Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục



31. Về bệnh đái tháo đường (tiểu đường)

"Báo chí nói bệnh tiểu đường có 2 type. Xin nói rõ hơn cho chúng em để có thể phân biệt dễ dàng".

Tuyến tụy tiết ra chất insulin, một nội tiết tố gồm 51 axit amin giữ vai trò điều chỉnh tỷ lệ đường glucose trong máu (75-115 mg/100 ml). Hễ đường huyết tăng quá mức đó, tụy lập tức tiết insulin, giúp cho đường nhanh chóng đi vào các tế bào cơ bắp, tế bào mỡ và bạch cầu. Insulin cũng kìm hãm việc biến glycogene của gan thành glu-cose.

Người ta phân chia bệnh đái tháo đường (tiểu đường) thành type 1 (phụ thuộc insulin) và 2 (không phụ thuộc insulin).

- Type 1: Chiếm 10%, phát sinh từ tuổi nhỏ do rối loạn chức năng của hệ miễn dịch. Cách chữa duy nhất là hằng ngày tiêm một liều insulin tổng hợp. Nguyên nhân bệnh chưa rõ là do di truyền hay do bị nhiễm virus.

- Type 2: Xảy ra ở lứa tuổi trên 40. Cơ thể có tiết insulin nhưng ở mức rất thấp; các bộ phận thụ cảm của tế bào đối với insulin quá kém. Hầu hết bệnh nhân bị béo phì. Chữa trị bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực.

32. Ghép tụy chữa bệnh tiểu đường

"Xin cho biết về việc ghép tụy để chữa bệnh tiểu đường".

Lúc đầu, người ta ghép tụy trên chó. Những con được ghép ở cổ đều chết vì thiếu men tiêu hóa. Những con được thay tụy (cắt bỏ tụy và thay tụy khác vào) cũng chết vì mảnh ghép bị loại trừ.

Chỉ có 20% mô tụy (gồm các tiểu đảo Langerhans) đảm đương nhiệm vụ nội tiết (tế bào A tiết glucagon làm tăng đường huyết, tế bào B tiết insulin làm giảm đường huyết). Một số tác giả đã tìm cách lấy riêng rẽ các tiểu đảo Langerhans để ghép. Ban đầu, họ ghép vào tụy nhưng rồi phải bỏ vì rất khó thực hiện. Sau đó, người ta ghép vào thành bụng, vào lách, vào tuyến thượng thận. Cuối cùng, một số tác giả đã tiêm vào tĩnh mạch cửa: lấy 350 tiểu đảo Langerhans của chuột bình thường tiêm cho 1 chuột đã được gây bệnh tiểu đường. Kết quả là chuột khỏi bệnh. Với khỉ và lợn, kết quả cũng tốt.

Nhằm tránh việc mổ bụng để tiêm vào tĩnh mạch cửa (nằm dưới gan), người ta dùng kim tiêm thẳng các tiểu đảo Langerhans vào gan của chuột; chuột khỏi bệnh. Các tế bào tụy nằm trong gan vẫn sống và tiết insulin bình thường. Một số tác giả tiến hành nuôi cấy các tiểu đảo Langerhans của lợn trong phòng thí nghiệm nhằm hai mục đích: sản xuất insulin một cách công nghiệp và nghiên cứu khả năng dùng các tiểu đảo này tiêm vào gan người.

33. Đã ghép tụy thành công trên người

"Chú em đang điều trị bệnh tiểu đường type 1. Trước đây, báo chí có nói đến ghép tụy trên động vật nhằm áp dụng cho người. Xin cho biết việc đó kết quả ra sao? Bệnh tiểu đường type 1 là gì, có nặng lắm không?".

Sau khi thất bại trong việc ghép toàn bộ tụy trên động vật để chữa tiểu đường, người ta chỉ cấy ghép các tiểu đảo Langerhans (chiếm 20% mô tụy). Và kết quả là đã có thể lấy các tiểu đảo Langerhans (TĐL) của người khỏe mạnh đem tiêm vào gan bệnh nhân tiểu đường type 1 với điều kiện phải suốt đời dùng thuốc chống miễn dịch để tránh hiện tượng thải loại mảnh ghép. Điều trở ngại là đa số bệnh nhân không chịu đựng được thuốc chống miễn dịch, nên gần 95% người được cấy ghép các TĐL đã phải tiêm lại insulin sau vài ba tháng làm thủ thuật này.

Năm 2000, một nghiên cứu của Canada đã thực hiện thành công 7 ca cấy ghép TĐL kết hợp với sử dụng chất chống miễn dịch mới (dẫn xuất của cyclosporin). Đã một năm nay, 7 người này ngưng tiêm insulin mà mức đường huyết vẫn bình thường.

Đây là tin vui làm nức lòng các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường type1. Nhưng vẫn tồn tại hai vấn đề: Thời gian 1 năm vẫn chưa đủ khẳng định bệnh có tái phát hay không; số lượng 1 triệu TĐL dùng cho 1 bệnh nhân (tương đương với 2-3 tuyến tụy nguyên vẹn) là quá lớn, khó đáp ứng nổi nhu cầu, vì số người cho không nhiều.

Một phương pháp mới rất có triển vọng đã được đề xuất và đang hiệu chỉnh: Dùng các tế bào gốc (chưa thành thục) lấy từ tuyến tụy của con người đem nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, cho đến khi chúng biệt hóa thành các TĐL thì đem cấy ghép.

Bệnh tiểu đường type 1 (phụ thuộc insulin) gây ra do các bất thường về gene, biểu hiện bằng sự phá hủy tuần tự các TĐL. Vì khoa học chưa tìm ra phương pháp ngăn chặn tiến trình bệnh lý này nên bệnh nhân phải đo mức đường huyết hằng ngày nhằm xử trí kịp thời khi chỉ số này lên quá cao (tối đa cho phép là 1,2 g/lít).

Trong khi đó, bệnh nhân tiểu đường type 2 (không phụ thuộc insulin) do béo phì gây ra, có thể tự chữa bằng một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.

34. Một vị thuốc nam chữa tiểu đường

"Mẹ em hơn 60 tuổi, người khá mập, vừa bị cao huyết áp vừa bị bệnh tiểu đường, thường xuyên phải dùng mấy loại thuốc tây nhưng không đỡ mấy. Xin cho mẹ em một lời khuyên".

Em nhắc mẹ điều chỉnh chế độ ăn cho hợp lý và vận động thể lực nếu điều kiện sức khỏe cho phép.

 Mẹ em có thể vận dụng cách chữa của dân gian đơn giản mà hữu hiệu sau đây: Nhắm trong vườn nhà hay vườn của ai đó mấy cây chuối hột đã lớn. Vào lúc sáng sớm, dùng dao sạch cắt ngang thân cây rồi khoét một hốc ở thân sâu chừng 10cm; lấy tờ nylon bao kín lại, đợi khoảng nửa giờ thì mở ra, dùng ống hút uống hết chỗ nước mà cây đã tiết ra.

Nếu thấy cây chuối tiết nước kém thì dùng cây khác. Uống khoảng 30-40 ngày sẽ hy vọng thành công.

Khi đỡ hay khỏi vẫn phải duy trì chế độ ăn uống và vận động.

35. Tác hại tại nhà của trường điện từ

"Chúng em đang học cấp 3, lâu nay thấy báo chí nói đến tác hại của trường điện từ đối với sức khỏe. Vậy mà vì nhà chật, chúng em phải ngủ cạnh tủ lạnh, ngồi học thì quay lưng lại sát máy thu hình (phải mở để cho cả nhà xem), như vậy có hại gì không?"

Giải đáp này có thể làm các em không vui vì gia đình mình (cũng như gia đình nhiều bạn khác) sẽ khó khắc phục. Chỉ mong các em nắm được vấn đề để phấn đấu dần trong hoàn cảnh cụ thể.

Từ lâu, các nhà khoa học đã lo lắng về tác hại của trường điện từ (TĐT) đối với sức khỏe con người. Gần đây, họ đã thu được những bằng chứng đầu tiên trên động vật.

Các nhà khoa học Đức đã tiến hành nghiên cứu trên 120 chuột cái đã được tiêm chất gây ung thư vú, được đặt vào những TĐT có mức độ khác nhau. Sau 3 tháng, họ nhận thấy:

- Ở mức TĐT = 1mG (milligauss) - mức trung bình trong các gia đình - số chuột mắc ung thư rất vừa phải.

- TĐT = 100 mG, số chuột mắc ung thư tăng 10%.

- TĐT = 500mG: tăng 25%.

- TĐT = 1000 mG: tăng 50%.

Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng TĐT làm giảm tiết chất melatonine, một hoóc môn do não giải phóng vào ban đêm, có tác dụng bảo vệ cơ thể chống ung thư vú. TĐT phát ra từ các máy điện gia dụng làm thay đổi sự sản sinh một số hoóc môn và làm rối loạn phương thức tác động bảo vệ cơ thể của chúng trước sự tấn công của ung thư.

Một số nghiên cứu còn cho thấy, TĐT làm cho cơ thể phụ nữ tăng tiết chất oestrogene, có thể gây ung thư vú. Còn ở đàn ông, TĐT làm giảm tiết chất testostorone, tăng nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư tinh hoàn.

36. Khi muốn làm tiếp viên hàng không

"Cháu muốn trở thành nữ tiếp viên hàng không nhưng nghe nói bay trên cao dễ bị nhiễm phóng xạ. Xin giải thích rõ điều này và những vấn đề khác liên quan đến sức khỏe trong các chuyến bay xa".

Mỗi người sống trên mặt đất hằng năm hấp thu một liều phóng xạ khoảng 1 milisiviert (1 mSv) do phải thường xuyên tiếp xúc với các bức xạ ion hóa từ vũ trụ, từ các đồng vị phóng xạ hiện hữu trong không khí, nước, đất...(trong đó, phần từ vũ trụ chiếm hơn 1/4).

Càng lên cao, bức xạ càng lớn. Ở độ cao 6.000-8.000 m, bức xạ tăng tới 55-70 lần. Do đó, càng bay cao, bay lâu, con người càng phải hấp thu liều phòng xạ lớn hơn. Chỉ trên một chuyến bay trong 12 giờ từ Paris đi Tokyo, mỗi hành khách đã phải hấp thu 0,20-0,25 mSv. Theo Tổ chức phòng vệ phóng xạ thế giới, liều hấp thu phóng xạ cho phép hằng năm của người bình thường là 1 mSv, của người làm nghề có liên quan đến phóng xạ là 20 mSv.

Một công trình nghiên cứu tại Đức cho thấy, các phi công và tiếp viên hàng không thâm niên của nước này có hiện tượng biến đổi bất thường ở nhiễm sắc thể, giống như ở người nhiễm xạ. So với những người làm việc trong nhà máy điện nguyên tử, họ hấp thu một liều bức xạ cao gấp 5 lần.

Cũng theo công trình trên, khi xem xét 23 triệu hành khách của Hãng hàng không Lufthansa, các nhà nghiên cứu thấy trung bình mỗi năm có khoảng 140 người chết vì ung thư do nhiễm xạ, một con số cao hơn tử vong vì tai nạn máy bay.

Như vậy, không chỉ phi công và tiếp viên hàng không mà cả những khách hàng thường xuyên của các hãng hàng không cũng phải hấp thu một liều bức xạ lớn hơn nhiều so với khi ở trên mặt đất.

Đó là chưa kể đến trường hợp hấp thu phóng xạ khi tiến hành kiểm tra hành lý bằng tia X, sử dụng các nguồn bức xạ gamma do yêu cầu của thiết bị kỹ thuật, hay vận chuyển trái phép các nguồn phóng xạ... Hàng không, vì vậy, không phải là một ngành "dễ chịu" như ta vẫn tưởng khi chỉ nhìn bộ cánh hấp dẫn của tiếp viên, trang phục sáng ngời của phi công, khi hình dung ra cảnh phiêu diêu trên chín tầng mây và số tiền lương kha khá.

Khi phải qua nhiều múi giờ, cơ thể người đi máy bay trải qua những thay đổi về đồng hồ sinh học, làm ảnh hưởng đến não. Giữa năm 2001, một nghiên cứu của Anh trên tiếp viên những chuyến bay qua hơn 7 múi giờ cho thấy, ở nhóm chỉ được nghỉ 5 ngày giữa hai chuyến bay, thùy thái dương phải của não bị teo nhỏ, kèm theo rối loạn ghi nhớ và tiếp nhận; còn nhóm nghỉ 14 ngày vẫn bình thường.

Ngoài ra, khi bay đường dài, những ai ngồi quá lâu một chỗ mà không vận động sẽ dễ bị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, có thể dẫn đến nguy cơ tắc huyết, gây tử vong.

37. Báo động về điện thoại di động

"Chồng em giao thiệp rộng, định sắm thêm một máy điện thoại di động. Em đọc báo thấy nói việc sử dụng máy này nhiều có thể gây ung thư não, nên chưa muốn cho anh ấy mua. Xin cho chúng em một lời khuyên".

Sau khi máy điện thoại di động (ĐTDĐ) ra đời ít lâu, các nhà khoa học đã nghi ngờ về sự nguy hiểm của nó, vì nó phát ra các tần số radio không lợi cho cơ thể.

Giữa năm 1977, qua thực nghiệm trên chuột, người ta phát hiện ra tính dễ gây ung thư bạch huyết của ĐTDĐ, nhưng chưa thấy biểu hiện ở người.

Một nghiên cứu ở Australia năm 1998 cho thấy, từ năm 1982, tỷ lệ ung thư não tăng 50% ở nam và 63% ở nữ, nguyên nhân có thể là do sử dụng ĐTDĐ. Nước này buộc phải triển khai việc nghiên cứu vấn đề ĐTDĐ với Pháp, Italy, Anh, Canada và các nước Bắc Âu.

Cuối năm 1998, Anh công bố một nghiên cứu cho thấy, ĐTDĐ làm giảm trí nhớ, gây trở ngại cho việc tập trung tư tưởng và cảm nhận không gian, do tác động của trường điện từ mà ĐTDĐ phát ra. Đầu năm 1999, ở Đức, các nhà khoa học phát hiện ĐTDĐ tác động lên huyết áp của người sử dụng 5 lần/24 giờ, mỗi lần 35 phút liên tục.

Theo một nghiên cứu ở Pháp, cùng với sự gia tăng số người sử dụng ĐTDĐ, có một sự gia tăng tỷ lệ ung thư não: năm 1975 có 2.300 trường hợp, năm 1995 lên tới 4.700. Các nhà khoa học Pháp còn đặt vấn đề liệu có nên ghi trên ĐTDĐ dòng chữ cảnh báo "Tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe" hay không. Giữa năm 2001, Bộ y tế Pháp đưa đơn ra khuyến cáo nên thận trọng khi sử dụng ĐTDĐ:

- Không nói chuyện lâu khi máy nghe không rõ (sức thu kém, do đó máy phải tăng công suất).

- Sử dụng loại máy có che tai (để bớt năng lượng hấp thu qua da).

- Không đặt máy vào những vùng nhạy cảm (thiếu niên hay nhét máy vào túi quần, thai phụ thì nhét trước bụng, gần cơ quan sinh dục).

- Hạn chế trẻ em dùng ĐTDĐ.

Một thực tế hiển nhiên là, do lợi nhuận đặc biệt cao, các nhà sản xuất ĐTDĐ đã vội vã tung các sản phẩm mới ra thị trường mà chưa nghiên cứu thật kỹ càng để phát hiện mặt nguy hại của nó.

Mặc dù cho đến nay, khoa học vẫn chưa khẳng định được ĐTDĐ có gây ung thư hay không, nhưng trước những lời cảnh báo của các nhà nghiên cứu, người ta đã chế tạo những ĐTDĐ có tai nghe để tránh tác động lên não.

Còn chuyện gia đình các em cụ thể ra sao, tự các em phải xử lý cho đúng mức. Hy vọng rằng những số liệu khoa học nêu trên có thể giúp cho đầu óc con người tỉnh táo ra, để tránh việc lạm dụng ĐTDĐ.

38. Lây bệnh viêm gan từ bác sĩ mổ

"Phẫu thuật viên bị viêm gan B có thể lây bệnh của mình sang những bệnh nhân được ông ta mổ không?".

Từ lâu, người ta đã biết rằng các phẫu thuật viên rất dễ bị lây bệnh viêm gan B (VGB) từ bệnh nhân mà họ tiến hành phẫu thuật, với một tỷ lệ rất cao, và lây bệnh viêm gan C (VGC) với một tỷ lệ thấp hơn. Nguyên nhân là dao kéo hay kim tiêm làm rách da tay của người mổ trong quá trình phẫu thuật (cho những người có bệnh viêm gan kèm theo).

Còn việc lây ngược VGB từ phẫu thuật viên sang bệnh nhân ít được đề cập nên tưởng chừng như không xảy ra. Vậy mà có đấy! Một tạp chí thực hành y học của Pháp thống kê được 11 trường hợp đã công bố. Trong đó, có 5 bác sĩ nha khoa, 3 bác sĩ phụ sản và 3 bác sĩ khoa phẫu thuật lồng ngực. Khi nhổ răng, tay phẫu thuật viên có thể bị thương do răng bệnh nhân hay dụng cụ nha khoa, và virus từ máu của bác sĩ nhiễm vào vết nhổ răng của người bệnh. Bác sĩ phụ sản có thể bị mũi kim đâm trúng khi tiến hành thủ thuật thăm dò; còn bác sĩ phẫu thuật lồng ngực có thể bị thương ở tay khi đục xương ức. Điều đặc biệt là:

- Cả 11 phẫu thuật viên gây tai họa nói trên trước đó đều không được tiêm chủng vacxin phòng VGB.

- Có 2 người bị VGB cấp tính; 9 mang virus B mạn tính.

Các công trình nghiên cứu nói trên càng cho thấy sự cần thiết phải tiêm phòng bệnh VGB cho các phẫu thuật viên, không những để bảo vệ bản thân họ mà còn đảm bảo không lây VGB từ họ (nếu có) sang bệnh nhân. Vacxin chống VGB phải được tiêm nhắc lại đều đặn 5 năm một lần, nhưng nhiều người quên mất điều đó.

Tuy nhiên, việc tiêm vacxin cũng không giải quyết được vấn đề một cách trọn vẹn. Những người trên 40 tuổi thường ít đáp ứng miễn dịch, nên việc tiêm phòng VGB ở độ tuổi này cho kết quả không cao. Ngoài ra, nếu trước khi được tiêm phòng, bệnh nhân đã mang virus B mạn tính thì cũng không có tác dụng.

Để tránh lây viêm gan cho bệnh nhân, nhân viên y tế cần nhớ:

- Khi định hướng nghiệp theo ngoại khoa, hãy đi thử máu tìm kháng thể viêm VGB. Những người mang virus VGB mạn tính không nên vào ngoại khoa.

- Một phẫu thuật viên nếu không may bị VGB cấp tính hoặc VGC trong giai đoạn tái lại, phải đình chỉ ngay việc mổ xẻ và các thủ thuật (soi ổ bụng, chọc hút màng bụng, màng phổi...), nghĩa là tránh mọi nguy cơ để máu mình giây sang máu bệnh nhân.

Có thể xem xét việc tiếp tục hành nghề ngoại khoa vào giai đoạn không tái lại của VGB mạn tính; tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng những phẫu thuật viên này sẽ không để lây VGB sang bệnh nhân do họ mổ. Tốt nhất là nghỉ hẳn việc phẫu thuật cũng như các thủ thuật trên bệnh nhân.

Tạp chí y học nói trên cũng cho biết, đã phát hiện được 1 trường hợp lây VGC từ một chuyên gia mổ tim sang bệnh nhân của ông. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, sau khi được tiêm bằng kim có giây máu của người bị VGB, nguy cơ lây bệnh sẽ là 30%, còn nếu là VGC thì tỷ lệ này chỉ có 3%. Cũng may, bởi vì cho đến nay người ta vẫn chưa chế tạo được vacxin để tiêm phòng VGC.

39. Có thể dùng thuốc chữa ung thư tại chỗ không?

"Mẹ tôi bị ung thư đại tràng đã mổ, sau đó vẫn phải dùng tiếp hóa chất để chống tái phát và di căn nên xanh xao, ăn uống kém. Y học đã có cách gì đưa thuốc trực tiếp vào để diệt tế bào ung thư ngay tại chỗ chưa?".

Mong ước của bạn, các nhà nghiên cứu y học cũng đã nung nấu từ lâu, nhưng "lực bất tòng tâm", chưa thực hiện được. Tuy nhiên, họ vẫn không bỏ cuộc mà vẫn ngày đêm tìm tòi, bước đầu đã thu được một số thành tựu trên động vật, chuẩn bị cho việc ứng dụng trên người:

- Sản xuất một số dạng nang thuốc có cấu trúc đặc biệt, để khi vào đến bộ phận bị bệnh thì mới giải phóng thuốc ra, tránh hư hao trong quá trình chuyển vận, do đó giảm được liều dùng và tăng hiệu quả.

- Dựa vào thành tựu của công nghệ nano, người ta dự kiến chế tạo những bóng rỗng siêu nhỏ (đường kính 2-3 micron) bằng chất polymer, mặt ngoài được gắn một enzyme, bên trong mang một lượng thuốc cực nhỏ. Các kháng thể hoặc kháng nguyên giúp nó hướng đúng vào vị trí mong muốn. Khi máy siêu âm xác định bóng đã đến đúng chỗ, người ta tăng công suất máy để rung lắc cho thành bóng vỡ ra, giải phóng chất thuốc để chữa trị cho các tế bào bị bệnh.

Cũng theo hướng này, người ta sẽ chế tạo các bóng chứa đầy ôxy rồi đưa vào máu, để cung cấp ôxy thường xuyên cho những vùng thiếu máu của tim.

- Về dụng cụ y học, cũng nhờ công nghệ nano, Mỹ đã chế tạo thành công loại động cơ điện có hệ thống bánh răng cực nhỏ dùng cho các máy bơm điện được luồn vào cơ thể. Họ cũng chế tạo được những đầu dò có đường kính bằng 1/1.000 của sợi tóc, sẽ được đưa vào tận từng khu vực nhỏ bị bệnh.... Australia cũng đã làm giảm được bệnh điếc bằng cách gắn những điện cực nhỏ xíu vào các dây thần kinh thính giác.

Hy vọng cụ thân sinh nhà ta, nhờ kiên trì dùng hóa trị liệu, sẽ có cơ may được hưởng những thành tựu khoa học tuyệt vời này.

40. Có thể bị nhiễm khuẩn khi bốc mộ

"Nhân dân ta có tập quán cải táng. Nếu lúc sinh thời, người quá cố bị một bệnh gì đó do vi khuẩn thì bệnh có lây sang những người tiến hành cải táng không, và sau bao nhiêu lâu thì không còn lây được nữa?".

Nói chung, vi khuẩn có loại hiếu khí ( sống và phát triển trong môi trường có không khí) và yếm khí (sống và phát triển trong môi trường không có không khí).

Theo tập quán tại một số địa phương, ba năm sau khi chôn cất người chết, người ta tiến hành cải táng (bốc mộ, thay áo). Lúc bấy giờ, vi khuẩn yếm khí vẫn sống đã đành mà cả vi khuẩn hiếu khí cũng chưa chết hết. Vì vậy, khi tiến hành thủ tục này, con cháu phải chú ý đừng để da dẻ mình bị sây sát. Nếu bị, phải bôi ngay thuốc diệt khuẩn, tiêm phòng uốn ván và dùng thêm thuốc kháng sinh nếu cần.

Về thời hạn để vi khuẩn không còn hoạt động thì thật khó nói, vì các nhà khoa học đã phục hồi được một số vi khuẩn bị chôn vùi trong lòng đất cách đây hàng triệu năm.

Xem mục lục