GIẢI THÍCH: PHẨM ĐẠI MINH THỨ 32
(Kinh Đại Bát-nhã ghi: Phần 2, Phẩm Túy Đỗ Ba thứ 30)
(Kinh Ma-ha Bát-nhã ghi: Phẩm Bảo Tháp Đại Minh)
KINH: Bấy giờ Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhơn: Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu xa mà thọ trì, thân cận, đọc tụng, nhớ nghĩ đúng, tâm không rời Tát-bà-nhã,[1] gặp khi hai trận giao chiến, thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy tụng Bát-nhã ba-la-mật, đi vào giữa trận trọn không mất mạng, đao tên chẳng làm thương tổn, vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, suốt đời tu sáu Ba-la-mật, tự mình trừ đao tên dâm dục, cũng trừ đao tên dâm dục của người khác; tự mình trừ đao tên sân nhuế, cũng trừ đao tên sân nhuế của người khác; tự mình trừ đao tên ngu si, cũng trừ đao tên ngu si của người khác; tự mình trừ đao tên tà kiến, cũng trừ đao tên tà kiến của người khác; tự mình trừ đao tên triền cấu, cũng trừ đao tên triền cấu của người khác; tự mình trừ đao tên kiết sử, cũng trừ đao tên kiết sử của người khác.
[1] Đại trí độ luận, quyển 11, chương 17: Đàn ba-la-mật, tr. 139c8-10: Từ sơ phát tâm cho đến khi ngồi dưới cội Đạo thọ, những trí tuệ có được ở khoảng trung gian đó, gọi là Bát-nhã Ba-la-mật. Đến khi thành Phật, thì Bát-nhã Ba-la-mật ấy đổi lại gọi là Tát-bà-nhã.
* Trang 613 *
Kiều-thi-ca! Do nhân duyên ấy nên thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy không bị đao tên làm thương tổn.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy nghe Bát-nhã ba-la-mật mà thọ trì, thân cận, đọc tụng, nhớ nghĩ đúng, tâm không rời Tát-bà-nhã, hoặc lấy thuốc độc xông, hoặc dùng kế độc, hoặc dùng hầm lửa, hoặc dùng nước sâu, hoặc muốn dùng đao giết, hoặc bỏ thuốc độc; các việc ác như vậy đều không thể làm tổn thương, vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật ấy là thần chú đại minh, thần chú vô thượng.[1] Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy học thần chú đại minh thời tự mình không não thân, cũng không não người, cũng không não cả hai, vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy không chấp có ngã, không chấp có chúng sinh, không chấp có thọ mạng cho đến kẻ biết, kẻ thấy đều không thể có được; không thể có được sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Trí nhất thiết chủng cũng không thể có được. Vì không thể có được nên không tự não mình, cũng không não người, cũng không não cả hai. Học thần chú đại minh (mahavidyāmantra) ấy nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Anuttarāṃ samyaksaṃbodhiṃ-abhisaṃbuddhāḥ), quán tâm chúng sinh, tùy ý thuyết pháp, vì sao? Vì chư Phật quá khứ học thần chú đại minh (mahavidyāmantra) ấy nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (anuttarā-saṃyakṣasaṃbodhim-abhisaṃbuddha); chư Phật tương lai học thần chú đại
[1] Prajñāpāramitāhṛdayasūtra: tasmājjñātavyaḥ prajñāpāramitā mahāmantro mahāvidyāmantro ’nuttaramantro.
* Trang 614 *
minh ấy, sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; chư Phật hiện tại học thần chú đại minh ấy, nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Đối với Bát-nhã ba-la-mật, nếu có người chỉ viết chép quyển kinh để tại nhà cúng dường không thọ, không đọc, không tụng, không nói, không nhớ nghĩ đúng. Ở chỗ ấy hoặc người hoặc phi nhân cũng không thể tìm được chỗ thuận tiện để phá, vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật ấy được trời Tứ thiên vương (catur-mahārāja) cho đến trời A-ca-nị-tra (Akaniṣṭha-deva)[1] trong ba ngàn đại thiên thế giới và trời Tứ thiên vương cho đến trời A-ca-nị-tra trong mười phương vô lượng vô số thế giới thủ hộ. Nơi chỗ có Bát-nhã ba-la-mật chư thiên đều đến cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán, lễ bái rồi đi. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy chỉ viết chép Bát-nhã ba-la-mật để tại nhà cúng dường, không thọ, không đọc, không tụng, không nói, không nhớ nghĩ đúng mà đời nay được công đức như vậy; thí như hoặc người, hoặc súc sinh đi đến dưới cội Bồ-đề, các bên trong ngoài, giả sử người hoặc kẻ phi nhân đi đến, cũng không thể tìm được thuận tiện để phá, vì sao? Vì chỗ ấy, chư Phật quá khứ từng ở nơi đó chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; chư Phật vị lai, chư Phật hiện tại cũng ở nơi đó chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thành Phật rồi, thí cho tất
[1] T. 54: Nhất thiết kinh âm nghĩa (一切經音義), quyển 22, tr. 443a16-18: A-ca-nị-tra thiên (gọi đầy đủ A-ca-nị-sắc-tra). A-ca là sắc; nị là cứu cánh. trong 18 tầng trời sắc giới trời A-ca-nị-tra là tối thắng nhất.
* Trang 615 *
cả chúng sinh sự không sợ không hãi, làm cho vô lượng vô số chúng sinh thọ hưởng phước lạc cõi trời cõi người, cũng làm cho vô lượng vô số chúng sinh được quả Tu-đà-hoàn, cho đến được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Do năng lực Bát-nhã ba-la-mật nên ở chỗ ấy được cung kính, lễ bái, hương hoa, anh lạc, hương bột, hương nước, lọng tràng, kỹ nhạc cúng dường.
LUẬN: Hỏi: Hiện có người thọ trì, đọc tụng mà vào quân trận bị đao binh làm tổn thương cho đến mất mạng; vả lại Phật nói nhân duyên của nghiệp, chẳng phải bay giữa không, lặng dưới biển, không chỗ nào tránh khỏi được,[1] sao trong đây Phật lại nói người đọc tụng Bát-nhã vào quân trận đao binh không làm thương tổn, cũng không mất mạng?
Đáp: Có hai thứ nghiệp nhân duyên: 1. Quyết chắc phải thọ báo. 2. Không quyết chắc phải thọ báo. Quyết chắc phải thọ báo theo trong kinh Pháp Cú nói kệ như vậy;[2] còn trong đây nói là không quyết chắc phải thọ báo, nên nói đọc tụng Bát-nhã, đao binh không làm hại. Thí như người mắc trọng tội đại nghịch phải chết, tuy có sức mạnh, tài bảo, cũng không thể cứu khỏi; có người tội tuy vào sổ chết, nhưng lý còn cứu được, dùng thế lực, tài vật, liền được cứu mạng, không cứu thời chết. Thiện nam tử cũng như vậy, nếu không có tội chắc phải thọ báo, tuy có việc chết đến, chí tâm tụng đọc Bát-nhã ba-la-mật thời được thoát khỏi; nếu không tụng thời không khỏi chết. Thế nên không được nói Bát-nhã ba-la-mật không có thế lực.
[1] T. 4: Pháp cú kinh (Dharmapada- 法句經), quyển thượng, Vô thường phẩm đệ nhất (無常品第一), tr. 559b6-7: 非空非海中, 非入山石間, 無有地方所, 脫之不受死; quyển thượng, Ác hạnh phẩm thứ 17 (惡行品第17), tr. 565a24-27: 非空非海中, 非隱山石間, 莫能於此處, 避免宿惡殃, 眾生有苦惱, 不得免老死, 唯有仁智者, 不念人非惡.
[2] T. 4: Pháp cú kinh (Dharmapada-法句經), quyển thượng, tr. 559b6-7 và 565a24-27.
* Trang 616 *
* Lại nữa, thiện nam tử, thiện nữ nhân nếu xa lìa ác pháp, điều phục tâm mình, phiền não giảm dứt, nhất tâm tin thẳng thiện pháp, không có nghi hối. Từ lâu xa lại đây, tu tập phước đức, trí tuệ, có tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh, giáo hóa chúng sinh, trừ bỏ ác tâm. Thiện nam tử như vậy đao binh không làm tổn thương, mạng không chết yểu; như Phật tự nói nhân duyên: Suốt đời tu sáu Ba-la-mật, trừ đao tên ba độc nơi mình và người khác. Tu năm Ba-la-mật là phước đức, tu Bát-nhã ba-la-mật là trí tuệ. Do rộng tu tập hai việc ấy nên không bị mất mạng giữa chừng; thuốc độc, nước lửa v.v... cũng như vậy.
* Lại nữa, như năng lực chú thuật của thần tiên ngoại đạo còn làm cho vào nước không chìm, vào lửa không cháy, trùng độc không cắn, huống gì Bát-nhã ba-la-mật là chú thuật do mười lực chư Phật làm nhân thành tựu?
Hỏi: Nói như trên, việc ấy tin được; còn trong đây nay nói không thọ trì, đọc tụng, niệm tưởng Bát-nhã, chỉ có viết chép, cúng dường thì làm sao được công đức như vậy?
Đáp: Người này được công đức cũng đồng như trên, vì sao? Vì có người trước đã nghe thầy giảng nghĩa Bát-nhã, hết sức ưa vui, nhưng không biết văn tự, xa lìa lời thầy dạy, không thể đọc tụng, mà chỉ mượn tài bảo thuê người viết chép, tận tâm cúng dường, ý nguyện đồng với người đọc tụng, cho nên cũng được công đức.
Người không thể tìm được chỗ thuận tiện là vì được chư thiên thủ hộ, việc ấy khó tin, nên Phật lấy cây Bồ-
* Trang 617 *
đề làm ví dụ. Phật do oai lực Bát-nhã, nên ở tại cội Bồ-đề thành đạo Vô thượng; do oai lực của đạo Vô thượng, nên chỗ ấy vẫn có oai đức, chúng sinh đi vào trong đó các sự ác không tìm được chỗ thuận tiện để phá, huống gì Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của chư Phật thời thiện nam tử tận tâm cúng dường mà không có công đức?
KINH: Thích-đề-hoàn-nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, viết chép Bát-nhã ba-la-mật, dùng hoa hương, anh lạc cho đến kỹ nhạc cúng dường, nếu có người sau khi Phật Niết-bàn, hoặc cúng dường xá-lợi, hoặc xây tháp, cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán, dùng hoa hương, anh lạc cho đến kỹ nhạc cúng dường, hai việc ấy việc nào được phước nhiều?
Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhơn: Ta lại hỏi ông, tùy ý ông đáp. Ý ông nghĩ sao? Như Phật được Trí nhất thiết chủng và được thân này; từ đâu học đạo mà được Trí nhất thiết chủng và được thân này?
Thích-đề-hoàn-nhơn thưa: Phật từ nơi Bát-nhã ba-la-mật học mà được Trí nhất thiết chủng và thân tướng tốt ấy.
Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhơn: Như vậy, như vậy! Kiều-thi-ca! Từ nơi Bát-nhã ba-la-mật học mà được Trí nhất thiết chủng.
* Trang 618 *
Kiều-thi-ca! Không phải do thân này gọi là Phật, chính do được Trí nhất thiết chủng nên gọi là Phật.
Kiều-thi-ca! Trí nhất thiết chủng ấy của Phật từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra. Vì vậy, nên Kiều-thi-ca! Thân Phật ấy là chỗ nương ở của Trí nhất thiết chủng, Phật nhân thân ấy được Trí nhất thiết chủng. Thiện nam tử nên suy nghĩ rằng: Thân ấy là chỗ nương ở của Trí nhất thiết chủng. Vì thế nên sau khi Ta Niết-bàn, xá-lợi nên được cúng dường.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, nếu nghe Bát-nhã ba-la-mật mà viết chép, thọ trì, thân cận, đọc tụng, nhớ nghĩ đúng, dùng hương hoa, anh lạc, hương bột, hương nước, phan lọng, kỹ nhạc cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán thời thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy là đã cúng dường Trí nhất thiết chủng. Vì thế, nên Kiều-thi-ca! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân chép Bát-nhã ba-la-mật, hoặc thọ trì, thân cận, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán, dùng hoa hương, anh lạc cho đến kỹ nhạc; nếu lại có thiện nam tử, thiện nữ nhân sau khi Phật Niết-bàn cúng dường xá-lợi, xây tháp, cung kính, tôn trọng, tán thán, dùng hoa hương cho đến kỹ nhạc thời thiện nam tử, thiện nữ nhân viết chép Bát-nhã ba-la-mật thọ trì, cúng dường, cung kính,
* Trang 619 *
tôn trọng, tán thán, dùng hoa hương, anh lạc cho đến kỹ nhạc, người ấy được phước nhiều, vì sao? Vì từ Bát-nhã ba-la-mật sinh năm Ba-la-mật, sinh nội không cho đến vô pháp hữu pháp không (abhāva-svabhāva-śūnyatā); bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung; hết thảy Tam-muội, hết thảy Thiền định, hết thảy Đà-la-ni đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh; việc thành tựu chúng sinh, tịnh cõi nước Phật đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh; Bồ-tát gia tộc thành tựu, sắc thân thành tựu, vật nuôi sống thành tựu, quyến thuộc thành tựu, đại từ đại bi thành tựu đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh; dòng lớn Sát-lợi, dòng lớn Bà-la-môn, đại gia cư sĩ đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh; trời Tứ thiên vương cho đến trời A-ca-nị-tra; Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, Bích-chi Phật, các Bồ-tát ma-ha-tát, chư Phật, Trí nhất thiết chủng của chư Phật đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Người ở cõi Diêm-phù-đề không cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, không cung kính, không tôn trọng, không tán thán, vì họ không biết cúng dường, được nhiều lợi ích ư?
Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhơn: Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Trong cõi Diêm-phù-đề được mấy người tin Phật chắc chắn không biến hoại; tin Pháp, tin Tăng chắc chắn không biến hoại? Mấy
* Trang 620 *
người không nghi Phật, không nghi Pháp, không nghi Tăng? Mấy người có tâm quyết liễu với Phật, với Pháp, với Tăng?
Thích-đề-hoàn-nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Người Diêm-phù-đề có lòng tin chắc chắn không biến hoại đối với Phật Pháp Tăng rất ít! Có tâm không nghi, quyết liễu đối với Phật Pháp Tăng cũng ít!
Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Ở cõi Diêm-phù-đề có mấy người tu được ba mươi bảy phẩm, ba môn giải thoát, tám giải thoát, định chín thứ lớp, bốn trí vô ngại, sáu thần thông? Ở cõi Diêm-phù-đề được mấy người dứt ba kiết nên được đạo Tu-đà-hoàn? Mấy người dứt ba kiết và mỏng dâm, nộ, si nên được đạo Tư-đà-hàm? Mấy người dứt năm hạ phần kiết nên chứng được đạo A-na-hàm? Mấy người dứt năm thượng phần kiết nên chứng được A-la-hán? Ở Diêm-phù-đề được mấy người cầu Bích-chi Phật? Mấy người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
Thích-đề-hoàn-nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Trong cõi Diêm-phù-đề ít người tu được ba mươi bảy phẩm cho đến ít người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhơn: Như vậy, như vậy! Kiều-thi-ca! Ít người có lòng tin Phật chắc
* Trang 621 *
chắn không biến hoại, có lòng tin Pháp chắc chắn không biến hoại, có lòng tin Tăng chắc chắn không biến hoại; ít người không nghi Phật, không nghi Pháp, không nghi Tăng; ít người có tâm quyết liễu đối với Phật, có tâm quyết liễu đối với Pháp, có tâm quyết liễu đối với Tăng. Kiều-thi-ca! Cũng ít người tu được ba mươi bảy phẩm, ba môn giải thoát, tám giải thoát, định chín thứ lớp, bốn trí vô ngại, sáu thần thông. Kiều-thi-ca! Cũng ít người dứt ba kiết được Tu-đà-hoàn, dứt ba kiết và mỏng dâm, nộ, si được Tư-đà-hàm, dứt năm hạ phần kiết được A-na-hàm, dứt năm thượng phần kiết được A-la-hán; ít người cầu Bích-chi Phật, trong đó cũng ít người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trong các người phát tâm cũng ít người tu Bồ-tát đạo, vì sao? Vì chúng sinh ấy đời trước không thấy Phật, không nghe Pháp, không cúng dường Tỳ-kheo Tăng, không bố thí, không trì giới, không nhẫn nhục, không tinh tấn, không thiền định, không trí tuệ, không nghe nội không, ngoại không, cho đến vô pháp hữu pháp không; cũng không nghe, không tu bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung; cũng không nghe, không tu các môn Tam-muội, môn Đà-la-ni, cũng không nghe không tu Nhất thiết trí, Trí nhất thiết chủng.
* Trang 622 *
Kiều-thi-ca! Do nhân duyên ấy, nên biết ít có chúng sinh tin Phật một cách chắc chắn không biến hoại, tin Pháp một cách chắc chắn không biến hoại, tin Tăng một cách chắc chắn không biến hoại, cho đến ít có chúng sinh cầu đạo Bích-chi Phật, trong đó cũng ít có chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; trong số phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ít có chúng sinh tu Bồ-tát đạo; trong số ấy cũng ít có chúng sinh chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Kiều-thi-ca! Ta dùng Phật nhãn thấy ở phương đông vô lượng vô số chúng sinh phát tâm, tu tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu Bồ-tát đạo, chúng sinh ấy vì xa lìa lực phương tiện Bát-nhã ba-la-mật, nên chỉ hoặc một hoặc hai người được ở địa vị bất thối, còn phần nhiều rơi vào địa vị Thanh-văn, Bích-chi Phật; phương nam, tây, bắc, bốn góc, trên dưới cũng như vậy. Vì vậy, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên nghe Bát-nhã ba-la-mật, nên thọ trì, thân cận, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng. Thọ trì, thân cận, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng rồi, nên chép quyển kinh cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán, dùng hoa hương, anh lạc cho đến kỹ nhạc cúng dường. Đối với các thiện pháp khác thuộc vào Bát-nhã ba-la-mật
* Trang 623 *
cũng nên nghe, thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng.
Những gì là các thiện pháp khác? Đó là Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, nội không, ngoại không cho đến vô pháp hữu pháp không; các môn Tam-muội, các môn Đà-la-ni, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, đại từ đại bi. Vô lượng các thiện pháp như vậy đều thuộc vào Bát-nhã ba-la-mật, cũng nên nghe, thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng, vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy sẽ nghĩ như vầy: Xưa Phật khi làm Bồ-tát, tu như vậy, học như vậy, nghĩa là tu học Bát-nhã ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Thí ba-la-mật, nội không, cho đến vô pháp hữu pháp không, các môn Tam-muội, các môn Đà-la-ni, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, đại từ đại bi. Vô lượng Phật pháp như vậy, chúng ta cũng nên theo học, vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật là pháp chúng ta tôn quý, Thiền ba-la-mật cho đến vô lượng các thiện pháp khác cũng là pháp chúng ta tôn quý. Đó là pháp ấn của chư Phật, pháp ấn của các Bích-chi Phật, A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn. Chư Phật học Bát-nhã ba-la-mật ấy cho đến Trí nhất thiết chủng mà được đến bờ kia. Các Bích-chi Phật, A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn cũng học Bát-nhã ba-la-mật ấy cho đến Trí
* Trang 624 *
nhất thiết chủng nên được đến bờ kia. Vì vậy, Kiều-thi-ca! Hoặc Phật tại thế, hoặc Phật Niết-bàn rồi, thiện nam tử, thiện nữ nhân nên nương dựa Bát-nhã ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Thí ba-la-mật cho đến cũng nên nương tựa Trí nhất thiết chủng, vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật cho đến Trí nhất thiết chủng là chỗ nương dựa của Thanh-văn, Bích-chi Phật, Bồ-tát ma-ha-tát cho đến thế gian trời, người, A-tu-la.
LUẬN: Hỏi: Phật đã nhiều cách tán thán công đức Bát-nhã, nay Thích-đề-hoàn-nhơn cớ sao đem xá-lợi của Phật so sánh với công đức Bát-nhã nhiều ít?
Đáp: Người tín căn nhiều ưa cúng dường xá-lợi; người tuệ căn nhiều, ưa đọc tụng kinh pháp. Thế nên hỏi có người chép Kinh cúng dường, có người cúng dường xá-lợi, bên nào công đức nhiều? Nghĩa hoa hương, anh lạc như trước đã nói.[1]
Ý ông nghĩ sao là trong bốn cách hỏi đáp, đây là đáp bằng cách hỏi lại.[2] Thế nên Phật liền hỏi lại Thích- đề-hoàn-nhơn: Hoặc có người cúng dường xá-lợi được phước đức nhiều, hoặc có người cúng dường Bát-nhã ba-la-mật được phước đức nhiều là tùy theo lòng người, Phật không thể đáp nhất định, cho nên hỏi lại.
Từ trong Bát-nhã ba-la-mật sinh năm Ba-la-mật là trong phẩm sau[3] Phật tự nói: Không có phương tiện trí tuệ mà bố thí hồi hướng, thì không gọi là Thí ba-la-mật;
[1] Đại trí độ luận, quyển 9, tr. 123a-165b; quyển 10, tr. 129b13-16; quyển 30, tr. 279a12-19.
[2] Đại trí độ luận, quyển 35, tr. 321b10-c9: Có bốn cách luận (cũng gọi là bốn cách đáp): Tất định luận, phân biệt luận, phản vấn luận (đáp bằng cách hỏi trở lại) và trí luận (bỏ qua không đáp). quyển 26, tr. 253b14-18: Phật có bốn cách đáp: 1. Đáp bằng cách quyết định chắc chắn, 2. đáp bằng cách phân biệt nghĩa lý rõ ràng, 3. đáp bằng cách hỏi ngược lại, 4. đáp bằng cách bỏ qua.
[3] Đại trí độ luận, quyển 58, tr. 471b22-27: Này A-nan! Ý ông nghĩ sao? Không hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng mà bố thí có được xưng là Ba-la-mật không? Thưa không, Bạch Thế Tôn! Không hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng mà trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ có gọi là Bát-nhã ba-la-mật không? Thưa không, Bạch Thế Tôn! Vì vậy nên biết Bát-nhã ba-la-mật đối năm Ba-la-mật cho đến mười tám pháp không chung là tôn quý dẫn đạo, vậy nên khen ngợi Bát-nhã.
* Trang 625 *
mười tám không, tức là trí tuệ, trí tuệ làm nhân duyên sinh bốn niệm xứ, cho đến Trí nhất thiết chủng; tuy chẳng phải tất cả đều là trí tuệ, mà vì đồng tánh nên lấy trí tuệ làm chủ; thế nên nói từ trí tuệ sinh. Nhờ tu Bát-nhã ba-la-mật được thật tướng các pháp, nên thông đạt bố thí, trì giới v.v... Nếu không được thật tướng Bát-nhã thì không thể thông đạt bố thí, trì giới, vì sao? Vì nếu hết thảy đều không, thời không có tội không có phước, cần gì phải bố thí, trì giới? Nếu là thật tướng các pháp thời không nên từ nhân duyên sinh, vì trước đã có? Nếu chúng sinh là thường thời thí như hư không, cũng không có ai chết; nếu vô thường thời thần thức theo thân diệt, cũng không có tội phước đời sau? Nếu không có chúng sinh, thời đâu có tội giết, như vậy cũng không có giới không sát sinh? v.v... Nếu được Bát-nhã ba-la-mật thật tướng ấy thời không rơi vào hai bên có, không; dùng lý trung đạo thông đạt bố thí, trì giới v.v..., do quả báo của bố thí, trì giới mà có dòng lớn Sát-lợi, cho đến có chư Phật.
Hỏi: Người cõi Diêm-phù-đề phần nhiều tham phước đức lợi lộc, cớ sao không cúng dường Bát-nhã ba-la-mật?
Đáp: Vì người trí ít, nên không biết cúng dường Bát-nhã, không lỗi; thí như báu thật, người đui không biết. Vì ở Diêm-phù-đề người chỉ tin Tam Bảo mà còn ít, huống nữa là thực hành? Phật muốn khiến Thích-đề-hoàn-nhơn tự nói, cho nên hỏi lại có bao nhiêu người đối với Tam Bảo có lòng tin không biến hoại.
* Trang 626 *
Hỏi: Lòng tin không biến hoại, không nghi, quyết liễu, có gì sai khác?
Đáp: Có người nói, không có sai khác, vì Phật trang nghiêm nhiều cách nói để khai ngộ lòng người.
Có người nói đối với Tam Bảo có được lòng tin không biến hoại, sao biết? Vì không nghi ngờ. Sao biết không nghi ngờ? Vì quyết liễu.
Hỏi: Không nghi, quyết liễu có gì sai khác?
Đáp: Đầu tin Tam Bảo, nên ấy là không nghi; trí tuệ rốt ráo nên quyết liễu, thí như lội nước, mới bước vào là không nghi, ra đến bờ kia là quyết liễu. Do lực ba phần Thánh giới là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, nên lòng tin không biến hoại; do lực bốn phần là chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định nên không nghi; do lực phần chánh kiến nên quyết liễu.
* Lại nữa, trong kiến đế đạo là lòng tin không biến hoại; trong tư duy đạo, là không nghi, trong vô học đạo là quyết liễu. Như vậy nhiều cách phân biệt ba việc ấy.
Được quả báo gì? Từ ba mươi bảy phẩm đến sáu thần thông, đó là quả hữu vi; ba kiết dứt hết cho đến phiền não và tập khí dứt hết, đó là quả vô vi; được quả báo như vậy.
Thích-đề-hoàn-nhơn có quả báo sinh ra đã có khả năng biết tâm người khác, cũng từng lấy thiên nhĩ nghe các đạo sai khác. Lại, vì đây là đại Bồ-tát lợi căn, vào Tam-muội quán tâm chúng sinh, nên biết được các đạo sai khác. Thế nên đáp
* Trang 627 *
lại Phật: Người thâm tín ít; người từ Tu-đà-hoàn cho đến người mới phát tâm cầu Phật đạo càng ít hơn, càng ít nên không biết cúng dường Bát-nhã. Vì sao ít? Vì trong sinh tử đời trước, không từng nghe danh hiệu Tam Bảo, cho đến không nghe tên Trí nhất thiết chủng.
Phật muốn làm chứng việc trên, nên nói Ta nay dùng Phật nhãn xem mười phương vô lượng vô số chúng sinh, người phát tâm Vô thượng đạo, vì xa lìa lực phương tiện Bát-nhã nên chỉ hoặc một hoặc hai người trú địa vị bất thối.
Các thiện pháp khác thuộc vào Bát-nhã ba-la-mật là chỉ cho các Kinh khác như kinh Pháp Hoa, kinh Mật Tích v.v...
Nghĩa trong mười hai bộ Kinh đồng với Bát-nhã là các kinh tuy không gọi là kinh Bát-nhã ba-la-mật, song nghĩa lý đồng với Bát-nhã ba-la-mật.
Hỏi: Làm sao Tu-đà-hoàn cũng học Bát-nhã ba-la-mật cho đến học Trí nhất thiết chủng được đến bờ kia?
Đáp: Trong đây sáu ba-la-mật, ba môn giải thoát, ba mươi bảy phẩm v.v... cho đến Trí nhất thiết chủng, nó chẳng phải là riêng của Bồ-tát mà cả ba thừa chung có, theo phần mà học.[1]
KINH: Kiều-thi-ca! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân sau khi Phật Niết-bàn, vì cúng dường Phật nên dựng tháp bảy báu cao một do tuần, dùng hương trời, hoa trời, anh lạc trời, hương bột trời,
[1] Đại trí độ luận, quyển 49, tr. 416a6-8: Sáu ba-la-mật như trước đã nói. Trong đây Phật nói người tam thừa đều thực hành sáu ba-la-mật này được đến bờ bên kia.
* Trang 628 *
hương nước trời, áo trời, phan lọng trời, kỹ nhạc trời cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán.
Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, do nhân duyên đó được phước nhiều chăng?
Thích-đề-hoàn-nhơn thưa: Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều! Rất nhiều!
Phật dạy: Không như vậy. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe Bát-nhã ba-la-mật viết chép, thọ trì, thân cận, nhớ nghĩ đúng, tâm không lìa Tát-bà-nhã, cũng cung kính, tôn trọng, tán thán, hoặc hoa hương, anh lạc, hương bột, hương nước, phan lọng, kỹ nhạc cúng dường, thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy phước đức nhiều.
Phật dạy: Kiều-thi-ca! Không kể một tháp bảy báu, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân vì cúng dường Phật, sau khi Phật Niết-bàn, dựng tháp bảy báu khắp cõi Diêm-phù-đề đều cao một do tuần, cung kính, tôn trọng, tán thán, hoa hương, anh lạc, phan lọng, kỹ nhạc cúng dường. Này Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy được phước nhiều chăng?
Thích-đề-hoàn-nhơn thưa: Bạch đức Thế Tôn! Phước kia rất nhiều.
* Trang 629 *
Phật dạy: Không như vậy. Thiện nam tử, thiện nữ nhân, cúng dường Bát-nhã ba-la-mật như trước, phước ấy rất nhiều.
Kiều-thi-ca! Lại không kể việc dựng tháp bảy báu khắp cõi Diêm-phù-đề, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân vì cúng dường Phật, sau khi Phật Niết-bàn, dựng tháp bảy báu khắp bốn châu thiên hạ đều cao một do tuần, cúng dường như trước. Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy được phước nhiều chăng?
Thích-đề-hoàn-nhơn thưa: Rất nhiều, rất nhiều, bạch đức Thế Tôn!
Phật dạy: Không như vậy. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân viết chép, gìn giữ Bát-nhã ba-la-mật, cung kính, tôn trọng, tán thán, hoa hương cho đến kỹ nhạc cúng dường, phước ấy rất nhiều.
Kiều-thi-ca! Lại không kể việc dựng tháp bảy báu khắp bốn châu thiên hạ, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, vì cúng dường Phật, sau khi Phật Niết-bàn, dựng tháp bảy báu khắp tiểu thiên thế giới đều cao một do tuần, cúng dường như trước. Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy được phước nhiều chăng?
Thích-đề-hoàn-nhơn thưa: Rất nhiều!.
* Trang 630 *
Phật dạy: Không như vậy! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân chép Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, cung kính, tôn trọng, tán thán, hoa hương cho đến kỹ nhạc cúng dường, phước ấy rất nhiều.
Kiều-thi-ca! Lại không kể việc dựng tháp bảy báu khắp tiểu thiên thế giới, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân vì cúng dường Phật, sau khi Phật Niết-bàn, dựng tháp bảy báu khắp hai ngàn trung thế giới, đều cao một do tuần, cúng dường như trước vẫn không bằng cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, phước ấy rất nhiều.
Kiều-thi-ca! Lại không kể việc dựng tháp bảy báu khắp hai ngàn trung thế giới, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân vì cúng dường Phật, sau khi Phật Niết-bàn, dựng tháp bảy báu khắp ba ngàn đại thiên thế giới đều cao một do tuần, trọn đời cúng dường hoa trời, hương trời, anh lạc trời cho đến kỹ nhạc trời. Ý ông nghĩ sao? Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy được phước nhiều chăng?
Thích-đề-hoàn-nhơn thưa: Bạch đức Thế Tôn, rất nhiều, rất nhiều!
Phật dạy: Không như vậy. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, viết chép, giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật, cung kính, tôn trọng, tán thán, hoa hương, cho đến kỹ nhạc cúng dường, phước ấy rất nhiều.
* Trang 631 *
Kiều-thi-ca! Lại không kể việc dựng tháp bảy báu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, nếu có chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, mỗi mỗi chúng sinh vì cúng dường Phật, sau khi Phật Niết-bàn, đều dựng tháp bảy báu cung kính, tôn trọng, tán thán, hoa hương cho đến kỹ nhạc, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, viết chép giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật, cho đến nhớ nghĩ đúng, tâm không lìa Tát-bà-nhã, cũng cung kính, tôn trọng, tán thán, hương hoa, anh lạc cho đến kỹ nhạc cúng dường, người ấy được phước đức rất nhiều.
Thích-đề-hoàn-nhơn bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Như vậy, như vậy! Người ấy cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán Bát-nhã ba-la-mật thời tức là cúng dường Phật quá khứ, vị lai, hiện tại chăng?
Bạch đức Thế Tôn! Nếu chúng sinh nhiều như cát sông Hằng trong thế giới mười phương, mỗi mỗi chúng sinh vì cúng dường Phật, sau khi Phật Niết-bàn, đều dựng tháp bảy báu, cao một do tuần, người ấy hoặc một kiếp, hoặc non một kiếp cung kính, tôn trọng, tán thán, hoa hương cho đến kỹ nhạc cúng dường. Bạch đức Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy được phước nhiều chăng?
Phật dạy: Rất nhiều!
Thích-đề-hoàn-nhơn thưa: Nếu có thiện nam
* Trang 632 *
tử, thiện nữ nhân viết chép, giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, cũng cung kính, tôn trọng, tán thán, hoa hương cho đến kỹ nhạc cúng dường, phước ấy rất nhiều, vì sao? Bạch đức Thế Tôn! Vì tất cả pháp lành đều thuộc vào Bát-nhã ba-la-mật, đó là mười thiện đạo, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, ba mươi bảy phẩm, ba môn giải thoát, không, vô tướng, vô tác, bốn đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo; sáu thần thông, tám giải thoát, định chín thứ lớp, Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật; nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, các môn Tam-muội, môn Đà-la-ni, Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, đại từ đại bi, mười tám pháp không chung, Nhất thiết trí, Đạo chủng trí, Trí nhất thiết chủng.
Bạch đức Thế Tôn! Ấy gọi là pháp ấn của hết thảy chư Phật. Từ trong pháp ấy, hết thảy Thanh-văn, Bích-chi Phật, chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại học pháp ấy được qua bờ kia.
LUẬN: Bát-nhã ba-la-mật hoặc nghe, thọ trì, đọc tụng có vô lượng công đức. Lại muốn nói nữa nên dùng việc hiện tiền thí dụ chứng minh, người trông thấy tháp đất cao lớn, liền sinh tâm cho rằng vị chủ tháp ấy phước đức rất lớn, huống gì dựng tháp bảy báu cao một do tuần, thế nên Phật lấy tháp để ví dụ.
* Trang 633 *
Hỏi: Tháp ấy là thật hay giả?
Đáp: Phật muốn khiến người biết phân biệt phước đức nhiều ít nên lấy làm thí dụ, không nên hỏi nó thật hay giả.
Có người nói: Có thật, có giả. Như sau khi Phật Ca-diếp Niết-bàn, có quốc vương tên Cát-lê-cật, lúc ấy người sống hai vạn tuổi. Quốc vương ấy vì cúng dường xá-lợi nên dựng tháp bảy báu, cao 50 dặm. Lại đời quá khứ có chuyển luân Thánh vương, tên là Đức Chủ, trong một ngày dựng 500 tháp, cao 50 do tuần. Ở đây nói khắp ba ngàn đại thiên thế giới, việc ấy là giả ví dụ.
Có người nói: Đều là thật có, như tiểu quốc vương, tùy sức dựng tháp bảy báu, đại quốc vương có thể dựng tháp bảy báu cao một do tuần, hoặc quá một do tuần. Tiểu Chuyển luân vương có thể dựng tháp bảy báu khắp bốn châu thiên hạ, đại Chuyển luân vương có thể dựng tháp bảy báu quá bốn châu thiên hạ, Phạm thiên vương chủ ba ngàn đại thiên thế giới, là đệ tử Phật, tâm có thể sinh biến hóa, dựng tháp cao đến Phạm thiên, khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Hoặc có Bồ-tát được môn Đà-la-ni, các môn Tam-muội, hành sâu sáu Ba-la-mật, nên sau khi Phật diệt độ, có thể dựng tháp bảy báu khắp ba ngàn đại thiên thế giới.
Khắp là nói nó nhiều, chứ không phải nói giữa đó không dung xen thứ gì khác.
Sau nói mỗi mỗi chúng sinh có nghĩa là thí chủ nhiều nên phước đức nhiều. Trong đây Phật tự nói nhân duyên được phước là mười thiện đạo cho đến Trí nhất thiết chủng đều
* Trang 634 *
nhiếp thuộc trong Bát-nhã ba-la-mật. Hòa hợp với pháp ấy, gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Trong Bát-nhã ấy, chỉ xuất sinh Phật, còn nên cúng dường, huống gì xuất sinh cả ba thừa, cho đến sự vui trong cõi trời cõi người đều nhân nơi Bát-nhã ba-la-mật mà có, lại không cúng dường ư?
Xá-lợi là pháp vô ký, là chỗ nương tựa của các pháp lành; nên về sau hay cho người quả báo. Tu Bát-nhã ba-la-mật hiện thời được quả, tương lai được báo.
* Trang 635 *