Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
Thực hiện với sự hợp tác của MATTHIEU RICARD
Chuyển ngữ từ tiếng Tây tạng sang tiếng Pháp: CHRISTIAN BRUYAT
Chuyển ngữ Pháp Việt: Hoang Phong Nhà Xuất Bản Tôn Giáo  Hà Nội 2009

 

III
NHỮNG VAI TRÒ TRONG XÃ HỘI

Lời khuyên người làm chính trị

Những người làm chính trị thường hay hứa thật nhiều để cử tri có cảm tình và ủng hộ mình. « Tôi sẽ làm cái này, tôi sẽ làm cái kia, rồi đây quý vị sẽ thấy ». Tuy nhiên theo ý tôi, nếu muốn cho cử tri thật sự quý chuộng mình thì nên tỏ ra lương thiện và bày tỏ niềm tin của mình một cách thành thật.

Nếu ngôn từ của mình thay đổi theo hoàn cảnh thì người ta sẽ nhận biết ngay và sau này họ sẽ không bao giờ quên những lời phát biểu ấy. « Hôm trước thì nói thế này, hôm sau lại nói thế khác. Vậy biết đâu là sự thật bây giờ ? ». Sự trung thực là một phẩm tính thiết yếu. Nhất là ngày nay, ngành truyền thông luôn rình rập ghi nhận tất cả những gì do các nhân vật tiếng tăm phát biểu, vì thế nên cẩn thận, phải thành thật khi nói lên niềm tin của mình, dù bất cứ trong bối cảnh nào. Nếu ta luôn luôn nói lời ngay thật thì những người có cảm tình sẽ đánh giá cao quan điểm của ta và đứng về một phía với ta. Tuy nhiên nếu ta tráo trở theo lối tùy cơ ứng biến, tiếp tục hứa hão bất kể điều gì trước các cơ quan truyền thông, và đến khi đắc cử lại không hề quan tâm đến những lời đã hứa, thì thật là một tính toán sai lầm. Chẳng những đó là một hành vi thiếu đạo đức mà lại còn là một điều dại dột trên phương diện thực tế. Trong lần bầu cử kế tiếp, chính những điều đó rồi sẽ quật ngược lại mình. Khổ công như thế thì nào có đáng gì khi chỉ để giúp ta đắc cử được một lần mà thôi ?

Khi đã nắm quyền, phải đặc biệt quan tâm đến những gì ta đang làm và cả những gì ta suy nghĩ. Khi làm tổng thống, bộ trưởng hay một nhân vật có quyền hạn to lớn, ta sẽ được tiền hô hậu ủng, được ca ngợi, mọi người xum xoe chung quanh, và tầm ảnh hưởng của ta trở nên quan trọng. Chính những lúc ấy ta cần phải ý thức nhiều hơn nữa về những suy tư và động cơ đang thúc đẩy mình, nếu không muốn đánh mất ý nghĩa của sứ mạng trong tay. Nếu ta có những người cận vệ chung quanh bảo toàn an ninh cho ta, thì chính ta cũng phải đề cao cảnh giác để tự canh chừng tâm thức của mình.

Một số người trước khi đắc cử thì mang những mục đích hoàn toàn tinh khiết nhưng  khi nắm giữ quyền hành thì lại trở nên tự mãn và hoàn toàn quên hẳn mục đích mà chính mình đã đặt ra. Họ tự cảm thấy mình là những kẻ thật tốt, biết bảo vệ những người đã bầu cho mình, và chính mình đang đứng ra để giữ những vai trò tối cần thiết. Bù lại sự xứng đáng đó, họ nghĩ rằng họ có quyền làm những chuyện bốc đồng và tùy thích mà không ai được bình phẩm. Ngay cả trường hợp phạm vào những hành vi đáng chê trách, họ cũng sẽ tự bào chữa và cho rằng những việc ấy không quan trọng gì cả so với sự tận tụy và xứng đáng trong công việc mà họ đang làm. Đấy chỉ là cách tự hủ hoá mình mà thôi.

Khi đã nắm trong tay sức mạnh và uy quyền, ta phải cảnh giác gấp bội. 

Ngày nay người ta thường nói rằng họ không còn tin tưởng vào những người làm chính trị nữa. Điều đó thật là đáng tiếc. Họ bảo rằng chính trị thật « nhơ bẩn ». Tuy nhiên thực tế thì chẳng có gì tự nó là nhơ bẩn cả. Chỉ vì con người làm cho nó nhơ bẩn mà thôi. Cũng thế, người ta không thể bảo rằng bản chất của tôn giáo không tốt, nhưng đấy chỉ vì những người tu hành hủ hóa làm biến thể tôn giáo và lạm dụng lòng tin của tín đồ. Chính trị sẽ trở nên nhơ bẩn khi có những người làm chính trị không tôn trọng đạo đức. Tóm lại thì tất cả mọi người đều bị thua thiệt vì dù sao cũng không thể không có những người làm chính trị. Nhất là trong các thể chế dân chủ, điều cốt yếu là cần có nhiều đảng phái, một số thuộc thành phần nắm giữ quyền hành, một số đứng vào thế đối lập, và được như thế thì người làm chính trị và các đảng phái chính trị mới xứng đáng được tôn trọng.

Nhìn thoáng qua thì ta cũng sẽ thấy rằng những người làm chính trị đều xuất phát từ một tổ chức xã hội và đấy cũng là một cách để gỡ tội cho họ. Nếu trong một tổ chức xã hội mà mọi người chỉ nghĩ đến tiền bạc, uy quyền mà không quan tâm gì đến đạo đức, thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy những người làm chính trị bị hủ hóa và quả cũng không nên kết án họ phải chịu trách nhiệm về những tệ trạng đang xảy ra. 

Lời khuyên người nắm giữ 
cán cân pháp luật 

Trong bất cứ xã hội nào cũng thế, mọi người đều bắt buộc phải tuân thủ một số kỷ luật. Những ai phạm vào sai lầm hay có những hành vi nguy hại đều phải bị trừng trị, và người có những hành vi chính đáng sẽ được khuyến khích. Muốn cho hệ thống tổ chức ấy tiến hành một cách tốt đẹp thì phải nhờ vào luật pháp và những người áp dụng luật pháp. Nếu những người áp dụng và bảo vệ luật pháp và của cải lại không liêm khiết thì cả hệ thống sẽ trở thành bất công. Có phải đấy là tình trạng mà người ta thường thấy tại một số quốc gia, khi mà những người giàu có và thế lực không hề bị truy tố hoặc luôn thắng kiện một cách dễ dàng, trong lúc những người nghèo khổ phải lãnh những bản án thật bất công và nặng nề ? Nói chung thì Âu châu đã cho thấy một tấm gương tốt về lãnh vực này. Riêng các nước Á đông thì tiền bạc thường là yếu tố định đoạt một kẻ nào đó có phạm pháp hay không. Thật là một điều đáng buồn !

Mới hôm qua đây, có một người nói với tôi rằng tại Hoa kỳ, các vị quan tòa hoặc là kết án thẳng thừng việc phá thai hoặc không kết án, mà không có một sự đắn đo nào cả. Tuy nhiên phá thai vì những lý do nghiêm trọng – chẳng hạn người mẹ có nguy cơ bị chết và phải chọn giữa sự sống của mình và đứa bé – hoặc vì sự ra đời của đứa bé sẽ không cho phép họ đi nghỉ hè hay là họ sẽ không đủ tiền để mua tủ bàn mới, trong hai trường hợp như thế thì nhất định là phải có một sự khác biệt rõ rệt. Tuy vậy theo quan điểm của các vị quan tòa trên đây hẳn là không có gì khác nhau. Chủ đề này đáng được nghiên cứu tỉ mỉ để xác định một cách chính xác từng trường hợp để phán quyết : trường hợp nào thì việc phá thai phải bị cấm đoán, và trường hợp nào có thể cho phép.

Gần đây, khi tôi ở Argentina, có một vị thẩm phán hỏi tôi nghĩ gì về bản án tử hình như là một phương tiện để tái lập luật pháp. Theo quan điểm của tôi thì án tử hình không thể chấp nhận được vì nhiều lý do, và tôi mong mỏi một cách thành thật rằng một ngày nào đó án tử hình sẽ được bãi bỏ trên toàn thế giới. Nhất định đó là một hành vi cực kỳ nghiêm trọng không cho phép kẻ bị kết án một dịp may nào khác để chuộc tội. Một kẻ phạm pháp cũng là một con người, tùy theo hoàn cảnh mà họ cũng có thể trở thành thật tốt, cũng chẳng khác gì trường hợp của các bạn và của tôi đây, chúng ta cũng có thể rơi vào những hoàn cảnh khiến chúng ta trở thành tồi tệ nhất. Hãy cho kẻ tội phạm một cơ hội. Chớ nên xem họ là những con người nguy hại vĩnh viễn và phải loại trừ với bất cứ giá nào.

Khi thân xác ta ốm đau, ta đâu có hủy diệt nó mà lại cố gắng tìm cách chữa trị cho nó. Vậy thì tại sao ta lại hủy diệt những thành phần ốm đau của xã hội, thay vì chăm sóc cho những thành phần ấy ?

Sau đó đến lượt tôi hỏi lại vị thẩm phán ấy rằng : « Hãy lấy một thí dụ có hai người đàn ông phạm vào hai tội ác giống nhau và cả hai đều bị kết án chung thân như nhau. Một người thì độc thân, một người thì đông con và con cái chỉ biết trông cậy vào người này vì vợ hắn đã chết. Nếu ngài bỏ tù người này thì ai nuôi những đứa trẻ. Ngài nghĩ sao ? ».

Vị thẩm phán trả lời rằng, theo luật pháp thì cả hai người đều phải chịu một hình phạt như nhau. Xã hội có trách nhiệm phải đứng ra giáo dục cho đám trẻ.

Tôi không thể không chấp nhận là trên phương diện tội phạm, dĩ nhiên là cả hai  người phải gánh chịu cùng một hình phạt, nhưng trên phương diện cảnh huống khi bản án ấy được đem ra áp dụng thì lại có một sự khác biệt thật lớn lao. Người ta trừng phạt người cha, nhưng đồng thời cũng trừng phạt luôn những đứa bé một cách thật tàn nhẫn, tuy rằng chúng chẳng làm gì nên tội cả. Vị thẩm phán trả lời tôi là luật pháp không dự trù câu giải đáp cho vấn đề này. 

Đôi khi những người cầm cán cân luật pháp cũng nên tự vấn lấy lương tâm mình.

Lời khuyên người quan tâm 
đến thế giới này

  Một nhóm nhỏ gồm các nhà trí thức, các người tu hành và một số rất đông khoa học gia đã ý thức được những vấn đề thật gai góc liên quan đến thế giới này : đó là môi trường, chiến tranh, đói kém, cảnh khổ đau của nhiều dân tộc, vực sâu giàu nghèo giữa các quốc gia. Vấn đề là nhóm người này chỉ biết nêu lên quan điểm của mình và trao hết gánh nặng cho một số nhỏ các tổ chức phải gánh vác trên thực tế.

Thật ra thì tất cả chúng ta đều liên quan và chịu chung trách nhiệm. Tôi nghĩ đấy cũng chính là  một hình thức dân chủ. Hãy hành động trong vị thế của mình, hợp tác với kẻ khác, cùng nhau thảo luận về các khó khăn, thúc đẩy những người có trách nhiệm phải hành động tích cực hơn, phê phán những nhà chính trị quá tệ hại, kêu gọi sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc và chính quyền. Như thế thì nhất định chúng ta mới có thể tạo được một tầm ảnh hưởng tích cực.

Một số người xem tôi như một nhà tiên tri. Tuy nhiên tôi chỉ phát biểu đơn giản dưới danh nghĩa của vô số con người đang khổ đau vì nghèo đói, vì chiến tranh, vì những bọn người buôn bán vũ khí, và họ không có phương tiện gì để nói lên một lời nào. Tôi chỉ là một phát ngôn viên. Tôi không hề có một chút tham vọng quyền lực nào cả, và cũng chẳng có ý định đối đầu với phần còn lại của thế giới này. Tôi nào có đủ can đảm như thế ! (Ngài bật cười).

Việc gánh vác một trách nhiệm rộng lớn và dấn thân vào một cuộc chiến như thế đâu phải chỉ giao cho một người Tây tạng đơn độc từ một xứ xa xôi đến đây. Chuyện ấy quả thật là điên rồ. Vào cái tuổi này, tôi phải giã biệt tất cả thì đúng hơn ! Tôi chỉ cầu mong dành được nhiều thì giờ hơn cho việc thiền định, để mong đạt được những kinh nghiệm nội tâm sâu xa hơn.

Tuy vậy tôi sẽ vẫn giữ vững lập trường và không gì có thể lay chuyển tôi được đối với những gì mà tôi đã tự nguyện cho đến ngày tôi chết, kể cả việc tôi phải đi dự hội nghị bằng xe lăn.

Lời khuyên các nhà giáo

Tôi tin rằng tình trạng tiến bộ hay suy đồi của nhân loại một phần lớn được đặt trên vai những người có bổn phận giáo dục và các nhà giáo, và chính họ phải gánh vác một trách nhiệm thật nặng nề.

Nếu là một nhà giáo thì ta hãy nên cố gắng nhiều hơn, không phải vì trọng trách của mình chỉ đơn giản là truyền đạt sự hiểu biết, mà hãy đánh thức trong tâm hồn trẻ nhỏ những phẩm tính căn bản của con người, chẳng hạn sự tốt bụng, lòng từ bi, khả năng tha thứ hay sự hòa thuận. Không nên đề cập đến các vấn đề ấy qua các chủ đề dành riêng cho luân lý cổ truyền hay tôn giáo. Hãy đơn giản chỉ cho chúng thấy rằng những phẩm tính trên đây là có thể mang đến hạnh phúc và góp phần vào sự tồn vong của thế giới này.

Hãy tập cho chúng biết trao đổi, giải quyết những tranh chấp mà không cần đến bạo lực ; phải biết quan tâm xem người khác nghĩ gì khi có sự bất đồng. Giảng dạy cho chúng biết nhìn mọi vật với một tầm nhìn rộng lớn ; không nên chỉ biết nhìn vào tập thể của riêng chúng, quê hương của chúng, sắc tộc của chúng, mà phải ý thức rằng tất cả mọi con người đều có quyền hạn ngang nhau và những nhu cầu như nhau. Hãy khơi động trách nhiệm toàn cầu trong lòng chúng, hãy giúp chúng nhận thấy chẳng có gì là vô tội vạ cả, mà tất cả đều ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới này.

Không phải chỉ giảng dạy bằng lời nói là đủ, hãy tự đem mình ra làm một tấm gương (1). Những trẻ nhỏ sẽ ghi nhớ được nhiều hơn về những gì chúng được dạy bảo.

Nói tóm tắt là hãy tự mình tỏ ra là người biết trách nhiệm về tất cả mọi khía cạnh liên quan đến tương lai của đám học trò mà mình có trách nhiệm dạy dỗ.

Ghi chú :

 1- Người dịch thiết nghĩ nếu các thầy cô muốn áp dụng những lời khuyên bảo của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thì có lẽ tự mình phải học thêm nhiều lắm, nhiều hơn đám trẻ thơ mà mình dạy dỗ, và phải nhìn lại xem mình có xứng đáng hay không khi đứng trước những đứa học trò nhìn mình với những cặp mắt yêu thương và kính phục ? 

Có nên nhận quà cáp của chúng hay của cha mẹ chúng mang đến hay không ? Nếu ta thản nhiên hay vui thích khi làm việc ấy tức là ta gián tiếp dạy cho chúng một thói xấu. Khi lớn lên và ra đi làm, chúng sẽ tiếp tục nhận quà cáp và coi đấy là một việc tự nhiên, và khi đó ta cũng đừng nên trách những kẻ tham nhũng và hối lộ làm gì. Ta có thể vin vào lý do là tất cả thầy cô trong trường đều làm như thế, nhưng ta cũng có thể tự hỏi rằng ta có đủ sức và đủ can đảm đơn độc làm gương cho đồng nghiệp và đám trẻ nhỏ hay không ?

Sự liêm khiết và lương thiện sẽ mang lại hạnh phúc cho ta lúc tuổi già, hay là hộp bánh trung thu và chai rượu ngon ngày Tết do học trò biếu xén, không cần biết gia đình chúng khá giả hay nghèo đói ?

Những lời khuyên của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thật sâu sắc và bao la, còn những lời ghi chú của người dịch thì chỉ thu hẹp trong một bối cảnh giới hạn mà thôi. 

Lời khuyên các khoa học gia

Có những khám phá khoa học và kỹ thuật không mang đến những ảnh hưởng lớn lao, nhưng trong một số lãnh vực như Di truyền học và Vật lý hạt nhân thì các khám phá có thể đưa đến những ứng dụng cực kỳ tốt hoặc cực kỳ nguy hại. Do đó quả thật chúng ta hết sức mong rằng trong các ngành ấy, các khoa học gia nên ý thức được trách nhiệm của mình khi nghiên cứu, và cũng xin đừng nhắm mắt làm ngơ trước những hậu quả thảm họa do những công trình nghiên cứu của mình có thể đưa đến.

Các chuyên gia thường có một tầm nhìn quá hạn hẹp. Họ không quan tâm đúng mức để đặt những công trình nghiên cứu của mình trong những bối cảnh bao quát hơn. Tôi không muốn nói họ có những ý đồ không tốt, mà chỉ muốn nêu lên rằng họ hoàn toàn dồn tất cả việc nghiên cứu vào một lãnh vực chuyên biệt mà không còn thì giờ để nghĩ đến những hậu quả lâu dài phát sinh từ những khám phá của mình. Tôi khâm phục Einstein đã cảnh giác mọi người về những hiểm họa của việc nghiên cứu tách rời hạt nhân.

Nguyên tắc không được gây tổn hại phải luôn luôn hiện hữu trong tâm thức người làm khoa học. Tôi đặc biệt nghĩ đến việc nghiên cứu về Di truyền học vì đây là một ngành có thể bị chệch hướng không kiểm soát được. Sự kiện một ngày nào đó người ta có thể nhân giống vô sinh (1) nhằm tạo ra những con người với mục đích duy nhất là để sử dụng vào việc cung cấp các bộ phận cơ thể thay thế cho những ai cần đến, và điều này làm cho tôi khiếp sợ vô cùng. Với tư cách của một người Phật giáo, tôi không thể nào không lên án việc sử dụng bào thai để nghiên cứu, hoặc việc giải phẩu sống hay bất cứ hình thức nghiên cứu nào mang tính cách ác độc đối với mọi sinh vật có giác cảm, kể cả lý do cần thiết là để thử nghiệm. Làm thế nào có thể khước từ quyền được tránh mọi khổ đau của cả một tập thể chúng sinh khi ta đòi hỏi một cách cương quyết và mạnh mẽ cái quyền đó cho riêng mình. 

Ghi chú :

 1- Tức là dùng những phương pháp sinh học để nhân lên thật nhiều sinh vật từ một tế bào duy nhất (clonage – cloning). Các sinh vật nhân giống vô sinh mang những đặc tính di truyền (gien) hoàn toàn giống nhau. Kỹ thuật này đã được áp dụng để nhân giống các động vật tiến hoá, kể cả các loài có vú, chẳng hạn như con trừu Dolly. Trên phương diện lý thuyết và kỹ thuật thì ngày nay các khoa học gia có thể nhân giống con người, tức là chỉ cần một tế bào duy nhất của một người nào đó để tạo ra một người khác, và cả hai sẽ giống nhau như đúc trên phương diện di truyền. Tuy nhiên việc nhân giống con người sẽ đưa đến những hậu quả không giải quyết được trên phương diện đạo đức. 

Lời khuyên các nam nữ doanh nhân

Tôi vẫn thường nói với những nam hay nữ doanh nhân rằng tinh thần ganh đua không có gì là xấu cả, nhưng mọi người cần phải biết nghĩ như thế này : « Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để đạt đến đỉnh cao nhất như mọi người khác ». Ngược lại, thật không thể nào chấp nhận được khi ta lại nghĩ rằng muốn đạt đỉnh cao nhất thì phải triệt hạ kẻ khác, không cho họ thành công, bằng cách sử dụng những phương tiện đê hèn nhất như lừa đảo, vu khống và đôi khi còn thanh toán họ nữa.

Hãy nghĩ rằng những người cạnh tranh với ta cũng là những con người, họ cũng có những quyền hạn và nhu cầu như ta vậy thôi. Hãy nghĩ đến vấn đề ganh tị mà chúng ta đã đề cập trước đây và nên hiểu rằng những người cạnh tranh với ta cũng đều là những thành phần của xã hội.  Nếu như họ thành công thì cũng có sao đâu.

Chỉ có một thái độ cạnh tranh duy nhất khả dĩ có thể chấp nhận được, ấy là việc ý thức được tài năng của chính mình để xăn tay áo làm việc với một lòng quyết tâm không lay chuyển, và đồng thời tự nhủ rằng : « Tôi cũng vậy, tôi sẽ đủ sức, dù chẳng được ai giúp đỡ nhưng trước sau rồi tôi cũng sẽ thành công ».

Lời khuyên các nhà văn và nhà báo

Các nhà văn và nhà báo đều có tầm ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Vả lại, dù cho đời người có ngắn ngủi đi nữa thì những gì đã viết cũng sẽ còn lưu lại hàng nhiều thế kỷ. Trong lãnh vực Phật giáo thì những lời giáo huấn của Đức Phật, của ngài Tịch Thiên và của những vị đại sư khác nhờ được ghi chép lại thành văn bản nên đã được lưu truyền qua những thời gian lâu dài để nói lên tình thương yêu, lòng từ bi và những hành vi vị tha phát xuất từ tinh thần Giác ngộ mà cho đến tận ngày nay vẫn còn giúp chúng ta cơ duyên được học hỏi. Nhiều tác phẩm khác, tiếc thay lại là nguồn gốc mang đến nhiều đau thương lớn lao, chẳng hạn như những tác phẩm quảng bá các hệ tư tưởng cực đoan của chủ nghĩa phát xít và cộng sản. Các nhà văn có khả năng gián tiếp mang lại hạnh phúc hay bất hạnh cho hàng triệu người là như thế.

Đối với những nhà báo thì tôi chỉ nói một cách tổng quát như sau : trong thời đại của chúng ta, nhất là tại các nước dân chủ, ảnh hưởng của quý vị đối với dư luận quần chúng và trọng trách của quý vị thật vô cùng lớn lao. Theo ý tôi, một trong những công việc lợi ích nhất mà quý vị có thể làm là chống lại sự lừa đảo và tham nhũng. Hãy cẩn thận xem xét một cách lương thiện và vô tư những hành vi của các vị nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng và các nhân vật uy thế. Khi việc tai tiếng về tình dục của tổng thống Clinton bùng nổ, tôi rất kính nể khi thấy vị lãnh đạo một quốc gia hùng mạnh nhất địa cầu phải ra hầu toà như bất cứ một công dân nào khác. Thật hết sức tuyệt vời khi các người làm báo có một cái mũi thật thính để điều tra hành vi của các người cầm quyền và vạch cho mọi người thấy là những người này có còn xứng đáng với cử tri của họ hay không. Tuy nhiên việc làm ấy phải thật lương thiện, không thiên vị và cũng không được lừa dối. Mục đích không phải là để cho phe mình thắng thế bằng cách hủy hoại thanh danh của một đối thủ chính trị hay một đảng phái đối nghịch.

Người làm báo cũng phải biết khuyến khích và nêu lên những giá trị căn bản của phẩm giá con người. Thông thường thì họ chỉ quan tâm đến những vấn đề thời sự nóng bỏng, nhất là những gì thật khiếp đảm. Con người trong tận cùng thâm tâm mình vẫn coi việc sát nhân là một hành vi không thể chấp nhận được và gây chấn động mạnh trong lòng. Vì thế những chuyện sát nhân lại thường được đưa ra làm tin chính trên mặt báo. Những chuyện tham nhũng hay hung bạo cũng thế. Ngược lại, việc nuôi nấng con cái, chăm lo cho người già yếu hay chăm sóc kẻ bịnh tật thì lại được xem là những chuyện tự nhiên, không đáng để đăng báo.

Sự sai lầm nguy hại ấy dần dần ăn sâu vào xã hội, và nhất là lớp trẻ cứ nhìn vào đấy  mà quen dần với những chuyện sát nhân, hãm hiếp hoặc những hành vi hung bạo khác rồi xem đấy là những việc bình thường. Hậu quả là ta sẽ lâm vào nguy cơ có thể cho rằng bản chất con người là hung ác và không có phương cách gì để ngăn chận được sự biểu lộ của nó. Đến một ngày nào đó một khi đã hoàn toàn chấp nhận rằng sự thật là như thế thì ta sẽ đánh mất hết niềm hy vọng vào tương lai của nhân loại. Ta sẽ lý luận rằng nếu không còn cách nào để trau dồi phẩm tính con người và khuyến khích một nền hòa bình chung thì tại sao ta lại không áp dụng khủng bố ? Hoặc nghĩ rằng giúp đỡ kẻ khác cũng chẳng có ích lợi gì, thì tại sao lại không bỏ mặc cái thế giới này để sống một mình cho riêng ta mà thôi ?

Nếu là một người làm báo, mong bạn hãy ý thức vấn đề đó và nhận lãnh trọng trách của mình. Dù cho độc giả hay thính giả không ưa thích cách đưa tin như thế, thì cứ tiếp tục nêu lên những gì tốt đẹp mà những người chung quanh đã thực hiện được. 


Lời khuyên người nông dân

Người nông dân giữ một vai trò then chốt trong việc bảo vệ hay tàn phá môi sinh và sức khoẻ. Hiện nay, lớp nước ngầm đã bị ô nhiễm, việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu và những chất độc hại khác được phơi bày ra ánh sáng, và nhờ đó người ta càng ý thức rõ rệt hơn trách nhiệm của con người trước thảm cảnh tàn phá môi trường và sự xuất hiện của nhiều thứ bệnh tật mới. Chứng bệnh « bò điên » sinh ra vì cho bò thức ăn có nguồn gốc thú vật là một thí dụ điển hình nhất (1). Đúng lý ra thì những kẻ chịu trách nhiệm phải bị trừng phạt, thế nhưng dường như chẳng nghe ai nói gì cả. Trái lại thì người ta mang bò ra giết hàng loạt, mặc dù những con bò chỉ là nạn nhân của họ... 

Tôi nghĩ rằng ta nên hạn chế các chất hoá học dùng trong nông nghiệp và nên trồng trọt phù hợp với thiên nhiên hơn. Trước mắt thì số thu hoạch có thể bị sút giảm, nhưng trong lâu dài thì sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn. Thu nhỏ và giới hạn các nông trại chăn nuôi kỹ nghệ có hại cho môi trường cũng là một điều tốt. Các loại thực phẩm gia súc trái ngược với thiên nhiên có thể làm phát sinh những hậu quả không lường trước được, như người ta vẫn thường thấy ngày nay. Nếu biết quan tâm đến thì giờ, tiền bạc, sức lực bị phung phí và những mối đau thương vô ích phải gánh chịu do những thứ thực phẩm ấy gây ra, thì người ta sẽ hiểu rằng tốt hơn là nên tìm những phương pháp chăn nuôi khác.

Tôi cũng muốn nói thêm vài lời về số phận những con vật bị giết. Tất cả mọi sinh vật có giác cảm đều có quyền được sống. Thật rõ ràng là những loài động vật có vú, chim, cá v.v… đều cảm nhận được thích thú và đau đớn.  Cũng giống như chúng ta mà thôi, chúng nào muốn bị đớn đau hành hạ. Nếu lạm dụng quá đáng vào súc vật để tìm lợi nhuận và cố ý làm ngơ không biết đến chủ trương cấm sát sinh của Phật giáo, thì ta cũng thừa biết là mình làm trái với những giá trị đạo đức sơ đẳng nhất.

Tôi muốn nói thêm rằng bất cứ một ai không tỏ ra do dự hoặc không cảm thấy động lòng từ bi chút nào khi ra tay sát hại hay hành hạ một con vật, thì nhất định người đó sẽ khó tỏ ra do dự và từ bi hơn một người khác, trước một hành vi tương tự đối với người đồng loại. Thật hết sức nguy hiểm nếu không biết nghĩ đến những khổ đau của một sinh vật, dù bất cứ một loại sinh vật nào, ngay cả trong trường hợp phải hy sinh chúng vì lợi ích của số đông (2). Chối bỏ hay tránh né không muốn nghĩ đến điều đó là một giải pháp đơn giản, nhưng thái độ ấy sẽ mở ra một cửa ngõ đưa đến mọi hình thức bạo hành, như đã thường xảy ra trong các cuộc chiến tranh (3). Thái độ đó sẽ làm tiêu tan hạnh phúc của chính mình. Tôi vẫn thường nói rằng giác tha hay từ bi bao giờ cũng mang lại lợi ích.

Nhiều người nêu lên lý do là dù sao thì thú vật cũng ăn thịt lẫn nhau. Quả đúng như thế, nhưng ta phải công nhận một điều là khi một con thú ăn thịt một con thú khác thì thái độ của nó thật đơn giản và thẳng thắn : khi đói thì giết, khi không đói thì không giết. Điều này trái hẳn với hành động của con người vì con người giết hàng triệu con bò, trừu, gà và những con vật khác với mục đích là để gia tăng lợi nhuận mà thôi.

Có lần tôi gặp một người Do thái gốc Ba lan rất tốt và thông minh. Anh ta ăn chay, trong khi đó những người Tây tạng lại không ăn chay, và anh ta nói với tôi như sau : « Tôi không ăn thịt thú vật, nhưng nếu ăn thì tôi phải có đủ can đảm để giết con vật bằng chính bàn tay của tôi ». Chúng tôi là những người Tây tạng, lại đi nhờ kẻ khác giết con vật và sau đó chúng tôi ăn ! (Ngài bật cười to).

Ghi chú : 

 1- Chứng bịnh « bò điên » là do một loại protein gọi là prion (không phải là virus và cũng không phải là vi khuẩn) làm tác nhân tàn phá hệ thần kinh trung ương của súc vật và người.  Con bò bị bịnh này sẽ run rẩy không đứng vững, không đi được và ngã quỵ vì não bộ bị hư « xốp ». Ăn thịt bò bị bịnh sẽ lây qua người dù thịt được nấu chín. Đức Đạ-Lai Lật-Ma đề cấp đến vấn đề này vì là thời sự lúc bấy giờ. Ngài thuyết giảng vào năm 2000, chứng bịnh bò điên cũng phát sinh cao độ nhất từ năm 1986 đến năm 2000, và năm vừa qua (2008) vẫn còn xảy ra 37 trường hợp tại Anh quốc. Mỗi khi có một con bò bị bịnh, người ta giết hết bò trong vùng, có khi lên đến hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn con bò một lúc. Nguồn gốc sinh ra bịnh này là vì cho bò ăn thực phẩm có nguồn gốc súc vật thay vì cho ăn cỏ. Tại Âu châu và Hoa kỳ người ta thu góp gia súc (bò, trừu, heo, gà...) chết vì mọi thứ bịnh ở các nông trại để nghiền thành bột và chế biến thành thực phẩm nuôi trở lại bò và mọi thứ gia súc khác, kể cả cá... Người ta nghĩ đấy là cách tốt nhất vừa khỏi tốn kém trong việc thu góp thú vật chết để đốt bỏ, lại vừa có một nguồn thực phẩm dồi dào đạm chất cho gia súc. Ngày nay việc này đã bị cấm.
 2- Chẳng hạn như các loài vật có thể gây ra bịnh tật như chuột, ruồi nhặng..., hay là trường hợp loại trừ một con thú dữ sát hại dân làng.
 3- Giết kẻ địch và tàn sát cả một tập thể con người, không kể già trẻ lớn bé, giống như giết những loài thú vật gây ra nguy hiểm và bệnh tật. 

Lời khuyên những kẻ gây ra chiến tranh

Trong bất cứ một xã hội nào cũng có những kẻ hung ác gây ra vô số khó khăn, vì thế cần có những phương tiện hữu hiệu để ngăn chận không cho họ tác hại. Khi không còn cách nào khác hơn, thì lúc ấy mới sử dụng đến biện pháp quân sự.

Theo tôi, quân đội không được dùng để quảng bá một chủ thuyết hay xâm lăng một quốc gia khác mà đơn giản chỉ để ngăn chận sự khuấy động của những kẻ phá hoại sự an vui của nhân loại và gieo rắc hỗn loạn, và chỉ nên đem ra sử dụng trong các trường hợp tối cần thiết mà thôi. Mục tiêu duy nhất của chiến tranh có thể chấp nhận được là để mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, và mục đích đó không thể hướng vào bất cứ một quyền lợi riêng tư nào cả.

Chiến tranh là điều bất đắc dĩ. Lịch sử đã chứng minh cho thấy hung bạo sẽ dẫn đến hung bạo và không mấy khi giải quyết được điều gì cả. Hung bạo chỉ mang đến vô số khổ đau mà thôi.  Ngay cả trường hợp hung bạo được xem như là một giải pháp thích nghi và hợp lý để chấm dứt xung đột thì người ta cũng không thể nào quả quyết là đang dập tắt một ngọn lửa hay lại làm bùng lên một nhúm than hồng.

Ngày nay chiến tranh đã trở thành vô tri giác và vô nhân đạo. Khí giới tân tiến có thể giết hại hàng ngàn người nhưng không hề gây nguy hiểm gì đến ta cả và ta cũng không thấy được những khổ đau do chính ta gây ra. Những người ra lịnh tàn sát thì thường ở xa chiến trường hàng nghìn cây số. Những kẻ vô tội, cả đàn bà lẫn trẻ em, tất cả đều muốn sống nhưng họ lại là những nạn nhân phải chịu chết hay bị tật nguyền. Gần như người ta chẳng bao giờ biết tiếc rẽ chiến tranh trong quá khứ.  Trong các cuộc chiến ấy thì vị lãnh chúa cầm đầu đứng ra phía trước đoàn quân và nếu vị lãnh chúa bị giết thì thông thường có nghĩa là mọi thù nghịch cũng chấm dứt theo. Ít ra cũng nên giới hạn chiến tranh trong khuôn khổ những cuộc xô xát trực tiếp giữa con người (1).

Từ lúc được trang bị vũ khí, thì con người cũng có muốn sử dụng những thứ vũ khí ấy. Quan điểm của tôi là không nên thành lập quân đội quốc gia. Thế giới này nên giải trừ vũ khí mà chỉ cần duy trì một đạo quân quốc tế để can thiệp trong trường hợp hoà bình bị đe dọa tại một nơi nào trên thế giới mà thôi.

Tất cả mọi người đều nói đến hòa bình nhưng không thể nào có hòa bình bên ngoài khi ta còn cưu mang giận dữ và hận thù trong lòng. Người ta cũng không thể nào dung hòa giữa ước vọng hòa bình và cuộc chạy đua vũ trang. Vũ khí hạt nhân vẫn được xem như một thứ vũ khí ngăn chận và răn dọa, nhưng theo tôi đấy không phải là một giải pháp khôn ngoan và hiệu quả trong lâu dài. 

Một số quốc gia đã chi tiêu những số tiền khổng lồ để phát triển vũ khí. Biết bao nhiêu tiền của, sinh lực, nhân tài đã bị phung phí, tuy nhiên nguy cơ bị lạc hướng ngày càng dễ xảy ra, làm cho mọi người phải sống trong lo sợ.

Dập tắt chiến tranh là trọng trách của tất cả mọi người trong chúng ta. Dĩ nhiên là người ta có thể chỉ đích danh kẻ gây ra một cuộc chiến, nhưng lại không thể khẳng định một cách chắc chắn là hắn từ chỗ nào dưới đất chui lên hay là hắn tự ý hành động một mình. Nhất định là phải có sự tham gia của những phần tử khác trong xã hội mà trong đó có cả ta, và vì vậy mọi người đều mang một phần trách nhiệm. Nếu muốn mang lại hòa bình cho thế giới này thì ta phải biết tạo hòa bình trong lòng ta trước đã.

Hòa bình trên thế giới chỉ có thể thực hiện được bằng sự an bình trong tâm thức, và sự an bình trong tâm thức thì chỉ có thể đạt được bằng cách ý thức rằng tất cả mọi con người đều là những thành phần trong một gia đình duy nhất, dù cho tín ngưỡng, ý thức hệ, thể chế chính trị và kinh tế có đa dạng mấy đi chăng nữa. Những thứ đó thật ra chỉ là chi tiết, so với những gì mang chúng ta đến gần nhau hơn. Điều quan trọng là tất cả chúng ta đều là những con người, cùng sống chung trên một hành tinh nhỏ bé này. Muốn sống còn, phải chăng chúng ta cần có sự hợp tác chung giữa người này với kẻ khác và giữa các quốc gia với nhau. 

Ghi chú :

 1- Ngày nay, chiến tranh có thể không còn là những trận xô xát bằng gậy gộc hay bằng những vũ khí cổ điển nữa, mà có thể là một cuộc chiến không cần nhìn thấy kẻ địch, chỉ cần bấm nút. Hàng ngàn vệ tinh canh chừng sự sinh hoạt của con người trên mặt đất và sẵn sàng hướng dẫn những quả bom hạt nhân để ném xuống mục tiêu. Ngay cả chiến tranh cũng không còn giữ được bản chất nhân bản sơ đẳng nhất.

Lời khuyên những người 
chăm lo cho kẻ khác

Những người hiến trọn đời mình cho kẻ khác trong các lãnh vực như y tế, giáo dục, đời sống tinh thần, gia đình, xã hội hoặc trong các sinh hoạt khác, quả thật đã đem đến một niềm vui sướng trong lòng tôi. Bất cứ một xã hội nào của con người cũng đều tạo ra vô số những khó khăn và đau khổ. Làm tất cả sức mình để cố gắng giải quyết những khó khăn đó thì thật là một tấm gương đáng khen ngợi.

Theo quan điểm Phật giáo, việc giúp đỡ kẻ khác không phải đơn thuần chỉ vì bổn phận hay vì thích thú – giống như chăm sóc vườn tược chẳng hạn – và hiểu được điều này thì thật là quan trọng. Nếu ta làm việc ấy với tình thương và lòng từ bi, với nụ cười trên môi và những ngôn từ êm ái, thì chắc chắn là ta sẽ mang đến hạnh phúc. Hành vi là một, nhưng tác dụng sẽ lớn hơn gấp bội.

Nếu là một vị bác sĩ thì không nên chăm sóc bệnh nhân vì thói quen hay vì bắt buộc. Bệnh nhân sẽ có cảm giác là người ta không lo lắng cho mình, không khám nghiệm một cách thận trọng mà chỉ giống như chữa trị cho một con vật thí nghiệm. Một số bác sĩ giải phẫu, làm việc quá nhiều và cuối cùng thì xem người bịnh như những chiếc máy phải sửa chữa, quên hẳn họ cũng là một con người. Khi đã đánh mất đối tượng con người của lòng từ bi và nhân từ thì lúc đó người bác sĩ sẽ cắt, khâu, thay thế các cơ quan trong cơ thể, giống như tháo ráp đồ phụ tùng của một chiếc xe hay là những mảnh gỗ. 

Vì thế thật hết sức quan trọng khi chăm lo cho người khác. Hãy vun xới lòng vị tha vì thái độ đó không những chỉ lợi ích cho người được chăm sóc, mà cho cả người đứng ra chăm sóc. Khi càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác thì đồng thời ta lại càng tạo ra hạnh phúc nhiều hơn cho chính mình. Tuy nhiên ta không nên nghĩ đến chuyện ấy khi chăm lo cho người khác. Không nên chờ đợi một sự hồi đáp nào cả và chỉ nên nghĩ đến sự tốt lành cho người khác mà thôi.

Cũng thế, chớ bao giờ tự xem mình cao hơn người được mình giúp đỡ. Dù phải hy sinh tiền bạc, thời giờ hay sinh lực, thì ta hãy cứ thực hiện với sự nhún nhường, dù cho kẻ khác dơ bẩn, gầy còm, ngốc nghếch hay chỉ có dẻ rách trên người. Bản thân tôi khi gặp một người ăn mày, tôi cố gắng không nhìn người ấy thấp kém hơn nhưng xem họ như một con người chẳng có gì khác với tôi. Một điểm nữa cũng rất quan trọng cần phải nhắc lại là : khi giúp đỡ một người nào đó, ta không phải chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách cho họ bằng cách cho họ tiền bạc mà hãy tạo phương tiện để họ tự giải quyết những khó khăn của họ.

Xem mục lục