Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

3.1. Về hình thức ngữ pháp

Ba mươi sáu lời nguyện của Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0363, Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, 3 quyển, Tống Pháp Hiền dịch, được lược kể ở tiết trước, tuy chúng có những liên hệ nhất định với bốn mươi tám lời nguyện, điểm đặc trưng vẫn là hình thức khẳng định của bản thân những lời nguyện ấy.Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm kinh tỏ ra có một sự canh cải do những yếu tố tiếp thu từ Kinh करुणापुण्डरीक सूत्रम Karuṇāpuṇḍarīka (Kinh Bi Hoa).

Cụ thể là trong bản dịch Hán, Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0157, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3[20], của Bắc Lương Đàm Vô Sấm, kể có bốn mươi tám lời nguyện của Vô Tránh Niệm trước Phật Bảo Tạng, nhưng về hình thức khác với bốn mươi tám lời nguyện trong Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0360, Vô Lượng thọ kinh[21]:

- Bản dịch của Khương Tăng Khải, đã sử dụng hình thức phủ định: "... nếu không ... thì tôi không..." mà trong nguyên điển Sanskrit आमिताभव्यूह नाम महायान सूत्र Amitābhavyūha nāma mahāyāna sūtra, ( सुखावतीव्यूहः। Sukhāvatīvyūhaḥ [विस्तरमातृका vistaramātṛkā])[22] , sử dụng là: “षचेन्मे…न​… मा तावदहम्ं Sacenme…na… mā tāvadahaṃ”.

Ví dụ: Lời nguyện thứ ba trong सुखावतीव्यूहः। Sukhāvatīvyūhaḥ:

३. सचेन्मे भगवंस्तत्र बुद्धक्षेत्रे ये सत्त्वाः प्रत्याजातास्ते च सर्वे नैकवर्णाः स्युर्यदिदं सुवर्णवर्णाः, मा तावदहमनुत्तरां सम्यक्संबोधिमभिसंबुध्येयम्॥ (3. sacenme bhagavaṃstatra buddhakṣetre ye sattvāḥ pratyājātāste ca sarve naikavarṇāḥ syuryadidaṃ suvarṇavarṇāḥ, mā tāvadahamanuttarāṃ samyak saṃbodhi mabhisaṃbudhyeyam || )

Bạch Thế Tôn, nếu những chúng sanh đã được sinh đến ở trong quốc độ Phật ấy của con, hết thảy thân thể đều đồng một màu sắc kim loại chân thực, nếu không được như vậy, thì con không thành tựu A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.Bạch Thế Tôn, nếu ở nơi quốc độ Phật ấy của con có địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và thân A-tu-la; thì con nguyện không thành tựu A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề[23].

-Bản dịch của Đàm Vô Sấm, bốn mươi tám lời nguyện ở đều dùng hình thức khẳng định: "Nếu tôi được ... thì ...", mà ở trong आमिताभव्यूह नाम महायान सूत्र Amitābhavyūha nāma mahāyāna sūtra và Bản Tây Tạng ཧྥསཔ ཧོདདྤགམེདཀྱི བྐོདཔ ཤེསབྱ བ ཐེགཔ ཆེནཔོཧི མྡོ  Hphas pa hod dpag med kyi bkod pa shes bya ba theg pa chen pohi mdo đều không thấy sử dụng.

3.2. Về nội dung

Bốn mươi tám lời nguyện của Vô Tránh Niệm cũng có những nét tương đồng với bốn mươi tám lời nguyện của Pháp Tạng, chỉ trừ nguyện thứ ba mươi lăm, nguyện thứ bốn mươi bốn và nguyện thứ bốn mươi tám.

Nguyện thứ ba mươi lăm nói tới việc không có núi non cũng như các khái niệm tham sân si, ác đạo v.v.., và đặc biệt là không có đại dương, một chi tiết không bao giờ kể tới trong khi mô tả Cực lạc.

Nguyện nguyện thứ bốn mươi bốn và nguyện thứ bốn mươi tám thì nói việc niết bàn của Phật A-di-đà, các Bồ-tát, và các người đàn bà, khi nghe danh hiệu thì sung sướng và không bao giờ sinh làm đàn bà nữa.  Ba lời nguyện này, Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0363, Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, 3 quyển, Tống Pháp Hiền dịch đương nhiên không có.

Vậy, quan hệ giữa ba mươi sáu lời nguyện Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh và Bốn mươi tám lời nguyện của Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0157, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3[24], Bắc Lương Đàm Vô Sấm dịch, là như thế nào?

Trước đây, những người nghiên cứu thường xét vị trí của ba mươi sáu lời nguyện trong liên hệ với hai mươi bốn và bốn mươi tám lời nguyện của những truyền bản khác, vì họ giả thuyết bốn mươi tám lời nguyện trong Bi hoa kinh chỉ là một hình thái khác của bốn mươi tám lời nguyện trong Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0360, Vô Lượng thọ kinh, chứ không có những sai biệt gì căn bản.

Cho nên, phần lớn đã đề xuất những quan điểm khác nhau liên hệ đến vị trí của ba mươi sáu lời nguyện, mà thường coi nhẹ ảnh hưởng của bốn mươi tám lời nguyện trong Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0157, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3[25], Bắc Lương Đàm Vô Sấm dịch.

a) Nghiên cứu của Kimura Taiken

Sự so sánh các truyền thống, số mục bản nguyện v.v.. đã được Học giả Nhật bản Kimura Taiken, nghiên cứu và đối chiếu rõ ràng trong Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận[26] của mình, ở đây không để tránh dài dòng, sẽ không lặp lại nhiều về ý tưởng mà Kimura Taiken đã trình bày[27]

Kimura Taiken trong khi đi tìm nguồn gốc của tư tưởng bản nguyện đã phát hiện một hiện tượng khá đặc biệt là loại tư tưởng ấy đã phát triển theo một loại hình cấp số công lấy số sáu làm cơ sở.

Căn cứ theo nghiên cứu của Kimura Taiken, đối cùng một số bản Sanskrit-Tây Tạng hiện biết liên hệ với nghiên cứu này, chúng ta có nhận định sơ lược như sau:

Từ sáu lời nguyện trong nguyển điển Sanskrit: आष्टसाहस्रिका प्रज्ञापारमिता Aṣṭasāhasrikā prajñāpāramitā[28] , tức tương đương bản dịch Hán, Đại Tạng Kinh 08, số hiệu 0227, Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật Kinh, 10 quyển, Hậu Tần năm 408, của Cưu Ma La Thập dịch [29].

Từ sáu nguyện đó, nó đã phát triển thành mười hai và mười tám lời nguyện trong Đại Tạng Kinh, số hiệu 0313, A Súc Phật Quốc Kinh, 2 quyển, Hậu Hán Chi Lâu Ca Sấm dịch; và Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0362, Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh[30] (Đại A Di Đà kinh)  2 quyển, do Ngô Chi Khiêm dịch.

Tiếp đến là: ba mươi lời nguyện, trong Đại phẩm Bát-nhã, hiện còn tìm được trong trong các văn bản:

-Nguyên điển Sanskrit của Đại phẩm Bát-nhã: पञ्चविमंशति-साहस्रिका-प्रज्ञापारमिता Pañcaviṃśati-sāhasrikā-prajñāpāramitā (Nhị vạn ngũ thiên tụng Bát-nhã Ba-la-mật) bản Sanskrit của Kinh này có 8 phẩm, do N. Dutt chủ trương biên tập và xuất bản, 1934.

-Tây Tạng Đại Tạng Kinh, thuộc Bát-nhã bộ, số hiệu 09, ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་སྟོང་ཕྲག་ཉི་ཤུ་ལྔ་པ Śes-rab-kyi-pha-rol-tu-phyin-pa stoṅ-phrag-ñi-śu-lṅa-pa (Nhị vạn ngũ thiên tụng Bát-nhã Ba-la-mật)[31].

-Hán dịch, Đại Tạng Kinh 08, số hiệu 0220, Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, 600 quyển, Đường Huyền Trang dịch và số hiệu 0223, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, 27 quyển, Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch.

Cùng các văn bản chú giải ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་སྟོང་ཕྲག་ཉི་ཤུ་ལྔ་པ Śes-rab-kyi-pha-rol-tu-phyin-pa stoṅ-phrag-ñi-śu-lṅa-pa (Đại Phẩm Bát Nhã), cũng nói đến ba mươi lời nguyện này, như:

-Tây Tạng Đại Tạng Kinh, thuộc Bát-nhã bộ, số hiệu 3787, thuộc Bát-nhã bộ, འཕགས་པ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་སྟོང་ཕྲག་ཉི་ཤུ་ལྔ་པའི་མན་ངག་གི་བསྟན་བཅོས་མངོན་པར་རྟོགས་པའི་རྒྱན་འགྲེལ་པ Ḥphags-pa śes-rab-kyi-pha-rol-tu-phyin-pa stoṅ-phrag ñi-śu-lṅa-paḥi man-ṅag-gi bstan-bcos mṅon-par-rtogs-paḥi rgyan-gyi ḥgrel-pa[32] (Thánh Bát-nhã nhị vạn ngũ thiên tụng ưu ba đề xá luận hiện quán trang nghiêm luận).

-Tây Tạng Đại Tạng Kinh, Bát-nhã bộ, số hiệu 3788, འཕགས་པ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་སྟོང་ཕྲག་ཉི་ཤུ་ལྔ་པའི་མན་ངག་གི་བསྟན་བཅོས་མངོན་པར་རྟོགས་པའི་རྒྱན་གྱི་ཚིག་ལེའུར་བྱས་པའི་རྣམ་པར་འགྲེལ་པ Ḥphags-pa śes-rab-kyi-pha-rol-tu-phyin-pa stoṅ-phrag-ñi-śu-lṅa-paḥi man-ṅag-gi bstan-bcos mṅon-par-rtogs-paḥi rgyan-gyi tshig-leḥur-byas-paḥi rnam-par ḥgrel-pa[33] (Thánh Bát-nhã nhị vạn ngũ thiên tụng ưu ba đề xá luận hiện quán trang nghiêm luận thích).

Lại từ ba mươi lời nguyện, trong Đại phẩm Bát-nhã, phát triển thành ba mươi sáu lời nguyện của Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0363, Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, 3 quyển, Tống Pháp Hiền dịch.

Tiếp theo lại tăng lên thành bốn mươi tám nguyện trong Đại Tạng Kinh 11, số hiệu 0310, Vô lượng thọ - Như Lai đệ ngũ hội, của Kinh Đại Bảo Tích Kinh.[34]

Quá trình phát triển đó rõ ràng điềm chỉ một trật tự số học nhất định, dẫu hiện tại cấp số 7 chưa có một văn bản nào chứng thực, nghĩa là hiện chưa tìm ra văn bản nào ghi bốn mươi hai nguyện.

Thế thì, quan hệ phát triển cấp số giữa chúng là thế nào? Phải chăng chúng đã phát triển theo cấp số từ nhỏ đến lớn? Hay ngược lại là một số giảm trừ từ lớn đến nhỏ?

Kimura Taiken trả lời trong Đại Thừa Phật giáo tư tưởng luận là quá trình phát triển đã theo trật tự từ nhỏ tới lớn. Nói rõ ra, đầu tiên hết là sáu nguyện, rồi sau đó bổ sung và hoàn chỉnh cho đến lúc bốn mươi tám nguyện xuất hiện, đáp ứng phần lớn yêu cầu một xã hội lý tưởng theo quan niệm Phật giáo.

b) Nhận định của Mochizuki Shinko

Học giả nhật bản Mochizuki Shinko, tuy không hoàn toàn nhất trí với thuyết phát triển cấp số của Kimura Taiken, cũng thừa nhận quá trình phát triển từ số nhỏ tới lớn của số lượng những lời nguyện trong các kinh:

Từ sáu lời nguyện trong आष्टसाहस्रिका प्रज्ञापारमिता Aṣṭasāhasrikā prajñāpāramitā (Tiểu phẩm bát nhã), đã tăng lên thành hai mươi mốt lời nguyện trong trong Đại Tạng Kinh, số hiệu 0313, A Súc Phật Quốc Kinh, 2 quyển, Hậu Hán Chi Lâu Ca Sấm dịch, rồi tăng lên thành hai mươi bốn nguyện trong Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh [35], thuộc Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0361, do Chi Lâu Ca Sấm dịch, đời Hậu Hán và Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0362, Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh (Đại A-Di-Đà kinh), 2 quyển, do Ngô Chi Khiêm dịch; sau đó tăng thành ba mươi nguyện trong पञ्चविमंशति-साहस्रिका-प्रज्ञापारमिता Pañcaviṃśati-sāhasrikā-prajñāpāramitā (Đại phẩm Bát-nhã), rồi ba mươi sáu lời nguyện trong Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0363, Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, 3 quyển, Tống Pháp Hiền dịch; và cuối cùng bốn mươi tám lời nguyện trong Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0360, Vô Lượng thọ kinh và Đại Tạng Kinh 11, số hiệu 0310, Vô lượng thọ - Như Lai đệ ngũ hội, của Kinh Đại Bảo Tích.

Học giả Mochizuki Shinko đã nhận xét thêm là quan hệ trước sau giữa ba mươi sáu lời nguyệnbốn mươi tám lời nguyện nguyện thật khó mà khẳng định một cách dứt khoát, bởi vì ba mươi sáu lời nguyện có thể là một dạng bất toàn của bốn mươi tám lời nguyện.

Trong một giới hạn nào đó, nhận xét ấy đã tỏ ra cóthểchứng minh đặc biệt khi ta chú ý đến sự liên quan giữa ba mươi sáu lời nguyện và bốn mươi tám lời nguyện trong Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0157, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3[36], Bắc Lương Đàm Vô Sấm dịch.

c) Những nhận định tương tự

Giới hạn lĩnh vực tìm hiểu thuần túy vào các bản văn liên hệ đến Phật A-di-đà, những người nghiên cứu khác cũng đề xuất những ý kiến tương tự.

-Nhận định của Wogihara

Sau khi đối chiếu các văn bản với nhau, đã kết luận Đại A Di Đà Kinh và Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh tức những văn bản chủ trương hai mươi bốn nguyện, là thành lập sớm nhất, rồi đến bản Sanskrit आमिताभव्यूह नाम महायान सूत्र Amitābhavyūha nāma mahāyāna sūtra, (सुखावतीव्यूहः। Sukhāvatīvyūhaḥ [विस्तरमातृका vistaramātṛkā])[37], rồi sau hết mới là Vô lượng thọ - Như Lai đệ ngũ hội, của Kinh Đại Bảo Tích và  Vô lượng thọ kinh, tức những văn bản của bốn mươi tám nguyện nguyện.

-Nhận định của Akashi Etatsu và Sonoda

Nhận định kết luận của Wogihara nêu ở trên, Akashi Etatsu không hoàn toàn đồng ý, vì Akashi Etatsu  cho rằng Wogihara đã không quan tâm đến văn bản ba mươi sáu lời nguyện trong Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0363, Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, 3 quyển, Tống Pháp Hiền dịch.

Vì vậy, Akashi và sau đó Sonoda đã đưa ra quan điểm, một mặt tán thành kết luận trên của Wogihara, mặt khác chỉnh lý nó bằng cách thêm vào sự có mặt của văn bản ba mươi sáu lời nguyện, tức Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh.

Hay nói cách khác rõ ràng hơn: Akashi chủ trương Đại A Di Đà Kinh và Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh, văn bản xưa nhất, xuất hiện trước tiên rồi đến Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, sau đó là bản Sanskrit आमिताभव्यूह नाम महायान सूत्र Amitābhavyūha nāma mahāyāna sūtra, (सुखावतीव्यूहः। Sukhāvatīvyūhaḥ [विस्तरमातृका vistaramātṛkā]), rồi đến Vô lượng thọ - Như Lai đệ ngũ hội, của Kinh Đại Bảo Tích và  Vô lượng thọ kinh.

Học giả Sonoda còn xác minh rõ hơn văn bản Đại A-di-đà kinh, tức tương đương bản dịch Hán, Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0362, Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh là xưa nhất so với Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0361, Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh [38], do Chi Lâu Ca Sấm dịch, Hậu Hán.

d) Nhận định đề xuất

Như thế, nhìn chung thì các thuyết trên đều phần lớn chủ trương văn bản ba mươi sáu lời nguyện của Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm kinh, tuy được dịch ra tiếng Trung quốc chậm nhất lại chiếm vị trí quan trọng và quá cổ sơ, ngay cả đối với Vô lượng thọ kinh, do Khương Tăng Khải dịch vào khoảng năm 252 Stl.

Chủ trương ấy dường như có chỗ không hợp lý cho lắm, vì ba mươi sáu lời nguyện đã có liên hệ mật thiết với bốn mươi tám lời nguyện trong, Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0157, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3[39], do Bắc Lương Đàm Vô Sấm dịch.

Mà Kinh Bi Hoa ngày nay thường được nhìn nhận là một văn bản nhằm việc đề cao bản thân Phật Thích Ca và nhằm đặt quan hệ ưu việt của tín ngưỡng Phật Thích Ca đối với tín ngưỡng Phật A-di-đà, mà có thể rất thịnh hành vào thời kỳ nó xuất hiện.

Do vậy, lập trường của Wogihara về việc để riêng văn bản ba mươi sáu lời nguyện của Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0363, Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh không phải là không cơ sỡ, dẫu rằng nó đã mang khuyết điểm là không xác định rõ vị trí của ba mươi sáu lời nguyện ấy trong quan hệ giữa hai mươi bốn và bốn mươi tám nguyện của các văn bản khác.

Để xác định vị trí ấy, một điều cần phải nhớ là tín ngưỡng A-di-đà đã được truyền vào Trung quốc rất sớm và cứ dần dà chiếm lĩnh vị trí ưu thếcủa mình đối với các tín ngưỡng khác, để cuối cùng trở thành rất phổ biến vào lúc Pháp Hiền dịch Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh.

Do đó, nếu nguyên bản Sanskrit của của Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh đã xuất hiện trước hay cùng thời với Vô lượng thọ kinh, thì không có lý do gì mà nó không truyền tới Trung quốc.

Việc Pháp Hiền dịch kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh vào năm 1001 sau tây lịch, được thu vào trong Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0363, trong trường hợp này, vì thế, phải điềm chỉ sự xuất hiện hậu kỳ của chính bản thân nó. Nói rõ ra, Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh là kết quả của một nỗ lực canh cải với आमिताभव्यूह नाम महायान सूत्र Amitābhavyūha nāma mahāyāna sūtra, (सुखावतीव्यूहः। Sukhāvatīvyūhaḥ [विस्तरमातृका vistaramātṛkā]), tức Vô lượng thọ kinh, nếu không là Đại A-di-đà kinh, do quá trình tiếp thu những cống hiến của Kinh करुणापुण्डरीक Karuṇāpuṇḍarīka[40] (Bi Hoa).

Nỗ lực ấy chứng tỏ một thỏa hiệp đã xảy ra giữa tín ngưỡng Phật A-di-đà và tín ngưỡng Phật Thích Ca, giữa truyền thống bản nguyện सुखावतीव्यूहः। Sukhāvatīvyūhaḥ [विस्तरमातृका vistaramātṛkā] hay Vô lượng thọ kinh và truyền thống bản nguyện của Kinh करुणापुण्डरीक Karuṇāpuṇḍarīka hay Bi Hoa Kinh, để chấm dứt cuộc cạnh tranh giữa hai tín ngưỡng làm tiền đề cho sự ra đời của hai truyền thống bản nguyện ấy.

Do vậy, ba mươi sáu lời nguyện trong Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh có thể nói là xuất hiện chậm nhất, tổng hợp hai truyền thống bản nguyện với nhau để tạo nên bản thân mình.

Về quan hệ giữa truyền thống bản nguyện Vô lượng thọ kinh (सुखावतीव्यूहः। Sukhāvatīvyūhaḥ) và truyền thống bản nguyện Bi hoa kinh ( करुणापुण्डरीक Karuṇāpuṇḍarīka) thì thật khó xác định một cách chắc chắn vềt tính trước sau của chúng.

Tuy nhiên, chỉ căn cứ trên lịch sử truyền bá của những kinh đó ở Trung quốc, truyền thống सुखावतीव्यूहः। Sukhāvatīvyūhaḥ hay Vô lượng thọ kinh rõ ràng xuất hiện trước. Thêm vào đó, nếu giả thiết kinh करुणापुण्डरीक Karuṇāpuṇḍarīka hay Kinh Bi hoa ra đời như một phản ứng trước cao trào tín ngưỡng mạnh mẽ Phật A-di-đà, nhằm chứng minh tính ưu việt của tín ngưỡng bản thân Phật Thích Ca, thì hiển nhiên truyền thống bản nguyện Bi hoa kinh càng phải ra đời sau truyền thống Vô lượng thọ kinh.

Ngoài ra, truyền thống Vô lượng thọ kinh hay सुखावतीव्यूहः। Sukhāvatīvyūhaḥ đã trải qua hai giai đoạn hình thành, giai đoạn hình thành hai mươi bốn lời nguyện rồi giai đoạn hình thành bốn mươi tám lời nguyện của Bản Hán Vô Lương Thọ, do Khương Tăng dịch, hay bốn mươi sáu nguyện của bản Sanskrit, trong khi truyền thống करुणापुण्डरीक Karuṇāpuṇḍarīka tức bản dịch Hán Bi hoa kinh, thì không có một quá trình như vậy.

Do đó, bốn mươi tám lời nguyện của Bi hoa kinh cũng phải xuất phát từ nguyên hình hai mươi bốn lời nguyện của truyền thống Vô lượng thọ kinh. Nói tóm lại, quan hệ giữa các truyền thống bản nguyện của Phật A-di-đà có thể hình dung như sau:

Hai mươi bốn nguyện trong Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh [41], thuộc Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0361, do Chi Lâu Ca Sấm dịch, đời Hậu Hán và Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0362, Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh (Đại A-Di-Đà kinh), 2 quyển, do Ngô Chi Khiêm dịch phát triển thành truyền thống bốn mươi tám lời nguyện của bốn mươi tám lời nguyện trong Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0360, Vô Lượng thọ kinh và Đại Tạng Kinh 11, số hiệu 0310, Vô lượng thọ - Như Lai đệ ngũ hội, của Kinh Đại Bảo Tích và bốn mươi tám lời nguyện của bốn mươi tám lời nguyện trong Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0157, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3[42], Bắc Lương Đàm Vô Sấm dịch, rồi cuối cùng tổng hợp lại trong ba mươi sáu lời nguyện của Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0363, Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, 3 quyển, Tống Pháp Hiền dịch.

Nguyên do gây nên quá trình phát triển này là yêu cầu muốn chỉnh lý và hoàn thiện, những gì đã đề ra trong hai mươi bốn lời nguyện ở Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh;

Bốn mươi tám nguyện của truyền thống Vô lượng thọ kinh, thuộc Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0360, biểu thị một nỗ lực chỉnh lý và xác minh. Nó chỉnh lý những gì hai mươi bốn lời nguyện đã đặt nền tảng và phát triển, sau khi đã trải qua một thời gian thử thách. Sự kiện này bày tỏ khá rõ nét khi xét lời nguyện thứ mười chín trong Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh [43], thuộc Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0361, bản dịch Chi Lâu Ca Sấm chẳng hạn: Nhân dân các quốc độ Phật đời trước làm ác, khi nghe danh hiệu Phật A-di-đà mà hối cải muốn sinh về thế giới Cực lạc, thì phải phát nguyện… Nguyện này trong truyền thống bốn mươi tám lời nguyện của Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0360, Vô Lượng thọ kinh, đã được chỉnh lý lại bằng cách giới hạn những người làm ác vừa nói là không bao gồm: "những chúng sinh tạo nghiệp vô gián và những kẻ phỉ báng chính pháp". Giới hạn ấy chứng tỏ lời nguyện nguyên ủy trong Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh đã quá rộng rãi, để có thể tạo nên những trở ngại cho vấn đề duy trì đạo lý và truyền bá Phật pháp, nên cần phải đề lên một số ngoại lệ như Vô Lượng thọ kinh, hễ mà nếu phạm vào thì người ta không thể vãng sinh được.

Trong Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0360, Vô Lượng thọ kinh, bản dịch của Khương Tăng Khải không những chỉnh lý, giới hạn ấy còn xác minh đối tượng có thể vãng sinh, xác minh điều kiện và trường hợp để có thể vãng sinh.

Cho nên, những nguyện sau trong Vô Lượng thọ kinh đã qui định rõ hơn nội dung và chi tiết của những gì đã phát biểu trong hai mươi bốn nguyện thuộc Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh. Ví dụ:

Nguyện thứ sáu, trong Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh: mọi người ở Cực lạc đều có thiên nhãn thông, thì nguyện thứ bốn mươi lăm trong bốn mươi tám lời nguyện của Vô Lượng thọ kinh càng xác minh rõ hơn, nói rằng các Bồ-tát ở khắp mọi nơi khi nghe danh hiệu Phật A-di-đà thì đạt được tam muội phổ đẳng, thấy hết các đức Phật.

Nguyện hai mươi mốt, trong Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh: nói về các tướng tốt thì được nguyện hai mươi sáu lăm trong bốn mươi tám lời nguyện của Vô Lượng thọ kinh xác minh thêm là có thân hình Na La Diên và nguyện thứ hai mươi bảy về mọi thứ đều đẹp đẽ tuyệt vời ở Cực lạc.

Bốn mươi tám nguyện trong truyền thống Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0360, Vô Lượng thọ kinh, bản dịch của Khương Tăng Khải, như thế, là một biểu thị nổ lực chỉnh lý và xác minh.

Bốn mươi tám nguyện trong Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0157, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3[44], Bắc Lương Đàm Vô Sấm dịch cũng vậy. Nó đã chỉnh lý lại hai mươi bốn lời nguyện rõ ràng bằng cách thay thế cách phát biểu phủ định: “षचेन्मे…न​… मा तावदहम्ं Sacenme…na… mā tāvadahaṃ”, bằng cách phát biểu khẳng định: "Nếu tôi được ... thì ...". Thay thế đó không chỉ là một lối thay thế ngôn từ, mà còn bao hàm một nội dung tư tưởng.

Nó nói lên tính tất yếu, tính phải xảy ra của những gì bản nguyện Phật A-di-đà nhắm tới. Nó không còn giả thiết với điều kiện: “षचेन्मे…न​… मा तावदहम्ं Sacenme…na… mā tāvadahaṃ” mà đã khẳng định là "Khi tôi đã thành vô thượng chánh giác v.v... thì như thế, như thế xẩy ra".

Quá trình khẳng định tính tất yếu ấy cũng là quá trình khẳng định tín ngưỡng Phật A Di Đà một cách mạnh mẽ và thâm sâu.

Về nội dung, bốn mươi tám lời nguyện trong Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0157, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3, Bắc Lương Đàm Vô Sấm dịch cũng có nổ lực chỉnh lý đáng chú ý.

Trước tiên, nguyện thứ mười hai của hai mươi bốn lời nguyện, trong Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh có nói tới những vị A-la-hán là đệ tử Thanh văn của Phật A-di-đà. Nguyện này, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3, đã chỉnh lý lại với nguyện thứ ba mươi chín qui định rõ ràng thế giới Cực lạc chỉ bao gồm những vị Bồ-tát không có chúng đệ tử Thanh văn và Duyên giác.

Tư tưởng Tịnh độ không có Thanh văn và Duyên giác này, từ thời của ngài Nāgārjuna नागार्जुन (Long Thọ) trở đi đã trở nên rất phổ biến, điển hình là ở trong Đại Tạng Kinh 25, số hiệu 1509, Đại Trí Độ Luận 13[45],  đã ghi nhận lại.

Vì chỉnh lý nguyện thứ mười hai ấy, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3, đã có thêm nguyện thứ thứ mười một nói rõ những chúng sinh ở thế giới Cực lạc đều là những vị không còn thối lui, mà bản Sanskrit gọi là आव्ऐवर्तिक​ Avaivartika (A-bệ-bạt-trí).

Như thế, Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0157, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3, trong khi chỉnh lý hai mươi bốn lời nguyện đã đồng thời xác minh. Qua nổ lực chỉnh lý đó, Kinh Bi Hoa để lộ cho thấy, quan hệ giữa kinh ấy và Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0362, Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh (Đại A-Di-Đà kinh) cùng Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0361, Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh [46], như đã trình bày ở trên. Ví dụ:

Nguyện thứ hai bốn, của Bốn mươi tám nguyện trong phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3, về việc các vị Bồ-tát tại thế giới Cực lạc cũng phát ra ánh sáng chỉ tìm thấy tương đương trong nguyện thứ hai mươi ba của Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh (Đại A-Di-Đà kinh) và nguyện thứ hai mươi hai của Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh.

Nguyện thứ mười hai, mười ba và hai mươi tám của Bốn mươi tám nguyện trong phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3, cũng thế. Chúng có những tương đương trong Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh (Đại A-Di-Đà kinh), tuy không được chuyển lại cho Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh.

Do vậy, nếu muốn nói cách khác rõ ràng hơn, thì phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 3 đã chỉnh lý và xác minh hai mươi bốn lời nguyện của Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh (Đại A-Di-Đà kinh), rồi một phần nào chuyển giao lại cho Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, để tạo nên truyền thống thỏa hiệp ba mươi sáu lời nguyện.

Xem mục lục