Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục
Nếu nghiên cứu kỹ về các tôn giáo và các trường phái tâm linh cổ xưa, ta thấy rằng dù cho bên ngoài có nhiều điểm khác biệt, nhưng hầu hết đều thống nhất ở hai điểm mấu chốt. Mỗi tôn giáo có cách dùng những ngôn từ tuy khác nhau nhưng tất thảy đều hướng đến một chân lý căn bản rằng trạng thái tâm lý “bình thường” ở hầu hết mọi người đều chứa đựng một yếu tố mạnh mẽ của một cái gì đó mà ta có thể gọi là sự tha hóa hay thậm chí có thể gọi là sự điên loạn. Một số điều răn dạy căn bản trong đạo hindu ở Ấn Độ thậm chí đã xem sự băng hoại này là một dạng của căn bệnh tâm thần tập thể. Họ gọi đó là “Maya”, ảo tưởng, hoặc tấm màn của mê lầm, vô minh. Ramana Maharshi, một trong những nhà hiền triết Ấn Độ vĩ đại nhất đã từng thẳng thắn tuyên bố: “Trầm luân là khi bạn cả tin vào một ý nghĩ”.
 
Phật giáo thì đã sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để nêu ra vấn đề này. Đức Phật cho là tâm trí con người thường tự tạo ra nỗi khổ đau bất hạnh triền miên mà Ngài gọi là dukkha (khổ đế). Ngài xem đó là tính chất đặc trưng trong thân phận của con người và cho rằng dù ở đâu hay làm gì, cuối cùng rồi ta cũng phải đối diện với khổ đau, vì sớm muộn gì rồi khổ đau cũng thể hiện ra trong mọi tình huống.
Còn đạo Cơ đốc thì cho rằng trạng thái tâm lý bình thường của đa số con người là một trạng thái “tội lỗi nguyên thủy” – original sin. Tuy nhiên, trong kinh Tân Ước, viết bằng tiếng Hy Lạp cổ, chữ “sin” chỉ có nghĩa là đi sai mục tiêu”, như một người bắn cung đã nhắm sai mục tiêu, nên “sin” có thể hiểu là “sai lầm” hay “không đi đúng con đường” của một kiếp người. Điều này có nghĩa là ta đã sống mù quáng, thiếu khôn ngoan, do đó phải gánh chịu khổ đau và gây khổ đau cho kẻ khác. Như vậy thì “sin” cũng hàm ý về sự tha hóa, vô minh cố hữu trong thân phận con người.
 
Những thành tựu của loài người quả là rất lớn lao và không ai có thể chối cãi được. Chúng ta đã sáng tạo nên những tuyệt tác về âm nhạc, văn học, hội họa, kiến trúc và điêu khắc. Gần đây khoa học và kỹ thuật hiện đại đã mang lại những thay đổi tận gốc rễ cách chúng ta sinh hoạt, cho phép ta tạo ra những thứ mà cách đây chừng 200 năm hẳn người ta đã cho là những phép màu. Không sai, trí năng của con người rất thông minh. Tuy nhiên chính sự thông minh này đã bị ô nhiễm bởi sự điên loạn. Chính khoa học và kỹ thuật đã phóng đại thêm ảnh hưởng của khả năng hủy diệt – biểu hiện qua sự băng hoại trong cách suy nghĩ của con người trên hành tinh này – cho các thể sống và ngay cả cho chính con người. Điều đó giải thích tại sao thế kỷ 20 là lúc mà ta có thể nhận thấy rõ nhất sự tha hóa đó, như một sự mất trí có tính tập thể. Quả thực sự băng hoại này đang gia tăng tốc độ và cường độ.
 
Chỉ cần xem tin tức hằng ngày trên truyền hình là ta có thể thấy cơn điên thật sự chưa lắng xuống và nó còn đang tiếp diễn ở thế kỷ 21. Một khía cạnh khác của sự tha hóa tập thể do cách suy nghĩ sai lầm của con người là ở chỗ nhân loại đã và đang tiếp tục gây ra những tàn phá chưa từng có đối với các sinh vật khác và trên chính hành tinh mà chúng ta đang sống. Những cánh rừng, nơi cung cấp dưỡng khí đang bị hủy hoại cùng các loài động thực vật ở đó; các loài thú bị giam hãm và sống khốn khổ trong các nông trại; sự ô nhiễm của sông ngòi, đại dương và bầu khí quyển. Do lòng tham, do không nhận thức được mối liên quan giữa mình với vũ trụ nên con người cứ đeo đuổi những hành vi, mà nếu không kiểm soát được, sẽ dẫn đến sự diệt vong của chính chúng ta.
Phần lớn lịch sử loài người là lịch sử của sự điên cuồng, biểu hiện ngay trong tâm điểm của nó là thân phận con người. Nếu lịch sử loài người được biểu hiện qua bệnh sử của một cá nhân thì bệnh lý là: chứng mê lầm kinh niên, xu hướng bệnh hoạn dẫn đến chuyện giết người hay hành động một cách tàn bạo chống lại những gì họ cho là “kẻ thù” – do sự mê mờ của họ đã được phóng chiếu ra bên ngoài. Đó là một sự mất trí, xen vào đó chỉ vài giây ngắn ngủi là có sự tỉnh táo, sáng suốt.
 
Nỗi sợ hãi, lòng tham và khát vọng quyền lực là động lực tâm lý nằm phía sau của không chỉ các cuộc chiến tranh và bạo lực giữa các nước, các bộ tộc, các tôn giáo, các ý thức hệ mà còn là nguyên nhân của những xung đột không ngừng trong các quan hệ cá nhân. Chúng tạo nên sự méo mó trong cách bạn nghĩ về người khác và về chính mình. Những động lực tâm lý đó làm cho bạn có khuynh hướng suy diễn sai lầm về mọi tình huống, dẫn đến những hành động rất sai lạc, cốt chỉ để giúp bạn thoát khỏi cảm giác sợ hãi thường trực và tiếp tay cho nhu yếu muốn tích lũy của cải ở trong bạn. Nhưng nhu yếu tích lũy của cải này là một cái hố không đáy mà bạn không bao giờ có thể lấp đầy hay thỏa mãn được.

Điều quan trọng mà bạn cần nhận ra là nỗi sợ hãi thường trực, lòng tham lam và khát vọng tranh giành quyền lực ở trong bạn không phải là sự tha hóa mà chúng ta đang đề cập ở đây, vì những thứ này chỉ là hệ quả được tạo ra từ sự tha hóa – đó là sự mê mờ sâu đậm trong tâm thức mê lầm của tập thể, được tiềm ẩn trong cách nghĩ của mỗi con người. Nhiều tôn giáo đã khuyên chúng ta nên từ bỏ lòng ham muốn và sợ hãi. Nhưng những lời khuyên đấy thường không mấy thành công vì chúng chưa đụng được đến gốc rễ của sự băng hoại. Nỗi sợ hãi, lòng tham và khát vọng tranh giành quyền lực chưa phải là nguyên nhân cơ bản gây ra vấn đề. Vì nếu không có sự chuyển hóa tận gốc trong chính tâm thức bạn về cách bạn nhìn đời sống thì những cố gắng như để trở thành một người tốt hơn chung quy cũng chỉ là một mong muốn bất thành, dù đây có vẻ như là một điều cao thượng, hay đáng làm. Dù bạn có trở thành một người tốt thì đây cũng chỉ là một phần của cùng một sự tha hóa, một trạng thái tự tôn rất tinh vi, vì lòng ham muốn có nhiều hơn chỉ để củng cố thêm cho cá nhân mình. Bạn chỉ có thể trở thành tốt hơn bằng cách nhận ra sự tinh khiết, những gì cao thượng đã có sẵn ở trong mình và làm cho những phẩm chất thánh thiện ấy được biểu lộ ra. Điều này chỉ xảy ra khi bạn có sự chuyển hóa cơ bản trong nhận thức của mình.

Xem mục lục