Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

DUY THỨC HỌC TẬP III
DUY THỨC PHƯƠNG TIỆN ĐÀM
QUYỂN HẠ
(Tiếp Theo)
Tác giả: ĐƯỜNG ĐẠI VIÊN
Dịch giả: THÍCH THIỆN HOA

BÀI THỨ TÁM
NÓI VỀ 10 DUYÊN, 4 NHÂN VÀ  5 QUẢ
(CÓ 3 ĐOẠN)

  HỎI: Các pháp, mỗi pháp đều có chủng tử (hạt giống) riêng, tại sao không sanh khởi một lượt; lại có cái sanh trước cái sanh sau, ẩn và hiện sai khác như thế?

  ĐÁP: Vì các pháp không những có “nhân” mới sanh ra quả, mà còn phải nhờ các “duyên” chung quanh giúp đỡ mới sanh ra quả được. Nay phương tiện nói 10 nhân, 4 duyên và 5 quả.
I. NÓI VỀ 10 NHÂN

  Sao gọi là Nhân? – Như trước đã nói: “Chủng tử với hiện hành, cùng nhau làm nhân”. Nay y theo tánh chất sai khác của nhân, tóm lại chia làm 10 nhân.

   1. Tùy thuyết nhân. – Tất cả các pháp đều có danh tự (tên) cho nên người ta mới nhớ tưởng cái tên của nó và kêu đó là vật gì. Như nhân cái tên lúa bắp v.v…  người ta mới kêu gọi đó là lúa bắp. Bởi nhân theo danh tự mà kêu gọi, nên gọi là “Tùy thuyết nhân”. \
   2. Quán đãi nhân. – Nhân quán sát và chờ đợi công dụng của sự vật. Như quán sát cái tay có công dụng cầm nắm nên người ta tạo ra cái ý chờ đợi cái công dụng cầm nắm, khi thấy hay nghĩ đến cái tay: nên gọi là “Quán đãi nhân”.
   3. Khiên dẫn nhân. - Tất cả các pháp, ở nơi chủng tử của nó sẵn có cái động lực kéo dẫn, làm cho phát sanh ra quả về sau, nên gọi là “Khiên dẫn nhân”.
   4. Nhiếp thọ nhân. – Nhân thâu nhiếp nạp thọ. Tức là trừ chủng tử ra, còn bao nhiêu các duyên trợ giúp, làm cho chủng tử sanh khởi, thì gọi là “Nhiếp thọ nhân”.
   5. Sanhkhởi nhân. – Như từ hạt giống sanh khởi ra mộng, chồi v.v…
   6. Dẫn phát nân. – Như từ mộng chồi, dẫn sanh ra nhánh lá, từ nhánh lá dẫn sanh ra hoa trái cho đến khi già và chín.
   7. Định biệt nhân. – Giống loại này nhất định khác với giống loại kia. Như giống khác với lúa, đậu khác với mè v.v…
   8. Đồng sự nhân. _ Từ nhân thứ  2 là “Quán đải”, nhân thứ 3 là “Khiên dẫn”, thứ 4 là “Nhiếp thọ”, thứ 5 là “Sanh khởi”, thứ 6 là “Dẫn phát” và thứ 7 là “Định biệt”, tất cả có 6 nhân. Vì 6 nhân này chung làm một việc, nên gọi là “Đồng sự nhân”.
   9. Tương vi nhân. – Đây là các nghịch duyên làm chướng ngại những vật đương phát sinh. Như lúa mạ đang tốt lại gặp nắng hạn khô khan v.v…
  10. Bất tương vi nhân. – Đây là những thuận duyên giúp thêm, làm cho các vật được mau phát triển. Như mưa phùn gió bấc, làm cho lúa mạ thêm tốt.

Trong 10 Nhân này, tóm lại phân làm hai loại:

1. Năng sanh nhân. – Tức là nhân thứ 3 (khiên dẫn nhân) và nhân thứ 5 (sanh khởi nhân). Vì hai nhân này có công năng hay sanh khởi, nên gọi chung là “Năng sanh nhân”.

2. Phương tiện nhân. – Những phương tiện phụ giúp làm cho chủng tử khởi sanh. Trong 10 Nhân trên, trừ ra “khiên dẫn” và “sanh khởi” hai nhân, còn lại tám nhân, chung gọi là “Phương tiện nhân”.

(Xem biểu sau đây)

 1-Khiên dẫn nhân (nhân thứ ba)           2 nhơn này, chung gọi là

2-Sanh khởi nhân (nhân thứ 5)               “Năng sanh nhân”.

 3-Tùy thuyết nhân (nhân thứ 1)

4-Quán đãi nhân (nhân thứ 2)

5-Nhiếp thọ nhân (nhân thứ 4)

6-Dẫn phát nhân (nhân thứ 6)

7-Định biệt nhân (nhân thứ 7)                 8 nhân này, chung gọi là

8-Đồng sự nhân (nhân thứ 8)                   “Phương tiện nhân”.

9-Tương vi nhân (nhân thứ 9) 

10-Bất tương vi nhân (nhân thứ 10)

 1- Quán đãi nhân

2- Khiên dẫn nhân

3- Nhiếp thọ nhân                                     6 nhân này, chung gọi là

4- Sanh khởi nhân                                      “Đồng sự nhân”. 

5- Dẫn phát nhân

6- Định biệt nhân

II NÓI VỀ 4 DUYÊN

1. Nhân duyên (cái duyên thuộc về duyên). Tất cả các pháp, từ chủng tử khởi ra hiện hành, hoặc từ hiện hành huân trở lại thành chủng tử, đều do chủng tử làm nhân, rồi trực tiếp sanh ra quả. Như hạt giống bắp sanh ra cây bắp, hạt giống đậu sanh ra cây đậu v.v… gọi hạt giống đó là “Nhân duyên”.

2. Đẳng vô gián duyên (cái duyên bình đẳng tương tục không gián đoạn). Đây là nói tám Thức hiện hành cùng với các Tâm sở, mỗi niệm sanh diệt luôn luôn không có gián đoạn. Hình trạng sanh diệt của nó: khi niệm trước vừa diệt, thì nó tránh đường để dẫn dắt niệm sau sanh ra. Vì sanh diệt tương tục như vậy, trước sau bình đẳng, không có vật gì chen vào làm gián đoạn, nên gọi là “Đẳng vô gián duyên”.

3. Sở duyên duyên (cái duyên thuộc về sở duyên). Nói một cách tóm gọn là: mỗi Thức, khi kiến phần duyên qua tướng phần, thì gọi kiến phần là “năng duyên”, tướng phần là “sở duyên”. Hiệp lại hai phần này, kêu là “sở duyên duyên”. –Nếu y theo sách vở Duy thức nói, thì phải những vật gì có thật thể, như Tâm vương và Tâm sở, nó cập hợp cái tướng phần của nó, có sở lự (bị phân biệt) và nơi gá nương (sở thác) để phát sanh, mới gọi là “Sở duyên duyên”.

  Như Nhãn thức duyên (thấy) cái hoa giữa hư không; tuy có cập tướng phần của hoa, như thế cũng gọi là có “sở lự”. Nhưng cái hoa giữa hư không không có “thật thể”, nên không có chỗ gá nương để cho Nhãn thức phát sanh (không có sở thác); cho nên có thể kêu là “duyên” mà không thể gọi là “Sở duyên”.

  Trái lại, như cái gương  chiếu cảnh vật, trong gương có bóng cảnh vật; như thế là có cập cái “tướng phần” và cũng có thể gá nương nơi đó (tướng phần) phát sanh phân biệt (có sở thác). Nhưng, cái gương không có phân biệt (duyên lự) nên không thể phân biệt được vật gì cả.Bởi thế nên có thể gọi là “sở duyên”, mà không thể gọi là “duyên”. Phải đủ cả hai nghĩa: 1-bị phân biệt (sở lự) và 2-nơi gá nương (sở thác) mới kêu là “Sở duyên duyên”.

  Nay nói một tỷ dụ để chỉ rõ nghĩa “Sở duyên duyên”. Như cái bình hoa trên bàn đây là vật có thật thể; khi Nhãn thức xem cái bình hoa, thì Tâm vương và Tâm sở của Nhãn thức đều có cập cái tướng bình hoa, như thế kêu là thấy bình hoa. Khi đó hình tướng của bình hoa, nó làm chỗ cho Nhãn thức nương nơi đó mà phát sanh phân biệt, và cũng làm cái chỗ phân biệt (sở lự) của Nhãn thức; nên gọi cái bình hoa này là “Sở duyên duyên” của Nhãn thức.

Song “Sở duyên duyên” này có hai loại:

a)  Thân sở duyên duyên –Như mỗi Thức, tự lấy kiến phần duyên qua tướng phần bên trong của nó; bởi duyên trực tiếp như vậy, nên gọi là “Thân sở duyên duyên”.

b) Sơ sở duyên duyên -Như Thức kia biến, rồi thức này nương nơi bản chất đó duyên lại. Dụ như Tạng thức biến ra tướng phần là sơn hà đại địa; rồi Nhãn thức duyên nơi tướng phần của Tạng thức làm bản chất, trở lại biến ra cái tướng phần để duyên, như thế là Nhãn thức gián tiếp duyên tướng phần của Tạng thức, nên tướng phần của Tạng thức là “Sơ sở duyên duyên” của Nhãn thức.

4. Tăng thượng duyên. –Phàm những pháp có thật thể, không thuộc về ba duyên trước, thì thuộc về Tăng thượng duyên. Tăng thượng duyên là những duyên phụ trợ tăng thêm.

Có hai lọai:

a) Thuận tăng thượng duyên. - Như lúa mạ v.v… từ hạt giống của nó sanh ra, lại nhờ phân nước v.v… giúp thêm, làm cho lúa mạ kia được tươi tốt; thì phân nước đó là “Thuận tăng thượng duyên” của lúa mạ.

b) Nghịch tăng thượng duyên. – Như nắng hạn nước khô, làm cho lúa mạ không lớn nỗi, thì nắng hạn nước khô là “Nghịch tăng thượng duyên” của lúa mạ.

III. NÓI VỀ NĂM QUẢ

1.  Dị thục quả. – Như đời trước tạo nghiệp nhân lành hay dữ, khi chết rồi Thức A lại da đi lãnh thọ thân quả báo đời sau. Thân quả báo này gọi là “Di thục quả”, tánh nó thuộc về vô ký. (Không nhứt định thiện hay ác).

2.  Đẳng lưu quả. – Như đời trước tạo nghiệp lành hay dữ, đời nay ở trên báo thân này, phải chịu qủa khổ hay vui; vì bình đẳng lưu xuất như vậy, nên gọi là “Đẳng lưu quả”.

3.  Ly hệ quả. – Do y theo Phật pháp tu hành mà được xa lìa phiền não ràng buộc, nên gọi là “Ly hệ quả”.

4.      Sĩ dụng quả. – Những nghề nghiệp như nông, công, thương v.v…do kẻ sĩ phu dụng công phát minh, mới được kết quả là tài lợi; nên gọi là “Sĩ dụng quả”.

5. Tăng thượng quả. – Các trợ duyên tăng thêm. Như Nhãn căn làm “Tăng thượng duyên” phát sanh ra Nhãn thức; thì kêu Nhãn căn (con mắt) là “Tăng thượng quả” của Nhãn thức. Cho đến Ý căn làm “Tăng thượng quả” của Ý thức và thân thể của chúng sanh không hư hoại, là “Tăng thượng quả” của Mạng căn.

Xem mục lục