BÀI THỨ BA I. CHỦNG TỬ CỦA NHƠN SANH (HẠT GIỐNG CỦA LOÀI NGƯỜI) Duy thức học là môn học vấn để thực hành; cho nên mỗi vấn đề đều lấy những việc hiện tiền ở thế gian để chứng minh. Những điều chúng ta cần biết gấp hơn hết là vấn đề: Chúng ta sanh ra đây, từ đâu mà đến? Và khi chết rồi sẽ đi về đâu? Nay dùng Duy thức học để giải thích cái nguyên do của nhơn sanh. Vậy trước hết xin dẫn một bài kệ trong Khế Kinh để giải thích. Bài kệ nói: Vô thỉ thời lai “giới” Nhứt thiết pháp đẳng y. Do thử hữu chi thú, Cập Niết bàn chứng đắc. Nghĩa la:ø có một cái “nguyên nhân”, mà nguyên nhân ấy nó đã có từ hồi nào giờ. Các pháp đều y nơi đó sanh ra, tất cả chúng sanh do nơi đó mà có, quả Niết bàn cũng từ nơi đây mà đặng. Tại sao bài kệ này có thể chứng minh được cái nguyên do của nhơn sanh? –Phải suy nghĩ và suy nghĩ thật nhiều mới hiểu được. Trong bài kệ nói chữ “giới”, là chỉ cho cái “nguyên nhân”, cũng tức là “chủng tử” (hạt giống) của các pháp. Theo Duy thức thì nói: “Tất cả các pháp, không có một pháp nào chẳng do “chủng tử” mà sanh. Loài cỏ cây trong thế gian còn do chủng tử sanh, thì nhơn loại quyết định cũng có chủng tử sanh. II. CÁC PHÁP CÓ VÀ KHÔNG, THỈ VÀ CHUNG Các pháp tuy nhiều nhưng tóm lại có thể chia ra làm ba món: a) Hữu thỉ và hữu chung. Thân thể của con người, do cha mẹ sanh ra, “hữu thỉ”, đến khi già chết, là “hữu chung”. b) Vô thỉ và vô chung. Bản thể của A lại da thức và các chủng tử vô lậu thanh tịnh thuần thiện chứa trong Thức này, đều “vô thỉ và vô chung”. c) Vô thỉ mà hữu chung. Cái “tướng” (dụng) của A lại da thức và các chủng tử hữu lậu tạp nhiễm chứa trong Thức này, đều “vô thỉ mà hữu chung”. III. A LẠI DA THỨC VÔ THỈ VÀ VÔ CHUNG Tại sao biết Thức A lại da là “vô thỉ vô chung”? – Vì Thức này chứa nhóm chủng tử của các pháp. Như bài kệ trong Khế kinh đã nói “… Tất cả các pháp đều y nơi Thức này…” (nhứt thiết pháp đẳng y). Bởi thế , nên Thức này nếu có chung tận, thì tất cả các pháp cũng phải mất hẳn, vì không có chỗ nương tựa. Như thế thì thành ngoại đạo, vì chấp đoạn diệt. Trong Đạo Phật không có cái thuyết đoạn diệt. Nên biết A lại da thức quyết định vô chung. Cái loài cỏ cây v.v… đều thấy có bắt đầu sanh (hữu thỉ); còn Thức A lại da này, khi chúng sanh chưa sanh, nó nẫn có trước (vô thỉ), khi chúng sanh chết rồi nó vẫn không diệt (vô chung). Mặc dù chúng sanh, sanh sanh tử tử, trải qua trăm ngàn muôn kiếp, nhưng trọn không thể tìm được chỗ sanh khởi hay thôi dứt của Thức này, nên Thức này không những “vô chung” mà cũng là “vô thỉ”. IV. CHƠN NHƯ VÀ VÔ MINH ĐỒNG THỜI CÓ Hạt giống vô lậu trong Thức A lại da là cái “chánh nhơn” để thành Phật, nên kêu là Phật tánh” cũng gọi là “Chơn như”. Còn hạt giống hữu lậu trong Thức này, là cái “nghiệp nhân” để thành chúng sanh nên kêu là “phiền não nghiệp chướng” cũng gọi là “vô minh”. “Chơn như” và “vô minh” cái nào có trước, cái nào có sau, hay đồng thời có? – Tôi thường thấy trong thế gian, có những sách vở nói tương tợ như sách Phật, giải thích rất lầm về vấn đề này. Như có nhà nói “Chơn như vì không bảo thủ được tự tánh, nên thoạt sanh một niệm vô minh”, (Chơn như bất thủ tự tánh, hốt sanh nhứt niệm vô minh). Người nói như thế, là chủ trương cho “Chơn như” có trước, “vô minh” có sau; “Chơn như” vô thỉ, còn “vô minh” lại hữu thỉ. – Nếu “Chơn như” vốn là Phật mà lại thoạt sanh một niệm “vô minh” biến thành chúng sanh; như thế thời tất cả chư Phật đã thành, đều có thể thoạt sanh trở lại một niệm vô minh mà biến làm chúng sanh nữa? Vậy thì mười phương ba đời của Đức Phật, quyết định không có một vị nào thành Phật được cả. Giả sử Phật có nói như vậy nữa, chúng ta cũng không nên tin, vì đồng với ma thuyết. Nhưng, hiện nay mười phương thế giới quyết định có những vị đã thành Phật mà không trở lại làm chúng sanh nữa. Vậy cho biết: “Vô minh phiền não” cùng với “Chơn như” quyết định đồng thời và có từ vô thỉ. V. VÔ MINH CÓ CÙNG TẬN “Vô minh” tuy có từ vô thỉ, nhưng có khi lại cùng tận. Bởi vì, “Chơn như” cùng với “vô minh” đồng chứa trong A lại da thức. Cũng như “cam lồ” cùng với “độc dược” đồng chứa trong một cái bình. Nếu người ăn vị “cam lồ” thì sống còn uống nhằm “độc dược” thì chết. Bất luận người nào ai cũng ham sống sợ chết, cho nên người học Phật cốt yếu là đoạn trừ vô minh trong A lại da thức, để hiển hiện Chơn như. Cũng như người nghiêng đổ độc dược trong bình, lưu lại vị cam lồ để dùng. Bởi thế nên biết “vô minh phiền não”, vô thỉ mà hữu chung. VI. CHÚNG SANH VÔ THỈ MÀ HỮU CHUNG Trong bài kệ trước nói: “Có một nguyên nhân, mà nguyên nhân ấy nó có từ hồi nào đến giờ” (vô thỉ thời lai giới), tức là chỉ “cái nguyên nhân” sanh ra chúng sanh, đã chứa trong A lại da thức từ vô thỉ đến nay. Trong bài kệ về câu: “Tất cả các pháp đều y ở nguyên nhân này mà sanh khởi”, nhứt thiết pháp đẳng y). Nghĩa là: Tất cả các pháp trong thế gian và xuất thế gian đều bình đẳng, y ở nơi Thức này mà sanh ra. Trong bài kệ về câu: “Các cõi chúng sanh đều từ nơi đây mà co” (do thử hữu chư thú). Nghĩa là: Do Thức này chứa đựng các hạt giống hữu lậu tạp nhiễm, rồi do các Thức giống ấy, nó sanh khởi hiện hành, thành ra có chúng sanh trôi lăn trong sáu thú là: Thiên, Nhơn,A tu la, Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh. Bởi thế nên nói: “chúng sanh có từ vô thỉ”. Trong bài kệ về sau: “Cũng từ nơi đây mà chứng đặng đạo quả Niết bàn” (cập Niết bàn chứng đắc). Nghĩa là: Nếu hạt giống vô lậu thanh tịnh khởi lên (hiện hành), đoạn trừ hết vô minh nghiệp chướng, thì chứng Niết bàn hay thành quả Phật, nên nói chúng sanh phải có cùng tận. Bởi thế nên người muốn biết nguồn gốc của nhân sanh, mà không học Duy thức thì không thể hiểu được.
NÓI VỀ CHƠN VỌNG VÀ SANH DIỆT
(CÓ SÁU ĐOẠN)