Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
Thực hiện với sự hợp tác của MATTHIEU RICARD
Chuyển ngữ từ tiếng Tây tạng sang tiếng Pháp: CHRISTIAN BRUYAT
Chuyển ngữ Pháp Việt: Hoang Phong Nhà Xuất Bản Tôn Giáo  Hà Nội 2009

 

IV
Các cách cư xử
và các thể dạng tâm thức

Lời khuyên người đang hạnh phúc

Hạnh phúc cũng có nhiều loại. Một số người tâm thần kém thăng bằng, có thể đắm mình trong một thứ hạnh phúc thật ngây ngô và nghĩ rằng tất cả đều xảy ra tốt đẹp. Hạnh phúc đó không phải là thứ hạnh phúc mà chúng ta mong muốn.

Một số khác tìm hạnh phúc bằng cách gom góp của cải vật chất và thỏa mãn các cơ quan giác cảm. Chúng ta cũng đã thấy rằng cách đó hết sức phù du. Ngay cả trường hợp nếu nghĩ rằng mình đang được sung sướng thật sự và cố tình xem cái hạnh phúc ấy như là vĩnh viễn, thì rồi đây ta sẽ đau khổ gấp bội khi tình huống xảy ra không còn thuận lợi nữa.

Những kẻ khác thì cho rằng mình đạt được hạnh phúc nhờ biết ăn ở phù hợp với đạo đức. Hạnh phúc ấy mới chính là thứ hạnh phúc mà chúng ta mong muốn bởi vì đã được xây dựng trên những lý lẽ sâu xa và không tùy thuộc vào cảnh huống bên ngoài.

Muốn đạt được hạnh phúc thật sự và lâu dài, ta cần phải thấu hiểu trước nhất thế nào là sự khổ đau thật sự. Có thể ban đầu thì khổ đau sẽ làm cho ta suy sụp tinh thần, nhưng rồi trong lâu dài ta sẽ thấy là mình được lợi rất nhiều. Có những kẻ tự đầu độc mình để trốn tránh sự thật bằng cách đi tìm những sảng khoái giả tạo do một thứ đức tin tinh thần mù quáng, hoặc sống xả hết tốc lực để tránh khỏi phải suy nghĩ, thì đấy cũng chẳng khác gì mang vào mình một bản án treo ngắn hạn. Khi nỗi khó khăn trở lại một cách mãnh liệt thì tất cả sẽ tiêu tan hết và lúc ấy chỉ biết « lấp đầy đất nước này bằng những lời ta thán », như người Tây tạng vẫn thường nói. Sự giận dữ hay thất vọng sẽ xâm chiếm họ để rồi ngoài những khó khăn ban đầu, nay họ lại phải ôm thêm những khổ đau mới một cách vô ích.

Hãy tìm hiểu xem nỗi khổ của ta từ đâu đến. Cũng như tất cả các hiện tượng khác, khổ đau là hậu quả của vô số nguyên nhân và điều kiện. Nếu tình cảm của ta chỉ tùy thuộc vào một nguyên nhân duy nhất thì quả là giản dị vì ta chỉ cần tìm thấy cái nguyên nhân duy nhất ấy là tự động sẽ cảm thấy sung sướng. Ta cũng thừa biết là không đúng như thế. Vì vậy đừng bao giờ nghĩ rằng hạnh phúc chỉ tùy thuộc vào một yếu tố duy nhất và chỉ cần nhận diện ra nó là ta sẽ dứt khổ đau. Nên hiểu rằng khổ đau là thành phần bất khả phân của sự hiện hữu, nếu nói theo thuật ngữ nhà Phật thì đó chính là thế giới luân hồi hay vòng tái sinh. Nếu muốn xem đấy là một thứ gì tiêu cực và bất thường mà ta là nạn nhân thì cuộc đời ta quả thật là thảm thương. Phản ứng của ta sẽ gây ra khó khăn cho chính mình. Hạnh phúc chỉ có thể thực hiện được khi những gì mà ta xem là khổ đau, không thể làm cho ta cảm thấy bất hạnh. 

Theo Phật giáo, suy tư về sự thực của khổ đau không phải là một hành động yếm thế hay tuyệt vọng. Sự suy tư đó giúp khám phá ra những nguyên nhân căn bản đã tạo ra những nỗi bất hạnh cho ta : đó là tham vọng, hận thù và vô minh, và mục đích của suy tư chính là để giúp ta thoát khỏi những thứ ấy. Vô minh ở đây có nghĩa là không hiểu biết bản chất đích thật của mọi sinh linh và mọi vật thể. Hiện trạng vô minh đó chính là nguồn gốc làm phát sinh ra hai thứ nọc độc kia. Khi vô minh biến mất thì dục vọng và hận thù cũng sẽ không còn cơ sở để tồn tại và nguồn gốc của khổ đau sẽ tan biến. Từ đó lòng ta sẽ khơi dậy một niềm hạnh phúc vị tha không còn vướng mắc vào những xúc cảm tiêu cực nữa.

Lời khuyên người chịu cảnh bất hạnh

Đây là một chủ đề quan trọng. Tôi đã từng nói về hai loại thỏa mãn : Loại thứ nhất dựa trên sự cảm nhận của các giác quan và loại thứ hai dựa trên cách suy nghĩ của ta.

Tại các quốc gia tân tiến , ta thường thấy có rất nhiều người không được hạnh phúc. Họ không thiếu thốn gì cả. Họ có đủ mọi thứ tiện nghi trong đời sống thường nhật nhưng vẫn không hài lòng với số phận của mình. Họ tự làm cho mình đau khổ vì ganh tị hay vì bất cứ một lý do nào khác. Một số người thì luôn chờ đợi một tai ương nào đó sẽ xảy ra, kẻ thì lại nghĩ rằng tận thế đang gần kề. Những người ấy tự mang lại khổ đau cho chính mình chỉ vì họ không đủ khả năng để suy nghĩ một cách lành mạnh. Nếu thay đổi được cách nhìn mọi sự vật chung quanh thì nguồn khổ đau của họ sẽ biến mất ngay. 

Tuy nhiên một số người khác cũng có những lý do thật sự để khổ đau, chẳng hạn như họ bị đau ốm, nghèo khổ hay là nạn nhân của tai ương, hoặc bị ngược đãi một cách bất công. Tuy vậy trong các trường hợp như thế, họ vẫn có thể biến cải được hoàn cảnh của mình. Trên phương diện vật chất, họ có thể tự săn sóc, có thể quy lỗi cho người ngược đãi họ và truy tố người này ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại, hoặc có thể cật lực làm việc nếu họ lâm cảnh thiếu ăn thiếu mặc. Trên phương diện tinh thần, họ còn có thể chọn cho mình một quan điểm tích cực.

Nói một cách tổng quát, thái độ tinh thần sẽ định đoạt mức khổ đau cho chính mình. Chẳng hạn như khi ta đau ốm thì cách tốt nhất là tìm những phương tiện sẵn có để chữa trị : đi khám bác sĩ, chọn một cách trị liệu, luyện tập thân thể theo một phương pháp nào đó... Thế nhưng thói thường thì người ta lại biến mọi việc trở nên phức tạp hơn bằng cách tự dày vò  than thân trách phận cho cái cơ thể ốm đau của mình, và đấy chỉ là cách ghép thêm khổ đau tinh thần vào những đau khổ vật chất sẵn có. Nếu bịnh tình trầm trọng thì ta thường hay nhìn nó dưới một khía cạnh tiêu cực nhất có thể tưởng tượng được. Nếu bị đau trên đầu, ta sẽ nghĩ rằng : « Thật là không có gì vô phúc hơn, chẳng thà đau hai chân thì đỡ khổ hơn nhiều ». Thay vì nghĩ rằng có vô số người phải chịu đau đớn nhiều hơn ta nữa, thì ta lại kêu than như là người duy nhất gánh chịu khổ đau trên thế gian này.

Dầu sao thì ta cũng vẫn có cách để chọn một thái độ ngược lại, chẳng hạn như nếu đôi tay bị liệt thì hãy tự nhủ rằng : « Tuy không còn sử dụng được đôi tay nhưng tôi vẫn còn đứng được trên hai chân ». Nhưng nếu là đôi chân, thì hãy tự nhủ rằng : « Tuy không còn sử dụng được đôi chân nhưng dầu sao đi nữa thì tôi cũng vẫn còn đủ sức để di chuyển bằng xe lăn và vẫn còn tay để viết ». Những cách suy nghĩ đơn giản như thế cũng có thể mang lại sự trợ lực cho ta.

Nói một cách vắn tắt, bất kể trong một hoàn cảnh nào, ta cũng đều có thể nhìn sự vật dưới một khía cạnh tích cực, nhất là trong thời đại ngày nay thì kỹ thuật hiện đại lại cũng là một lý do nữa để cho phép ta giữ được niềm hy vọng. Không tìm được một cách suy nghĩ nào khác để làm vơi bớt khổ đau do những tình huống thực sự (1) gây ra thì quả là một điều không thể tưởng tượng được. Thật hiếm khi xảy ra những trường hợp hoàn toàn có đủ lý do để đau khổ mà không có cách gì để tự an ủi. Đối diện với những khổ đau thể xác, hãy nghĩ đến những khía cạnh tích cực và cố gắng giữ trong tâm những suy nghĩ ấy thì chắc chắn là sẽ tìm thấy một chút thư thái trước những khổ đau của ta.

Ngay cả trường hợp bịnh tình trầm trọng kéo dài thì nhất định ta cũng phải có một phương cách để tránh khỏi sự tuyệt vọng. Nếu là một Phật tử, ta hãy tự nhủ rằng : « Cầu mong rằng bịnh tật này sẽ tẩy uế những điều nguy hại mà tôi đã làm trong quá khứ ! Xin khổ đau của kẻ khác cứ ghép thêm vào khổ đau này và tôi xin nhận lãnh thay cho họ ! ». Hãy nghĩ rằng vô số chúng sinh cũng đang khổ đau như mình và hãy cầu mong nỗi khổ đau mà mình đang gánh chịu sẽ làm nhẹ bớt khổ đau của người khác. Nếu như ta không đủ sức suy nghĩ như thế thì chỉ cần đơn giản hiểu rằng ta không phải là người duy nhất phải chịu khổ đau mà vô số người khác cũng rơi vào hoàn cảnh như ta. Ý nghĩ ấy cũng sẽ giúp ta chịu đựng những khổ đau của chính mình dễ dàng hơn.

Nếu bạn là một người theo Thiên chúa giáo và tin vào Thượng đế là Vị đã sáng tạo ra vũ trụ này thì hãy tự an ủi bằng cách nghĩ như sau : « Sự khổ đau này thật sự là tôi không muốn, nhưng nhất định nó có một lý do, chính vì Trời do lòng từ bi đã ban cho tôi sự sống ».

Nếu là người không theo một tôn giáo nào cả thì bạn hãy nên nghĩ rằng nỗi bất hạnh mà bạn đang phải gánh chịu, dù khủng khiếp đến đâu đi nữa thì bạn cũng cứ xin nó chỉ xảy ra cho bạn mà thôi. Dù bạn không tin gì hết nhưng hãy thử tưởng tượng chỗ đang làm cho bạn đau đớn có một luồng ánh sáng chiếu vào đó và hút hết mọi đớn đau. Sau đó bạn hãy thử cảm nhận xem mình có bớt đau hay không (2) ?

Có những điều bất hạnh xảy đến một cách đột ngột không sao tránh được, chẳng hạn như cái chết của một người thân. Trong trường hợp đó đương nhiên ta sẽ bất lực không làm thay đổi được cái chết. Và chính vì lý do không thể làm gì khác hơn nên ta phải nghĩ rằng sự tuyệt vọng không có ích lợi gì cả mà chỉ khiến cho sự đau đớn trầm trọng thêm. Đấy là tôi nghĩ đến những người không có một đức tin nào hết.

Có một điều thật quan trọng cần phải làm là mang sự khổ đau của mình ra để khảo sát, để tìm hiểu nó từ đâu sinh ra, và thử xem có cách gì có thể làm cho nó tan biến hay không. Thông thường thì ta hay nghĩ rằng ta không hề có một chút trách nhiệm nào trong những nỗi bất hạnh của mình. Ta luôn đổ thừa đấy là do lỗi của kẻ khác hay thứ gì khác nhưng riêng tôi thì không tin là như thế. Chúng ta cũng giống như những sinh viên thi hỏng nhưng nhất quyết không chấp nhận là chính vì mình trước đây không chịu gắng sức học nhiều hơn. Ta nổi nóng và đổ thừa cho một người nào đó.  Ta hét lên rằng mọi thứ trên đời đã cấu kết để chống lại ta. Thế là ta mang sự khổ đau thứ hai có tính cách tinh thần để ghép thêm vào nỗi khổ đau thứ nhất đã sẵn có và phải chăng đấy là cách làm cho tình thế trở nên tệ hại hơn không ? 

Ngay cả trong trường hợp một người thân như cha hay mẹ ta qua đời thì ta cũng cần biết suy nghĩ. Hãy nghĩ rằng khi ta còn ấu thơ thì cha mẹ ta đã làm tất cả những gì có thể làm được để nuôi nấng ta. Đến một tuổi nào đó sự sống sẽ chấm dứt một cách tự nhiên thì sự ra đi hôm nay cũng không nên có gì để nuối tiếc (3). Trong trường hợp cha mẹ ta mất vì tai nạn xe cộ lúc còn trẻ chẳng hạn, thì dĩ nhiên là hoàn cảnh ấy mới thật đáng buồn hơn nhiều.

Ghi chú :

 1- « Tình huống thực sự » ở đây có nghĩa là những tình huống « bên ngoài », những đau khổ trên thể xác chẳng hạn. Vì có những « tình huống bên trong » có nguồn gốc tâm thần thì khi đó khó dùng một « suy nghĩ » để làm cho nó « nhẹ bớt », vì chính tinh thần đã bị khổ đau dày vò.
 2- Lời khuyên thật ý nhị và khéo léo dành cho những người không có tôn giáo nào cả. Một thí dụ thật đơn giản cho thấy chi cần vận dụng trí tưởng tượng, cũng có thể giúp làm giảm bớt đớn đau trên thể xác. Có  những tín ngưỡng chủ trương dùng đức tin thật mạnh giúp tạm thời làm giảm bớt một số đau đớn thể xác và tinh thần. Nhưng cũng có một thứ sức mạnh tinh thần thực sự, sâu xa và đích thực, kết quả của một công trình tu tập lâu ngày và kiên trì, sẽ mang đến những hiệu quả lớn lao hơn nhiều, sức mạnh ấy không những có thể tác động trên thân xác và tâm thức người tu tập mà còn toả rộng ra những người chung quanh.
 3- Không hối tiếc thương cho cha mẹ vì cha mẹ đã già, đã sống trọn kiếp người và đã làm tròn bổn phận đối với con cái. Không tiếc thương cho cuộc đời của cha mẹ mình, nhưng không phải vì thế mà mình không biết ơn cha mẹ, hai việc này hoàn toàn khác nhau. 

Lời khuyên người yếm thế

Đối với những người hay bi quan yếm thế và lúc nào cũng ray rứt trong lòng thì  tôi rất muốn nói với họ rằng : « Các bạn thật ngu ngốc vô cùng ! » Một lần tại Hoa kỳ tôi gặp một người phụ nữ lúc nào cũng thấy mình đau khổ vô ngần nhưng không biết vì lý do gì. Tôi nói với bà ấy : « Đừng dày vò mình như thế ! Bà còn trẻ, còn biết bao nhiêu năm tháng trước mặt, đâu có lý do gì để đay nghiến trong lòng ! ». Bà ấy trách lại tôi tại sao lại xen vào chuyện người khác như vậy. Tôi trả lời là câu nói ấy chẳng ích lợi gì cả. Tôi bèn nắm lấy tay bà và vỗ nhẹ một cách thật thân ái và bà ta đổi hẳn thái độ.

Đối với những người như thế thì ta chỉ có thể giúp họ bằng tình thương và sự trìu mến. Tuy nhiên đây không phải là thứ tình thương hời hợt bề ngoài hay những ngôn từ rỗng tuếch, mà phải là một thứ gì đó phát xuất từ đáy lòng mình. Khi tranh luận với nhau thì người ta thường dựa vào lý trí, nhưng khi thật sự muốn bộc lộ tình thương hay sự dịu dàng thì không nên dựa vào lý trí mà phải phát xuất thẳng từ con tim. Sau cùng thì người phụ nữ ấy đã thay đổi hẳn. Bà ta tươi cười một cách thật hồn nhiên.

Nếu bạn là một người yếm thế thì hãy nghĩ rằng bạn cũng là một thành phần của xã hội, và con người thì trong tận cùng của lòng mình luôn luôn biểu lộ tình người một cách tự nhiên. Bạn luôn có thể tìm thấy một người nào đó để gửi gấm những ước vọng của mình, một người nào đó thật xứng đáng để làm một tấm gương soi chung. Cứ ray rứt mãi trong lòng như thế thì nào có ích lợi gì.

Hãy hướng những suy tư của mình vào một khía cạnh tích cực hơn. Quả là một điều hết sức sai lầm khi cho rằng thế giới này thật tồi tệ. Thực sự ta phải công nhận là có những kẻ hung ác, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều hung ác vì vẫn có rất nhiều người cao thượng và bao dung.

Những người cảm nhận thế giới như vừa kể trên đây sẽ không còn tin tưởng vào ai nữa và cảm thấy rất cô đơn. Nỗi cô đơn đến từ trong lòng, chẳng qua cũng vì họ không đủ sức nghĩ đến kẻ khác. Khi không đủ sức nghĩ đến kẻ khác thì ta sẽ xét đoán mọi người dựa vào chính bản thân mình và rồi ta sẽ có cảm tưởng rằng kẻ khác nghĩ về ta cũng như ta nghĩ về họ. Trong trường hợp như thế, nếu những xúc cảm cô đơn có tràn ngập lòng ta thì cũng không nên ngạc nhiên. Tôi nhớ đến một câu chuyện thật của tôi. Câu chuyện ấy cho thấy những lợi ích của cách cư xử tích cực. Một hôm có một người đàn ông đến Dharamsala (1) và người này liên hệ mật thiết với cộng sản Trung quốc. Ông ấy trạc ngoài bảy mươi. Chúng tôi gặp nhau trong gian phòng mà hiện chúng ta đang ngồi đây.

Nhiều người trong phòng họp đã được thông báo trước là vị này sắp đến. Tất cả đều gán sẵn cho vị ấy cái nhãn « cộng sản Trung quốc » và trong trí mọi người đều mang những định kiến không tốt. Về phần mình thì ông ấy cũng tự nhận rất khâm phục Trung quốc và gợi ý cho biết ông ta cũng thuộc vào thành phần đảng viên cầm quyền. Kết cuộc khi hai bên gặp nhau thì dường như có một bầu không khí thật ngột ngạt bao trùm gian phòng.

Riêng cá nhân tôi thì không có gì chống đối ông ta cả. Tôi nghĩ rằng ông ta cũng là một con người như bất cứ một con người nào khác và ông ta đã tin vào lời của những người Trung quốc chẳng qua chỉ vì không nắm được đầy đủ thông tin thế thôi. Hoàn cảnh Tây tạng thật hết sức bi thảm nhưng tôi cũng không thể nào nói khác đi để làm vui lòng ông ấy. Tôi trình bày với ông ta những sự kiện đúng như thế. 

Trong lần gặp gỡ đầu tiên, ông ta nói với tôi với một giọng rất khiêu khích nhưng tôi vẫn xem ông ấy như một con người và nói với ông ấy về xứ Tây tạng một cách rất thân thiện. Sang hôm sau, thái độ của ông ta đã hoàn toàn đổi hẳn.

Lúc mới họp, sự đối nghịch đã đặt ông ta vào một tư thế không được thoải mái cho lắm. Nếu đồng thời tôi lại tỏ ra mất bình tĩnh thì mỗi người sẽ rút về tư thế của mình. Tôi sẽ không còn chú ý gì nữa đến những luận chứng của ông ta đưa ra, và ông ta cũng sẽ không quan tâm gì đến những lời tôi nói. Tôi xem ông ấy cũng là một con người và tự nhủ rằng mọi người cũng như nhau, chỉ vì không nắm được thông tin đầy đủ mà sinh ra như thế.  Tôi  đã cư xử với ông ta một cách hết sức chân tình và rồi dần dần đã giúp ông ấy tự mở rộng được lòng mình.

Có những người chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực của mọi sự việc. Thật hết sức lạ lùng ! Trong cộng đồng người Tây tạng tị nạn chẳng hạn, tất cả đều là những người lưu vong chịu cùng một hoàn cảnh, nhưng một số thì rất thỏa nguyện, chỉ thích kể chuyện khôi hài, gợi lên những niềm hy vọng, trái lại một số khác thì không hề nhìn thấy bất cứ điều gì tốt đẹp cả. Họ chỉ tuyệt nhiên nêu lên những chuyện không hay và luôn luôn ray rứt trong lòng.

Kinh sách nhà Phật có nói rằng thế giới này có thể hiện ra với ta như một người bạn hay một kẻ thù, có thể mang nặng khuyết điểm hoặc chứa đầy phẩm tính và tất cả là do nơi tâm thức của mình mà thôi. Nói một cách tổng quát, không có gì hoàn toàn thuận lợi hay hoàn toàn bất lợi. Tất cả những gì mà ta cần dùng – thực phẩm, quần áo, nhà cửa – và tất cả mọi người đang sống chung với ta – gia đình, bạn hữu, người trên, kẻ dưới, thầy, trò, v.v... – tất cả đều có nhiều phẩm tính nhưng đồng thời cũng mang nhiều khiếm khuyết. Nó là như thế mà thôi ! Nếu muốn đánh giá thực tại một cách đúng đắn, phải chấp nhận cả những gì tốt lẫn  xấu, đúng như thế không thêm bớt gì cả. 

Có một quan điểm cho rằng có thể một ngày nào đó ta cũng sẽ nhìn thấy mọi sự với một tinh thần tích cực hơn. Kể cả khổ đau rồi cũng sẽ được xem là lợi ích. Tôi không muốn mang tín ngưỡng vào trong trường hợp này. Tôi chỉ đơn giản nêu lên là những người từng trải, đã vượt qua nhiều thử thách, thì thông thường họ không ta thán gì khi gặp phải những phiền toái nhỏ nhặt. Những khó khăn mà họ từng gánh chịu đã hun đúc tánh khí của họ, giúp cho họ có một tầm nhìn bao quát hơn, một tâm thức vững chắc hơn, gần với hiện thực hơn, kể cả đã mang đến cho họ những khả năng giúp nhìn thấy mọi sự đúng với bản chất của chúng. Những người sống trong yên ấm và chưa hề gặp một khó khăn nào thì sẽ dễ bị tách rời khỏi hiện thực. Gặp phải một điều phiền nhiễu nhỏ nhặt là họ « lấp đầy cả xứ sở này bằng những lời ta thán ». Tôi thường thấy những cảnh như thế và cũng hấp thụ được nhiều kinh nghiệm đối với chính tôi.

Tôi mất quê hương và đã phải trải qua một phần lớn cuộc đời mình trong cảnh lưu vong. Dân tôi bị hành hạ, tàn sát, chùa chiền bị san bằng, văn hoá bị chà đạp, xứ sở bị phá phách, tài nguyên bị vơ vét. Trước những chuyện như thế thì chẳng có gì là vui cả. Tuy thế, khi sống ở những nơi khác, tiếp xúc với những dân tộc khác, những tôn giáo khác, những nền văn hoá khác và khoa học khác, tôi đã thâu thập được nhiều hiểu biết hơn. Tôi đã tìm thấy những hình thức tự do và những cách nhìn về thế giới này mà trước đây tôi không hề biết.

Trong cộng đồng những người Tây tạng lưu vong và trong số những người gánh chịu nhiều khổ đau nhất thì người ta lại tìm thấy nhiều người vui vẻ nhất và với nội tâm vững chắc nhất. Có những người sau hai mươi năm tù tội trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất đã nói với tôi rằng những gì mà họ từng chịu đựng đã đem đến những năm tháng đẹp nhất trong đời họ trên quan điểm tinh thần. Một vị sư trong tu viện của tôi bị tra tấn rất tàn nhẫn suốt nhiều năm với mục đích bắt phải hoàn tục. Khi vị này trốn thoát qua Ấn độ, tôi có hỏi vị ấy có sợ hay không. Vị này trả lời một cách rất thành thật rằng cái sợ duy nhất trong những lúc bị hành hạ là cái sợ không còn giữ được lòng từ bi để yêu thương những người cai ngục đã tra tấn mình. Những ai đã từng sống ở Pháp, Đức, Anh và các nơi khác trong thời kỳ Thế chiến Thứ hai và tiếp theo sau đó là giai đoạn thiếu thốn, sẽ không còn bị những thứ phiền nhiễu nhỏ nhặt làm cho họ điêu đứng. Họ sống an phận vì đã từng trải qua những gì tệ hại hơn nhiều. Ngược lại, những người không hề biết cuộc chiến ấy thì sống thật hạnh phúc như trong một ngôi trường mầm non, sẵn sàng rên rỉ và có thể ngã quỵ khi phải đương đầu với khó khăn. Hạnh phúc ngay trước mặt nhưng họ nào có thấy đâu !

Trong số những người thuộc thế hệ mới, một số đã không thỏa mãn với những tiến bộ vật chất mà đã tìm thấy đời sống tinh thần. Điều ấy đối với tôi là những gì thật tích cực.

Dầu sao đi nữa, chúng ta hãy ý thức rằng thế giới này bao gồm cả những điều tốt lẫn  xấu, và những gì mà ta gọi là hiện thực thì phần lớn chẳng qua cũng chỉ là những sáng tạo của tâm thức mà thôi. 

Ghi chú :

 1- Là một thị trấn nhỏ thuộc tận cùng miền bắc Ấn độ, nơi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hiện lưu ngụ.

Lời khuyên người hay lo sợ

Có một số người khi vừa thức dậy thì đã bị xâm chiếm ngay bởi những mối lo sợ vẩn vơ không giải thích được. Những xúc cảm đó có thể xuất phát từ đủ mọi lý do. Một số bị cha mẹ hay anh chị ngược đãi từ ngày còn bé. Một số bị lạm dụng tình dục. Họ bị hiếp đáp, hành hung nhưng không thổ lộ được với ai cả. Một nỗi lo sợ dần dần xâm chiếm khiến họ cảm thấy vô cùng khổ sở.

Có những lúc họ cảm thấy đủ can đảm để thổ lộ những gì đã trải qua. Khi đó nếu bên cạnh có một người biết lắng nghe và khuyên nhủ họ rằng tất cả đã qua rồi và đã thuộc về quá khứ, thì đấy sẽ là một dịp may giúp cho họ quên đi một quãng đời bất hạnh của họ. Ở Tây tạng người ta thường nói muốn khai thông một vỏ ốc thì phải thổi vào đấy.

Nếu ta lo âu và mất hết tự tin rồi nghĩ rằng tất cả những gì mình làm đều thất bại hết thì hãy cố gắng suy nghĩ thêm một chút. Tại sao ta lại chấp nhận thua cuộc ngay từ điểm khởi hành. Đương nhiên ta sẽ thấy như thế hết sức là phi lý. Mọi khó khăn đều phát sinh từ cách suy nghĩ của ta chứ không phải là vì ta thiếu khả năng.

Một phương pháp hữu hiệu để quẳng gánh lo âu là hãy bớt quan tâm đến mình mà chú ý đến người khác nhiều hơn. Khi nhìn thấy những khó khăn của người khác thì những khó khăn của mình cũng sẽ giảm đi. Khi ra sức cứu giúp người khác thì sự tự tin của ta sẽ gia tăng và nỗi lo âu đồng thời cũng giảm xuống. Cần nhất là lòng ước vọng được giúp đỡ người khác phải thành thật. Nếu như ước vọng ấy chỉ có mục đích giúp ta thoát khỏi lo lắng, thì nhất định nó sẽ mang ta về với những lo lắng và cả những sợ hãi nữa. 

Lời khuyên người có ý định tự tử

Đề cập đến vấn đề tự tử quả thật là một điều hết sức tế nhị ! Những lý do đưa đến việc tự tử thì nhiều lắm. Người thì bị xâm chiếm bởi lo lắng hay kinh hoàng ; người thì vì thất vọng ; kẻ lại tự tử vì tự ái bởi kẻ khác gây ra một điều gì đó hay không thực thi một điều gì đó cho họ ; có người lại tin chắc mình chỉ là một kẻ vô tích sự không làm được gì cả ; kẻ thì phát lộ tham vọng của mình một cách thật hung hãn, để rồi tức bực và kết liễu đời mình khi thấy tham vọng ấy không thực hiện được ; kẻ khác thì lại bị buồn khổ chi phối, và còn biết bao trường hợp khác nữa.

Một cách tổng quát, người tự tử sẽ gạt bỏ tất cả mọi giải pháp tương lai có thể giúp họ giải quyết những khó khăn. Kể từ trước cho đến giây phút này, dù cho họ chỉ gặp toàn khó khăn đi nữa thì cũng không có gì khẳng định được là họ sẽ không tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho mọi khó khăn.

Một điều khác nữa là hầu hết các trường hợp tự tử đều xảy ra khi xúc cảm gia tăng đến độ cực điểm. Với tư cách là một con người, ta không thể nào quyết định chọn lấy giải pháp cuối cùng bằng cách chỉ dựa vào một cơn giận dữ, tham vọng hay lo sợ. Quyết định dưới ảnh hưởng của xung năng thúc đẩy sẽ đưa đến nguy cơ bị lầm lẫn. Bởi vì chúng ta có đủ khả năng để suy nghĩ cho nên tốt nhất là hãy chờ đến lúc bình tĩnh và thư giãn trước khi chọn một quyết định không hàn gắn được.

Vị giám hộ của tôi là Thrijiang Rinpoché có kể cho tôi nghe câu chuyện của một người ở tỉnh Khams.  Người này lâm vào cảnh vô cùng khổ sở và có ý định nhảy xuống sông Tsangpo ở Lhassa để tự tử. Anh ta mang theo một chai rượu và quyết định sẽ uống hết rồi sau đó mới nhảy xuống sông để kết liễu đời mình. Thoạt tiên, xúc cảm còn mạnh và chế ngự anh ta. Đi đến bờ sông, anh ta ngồi trên bờ một lúc nhưng chưa quyết định nhẩy ngay và bắt đầu uống một ít rượu. Vẫn chưa tìm thấy can đảm, anh ta lại uống thêm một ít rượu nữa và sau cùng thì quay về nhà, cặp nách chai rượu đã cạn.

Các bạn có thấy không, khi anh chàng này còn vướng vào vòng kiềm toả và chi phối bởi xúc cảm cực mạnh thì hắn nhất định tự tử. Tuy nhiên một khi xúc cảm đã lắng xuống – chỉ trong thời gian uống hết chai rượu – thì chàng ta lại quay về nhà. 

Lời khuyên người khổ đau vì cô đơn

Tình cờ đọc một bản thống kê thăm dò ý kiến, tôi mới biết là một phần lớn người Mỹ cho rằng họ rất khổ đau vì cô đơn. Gần đây, một phần tư số người trưởng thành thú nhận là họ cảm thấy rất lẻ loi và thực trạng này dường như rất thông thường

Trên các đường phố đô thị có hàng ngàn người đi lại nhưng họ không buồn nhìn nhau. Nếu bất chợt hướng mắt của họ có vô tình gặp nhau thì họ cũng chẳng nở một nụ cười, trừ  trường hợp đã hò hẹn từ trước. Trong các toa xe lửa, họ ngồi sát bên nhau hàng giờ nhưng không hề nói với nhau một lời. Quả thật lạ lùng!

Tôi có cảm giác là những xúc cảm cô đơn bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là hiện nay chúng ta quá đông đúc. Ngày xưa khi thế giới còn ít người, mỗi cá nhân ý thức sâu sắc hơn là họ đều thuộc vào một gia đình chung của nhân loại, con người hiểu nhau nhiều hơn và sự tương trợ giữa người này với kẻ khác cũng rõ rệt hơn. Ngay cả thời buổi hiện đại, trong các làng nhỏ nơi thôn quê, mọi người đều quen biết nhau, cho nhau mượn dụng cụ và máy móc để làm ruộng và nếu công việc có tầm vóc rộng lớn thì họ hợp lực để cùng nhau làm. Ngày xưa thì người ta hội họp thường xuyên hơn, đi nhà thờ, cầu nguyện chung với nhau. Họ có nhiều dịp để hàn huyên với nhau hơn.

Ngày nay địa cầu quá đông đúc, hàng triệu người sống chen chúc trong các thành phố lớn. Người ta có cảm giác mối bận tâm duy nhất của họ là làm việc và lãnh lương thế thôi. Mỗi người có một đời sống độc lập. Máy móc hiện đại giúp cho đời sống thường nhật ít bị ràng buộc hơn, vì thế người ta thường có cái cảm giác thật sai lầm là những kẻ chung quanh chỉ giữ một vai trò thứ yếu, không liên quan gì đến sự an vui của chính họ. Tình trạng đó đã đưa đến sự thờ ơ và cảm giác lẻ loi.

Nguyên nhân thứ hai của sự cô đơn, theo ý tôi, là do lối sống trong các xã hội tân tiến mà lúc nào con người cũng bận rộn một cách kinh khủng. Nếu ta mở lời nói với ai, dù chỉ để hỏi một câu « Thế nào, có khoẻ không ? » ta cũng có cảm giác đánh mất vài giây đồng hồ quý báu trong cuộc đời mình. Vừa đi làm về ta đã nhào vào tờ báo : « Nào, xem có tin tức gì mới lạ không ? ». Đàm luận với một người bạn có nghĩa là một cách đánh mất thì giờ.

Trong một thành phố, ta quen biết nhiều người thì hãy cố chào nhau một lời. Người ta vẫn cứ nghĩ rằng gợi chuyện với nhau là một việc vừa nguy hiểm lại vừa không thiết thực. Do đó người ta tránh né mọi sự giao tiếp và mỗi lần nếu có ai cất lời muốn nói chuyện với ta thì ta lại có cảm giác như là họ muốn tấn công ta vậy.

Tình trạng đó làm cho xã hội mất hết tính cách nhân bản và cuộc sống trở thành máy móc. Sáng sớm dậy, ta đi làm. Hết ngày, ta giải trí trong một hộp đêm hay một nơi nào khác. Ta về trễ, cảm thấy ngầy ngật trong người, lăn vào giường ngủ được vài giờ. Sáng hôm sau, tuy vẫn còn ngái ngủ, đầu óc thẫn thờ, nhưng vẫn phải đi làm. Có đúng là những người trong thành phố sống theo cách ấy suốt một phần lớn đời họ chăng ? Mỗi con người trở thành một bộ phận cơ khí, dù muốn hay không thì cũng phải chuyển động theo một sự vận hành chung. Đến một lúc nào đó, lối sống ấy sẽ trở thành quá nặng nề và rồi người ta sẽ thu mình trong sự thờ ơ.

Tôi đoán chắc rằng nếu tôi sống trong một thành phố lớn, ở Hoa kỳ chẳng hạn, và nếu như tôi chỉ tiếp xúc với những người địa phương thì dần dần tôi cũng sẽ trở thành giống như họ. Chẳng có cách gì để lựa chọn khác hơn. Có thể tôi cũng sẽ tìm đến các hộp đêm, về nhà trễ, sáng hôm sau còn ngái ngủ nhưng cũng vẫn phải đi làm. Rồi đến một lúc nào đó, tôi cũng sẽ hoàn toàn quen với lối sống như thế. ! (Ngài bật cười).

Đừng tìm cách để giải trí mỗi đêm. Tan sở thì nên về nhà. Dùng cơm tối trong thanh thản, uống một tách trà hay một thức uống khác, đọc một quyển sách, nghỉ ngơi và đi ngủ trong thư giãn. Buổi sáng thức dậy sớm. Tôi nghĩ rằng nếu đi làm với một tâm hồn tươi mát và sảng khoái thì cuộc sống sẽ khác hơn nhiều (1).

Bất cứ ai cũng có thể nhận thấy dễ dàng là cảm tính cô đơn thật không ích lợi và cũng chẳng thú vị gì cả. Mỗi người trong chúng ta nên tìm cách loại bỏ cảm tính ấy. Nó lệ thuộc vào rất nhiều nguyên nhân và điều kiện, vì thế hãy nên tìm cách ngăn chận nó càng sớm thì càng dễ hơn. Gia đình là tế bào căn bản của xã hội do đó gia đình phải là một nơi mà người ta cảm thấy hạnh phúc, sống trong yêu thương và trìu mến. Nếu trong gia đình và cả ở trường học mà trẻ nhỏ được dạy dỗ và lớn lên trong bầu không khí như thế, thì sau này khi lớn lên và ra đời chúng sẽ có đủ khả năng để giúp đỡ kẻ khác. Khi gặp một người nào đó lần đầu tiên, chúng vẫn giữ được phong cách thoải mái và ngỏ lời với người ấy mà không sợ sệt gì cả. Chúng sẽ tiếp tục tạo ra một bầu không khí như thế chung quanh chúng và rồi cảm tính cô đơn sẽ bớt đi, không còn như ngày nay nữa. 

Ghi chú :

 1- Xin hiểu rằng Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hướng lời khuyên này vào người Tây phương nhiều hơn.

Lời khuyên người hay nóng giận

Khi rơi vào sự kiềm toả của giận dữ hay hận thù thì ta sẽ không còn cảm thấy an vui, cả thể xác lẫn tinh thần. Bất cứ ai nhìn vào cũng đều thấy được điều này và rồi sẽ chẳng có ai muốn đến gần ta nữa. Ngay cả súc vật cũng tránh xa, chỉ trừ có rận và muỗi mới đến gần để hút máu ta mà thôi ! Ta ăn không ngon, ngủ không yên, có thể bị lở loét dạ dày, và nếu như tình trạng này kéo dài thì nhất định là những năm tháng còn lại của cuộc đời ta sẽ bị thu ngắn.

Như thế có hay ho gì đâu ? Nếu ta buông thả cho cơn giận tung hoành thỏa thích thì ta cũng không thể thanh toán hết đám kẻ thù của ta được. Bạn đã thấy có ai thành công trong việc triệt hạ hết kẻ thù của mình chưa ? Khi vẫn còn dung dưỡng trong ta kẻ thù nội tâm, tức là sự giận dữ hay oán thù, thì dù cho hôm nay ta có đánh tan hết mọi kẻ thù đi nữa, ngày mai lại sẽ có những kẻ thù mới xuất hìện.

Kẻ thù đích thực của ta là các thứ nọc độc trong tâm thức : vô minh, hận thù, tham vọng, ganh tị và kiêu ngạo. Đó là những kẻ thù duy nhất có thể phá hoại hạnh phúc của ta. Chỉ riêng giận dữ và hận thù cũng đủ là nguyên nhân gây ra vô số bất hạnh trong thế gian này, từ cảnh cãi vã trong gia đình cho đến những cuộc xung đột ở cấp độ lớn lao hơn. Nó sẽ biến bất cứ một bối cảnh thú vị nào thành một tình trạng ngột ngạt. Không có một tôn giáo nào lại ca tụng phẩm hạnh của những thứ đó. Trái lại mọi tôn giáo đều nhấn mạnh đến vai trò của tình thương và lòng nhân từ. Chỉ cần đọc những cảnh mô tả về thiên đường thì sẽ thấy người ta toàn nói đến cái an bình, đẹp đẽ, hoặc mô tả những ngôi vườn kỳ thú đầy hoa, và theo tôi biết thì không hề thấy nói đến xung đột hay chiến tranh trong cái khung cảnh đó. Người ta chẳng bao giờ gán cho sự giận dữ một đức tính nào cả.

Vậy phải xử trí như thế nào đối với sự giận dữ ? Theo một số người thì giận dữ không phải là một khiếm khuyết. Những ai không quen quan sát tâm thức thì có thể cho nó là một thành phần thuộc bản chất của tâm thức, vì thế họ chủ trương không nên kiềm chế mà trái lại cứ để cho nó bộc lộ ra ngoài. Nếu quả thực là như thế thì sự dốt nát và mù chữ cũng phải được xem là thuộc vào thành phần của tâm thức vì khi vừa chào đời ta chưa hề biết được điều gì cả. Đối với những thứ ấy, tức là dốt nát và mù chữ, thì người ta tìm đủ mọi phương cách để loại trừ, chẳng những không thấy ai chống đối việc này mà cũng không thấy ai chủ trương nên duy trì chúng. Như vậy thì tại sao ta không hành động tương tợ đối với giận dữ và hận thù vì chúng còn tàn phá khủng khiếp hơn dốt nát và mù chữ nhiều ? Điều ấy cho chúng ta thấy là cũng nên  thử tìm cách loại trừ giận dữ và hận thù xem sao.

Muốn học hành thì ta phải bỏ ra rất nhiều thì giờ và dù cố gắng mấy đi nữa thì cũng không thể nào học hết được, tuy nhiên nếu bớt dốt nát được phần nào thì tốt phần nấy. Đối với giận dữ cũng thế, ta không thể nào loại trừ nó một cách vĩnh viễn được nhưng nếu thành công được phần nào đó thì cũng đủ và cũng đáng nên làm (1). Tuy nhiên, dù sao bạn cũng có thể bảo rằng chuyện ấy là chuyện riêng của tôi, chẳng ăn nhập gì với bạn cả ! (Ngài bật cười to). 

Các nhà tâm lý học có thể khuyên bạn không nên đè nén những cảm tính như sự giận dữ mà phải để cho nó biểu lộ ra ngoài. May thay là họ cũng không khuyến khích bạn tìm kiếm sự giận dữ và phát huy nó. Hãy tập tìm hiểu những khuyết điểm của giận dữ và ngay cả trường hợp bạn xem nó như là thành phần của tâm thức mình đi nữa, thì bạn cũng không thể  không công nhận rằng cách tốt nhất là tìm cách vượt thoát khỏi sự kiềm toả của nó.

Hãy cố hết sức để tránh những hoàn cảnh có thể khích động những phản ứng hung bạo. Nếu chẳng may nó vụt đến thì chớ nên để cho nó khích động ta. Nếu gặp một người có cái bản tính tự nhiên khiến ta bực mình, thì ta hãy cố gắng đừng để ý đến cái điểm đáng ghét đó và hãy nhìn người ấy dưới một góc cạnh khác.

Đối với người mà ta xem là kẻ thù thì lúc mới sinh ra đời, người ấy nào có oán thù gì với ta đâu. Họ chỉ trở thành thù địch sau khi một số tư duy và thái độ nào đó phát sinh nơi họ. Và cũng từ lúc đó ta mới bắt đầu dán lên trán họ một cái nhãn gọi là « kẻ thù ». Nếu như thái độ của một kẻ thù bỗng nhiên « thay đổi toàn bộ », thì hắn lại trở thành người « bạn » của ta. Cùng một con người, nhưng hôm trước là « kẻ thù » và hôm sau lại là một « người bạn ». Thật hết sức phi lý !

Vì vậy chúng ta hãy nên phân biệt thật rõ rệt một cá nhân nào đó và thái độ nhất thời của người ấy. Đừng phản ứng chống lại một con người nào cả, chỉ nên chống lại một xúc cảm hay một thái độ mà thôi. Hãy loại bỏ ngay ý định làm hại một cá nhân con người. Hãy giúp cá nhân ấy cải thiện và mang đến cho người ấy tất cả những gì an vui và tốt đẹp mà ta có thể làm được. Chỉ cần giúp cho hành vi của người ấy thay đổi và bộc lộ tình thương yêu của ta đối với người ấy, thì ta sẽ có nhiều cơ may hơn để thấy chấm dứt nhanh chóng cách cư xử thù địch của người này với ta. Biết đâu người ấy còn có thể trở thành một người bạn của ta nữa. 

Nếu ta không thể dung thứ khổ đau mà người khác gây ra cho riêng ta hay cho người khác thì cứ tha hồ chống lại những hành vi ấy.  Tuy nhiên đừng nên căm thù chủ nhân của những hành vi ấy và cũng đừng để bị rơi vào thái độ chống lại người ấy, hoặc tìm cách để trả thù người ấy. Nếu phản ứng của ta không phải là một sự trả thù thì khi ấy một sự giận dữ cũng sẽ không đưa đến một sự giận dữ khác. Như thế mới gọi là sự nhẫn nhục đúng nghĩa của nó. Thật hết sức khó để chọn một hành động chín chắn khi cơn giận đang bùng nổ. Hãy quên cái cơn giận ấy đi.

Gần đây trong thời gian ở Jérusalem, tôi có tham dự một buổi thảo luận giữa các sinh viên người Do thái và Palestin. Khi buổi hội thảo chấm dứt, một thanh niên Palestin đứng lên ngỏ lời bày tỏ cảm tưởng rằng từ đây mọi sự sẽ tốt đẹp, thế nhưng khi kéo nhau ra đường thì mọi việc lại đổi khác.  Khi cảnh sát Do thái bắt những thanh niên Palestin thì họ sẽ điên tiết lên và xem mọi người Do thái như là kẻ thù. Vậy thì cần tự hỏi bây giờ phải làm sao đây ? Họ cũng đã bàn thảo vấn đề này với nhau trong buổi họp và có một ý kiến được nêu lên là hãy nhìn nhau như « hình ảnh của Thượng đế ». Một sinh viên đứng lên tuyên bố : « Mỗi khi đứng trước một người gây ra sai trái cho ta, bất cứ người ấy là ai, thì hãy nhìn người ấy như là hình ảnh của Thượng đế và sự giận dữ sẽ tan biến ». Ý kiến ấy có đúng không ? Riêng phần tôi , thì tôi nghĩ rằng ý kiến ấy thật tuyệt vời.

Nếu chúng ta có đủ đức tin giống như họ đối với một tôn giáo nào đó và ta đem áp dụng phương pháp ấy theo cách của ta thì tự nhiên sự giận dữ cũng sẽ giảm xuống. Có một người viết thư cho tôi kể chuyện là mỗi khi ngồi thiền thì hình ảnh của Đạt-Lai Lạt-Ma lại hiện ra trong tâm thức và mang lại thật nhiều an vui trong lòng người ấy. Vậy thì từ nay đây, nếu người viết thư cho tôi chẳng may có nổi giận thì cứ nghĩ đến tôi, biết đâu cơn giận sẽ tan biến ngay. Tôi cũng không biết là một tấm ảnh của tôi có đủ sức làm hạ bớt một cơn giận hay không ? (Ngài cười). Dầu sao thì tôi cũng nghĩ là khi cơn giận bất thần bùng nổ, thay vì tập trung sự giận dữ vào đối tượng đã làm cho ta nóng giận, thì ta hãy nên nghĩ đến một người  hay một vật nào đó mà ta yêu quý, tâm thức ta sẽ lắng xuống hay ít ra cũng vơi được một phần nào. Hãy nghĩ đến một người đàn ông hay một người đàn bà mà ta si tình chẳng hạn (2). Khi đó tâm thức ta sẽ bị xao lãng ngay bởi vì người ta thường nói rằng « hai  ý nghĩ không thể nào xuất hiện cùng một lúc được ». Tâm thức ta sẽ tự động hướng về hình ảnh mới, miễn là hình ảnh đó phải thật mạnh – mạnh hơn cái hình ảnh mà ta vừa mới có trước khi nó biến mất. Tuy thế nó chỉ tạm thời biến mất mà thôi và do đó ta phải thật cảnh giác đừng cho nó trở lại. Hãy ghi nhớ trong tâm những hậu quả khốc hại của nó.

Tôi vẫn thường nói rằng nếu để cho cơn giận thắng thế thì chẳng những ta không thể chứng tỏ cho thấy là kẻ thù của ta làm điều sai trái, nhưng ngược lại ta còn làm hại đến bản thân ta. Khi đánh mất sự an bình của nội tâm, ta sẽ chẳng còn giữ được một khả năng nào để làm bất cứ một thứ gì gọi là đúng đắn. Dạ dày ta không tiêu hoá được thức ăn, đêm về không ngủ được, ta xô đuổi những kẻ đến thăm, phóng những cái nhìn điên tiết vào mặt những ai làm vướng lối đi của ta. Nếu có nuôi một con vật làm bạn thì rất có thể ta cũng quên không cho nó ăn. Ta tạo ra cho những người chung quanh một bầu không khí ngột ngạt không sao sống nổi và xô đuổi cả những người bạn thân thiết nhất của ta. Chung quanh ta, những người có lòng từ bi ngày càng hiếm hoi để rồi ta càng cảm thấy lẻ loi.

Về phần người mà ta cho là kẻ thù thì biết đâu hắn đang ngồi thản nhiên trong nhà. Nếu như một hôm có người hàng xóm kể cho hắn nghe những gì mà họ được nghe thấy thì biết đâu hắn sẽ rất thích chí. Nếu như hắn được nghe kể rằng : « Anh chàng ấy thật vô cùng khổ sở, ngày ăn không ngon, mặt mày phờ phạc, đầu tóc bù xù, tối ngủ không yên, phải uống thuốc an thần, không có ai đến thăm và ngay cả con chó anh chàng ấy nuôi cũng không dám đến gần mà cứ chu mõm sủa », thì chắn chắn là hắn ta sẽ vui thích lắm. Và nếu như hắn biết thêm là người ta sắp đưa anh chàng ấy vào bệnh viện thì lúc đó thật quả là trọn vẹn !

Nóng giận chẳng có một ý nghĩa gì cả. Nếu thật sự mục đích của ta là trừng phạt kẻ thù thì tốt hơn hết là hãy nên giữ bình tĩnh để tưởng tượng ra cảnh khổ mà ta sẽ đem ra để trừng phạt hắn. (Ngài bật cười to). 

Ghi chú :

 1- Sự giận dữ phần lớn bắt nguồn từ những xung năng sẵn có trong tâm thức, tức là liên hệ đến những vết hằn của nghiệp.  Chính vì thế mà rất khó để loại trừ hoàn toàn tất cả các vết hằn của nghiệp bởi vì các vết hằn ấy đã « chồng chất » rất nhiều và « in đậm » trên « dòng tiếp nối liên tục » của tri thức.
 2- Si tình càng nhiều thì hình ảnh càng mạnh. 

Lời khuyên người bị tham dục chi phối

Mục đích của tham dục là sự thoả mãn. Nếu bị dục vọng chi phối và ta cứ tiếp tục muốn được nhiều hơn nữa thì mục đích tìm thoả mãn của ta sẽ chẳng bao giờ đạt được.  Thay vì đạt được hạnh phúc ta chỉ tìm thấy khổ đau mà thôi. Ngày nay, người ta đề cập rất nhiều đến vấn đề tự do tình dục. Tuy nhiên, nếu ta buông thả để chạy theo tình dục vì sự khoái lạc mà không một chút kìm hãm thì ta sẽ không bao giờ tìm thấy sự thoả mãn lâu bền.  Trái lại ta sẽ còn tạo ra vô số khó khăn, đưa đến những hậu quả thật là tiêu cực – khổ đau cho người phối ngẫu, đời sống lứa đôi bị tan vỡ, đời sống con cái bị xáo lộn, vướng bệnh hoa liễu, sida AIDS / HIV – thật không đáng một chút nào so với những phút giây thích thú ngắn ngủi tai hại.

Trên thực tế thì ngay từ bản chất, tham dục luôn luôn bùng lên thật mãnh liệt, kể cả trường hợp ta nghĩ là đã thoả mãn. Những người rơi vào cạm bẫy của nó cũng giống như người khát nước mà lại uống toàn nước biển : càng uống lại càng khát.

Hơn nữa bất cứ thứ gì cũng có những giới hạn. Nếu muốn giàu có, biết đâu ta cũng có thể thành công và kiếm được vô số tiền bạc, nhưng một ngày nào đó hoàn cảnh thay đổi không còn cho phép kiếm được nhiều như thế nữa thì ta sẽ thất vọng. Thay vì phải chịu đựng những giới hạn áp đặt từ bên ngoài thì tốt hơn là ta nên tự chọn lựa những tiêu chuẩn cho mình. Hãy giảm bớt tham dục và an phận với những gì mình có.

Tham lam là nguồn gốc gây ra những khó khăn bất tận. Càng tham lam thì càng phải tính toán và ra sức để thực hiện. Cách nay không lâu, một doanh nhân có nói với tôi rằng càng khuếch trương xí nghiệp, anh ta lại càng muốn cho xí nghiệp của mình ngày càng lớn hơn nữa, vì thế anh ta cần phải nói dối nhiều hơn, phải tranh đấu không thương tiếc để đối phó với những đối thủ cạnh tranh. Sau cùng, anh ta nhận thấy rằng việc muốn được nhiều hơn không mang một ý nghĩa gì cả, mà trái lại nên thu nhỏ hoạt động để sự cạnh tranh bớt khốc liệt hơn và nhất là có thể làm ăn lương thiện hơn.

Tôi nhận thấy những lời anh ta nói rất đúng. Tuy nhiên tôi không có ý muốn khuyên đừng làm việc thương mại hay đừng khuếch trương nữa. Sự thành công về kinh tế là một điều rất tốt. Sự thành công đó sẽ đặc biệt giúp tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp ; như thế rất tốt cho mình và cho kẻ khác, kể cả cho toàn thể xã hội nữa. Nếu tất cả mọi người đều đi tu và sống khất thực thì kinh tế sẽ sụp đổ và tất cả chúng ta đều sẽ chết đói ! (Ngài cười to). Tôi tin chắc Đức Phật sẽ phải làm gì trong hoàn cảnh đó. Ngài sẽ nói với tất cả đám sư sãi như sau : « Thôi, bây giờ tất cả phải bắt tay vào làm việc đi nhé ! » (Ngài lại tiếp tục cười to). Tuy nhiên kinh tế không được phép phát triển bằng cách vi phạm những giá trị con người. Phải biết giữ cách làm ăn trung thực, không nên hy sinh sự an bình nội tâm của mình để tìm cách thu lợi nhiều hơn. Nếu nhân danh lợi nhuận để có thể làm bất cứ điều gì và tất cả mọi thứ đều hợp pháp thì tại sao người ta lại bãi bỏ chế độ nô lệ làm gì ? Tôi cho rằng những lý tưởng cao thượng là những yếu tố đã mang lại sự tiến bộ.

Lời khuyên người khổ sở vì ganh tị

Ganh tị khiến ta khổ sở và ngăn bước ta trên con đường tu tập. Nếu nó lại được biểu lộ ra bằng những hành vi hung hãn thì còn làm hại thêm cho người khác nữa. Ganh tị là một thứ cảm tính cực kỳ tiêu cực.

Nói một cách tổng quát, ganh tị thật hết sức vô lý. Ganh tị cũng không ngăn cản được những người bị ganh tị tìm được nhiều tiền của hay đạt được nhiều phẩm tính hơn, mà chỉ mang lại khổ đau cho chính mình. Nếu lòng ganh tị trở nên quá mạnh thì nó có thể thúc đẩy ta phá hại sự thành công hay gia sản của kẻ khác và như thế thì còn gì đê hèn hơn không ? Hậu quả của những hành vi ấy chắc chắn sẽ phản hồi lại để tác hại bản thân mình. 

Sự ganh tị còn phi lý trên một phương diện khác nữa, bởi vì sự an vui chung của một xã hội tùy thuộc vào từng thành phần đã tạo ra xã hội ấy. Nếu có một số người làm ăn phát đạt thì tất cả xã hội cũng được lợi và đương nhiên ở một mức độ nào đó ta cũng được hưởng lây. Khi thấy một người phát đạt và giàu có, thay vì cảm thấy tức bực thì ta nên nghĩ rằng đó cũng là một điều tốt cho bản thân mình nữa.

Nếu đó là một người mà ta yêu mến hoặc có liên hệ với ta thì nhất định ta nên lấy đó làm điều vui. Nếu người ấy không liên quan gì nhiều đến ta thì sự thành công của họ cũng vẫn là một điều lợi ích chung cho xã hội và ta lại càng phải nên xem đó là điều vui mừng. Nếu đơn độc một mình thì ta sẽ không có cách gì để giúp cho xứ sở phồn vinh. Vì thế cần phải có sự chung góp của thật nhiều người bằng những cố gắng và tài năng của họ. Người giàu có mà ta mang ra làm thí dụ trên đây là một trong số những người có đủ khả năng, vì vậy nhất định đấy phải là một niềm vui.

Ví như có một kẻ nào đó giàu có và thông minh hơn ta nhưng người này chỉ biết hưởng lấy một mình thì dù có bực tức và ganh tị đến mức nào đi nữa cũng chẳng đem lại được gì cho ta. Tại sao kẻ khác lại không được quyền có những gì mà chính mình cũng đang mong muốn ? 

Tuy nhiên có một thứ ganh tị có thể bào chữa được, mặc dù cũng là một thứ xúc cảm không kém phần tiêu cực. Đấy là sự ghen tương giữa một cặp vợ chồng mà một trong hai người bị phản bội. Cứ lấy trường hợp hai người yêu nhau thật sự và quyết định sống chung với nhau, hoà thuận với nhau, hoàn toàn tin tưởng vào nhau, sinh con đẻ cái, nhưng rồi một hôm, một trong hai người có tình nhân. Người kia bất bình và đó cũng là một điều dễ hiểu.

Người đã ghen tương thì chính họ cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Có một người kể chuyện với tôi là anh ta cưới vợ, đến khi hai vợ chồng dần dần trở nên thân mật và hiểu nhau hơn thì chính lúc ấy anh ta lại cảm thấy ngày càng lo âu, mang nặng trong lòng một thứ cảm tính như là ghét bỏ.  Anh ta lo lắng vì nghĩ rằng hai người biết nhau quá nhiều. Thế rồi giữa hai vợ chồng sinh ra một sự căng thẳng và người đàn bà bỏ nhà ra đi để sống với một người đàn ông khác.

Theo tôi, phản ứng của anh chàng ấy thật hết sức lạ lùng. Khi hai người đã sống chung với nhau thì cả hai sẽ cảm thấy ngày càng gần gũi nhau hơn và đấy là một điều hiển nhiên.  Càng sống gần nhau thì càng cảm thấy không còn gì cần thiết để giữ bí mật riêng tư nữa. Chẳng phải là một điều thú vị hay sao khi ta hoàn toàn tin tưởng vào người khác ? Do đó quả  thật là vô lý vì đã lấy nhau rồi mà lại không tin nhau ? Nếu ngay từ lúc mới cưới mà lại ngờ vực nhau để người kia bỏ đi tìm ai khác thì ít ra cũng còn hiểu được.

Lời khuyên người tự kiêu

Khuyết điểm tệ hại nhất của sự kiêu hãnh là nó ngăn chận không cho ta cải thiện. Nếu ta cho rằng : « Tôi đã biết hết và chắc chắn tôi là một người rất giỏi », ta sẽ không còn học hỏi được gì thêm nữa và đấy cũng là một trong những điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho ta.

Kiêu ngạo cũng là nguồn gốc gây ra vô số khó khăn trong xã hội. Nó làm phát sinh trong lòng ta sự ganh tị, tính kiêu ngạo, khinh miệt, vô tình, và đôi khi đưa đến đủ mọi thứ lạm dụng và hung bạo đối với kẻ khác.

Phải phân biệt giữa kiêu hãnh và sự tự tin nơi mình. Sự tự tin rất cần thiết. Chính sự tự tin trong nhiều hoàn cảnh sẽ giúp ta đủ can đảm và ta có thể tự nhủ một cách chính đáng rằng : « Tôi có đủ khả năng để thành công ». Tuy nhiên, sự tự tin cũng có thể trở thành cực đoan vì đánh giá sai lầm về các khả năng của mình hoặc ước đoán không đúng những hoàn cảnh bên ngoài.

Nếu nghĩ rằng ta có đủ khả năng hoàn thành một việc nào đó mà kẻ khác không thể thực hiện được, và nếu sự thẩm định của ta có đầy đủ lý do, thì đó không phải là sự tự kiêu. Cũng giống như trường hợp một người thấp bé không với tay lấy được những vật đặt quá cao và có một người cao hơn bảo rằng : « Khỏi cần với tay làm gì cho mệt, cứ để đấy để tôi lấy giùm cho ». Người này chỉ muốn đơn giản nói lên là mình đủ điều kiện hơn để làm một việc nhất định nào đó, nhưng không hề có ý cho rằng mình giỏi hơn và muốn đè bẹp kẻ khác.

Thái độ tự kiêu không thể bào chữa được. Nó được căn cứ trên sự đánh giá quá cao về mình hoặc trên những kết quả hời hợt có tính cách nhất thời. Hãy luôn nhớ đến những hậu quả tiêu cực của tánh tự kiêu. Hãy ý thức những khiếm khuyết và giới hạn của mình và phải hiểu rằng ngay từ căn bản thì ta cũng chẳng khác gì những người mà ta tự xem là trội hơn họ.

Lời khuyên người bị tổn thương tinh thần

Có một số người từng gánh chịu những thảm kịch nặng nề. Họ nhìn thấy cha mẹ hay những người khác bị tàn sát, hãm hiếp hay tra tấn. Sau một thời gian dài, họ vẫn còn bị ám ảnh bởi những cảnh tượng đó và thường thì lại không đủ can đảm nói ra những điều trong trí. Giúp đỡ những người ấy trút bỏ những ám ảnh của họ không phải là chuyện dễ dàng. Mức độ trầm trọng gây ra bởi sự chấn thương và thời gian chữa chạy tùy thuộc rất nhiều vào bối cảnh xã hội và văn hoá. Tôn giáo cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc này. Tôi nghĩ đến trường hợp những người dân Tây tạng, nhờ tu tập Phật giáo nên cứng cỏi hơn một số người khác trước những thảm cảnh mà họ phải gánh chịu.

Nếu một bên là nạn nhân có tâm hồn mở rộng để tha thứ, và một bên là kẻ hãm hiếp, tra tấn hay sát nhân, biết sửa đổi khi đã ý thức được tính cách nghiêm trọng của hành vi ác độc do mình gây ra, thì sự đối mặt giữa hai người sẽ đưa đến một kết quả hữu ích. Sự gặp gỡ đó sẽ mang đến cho kẻ tội phạm một cơ hội để nhìn thấy những sai lầm của mình, để bày tỏ sự hối tiếc một cách thành thật và đồng thời cũng là một dịp để giúp cho nạn nhân trút bỏ, ít ra cũng được một phần nào, mối hận thù trong lòng. Nếu cả hai tìm thấy sự hoà giải thì có phải là một điều tốt đẹp hay không ?

Không những chỉ có nạn nhân là người duy nhất gánh chịu những rối loạn trầm trọng. Đôi khi chính người gây ra khổ đau cũng gánh chịu khổ đau. Một số chiến sĩ, tôi nghĩ đến những cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam chẳng hạn, vẫn còn bị ám ảnh bởi sự hung bạo hay tàn ác mà chính họ đã gây ra. Sau một thời gian dài, họ vẫn còn nằm mơ thấy những cơn ác mộng, thấy lại những cảnh thảm sát, bom nổ, những thây người mất đầu, và tâm thần họ tiếp tục bị giao động sâu xa.

Tình trạng trên đây thường xảy đến với họ chỉ vì họ thiếu tình nhân ái của những người chung quanh. Lòng tốt, vị tha và từ bi của người khác có thể làm vơi bớt những khổ đau của riêng họ. Tuy nhiên những phẩm tính ấy lại quá hiếm hoi trong xã hội ngày nay và vì thế có rất nhiều nạn nhân vẫn cảm thấy mình cô đơn.

Ta nên giúp đỡ họ, hàn huyên với họ, trao đổi với những nhóm đông hay trò chuyện với từng cá nhân, tìm mọi cách để làm vơi bớt những khổ đau đang ray rứt trong lòng họ. Hãy giúp cho họ hiểu rằng không phải chỉ có họ là những người duy nhất phải gánh chịu khổ đau mà còn có rất nhiều người cũng phải chịu cảnh như họ, nhưng trong số đó cũng có nhiều người đã thoát ra được. Hãy kể lại những khổ đau và những hoàn cảnh chấn thương tâm thần mà có thể chính ta đã từng trải qua và kể cho họ biết là mình đã vượt qua được những khó khăn ấy bằng cách nào.

Tuy nhiên ta cũng phải hiểu rằng vấn đề không đơn giản là chỉ biết áp dụng lý thuyết với những công thức sẵn có về tâm lý học. Điều quan trọng là tâm ta phải thật tinh khiết để nói lên những lời khuyên xuất phát từ đáy lòng mình. Phải kiên nhẫn và sẵn sàng hy sinh thật nhiều thì giờ nếu cần. Đối với một nạn nhân đã hoàn toàn bị bấn loạn tâm thần mà ta chỉ nói được vài lời an ủi thì thật cũng chẳng đi đến đâu.

Kinh nghiệm cho thấy những người trưởng thành trong một bầu không khí an bình có thể phát huy những phẩm tính nhân bản một cách vững bền hơn và đối đầu được với những chấn thương tâm thần hiệu quả hơn. Ngược lại, những người lớn lên từ một môi trường đầy xung đột và hung bạo thường phản ứng bằng những hành vi tiêu cực và đồng thời họ cũng mất nhiều thì giờ hơn để bình phục.

Tương tự như khi ta có một thể xác lực lưỡng thì dễ chống lại bệnh tật hơn và cũng chóng khỏi hơn.  Nếu có một tâm thức lành mạnh thì ta cũng sẽ chịu đựng giỏi hơn khi phải đối đầu với thảm trạng hay các tin buồn. Nếu tâm thức yếu đuối thì ta sẽ bị giao động nhiều hơn và lâu hơn.

Tuy nhiên điều đó nhất định không có nghĩa là ta không thể biến cải được bản tính sẵn có khi mới sinh ra đời. Biết tu tập sẽ mang đến cho ta một sức mạnh tinh thần tốt hơn. Giáo dục, bối cảnh gia đình, xã hội, tôn giáo, cơ quan truyền thông và còn rất nhiều yếu tố khác nữa sẽ đóng một vai trò quyết định.

Nếu chính ta phải trải qua một thảm trạng thì nên ý thức rằng lo âu và ray rứt chỉ đem thêm khổ đau vô ích mà thôi. Hãy thổ lộ những khó khăn của mình, tống khứ nó đi, không nên vì e thẹn và sợ xấu hổ mà giấu giếm. Hãy tự nhủ rằng thảm trạng đó đã đi vào quá khứ mà có vác nó theo thì cũng chẳng ích lợi gì khi bước vào tương lai. Hãy cố gắng hướng tâm thức vào những khía cạnh tích cực trong sự hiện hữu của mình.

Hãy quan sát xem khổ đau hiển hiện như thế nào ? Những kẻ tạo ra khổ đau cho người khác chẳng qua cũng vì họ vướng mắc trong sự kiềm tỏa của ba thứ nọc độc tâm thần – vô minh, hận thù và tham lam – và họ không còn chủ động được tâm trí của họ nữa. Tất cả chúng ta đều chất chứa ba thứ nọc độc đó trong tâm thức và chỉ cần chúng chi phối nhiều thêm một chút là ta có thể phạm vào những hành vi quá khích. Ngược lại, vẫn có thể hình dung một kẻ sát nhân, một ngày nào đó sẽ có thể kiểm soát được những xúc cảm tiêu cực của mình để trở thành một người nhân từ.  Không bao giờ nên áp đặt một sự phán đoán có tính cách vĩnh viễn lên một người nào cả.

Dưới sự khích động của những xu hướng sẵn có trong ta hoặc những tình huống nào đó từ bên ngoài, ta vẫn có thể phạm vào những việc mà bình thường ta không thể tưởng tượng được. Bị chi phối bởi những ảo giác phù phiếm như kỳ thị chủng tộc hay tinh thần quốc gia, một số người thoạt tiên không phải thuộc thành phần xấu, nhưng vẫn có thể phạm vào những hành vi cực kỳ hung bạo hay vô cùng độc ác. Hãy nghĩ đến điều này khi có ai làm hại ta. Phải hiểu rằng khổ đau của ta là sự kết hợp của thật nhiều yếu tố, không thể nào bắt một người duy nhất phải gánh chịu tất cả trách nhiệm, hay là đổ thừa cho một nguyên nhân duy nhất nào cả. Khi biết nghĩ như thế thì ta sẽ nhìn thấy vấn đề dưới một khía cạnh khác.

Lời khuyên người nhút nhát

Đứng trước một người lạ, lắm khi ta cảm thấy dè dặt và có ý tránh né. Thái độ như thế thật không hợp lý  chút nào cả. Thực sự thì ta không có một lý do gì để e ngại (ngại ngùng) khi giao tiếp với kẻ khác. Chỉ cần hiểu rằng kẻ khác cũng là một con người như ta, có cùng những ước vọng và nhu cầu như ta thì như thế cũng đủ để phá vỡ tảng băng ngăn cách giữa họ và ta để cùng nhau giao tiếp.

Đấy là phương pháp mà tôi thường mang ra áp dụng cho chính mình. Khi gặp một người lạ, tôi luôn tự nhủ rằng đấy cũng là một con người, họ cũng muốn được hạnh phúc và tránh né khổ đau, và đứng trên danh nghĩa con người thì họ cũng ngang hàng với mình. Bất kể thuộc cấp bậc, tuổi tác nào, vóc dáng và màu da ra sao, địa vị thế nào, trên căn bản thì tất cả chúng ta chẳng có gì khác biệt với nhau cả. Trong bối cảnh đó, tôi sẽ mở rộng lòng tôi với họ giống như là một người trong gia đình mà không một thoáng nhút nhát nào cả.

Tính nhút nhát thường là do thiếu tự tin mà ra và cũng vì quá bám víu vào các nghi thức cũng như những quy ước trong xã hội. Ta trở thành một tù nhân bị giam hãm trong cái hình ảnh mà ta muốn kẻ khác phải nhìn vào. Đó là một thái độ giả tạo, và những mong muốn tự nhiên của ta cứ thỉnh thoảng hiện ra để nhắc nhở ta về điều đó. Lắm khi ta có nhu cầu cấp bách phải trút cho nhẹ cái bọng đái, nhưng ta cứ làm ra vẻ chẳng có sao cả, mọi sự đều tốt, tuy nhiên ta không thể để cho hoàn cảnh đó kéo dài bất tận được ! Tôi nhớ lúc còn bé, trong những buỗi hành lễ kéo dài, tôi do dự không dám nói với vị giám hộ là tôi cần phải vắng mặt một chút, giống như trường hợp trong thí dụ mà tôi cố tình nêu lên trên đây, và cứ ngỡ rằng có thể chờ đến lúc tạm ngưng giữa hai buổi lễ ! (Ngài bật cười to).

Người ta nhút nhát có khi cũng vì muốn tự bảo vệ mình, đấy là trường hợp nghĩ đến bản thân mình một cách quá đáng. Tuy thế, quả thật hết sức ngược đời là càng muốn tự che chở, ta lại càng đánh mất sự tự tin nơi mình và do đó lại càng trở nên nhút nhát. Ngược lại càng mở rộng lòng mình với kẻ khác để biểu lộ tình thương yêu và lòng từ bi của mình, thì ta lại càng ít bị ám ảnh bởi chính mình và càng gặt hái được sự tự tin.

Lời khuyên người hay lưỡng lự

Trong cuộc sống, chúng ta cần có một chút can đảm tối thiểu để lựa chọn.Tuy nhiên, nếu quyết định mà không suy nghĩ thì hoàn toàn không nên, do đó ta cũng cần có một chút do dự nào đó.  Khoảng thời gian do dự ấy sẽ giúp ta cân nhắc vấn đề một cách chính xác hơn hoặc để hỏi ý kiến những người khôn ngoan hơn. Sự đắn đo này rất cần thiết ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên khi lợi và hại đã được cân nhắc kỹ lưỡng thì phải quyết định, dù sau này ta sẽ phải đương đầu với những khó khăn có thể xảy ra.

Tôi cũng phải thú nhận rằng không phải tôi luôn luôn áp dụng những lời khuyên của tôi trên đây. Trong các buổi họp với các thành viên của Kashag (văn phòng bộ trưởng của chính phủ lưu vong Tây tạng), có một lần tôi lấy một quyết định liên quan đến một chủ đề thời sự, nhưng sau bữa cơm trưa thì tôi lại có ý nghĩ khác và tự nhủ : « Đáng lý ra tôi nên lấy một quyết định khác thì đúng hơn ! ». (Ngài bật cười to). Vì thế mà tôi cũng chẳng có gì để khuyên quý vị cả.

Lời khuyên người không yêu quý 
bản thân mình

Oán ghét bản thân mình là một thái độ cực kỳ tiêu cực. Nếu chịu khó đào sâu một chút phía sau bề mặt bên ngoài, ta sẽ thấy rằng sự oán ghét đó chỉ là hậu quả của việc đánh giá quá cao về chính bản thân mình. Ta muốn mình là một người giỏi nhất với bất cứ giá nào, và nếu như hình ảnh của ta thiếu đi một chút chi tiết nhỏ nhặt thì ta sẽ không sao chịu nổi. Đấy chẳng qua là một biến dạng của sự tự kiêu.

Tôi hết sức ngạc nhiên khi lần đầu tiên được nghe nói đến sự oán ghét cái tôi của mình. Tôi tự hỏi làm thế nào lại có thể oán ghét chính cái tôi của mình được chứ ?. Tất cả mọi sinh linh kể cả súc vật đều yêu quý cái tôi của mình. Suy nghĩ kỹ thì tôi mới hiểu rằng đấy chỉ là một hình thức yêu quý quá sức cái tôi của mình mà thôi.

Có một điều thật chắc chắn là nếu không đủ sức để khoan dung với chính ta thì ta sẽ không thể nào khoan dung với người khác được. Nếu muốn tỏ lộ với kẻ khác tình thương, sự trìu mến, lòng mong ước người khác được hạnh phúc và đừng đau khổ, thì trước hết ta phải cảm nhận được những tình cảm ấy đối với mình. Khi hiểu được rằng người khác cũng có những ước vọng như ta thì tình thương và lòng từ bi mới có thể đến với ta được. Khi ta oán ghét chính mình thì ta sẽ không thể nào yêu thương người khác được. Và nếu như ta không tìm cách thay đổi thái độ thì chắc chắn là ta sẽ có rất ít may mắn để tìm thấy an bình và hân hoan trong nội tâm. Ta sẽ làm hỏng cuộc đời mình và điều này quả thật là dại dột vô cùng. Đúng ra tôi không được nên nói như thế, nhưng sự thật lại là như thế.

Muốn cứu chữa sự oán ghét cái tôi thì hãy ý thức rằng ta đang mang một hình ảnh sai lầm về ta và nên trau dồi sự tự tin đúng đắn và lành mạnh, đấy là niềm tự tin xuất phát từ những phẩm tính căn bản của con người. Hãy giữ lấy sự khiêm tốn và hướng vào người khác nhiều hơn.

Lời khuyên người say sưa 
và nghiện ngập ma túy

Thường thì những người say sưa rượu chè và nghiện ngập ma túy đều ý thức được là họ đang hủy hoại đời mình nhưng lại không đủ nghị lực để dừng lại. Việc thiếu nghị lực đó cũng giống như sự yếu đuối trước những chấn thương tâm thần mà chúng ta đã có dịp đề cập trước đây, và đấy cũng là một nét riêng biệt thuộc về cá tính của mỗi người.

Bất cứ ai cũng đều biết rằng ma túy có hại cho sức khoẻ và làm cho tâm thần hoang mang. Rượu và ma túy có thể tạm thời làm giảm bớt sự sợ hãi và lo âu nhưng không thể làm tan biến hết khổ đau. Chúng chỉ có thể làm cho ta quên đi trong chốc lát mà thôi. Muốn khắc phục khổ đau, trước hết ta phải nhận biết nó, hiểu được bản chất của nó và nguyên nhân sinh ra nó, đấy là những gì mà rượu chè và ma túy không thể làm được vì các chất độc hại chỉ gây thêm hoang mang mà thôi.

Trong một phim tài liệu trên đài BBC (1), tôi thấy một người Nga trẻ tuổi khẳng định rằng sự thích thú do ma túy vượt xa hơn sự thích thú tình dục, tuy rằng sự thích thú dục tính vẫn được xem là mạnh nhất nơi con người cũng như thú vật. Khi nhìn thấy các chất độc hại làm cho người nghiện ngập quên cả những nguy hiểm do chúng gây ra thì cũng đủ hiểu sức mạnh của nó như thế nào. Tình trạng mất ý thức và hoang mang như thế đâu có thể giúp ta vượt ra khỏi khó khăn ? Tôi vẫn thường nói đùa là tâm thức đã lầm lạc nhiều rồi, đâu cần gì phải đem thêm cho nó những lầm lẫn khác nữa.

Giáo dục, sự trợ lực của kẻ khác và sự nhận định sáng suốt về những hậu quả tiêu cực của ma túy có thể giúp ta có đủ nghị lực để chống lại nghiện ngập. Thay vì đi tìm một thứ hạnh phúc dễ dãi, giả tạo và phù du chắc chắn sẽ đưa đến khổ đau, thì hãy nên vun xới trong ta sự an bình và hạnh phúc nội tâm. Sự an bình và hạnh phúc ấy không cần phải nhờ vào một cảnh huống nào hay một chất liệu nào từ bên ngoài. Như tôi đã đề cập trước đây trong mục các lời khuyên cho tuổi trẻ, ta hãy nương tựa vào những phẩm tính trong ta, hãy tự tin vào bản thể của chính mình và hãy tập đứng vững trên hai chân. Hãy hướng nhiều hơn nữa vào người khác. Tôi tin chắc rằng sự can đảm sẽ gia tăng song đôi với lòng nhân ái.

Ghi chú :

1-  Đài truyền hình và phát thanh của chính phủ Anh quốc. 

Lời khuyên người nô lệ 
cho đam mê tình ái

Nói một cách tổng quát thì cái nhãn hiệu tốt đẹp hay tồi tệ, cao sang hay xấu xa mà ta  gán cho một người hay một vật thể nào cũng đều phát sinh từ dục vọng của chính mình. Những gì ta yêu thích thì ta cho là tốt, những gì tồi tệ thì ta ghét bỏ. Đấy chỉ là những gì mà tâm thức tạo dựng. Nếu vẻ đẹp hiện hữu đích thực trong đối tượng, thì đúng lý ra tất cả mọi người trong chúng ta, bất cứ ai cũng phải bị thu hút bởi chính đối tượng ấy mà không tránh khỏi được (1).

Sự thèm khát dục tính vận dụng tất cả các cơ quan giác cảm để tác động một hiệu lực cực mạnh đối với ta, đủ sức làm thay đổi từ cội rễ những cảm nhận của ta. Vướng vào sự đam mê tình ái, một người người đàn ông hay một người đàn bà mà ta đam mê sẽ hiện ra với ta thật hoàn hảo, không thay đổi trên mọi mặt, xứng đáng để ta yêu thương mãi mãi. Ta không thể nào sống nổi nếu không có chàng hay nàng bên cạnh. Tiếc thay, từ bản chất tất cả đều biến đổi, những gì mà ta xem là dễ thương có thể bỗng dưng sẽ mất hết sự quyến rũ chỉ vì một lời nói hay một cử chỉ, dù rất nhỏ nhặt. Tệ hơn nữa là nếu ta khám phá ra con người trước đây đã tỏ ra hoàn hảo đối với ta lại yêu một kẻ khác, thì con người đó sẽ trở thành hoàn toàn đáng ghét.

Nếu loại bám víu đó đang đè nặng lên ta thì hãy bình tĩnh để phân tích tình trạng ấy dưới nhiều khía cạnh, nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Hãy nghĩ rằng tất cả đều biến động và cái tốt cũng như cái đáng yêu đều do tâm thức tạo ra và như thế thì nhất định ta sẽ có ngay một quan điểm khác. Đôi khi chỉ cần tự hỏi xem ta sẽ cảm nhận như thế nào đây về đối tượng mà ta yêu thương, nếu bất thần ta khám phá ra là đối tượng đó đang đánh lừa ta, hoặc cứ tưởng tượng là đối tượng ấy đang làm một việc gì đó không phù hợp với hình ảnh lý tưởng mà ta đã khoác lên đối tuợng ấy. 

Hãy phân biệt thật rõ ràng giữa tình yêu đích thực và sự bám víu. Nếu hình dung trên khía cạnh lý tưởng thì tình yêu không chờ đợi bất cứ một sự hồi đáp nào và cũng không lệ thuộc vào cảnh huống bên ngoài. Sự bám víu thì lại khác vì nó sẽ đổi thay tùy theo cảnh huống và những xúc cảm phát sinh.

Tình yêu giữa hai người lệ thuộc phần nào vào sự thu hút dục tính và cũng như tôi đã từng đề cập trước đây, tình yêu chỉ có thể trở thành đích thực và lâu bền khi ta chọn người yêu không chỉ dựa trên sự lôi cuốn thể xác, mà còn phải dựa trên sự hiểu biết và kính trọng lẫn nhau.

Ghi chú : 

 1- Xin được phép giải thích thêm : nếu vẻ đẹp hiện hữu một cách nội tại và bẩm sinh nơi một hiện tượng (tức mọi biến cố hay sự vật) thì bất cứ ai cũng nhận thấy cái vẻ đẹp ấy và bị thu hút bởi cái vẻ đẹp ấy. Nhưng trên thực tế, đối với cùng một đối tượng thì có người cho là đẹp, có người lại cho là xấu. Xấu hay đẹp là những tạo dựng của tâm thức, ảnh hưởng từ những xu hướng và xung năng sẵn có của mỗi người (nghiệp), chưa kể đến tác động của giáo dục, những điều kiện thể xác (sinh lý, sức khoẻ...) và bối cảnh chung quanh...(duyên).

Lời khuyên người không chú ý 
đến lời mình nói

Thường hay xảy ra trường hợp ta nhận định sai lầm hiện thực và phát biểu thành ngôn từ nhưng thật ra thì không hề có ý nói dối. « Người Tây tạng » thường kể một câu chuyện như sau : Có một người trông thấy một con cá và nhiều người hỏi anh ta cá lớn hay nhỏ. Anh ta vừa trả lời vừa ra hiệu bằng hai tay cho biết là con cá thật to. Các người khác càng hỏi vặn anh ấy. « To nhưng mà to đến mức nào ? ». Lần này thì kích thước con cá nhỏ bớt đi một chút. « Thật không, nó bằng chừng nào ? » Sau cùng thì con cá chỉ còn bé tí tẹo. Ta có thể bảo rằng ban đầu người này không hề có ý nói dối mà chỉ không chú ý  đến những gì mình nói. Thật cũng lạ là có nhiều người rất thích phát biểu ba hoa theo cái lối đó. Người Tây tạng thì đã quen khi nghe lối kể chuyện như thế. Khi kể với nhau một chuyện gì, họ thường không đưa ra bằng chứng và người nghe cũng không tìm hiểu xem tin tức ấy xuất phát từ đâu, tại sao nó lại xảy ra như thế với người kể chuyện. Những ai có xu hướng phát biểu theo cái lối đó thì nên chú ý nhiều hơn nữa đến những gì mình đang nói.

Theo một quan điểm nào đó thì tốt hơn là nên nói ít và chỉ nên nói khi nào có điều gì quan trọng cần phát biểu. Ngôn ngữ là một nét cá biệt và tuyệt vời của loài người, tuy rằng các loài cá heo và cá voi hình như cũng có thể giao tiếp với nhau một cách khá phức tạp. Tuy nhiên khi phân tích cẩn thận ngôn ngữ thì ta mới thấy rằng nó rất hạn hẹp. Các khái niệm và ngôn từ mà ta đưa ra có tác dụng tách rời mọi sự vật một cách thật là giả tạo, trong khi đó các vật thể được biểu hiện bằng ngôn ngữ thì trên thực tế lại hàm chứa vô số những dạng thể khác nhau và các dạng thể ấy biến đổi không ngừng. Thực sự thì chúng chỉ là hậu quả phát sinh từ vô số nguyên nhân và điều kiện, không thể nào xác định cho hết được. Khi ta xác định một dạng thể nào đó của hiện thực thì ta liền loại bỏ trong trí tất cả những dạng thể khác để chỉ định vật thể đã được chọn lựa bằng một ngôn từ duy nhất.  Ngôn từ này chỉ áp dụng cho vật thể ấy với mục đích dành riêng để nhận diện được nó mà thôi. Sau đó, tùy theo bối cảnh khi nhìn vào vật thể này, ta sẽ phân biệt : cái này tốt, cái kia quá tệ và cứ tiếp tục như thế, nhưng trên thực tế thì không thể đem gán một đặc tính tự tại nào cho bất cứ một thứ gì. Kết quả sau cùng là cái nhìn về hiện thực của ta, nếu như khá lắm thì ít sai, mà thường thì hoàn toàn lầm lẫn. Dù cho ngôn từ có phong phú đến đâu đi nữa, khả năng của nó cũng còn rất giới hạn. Chỉ có những cảm nhận phi khái niệm mới có thể nhận biết bản chất đích thực của mọi vật thể mà thôi.

Vấn đề khó khăn của ngôn ngữ có thể thấy trong rất nhiều lãnh vực như chính trị chẳng hạn. Những người làm chính trị thường hình dung những chương trình rất đơn giản để giải quyết các vấn đề thật phức tạp, liên quan đến thật nhiều yếu tố. Họ cứ tưởng rằng có thể tìm được mọi giải pháp bằng những khái niệm hay những ngôn từ đơn giản như chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Xã hội, chủ nghĩa Kinh tế tự do, chủ nghĩa Thuế quan bảo hộ, v.v... Trong cái tổng số vô cùng lớn lao của các nguyên nhân và điều kiện đã tạo ra một tình thế nào đó, người làm chính trị chỉ tách ra được một hay hai nguyên nhân và điều kiện mà thôi, và họ không cần biết đến vô số những nguyên nhân và điều kiện khác. Vì thế họ không bao giờ tìm thấy những giải đáp đích thực được và cũng chính vì vậy mà mọi sự hiểu lầm đều có thể xảy ra. Theo ý tôi, đấy là nguồn gốc của mọi khó khăn trở ngại. Tiếc thay, chúng ta chẳng có phương pháp gì khác ngoài việc sử dụng những ngôn từ và khái niệm.

Vì thế tôi kết luận rằng rằng tốt hơn hết là chỉ nên dùng ngôn ngữ khi nào thật sự cần đến. Nếu nói nhiều nhưng không thật sự cần thiết thì cũng giống như bỏ mặc cho cỏ dại mọc hoang trong vườn. Có phải là càng ít cỏ dại thì càng tốt hơn không ?

Lời khuyên người hay chỉ trích kẻ khác

Nói chung, nếu có ai chỉ trích hay dù có phỉ báng tôi đi nữa thì tôi xin họ cứ tiếp tục, nếu chủ đích của họ tốt. Nếu thấy ai phạm lỗi lầm mà ta cứ lập đi lập lại với họ là tất cả đều tốt đẹp thì những lời nói của ta chẳng có một ý nghĩa gì cả và cũng không giúp ích cho họ được điều gì. Nếu nói với họ rằng những gì họ làm không gây ra tệ hại nhưng khi họ vừa quay lưng đi chỗ khác thì ta lại nói xấu họ, như thế cũng không tốt chút nào. Hãy nói những điều ta nghĩ trước mặt họ. Hãy làm sáng tỏ những gì cần thiết. Hãy phân biệt giữa cái đúng và cái sai. Nếu còn điều gì nghi ngờ thì cứ lên tiếng. Dù cho lời nói có phần nặng nề đi nữa thì cũng cứ nói thẳng ra. Khi mọi sự trở nên trong sáng thì ta cũng sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn và những chuyện bới lông tìm vết cũng sẽ chấm dứt. Nếu ta chỉ biết dùng những lời đường mật thì sự đồn đại và dối trá vẫn tồn tại và phát sinh. Riêng với cá nhân tôi thì tôi vẫn thích những câu nói thẳng thắn.

Một hôm có một người nói với tôi rằng : « Theo Mao Trạch Đông thì phải dám nghĩ, dám nói và dám làm ». Thật đúng là như thế, đối với công việc làm và sự quản lý thì ta phải biết suy nghĩ. Ta phải có can đảm để nói lên những gì ta suy nghĩ và thực hiện những gì ta đã nói. Nếu mọi người bất động thì làm sao có thể tiến bộ được và đồng thời ta cũng chẳng sửa  đổi được bất cứ một lỗi lầm nào cả. Tuy vậy cũng cần phải tự hỏi xem những gì ta nói và ta làm có ích lợi hay không. Dù đấy là một hảo ý tốt đẹp nhất trên đời này đi nữa, nhưng nếu lời ta nói làm tổn thương đến người khác và chẳng mang lại sự tốt lành nào cho họ thì cách phát biểu quá hung hăng và thẳng thắn của ta cũng sẽ không đem đến thành công. Trường hợp này có lẽ phải cần đến những lời nói dối thật chân tình !

Đối với Phật giáo Nam tông, bảy hành vi tiêu cực thuộc vào thân xác và ngôn từ – như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, phỉ báng, nói những lời hung hãn, và những lời vô trách nhiệm – đều bị cấm đoán. Đối với Phật giáo Bắc tông, tuy là một hành vi hết sức tiêu cực như sát sinh chẳng hạn, lại vẫn có thể chấp nhận được nếu hành vi ấy mang lại sự an lành cho người khác và riêng ta thì không được vướng mắc một chút tham vọng cá nhân nào cả.

Dù sao đi nữa, trên bình diện tổng quát, tôi vẫn nghĩ rằng dù ta có nói lên sự thật bằng những lời nặng nề đi nữa thì cũng vẫn có thể mang lại lợi ích. Tuy nhiên ta phải tránh chỉ trích và nhục mạ người khác bằng bất cứ cách nào, hoặc bằng những ý đồ hung ác hay bằng cách nhìn mọi sự việc một cách tiêu cực. Nếu không thì ta sẽ làm cho người khác khổ đau, riêng ta thì không khỏi cảm thấy mất an vui và đồng thời lại còn tạo ra một bầu không khí ngột ngạt khó thở.

Lời khuyên người gây khổ đau cho kẻ khác

Đôi khi ta vô ý làm cho người khác đau khổ mà lại không biết. Cũng giống như ta không để ý đến sự kiện súc vật cũng cảm thấy thích thú và khổ đau. Cũng không dễ cho ta để cảm thấy sự khổ đau của đồng loại nếu như chính ta chưa từng biết khổ đau là gì. Dĩ nhiên là kẻ khác đang khổ đau, nhưng đối với ta thì lại không. Chỉ khi nào ta biết thốt lên rằng : « Nếu  kẻ khác đánh tôi, nhục mạ tôi, thì tôi cũng sẽ cảm thấy đau khổ như bất cứ người nào khác », và khi biết nghĩ như thế thì lúc đó ta mới hình dung được là khổ đau sẽ như thế nào.

Một số người chẳng bao giờ chú ý đến sự ác độc mà họ đã gây ra cho người khác. Họ chỉ nghĩ rằng điều quan trọng là chính họ thoát ra được mọi khó khăn mà không hề hấn gì cả. Đây cũng là một điều vô tâm khác. Khi càng làm cho người khác khổ đau, ta lại càng tích lũy thêm mầm móng tạo ra khổ đau cho chính mình. Hơn nữa, khi làm hại cho xã hội thì đồng thời ta cũng làm hại gấp bội cho chính ta.

Nếu ta hành động sai trái với người khác thì hãy nên xem đó làm một điều để hối hận. Hãy nhìn nhận lỗi lầm của mình nhưng đừng nên nghĩ đến việc tự lên án mình vì làm như thế sẽ khiến mình không thể sống bình thường được. Không được phép quên những gì ta đã làm nhưng cũng đừng để cho tinh thần suy sụp hay cõi lòng tan nát vì hối hận. Tuy vậy ta cũng không được phép thờ ơ vì như thế cũng như là một sự quên lãng. Trái lại hãy tự tha thứ cho mình : « Trong quá khứ tôi đã từng lầm lỗi nhưng tôi sẽ không để xảy ra như thế nữa. Tôi là một con người và tôi có đủ khả năng để thoát ra khỏi những sai lầm của tôi ». Nếu ta mất hết hy vọng thì điều này có nghĩa là ta không đủ sức tha thứ lấy ta.

Nếu có thể thì hãy đến thăm một người nào đó mà ta đã gây thương tổn cho họ. Hãy nói với họ một cách thành thực rằng : « Trước đây vì có ác ý, tôi đã làm điều sai trái, xin bạn hãy tha thứ cho tôi ». Nếu kẻ khác nhận thấy được lòng ăn năn của ta và đồng thời những hận thù của họ cũng tan biến, thì có phải đấy là điều mà kinh sách nhà Phật gọi là « sự thú nhận để tu sửa » hay không ? Tuy nhiên cũng không nên cho rằng đấy là một khái niệm mang tính cách tôn giáo. Chỉ cần đến gần với những người mà ta đã từng làm cho họ đau khổ để tự nhận lỗi lầm về mình, để thành thực tỏ lộ sự ăn năn thì như thế cũng đủ để làm vơi mối oán hận trong lòng họ. Dĩ nhiên là muốn thực hiện được điều ấy thì cả hai bên cần phải đủ sức mở rộng lòng mình.

Có những kẻ cố tình làm điều hung ác thì trong trường hợp đó phản ứng duy nhất mà xã hội có thể làm được là dùng sức mạnh. Thật vậy ta nào có thể làm gì khác hơn đối với Hitler hay Pol Pot ?

Tôi nghĩ rằng việc cố tình làm điều tai ác không bắt nguồn từ bản tính con người. Khi sinh ra đời, ta chưa có nó và nó chỉ phát sinh về sau này mà thôi. Hitler nghĩ rằng người Do thái là những phần tử có hại cần phải loại trừ và cái ý tưởng đó bùng lên cho đến độ che lấp tất cả những cảm tính từ bi. Nói một cách tổng quát, tất cả những quan niệm cho rằng người khác là thù địch đều do trí tưởng tượng mà ra cả. Nói theo ngôn từ nhà Phật thì đấy là những gì do con người tạo dựng ngược lại với những gì hiện hữu một cách tự nhiên. Một ý nghĩ khi mới bùng lên thì ta cho nó là đúng, và thế rồi ta gán cho nó một tầm quan trọng rất lớn, xây dựng trên đó cả một chương trình để đem ra thực hiện mà không hề nghĩ đến những khổ đau có thể gây ra cho người khác (1).

Nếu muốn đưa những kẻ có xu hướng làm những việc như thế về con đường chính, thì trước hết phải đánh thức những cảm tính nhân bản sâu xa nơi họ và sau đó mới tìm cách tách họ ra khỏi những mục đích không tưởng của họ, được đến đâu hay đến đấy. Chỉ có cách làm như thế mới hy vọng có thể đánh thức được sự suy nghĩ của họ trước những gì họ làm. Nếu không thành công thì lúc ấy mới nên dựa vào sức mạnh mà thôi. Tuy nhiên không phải bất cứ thứ sức mạnh nào cũng được : dù cho họ phạm vào những tội ác khủng khiếp nhất, ta vẫn phải đối xử với họ thật nhân đạo. Đó là phương pháp duy nhất có thể áp dụng nếu ta muốn thấy một ngày nào đó họ sẽ đổi thay. 

Tình thương là phương pháp cuối cùng để biến đổi con người khi đã bị giận dữ và hận thù xâm chiếm. Hãy tỏ lộ tình thương của ta thật bền vững, không xao xuyến, không mệt mỏi thì ta sẽ làm cho họ xúc động. Việc ấy đòi hỏi rất nhiều thời gian. Riêng cá nhân tôi chắc chắn là tôi không thể làm nổi. Ban đầu thì tôi cũng cố gắng tử tế nhưng rồi lại sẽ nản chí và tự nhủ rằng : « Thôi cứ mặc kệ nó! ». (Ngài bật cười thật to). Ta phải thật hết sức kiên nhẫn. Nếu như thiện tâm của ta hoàn toàn tinh khiết và tình thương cũng như lòng từ bi của ta không xao xuyến thì nhất định ta sẽ thành công.

Ghi chú :

 1- Chẳng hạn khi nghĩ rằng bạo lực sẽ giải quyết được một vấn đề gì đó, thực hiện được một lý tưởng nào đó, một số người lãnh đạo hăng hái và quyết tâm đem ra thực hiện, nhưng kết quả mang đến chưa chắc đã đúng với những gì mà họ đã tưởng tượng hay dự đoán. Tuy nhiên cũng có thể biết bao nhiêu người đã hy sinh vì lòng hăng say và lý tưởng của họ. 

Lời khuyên người vô tình với kẻ khác

Sự vô tình, nhất là đối với người khác, là một trong những khiếm khuyết tệ hại nhất. Nếu chỉ biết nghĩ đến bản thân mình mà không màng đến người đồng loại thì đấy là dấu hiệu của một tầm nhìn quá hạn hẹp về thế giới này, một tâm hồn hẹp hòi và nông cạn. Từ khi còn là một bào thai ta đã lệ thuộc vào người khác. Hạnh phúc và tương lai trong cuộc sống này và tất cả những tiện nghi mà ta có, ngay cả một vật rất tầm thường mà ta cần cho đến sự sống  hằng ngày của ta, tất cả đều lệ thuộc vào sức làm việc của con người. Sự cầu nguyện và các cách tu tập tâm linh cũng có thể tạo ra một tầm ảnh hưởng nào đó, tuy nhiên chính sự sinh hoạt của con người đã tác tạo ra thế giới này.

Tất cả mọi thứ đều hiện hữu bằng cách liện hệ với nhau, còn gọi là hiện tượng tương liên. Không thể nào tìm thấy bất cứ cái gì có thể tự nó hiện hữu. Vì thế ta cũng không thể nào hình dung sự lợi ích của mình lại có thể hoàn toàn cách biệt với quyền lợi của người khác. Những gì ta đang làm trong từng giây từng phút sẽ đưa đến những bối cảnh mới và những bối cảnh ấy lại tiếp tục làm phát sinh ra những hiện tượng mới. Dù ta có làm gì đi nữa, dù cố tình hay vô tình thì ta cũng vẫn bị lôi cuốn vào cái chuỗi ràng buộc của luật nhân quả. Cũng thế, những khổ đau và thích thú của ta trong tương lai chính là hậu quả của những nguyên nhân và điều kiện trong hiện tại, mặc dù là cái chuỗi ràng buộc đó có thể quá phức tạp để ta có thể hiểu được một cách thấu đáo. Như vậy thì chính ta là kẻ chịu trách nhiệm không những đối với ta mà còn đối với người khác nữa. 

Vô ý không quan tâm đến sự an lành của người khác, cũng như vô ý không nhận thấy nguyên nhân sẽ mang lại hạnh phúc cho chính mình trong tương lai, đấy chính là cách tạo ra những bất hạnh cho chính mình.

Xem mục lục