Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Dịch bao quát cả hai phần thể dụng, biến hằng của đất trời. Như trên đã nói: Sự biến thiên chỉ diễn biến trên bình diện hiện tượng, còn Bản Thể vẫn thường hằng.

Nếu vậy thì trong biến thiên, luôn hàm ngụ Bất Dịch, bất biến, vì thế nên Dịch còn có nghĩa Bất Dịch. Nếu biến thiên là tương đối, thì Bất Dịch ắt phải là Tuyệt đối. Có Tuyệt đối rồi Tương đối mới sinh, có Bất Dịch rồi Biến thiên mới hiện, như vậy thì Tuyệt đối, Bất Dịch chính là Bản Thể của trời đất vậy.

Nếu Dịch có nghĩa là Bất Dịch, là Tuyệt đối, là Bản Thể hằng cửu, là Căn nguyên của vũ trụ, thì ta có thể dùng chữ Dịch viết hoa để chỉ Tuyệt đối, hay nguyên lý của vũ trụ. Ta viết: Dịch là Tuyệt đối thể, Nguyên lý vũ trụ, Bản Thể hằng cửu

Dịch bất biến, muốn phát huy quyền năng mình, lại dùng sự biến dịch. Vậy muốn tìm Dịch bất biến, phải từ lòng Dịch biến thiên mà suy ngược lại.

Tiên Hiền, Lão cũng Chư Nho, đã nhận được Dịch là căn nguyên vũ trụ, là Tuyệt đối:

Liệt tử viết: Dịch vô hình liệt [1] Dịch không có hình tướng bến bờ. Ông cũng còn dùng chữ Thái Dịch để chỉ Bản nguyên vũ trụ. [2]

Tạ Vô Lượng khi biên khảo về Vũ trụ luận của các Đạo gia đã viết: Căn nguyên sinh ra mọi sự biến hóa trong vũ trụ, gọi là Không sinh, Không hóa, Nghi Độc, Cốc Thần, Huyền tẫn, Thái Dịch, Vô Vi.

 Chung qui đều là một thứ vậy.

Lại suy ra đến cái mà Dịch gọi là Thái Cực, hay Chu tử đời Tống gọi là Vô Cực rồi Thái Cực, Lão tử gọi là Vô Danh, hay Empédocle gọi là To Apiron, tất cả đều là Một vậy. [3] Thiên Ẩn tử viết: Kiêm tam tài gọi là Dịch, quán Vạn Vật gọi là Đạo. Có một tính thuần nhất gọi là Chân như... cho nên Thiên Ẩn tử sinh trong Dịch, mà chết cũng trong Dịch...! [4]

Về phía Nho gia ta thấy Thái Tiết Trai tiên sinh (Thái Uyên) cho rằng: Dịch thời vô tư, vô vi, tịch nhiên bất động, còn Thần thì cảm là lập tức thông suốt lý do trong thiên hạ... Nói Dịch tức là nói khi chưa hiển dương, nói Thần tức là nói khi bắt đầu hiển dương, bởi vì Dịch là căn bản của Thần; Thần là ứng dụng của Dịch [5]

Ông lại viết: Dịch có trước Lưỡng Nghi nên không hình thể. [6]Cho nên học Dịch đối với Ông, là một phương pháp tiến tới Thần minh. [7]Hiểu Dịch là Tuyệt đối, còn Vạn Hữu là tượng trưng, là biểu dương, là hình tượng của Tuyệt đối, thì mới hiểu tại sao Dịch vừa bất biến, vừa biến thiên. Bất biến nếu xét về phương diện tuyệt đối, biến thiên nếu xét về phương diện tương đối Vạn Hữu.

Ngô Khang giải: Bất dịch là tên của Bản Thể hằng cửu. [8]Lý Chứng Cương gọi Bất dịch là Đạo lý tuyệt đối vĩnh cữu. [9]Nguyễn Ấn Trường cho rằng: Bất dịch là Bản thể.[10] Với những lời giải thích ấy, ta có thể trở về Dịch Kinh, và nhận định rõ ràng rằng theo Dịch Kinh, thì trời đất, Vạn Vật là bóng hình, là ảnh tượng của Tuyệt đối thể vô hình, của Dịch. Hệ Từ viết: Trời đất hàm ngụ Tuyệt đối; Cho nên hễ trời đất phân trình thành liệt, thì Tuyệt đối ở ngay trong.

Nếu trời đất bị hủy diệt, thì Tuyệt đối không được biểu dương, thì trời đất cũng không còn lý do tồn tại. [11]Hệ Từ lại viết: Dịch không nghĩ, không làm, tịch nhiên bất động, hễ cảm ứng là biết ngay căn cơ của thiên hạ. Nếu không tuyệt đối thần diệu thì làm sao có thể như vậy được? [12]...Dịch bao quát mọi sự biến hóa của trời đất, tác thành muôn vật mà chẳng bỏ sót cái chi; thông tỏ lối đuờng của ngày đêm. Cho nên Thần thì vô phương sở, mà Dịch thì vô hình thể. [13]Tất cả những lời lẽ trên đã phơi bày tâm tư của Thánh Hiền tự ngàn xưa: Trong cái biến, có cái thường; trong tương đối, có tuyệt đối. Như vậy học Dịch cốt là băng qua biến thiên để trở về với bất biến, bất Dịch.

Quẻ Hằng có lời Tượng rằng: Sấm gió thành quẻ Hằng, quân tử phải tìm phương vị bất biến mà ở [14]

Câu này nào có khác gì câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm của Kinh Kim Cương?

Họ Vương bình Tượng truyện trên như sau:

Tìm được Hằng Cửu nên không đổi thay. Dịch đạo biến hóa vô thường, nhưng trong biến ảo có tìm ra được nơi bất biến, thời mới có thể nói chuyện Dịch được. [15]

Tìm ra được Bản Thể bất dịch trong lòng vũ trụ, cũng như trong lòng con người, là điều kiện thiết yếu cho công cuộc tu thân, thành Thánh, thành Tiên, thành Phật. Kinh Lăng Nghiêm viết: Phật bảo A Nan: Từ muôn kiếp tới nay chúng sinh bị lao lung điên đảo, các nghiệp chướng sinh ra đầy dẫy như trái ác xoa. Còn những người tu hành chẳng thành được Vô Thượng Bồ Đề, lại thành ra bực Thanh Văn, Duyên Giác và các thứ Ngoại Đạo, các Trời và Ma vương, Ma quyến, đều là vì không biết hai thứ căn bản, tu luyện cuồng xiên, thác loạn y như đòi nấu cát thành cơm thì có đến ngàn muôn kiếp cũng chẳng được.

Thế nào là hai thứ căn bản? Hỡi A Nan: một là căn bản tử sinh từ muôn kiếp, y như nay ngươi và chúng sinh lấy tâm vọng tưởng (tâm phan duyên) làm tự tính. [16] Hai là căn bản Vô thủy Niết Bàn nguyên thanh tịnh thể đó ở nơi người, chính là thức tinh nguyên minh có thể sinh ra vạn duyên, vạn sự mà đã bị trần duyên làm mất bỏ. Cũng vì chúng sinh đã làm mất cái căn nguyên sáng láng ấy cho nên hằng ngày tuy vẫn luôn dùng mà chẳng tự biết được nó, rồi lăn lộn đắm đuối vào các thú vui, uổng phí cả đời.[17]

Thủ Lăng Nghiêm còn viết: Đánh mất căn nguyên trường tồn, vĩnh cữu, nên bị luân chuyển.[18]

Héraclite cũng cho rằng học biến dịch cốt để tìm ra Logos (Thái Cực) bất biến. Ông viết đại khái như sau: Logos là Thiên chân thường tại, mà người đời nào biết vân mòng là chi, mặc dầu đã được hay chưa được nghe bàn tới.[19] Tuy mọi sự biến thiên đều do Logos (Thái Cực), nhưng họ y thức như những người vụng dại si ngốc mặc dầu đã trải qua và đã thực hiện nhiều biến thiên hoặc bằng lời nói, hoặc bằng việc làm...

Logos (Thái Cực) là phổ quát mà mọi người lại thích ý kiến riêng tư. Thái Cực có liên lạc thường xuyên với mọi người mà mọi người lại bất hòa, bất hợp với Thái Cực. Cái mà họ gặp thường ngày lại trở nên xa lạ đối với họ. [20]

Như vậy, ta thấy rằng các bậc thượng trí, thượng nhân bất phân đạo giáo, đều đi tìm Hằng Cửu và Bất biến.

Theo Kinh Dịch, trong vũ trụ chỉ có Thái Cực, có Đạo là Tuyệt đối, là Hằng Cửu, Bất biến. Cho nên người quân tử học Dịch, lúc nào cũng phải cương quyết tìm cho ra Đạo, ra Tuyệt đối giữa mọi biến thiên, tương đối, lúc nào lòng cũng phải khế hợp với Thái Cực với Đạo.

Muốn tượng trưng Bản Thể Hằng Cửu hay Thái Cực lồng trong lòng Vạn Vật biến thiên, cổ nhân đã vẽ ra vòng Dịch, trong đó tâm điểm tượng trưng cho Bất biến, Hằng Cửu, còn các vòng Hào Quải bên ngoài tượng trưng cho Vạn Hữu biến thiên. Và nếu ta coi vòng Dịch như là một bánh xe biến hóa, thì tâm điểm bất biến, hay Thái Cực chính là cái bầu, cái trục ở giữa bánh xe.

Trục bánh xe, hay tâm điểm bất biến chính là Thiên tâm, là Chân tâm sinh xuất mọi biến thiên.

Lão tử viết:

Bánh xe ba mươi tai hoa,

Cái bầu giữa trống, nó nhờ nó quay [21]

Văn Đạo Tử giảng luận như sau:

Nhân Đạo, Thiên Đạo đều là tác dụng nhiệm màu của một khí Thái Cực. Và sự tác dụng huyền diệu ấy, sự tuần hoàn vãng phục luân chuyển ấy tất phải có trục. Cổ nhân gọi trục ấy là trung tâm thiên địa, là cùng cực của Thái Cực. [22]

Thiên Đạo cư trung ngự cực nên vận chuyển muôn đời mà không sai thất, cũng như trong bánh xe, các vành xe và tai hoa xe vận chuyển không ngừng là nhờ ở trục xe. Nếu ta giữ vững được trung điểm, tận dụng được Thái Cực, thì có thể chuyển vần với Vạn Vật mà vẫn có thể góp phần được với trời đất trong công trình hóa dục.

Cho nên người quân tử tu Nhân đạo để hợp Thiên Đạo. Hợp Thiên Đạo tức là vào được trục của

vòng Dịch, thoát ra ngoài vòng kiềm chế của hiện tượng, hỗ trợ muôn vật mà không tơ vương, dính bén muôn vật, xoay chuyển vòng biến dịch, mà chẳng chuyển dịch với bánh xe biến thiên, luân lạc.23]

Hoàng đế nói: Vũ trụ ở trong tay, vạn hóa sinh trong mình. Phật nói: Thu bể khơi vào trong sợi lông, đem núi Tu Di lồng trong hạt cải đâu phải là thuật lạ. Bất quá các ngài đã nắm được trục của pháp luân. Ôi vi diệu thay, trục của pháp luân (trục của vòng biến thiên, hay trục của Vạn Hữu), hỏi mấy ai đã biết? Chẳng rõ được trục mà chỉ biết nói pháp luân luôn vận chuyển, thì chóng chày cũng bị vận chuyển theo pháp luân, làm sao thoát vòng sinh tử được. [24]

Đầu sách Tính Mệnh Khuê Chỉ có hình Lão tử cầm vòng Thái Cực, ý nói học Dịch cốt là tìm ra được Thái Cực, đắc đạo tức là đắc Thái Cực. Thế là cùng lý trí tri nói trong Đại học vậy. Ở nơi con người thì cái trục, cái bất biến, bất dịch chính là cốt cách tinh hoa, chính là lương năng, lương tri hằng cửu.

Nhận ra cốt cách thần minh của mình, lướt thắng được sự hỗn mang của các cảm giác, phân biệt được cái thần diệu bất biến trong một thế giới biến thiên, đạt được tới Bản Thể qua các lớp lang hiện tượng ảo hóa, đó mới là vấn đề chính yếu. [25] Thế tức là áp dụng được khoa Dịch học vào cuộc đời mình:

Có biến mới hay có cửu trường,

Trung tâm tĩnh lãng, ngoại nhiễu nhương.

Nhiễu nhương, biến hóa sinh luân lạc,

Học Dịch cốt tìm Bất Dịch phương.

Ngoài nghĩa bất Dịch là Tuyệt đối bất biến, Hằng Cửu, các nhà bình giải còn cho rằng bất dịch là những ngôi vị bất dịch, nhũng định luật bất dịch.

Sách Càn tạc độ giải bất dịch là địa vị bất dịch: Như trời trên đất dưới, vua quay mặt về Nam, thần quay quay mặt về Bắc, cha ngồi, con phục. [26]

Nhưng những sự kiện nói trên chẳng có gì là bất biến, bất dịch cả; ví dụ trái đất tròn lơ lửng giữa bầu trời, thì vừa có trời ở trên, trời ở ngang, và trời ở dưới; quẻ Bĩ thì trời trên, đất dưới mà quẻ Thái thì lại đất dưới, trời trên . Vả Hệ Từ cũng viết: Thượng hạ vô thường, cương nhu tương dịch (Hệ Từ hạ, VIII)

Vấn đề quân Nam diện, thần Bắc diện, chỉ có giá trị với một thời đại nào ở Trung hoa, chứ như ở Âu châu thì nào họ có kể chi là phương hướng. Hơn nữa đến thời dân chủ thì đâu là vua? Ngay đến như vấn đề phụ tử, ta cũng đã thấy có những trường hợp, vì chủ nghĩa, người ta cũng có thể đảo lộn được cả cương thường v.v...

Muốn cho chính xác hơn, ta phải nói rằng tuy thế giới đảo điên, biến hóa nhưng vẫn dược chi phối bằng nhưng định luật bất dịch [27 những định luật ấy có thể xác định được, ví dụ như:

- Định luật tụ tán,

- Định luật điên đảo,

- Định luật thăng trầm,

- Định luật sinh, trưởng, thu, tàng hay sinh, trưởng, lão, tử.

- Định luật tuần hoàn v.v...

Tổng kết lại, chữ Dịch là Bất Dịch gợi cho chúng ta 2 ý niệm:

1.- Trong vũ trụ có một Bản Thể tuyệt đối.

2.- Vũ trụ được chi phối bằng những định luật bất dịch.

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê


CHÚ THÍCH

[1] Xung Hư Chân Kinh - Chương I.

[2] Xung Hư Chân Kinh - Chương I.

[3] Thử hợp luận vũ trụ năng hóa dữ sở sinh, sở hóa chi nguyên biến, vị chi bất sinh bất hóa, vị chi Nghi độc, vị chi Cốc thần, Huyền tẫn, vị chi Thái dịch, vị chi Vô vi, kỳ thật nhất vật dã. Cánh suy chi Dịch sở vị Thái Cực, Tống Chu tử sở vị Vô Cực nhi Thái Cực, Lão tử sở vị Vô danh cập Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh, Hi lạp Ân Bồi Đa Khắc Nhi (Empédocle) sở vị To Apiron diệc nhất vật dã. — Tạ Vô Lượng, Trung quốc Triết Học Sử. Đệ nhất biên hạ, đệ nhất chương, trang 27.

[4 Kiêm tam tài nhi ngôn vị chi Dịch. Tề Vạn Vật nhi ngôn vị chi Đạo. Đức bản nhất tính nhi ngôn, vị chi Chân Như...Cố Thiên Ẩn tử sinh hồ Dịch trung, tử hồ Dịch trung.  兼 三 才 而 言 謂 之 易. 齊 萬 物 而 言 謂 之 道. 德 本 一 性 而 言 謂 之 真 如... 故 天 隱 子 生 乎 易 中, 死 乎 易 中.— Thiên Ẩn Tử, Dưỡng sinh thư - trang 2a.

[5] Vô tư, vô vi, tịch nhiên bất động, Dịch dã. Cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố, Thần dã. Thử chương chi Dịch, chỉ vị phát giả vi ngôn dã. Thần chi sơ phát giả vi ngôn dã, cái Dịch giả Thần chi bản; Thần giả Dịch chi dụng... 無 思, 無 為, 寂 然 不 動, 易 也. 感 而 遂 通 天 下 之 故, 神 也. 此 章 之 易, 指 未 發 者 為 言 也. 神 之 初 發 者 為 言 也, 蓋 易 者 神 之 本; 神 者 易 之 用. — Trùng biên Tống nguyên học án quyển III, trang 678 (Thái tiết Trai tiên sinh Uyên)

[6] Cố Dịch tại Lưỡng nghi chi tiên, kỳ Dịch vô thể. 故 易 在 兩 儀 之 先, 其 易 無 體.— Ib. 677.

[7] Quân tử học Dịch nhi chí ư thần dã. 君 子 學 易 而 至 於 神 也 .— Trùng biên Tống Nguyên học án III, trang 678.

[8] Bất dịch giả thường thể chi danh. Hữu thường hữu thể. 不 易 者 常 體 之 名. 有 常 有 體 .— Chu Dịch đại cương - trang 8.

[9] Nhi giá vĩnh cửu tuyệt đối đích đạo lý dã, tựu thị Bất dịch đích. 而 這 永 久 絕 對 的 道 理 也, 就 是 不 易 的.— Dịch Học Thảo Luận tập - trang 128.

[10] Bất dịch kỳ Bản Thể hồ. 不 易 其 本 體 乎.— Tạo Hóa thông﹐ chương 3 trang 5.

[11] Càn Khôn kỳ Dịch chi uẩn da? Càn khôn thành liệt nhi Dịch hành hồ kỳ trung hỹ. Càn Khôn hủy tắc vô dĩ kiến Dịch. Dịch bất khả kiến tắc Càn Khôn hoặc cơ hồ tức hỹ. 乾 坤 其 易 之 縕 邪? 乾 坤 成 列 而 易行 乎 其 中 矣. 乾 坤 毀 則 无 以 見 易. 易 不 可 見 則 乾 坤 或 幾 乎 息 矣.— Hệ Từ thượng chương XII. (Chữ uẩn 縕 ở đây, Chu dịch độc bản giải là bao sức, là che dấu, như áo mặc bên ngoài. Wilhelm Baynes Dịch Uẩn 縕 là bí ẩn tưởng không đúng). Cf. Chu dịch bản nghĩa Hệ Từ thượng chương XII, trang 104, Wilhelm Baynes - The I Ching, Book II page 347.

[12] Dịch vô tư dã, vô vi dã; tịch nhiên bất động. Cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố, phi thiên hạ chi chí thần, kỳ thục năng dự ư thử. 易 无 思 也, 无 爲 也; 寂 然 不 動. 感 而 遂 通 天 下 之 故, 非 天 下 之 至 神, 其 孰能 與 於 此. — Hệ Từ thượng chương X.

[13] Phạm vi thiên địa chi hóa nhi bất quá, khúc thành Vạn Vật nhi bất di, thông hồ trú dạ chi đạo nhi tri. Cố thần vô phương nhi Dịch vô thể. 範 圍 天 地 之 化 而 不 過, 曲 成 萬 物 而 不 遺, 通 乎 晝 夜 之 道 而 知. 故 神 无 方 而 易 无 體.— Ib. chương III.

[14] Tượng viết: Lôi phong Hằng, quân tử dĩ lập bất Dịch phương. 象 曰: 雷 風 恒, 君 子 以 立 不 易 方.— Dịch Kinh - Quẻ Hằng, Tượng truyện.

[15 Vương viết: Đắc kỳ sở cửu cố bất dịch dã. Án Dịch chi đạo, biến Dịch vô thường. Tự kỳ biến giả nhi năng tri bất Dịch chi phương, nhiên hậu khả dĩ ngôn Dịch hỹ. 王 曰: 得 其 所 久 故 不 易 也. 按 易 之 道, 變 易 無 常. 自 其 變 者 而 能 知 不 易 之 方, 然 後 可 言 易 矣.— Dịch Kinh, Kim văn khảo thông luận. (Triều tiên, Thiểm châu, Lý Bính Hiến) quyển hạ quẻ Hằng.

[16] Phật cáo A Nan: Nhất thiết chúng sinh tòng vô thủy lai, Chủng chủng điên đảo, nghiệp chủng tự nhiên như ác xoa tụ. Chư tu hành nhân bất năng thành vô thượng bồ đề, nãi chí biệt thành thanh văn, duyên giác, cập thành ngoại đạo chư thiên, ma vương cập ma quyến thuộc, giai do bất tri nhị chủng căn bản, thác loạn tu tập do như chử sa, dục thành gia soạn, túng kinh trần kiếp chung bất năng đắc. Vân hà nhi chủng? A Nan, nhất giả, vô thủy sinh tử căn bản, tắc nhữ kim giả dữ chư chúng sinh dụng phan duyên tâm vi tự tính giả. — Thủ Lăng Nghiêm, Linh sơn Phật học nghiên cứu hội - trang 55-56.

[17] Nhị giả, vô thủy bồ đề Niết bàn Nguyên thanh tịnh thể, tắc như kim giả, thức tinh nguyên minh, năng sinh chư duyên, duyên sở di giả; do chư chúng sinh di thử bản minh, tuy chung nhật hành nhi bất tự giác, uổng nhập chư thú. —  Ib, trang 55 - 56.

[18] Thất nhữ nguyên thường, cố thụ luân chuyển. — Thủ Lăng Nghiêm kinh Việt nam Phật tử hội xuất bản quyển I, trang 55.

[19] Le Logos que voici, étant toujours vrai, les hommes n’en acquièrent pas la compréhension, ni avant de l’avoir entendu, ni une fois qu’ils ont entendu. — Kostas Axelos, Héraclite et la philosophie page 58.

[20] Car bien que tout devienne selon ce Logos - ci, ils sont pareils à des inexpérimentés, même s’ils ont fait l’expérience et des paroles et des oeuvres. Mais bien que le Logos soit universel, les gens du commun (la foule) vivent comme s’ils avaient une pensée particulière. Le Logos, avec qui pourtant ils ont le plus constant rapport, avec lui ils sont en désaccord, et ce que tous les jours ils rencontrent, cela leur paraÛt étranger. — Kostax Axelos - Héraclite et la philosophie page 58.

[21] Tam thập phúc cộng nhật cốc. Đương kỳ vô, hữu xa chi dụng. 三 十 輻 共 一 轂. 當 其 無, 有 車 之 用.— Lão tử Đạo Đức Kinh XI.

[22] Văn Đạo tử giảng đạo tinh hoa lục - trang 36b.

[23] Cố quân tử tu kỳ nhân đạo, tự hợp Thiên đạo, hợp Thiên đạo tắc đắc kỳ hoàn trung, siêu hồ tượng ngoại, vật vật nhi bất vật ư vật, chuyển luân nhi bất chuyển ư luân dã. 故 君 子 修 其 人 道, 自 合 天 道, 合 天 道 則 得 其 環 中, 超 乎 像 外, 物 物 而 不 物 於 物, 轉 輪 而 不 轉 於 輪 也.— Văn Đạo Tử giảng Đạo Tinh Hoa Lục, trang 366.

[24] Hoàng đế ngôn vũ trụ tại hồ thủ, vạn hóa sinh hồ thân. Phật ngôn thôn thương minh ư mao khổng, chuyển Tu di ư giới trung, phù khởi hữu dị thuật, bất quá năng đắc pháp luân chi trục nhĩ. Y hi vi hồ diệu tai, Pháp luân chi trục, Y thùy năng thức; bất thức kỳ  trục, nhi đồ ngôn pháp luân thường chuyển, chung diệc chuyển ư  luân trung nhi dĩ; giải thoát sinh tử năng hồ tai. 黃 帝 言 宇 宙 在 乎 手 , 萬 化 生 乎 身. 佛 言 吞 滄 溟 於 毛 孔, 轉 須 彌 於 芥 中, 夫 豈 有 異 術, 不 過 能 得 法 輪 之 軸 耳. 噫 嘻 為 乎 妙 哉, 法 輪 之 軸, 伊 誰 能 識; 不 識 其 軸, 而 徒 言 法 輪 常 轉, 終 亦 轉 於 輪 中 而 已; 解 脫 生 死 能 乎 哉.— Văn đạo tử giảng Đạo Tinh Hoa Lục, trang 36b.

[25] Reconnaȋtre cette parenté divine, vaincre le chaos des sensations, discerner le divin et le permanent dans un monde fluide, atteindre l’être à travers le devenir, tel est le problème central. (L’homme et le Zodiaque, page 258)

[26] Cứ Càn tạc độ đích giải thuyết dĩ vi bất dịch giả kỳ vị dã. Thiên tại thượng, địa tại hạ, quân Nam diện, thần Bắc diện, phụ tọa tử phục, thử kỳ bất Dịch dã. 據 乾 鑿 度 的 解 說 以 為 不 易 者 其 位 也. 天 在 上 地 在 下, 君 南 面, 神 北 面, 父 坐 子 伏, 此 其 不 易 也.— Dịch Học Thảo Luận tập - trang 127

[27] Nhiên kỳ phát triển biến hóa, tịnh bất thị loạn động đích, quân tuân hữu nhất định đích qui đạo, tức nhất định đích động đích pháp tắc. (Dịch Học Thảo Luận tập trang 128)

Xem mục lục