Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục



131. Muốn mổ kéo chân để cao thêm

"Cháu chỉ cao có 1,47 m, bị bạn bè trêu chọc rất khổ sở. Nghe nói có thể phẫu thuật kéo dài chân, có đúng không? Nếu có thì làm ở đâu và có tốn kém lắm không, xương có ảnh hưởng gì không?".

Hiện nay, người ta có thể phẫu thuật làm cho một hoặc hai chân vốn vẫn lành lặn nhưng "hơi bị ngắn" được dài thêm ra. Phương pháp này do chuyên gia chấn thương - chỉnh hình người Nga Ilizarov đề xuất từ những năm 60 của thế kỷ 20, bao gồm các bước:

- Dùng cưa điện cưa vòng quanh cái xương định kéo dài, làm thành hai đoạn trên và dưới (tủy xương vẫn được giữ nguyên vẹn).

- Dùng thiết bị nói trên kéo và giữ cho đoạn dưới tách xa dần khỏi đoạn trên 1 mm/24 giờ. Trong một ngày đêm, các mô mới sẽ bồi đắp vào 1 mm đó, ban đầu mô còn mềm yếu, về sau vững chắc dần. Sau khoảng từ nửa năm đến một năm rưỡi, bệnh nhân sẽ đi lại được bình thường (ban đầu phải dùng nạng, gậy hỗ trợ).

Trong trường hợp chỉ kéo dài một chân (cho bằng chân bên kia), độ an toàn sẽ cao vì bệnh nhân vẫn có một chân lành hỗ trợ. Nên cân nhắc việc kéo dài cả hai chân vì khi cả 2 xương đều yếu, bệnh nhân rất dễ bị gãy chân khi ngã (do không có xương vững chắc làm điểm tựa). Vì vậy, cháu hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

132. Tìm hiểu bản thân

"Cháu có một chuyện không dám hỏi mẹ và bạn bè, đành hỏi bác sĩ. Âm đạo của cháu 2 lỗ, cái phía trên để đi tiểu, phía dưới ra kinh nguyệt và có chất nhờn. Có bạn nữ nào giống cháu không? Trường hợp như cháu có sinh con được không?".

Có lẽ cháu chưa học giải phẫu và sinh lý người, hoặc học rồi mà quên. Xin nhắc lại: Phía trên là lỗ niệu đạo, thuộc bộ máy tiết niệu. Phía dưới là lỗ của màng trinh (để kinh nguyệt và các chất xuất tiết đi ra). Chỉ khi màng trinh rách thì mới trông rõ âm đạo. Như của cháu là hoàn toàn bình thường.

133. Chớ có cắt nó

"Cháu là con gái, vừa bước sang tuổi 18. Thấy ở bộ phận sinh dục mọc nhiều lông dài, cháu dùng kéo cắt đi lại thấy nó mọc tiếp và ngứa. Cháu phải làm gì bây giờ?".

Chẳng làm gì cả. Hãy để cho nó được yên. Khi mọc đủ dài, lông mu sẽ chững lại, không sao đâu. Nếu bị cắt, nó sẽ mọc tiếp, trở thành cứng, to sợi hơn và gây ngứa ngáy khó chịu. Nên dành thời gian vào việc học hành thì hơn. Còn ngứa thì một thời gian ngắn nữa sẽ hết.

134. Rối loạn dậy thì

"Cháu 16 tuổi, hơi gầy một chút. Từ năm 12 tuổi, cháu hay nhức mỏi khắp người, tim đập hơi mạnh, đôi khi nhức đầu, đau bụng; dưới vai trái hay nhức mỏi khi ngồi học lâu. Có người bảo cháu bị bệnh gan, bảo nên nuốt thằn lằn. Cháu cũng làm theo nhưng không hết".

Những điều cháu kể thuộc phạm vi một số rối loạn ở tuổi dậy thì; một thời gian nữa sẽ hết, cháu đừng quá quan tâm. Hãy tập trung vào học tập và tích cực vận động thân thể, giải trí lành mạnh...

Nhớ rằng gan nằm ở khá thấp bên phải; và đừng nuốt thêm một con thằn lằn nào nữa đấy.

135. Chẳng có chứng bệnh gì đâu

"Cháu là con gái, 16 tuổi, gần đây thường mất hết can đảm, run rẩy và thiếu tự tin, nói năng thiếu tự nhiên khi có mặt người khác, nhất là với những người khác giới cùng trang lứa. Chuyện này làm cháu lo buồn quá. Xin cho biết cháu mắc chứng bệnh gì vậy?".

Cháu không bị bệnh gì cả. Con gái, con trai trong tuổi dậy thì ít nhiều đều có hiện tượng như cháu, nhất là khi ít được tiếp xúc rộng rãi từ lúc còn nhỏ.

Việc khắc phục không khó nhưng phải kiên trì và bí mật. Trước khi ra khỏi nhà, cháu phải kín đáo tự kiểm tra xem mặt mũi có vết nhọ không, hai hàm răng có sạch không, miệng đã thơm tho chưa (nhất là sau khi ăn hành tỏi), tóc tai gọn gàng, quần áo tươm tất đứng đắn chưa (chớ mặc những kiểu lố lăng sẽ làm thiên hạ tò mò thêm); cặp đã đủ sách vở chưa; óc đã thật thuộc bài, hiểu bài hôm đó chưa; có thấy bụng đói không (đừng cười, bụng đói cũng làm chúng mình run đấy)... Tóm lại, chỉ khi nào thấy mình "hết chê", nghĩa là dù ai có bới lông tìm vết cũng không làm gì nổi mình, thì lên đường mới thật vững dạ.

Cùng với vài bạn gái thân, cháu hãy tập làm quen dần với một vài bạn trai hiền lành, nghiêm túc, sau đó có thể bắt quen cả với những bạn "ưa tò mò và hay để ý". Chắc chắn rằng cuối cùng cháu sẽ thấy họ cũng không ghê gớm như cháu nghĩ.

Tranh thủ những lúc rỗi rãi, cháu có thể bí mật ngồi một mình trước gương để đối thoại với chính mình, thấy động tác nào "vô duyên" thì chấn chỉnh (như thói quen nói to, đưa tay che miệng khi cười, cười ùng ục, cười ha hả, bĩu môi, nhăn mặt, khua tay múa chân...). Dần dà cháu sẽ ứng xử có văn hóa, được mọi người tôn trọng, làm cháu càng thêm tự tin.

Ngoài ra, cháu nên tìm một hoạt động văn hóa lành mạnh hoặc một môn thể dục thể thao để tham gia hết mình.

136. Có thể khắc phục được

"Cháu là con gái, học lớp 8, đang mang một căn bệnh quái ác là nói trước quên sau. Ở nhà, cháu học bài cẩn thận, nhưng khi cô giáo bước vào, nhất là khi bị gọi lên bảng, cháu run đến nỗi không nói được câu nào. Xin cho cháu biết cách khắc phục".

Chẳng phải bệnh tật gì đâu, cháu ạ. Đang tuổi dậy thì, người ta thường có những trục trặc như thế. Cháu chớ buồn lo, dần dà mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi.

Để khắc phục, cháu hãy tập thói quen ghi lên giấy bất cứ việc gì ai dặn (nội dung, thời gian, địa điểm cụ thể) rồi thường xuyên xem lại, thực hiện đến đâu ghi chép đến đó. Với những việc mình dự định làm cũng vậy. Cháu sẽ ít bị mẹ mắng cho mà xem.

Về học tập, khi ở nhà, cháu theo cung cách sau: Tay cầm sách vở, vừa đi bách bộ vừa nói thật dõng dạc, hình dung người nghe lúc đó chính là thầy cô giáo đang mỉm cười và bạn bè đang thích thú nghe cháu nói. Lúc đã nắm vững bài, cháu bỏ tài liệu và tiếp tục như cũ, đến khi thấy nói trôi chảy là được. Nhỡ giữ bí mật, nếu không sẽ bị chế giễu là "chập mạch" đấy.

137. Bên to bên nhỏ

"Cháu là con gái, 17 tuổi. Vài năm gần đây, cháu phát hiện thấy hai bầu vú mình tuy không đau đớn gì nhưng không cân đối, bên phải lớn hơn bên trái. Cháu lo lắng quá chừng!".

Thông thường, trên cơ thể người, hai bộ phận đối diện (tai, mắt, cánh mũi) không hoàn toàn như nhau nhưng ít ai chú ý tới, vì sự khác biệt cũng không nhiều.

Nhưng với bộ ngực, do nó lớn, dễ lộ nên người ta cảm nhận ngay được điều đó. Đặc biệt, ở các cháu gái nông thôn phải sớm tham gia lao động, do ưu tiên sử dụng tay phải nên cánh tay phải thường to hơn cánh tay trái, nửa ngực bên phải cũng to hơn bên trái.

Nếu chưa tin, cháu rủ một số chị em cùng hoàn cảnh và trang lứa, dùng thước đo kiểm tra cho nhau mà xem. Khi đã tin rồi, các cháu có thể khắc phục một phần bằng cách ưu tiên cho tay trái hoạt động nhiều hơn, nhưng phải lâu dài đấy, không vội được đâu.

Tốt nhất là khuyên các em nhỏ để chúng biết mà tránh trước.

138. Chỉ là do hoóc môn sinh dục

"Năm nay tôi 29 tuổi, đã có gia đình và một con. Từ khi bắt đầu có kinh cho đến nay, mỗi lần chuẩn bị thấy tháng là hai đầu vú của tôi nổi lên từng cục, ấn vào thấy đau, hết kinh nguyệt thì trở lại bình thường. Xin cho biết đây có phải là triệu chứng của bệnh ung thư vú không?".

Tình trạng của bạn, mộ số chị em khác cũng gặp. Tuyến vú tăng thể tích dưới tác động của hoóc môn sinh dục. Không phải là ung thư vú, và cũng không cần điều trị gì. Nếu đau nhức khó ngủ, bạn có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường; còn nếu không khó chịu lắm thì thôi.

139. Bộ ngực và khả năng sinh con

"Em đã vào tuổi 22 mà không hiểu sao bộ ngực lại quá nhỏ. Em rất buồn và lo lắng vì nghe nói con gái không có ngực sẽ không có khả năng sinh con".

Nếu em và bạn đời của em không có bệnh tật thì chỉ sợ lấy chồng rồi em sẽ sòn sòn năm một đấy. Bởi vì tạng người gầy không hề đồng nghĩa với chứng vô sinh! Sống trong niềm hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn, chẳng những em sẽ có con mà cơ thể cũng trở nên cân đối hơn, với điều kiện là phải duy trì một chế độ ăn đủ chất cho cả vợ lẫn chồng, năng vận động, thể dục, ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày, tinh thần thoải mái.

Sau này, trong lần mang thai đầu tiên, em sẽ lên cân, ngực sẽ nở, và sẽ có nhiều sữa cho cháu bé, bởi vì các cụ thường nói, "vú mướp" của người nhàng nhàng như em có nhiều sữa hơn, tuy hình thức không hấp dẫn bằng "vú thịt" của người quá mập.

140. Nhũ hoa bị tụt vào

"Năm 12 tuổi, em bắt đầu có ngực, đến nay đã 20 tuổi rồi mà vẫn chưa có đầu vú. Không có đầu vú thì sau này làm sao cho con bú; vì vậy nên em không dám nhận lời yêu ai. Xin cho em một lời khuyên".

Em soi gương kỹ lại xem, chắc là 2 nhũ hoa của em bị tụt vào đấy. Hãy dùng một cái hút sữa (của một số bà mẹ đang cho con bú) áp vào và tìm cách kéo nó lên dần; hoặc dùng tay đẩy ra thường xuyên để lau rửa và day ấn nhẹ nhàng. Sau này, khi em chuẩn bị làm mẹ, trong quá trình thai nghén, em nên thường xuyên xoa vuốt để hai nhũ hoa đứng lên; nếu được "ông xã" giúp cho càng tốt. Dĩ nhiên là em không nên sử dụng nịt vú.

Xem mục lục