Ở NGOÀI RA LÀM SAO THÌ Ở TRONG CŨNG NHƯ VẬY.
Khi nhìn lên bầu trời trong veo về đêm, ta dễ dàng nhận ra một chân lý hoàn
toàn đơn giản và cực kỳ sâu sắc. Bạn nhìn thấy gì? Bạn nhìn thấy mặt trăng, các
vì sao, bạn nhìn thấy dải ngân hà màu sáng bạc vắt ngang bầu trời, một ngôi sao
chổi hay dãy thiên hà Andromeda láng giềng của ta cách xa ta khoảng hai triệu
năm ánh sáng. Và nói một cách đơn giản hơn thì bạn nhìn thấy điều gì? Các vật
thể bồng bềnh trong không gian. Thế vũ trụ gồm những thứ gì? Vật thể và không
gian.
Nếu bạn không cảm thấy lặng người khi nhìn lên bầu trời quang đãng trong
đêm thì bạn không thực sự đang nhìn, không ý thức được tính toàn thể của nó.
Có thể bạn chỉ nhìn vào các ngôi sao và muốn đặt tên cho mỗi vì sao. Nếu bạn đã
từng kinh ngạc đến lặng người khi nhìn lên không gian, thậm chí là thấy có một
nỗi kinh sợ sâu sắc như khi gặp phải một điều gì huyền bí mà bạn không thể giải
thích, điều này có nghĩa là trong một thoáng, bạn đã thôi không còn muốn giải
thích hay đặt tên cho mọi vật. Bạn trở nên có ý thức đối với những vật thể trong
không gian cũng như chiều sâu vô cùng của không gian. Hẳn là khi đó bạn đã đủ
tĩnh lặng ở bên trong để nhận thấy vẻ bao la của vô vàn thế giới. Cảm giác kính
sợ không chỉ là do có hàng tỉ thế giới trên bầu trời mà còn đến từ chiều sâu ẩn
chứa trong những thế giới này.
Bạn không thể nhìn thấy hết sự tận cùng của không gian, không thể nghe, sờ
mó hay ngửi thấy nó, thế làm sao bạn biết rằng không gian hiện hữu? Câu hỏi có
vẻ hợp lý này thật ra chứa đựng một sai lầm căn bản. Bản chất của không gian là
cõi không-có-một-cái-gì ở đó cả, nên nó không “hiện hữu" theo ý nghĩa thông
thường của danh từ này. Vì chỉ có vật thể – tức là hình tướng – mới hiện hữu.
Thậm chí gọi nó là không gian cũng là sai vì khi ta đặt tên cho nó thì ta vô tình
biến nó thành một vật thể, tức là hàm ý rằng vật đó có sự hiện hữu.
Ta có thể nói như thế này: Ở trong bạn có một cái gì đó tương tự như không
gian, điều đó giải thích tại sao bạn có thể nhận biết được không gian. Nhận biết
được không gian ư? Điều này cũng không hoàn toàn đúng vì làm thế nào mà bạn
có thể nhận biết được không gian nếu ở đó không có một cái gì để ta có thể nhận
biết.
Câu trả lời vừa sâu sắc vừa thâm thúy là khi bạn nhận biết được không gian,
thực ra bạn không hề nhận biết được cái gì cả, ngoại trừ nhận ra khả năng nhận
biết ở trong chính bạn - khoảng không gian bên trong của nhận thức. Nhờ bạn mà
vũ trụ ý thức được chính nó!
Khi mắt bạn không nhìn thấy gì cả, thì cõi không-có-một-thứ-gì-trong-đó-cả
được bạn cảm nhận như là không gian. Khi tai bạn không nghe được gì cả, thì cõi
không-có-cái-gì-để-nghe-cả được bạn cảm nhận như là sự tĩnh lặng. Khi giác
quan, vốn được tạo ra để cảm nhận về những hình tướng khác nhau, gặp phải sự
vắng mặt của hình tướng thì nhận thức của ta sẽ không còn bị che mờ bởi hình
tướng nữa. Khi bạn nhìn ngắm chiều sâu vô lường của không gian và lắng nghe
sự tĩnh lặng của buổi sáng tinh mơ, thì trong bạn có một cái gì đó vang dội lại
như thể nó vừa nhận ra nhau. Lúc đó bạn cảm nhận được chiều sâu vô cùng của
không gian chính là chiều sâu vô cùng của chính mình, và bạn biết rằng cái tĩnh
lặng không hình tướng - cũng chính là bản chất chân thực của bạn - quý báu và
sâu sắc hơn bất cứ điều gì trong đời bạn.
Kinh Áo Nghĩa Thư (Upanishads) của Ấn Độ cũng đề cập đến chân lý này khi
nói:
"Những gì mắt không thấy được nhưng mắt lại nhờ đó mà thấy: chỉ cần nắm
được điều này tức là đã nắm được tinh túy của Đạo rồi, chứ không phải là những
thứ phù du mà người đời thường hay sùng bái.
Những gì tai không thể nghe được nhưng lại nhờ đó mà nghe: chỉ cần nắm
được điều này tức là đã nắm được tinh túy của Đạo rồi, chứ không phải là những
thứ phù du mà người đời thường hay sùng bái.
Những gì mà trí óc không thể suy lường nhưng nhờ nó mà trí năng có thể
hiểu được: chỉ cần nắm được điều này tức là đã nắm được tinh túy của Đạo rồi,
chứ không phải là những thứ phù du mà người đời thường hay sùng bái.”
Thượng Đế, theo kinh này, là thứ nhận thức vô hình tướng và cũng là bản thể
của bạn. Mọi thứ khác đều là hình tướng tức là "những thứ phù du mà người đời
thường hay sùng bái".
Cái thực tại hai tầng của vũ trụ: tức là hình tướng và Vô Tướng – tức là Có và
Không - cũng là thực tại của bạn. Một đời sống quân bình, lành mạnh của một
con người là một điệu múa giữa hai chiều làm nên thực tại của đời sống: thế giới
hình tướng và thế giới của Vô Tướng. Hầu hết chúng ta đều tự đồng nhất mình
với hình tướng, với những cảm xúc, ý nghĩ đến nỗi nửa thiết yếu bên kia – chính
là Vô Tướng – biến mất khỏi cuộc đời chúng ta. Thói quen tự đồng hóa mình với
hình tướng trói chặt chúng ta vào bản ngã.
Nói chung những gì mà bạn có thể nghe, nhìn, cảm nhận, sờ mó, hay nghĩ về
nó chỉ là một nửa của thực tại. Tất cả những thứ đó ta gọi là hình tướng, còn
Chúa Jesus thì gọi đó là "thế giới"; còn nửa Vô Tướng ở bên kia thì ngài gọi đó
là "cõi trời" hay "sự sống bất diệt".
Không gian làm cho mọi vật hiện hữu, và tương tự như thế, khi không có sự
tĩnh lặng thì cũng không thể có âm thanh; bạn không thể hiện hữu mà không có
chiều không gian của Vô Tướng, tức là bản chất chân thật của bạn. Ta có thể gọi
đó là "Thượng Đế", nếu từ này không được dùng một cách sai lạc như trước đây.
Tôi thích gọi nó là "an nhiên tự tại" hơn. An nhiên tự tại có ở đó trước khi ta có
Hiện hữu - thế giới của hình tướng. Hiện Hữu là hình tướng, là những gì đang
xảy ra. Hiện hữu là bề mặt của sự sống. Còn an nhiên tự tại là vô hình, là hậu
cảnh, nếu ta có thể nói như vậy.
Cơn bệnh tập thể của loài người là quá mê đắm với sự vật, với những hiện
tượng trong đời sống, vì thế mà bị thôi miên bởi thế giới của hình tướng, bị cuốn
hút bởi hình tướng. Họ quên đi phần bản chất, nằm ngoài hình thức, nằm ngoài ý
nghĩ, nằm ngoài hình tướng. Thời gian làm tiêu phí đời họ đến độ họ quên mất
tính chất vĩnh hằng, là nguồn gốc của họ, ngôi nhà của họ, nơi chốn trở về của
họ. Sự vĩnh hằng là một thực tại sống động, bản chất chân chính của chúng ta.
Khi đến thăm Trung Quốc vài năm trước đây, tôi tình cờ nhìn thấy một cái
am trên đỉnh núi gần Tây An. Trên am có đắp chữ nổi bằng vàng. Tôi hỏi một
người Trung Quốc và biết được những chữ đó có nghĩa là “Phật”. Tôi hỏi tiếp là
tại sao có đến hai chữ thay vì một chữ? Ông nói "Một chữ có nghĩa là ngã, còn
chữ kia nghĩa là không – tức là không có ngã, tức là Vô Ngã. Cả hai chữ thì có
nghĩa là Phật". Tôi lặng người đứng im. Hai chữ Vô Ngã đã bao hàm toàn bộ
những dạy bảo của Đức Phật, và đối với những ai có thể nhìn ra, hai chữ này
cũng bao hàm cả ý nghĩa bí mật của đời sống. Đây là hai chiều tạo ra thực tại: cõi
Có và cõi Không; hình tướng và phủ nhận hình tướng, tức là chỉ rõ rằng hình
tướng không phải bản chất chân chính của bạn.