Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Trước đây khá lâu, người dịch đã có ước vọng nghiên cứu các mặt của kinh Pháp Bảo Đàn. Trong giới học Thiền, ai cũng biết nó là một tác phẩm vĩ đại phi thường của Lục tổ Huệ Năng. Trước hết đối với người tu tập, nó là nguồn chỉ điểm phong phú, sâu xa và chân truyền tâm ấn Phật. Tác giả của nó, Lục Tổ Huệ Năng, là người đặt nền móng vững chắc cho Thiền Trung hoa nói riêng và cho cả Viễn đông nói chung. Đến Ngài, Thiền hoàn toàn mang các tính chất thực tiễn và cụ thể của tâm hồn Viễn đông, thoát ly tính cách quá siêu hình trừu tượng của Ấn độ, nơi khai sinh ra nó, nên đã có thể đáp ứng và dẫn dắt sinh mệnh Thiền và tín đồ Thiền trong hơn một nghìn qua và có lẽ nó cũng như vậy cho mãi mãi về sau.

     Tuy có tham vọng như đã nói trên nhưng chưa đủ điều kiện nên người dịch không tiến hành nghiên cứu được. Gần đây nhân đến thăm một đạo hữu, người dịch gặp được cuốn “Le Non-Mental selon la Pensée Zen” tức bản dịch tiếng Pháp do Hubert Benoît thực hiện từ cuốn The Zen Doctrine of No-Mind do Tiến sĩ Suzuki viết bằng tiếng Anh, luận giải về Đàn Kinh của Lục tổ Huệ Năng mà trọng tâm là địa vị của Vô niệm (hay Vô tâm) trong Thiền (cả về mặt tư tưởng lẫn về mặt tâm chứng). Khi đọc tác phẩm này của Tiến sĩ Suzuki, người dịch thấy công trình của ông đáp ứng được ước vọng của mình nên liền dịch nó sang tiếng Việt để những người có cùng ước vọng có thể thưởng thức, vì nghĩ rằng chắc chắn có nhiều bổ ích. The Zen Doctrine of No-Mind (Pháp Môn Vô Niệm của Thiền) là một trong những tác phẩm nòng cốt của Suzuki. Ông đã viết nó bằng kinh nghiệm sống Thiền, bằng kiến thức uyên bác và tài liệu tham khảo rất phong phú và hiếm có như các thủ bản của Đàn Kinh và những tác phẩm đã thất lạc của Bồ-đề Đạt-ma như Thiếu Thất Di Thư đã tìm được ở Đôn hoàng, những tài liệu riêng ở Nhật Bản như Tào Khê Ước Truyện do Tối Trừng (Saicho, khai tổ của tông Thiên thai Nhật bản) mang từ Trung hoa về Nhật bản vào năm 803, nghĩa là sau khi Huệ Năng tịch (năm 713) chẳng bao lâu. Ngay như bản văn Đàn Kinh lưu hành ở Nhật (ấn bản Kosho-ji) cũng có những điểm khác với bản văn Đàn Kinh lưu hành ở Việt nam như trật tự các tiết, đoạn và nhiều khi ngay cả lời kinh cũng có đôi chi tiết khác nhau (khi chúng tôi so sánh các đoạn trích dẫn trong sách với ấn bản lưu hành ở Việt Nam). Riêng về Thần Tú, đối tác chính của Huệ Năng – ít ra cũng là ấn tượng của Đàn Kinh lưu lại cho người đọc – Suzuki cũng có những tài liệu tham khảo hiếm có như các thủ bản tìm được ở Đôn hoàng do môn đệ của Thần Tú ghi lại lời ngài hay do chính họ soạn thảo, lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia ở Paris. Ngoài ra Suzuki còn trích dẫn tài liệu thuộc Nam tông của Thiền sư Tông Mật giải thích về giáo pháp của Thần Tú…khiến cho chúng ta có thể biết thêm nhiều về lịch sử Thiền thời ấy và địa vị của Thần Thú trong thời kỳ thành lập của Thiền Trung hoa thường bị hiểu lầm mà sinh ra chê bai Thiền Bắc tông của Thần Tú bởi nguồn tài liệu duy nhất có được là Đàn Kinh do môn đệ của Huệ Năng ghi lại một cách rời rạc và nhiều khi thiên vị. Những điểm vừa đề cập trên thực có giá trị về mặt thực tế lịch sử trong thời kỳ thành lập của Thiền.

     Nhưng trọng tâm của thiên luận này của Suzuki về Lục tổ Đàn Kinh vẫn            là địa vị của Vô niệm hay Vô tâm trong Thiền. Đối với người tu tập đây là vấn đề quyết định của cả một đời người. Vô niệm hay Vô tâm vừa là khởi đầu vừa là chung quyết cần phải đạt đến trong tu chứng. Vấn đề này đã được Suzuki, bằng kinh nghiệm sống Thiền, luận giải sâu rộng từ phương pháp tu tập – đốn tu – đến thực chứng – đốn ngộ – và sống Thiền; từ Thể đến Dụng, nhất là ông nhấn mạnh khía cạnh Dụng bằng những trích dẫn về những biểu hiện cụ thể của các Thiền sư từ Thạch Đầu và Mã Tổ trở về sau. Khía cạnh này của Thiền đã khiến cho người đọc bối rối không ít – thường không thể hiểu hay thâm nhập được – khi đọc các cuộc vấn đáp giữa các Thiền sư và đệ tử hay các cuộc “Pháp chiến” giữa các Thiền sư với nhau, và thường phải dừng lại ở đây, có cảm giác như đụng phải tấm lưới thép hay những rặng núi đá lởm chởm cao vút. Kẻ không hiểu thì cho là phi lý và kỳ quặc, rồi nản chí thối lui hay bỏ cuộc. Nguyên nhân chủ yếu là chúng ta chưa đến được Thể hoặc đã đến được Thể mà chưa được hoạt dụng. Đấy cũng là tâm trạng của những người học Thiền khi đọc suông các công án Thiền. Nếu cứ như vậy thì chúng ta đã cô phụ các Thiền sư xưa không ít. Ở đây Suzuki đã chỉ cho chúng ta cách vén mở tấm lưới ấy để thoát ra hay mở đường thông qua những rặng núi đá ấy, và từ đây chúng ta có thể tự tại vô ngại với những giả lập ấy. Vậy chúng ta chỉ có cố gắng mở lấy cho chính mình hay không thôi.

     Cuối cùng, xin có vài lời về mặt dịch thuật. Rất tiếc là người dịch chỉ có được bản dịch tiếng Pháp của Hubert Benoît từ tác phẩm này – vốn được Suzuki viết bằng tiếng Anh – do nhà Le Cercle du Livre xuất bản tại Paris năm 1952, ấn bản lần thứ hai, quyển thứ sáu trong tuyển tập “Les Univers de la Connaissance,” nên sự chính xác của bản dịch tiếng Việt này chắc chắn chỉ đạt đến một độ nhất định nào đó của nguyên tác. Ngoài ra các đoạn trích dẫn trong sách từ kinh Pháp Bảo Đàn hay các tài liệu khác thì Suzuki đã dùng các tài liệu quí hiếm như các thủ bản Đôn hoàng…thì người dịch không có nên các dụng ngữ đã được dùng trong khi dịch có thể không được chính xác. Đa số các dụng ngữ người dịch tìm trong kinh Pháp Bảo Đàn với ấn bản lưu hành ở Việt nam. Hơn nữa, khi dịch từ nguyên tác chữ Hán sang một ngôn ngữ Tây phương là đã bị mất đi “hiệu quả nghệ thuật” và cái thần nghĩa của nó – như chính Suzuki đã nói trong bản văn. Ở đây, trong tác phẩm này, chúng ta thấy Suzuki đã hiểu một số lời kinh văn hơi khác với các dịch giả Việt nam khi dịch Pháp Bảo Đàn.

     Vậy thì, với ngôn ngữ bất toàn như thế chúng ta sẽ đọc nó như thế nào? Chúng ta nên đọc nó kèm với ngôn ngữ nội tâm, tức là với kinh nghiệm tu tập vậy. Và đây cũng là cách để đọc các tác phẩm của Thiền và Kinh điển Phật giáo.

     Dù đã cố gắng nhiều nhưng chắc vẫn còn sai sót, mong độc giả rộng lượng chỉ bảo cho. Đa tạ.

                                                Sài gòn, Tháng 11 Năm 1987

                                                            Đỗ Đình Đồng     

Xem mục lục