MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁCH GIẢI TRÍ, TRUYỀN THÔNG VÀ CÁC KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG
Nếu bạn chưa quen với nền văn minh đương đại hoặc nếu bạn đến từ một
hành tinh khác hay một thời đại khác, bạn sẽ hết sức kinh ngạc khi thấy hàng
triệu người ngày nay thích thú và trả tiền để xem người ta gây khổ cho nhau và
gọi đấy là “cách giải trí”.
Tại sao các loại phim bạo lực lại có nhiều người xem như vậy? Một bộ phận
lớn của ngành công nghiệp điện ảnh đang tiếp sức cho cơn nghiện những cảm
giác bất hạnh của con người. Rõ ràng người ta muốn xem những bộ phim đó là
vì họ ghiền những cảm giác bất hạnh. Cái gì ở trong bạn lại ưa thích những cảm
giác bất hạnh và cho đó là một điều hay ho? Đó chính là khối khổ đau sâu nặng ở
trong bạn. Phần lớn ngành “công nghiệp giải trí” thời nay phục vụ cho khối khổ
đau sâu nặng đó. Vì thế ngoài những phản ứng, những cách suy nghĩ tiêu cực và
những tuồng bi kịch trong đời sống riêng, khối khổ đau sâu nặng này còn tự phục
hồi sức mạnh tàn phá của chúng qua phim ảnh và truyền hình. Những khối khổ
đau sâu nặng trong các nhà làm phim đã dựng nên và sản xuất ra những bộ phim
này, và những khối khổ đau sâu nặng ở trong chúng ta là người chịu trả tiền để
xem những loại phim bạo lực đó.
Vậy chiếu và xem những phim bạo lực trên truyền hình hay trong rạp chiếu
phim có phải luôn là điều “sai”? Có phải tất cả những phim bạo lực đều phục vụ
cho khối khổ đau sâu nặng này? Dù rằng sự diệt vong của bản ngã là điều tất
yếu, nhưng vào giai đoạn tiến hóa hiện nay của nhân loại thì bạo lực không
những vẫn tồn tại mà còn trên đà gia tăng vì thứ nhận thức cũ mang tính bản ngã
vẫn đang mạnh hơn do sự phóng đại bởi khối khổ đau sâu nặng của tập thể. Nếu
phim chiếu về bạo lực trong một bối cảnh rộng lớn hơn, tức là nói lên được
nguyên nhân và hậu quả của bạo lực, giúp ta thấy được những tác hại của bạo lực
đối với những kẻ bạo hành cũng như những người hứng chịu, nếu nó chỉ ra được
sự thiếu nhận thức mang tính tập thể nằm phía sau đó và cách mà khối khổ đau
sâu nặng trong chúng ta được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (tức là
khối khổ đau sâu nặng trong con người do giận dữ và oán thù tạo ra) thì lúc đó
phim ảnh có thể hoàn thành một sứ mệnh trọng yếu trong việc thức tỉnh loài
người. Chúng như những tấm gương để nhân loại nhìn vào đó mà nhận ra sự điên
rồ của chính mình. Sự cảnh tỉnh ở đây chính là bạn nhận thức rõ rằng sự điên rồ
quả thực là sự điên rồ, chứ không phải là một cái gì khác (trước hết ở ngay trong
chính bạn), và đó là sự tỉnh thức, là sự phát sinh của thứ nhận thức mới, là sự cáo
chung của những mê lầm cũ.
Những bộ phim như thế đã có và chúng không hề tiếp lửa cho các khối khổ
đau sâu nặng trong chúng ta. Một số phim về chiến tranh đã nói lên được những
thực tiễn của chiến tranh hơn là những tô điểm hào nhoáng cho chiến tranh. Khối
khổ đau sâu nặng trong chúng ta chỉ lớn mạnh lên khi ta xem những bộ phim mô
tả bạo lực như là một chuyện bình thường hoặc thậm chí đó như là một hành vi tự
nhiên mà một người bình thường nên làm, hay những phim chủ ý chỉ để ca ngợi
bạo lực với mục đích duy nhất là tạo nên những cảm giác tiêu cực ở người xem,
khiến chúng trở thành một “nhát tiêm” để thỏa cơn nghiện những cảm giác bất
hạnh của khối khổ đau sâu nặng ở trong ta.
Những tờ báo lá cải chuyên đăng những tin kiểu “ngồi lê đôi mách” phanh
phui hoặc đặt điều những câu chuyện về đời tư của những người nổi tiếng không
chú tâm đến những tin tức quan trọng mà chủ yếu chỉ là buôn bán những cảm
xúc tiêu cực, thức ăn cho khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn. “Đó là một sự sỉ
nhục!” hoặc “Đồ khốn kiếp” là những dòng tít lớn mà bạn thường nhìn thấy trên
những tờ báo loại này ở Anh. Họ biết rằng cảm xúc tiêu cực là thứ giúp bán
nhiều báo hơn hẳn những bản tin thông thường.
Nói chung giới báo chí và truyền hình phương Tây có xu hướng thiên về
những tin tức tiêu cực; họ kiếm được nhiều tiền nhờ phát đi những tin tức loại
này. Tin càng xấu thì người đọc càng hứng khởi, bởi các khối khổ đau sâu nặng
chỉ thích những tin tức loại đó mà thôi.