Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục



21. Chất bảo vệ răng tuyệt vời

"Để đề phòng sâu răng, chỉ đánh răng nhiều lần thật sạch bằng bàn chải mà không cần kem đánh răng, có được không? Tại sao lại phải pha chất fluor vào kem đánh răng?".

Đánh răng ngay sau mỗi bữa ăn hoặc đánh răng vào buổi sáng và tối đều rất tốt. Động tác này ngăn thức ăn còn sót tạo thành một màng mỏng trên răng, làm môi trường phát triển của vi khuẩn. Hơn nữa, trong khi ta ngủ, do không có động tác nhổ ra hoặc nuốt nước bọt xuống ruột nên vi khuẩn có điều kiện tập trung hơn (đây là lý do tại sao phải đánh răng trước khi đi ngủ). Việc đánh răng đều đặn cũng giúp ngăn chặn sự hình thành cao răng, tránh gây tổn thương cho lợi.

Kem đánh răng giúp cho việc "kì cọ" này hữu hiệu hơn. Trước đây, người ta cho rằng nếu đánh răng thật tỉ mỉ thì không cần kem đánh răng nữa. Lúc đó, tác dụng bảo vệ răng tuyệt vời của chất fluor chưa được phát hiện; chất này cũng chưa được trộn vào kem đánh răng như hiện nay. Fluor là chất duy nhất có khả năng làm cho men răng (lớp ngoài cùng, phủ lên ngà răng) không bị hòa tan trong môi trường axit. Men răng là chất cứng nhất của cơ thể, chủ yếu gồm các apatite. Fluor khi ngấm vào men răng sẽ biến các apatite thành fluoroapatite, làm cho men răng cứng thêm.

Mới đây, các nha sĩ của Anh đã sáng tạo một phương pháp mới ngừa sâu răng: dùng một viên nhỏ bằng hạt gạo gắn vào một răng hàm của trẻ; viên này thường xuyên giải phóng chất fluor trong hai năm liền, kết quả là tỷ lệ sâu răng giảm 76%.

Các bạn nên nhắc nhở và kiểm tra con em trong nhà, kể cả các cháu nhỏ chỉ mới có răng sữa, đánh răng thật kỹ, nhất là buổi tối, và chỉ dùng kem đánh răng có fluor.

22. Huyết áp cao hay không

"Bố tôi gần 70 tuổi nhưng còn sung sức, lao động tốt, ăn ngủ bình thường. Vừa rồi cụ đo huyết áp, chỉ số là 140/100; có người nói cao, có người cho là bình thường. Cách đo hiện nay không giống nhau. Vậy cách đo nào tốt nhất, và chỉ số của người cao huyết áp là bao nhiêu?".

Với người cao tuổi như cụ nhà, chúng tôi xin giới thiệu một cách tính mức huyết áp bình thường đơn giản theo từ điển y học Flammarion năm 1994 của Pháp: Huyết áp tối đa = Số hàng chục của tuổi + 10, Huyết áp tối thiểu = Huyết áp tối đa + 01.

Cũng theo từ điển này, cao huyết áp là khi ở trạng thái nghỉ ngơi mà huyết áp tối đa (lúc tim co bóp, gọi là tâm thu) bằng hoặc trên 17 cm Hg, và huyết áp tối thiểu (lúc tim nghỉ ngơi, gọi là tâm trương) bằng hoặc trên 10 cm Hg. Theo đó thì chỉ số huyết áp lý thuyết của cụ nhà (70 tuổi) là: Huyết áp tối đa = 7 + 10 = 17 cm Hg (170); Huyết áp tối thiểu = 17 + 01 = 9,5 cm Hg (95).

Bạn nói huyết áp của cụ là 140/100. Chúng ta kiểm tra lại một lần nữa cho chắc chắn: Để cụ nằm ngửa thoải mái trên giường (không lấy huyết áp khi ngồi). Nên đo vào một thời điểm nhất định trong ngày để có được những điều kiện tương tự.

Bóp bóng cho lên cao trên 200 rồi bắt đầu nghe từ đó (không nghe từ 150-140 để loại trừ hiện tượng nghe được huyết áp tối đa lúc khởi đầu, nhưng ngay sau đó bị ngắt quãng; nếu chỉ lấy từ mức cao hơn thì dễ tưởng nhầm số đo này là của huyết áp tối đa).

Với huyết áp tối thiểu, ta theo dõi cho đến khi không còn nghe được nữa hoặc nghe âm sắc của tiếng đập thay đổi hẳn (để loại trừ khoảng im ắng ngay phía trên huyết áp tối thiểu, làm ta tưởng nhầm đó là số đo của huyết áp tối thiểu.

Nếu kết quả kiểm tra lại vẫn thế thì, đối chiếu với tài liệu nói trên, huyết áp tối thiểu của cụ tăng chút ít (đáng lẽ là 95 thì ở đây là 100). Trong khi đó, huyết áp tối đa của cụ không khác gì ở người 40 tuổi (ở các vận động viên, những người luôn thư giãn và hoạt động, không hút thuốc lá, sống trong môi trường lành mạnh... cũng có hiện tượng tương tự). Bạn không có gì phải lo lắng đặc biệt, chỉ cần nhắc cụ giữ sức khi lao động, khi thay đổi thời tiết, và khuyến khích cụ dùng dầu thực vật hoặc ăn chay.

Theo số liệu JNC năm 1998 của Mỹ, chỉ gội là cao huyết áp khi huyết áp tối đa trên 140 hoặc huyết áp tối thiểu trên 90. Ở Việt Nam, trong khi chưa có số liệu thống kê lớn, có thể tùy theo tuổi tác mà vận dụng linh hoạt các số liệu của hai nước nói trên.

23. Phát dục sớm

"Xin cho biết rõ bệnh phát dục sớm là gì, nguyên nhân và tác hại của bệnh ấy?".

Phát dục sớm không phải là bệnh, mà là một hiện tượng sinh lý gần như bình thường, chỉ khác một điều: tuổi dậy thì xuất hiện quả sớm so với thông thường.

Ở con gái, thường từ tuổi 13-14, ngực bắt đầu nở; lông mu mọc (ở phía trên bộ phận sinh dục ngoài); có kinh nguyệt (ban đầu có thể chưa đều đặn), đùi và mông to ra; có lúc thấy đau nhói một số nơi; giọng nói bớt thanh, thậm chí trầm hẳn xuống, nhưng sẽ có ngày thanh trở lại; hay hồi hộp, bồn chồn vô cớ, thậm chí hay giận hờn, thấy thích bạn trai...

Ở con trai, thường từ tuổi 15-16, giọng nói trầm xuống và sẽ vĩnh viện trầm; lông mu và ria mép xuất hiện; đêm ngủ có thể xuất tinh trong giấc mơ; tính hay quên, mơ mộng, thấy thích bạn gái...

Gọi là phát dục sớm nếu các dấu hiệu dậy thì xuất hiện trước các lứa tuổi trên, thậm chí rất sớm, có thể làm bố, làm mẹ ngay cả khi còn ở tuổi vị thành niên. Cụ thể là: vú to ra trước 8 tuổi, lông nách và lông mu mọc trước 9 tuổi, cứng và đen nhánh; kinh nguyệt có trước 10 tuổi; âm vật hay dương vật to lên quá cỡ so với tuổi. Ngoài ra, các dấu hiệu dậy thì khác như vỡ giọng, mọc ria mép, trứng cá, núm vú và cơ quan sinh dục bắt đầu thâm đen... xuất hiện trước 10 tuổi.

Với những trường hợp phát dục sớm, các bậc phụ huynh phải chú ý giúp đỡ, động viên các cháu vượt qua các rối loạn tâm sinh lý để tiếp tục học tập tốt, đồng thời tỉnh táo trông nom và quản lý các cháu để khỏi bị những kẻ xấu lợi dụng về tình dục.

24. Đánh giá mức độ béo

"Xin cho biết cách đánh giá mức độ béo của từng người".

Ở nước ta chưa có thống kê lớn cho phép xác định mức độ béo của người Việt Nam. Xin giới thiệu một trong những cách đánh giá chỉ số khối lượng cơ thể BMI (Body Mass Index) của quốc tế:

Lấy thể trọng (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). Với người trưởng thành, chỉ số BMI bình thường ở nữ là 19-24, nam 20-25; trên 25 là bị béo phì; 25-30 có thể coi là béo phì độ 1, cứ tăng 5 đơn vị là thêm một độ béo phì.

25. Nguyên nhân béo phì

"Vì đâu mà béo phì? Có gene gây béo phì không? Cách chữa?".

Béo phì là hậu quả của sự mất cân bằng giữa số calo thu nhận được bằng ăn uống và năng lượng tiêu hao. Cơ thể có một hệ thống cực kỳ tinh vi cho phép điều khiển việc dự trữ mỡ và cân bằng năng lượng; sự trục trặc của nó sẽ dẫn tới đến béo phì.

Nguyên nhân béo phì có thể do lối sống và môi trường sinh hoạt (ăn uống vô độ, ngủ quá nhiều, ít vận động...). Trường hợp này có thể chữa khỏi hoặc đỡ nhiều chủ yếu bằng chế độ ăn uống, tập luyện và sinh hoạt, kết hợp với các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc (châm cứu, khí công, nhân điện...).

Một nguyên nhân quan trọng nữa là di truyền, không chỉ của một gene mà của một hệ thống khá phức tạp gồm nhiều gene. Qua thí nghiệm trên động vật, người ta đã phát hiện các gene có vai trò trong việc "cân bằng thu chi" nói trên: ob, agouti, pat, db, tub... và gene của thụ thể 3-adrenergic. Vì vậy, phải bằng cách nào đó tác động lên toàn bộ các gene này thì mới giải quyết được vấn đề.

26. Ai suy giảm trí tuệ nhanh hơn

"Chúng em thấy hình như số cụ ông bị suy giảm trí nhớ đông hơn các cụ bà, có phải vậy không, và nguyên nhân do đâu?".

Các em nhận xét đúng đấy, số cụ ông bị suy giảm trí tuệ đông hơn các cụ bà nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do mức độ thay đổi của não ở người già khác nhau theo giới tính.

Kết quả chụp quét não bằng phương pháp cộng hưởng từ (IRM) trên 330 người hơn 65 tuổi ở Mỹ cho thấy, khi về già, theo năm tháng, não đàn ông thoái hóa nhanh hơn não đàn bà. Khi não giảm thể tích, lượng dịch não tủy tăng. Ở nam, dịch não tủy xung quanh vỏ não tăng trung bình 32%, trong khi ở nữ chỉ tăng 1% (não các cụ bà giảm thể tích ít hơn rất nhiều).

Ở nam, dịch não tủy tích tụ nhiều hơn trong thùy trán và thùy thái dương, những khu vực kiểm tra các chức năng tư duy, trí nhớ và khả năng tổ chức.

Ngoài ra, cũng theo các nhà nghiên cứu nói trên, việc sản sinh oestrogene có tác dụng bảo vệ não của nữ và hạ thấp nguy cơ suy giảm trí tuệ ở nữ.

Tháng 6/2001, một nghiên cứu của Mỹ trên khỉ cái mãn kinh cho thấy, trong mô não của khỉ ăn nhiều đậu nành, tỷ lệ protein tau (loại protein cần thiết cho hoạt động của tế bào thần kinh) vẫn nguyên vẹn, còn ở những con không ăn đậu nành thì tỷ lệ này thay đổi. Như vậy, đậu nành có tác dụng chống ôxy hóa, việc ăn đậu nành đều đặn để giúp phòng ngừa bệnh Alzheimer.

27. Bệnh Alzheimer có di truyền?

"Bệnh Alzheimer có lây nhiễm hay di truyền không mà trong gia đình một người bạn của ông nội em có đến ba người cùng bị?".

Bệnh Alzheimer (suy giảm trí tuệ, xảy ra ở người có tuổi, được Giáo sư Alois Alzheimer phát hiện vào cuối thể kỷ 19) không phải là một bệnh lây, mà xuất hiện do sự tích tụ protein amyloid-beta trong các tế bào thần kinh của não (bình thường thì chất này bị cơ thể thải ra ngoài). Hiện tại, tỷ lệ bị bệnh này ở độ tuổi ngoài 65 là 10%, ngoài 85 là 50%.

Lâu nay, do thấy trong một số gia đình có nhiều người mắc bệnh này nên người ta nghi ngờ có yếu tố di truyền. Nhưng điều này chưa thể khẳng định vì thiếu bằng chứng khoa học..

Cuối năm 1998, khi nghiên cứu các thành viên trong một số gia đình có ít nhất 2 người bị Alzheimer, các nhà khoa học tại Bệnh viện Massachusetts (Mỹ) đã phân lập được một gene, gọi là A2M, có vai trò điều chỉnh protein amyloid-beta. Khi gene A2M gặp trục trặc thì protein này không bị đào thải như thường lệ mà tích tụ trong các tế bào thần kinh của não thành các mảng bám. Từ đó, các nhà nghiên cứu dự kiến sẽ hiệu chỉnh được một loại thuốc bắt chước tác động tích cực của gene A2M lành mạnh, ngăn chặn sự tích tụ protein amyloid-bêta.

Viện Nghiên cứu Lý sinh Dusseldorf của Đức cũng tìm ra được phương cách phát hiện protein amyloid-bêta trong dịch não tủy, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer. Năm 1999, các nhà nghiên cứu Ailen cho biết họ đã chế tạo thành công một vacxin mang tên AN.1972 có tác dụng ngăn ngừa và chữa trị bệnh Alzheimer trên chuột, hy vọng sẽ có thể dùng thử trên người.

Ngoài ra, người ta đã sản xuất được vacxin để tiêm phòng bệnh Alzheimer. Vacxin này đang được thử nghiệm trên người tại Mỹ, Pháp và nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu,

28. Tự tử có di truyền không

"Tự tử có di truyền không mà em thấy trong một dòng họ lần lượt có mấy người tự tử?".

Một số bệnh tâm thần thường hay xảy ra trong một dòng họ. Có lẽ vì vậy mà các cụ ngày xưa khuyên con cháu "lấy vợ chọn tông, lấy chồng chọn giống". Người bị bệnh tâm thần dễ rơi vào tình trạng không làm chủ được bản thân, dẫn tới những hành động xâm phạm đến người khác (gây gổ, giết người...) hoặc gây hại cho mình (tự vẫn) mà không ý thức được.

Mới đây, các nhà khoa học Canada đã phát hiện ra hiện tượng đột biến ở gene của cơ quan thụ cảm truyền tín hiệu thần kinh mang tên 5-HT2A. Bình thường, 5-HT2A vẫn truyền các tín hiệu từ chất serotonin (do não tiết ra, có tác dụng ức chế những hành vi bốc đồng nơi con người). Khi bị đột biến, cơ quan thụ cảm này hoạt động chuệch choạc, không kiềm chế được những hành vi đó, làm cho nguy cơ tự tử tăng gấp đôi.

Vấn đề là xét xem hiện tượng đột biến nói trên có di truyền hay không. Chỉ biết rằng tỷ lệ người tự tử ở nam cao gấp 4 lần ở nữ.

29. Gene chống ung thư

"Báo chí nói hễ nghiện thuốc lá là mắc ung thư phổi, nhưng tại sao có người nghiện nặng mấy chục năm vẫn bình yên?".

Khoa học không hề tuyên bố "hễ nghiện thuốc lá là mắc ung thư phổi" mà chỉ nói "nghiện thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi; lượng thuốc hút càng lớn, nguy cơ càng cao". Khoa học cũng chưa hiểu nhờ đâu mà một số người tuy nghiện nặng lâu vẫn không hề hấn gì.

Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra trên chuột một enzyme tên là glutathion S-transferase có tác dụng phá hủy các chất gây ung thư. Nếu gây đột biến cho gene chịu trách nhiệm về việc sản sinh enzyme này, chuột rất dễ bị ung thư do khói thuốc lá.

Các chàng nghiện lâu năm có thể hy vọng là may ra mình thuộc vào danh sách "được tử thần chậm gọi về chầu trời". Còn nhân loại nói chung thì thực sự vui mừng về kết quả nghiên cứu này, vì nó mở ra triển vọng dùng tác động gene để chữa trị các loại ung thư do chất độc gây ra, kể cả do hút thuốc lá.

30. Sụn cá mập có chữa được ung thư?

"Nghe nói sụn cá mập chữa được ung thư, có đúng không?".

Một nghiên cứu trên các bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn được công bố tháng 3/2001 cho thấy, chất chiết từ sụn cá mập giúp kìm hãm quá trình phát triển bệnh bằng cách ngăn chặn sự hình thành các mạch máu nhỏ nuôi khối u, làm cho khối u "chết đói". Một tài liệu khác lại cho rằng chính cá mập cũng bị ung thư (kể cả ở sụn của nó). Xin hãy ráng chờ kết quả cuối cùng.

Xem mục lục