Cũng hiếm hoi như một ngôi sao giữa ban ngày,
Cuộc đời làm người quý giá như vậy.
Gampopa
(Trang Hoàng của sự Giải Thoát)
Phẩm chất của cuộc sống là một trong những quan tâm lớn lao của những xã hội hiện đại giàu có nhất, những xã hội nơi đó có những ưu thế được cái bụng đầy để đòi hỏi làm sao làm đầy nó thoải mái hơn. Để biết điều đó chính xác là gì, đó là một chuyện khác, vì mỗi người giải thích nó theo cách riêng. Tuy nhiên người ta rút ra cảm tưởng chung về một ý chí muốn sống tốt hơn, lợi dụng tốt hơn những khả tính mà đời sống ban cho. Trong ý nghĩa đó, quan niệm “phẩm chất đời sống” đã quen thuộc với chúng ta có thể giúp chúng ta tiếp cận với quan niệm “đời người quý giá”, một quan niệm Phật giáo chúng ta chưa quen. Nhưng sự giống nhau không đi xa quá : những giá trị mà người ta theo đuổi khi nói đến phẩm chất đời sống không phải như nhau với những giá trị ẩn dưới ý tưởng một đời làm người là quý báu.
Khi người ta lưu tâm đến phẩm chất đời sống, người ta mặc nhiên nhận ra giá trị của những sự vật nào đó : giản lược một cách thô thiển, người ta thích – và cứ mãi – luôn luôn trẻ, đẹp, thông minh, khỏe mạnh, giàu có, được yêu và sung sướng, trong một môi trường dễ chịu, yên lành. Vậy thì người ta có một ý nghĩ nào đó về cái quý giá, nhưng tiếc thay, người ta lại cho một mớ tạp nhạp là kim cương. Hầu hết những sự vật mà chúng ta cho là đáng giá đều phù du và dễ vỡ kinh khủng, thế mà người ta đầu tư năng lực lớn lao cho sự theo đuổi một cái gì cũng không thể nắm bắt như cầu vồng. Ý tưởng phẩm chất đời sống trở thành một nguồn thất vọng thường xuyên khi người ta biết rằng người ta không thể làm cho nó vững bền. Thế mà người ta để suốt cả cuộc đời mình mong đạt đến đó.
Đấy rõ ràng là một cách nhìn vào hiện hữu, nhưng nó giới hạn đáng kể tiềm năng của chúng ta. Tổng quát nếu mọi nỗ lực của một cuộc đời chỉ dùng để sống tiện nghi càng nhiều càng tốt, người ta cũng không hơn gì một con côn trùng hay một con thú. Đời sống như vậy bị hạ giá, so với những khả tính mà cuộc đời một người đàn ông hay đàn bà mang lại. Một con người có thể rút được phần tốt nhất của sự hiện hữu của nó, về phương diện phát triển cá nhân cũng như sự đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Đó không phải là một phẩm chất giả thiết đem lại giá trị cho đời người, đó là tiềm năng kinh khủng mà đời người mang giữ. Mỗi người chúng ta giàu có những tài năng và phẩm chất và chính khi phát triển tốt nhất những khả tính của chúng mà người ta tìm thấy hạnh phúc và đóng góp tốt nhất vào hạnh phúc của người khác. Chỉ một người thành tựu chính mình, những lợi lạc từ người đó tuôn trào trên tất cả những người khác. Vả lại, người ấy càng không chấp thủ và vị tha trong đường tiến của mình, thì càng có nhiều người hưởng lợi lạc từ những kết quả trong nỗ lực của người đó. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đời và những lời dạy của Phật, của Chúa hay của Tiên Tri Mahomet đã gây cảm hứng, đã hướng dẫn và giúp đỡ bao nhiêu người qua các thời đại. Ngoài lĩnh vực tâm linh, những con người như khoa học như Pasteur hay Edison cũng có một đóng góp rất giá trị cho nhân loại. Nếu mọi người không hẳn được kêu gọi đến một số phận như vậy, thì mỗi người vẫn có thể nỗ lực để phát triển tốt nhất tiềm năng của mình, để tự thực hiện theo bản chất của mình. Tốt đẹp biết bao nhiêu khi đạt được một sự làm chủ tâm thức đủ để không còn là nguyên nhân cho những khổ đau của riêng mình và của những người khác. Và một khi người ta đã học cách thu xếp những vấn đề của mình, người ta có thể thật sự giúp đỡ những người khác thoát khỏi những vấn đề của họ.
Chính khi nuôi dạy con cọp bên trong mà người ta có thể biến đời người thành cái gì thật sự quý báu. Chắc chắn chúng ta tự do không sử dụng tiềm năng này và cứ ngoan cố chạy theo mống cầu vồng ; người ta sẽ giống như một người ăn xin đói rách chìa tay xin trong khi ngồi ngay trên một đống vàng. Ngược lại, người ta kiếm được tất cả khi điều phục tâm thức : người ta sẽ tìm thấy trong đó một phẩm chất bình an bên trong nó sẽ chuyển hóa một cách hạnh phúc cuộc đời và những mối tương quan của người ta với những người khác. Bình thường, nếu có ai nổi giận với ta, ta có khuynh hướng làm cùng một việc như vậy. Nhưng khi người ta dấn thân vào việc điều phục con cọp, người ta không để cho con cọp đó tức thời chụp lấy cổ của người khác nữa, dầu chính y đã tấn công chúng ta. Người ta có sự nhẫn nhục không phản ứng một cách bản năng và biết tình trạng rối rắm của người kia đang tệ hại khi không chế ngự nổi mình. Khi hiểu rõ, người ta thậm chí có thể biểu lộ một sự bi mẫn nào đó đối với kẻ rõ ràng đang còn rất khốn khổ trong những vấn đề khó khăn của y, và như vậy rất bất hạnh so với chúng ta, những người bắt đầu – và rất dịu dàng – thấy mọi việc rõ ra.
Nếu toàn bộ đời người là có giá trị, thì người ta càng biết rút lợi lạc từ đó, nó càng có giá trị hơn. Rất tốt nếu có thể tự đảm đương một mình, không là gánh nặng cho những người khác. Nhưng đời sống có thể mở ra một chiều hướng khác khi người ta quyết định thay vì tự giới hạn trong việc gỡ rối cho chính mình, người ta thử giúp đỡ những người khác thoát khỏi rối rắm của họ. Một cuộc đời như thế quả thực là quý báu vì nó phụng sự cho số lượng đông người, không chỉ cho một cá nhân. Và người ta càng biết dùng đời mình, nó càng phong phú giàu có và có giá trị. Đấy cũng giống như bình điện của một chiếc xe hơi càng được sạc điện khi người ta lái xe nhiều, và sẽ không hữu dụng nếu xe luôn luôn ở trong ga-ra. Người ta chẳng mất gì khi rút được lợi lạc lớn nhất từ cuộc đời mình, trái lại người ta càng ngày càng trích chiết được sức mạnh từ nó.
Có lẽ người ta đặt ra câu hỏi là khi vị tha, người ta có bỏ quên an vui lợi lạc của mình không. Chúng ta hãy rõ ràng điều đó : có một lý tưởng vì người khác không có nghĩa là chểnh mãng sự chăm lo cho chính mình. Không phải vì cớ giúp đỡ những người khác mà phải thôi ăn mặc đúng cách, lơ là hình thức bên ngoài hay sức khỏe mình ; như thế người ta chỉ làm cho những người lân cận báo động và lo âu – một cách giúp đỡ họ thật buồn cười… Không cần phải hy sinh và hành hạ mình để làm những điều tốt đẹp cho những người khác. Một khi người ta có thể tự đảm đương một cách đúng đắn, người ta có thể dùng những sức mạnh, tài năng, và những tài nguyên bản thân để phục vụ cho người khác, để giúp đỡ họ bằng sự tốt đẹp nhất của mình, không ưu đãi cho ai, không loại trừ ai. Chắc chắn người ta không cảm thấy tức khắc một tình cảm về lòng bi trùm khắp vũ trụ, nhưng người ta có thể thử vươn đến đó. Trong giả thiết tệ nhất, điều đó sẽ giúp ta ít nhất là không rơi vào sự trói buộc của thói ích kỷ.
Để làm cho đời mình thành “quý báu”, người ta không cần trở nên một người tử đạo ; chỉ cần biết quan tâm đến cái gì khác với con người nhỏ bé của mình. Người ta có thể lợi lạc từ cuộc đời ; đơn giản, người ta sẽ tránh dấn mình vào những lạc thú có thể đe dọa sự toàn vẹn cơ thể hay đạo đức của mình, hay sự toàn vẹn của những người khác, như ma túy, hút thuốc hay uống nhiều rượu.
Cũng xứng đáng chịu khó suy nghĩ một lát về giá trị của đời người, người ta không luôn luôn thấy rõ giá trị đó bởi vì người ta đánh giá thấp sự hiếm có của nó. Có lẽ hơi lạ lùng khi nói đến sự hiếm có trong khi thế giới có hơn ba tỷ người ! Phải hiểu sự hiếm có đó theo nghĩa tương đối : con số người trên hành tinh này hoàn toàn là thiểu số so với số lượng thú vật và côn trùng ở khắp mọi nơi. Chỉ cần nhớ đến những con nòng nọc lúc nhúc trong một cái ao nhỏ, hay những đám mây muỗi trong bầu trời mùa hạ là hết nghi ngờ về điều này. Con người thuộc về một thiểu số trên hành tinh này, và hơn nữa, một thiểu số được đặc ân : khác với loài có lông, nó không hoàn toàn nằm dưới sự thống trị của một quyết định luận sinh học hay môi trường. Nó được phúc bẩm một khả năng suy nghĩ và một ý chí tự do cho phép chọn lựa : chẳng hạn quan niệm cuộc đời nó khác với một lịch sử đơn giản của sự thỏa mãn những nhu cầu và sản sinh loài giống. Đời người là hiếm hoi ở nhiều mặt : trong liên hệ với những hình thức sống khác trên hành tinh chúng ta, và trong tương quan với mức độ tự do cho cá nhân chọn lựa cách sống mình thích. Đó là cái làm cho đời người có giá trị riêng biệt. Nhưng nó trở nên thật sự “quý báu” khi có một ai đó quyết định thực hiện tiềm năng con người của nó, điều mà trong tương quan với toàn thể nhân loại còn lại, cũng hiếm hoi như thấy một ngôi sao giữa ban ngày. Theo sự phán đoán này, người ta chắc chắn sẽ đánh giá cao sự may mắn của cuộc đời làm người và người ta cảm thấy được động viên hơn để thực hiện tiềm năng của nó.
Thật vô ích khi điên cuồng lên nếu người ta có cảm tưởng rằng đời họ chẳng đáng gì trong lúc này và những cứu cánh của nó không có gì rõ ràng. Những khó khăn và khổ nhọc trong đó người ta đang vùng vẫy hiện giờ không nên làm cho chúng ta quên cái tiềm năng mà người ta đang mang trong bản thân mình, bởi vì chính từ đó người ta sẽ tìm thấy những phương cách để giải quyết những vấn đề của họ và đem đến sự đóng góp, dù khiêm tốn, vào thế giới người ta đang sống. Phẩm chất thì quan trọng hơn số lượng. Chẳng hạn, sự tốt đẹp mà người ta có thể làm không tùy thuộc duy chỉ vào số tiền được đưa vào : có thể thực hiện những việc lớn lao với rất ít tiền bạc, khi người ta biết dấn thân với tấm lòng và sự thông minh, như công việc kiểu mẫu của mẹ Teresa hay của tu viện trưởng Pierre, trong khi người ta vẫn thấy luôn luôn có hàng triệu đô la được đầu tư vào những công trình đem lại sự sai lầm hơn là điều tốt đẹp. Vậy chớ để cho mình nản lòng khi có cảm tưởng mình chẳng có gì lớn lao để dâng tặng cho thế giới ; điều đó sẽ trở thành một nguyên cớ cho sự ù lì bất động, trong khi một việc nhỏ mà người ta làm với tấm lòng và sự thông minh sẽ đem đến những kết quả tốt.
Một khi người ta hiểu rõ giá trị của cuộc đời mình, người ta không phải chờ đợi những điều kiện giả thiết lý tưởng hội tụ đầy đủ để làm một cái gì đó. Cuộc đời và phẩm chất của nó tùy thuộc vào chúng ta, và chính bây giờ mà điều đó xảy ra, trong cuộc sống hàng ngày : trong tàu điện, trong văn phòng, trong bếp, trong một phòng nhỏ tu viện, ở bệnh viện hay trong tù. Mọi người đều có cái gì để cho ; hãy dừng lại để tìm thấy đó là cái gì và làm thế nào để thực hiện – một trong những cứu cánh của việc nuôi dạy con cọp.