chính mình như thế nào, thấy có một cái tôi độc lập hiện hữu, nằm trong tập hợp thân tâm. Cái tôi này có vẻ như phát xuất từ năm hợp thể, và có tự tánh. Đó là vọng kiến, là cái tôi hư vọng không thật. Quí vị cần nhận diện cái tôi hư vọng này. Phải biết bình thường mình thấy về mình như thế nào.

 

Quí vị phải quan sát cái tôi hư vọng ấy trong một thời gian dài. Cái tôi, bản ngã, tự ngã, bất luận là tên gì, phải quán sát liên tục trong một thời gian dài. Thử nhìn xem cái tôi ấy hiện ra như thế nào. Cái tôi hư vọng, mang sắc tướng của một chủ thể có tự tánh, không thuộc về thân tâm, trong khi thật ra không làm gì có cái tôi có tự tánh. Nói vậy không phải là nói không có cái tôi. Chỉ cái tôi hiện ra trong nhận thức của chúng ta mới không có thật.

 

Còn cái tôi chân thật không hư vọng là cái tôi giả danh, là cái tôi duyên sinh. Duyên sinh có nghĩa là tùy vào nhân duyên bên ngoài mà có. Một hiện tượng duyên sinh vì vậy không thể có tự tánh, không thể tự có, vì tùy vào nhân duyên. Nhân lành duyên lành sẽ sinh ra kinh nghiệm tốt lành. Còn nhân duyên bất thiện sẽ sinh ra kinh nghiệm bất thiện. Càng hiểu về căn bản của duyên sinh và tánh Không, càng hiểu về tính chất của các hiện tượng, thì sẽ càng hiểu rõ về nhân quả. Những điều này cần đi chung với nhau, hiểu chung với nhau.

 

Tinh thần hành động phải luôn là tinh thần bất hại, nhờ đó không bao giờ gây hại cho ai. Đồng thời phải làm tất cả những gì mình có thể làm được để giúp đỡ người khác. Đó là sống thuận theo Phật pháp. Như tôi có nói, tất cả mọi sự vật, mọi hiện hữu, đều là duyên sinh, tùy thuộc vào nhân duyên mà có, vì vậy hoàn toàn không có tự tánh. Vì biết sự vật là duyên sinh, nên biết chắc có nhân quả. Vì biết chắc có nhân quả, nên đã là Phật tử thì phải cố gắng hết sức để từ bỏ mọi điều bất thiện, làm tất cả mọi điều lành. Vì mọi sự là duyên sinh nên quí vị có thể tin tưởng tự tại nơi nhân quả.

 

Tôi và quí vị ngồi chung với nhau nơi đây đã ba ngày. Trong ba ngày này, tôi cố gắng giải thích về cái gọi là Ba Điểm Tinh Yếu của Đường Tu Giác Ngộ. Từ nay về sau, quí vị phải cố gắng giữ ba điểm trọng yếu này trong tâm của mình. Thứ nhất, bất luận là như thế nào, luân hồi không phải là nơi có thể tin tưởng được, vì tính chất của luân hồi là hư vọng. "Tôi không thể tin vào cảnh tượng trong luân hồi, tôi không thể gửi tâm mình nơi ấy".

 

Từ ý tưởng như vậy, cố gắng phát tâm buông xả luân hồi cầu mong giải thoát, càng mãnh liệt càng tốt. Thứ hai, "tôi, mình tôi, phải mang lại lợi lạc cho toàn thể chúng sinh, đều đã từng là mẹ của tôi. Tôi phải mang tất cả qua bờ giải thoát. Vì vậy tôi phải nỗ lực mau chóng thành tựu quả vị Phật để có thể gánh lấy trách nhiệm lớn lao này". Thứ ba, quí vị phải nghĩ tất cả mọi sự vật, bất cứ điều gì hiện ra, đều chỉ là duyên sinh, hoàn toàn không có tự tánh.

 

Ba điều này quí vị phải cố gắng phát khởi trong tâm, càng sâu càng vững càng tốt. Phải liên tục chuyển hóa tâm mình như vậy.

 

Buổi giảng chiều nay không cần thiết. Tôi sẽ trở lại thêm một lúc để giúp quí vị vài lời khuyên.

 

Xem mục lục