Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

Tôi đã rút ra được bài học nào từ những cuộc đối thoại nêu trên. Chúng đã mang đến cho tôi điều gì? Một mặt nó làm cho tôi càng ngày càng thán phục  Phật giáo như là một sự minh triết. Mặt khác nó làm cho tôi càng hoài nghi về một  Phật giáo siêu hình. Nó cho phép tôi hiểu được sự cuốn hút của  Phật giáo đối với xã hội Tây phương. Vì lẽ  Phật giáo đã lấp đầy được một cái hố tạo nên do sự thiếu vắng một nếp sống khôn ngoan và đạo đức. Từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên cho đến cuối thế kỷ thứ 16 sau Công nguyên, nền triết học Tây phương đã theo hai nhánh chủ đạo: Nhánh thứ nhất dành cho việc tìm hiểu thái độ con người với cuộc sống và nhánh thứ hai là tìm hiểu thiên nhiên. Giữa thế kỷ l7, triết học từ bỏ nhánh thứ nhất, còn nhánh thứ hai thì dành cho khoa học. Triết học chỉ còn dành cho sự tìm hiểu các hiện tượng siêu nhiên, tức là khoa siêu hình học vào khoảng thời gian đầu tiên của triết học Hy Lạp, Heraclite cho rằng không cần phải biết nhiều mới là một người hiền được. Triết học là để giúp con người trở nên đứng đắn mực thước biết vươn tới hạnh phúc bằng một sự sống gương mẫu và giáo dục kẻ khác bằng sự minh triết mà mình đã có được. Người Hy Lạp đi tìm sự minh triết do giá trị thực tiễn của nó. Người hiền tốt, công bằng lại vừa có nhiều mưu chước. Triết học do đó là một sự cải tạo toàn diện cuộc sống, và cũng vì thế mà  Phật giáo đã có đất phát triển mà không có đối thủ. Không nghi ngờ gì kể từ Socrate, Platon và Aristote cho đến thế kỷ thứ V và thứ IV trước Công nguyên, lý thuyết giữ vai trò chủ động và được xem như chỗ dựa về sự biện minh của minh triết. Tri kiến và minh triết chỉ là một. Một đời sống tốt vẫn có thể có, và sự nhận ra chân lý gồm có việc tìm hiểu cuộc đời và nếu có thể cả bên kia cuộc đời. Việc phối hợp giữa sự trầm tư để tìm chân lý và sự vươn tới hạnh phúc nhờ vào minh triết được liên tục tìm thấy trong chủ nghĩa khắc kỷ và chủ nghĩa hưởng lạc để kết thúc vào cuối thế kỷ 17 với quyển ''Đạo đức của Spinoza''. Và từ đây câu nói của Socrate ''ta phải sống như thế nào'' bị bỏ dở. Và ngày nay triết lý phải nhường chỗ cho khoa học mà khoa học thì cứ phát triển mà không cần đến đạo đức hay trí tuệ. Người ta có thể chứng minh rằng các nhà khoa học về mặt đạo đức và chính trị, còn ít sáng suốt, ít e dè hơn là một số người trung bình. Và chính sự sụp đổ của các lý thuyết không tưởng, mà thời đại ngày nay mới bắt đầu quay về tìm lại sự minh triết trong đời sống. Và  Phật giáo đã chỉ ra rằng sự cố chấp, sự không khoan nhượng không bao giờ đưa đến cái tốt, cái đẹp trong chính trị cũng như trong đạo đức.

Qua những cuộc đối thoại này, sự tĩnh lặng trong  Phật giáo là một huyền thoại. Đó là một sự khám phá bất ngờ của tôi, và  Phật giáo đã dạy cho tôi rất nhiều điều hữu ích. Ngược lại, con tôi đã không thuyết phục được tôi về phần siêu hình trong  Phật giáo vì lẽ tôi cho  Phật giáo là một triết lý không phải là một tôn giáo, mặc dù cũng có đầy đủ  các nghi thức tôn giáo. Nói thẳng ra, lý thuyết  Phật giáo về cõi bên kia đã không được chứng minh và cũng không thể chứng minh được. Và mặc dù đánh giá rất cao về nền minh triết  Phật giáo, tôi chỉ chấp nhận mặt thực tiễn của nó cũng như đối với thuyết khắc kỷ và thuyết hưởng lạc. Theo tôi, tình thế có thể tóm tắt như sau: Phương Tây đã phát triển mạnh về khoa học nhưng không còn đạo đức và minh triết khả dĩ chấp nhận được. Phương Đông đem lại cho chúng ta đạo đức và những chỉ dẫn để có một đời sống tốt, nhưng lại thiếu căn bản lý thuyết, trừ ra về mặt tâm lý học mà tâm lý học không phải là khoa học. Thật là vô ích khi người ta co rút ra từ sự hiểu biết một nền đạo đức và một nghệ thuật sống. Sự minh triết không nằm trên một thực tế khoa học nào cũng như một thực tế khoa học cũng không đem lại sự minh triết. Tuy nhiên cả hai đều hiện hữu, tuy tách rời, nhưng cần thiết và bổ túc cho nhau.

Xem mục lục