Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

B. NHỮNG PHÁP THỨC BIỆN LUẬN


     Do sự phân biệt so sánh mà có lập luận, nên khi lập luận thức cũng gọi là lập tỷ lượng hay gọi là lập lượng; và lập lượng, cũng tức là tổ chức luận pháp. Cần phân biệt các loại dưới đây:
     B1. PHÂN BIỆT VỀ CHỦ ĐÍCH (tức tam tỷ lượng, tam chi tỷ lượng).
     Tổ chức luận thức để làm gì? Nếu để tự bảo vệ cho chủ trương của mình thì gọi là luận pháp tự thủ, hay tự tỷ lượng. Nếu để công phá người khác thì gọi là luận pháp tấn công, hay tha tỷ lượng. Nếu để tranh luận tìm ra lẽ phải khiến hai bên đồng công nhận thì gọi luận pháp đối tránh, cọng tránh, hay cọng tỷ lượng).
     B1.1. Luận pháp tự chủ (tự tỷ lượng).
     Đây là luận pháp cốt để giữ vững chủ trương của mình, chứ không phải luận pháp để tấn công hay tranh luận. Ở luận pháp này toàn dùng tài liệu ngôn từ của riêng mình công nhận, để tổ chức luận thức và phải thêm tiếng “đúng lý, chơn cố, tôi bảo, theo tôi” (tự hứa) ở trước tôn, và “tôi nhận, tôi cho” ở trước nhân và dụ để giản biệt cho người đối luận hiểu rằng dù ông không công nhận nhưng “tôi chủ trương như thế”. Có thêm lời giản biệt như vậy thì ở tôn mới khỏi bị lỗi “sở biệt bất cực thành”. Ở nhân khỏi bị lỗi “tùy nhất bất thành”. Và ở dụ mới khỏi bị lỗi “câu bất cực thành”. (Xem ở đoạn sau).
Như lập:
     –      Tôn: Tôi bảo A tức là B.
     –      Nhân: Vì tôi nhận A là C vậy.
     –      Dụ: Và tôi nhận ví như D, G, v.v…
     Ngài Huyền Trang khi du học Ấn Độ, đã lập một “tự tỷ lượng” về Duy thức để giữ vững đạo lý Duy thức mà ngài sở trường, như sau:
     –      Tôn: Chơn cố, cực thành sắc bất ly ư nhãn thức.
     –      Nhân: Tự hứa, sơ tam nhiếp nhãn sở bất nhiếp cố.
     –      Dụ: Do như nhãn thức …
(Nghĩa là đúng lý, đúng chơn lý, sắc cực thành (sắc đã được hai bên công nhận) không tách lìa nhãn thức, vì tôi nhận rằng (tự hứa) nó nhiếp vào một trong ba cái đứng đầu của 6 trần, 6 căn, 6 thức chứ không nhiếp vào nhãn căn, ví dụ như nhãn thức).
     B.1.2. Luận Phật pháp tấn công (tha tỷ lượng)
     Luận pháp cốt để công kích đối phương cũng là để phá lập luận của đối phương, gọi tắt là phá luận. Ở mục năng phá nói trên, đã nêu hai cách phá lập luận của đối phương, là “lập lượng phá” và “hiển quá phá”. Ở lập lượng phá này thì các từ ngữ, sự kiện để lập tôn, nhân, dụ, đều phải được hai bên công nhận từ ngữ ấy, sự kiện ấy có nghĩa như vậy, như vậy. Còn ở luận pháp tấn công đây thì toàn dùng từ ngữ, sự kiện của hai bên công nhận, hoặc chỉ một bên đối phương công nhận, còn mình thì không công nhận. Mình không công nhận mà vẫn dùng để tấn công, đây là một cách “lấy gậy ông, đập lưng ông”. Vì vậy, khi lập luận thức tấn công, ở trước tôn, nhân, dụ phải có lời giản biệt như “ông bảo”, “theo ông” để biểu thị rằng điều này không phải của tôi, mà là của ông. Tôi chỉ lấy điều ông đã công nhận để tấn công ông thôi. Có lời giản biệt như vậy thì ở tôn sẽ không bị lỗi “tùy nhất bất thành”, và ở dụ không bị lỗi “câu bất cực thành”. Như lập:
     –      Tôn : Ông bảo A là B.
     –      Nhân: Vì ông nhận A và C vậy.
     –      Dụ: Ông nhận như D, Đ v.v…
     B1.3. Luận pháp đối tránh (cọng tỷ lượng)
     Luận pháp này không giống hai luận pháp trên về “tôi” hoặc “ông” công nhận, nhưng đây là trường hợp dùng ngôn từ hoặc điều kiện mà phải được cả hai bên đều đã công nhận để tổ chức luận thức, cốt tìm ra lời giải đáp mà hai bên đồng công nhận. Ở luận pháp này không dùng lời giản biệt ở đầu tôn, nhân, dụ như trên. Như lập:

    –      Tôn : Khổng Tử là một người thường.
    –      Nhân: Vì thân thể không khác người thường.
    –      Dụ: Ví như ông B.
    Ở đây, “Khổng Tử” và “người thường” thì hai bên đều hiểu, đều công nhận, nên luận thức không cần thêm tiếng giản biệt: “Theo tôi, ông bảo” hay “Theo tôi, tôi nhận” ở trước tôn, nhân, dụ. Vì không ai tranh luận về Khổng Tử hay không Khổng Tử, là người thường hay không phải người thường, mà tranh luận khi ghép “là người thường” với “Khổng Tử”, để nói “Khổng Tử là người thường”. Nếu chỉ căn cứ vào thân thể của Khổng Tử để nói trọn cả các mặt khác của Khổng Tử là người thường, ví dụ như ông B thì có đúng không? Đó là điểm tranh luận để tìm ra sự thật cao nhất.
     Nếu phân tích tỉ mỉ thì ba loại luận pháp trên, mỗi một loại có thể chia thành ba; cộng lại thành chia tỷ lượng, hay chín luận pháp như sau:
     + Về tự tỷ lượng có 3:
         1. Luận pháp tự thủ của tự tỷ (gọi tắt là tự tự tỷ lượng): Tôn, nhân, dụ, đều tự mình công nhận.
         2. Luận pháp tấn công của tự tỷ (gọi tắt là tự tha tỷ lượng): Tôn, mình công nhận; nhân và dụ được địch công nhận.
         3. Luận pháp đối tranh của tự tỷ (gọi tắt là tự cọng tỷ lượng): tôn, được mình công nhận; nhân và dụ cả hai bên công nhận.
     + Về tha tỷ lượng có 3:
         4. Luận pháp tấn công của tha tỷ (gọi tắt là tha tha tỷ lượng): tôn, nhân, dụ chỉ do bên địch công nhận.
         5. Luận pháp tự thủ của tha tỷ (gọi tắt là tha tự tỷ lượng): Tôn, địch công nhận; nhân và dụ mình công nhận.
         6. Luận pháp đối tranh của tha tỷ (gọi tắt là tha cọng tỷ lượng): Tôn, địch công nhận; nhân và dụ cả hai bên công nhận.
     + Về cọng tỷ lượng có 3:
        7. Luận pháp đối tranh của cọng tỷ (gọi tắt là cọng cọng tỷ lượng): Tôn, nhân, dụ được cả hai bên công nhận.
        8. Luận pháp tự thủ của cọng tỷ (gọi tắt là cọng tự tỷ lượng): Tôn, cả hai bên công nhận; nhân và dụ mình công nhận.
        9. Luận pháp tấn công của cọng tỷ (gọi tắt là cọng tha tỷ lượng): Tôn, mình công nhận; nhân và dụ địch công nhận.
     Tuy có 3 luận pháp tự tỷ, tha tỷ, cọng tỷ như trên, nhưng thường khi dùng luận pháp đối tranh cọng tỷ là chính, còn luận pháp tự chủ và tấn công, bất đắc dĩ mới dùng.

     B2.  PHÂN BIỆT VỀ MẶT HÌNH THỨC NGÔN NGỮ
     Ngôn ngữ dùng trong Nhân minh có ngôn ngữ biểu thuyên và ngôn ngữ giá thuyên, giống Tam đoạn luận có khẳng định và phủ định. Biểu thuyên là khẳng định, là công nhận, phát biểu thẳng chính diện như thế là như thế. Giá thuyên là phủ định, phủ nhận, phát biểu theo cách phản diện không phải là như thế. Lập tôn theo mệnh đề khẳng định “là” thì đó là biểu thuyên. Như:
     –      Tôn : Việt Nam là một nước độc lập.
     –      Nhân: Vì chủ quyền quốc gia là ở cả trong nước.
     –      Dụ:  Như nước Nhật.
     Nếu tôn là mệnh danh đề phủ định “không phải là” thì đó là một luận pháp giá thuyên. Như:
     –      Tôn: Thảo mộc không phải là có nhận biết.
     –      Nhân: Vì không phải là loài động vật.
     –      Dụ: Như ngói, đá…
     B3.  PHÂN BIỆT VỀ MẶT PHÂN LƯỢNG NGÔN NGỮ
     Tam đoạn luận có toàn xưng và đặc xưng thì Nhân minh có toàn phần và nhất phần.
     Toàn phần là khi cái tôn mà phẩm tính (tức là danh từ sau, tôn hậu trần) đủ tính cách quán thông hoàn toàn với toàn thể tự tánh (tức là danh từ trước, tôn tiền trần) đó gọi là “tôn toàn phần”. Như nói: “Phàm A đều là B”, tức là tất cả A đều là B.

    Nhất phần là khi cái tôn mà phẩm tính chỉ đủ tính cách quán thông với một phần tự tánh. Đó gọi là “tôn nhất phần”. Như nói: “Có khi A là B”, tức có khi A không là B.
     Ở Tam đoạn luận, toàn xưng và đặc xưng không hạn chỉ ở đoán án, nhưng ở Nhân minh thì toàn phần, nhất phần chỉ hạn ở nơi tôn (đoán án). Vì nếu tôn đã định thì nhân và dụ sẽ định theo. Nếu là tôn toàn phần thì nhân, dụ quyết nhiên phải toàn phần. Nghĩa là nhân, dụ phải liên hệ với toàn bộ của tôn tiền trần. Nếu tôn là nhất phần thì nhân, dụ cũng phải nhất phần. Nghĩa là nhân, dụ chỉ liên hệ với một phần tôn tiền trần.
     Ở Tam đoạn luận có chất, có lượng. Chất có khẳng định, phủ định, cũng như Nhân minh có biểu thuyên, giá thuyên. Lượng có toàn xưng, đặc xưng, cũng như Nhân minh có toàn phần, nhất phần. Vì thế Tam đoạn luận phân phối hợp lại có 4 thứ :
     1. Mệnh đề khẳng định toàn xưng.
     2. Mệnh đề phủ định toàn xưng.
     3. Mệnh đề khẳng định đặc xưng.
     4. Mệnh đề phủ định đặc xưng.
     Nhân minh, về chất có biểu thuyên, giá thuyên. Về lượng có toàn phần, nhất phần. Nếu đem phối hợp lại thì cũng thành 4 thứ:
    1. Mệnh đề biểu thuyên toàn phần.
    2. Mệnh đề giá thuyên toàn phần.
    3. Mệnh đề biểu thuyên nhất phần.
    4. Mệnh đề giá thuyên nhất phần.

     B4.  PHÂN BIỆT TRÊN Ý NGHĨA NGÔN NGỮ
     Ngôn ngữ có ý nghĩa khi nói về vật hữu thể (có thật thể, cụ thể) khi nói về vật vô thể (không có thật thể, trừu tượng). Nên Nhân minh còn phân biệt tôn hữu thể và tôn vô thể. Đây là một đặc điểm của Nhân minh mà ở Tam đoạn luận không có. Sự phân biệt này là căn cứ trên tôn. Như tôn (mệnh đề): “Ma quỷ là một huyễn ảnh tưởng tượng của con người”. đây là tôn vô thể và là biểu thuyên. Vì ma quỷ không có thật thể, nhưng là một huyễn ảnh tưởng tượng. Chữ “là” ở đây tức là biểu thuyên, khẳng định, ma quỷ chính là. Đây tuy hình thức ngôn ngữ là về mệnh đề khẳng định biểu thuyên (là) nhưng trong ý nghĩa nội dung vốn là mệnh đề phủ định ma quỷ là không có thật (hay giá thuyên). Vì thế đó là một mệnh đề vô thể (tôn vô thể). Nếu là mệnh đề (tôn): “Tiền của không phải là thứ đem lại hạnh phúc chơn thật”, thì tuy hình thức ngôn ngữ là một mệnh đề phủ định (hay giá thuyên – không phải là) nhưng trong ý nghĩa nội dung vốn là khẳng định. (Hay biểu thuyên – tiền của là vật có thật thể). Vì thế, đây là một mệnh đề hữu thể.
     Tóm lại, không kể là biểu thuyên hay giá thuyên (phủ định hay khẳng định) mà nếu trên ý nghĩa nội dung công nhận có thật thì đó là hữu thể, nếu trên ý nghĩa không công nhận có thật, thì đó là vô thể.
     Một mệnh đề biểu thuyên cũng có hữu thể và vô thể; một mệnh đề giá thuyên cũng có hữu thể và vô thể. Tổng hợp lại có 44 thứ:

     1. Mệnh đề biểu thuyên hữu thể: Hình thức và ý nghĩa đều như mệnh đề A tức là B.
     2. Mệnh để biểu thuyên vô thể: Hình thức thì như mệnh đề: A tức là B, mà ý nghĩa thì: A không phải là B.
     3. Mệnh đề giá thuyên hữu thể: Hình thức thì như mệnh đề: A không là B, mà ý nghĩa thì: A tức là B.
     4. Mệnh đề giá thuyên vô thể: Hình thức và ý nghĩa đều như mệnh đề: A không là B.
     Và biểu thuyên, giá thuyên, hữu thể, vô thể như trên đều có sự phân biệt toàn phần, nhất phần, nên toàn số lượng mệnh đề của Tam chi Nhân minh có tất cả 8 thứ:
     1. Mệnh đề biểu thuyên hữu thể toàn phần.
     2. Mệnh đề biểu thuyên hữu thể nhất phần.
     3. Mệnh đề biểu thuyên vô thể toàn phần.
     4. Mệnh đề biểu thuyên vô thể nhất phần.
     5. Mệnh đề giá thuyên hữu thể toàn phần.
     6. Mệnh đề giá thuyên hữu thể nhất phần.
     7. Mệnh đề giá thuyên vô thể toàn phần.
     8. Mệnh đề giá thuyên vô thể nhất phần.
     Tám mệnh đề này đem phối hợp với ba chi tỷ lượng là tự tỷ lượng (luận pháp tự thủ), tha tỷ lượng (luận pháp tấn công), và cọng tỷ lượng (luận pháp đối tránh hay cọng tránh) thì mỗi tỷ lượng đều có tám, nhân thành 24 mệnh đề như đồ biểu dưới đây:

 

 

Xem mục lục