Dĩ nhiên là trên thế giới này mỗi người có mỗi chức năng khác nhau. Đây là
điều tất nhiên. Xét về năng lực thể chất hay tinh thần - kiến thức, kỹ năng, tài
năng và sức lực - mỗi người đều rất khác nhau. Nhưng điều quan trọng ở đây
không phải là bạn hoàn thành chức năng gì trên thế gian này mà là bạn có đồng
nhất với chức năng đó đến độ nó chiếm hữu lấy bạn và bạn trở thành một vai
diễn hay không? Khi đóng một vai nào đó, bạn trở nên vô thức. Khi bắt gặp mình
đang đóng một vai gì, nhận thức này tạo ra một khoảng cách giữa bạn và vai
diễn. Đây là phút khởi đầu để bạn có tự do, thoát ra khỏi vai diễn. Khi bạn hoàn
toàn đồng nhất mình với vai diễn, bạn nhầm lẫn khuôn mẫu hành xử bó buộc của
mìnhlxiii với bản chất chân thật của mình thì bạn sẽ trở nên thiếu uyển chuyển.
Bạn cũng tự động gán vai diễn cho người khác, tương ứng với vai diễn của bạn.
Ví dụ, khi bạn đến gặp một vị bác sĩ mà người này hoàn toàn đồng nhất với vai
diễn của họ, thì đối với họ, bạn không còn là một con người mà chỉ là một bệnh
nhân hay một trường hợp lâm sàng.
Mặc dù cấu trúc xã hội trong thế giới đương đại của chúng ta ít khắt khe hơn
so với những nền văn hóa cổ xưa, vẫn còn khá nhiều chức năng hay vai diễn
được xác lập sẵn mà người ta sẵn sàng đồng nhất với chúng và vì thế mà trở
thành một bộ phận của bản ngã. Điều này làm cho quan hệ giữa người với người
trở nên thiếu chân thực, xa lạ và phi nhân tính. Những vai diễn được xác lập sẵn
đó có vẻ như cho bạn một cảm giác dễ chịu về chính mình, nhưng rốt cuộc bạn tự
đánh mất mình ở trong đó. Những chức năng mà một người nào đó nắm giữ
trong một hệ thống có thứ bậc như quân đội, giáo hội, hay các tập đoàn rất dễ bị
biến thành những vai diễn. Quan hệ đích thực giữa người với người trở nên bất
khả khi bạn tự đánh mất mình qua một vai diễn.
Đây là một số vai diễn đã định sẵn mà ta có thể gọi là điển hình: vai một
người phụ nữ đảm đang của tầng lớp trung lưu (vẫn còn thịnh hành dù không
nhiều bằng trước đây), vai một người đàn ông rắn rỏi đầy nam tính, vai một
người phụ nữ đa tình, vai một người nghệ sĩ "lập dị", hoặc vai một nhà "văn hóa"
(vai này khá phổ biến ở châu Âu), những người này thích phô diễn kiến thức về
văn học, âm nhạc, nghệ thuật,… như người ta khoe một chiếc áo đẹp hay một
chiếc xe đắt tiền. Kế đó là vai người lớn, rất phổ biến. Khi bạn diễn vai người
lớn, bạn rất nghiêm nghị với chính mình và với cách bạn nhìn đời sống. Sự hồn
nhiên, nhẹ nhàng và niềm vui sống trong con người bạn không còn được biểu lộ
qua vai diễn này.
Phong trào hippi xuất phát đầu tiên từ những tiểu bang phía Tây nước Mỹ
trong thập niên 1960 và sau đó lan ra khắp các nước phương Tây xuất phát từ sự
bác bỏ của giới trẻ đối với những khuôn mẫu xã hội, những vai diễn, những
khuôn mẫu ứng xử cũ kỹ, đã được đóng khung,… cũng như các cấu trúc kinh tế
và xã hội dựa trên bản ngã. Giới trẻ thời ấy từ chối đóng những vai trò mà bố mẹ
và xã hội muốn áp đặt cho họ. Đáng chú ý hơn là phong trào này lại trùng hợp
với nỗi ám ảnh về sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó hơn
57.000 thanh niên Hoa Kỳ đã thiệt mạng, khiến cho sự điên cuồng của hệ thống
và tâm thức gây chiến được phơi bày rõ cho thế giới mục kích. Trong khi vào
thập niên 50, hầu hết người Mỹ đều là những người tuân thủ phép tắc trong ý
nghĩ và hành động, thì đến thập niên 60 hàng triệu người bắt đầu rút ra khỏi sự
đồng nhất giữa họ với cách suy tư của tập thể người Mỹ vì tính chất điên rồ của
tập thể đó đã được biểu lộ quá rõ ràng. Phong trào hippi tượng trưng cho sự nới
lỏng các cơ cấu khắt khe của bản ngã trong tâm thức con người. Tuy phong trào
này cuối cùng cũng thoái hóa và chấm dứt, nhưng nó đã để lại đằng sau một cánh
cửa không riêng cho những người đã tham gia phong trào. Nó đã tạo khả năng
cho các tư tưởng và tâm linh phương Đông thâm nhập vào phương Tây và đóng
vai trò trọng yếu trong quá trình tỉnh thức của tâm thức toàn cầu.