Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

4. Trong Sinh Hoạt Toàn Là Phật Pháp

Trên thế giới này, không có một cái gì cố định gọi là Phật pháp. Niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, hay là niệm câu chú Đại Minh sáu chữ cũng không phải là đại biểu cho Phật pháp. Vì rằng, Phật dạy: Nếu anh cho rằng, ở ngoài cuộc sống, có Phật pháp, thì tức là trên đầu anh, anh lại đặt thêm một cái đầu nữa, mình vốn có đầu rồi, lại đi tìm một cái đầu khác! Nếu anh không chú ý tới cuộc sống của anh thì không thể có sự canh tân, sáng tạo và siêu việt trong thân làm, miệng nói và đầu óc suy nghĩ, và mọi tìm tòi, yêu cầu của anh đối với Phật pháp đều là hư vọng.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng cũng nói: “Phật pháp là ở trong thế gian, không tách rời thế gian mà giác ngộ được, tách rời thế gian mà đi tìm sự giác ngộ, cũng như tìm sừng trên đầu con thỏ vậy.” Nếu chúng ta muốn tách khỏi thế gian này để cầu tìm sự giác ngộ (Bồ đề) thì sẽ không khác gì đi tìm một con thỏ có sừng. Đây là chuyện không thể có được. Trên thực tế, Bồ đề chính ở ngay trong cuộc sống, trong những việc như khi anh cho con nhỏ của anh ăn cơm, như khi anh nấu canh, canh ngọt mà tay không bị bỏng, ở trong tâm tình của anh, trong tư thế của anh khi anh đi đường, ở quan điểm của anh khi anh nhìn một vật gì đó. Thực ra không có một vật gì cố định gọi là Phật pháp, mà trong cuộc sống toàn là Phật pháp.

Có người nghe nói như vậy, sinh ra lo sợ: Như vậy thì ông phủ định sự tồn tại của 8 vạn bốn ngàn pháp môn mà Phật đã từng giảng thuyết hay sao? Không phải, đâu có phủ định sự tồn tại của 84.000 pháp môn, mà biết rõ 84.000 pháp môn đều là phương pháp giúp chúng ta cách tân, sáng tạo, đề cao hành vi, lời nói và ý nghĩ của chúng ta, nhưng chúng không phải là mục tiêu. Cũng như hằng ngày, chúng ta niệm “Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát”, Nam Mô Quan Thế Âm Bồ tát không phải là mục tiêu, mà là phương pháp giúp cho tâm của chúng ta được đề cao, siêu việt và sáng tạo. Chúng ta mỗi ngày đều lễ Phật. Lễ Phật cũng không phải là mục tiêu mà là phương pháp giúp cho tâm chúng ta được hòa dịu, nhờ đó mà mở mang được Trí tuệ và lòng Từ bi.

5. Kiểm Nghiệm Động Cơ Học Phật

Người ta nói chung, thường đặt Phật pháp hoặc là trong quá khứ, hoặc là trong tương lai, rất ít người đặt Phật pháp trong hiện tại, ngay trong giờ phút của cuộc sống hiện tại.

Trong tình hình đó, chúng ta cần kiểm nghiệm lại động cơ học Phật của mình là gì? Mục tiêu học Phật là gì? Rất nhiều tín đồ Phật giáo sẽ nói rằng: “Mục đích của tôi học Phật là để thành Phật.”
Thành Phật ư? Phật Thích Ca tu hành trải qua ba A tăng kỳ kiếp mới thành Phật. Tôi đã từng tính toán xem ba A tăng kỳ kiếp là mấy chục triệu năm. Mỗi lần tính toán, cứ đến ngày thứ hai là quên mất, vì thời gian ấy dài quá. Phật Thích Ca, Trí tuệ như vậy, tu hành tinh tấn như vậy, mà còn phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp, một thời gian dài lâu như vậy mới thành Phật. Nếu anh cũng đặt mục tiêu thành Phật, e rằng mục tiêu ấy xa vời quá không với tới được.

Cũng có người nói: “Mục đích của tôi học Phật là để tiêu trừ mọi nghiệp chướng trước kia.”

Nghiệp chướng trước đây cũng rất dài lâu xa xôi. Về căn bản, chúng ta không hiểu rõ được, biết được nghiệp chướng ngày trước của chúng ta. Vậy thì làm sao mà tiêu trừ? Và cả phương pháp nào để biết sau khi tu hành, nghiệp chướng nào được tiêu trừ?

Thật ra, phải đứng vững trong giờ phút hiện tại này! Quá khứ thì không thấy nữa. Vị lai thì không thể biết. Vậy thì dựa vào đâu để chúng ta có thể tu hành Phật pháp một cách thực tiễn?

Chỉ có hiện tại, chỉ có giờ phút này

6. Hãy Sống Trọn Đời Sống Này, Nhưng Không Được Chấp Trước Đời Sống Này

Người tu theo tông phái Tịnh độ nói với tôi rằng, điều quan trọng nhất trong sự tu hành của họ là có được tâm nhàm chán, tức là nhàm chán thế giới này.

Nếu học Phật pháp là để có tâm nhàm chán đối với đời sống này, thế gian này, thì đức Phật hà tất đã bỏ ra hơn 40 năm để truyền bá giáo pháp của Ngài? Đây quả là một công án rất lớn. Ngoài ra, các vị Tổ sư Tông Tịnh độ như Đại sư Tuệ Viễn, Đại sư Ngẫu ích, Đại sư Ấn Quang, ít nhất cũng để lại những tác phẩm trên hàng trăm vạn chữ. Nếu thiệt sự, họ nhàm chán thế giới này, xa rời thế giới này, thì sao mỗi ngày họ lại mất nhiều thời gian để viết hàng trăm vạn lời. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nếu sửa đổi lối thuyết pháp đề cao tâm nhàm chán thì sẽ dễ hiểu và dễ tiếp thu hơn, chúng ta sẽ có tâm quý trọng cuộc sống nhưng lại không chấp trước cuộc sống đó.
Lại nói: Ngoài cuộc sống này, thế gian này, còn một thế giới khác tốt đẹp. Nhưng vấn đề là: Chúng ta không biết bao giờ chúng ta sẽ chết, cũng không biết sau khi chết, có được đến thế giới Cực lạc phương Tây hay không?

Trước tiên, hãy xét vấn đề: Thế giới Cực lạc phương Tây có quan hệ đến cuộc sống này của chúng ta hay không? Hay là thế giới đó tồn tại một cách độc lập trong thời gian và không gian vị lai? Kinh sách Tịnh độ viết: Một người không thể có ít nhân duyên phúc đức và thiện căn mà được sanh ở thế giới Cực lạc. Nhân duyên, phúc đức và thiện căn đều có quan hệ với cuộc sống này và thế giới này. Tách rời cuộc sống này, sẽ không thể nói gì đến thiện căn, phúc đức và nhân duyên được. Trong Kinh lại nói, phải niệm Phật, niệm đến chỗ “Nhất tâm bất loạn” thì mới được vãng sanh qua cõi Cực lạc phương Tây. Muốn niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn, thì phải bắt đầu từ trong hiện tại mới có thể đạt tới cảnh giới niệm Phật nhất tâm bất loạn. Muốn được vãng sanh, nếu hy vọng được người khác hộ niệm, thì cũng phải được hộ niệm ngay trong đời này, chứ không phải chờ chết rồi, mãi lâu về sau, mới được người khác hộ niệm.
7. Tướng Thật Của Thế Giới Cực Lạc

Tiếp đó cần nhận thức tướng thật của thế giới Cực lạc là thế nào? Thế giới Cực lạc có thể được xem xét từ ba góc độ:

Thứ nhất, thế giới Cực lạc là một báo độ, một cõi nước thực sự, hết sức cụ thể do hạnh nguyện rất lớn của đức Phật A Di Đà sáng tạo ra. Đến đấy, chỉ có sờ tay là có bàn ghế, đi trên đất toàn là vàng bạc, trên hư không có tiếng nhạc kỳ diệu du dương.

Thứ hai, thế giới Cực lạc không những là báo độ mà còn là pháp độ, không phải chỉ là báo độ. Nếu thế giới Cực lạc chỉ là một báo độ, thì hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà không tránh khỏi bị chúng ta hạn chế. Cõi Cực lạc còn là cõi nước của pháp thân thọ mạng vô lượng và ánh sáng vô lượng, từ lâu vẫn tồn tại và cho đến tương lai xa xôi vẫn tồn tại. Nó xuyên suốt mọi thời gian, và tràn đầy mọi không gian. Vì nó tồn tại khắp mọi thời gian, khắp mọi không gian cho nên chúng ta chỉ cần thể nghiệm được Phật pháp, nhận thức được Phật pháp thì đều có thể khiến tâm chúng ta giống như thế giới Cực lạc phương Tây vậy.

Thứ ba, thế giới Cực lạc là một hóa độ, đức Phật có ba thân: pháp thân, báo thân và hóa thân. Mỗi đệ tử Phật từng niệm danh hiệu Phật A Di Đà đều có thể lập tức đến cõi hóa độ của Phật A Di Đà. Chỉ miễn lòng chúng ta trong sáng, thì sẽ đến được cõi nước trong sáng, như vậy trong giờ phút lòng trong sáng đó, chúng ta đã ở cõi nước của Phật A Di Đà.

Đứng trên quan điểm ấy mà xem xét thì đời này, thế gian này không phân biệt với Tịnh độ. Từ ở đây mà vãng sanh sang Tịnh độ, không phải đi một lộ trình đến mỏi chân, không cần xem thế giới Cực lạc phương Tây như một vùng nào rất xa xôi, hư huyễn không thể đến được. Rất có thể, ở đây đã là thế giới Cực lạc, hiện tại đã là thế giới Cực lạc. Nếu so sánh với một quốc gia bạo động và hỗn loạn, lửa cháy đầy trời thì nơi này có khác gì là thế giới Cực lạc phương Tây và chúng ta đang ở đấy.

Có lần, tôi đưa con trai tôi đến chùa nghe một Pháp sư giảng Kinh A Di Đà nội dung bài giảng của Pháp sư rất nghiêm túc nhưng con tôi nghe lại buồn ngủ. Ra khỏi chùa, câu đầu tiên nó hỏi tôi là: “Ở thế giới Cực lạc phương Tây có thể vui chơi được không ba?.” Tôi trả lời: “Ba không biết vì ba chưa đến thế giới Cực lạc phương Tây.” Nó nói: “Nếu ở thế giới Cực lạc phương Tây không có chỗ cho mọi người vui chơi thì con cũng không muốn đến đấy.”

Lời nói của con tôi làm tôi suy nghĩ: “Đúng thực vậy!”

Chúng ta đã có thể tưởng tượng thế giới Cực lạc phương Tây quá nghiêm túc, quá xa xôi, quá cố định, nhưng thế giới Cực lạc phương Tây có thể là rất tự do, rất rộng lớn, rất tự tại.

Xem mục lục