Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Quẻ Phong Địa Quan, đồ hình::::|| còn gọi là quẻ Quan (觀 guan1), là quẻ thứ 20 trong Kinh Dịch.

  • Nội quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).
  • Ngoại quái là ☴ (:|| 巽 xun4) Tốn hay Gió (風).

Giải nghĩa: Quan dã. Quan sát. Xem xét, trông coi, cảnh tượng xem thấy, thanh tra, lướt qua, sơ qua, sơn phết, quét nhà. Vân bình tụ tán chi tượng: tượng bèo mây tan hợp.


THEO Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê :

20. 風 地 觀   Phong ĐỊa Quán   

Quán Tự Quái

 

Lâm giả đại dã.

Vật đại nhiên hậu khả quan.

Cố thụ chi dĩ Quán.

Quán Tự Quái

Lâm là cao đại vượt tầm,

Lớn rồi sẽ được xa gần ngắm trông.

Cho nên Quán mới lâm vòng.

Quẻ Quán có 2 cách đọc. Nơi quẻ thì đọc là Quán, nơi Hào thì đọc là Quan. Quẻ Quán có 2 Hào Dương ở trên, 4 Hào Âm ở dưới, chẳng khác gì Cao đăng viễn chiếu = đèn cao chiếu xa, lại có Hào Cửu ngũ đắc trung, đắc chính làm chủ Hào, nên Thoán Từ toàn đem ý ở ngôi trời trị dân, phải treo cao gương đức cả, cho chúng dân nhìn vào, nên lúc ấy đọc là Quán.

Còn trong Tượng Truyện & các Hào, Quan có nghĩa là nhìn, là trông, vì Dịch kinh chủ trương rằng: người quân tử hay bậc quân vương phải có cái nhìn cho sâu rộng, cho tinh tế.

*Trước là phải Quan Thiên chi đạo để Pháp Thiên chi hành = quan sát Đạo Trời để thi hành Luật Trời.

*Sau là phải quan sát dân tình, để tùy nghi thiết giáo.

*Cuối cùng, là phải quan sát tâm tư, tài đức của mình, tức là phải biết nội quan quán chiếu.

I. Thoán. 

Thoán Từ.

觀: 盥 而 不 荐,有 孚 顒 若。

Quán. Quán nhi bất tiến. Hữu phu ngung nhược.

Dịch. Thoán Từ.

Trang trọng như rửa tay hành lễ.

Lòng tinh thành xá kể của dâng,

Thấy ta thành tín, thủy chung,

Hạ dân âu cũng sinh lòng kính tin.  

Thoán nhấn mạnh rằng: bậc nhân quân ở ngôi cao, vạn dân trông vào, ngưỡng mộ, phải ăn ở sao cho tâm tư thuận với thiên lý (Khôn = thuận), hành vi phù hợp với Thiên đạo (Tốn = thuận tốn), chí trung, chí chính (Hào Cửu ngũ đắc trung, đắc chính).

Vị Thánh quân xưa ở chốn triều ca, tức là ở ngôi Trung cung = Hoàng cực, phải lo sao đức hạnh tuyệt vời, vì ở ngôi Hoàng cực, nhà vua sẽ là môi giới giữa Trời và Dân, sẽ thay dân tế Trời, thay Trời trị dân, giáo hóa dân, chỉ đường trung chính cho dân theo. 

Thoán Truyện.

彖 曰:     大 觀 在 上,順 而 巽,中 正 以 觀 天 下。觀,盥 而 不 荐,有 孚 顒 若,下 觀 而 化 也。觀 天 之 神 道,而 四 時 不 忒, 聖 人 以 神 道 設 教,而 天 下 服 矣。

Thoán viết.

Đại Quán tại thượng. Thuận nhi tốn. Trung chính dĩ quán thiên hạ. Quán quán nhi bất tiến. Hữu phu ngung nhược. Hạ quan nhi hóa dã. Quan thiên nhi thần đạo nhi tứ thời bất thắc. Thánh nhân dĩ thần đạo thiết giáo. Nhi thiên hạ phục hĩ.

Dịch. Thoán Truyện.

Gương cao treo ở trên đời,

Thuận Thiên, Tồn lý, rạng ngời chính trung,

Chiếu soi thiên hạ khắp cùng,

Trang nghiêm như lúc khởi công tế thần,

Rửa tay, mà hết tinh thành,

Chưa cần dâng lễ, thần minh chứng rồi.

Uy nghi, tin kính rạng ngời.

Dân xem cảm động, cảm rồi noi gương.

Kìa Trời thần diệu khôn lường,

Bốn mùa theo đúng phép thường chuyển luân.

Thánh nhân ảo diệu như thần,

Âm thầm dạy dỗ, chúng dân phục tùng. 

 

Thoán Truyện cho rằng:  Dạy dân có nhiều cách:

1) Bằng Thần đạo = đường lối Trời. Theo cách này, nhà vua chỉ cần chí thành, chí thiện, trang nghiêm, kính cẩn, tập trung tinh thần, không để cho tinh thần phôi pha, phá tán, sẽ âm thầm ảnh hưởng đến muôn dân, sẽ âm thầm cảm hóa được muôn dân. Thế là bắt chước được đường lối Trời, vì Trời âm thầm, lặng lẽ, mà  bốn mùa vẫn vần xoay, không hề đơn sai. Đó là lối cảm hóa cao siêu nhất, vì thế nên gọi Thần đạo thiết giáo.

2) Dạy dân bằng những lời giáo hoá, bằng mệnh lệnh.

3) Dạy dân bằng hành vi, cử chỉ, tiếp nhân, xử thế   của mình.

Dĩ nhiên, hai lề lối sau, vì còn có hình thức, ngôn từ nên kém lối thứ nhất xa. Đức Khổng nói: Dùng miệng lưỡi hay kiểu cách bên ngoài, cảm hóa dân lối ấy rất nên thô thiển. Ngoài ra, Thoán cũng nhắc nhở rằng sự tế tự thần minh, là cốt ở lòng thành kính, chứ không cốt ở lễ dâng.

Lòng thành tín mạnh mẽ nhất, sự tập trung tinh thần mạnh mẽ nhất là từ lúc vị chủ tế rửa tay, cho đến lúc đổ rượu xuống đất cầu xin Thượng đế giáng lâm, còn sự dâng của lể xin ơn chỉ là tùy thuộc. Vì thế mà Đức Khổng mới nói:  Trong tế lễ Thượng đế, khi đã đổ rượu xuống đất, xin Thượng đế giáng lâm rồi, thì ta chẳng muốn xem nữa ( Tử viết: Đế, Tự quán nhi vãng giả, ngô bất dục quan chi hỹ) (LN  III,  10). 

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰: 風 行 地 上,觀﹔ 先 王 以 省 方,觀 民 設 教 .

Tượng viết: Phong hành địa thượng. Quán. Tiên vương dĩ tỉnh phương quan dân  thiết giáo.

Dịch. Tượng rằng:

Gió bay trên đất là Quan,

Tiên vương thăm thú dân gian xa gần,

Thăm dân, để hiểu biết dân,

Tùy nghi giáo hóa, mười phân vẹn mười.

Tượng và Hào đều bàn đến nghĩa Quan = Quan sát. Vì thế Tượng Truyện mới khuyên nhà vua, phải đi quan sát dân tình, để biết đời ra sao, như vậy mới giáo hóa được dân.

Xưa kia vua đi tuần thú thường quan sát:

1) Ruộng đất có được trồng trọt phải phép hay không?

2) Người già cả có được chăm sóc không?

3) Cân lường, đấu hộc có được chính xác không?

4) Sự buôn bán có được phồn thịnh không?

5) Đời sống dân ra sao, sung túc hay nghèo khó; khỏe mạnh hay yếu đuối; đứng đắn hay dâm ô; cần kiệm hay hoang phí. Nhân đó sẽ tùy cơ dạy dỗ dân.

Xem mục lục