Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

7. Sắc Và Không Đều Có Thể Giúp Chúng Ta Khai Ngộ

“Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc.” (Tâm Kinh)
Mỗi lần đọc Tâm Kinh đến câu “Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”, tôi cảm thấy lòng bỗng nhiên ấm áp. Tiếng gọi “Xá Lợi Tử” của đức Phật như là văng vẳng bên tai chúng tôi. Như chính đang nhắn nhủ và kêu gọi chúng tôi.

Xá Lợi Tử là tên Phật gọi học trò của mình, cũng như trong kinh Kim Cang, Phật gọi Tu Bồ Đề, này Tu Bồ Đề. Cũng như Phật gọi chúng ta: Này thiện nam tử, thiện nữ nhân! Nghe rất là thân thiết, cảm động, không khác nào Phật nói bên tai chúng ta vậy, để hướng dẫn tâm linh chúng ta đi theo con đường của Ngài.

Xá Lợi Tử là vị đệ tử đứng hàng đầu về Trí tuệ của Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Thích Ca giảng “Tâm Kinh” cho Xá Lợi Tử nghe, điều này chứng tỏ Tâm Kinh là bộ kinh bao hàm Trí tuệ rất cao siêu phi phàm.

Tên Xá Lợi Tử là do người mẹ, khi có thai ông, bỗng nhiên Trí tuệ bộc phát, trở thành thông minh lạ thường, lại nói năng biện luận rất hoạt bát. Vì vậy người ta gọi bà là Xá Lợi. Xá Lợi chữ phạn là mắt con chim linh thứu. Linh thứu là con chim ưng bay cao trên hư không, có con mắt rất sắc sảo dù bay ở độ cao hàng nghìn thước vẫn nhìn thấy được con người và chuột chạy trên thảo nguyên. Do đó, đem mắt con linh thứu ví với Trí tuệ sáng suốt vô cùng. Bà Xá Lợi sanh ra con trai gọi là Xá Lợi Tử (con trai bà Xá Lợi), cũng là người có Trí tuệ phi thường..

Phật nói với ông Xá Lợi Tử rằng: Sắc và không là hai mặt của một thể.

Hãy trở lại với ví dụ hoa bách hợp. Khi chúng ta nhìn đóa hoa bách hợp, thì trên thực tế cũng đã thấy nó khô héo. Vì sao nói như vậy? Vì đóa hoa ấy do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, và khi nhân duyên ly tán thì nó cũng mất. Do có đủ nhân duyên trong một thời điểm nhất định mà có đóa hoa. Đóa hoa ấy trên sự thật là không có thực thể.

“Sắc tức thị không, không tức thị sắc” hai cái đó không có phân biệt, không có sự khác biệt về tầng thứ cao thấp. Tất cả đều xuất phát từ hư không và sẽ trở vào hư không.

Ngộ được đạo lý ấy sẽ nắm được tâm mình.

Biết được sắc là không, cho nên sẽ không bị sắc chuyển. Vì biết rằng mọi vật chất và hình tướng, tất cả đều là không.

Biết được không tức là sắc, thì sẽ không xem nhẹ vật chất và hình tướng. Đó là điều rất trọng yếu. Nếu chỉ biết sắc tức là không, thì đó là thấy cây mà không thấy rừng.

Kinh “Hoa Nghiêm”, đem thế giới chia làm ba thế gian: Thế gian thứ nhất là khí thế gian, là thế gian vật chất, thế gian của sắc. Thế gian thứ hai là thế gian hữu tình, là thế giới có cảm tình. Thế gian thứ ba là thế gian chánh giác (sự giác ngộ chân chánh), là thế gian không tánh.

Kỳ thực, sắc tức là thế gian vật chất. Không tức là thế gian chánh giác. Còn hữu tình thì nằm ở giữa sắc và không, nếu hữu tình mà có thể chuyển được khí, thì có thể nhập vào thế gian chánh giác; nếu mà hữu tình lại bị khí chuyển thì nó nhập vào thế giới của sắc.

Sắc và không vốn là hai mặt của cùng một thể. Nhưng, sắc cũng có giá trị của sắc, không thể đoạn trừ nó toàn bộ được. Tất cả những hình dáng và vật chất của thế gian này đều có thể được dùng để giúp cho chúng ta khai ngộ.

Tập “Truyện Tỷ Kheo Ni” có câu chuyện sau đây, có khả năng giúp chúng ta khai ngộ:

Có một thiếu nữ xinh đẹp muốn tu hành. Nhưng cô đẹp tới mức bản thân cô cũng lo lắng sợ mình không tu hành được. Do đó, cô lấy than nung đỏ hủy sắc đẹp của mình đi, để có thể chuyên tâm tu hành.

Đọc câu chuyện trên, tôi rất là cảm động, nghĩ rằng cô thiếu nữ đã xử sự quá ư cực đoan.

Có bộ mặt đẹp, ai thấy cũng ưa thích, có phải là rất tốt không? Đáng tiếc là cô ta chỉ thấy một chiều sắc tức thị không, sợ mình quá đẹp, sợ sắc đẹp của mình gây họa cho thế gian, cho nên không tiếc mà hủy bộ mặt của mình! Hãy nghĩ xem! Bộ mặt sau khi bị hủy, trở thành đáng sợ, khiến ai thấy cũng khiếp? Như vậy lại càng gây tai họa.

8. Chuyển Ngu Muội Thành Trí Tuệ

Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị. Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm (Tâm Kinh)

Thọ, tưởng, hành, thức cũng là như vậy. Này Xá Lợi Tử, đó là các pháp có tánh không sinh, không diệt, không bẩn, không sạch, không tăng, không giảm...

Đối với cảm thọ, tưởng niệm, hành vi, ý thức cũng giống như màu sắc tướng mạo không được bỏ qua mà cũng không được chấp là có thực.

Trong kinh điển Phật giáo, biến 5 độc thành 5 trí, cho rằng 5 độc và 5 trí không khác gì nhau. Đem 5 độc, tức tham, sân, si, mạn, nghi của chúng ta chuyển thành Trí tuệ. Bởi vì khi chúng ta nhìn rõ được tham, sân, si, mạn, nghi của chúng ta thì có thể nói đó là bước tiến bộ lớn về Trí tuệ rồi.

Vì vậy đừng có sợ tham, sân, si, đó là bước tiến bộ lớn về Trí tuệ rồi.

Chỉ có điều đáng tiếc là người ta thường bị vướng mắc vào tướng giả dối của tham, sân, si, mạn, nghi không có cách nào thoát ra được. Thậm chí, vướng mắc ngày càng nặng, đến mức đánh mất cả lý trí.

Có câu chuyện hài hước về một người phụ nữ tính rất hay ghen tuông. Cô ta không bao giờ an tâm khi chồng đi ra ngoài. Mỗi lần chồng đi đâu thì cô ta hết sức lo lắng, chỉ sợ chồng có bồ. Mỗi lần chồng về, cô lập tức tra hỏi, kiểm tra trên người có sợi tóc dài nào của phụ nữ không, có dấu môi son không. Chỉ cần tìm ra được dấu vết dù là nhỏ xíu, cô ta cũng làm toáng lên.

Về sau, cô ta không tìm thấy trên quần áo chồng một sợi tóc hay một vết son môi nào nữa nhưng cô vẫn không chịu, tiếp tục kiểm tra thêm bảy ngày nữa, cũng không có gì. Nhưng cô vợ đã không vì vậy mà được an ủi, lại còn khóc rống lên. Người chồng không hiểu lý do và hỏi cô: “Em vì sao mà khóc to dữ vậy, đáng lẽ em phải vui thích mới đúng chứ. Em thấy độ này anh tốt đấy chứ, có đi ra ngoài tìm hoa thơm cỏ lạ gì đâu.” Nào ngờ cô vợ càng khóc to hơn và nói: “Nào ngờ anh đọa lạc đến mức cả đàn bà hói tóc mà anh cũng yêu được.”

Tất nhiên, đây chỉ là một câu chuyện đùa không xứng đáng để bàn! Chỉ cần nhớ rằng, khi một người đã vướng mắc vào lòng ghen tuông thì có thể trở thành một người hoàn toàn mất trí khôn.
Do đó, chúng ta cần luôn giữ thái độ rất sáng suốt. Đó là thái độ tốt đẹp nhất.

Thọ, tưởng, hành, thức... kỳ thực đều là không. Điều này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ mới.

Sáng suốt thấy rõ bản thân mình.

Trước khi sanh và sau khi chết.

“Thị cố, không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ tỷ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh diệc vô vô minh tận. Nải chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ tập diệt đạo. Vô trí, diệc vô đắc” (Tâm Kinh).

Dịch: “Vì vậy ở trong không, không có sắc không có thọ, tuởng hành, thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có nhãn giới cho đến ý thức giới. Không có vô minh, cũng không có sự đoạn tận vô minh. Cho đến không có già chết, cũng không có sự đoạn tận già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí, cũng không có gì sở đắc.”

Một người, nếu có thể đột phá được sắc thọ, tưởng, hành, thức tức là 5 uẩn thì sẽ không bị lay chuyển bởi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng sẽ không bị lay chuyển bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Hoàn toàn không bị lay chuyển, tức là nhập vào cảnh giới không sinh, không diệt, không sạch, không bẩn, không tăng, không giảm, cũng không có việc đoạn tận vô minh, không có việc đoạn tận già chết, cũng không có trí, và không có gì là sở đắc. Không có một cái gì đặc biệt gọi là Trí tuệ, không có một cái gì đặc biệt gọi là sở đắc. Tất cả đều là không, đều ở trong phạm vi không.

Tiến vào phạm vi vô tâm và tánh không, quét sạch mọi chướng ngại về tư tưởng, ý thức, hành vi, cảm thọ, hình dáng, màu sắc và sẽ phát hiện tất cả chỉ là biến chuyển, vô thường và sinh diệt mà thôi.

Thế nhưng, điều quan trọng nhất là trong cái sanh diệt biến chuyển vô thường đó, vẫn có một cái gì không thay đổi, đó là tự tánh.

Người phụ nữ, thức dậy buổi sáng, thường chải tóc trước gương. Không biết có một người phụ nữ nào cầm cái gương và tự hỏi: “Con người trong gương có phải là ta không?”

Nếu trả lời khẳng định là phải, thì người phụ nữ làm sao mà biết được người trong gương chính là cô ta. Sự thực, từ khi sinh ra cho tới nay, 20 tuổi, 30 tuổi, cô ta đã thay đổi quá nhiều rồi. Và sự thay đổi ấy nay vẫn tiếp tục.

Theo các nhà khoa học nghiên cứu, thì cứ qua 7 năm, tất cả tế bào trong thân người đều chết, và đổi mới hoàn toàn. Nói một cách khác, cứ 7 năm một lần, thân chúng ta có một sự thay đổi hoàn toàn, không còn có một tế bào nào của cái thân 7 năm trước tồn tại nữa.

Thân và tâm biến đổi mau lẹ như vậy, con người dựa vào đâu mà nói rằng “Đây là ta.”

Có lần tôi về làng, mẹ tôi đưa cho tôi xem một số bức ảnh cũ, bảo tôi tìm xem trong đám trẻ con chụp chung trong bức ảnh, ai là tôi? Tôi tìm mãi không ra. Đó là 18 anh chị em rất giống nhau. Tôi tìm hồi lâu mà không biết ai là mình trong đám trẻ con. Cuối cùng tìm được mừng rỡ, chỉ cho mẹ xem “Đây là con!” Bà mẹ nói: “Không phải, người đứng bên cạnh mới là con!.”

Thay đổi nhiều như vậy, đến bản thân mình cũng không nhận ra nữa!

Nếu anh không tin thì hãy làm thử xem! Anh lấy một bức ảnh của anh lúc còn nhỏ, đưa cho người khác xem và hỏi họ ai đấy. Chắc chắn, không ai biết người trong ảnh chính là anh, trừ phi là người biết rõ anh, đã theo dõi anh lớn lên như thế nào

Bởi vì, khi lớn lên, con người chúng ta có sự thay đổi rất lớn.

Ở đây chúng ta dựa vào đâu để nói: “Chúng ta tồn tại?.” Để nói, con người thấy trong gương mỗi buổi sáng đúng là ta?

Dựa vào một cái trước không sanh, không diệt, không tăng, không giảm.

Đáng tiếc là, người ta tuy biết là cái đó tồn tại, nhưng lại không nhận thức được rõ.

Cái đó là tự tánh. Nó ẩn sâu ở trong chúng ta: Chúng ta cảm thọ được nó, biết nó, nó chính là cái thật của chúng ta.

Dù chúng ta có béo lên 10 cân, chúng ta vẫn biết đó là chúng ta. Trên thế giới, không có một người nào, sau khi điều trị gầy đi lại không còn nhận ra mình nữa!

Từ 1 tuổi đến 100 tuổi, trong quá trình lớn lên đó, chúng ta biết có một cái ta. Tự tánh của chúng ta không có thay đổi và tăng giảm. Nó không những không tăng giảm, không sinh diệt, mà còn vĩnh viễn duy trì trạng thái vốn có của mình.

Hãy suy nghĩ xa thêm nữa! Trước khi ta sinh ra, nhất định cái ta đó vẫn thế, và sau khi ta chết đi, thì cái ta đó vẫn như thế!

Thấy được cái ta trước khi cha mẹ sinh ra, tức là thấy được “bộ mặt vốn có của mình trước khi cha mẹ sinh ra”, tức là thấy được cái ta, trước khi chúng ta sinh ra ở thế giới này.

Thấy rõ được cái ta sau khi chết, tức là biết được nơi tái sanh tương lai của ta, biết được cái ta vị lai, nơi chúng ta thừa nguyện mà đến.

Thấy biết được cái ta trước khi sanh và sau khi chết, tức là giác ngộ cứu kính, tức là không sanh, không diệt nữa. Ngay khi chúng ta không còn ở thế giới này nữa, tự tánh của chúng ta vẫn tồn tại.

9. Đi Tìm Cảnh Giới Vô Tâm

“Dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đỏa, y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quá ngại, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu kính Niết bàn.”

Dịch: “Vì không có sở đắc, cho nên vị Bồ tát, nhờ dựa vào Trí tuệ Bát nhã Ba la mật, mà tâm không bị chướng ngại, không có lo sợ, xa rời mọi điên đảo mộng tưởng, đạt tới cảnh giới Niết bàn cứu kính.”

Mỗi lần đọc lại đoạn “Tâm Kinh” này, tôi đều tán thán, ca ngợi đoạn này thực là hay!

Bồ đề tát đỏa là Bồ tát. Dịch nghĩa là chúng sanh hữu tình được giác ngộ. Chúng sanh hữu tình, dựa vào Trí tuệ thanh tịnh, hoàn thiện, nên trong tâm không bị chướng ngại gì nữa, vì không có chướng ngại cho nên tâm cũng không có lo sợ, và do đó không có vọng tưởng điên đảo.
Không bị chướng ngại, không có lo sợ. Sự thực, đó là điều rất dễ hiểu. Đối với một vật gì không gây trở ngại đối với chúng ta thì chúng ta không còn sợ hãi đối với vật ấy nữa.

Cũng giống như con gái nhỏ của tôi, đi công ty Bách hóa, thấy có món hàng rất ưa thích, muốn mua nhưng tiền trong túi không đủ. Chạy về nhà lấy đủ tiền ra thì có người khác mua mất rồi. Cứ tiếc mãi, sao lúc ban đầu ra cửa hàng Bách hóa lại không mang đủ tiền. Tại sao lòng cô bé lại hối tiếc, là vì trong tâm của nó có vướng mắc (với món hàng nó thích mua). Nếu không có vướng mắc thì sẽ không còn sợ hãi, hối tiếc nữa.

Tôi thi vào đại học ba năm liền. Năm đầu thi hỏng, rất khổ tâm. Năm thứ hai thi hỏng nhưng không có khổ tâm gì, vì trong tâm không còn vướng mắc nữa, không còn lo sợ. Năm thứ ba, thi đỗ đúng vào bộ môn mình ước mong tức là khoa điện ảnh. Về nhà, tôi mua bánh pháo dài, treo từ lầu 4 xuống, đốt lên để khao! Anh, chị em tôi đều đến chúc mừng, vì tôi thi đỗ vào bộ môn mà tôi thích.

Nhưng trên báo chí, có thể đọc tin học sinh thi vào đại học, không trúng vào môn học ưa thích của mình mà cũng nhảy xuống sông tự sát! Đó là do trong tâm có vướng mắc. Vì vướng mắc cho nên sanh ra lo âu, sợ hãi và cuối cùng chọn con đường chết. Thật là sự kiện đáng tiếc.

Vì vậy đối với sự vật càng không vướng mắc, thì càng khỏi lo âu sợ hãi nữa.

Làm thế nào để bớt vướng mắc? Câu trả lời là phải có Trí tuệ Ba la mật, tức là tâm thanh tịnh, Trí tuệ thanh tịnh “đến bờ bên kia” (đáo bỉ ngạn). Nếu Trí tuệ của anh rất rộng lớn thì anh sẽ bớt bị vướng mắc vào những chuyện nhỏ. Mất đi một viên đá kim cương, anh cũng không hối tiếc. Vì thật ra đối với người có trí, đá kim cương cũng như đá thường có khác biệt gì nhau. Kinh “42 chương” nói rất hay: “Đối với bậc có trí thì xem vàng và đá như nhau” (Kim thạch đồng nhất quán). Người có Trí tuệ thì xem viên đá thường và đá kim cương cũng như nhau mà thôi.
Có viên đá kim cương, anh sẽ lo lắng bị mất, có viên đá thường, anh sẽ không lo lắng gì hết.

Tôi rất thích sưu tập các hòn đá. Có khi cùng con về làng, tải một bọc đá đem về nhà, cùng nhau rửa ở sân. Tôi hỏi con tôi: “Hòn đá này đẹp không?.” Con tôi nói không đẹp. Thế là tôi vứt đi. Nó cũng cầm một hòn đá lên hỏi tôi: “Hòn đá đẹp không ba?.” Tôi nói không đẹp, nó cũng vứt ra một bên. Nếu cả hai đồng ý cho là đẹp, thì giữ hòn đá lại. Trong quá trình chọn đá, tôi không bị vướng mắc vào cái gì hết. Không có chuyện vứt một hòn đá mà không đành, giữ một hòn mà không muốn.

Các hòn đá được giữ lại rất nhiều, các bạn bè xem ai cũng ưa.

Tôi lại cùng với bạn bè đi nhặt các hòn đá, và cùng nhau lựa chọn. Bạn tôi rất ưa thích các hòn đá, cho nên sưu tầm và chọn lựa rất là cao hứng, nhiệt tình. Còn tôi thì bỏ hòn đá nào cũng được, tôi không có thắc mắc, vì các hòn đá đối với tôi không có gì là quan trọng.

Tôi yêu cuộc sống, nhưng cuộc sống cũng không làm tôi vướng mắc, bởi vì nội tâm tôi thanh tịnh trong sáng.

Nếu tâm thanh tịnh thì không có vướng mắc. Không vướng mắc thì không lo sợ xa lìa điên đảo vọng tưởng. Nhờ đó mà ngủ rất ngon và rất ngon giấc.

Không để tâm nơi ngủ thì ngủ sẽ rất tốt. Nếu để tâm nơi ngủ thì sẽ mất ngủ. Điên đảo mộng tưởng là do có để tâm. Có để tâm thì sẽ không thanh tịnh.

Xem mục lục