36 TỊNH ĐỘ
Đối nghịch với thế giới mê lầm của chúng ta, thế giới của giác ngộ hiện hữu. Thế giới của mê lầm được những chúng sanh ràng buộc bởi nghiệp là chúng ta tạo ra, vướng mắc trong phác họa và tính toán được mất tạo thành sự theo đuổi hàng ngày của chúng ta. Thế giới của giác ngộ là cõi giới của trí huệ và lòng bi của những người hoàn toàn đã thức tỉnh, thoát khỏi mọi thúc đẩy quy ngã. Đây là Tịnh Độ, nơi Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ trụ trì. Nó không thể thấy đối với những người không phù hợp với đời sống tôn giáo.
Tịnh Độ thách đố cái hiểu biết theo quy ước của chúng ta, bởi vì nó không phải là một đối tượng của cái biết nhị nguyên. Nó không hiện hữu, như Hawaii, thiên đường của Thái Bình Dương, ở giữa một đại dương. Nhưng nó có thể được cảm nhận trọn vẹn khi sự tìm kiếm về tôn giáo của chúng ta tiến bộ và chín muồi, thoát khỏi ngôn ngữ lan man và những ý niệm tạo hình về thực tại.
Để làm rõ điều ấy có nghĩa là gì, chúng ta trở lại với sự hiểu biết của Thân Loan về Phật và Tịnh Độ. Ngài viết :
Phật là Như Lai của Ánh Sáng Không Thể Nghĩ Bàn và Tịnh Độ là cõi của Ánh Sáng Vô Lượng.
Ở đây Thân Loan không nói đến một hiện thể có tính đối tượng gọi là Phật A Di Đà hay một nơi chốn địa lý gọi là Tịnh Độ, cái nào cũng đều phát ra những tia sáng. Hơn nữa, ngài nói rằng bất cứ nơi đâu sự phát sáng của Ánh Sáng xảy ra, bất cứ nơi đâu sự nhạy cảm và ý thức tôn giáo khởi lên, ở đó thực tại của A Di Đà và Tịnh Độ trở nên hiện rõ.
Chúng ta thường nghĩ mắt chúng ta làm cho sự thấy có thể được. Điều đó đúng, nhưng trong bóng tối chúng ta không thể thấy gì, dù chúng ta có sự thấy. Chính nhờ ánh sáng mà chúng ta có thể thấy sự vật. Theo cùng cách ấy, chính nhờ sự soi sáng của Ánh Sáng Vô Lượng mà chúng ta có thể thấy thực tại chân thật của chúng ta – một chúng sanh ngu dốt của nghiệp xấu. Một tỉnh giác như vậy được sanh ra không phải bởi vì chúng ta thông tuệ mà bởi vì trí huệ trong “hình dạng” Ánh Sáng chạm đến chúng ta.
Như thế khi người ta được soi sáng và chạm đến, một tương quan thân mật với Ánh Sáng xảy ra, và A Di Đà và Tịnh Độ được cảm nhận như sự biểu lộ cụ thể của một thực tại siêu việt. Thực tại này được gọi là pháp thân như là chân như, nó là vô tướng và vô danh. Từ thực tại vô tướng và vô danh này xuất hiện pháp thân như là lòng bi trong hình thức A Di Đà và Tịnh Độ. Như thế chúng ta có thể gặp gỡ thực tại siêu việt giữa cuộc đời sanh tử của chúng ta. Trước khi tiến xa hơn, chúng ta hãy ghi nhận ngắn gọn sự tiến hóa của ý niệm Tịnh Độ được hiểu theo những thời kỳ khác nhau của lịch sử.
Từ ngữ Tịnh Độ là một chuyển dịch từ tiếng Trung Hoa, nó không hiện hữu trong văn học Phật giáo Sanskrit. Từ ngữ tương đương gần nhất trong tiếng Sanskrit là câu “sự tịnh hóa của cõi Phật”. Nhiều đề cập đến vô số Tịnh Độ được tìm thấy trong văn học Phật giáo Trung Hoa từ thế kỷ thứ nhất Công Nguyên. Nhiều đức Phật khác nhau trong Đại thừa ngự trị những tịnh độ, nhưng chính Tịnh Độ của A Di Đà mới được xem là quan trọng và đầy đủ ý nghĩa ở Đông Á.
Khi ý tưởng về Tịnh Độ phát triển, trước hết nó được xem như là môi trường lý tưởng đem lại kỷ luật tôn giáo và tiến bộ tâm linh. Thoát khỏi tạp âm của những cám dỗ thế gian, người ta có thể tiến bộ không ngừng trên con đường giác ngộ để đạt đến Phật quả. Dù có những khác nhau trong quan niệm về Tịnh Độ sau đó, nó vẫn trở thành mục tiêu tối hậu của nguyện vọng cao nhất về tôn giáo.
Một trong những công trình có ảnh hưởng nhất về Tịnh Độ trong Phật giáo Nhật Bản là Những Điều Thiết Yếu của Vãng Sanh của nhà sư Thiên Thai Genshin, sống ở hậu bán thế kỷ thứ mười. Ngài thành lập một xã hội tôn giáo riêng biệt, gồm những thành viên từ những giai cấp cao để xúc tiến tham thiền và quán tưởng Tịnh Độ. Mục tiêu tối hậu của họ là được A Di Đà tiếp nhận vào lúc chết, đạt được sự sanh ra trên hoa sen ở Tịnh Độ và có ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân. Tịnh Độ giàu có những hình ảnh tượng trưng cho trạng thái thức tỉnh hay giác ngộ : chim hót, nhạc trời, hoa đẹp, ánh sáng rực rỡ, mùi hương, suối nạm ngọc, cây có chuông treo, những nhạc cụ cõi trời trình diễn. Trong cõi này người ta được bảo đảm sống đời sống vĩnh cửu, hợp nhất với những con người và bạn bè yêu mến, nghe lời giáo huấn của Phật A Di Đà và cúng dường Phật.
Trong thời kỳ này, một nghi lễ nơi giường người chết được cử hành để bảo đảm cho sự sanh vào Tịnh Độ được phổ biến. Một bức tranh vẽ đức A Di Đà, nhìn xuống từ những đỉnh núi, được đặt trên đầu giường. Người sắp chết cầm một xâu chuỗi nối với bức ảnh tượng, để sự sanh vào Tịnh Độ được bảo đảm. Gia đình, bạn hữu và những người tín thành bao quanh, người ấy nhận được một sự gởi gắm ra khỏi thế giới sanh tử này và một sự chào đón ấm áp của A Di Đà trong Tịnh Độ.
Cái nhìn này về A Di Đà và Tịnh Độ chịu một biến đổi lớn trong thế kỷ mười hai, đặc biệt trong tư tưởng của Pháp Nhiên và Thân Loan. Chẳng hạn, sự chuyển biến dần dần đã được phản ánh trong các nghệ thuật theo thị giác. Trái với tư thế ngồi và sự tiếp nhận của A Di Đà với người chết vào Tịnh Độ, những bức tranh sau này vẽ A Di Đà đứng trên một đám mây, phóng xuống thế giới để cứu thoát tất cả chúng sanh.
Cái nhìn về sau lên đến đỉnh điểm trong sự giải thích lại một cách căn bản của Thân Loan về “Sanh trong Tịnh Độ” theo hai cách. Thứ nhất, ngài xem “sanh ra” như một đồng nghĩa với giải thoát đạt được ở đây và bây giờ, khi đang ở trong trói buộc của nghiệp. Khi người ta hoàn toàn giao phó mình cho A Di Đà, sự sanh ra đạt được “một cách tức thời ; tức thời nghĩa là không có khoảng cách nào, không có trải qua ngày giờ nào”, theo Thân Loan. Bởi vì Tịnh Độ siêu việt thời gian và không gian, nó không chỉ xuất hiện trong tương lai mà ngay trong hiện tại này.
Thứ hai, sanh ra trong Tịnh Độ nghĩa là đồng thời chứng đắc Phật Tánh. Vào lúc chết người ta thoát khỏi mọi nợ nần nghiệp báo. Đây là sự sanh ra trong Tịnh Độ, nó đồng thời với giải thoát tối hậu : đạt được Phật quả. Khác với quan điểm truyền thống cho rằng đòi hỏi một thời kỳ dài tu hành ở Tịnh Độ trước khi đạt được Phật quả, Thân Loan xác nhận sự giác ngộ vào khoảnh khắc chết nhờ công việc của đại bi.
Hơn nữa, bởi vì giác ngộ hoàn hảo được đạt đến ở Tịnh Độ, người ta lập tức trở lại sanh tử để cứu độ tất cả chúng sanh. Tự giác ngộ phụ thuộc vào sự giác ngộ của những người khác. Như thế, Tịnh Độ không phải là chỗ đến rốt chót ; nó là một trạm dừng chân trên hành trình trở lại sanh tử. Mô hình căn bản là bồ tát Đại thừa nỗ lực cho giác ngộ (đi lên) để dấn thân vào hoạt động cứu độ (đi xuống). Thân Loan gọi sự đi lên này là oso-eko, đi đến Tịnh Độ bằng thần lực được phú bẩm bằng đại bi, và ngài gọi đi xuống là genso-eko, trở lại từ Tịnh Độ bởi thần lực y hệt của đại bi.
Tịnh Độ như là một trạm nghỉ nhắc tôi nhớ lại một câu chuyện được Martin Buber kể. Vào một trong những ngày lễ Hanukkah, Rabbi Nahum thấy các đệ tử của mình chơi cờ. Họ bối rối nhưng Rabbi hỏi họ có biết luật chơi hay không. Khi không có ai trả lời, ông bảo phải giải thích trò chơi như sau. Thứ nhất là người ta không đi hai nước một lần. Thứ hai là người ta chỉ có thể tiến lên mà không lùi lại. Và thứ ba là khi người ta đã đạt đến hàng cuối cùng, người ta có thể di chuyển đi đâu tùy thích.
Điểm chánh của câu chuyện này là sự tận tụy nhất tâm là thiết yếu cho đời sống tôn giáo trước khi người ta đạt đến tự do để làm bất cứ điều gì lòng mình muốn. Những di chuyển thứ nhất và thứ hai là sự đi lên ; di chuyển thứ ba là sự đi xuống. Khi người ta đã đến mục đích, “hàng cuối cùng”, người ấy có quyền di chuyển tự do không có ngăn cấm hay giới hạn. Đã chứng ngộ tầm mức (lượng) trọn vẹn nhất của trí huệ và lòng bi nhờ “sanh trong Tịnh Độ”, người ta giờ đây được tự do để làm việc cho sự giải thoát của tất cả chúng sanh.
Mục tiêu tối hậu của một người Phật giáo Chân tông không phải là cứu độ cho cá nhân mình mà là sự giải thoát cho tất cả chúng sanh khỏi sanh tử. Kiểu mẫu là cuộc đời của đức Phật lịch sử. Theo lời của Thân Loan :
Những ai đạt đến Tịnh Độ an lạc
Trở lại thế giới ngũ trược này,
Và giống như Phật Thích Ca
Đem lại lợi lạc không cùng cho tất cả chúng sanh.