V
THIỀN VÀ LUÂN LÝ
Khi muốn lãnh hội Thiền trong hành động mà mỗi chúng ta thực hiện hằng ngày và chúng ta không ban cho chúng một ý nghĩ đặc biệt nào, bởi vì chúng chỉ là bản tánh của hành động phản ảnh, thì có nên xem đời sống Thiền không khác với đời sống bản năng hoặc một loạt những thúc bách? Thiền sư nhấn mạnh ý kiến rằng “những con vật di chuyển quanh ông có Phật tánh nhiều hơn ông không?” Những con chim hót líu lo hay chú mèo trèo cây cột là những người bạn thân quí hơn những tăng nhân với những câu hỏi của họ? Thiền hầu như biện hộ cho hành động. Trong toàn bộ tôn giáo, hiện hữu một khuynh hướng luôn xem trọng tính thụ động, hay hoạt động thụ động, là biểu hiện cao nhất của sự sống. “Chim trên trời”, “hoa huệ ngoài đồng”, “cỏ trên bãi cỏ” đều là những dữ kiện tiêu biểu mà người ta có thể hiểu được ý nghĩ của Thượng đế. Những lời sau đây được qui cho một nhà thần học thời Trung cổ: “Những gì tôi biết được từ các khoa học về thần linh và từ Thánh thư, tôi đã học được trong rừng và ngoài đồng, bằng cầu nguyện và trầm tư. Tôi không có vị thầy nào khác hơn những cây dẻ và cây sồi.” Một vị thánh vĩ đại khác tuyên bố: “Hãy lắng nghe một người kinh nghiệm; ngươi sẽ học được trong rừng nhiều hơn trong sách. Cây và đá sẽ dạy ngươi điều mà ngươi sẽ không nhận được từ miệng một vị thầy.”
Tôn giáo ấy, ngay cả Ki-tô giáo, tuy phân biệt một cách rất sống động đời sống luân lý và đời sống bản năng, hầu như khuyên dạy một cách phổ biến một thứ chủ nghĩa tự nhiên nào đó. Không có gì phải ngạc nhiên lịch sử của nó đầy những quan niệm cũng như thực hành y khuôn theo quan niệm và thực hành Tinh Thần Tự Do (Free Spirit). Nhờ ở chủ nghĩa duy niệm có tính cách đạo đức mãnh liệt của nó, Ki-tô giáo (Christianity) đã chống lại những cuộc tấn công bất chợt của luật pháp mâu thuẫn luận và các học thuyết duy linh kết án tất cả những luật lệ, nhưng nó vẫn thiếu cảm tính về sự độc lập tuyệt đối với Thượng đế, ý muốn của Thượng đế can thiệp toàn bộ ý chí và tư tưởng của quí vị, tất nhiên nó dẫn đến sự buông thả những thúc bách tự nhiên, nghĩa là “tự do tinh thần.”
Những tuyên bố như thế tái hiện trong nhiều sách huyền học, chúng đòi hỏi trước hết phải vượt qua bên kia lý trí và nhảy vào hố thẳm bất khả tri. Bởi vì đối với Thượng đế, không một phạm trù trí năng nào như yếu tính, chất lượng, số lượng, tương quan, tình thế, không gian, thời gian, hành động và đam mê, có thể áp dụng với Ngài – Thượng đế không mang cũng không nhận một danh hiệu nào, Ngài là “hiện tại vĩnh cửu, hố thẳm không đáy, bóng tối im lặng, sa mạc không cùng” – bởi vì Thượng đế này can thiệp quí vị theo cách quí vị biến mất nơi Ngài, chìm sâu vào Thượng đế, lúc ấy dù quí vị là gì, làm gì đều phải xem như tuyệt đối không thể tránh được.
Những gì phát xuất từ bóng tối im lặng, từ hoang liêu Vô thức, không thuộc về tư duy và nghị luận của con người. Hoa huệ ngoài đồng, cỏ trên bãi cỏ, cũng huyền bí như vậy. Chúng ở bên kia thiện và ác. Chúng không biết trách nhiệm luân lý, bởi vì những cái này giả định ra ý thức thiện và ác. Nếu đó là đời sống tôn giáo, thì đấy chính là triết lý vô chính phủ hay của chủ nghĩa hư vô. Nhưng kết luận chúng ta có thể rút ra từ sự huyền bí ấy thuộc về hai giáo lý rất khác nhau của Ki-tô giáo và của Phật giáo – về phía Ki-tô giáo, chẳng hạn như Eckhart, Suso, Tauler, Ruysbroeck, và về phía kia là tất cả các Thiền sư đã được trích dẫn trong sách này – kết luận này tựa hồ đưa đến hủy diệt tất cả những qui luật luân lý của con người. Có thực vậy không?
Vượt qua trí năng không nhất thiết có nghĩa là vô chính phủ về mặt luân lý. Nhưng về mặt tâm lý, cái này dẫn đến cái kia, vì nghị luận luân lý là bất khả hữu nếu người ta không đặt trí năng ở địa vị ưu thắng. Do đó, nếu cái này bị phủ nhận, cái kia có khuynh hướng lùi bước. Một nhà huyền học Ki-tô giáo nói: “Khẳng nhận Thượng đế thực ra là qui giảm Ngài. Nói rằng Thượng đế là thiện, là công bình, là trí năng – là đóng khung Ngài trong quan niệm do chúng ta tạo ra và nó chỉ có thể áp dụng cho những vật được tạo ra.”
Một nhà huyền học Ki-tô giáo khác – người nói trên còn giữ chút ít tính cách truyền thống – tuyên bố: “Trong bản thể, tôi thuộc về bản tánh của Thượng đế. Đối với chính tôi, tôi không hy vọng hay thương yêu, tôi không có niềm tin, không có sự tin cậy nơi Thượng đế… Chừng nào một người còn ước ao đức hạnh và muốn hoàn thành ý muốn quí giá của Thượng đế thì y vẫn còn bất toàn, bởi vì còn bận tâm thủ đắc một cái gì đó…[Người hoàn toàn] không bao giờ có thể tin vào đức hạnh, không thủ đắc những công trạng mới, không phạm tội ác…” Rất có thể một trong các nhà huyền học này sẽ tuyên bố những điều bội đạo và phi luân lý khác, nhưng trong mức độ mà biện chứng pháp của họ thủ vai trò, cả hai đều vững mạnh và họ ưu ái chính các sự kiện kinh nghiệm. Triệu Châu (Chao-chou) nói: “Tôi không thích nghe nói chữ Phật” hay “Khi các ông nói chữ Phật, hãy súc miệng ba năm” là cốt để gạt bỏ cái hơi thở hôi hám còn ở nơi quí vị. Trong giáo lý của nó, Thiền có một cái gì đó của chủ nghĩa tự nhiên vô chính phủ này.
Trong những lời dạy của Bồ-đề Đạt-ma, tìm được ở Đôn hoàng, chúng ta đọc đoạn này: “Những người học Phật tu tập giáo lý về Phật tánh tuyệt đối phải giữ tâm tựa như phiến đá, căn bản họ phải là những người ngu, ở trong vô thức [về tất cả sự vật], tuyệt không phân biệt; hành xử với tất cả sự vật không dính mắc, tựa như một gã khờ. Tại sao vậy? Bởi vì Pháp (Dharma) không có ý thức, không có trí thông minh; bởi vì nó không sợ gì hết; nó là nơi an nghỉ cuối cùng. Giống như một kẻ phạm trọng tội đáng bị xử trảm nhưng được vua ân xá mà thoát được sự lo âu về cái chết. Đối với tất cả chúng sinh cũng thế. Những chúng sinh phạm mười điều ác và năm trọng tội, chắc chắn khiến họ bị địa ngục ràng buộc. Nhưng Pháp, như một ông vua, có quyền lực vô song để xá mọi tội ác và miễn hình phạt cho kẻ vi phạm. Có thể nói đây là kẻ có giao tình thâm hậu với vua. Y chợt ở một nơi xa cách quê hương và y giết cả nam nữ. Bị bắt giữ, y sắp bị hành hình vì những việc làm ác của y. Y không biết làm gì, y hoàn toàn bất lực, không ai giup đỡ. Lúc ấy, một cách bất ngờ, y gặp được nhà vua và y liền được phóng thích. Cũng như khi một người phạm các giới sát sinh, trộm cướp, tà dâm, và y sợ hãi khi nghĩ đến địa ngục đang chờ y, bỗng y thức tỉnh trước sự hiện diện của vị Pháp vương bên trong y, vậy là y được giải thoát.”
Đây hầu như là với giáo lý của những người theo Tinh Thần Tự Do. Sau đây là một dẫn chứng nữa, trích từ một tài liệu Đôn hoàng khác thuộc Thiền tông:
Hỏi: Tôi sợ địa ngục, tôi muốn sám hối và tu Đạo.
Đáp: Cái “tôi” này ở đâu? Nó giống cái gì?
Hỏi: Tôi không biết nó ở đâu.
Đáp: Nếu ông không biết cái “tôi” của ông ở đâu thì ai đi vào địa ngục? Nếu ông không biết nó giống cái gì, thì đấy không gì khác hơn là một vọng tưởng. Chính vì vọng tưởng này mà ông thấy có địa ngục.
Hỏi: Nếu Đạo chính là vọng tưởng, thì vọng tưởng này từ đâu mà có?
Đáp: Pháp không có hình tướng, không có độ lớn, không có độ cao. Thí dụ, đây là một tảng đá lớn trong sân nhà ông. Ông ngồi trên đó, ông ngủ trên đó, và không tỏ ra sợ hãi gì cả. Một hôm ông bỗng có ý muốn vẽ một cái gì lên đó. Ông mời một nghệ sĩ, ông bảo nghệ sĩ vẽ chân dung Phật và ông dâng chân dung này lên đức Phật. Ông không dám ngủ trên tảng đá ấy nữa, ông sợ xúc phạm thánh tượng, mà vốn nó chỉ là một tảng đá bự. Vì có sự thay đổi trong tâm nên ông không còn ngủ trên đó nữa. Và cái gọi là tâm này nữa, là cái gì? Chỉ là cây cọ vẽ do trí tưởng tượng của ông tạo ra, nó đã biến tảng đá thành hình ảnh của đức Phật. Cảm giác sợ hãi của ông là do ông tự tạo; thực ra nơi tảng đá chẳng có công đức cũng chẳng không có công đức.
Tất cả đều do tâm tạo ra. Giống như người vẽ một con quỉ, một tạo vật ở địa ngục, hay một con rồng hay một con cọp. Y vẽ, y nhìn rồi y hoảng sợ. Tuy nhiên, nơi hình vẽ chẳng có gì để sợ hết. Tất cả chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, của trí phân biệt của ông. Ngay từ đầu chẳng có gì cả, chỉ có cái mà ông tự tạo bằng vọng tâm của ông.”
Khi “tôi” là một vọng tưởng, tất cả những gì phát xuất từ tác nhân này cũng đều là vọng tưởng, kể cả tội lỗi, tất cả những cảm giác và dục vọng, địa ngục và thiên đường. Nếu phá bỏ được vọng tưởng này, thế gian sẽ biến mất cùng với những hình thái tạp đa. Và nếu có cái gì đó còn lại có khả năng tác động thì cái đó sẽ tác động với sự tự do trọn vẹn nhất, với sự bền vững, như chính vị Pháp vương, thực ra là cái Một [Nhất thể]. Nhưng đồng thời nó cũng hủy diệt tính khả hữu của thế giới luân lý, và lúc ấy làm sao phân biệt được thánh thiện và sa đọa? Hay trong thế giới không vọng tưởng chẳng có những điều như sa đọa, tội ác hay luân lý xấu xa?
Nếu chúng ta đi từ giáo pháp hợp nhất hay từ giáo pháp như huyễn thì các nhà huyền học, Phật giáo và Ki-tô giáo, thực tế hình như cùng đi đến chỗ vô trách nhiệm về luân lý, theo cách nào đó thì điều này có thể hiểu được. Nếu không có sự bàn luận về luân lý, thì tâm lý học huyền bí luôn luôn đi đến cùng một kiểu hành xử.
Theo giáo lý như huyễn thì trí tưởng tượng hay trí phân biệt là nơi tạo ra mọi thứ tâm hiểm ác, và do đó tạo ra mọi thứ khốn khổ. Bởi vì Pháp thì tuyệt đối ở bên trên tất cả mọi phân biệt, luân lý học, tâm lý học và nhận thức luận – điều này có nghĩa nó là Vô thức – những ai tìm nó đều phải vượt qua trí phân biệt trong tất cả mọi hình thức và thấy chính Bát-nhã vận dụng. Khi làm được điều này là chứng được vô tâm (wu-hsin), không có bất cứ một cái tâm nào trong tất cả mọi hành động của chúng ta. Đây là trạng thái gọi là “vô tâm”, đây là sự sống mà nỗ lực đã bị xóa bỏ, để Vô thức sống cuộc sống của nó.
Không thể qui trách nhiệm cho Vô thức vì các hành vi của nó. Những hành vi này ở bên kia sự phán xét luân lý, vì không thể nghĩ bàn, không có phân biệt. Sự đánh giá về thiện và ác phát xuất từ phân biệt. Nơi nào không có phân biệt, thì không thể áp dụng bất cứ một sự đánh giá nào như thế. Nếu có thể áp dụng được thì cũng chỉ cho những ai yêu thích phân biệt, và những người sống trong Pháp đều là của Pháp tánh hay đúng hơn, họ chính là của Pháp, họ có sự Tự Do Tinh Thần. Họ sống trọn vẹn vì tình yêu Thượng đế, không thể đo lường họ theo những tiêu chuẩn áp dụng cho những sự vật hữu hạn. Họ là những kẻ ngây thơ trong tất cả mọi nghĩa khả hữu của từ.
Một trong các thủ bản Thiền tìm thây ở Đôn hoàng được kết tập lại trong bộ Thiếu Thất Di Thư (Shao-shih I-shu) [1] của tôi có cuộc vấn đáp sau:
“Nếu Đạo (Dharma = Pháp) ở bên trong tất cả mọi sự vật, vậy tại sao hủy diệt sinh mạng của con người thì có tội mà hủy diệt sự sống của cây cối thì không có tội?” Sư đáp: “Nói đến tính chất tội ác của một hành động kết quả do trí tưởng tượng của con người và xét ảnh hưởng của hành động này trong thế giới biến cố, đây không phải là nhìn sự vật một cách đúng đắn. Chỉ vì một người không hiểu lý do tối hậu của vấn đề nên y nói phạm tội sát sinh. Như vậy, y có cái ‘tâm’ mang nghiệp và người ta bảo y phạm tội ác. Khi y tác động vào sự sống của cái cây, cái cây này không có trí tưởng tượng, như vậy nó không có ngã thức nào cả, và người này hủy diệt nó vẫn lạnh lùng. Nó không tạo ra một ảo tưởng nào trong trí tưởng tượng của y. Như vậy, trong trường hợp này không ám chỉ một ý niệm nào về tội ác.
“Kẻ nào tự tại với toàn bộ ý niệm về một cái tôi [ngã] thấy thế [giới sắc] tướng như là cỏ trên cánh đồng, và y hành xử như là y cắt cỏ. Văn Thù dọa đâm đức Phật một nhát kiếm, và Agulimala dùng vũ khí tấn công thân đức Thích-ca Mâu-ni. Nhưng họ thuộc loại những kẻ mà tâm hoàn toàn hợp với Đạo và chỉ là một với nó khi thể hiện chân lý vô sanh. Tất cả đều biết rằng tất cả sự vật đều là không, như là do Huyễn hóa (Maya) tạo ra. Do đó, ở đây không có gì hợp với ý niệm tội ác…
“Như ngọn lửa ngoài vườn đốt cháy tất cả rau cải, như ngọn gió thổi rạp tất cả cây cối, như đất sụp đổ xuống sườn đồi, như cơn lụt lớn nhận chìm tất cả súc vật, khi tinh thần các ông ở cung điệu này, tất cả những gì ở trước ông đều bị quét sạch. Trái lại, nếu trong ông có cái “tâm” nào đó khiến ông do dự, nghĩ ngợi, làm ông khó chịu, như giết một con muỗi, chắc chắn nó sẽ thắt những cái nút nghiệp cho ông …
“Như con ong hút mật hoa, như con sẻ mổ hạt, như con bò ăn rơm, như con ngựa gặm cỏ trên cánh đồng; khi tâm ông tự tại với ý niệm tư hữu, thì tất cả đều tốt đối với ông. Nhưng ngay khi tâm ông nghĩ đến “của tôi”, “của anh” thì ông là tên nô lệ của nghiệp…”
Như thế khi tâm của quí vị vận hành với Bản tánh; không còn bị quấy rầy bởi những ý nghĩ đối đãi về thiện và ác, về công bình và bất công, về công đức và không công đức, về Thiên đường và địa ngục; nhưng những khi không thể tránh được như lửa cháy hay nước tràn, thì quí vị không chịu trách nhiệm về bất cứ một hành vi mình làm, và do đó, không nghiệp nào dính mắc hết. Quí vị hành xử như cơn gió; ai trách mắng ngọn gió khi nó để lại sự tàn phá trên đường nó đi qua? “Gió thổi nơi nào tùy ý nó, dù ngươi nghe tiếng động nhưng ngươi không thể nói nó từ đâu đến hay nó đi về đâu.” (John, iii, 8). Khi quí vị như thế, không một nghiệp nào có thể ràng buộc quí vị bằng bất cứ hình thức nào của bổn phận hay trách nhiệm, mặc dù đây không có ý nói rằng quí vị thoát được luật nhân quả ngự trị thế giới thực nghiệm của chúng ta. Các luật này có thể có tính cách hữu vi, do con người tạo ra theo những suy nghĩ có tính cách luân lý, nhưng chúng giữ vai trò không kém.
Trong khi tâm của quí vị tự tại với các ý nghĩ phân biệt và tình cảm thì tâm của những người khác, ít tự tại hơn và buông mình theo tưởng tượng, sẽ ảnh hưởng một cách không ngờ đến đời sống dưới lớp áo của các qui luật luân lý. Nhưng các qui luật giống như gió hay như “lưỡi kiếm chém cơn gió xuân êm nhẹ nhanh như chớp.” Điều này nhắc chúng ta nhớ đến bài thơ “Brahma” của Emerson, mà đây là khổ thơ đầu:
Nếu kẻ sát nhân đẫm máu nghĩ rằng y đã giết,
Hay nếu nạn nhân của y nghĩ rằng mình bị giết,
Là họ không biết những con đường vi diệu:
Tôi theo, đi qua, và trở lại.[2]
Emerson có thể đã sáng tác bài thơ này trong lúc nghiên cứu, khi ông im lặng chiêm nghiệm tư tưởng Đông phương và nhận ra được trong tâm ông một cộng hưởng nào đó của tư tưởng này. Nhưng những câu thơ sau đây do một chiến sĩ Nhật đọc lên khi ông ta chết dưới trận mưa kiếm:
Cả hai, kẻ giết
Và nhạn nhân
Đều như giọt sương, như ánh chớp;
Nên xem họ như vậy.
Hai câu thơ cuối trích từ kinh Kim Cương mà chắc chắn ông ta đã biết rất rõ.
Đoạn sau đây của Thần Hội: “Kẻ nào đã hoàn toàn đạt được kinh nghiệm về Tâm thì giữ được vô niệm ngay cả khi thân y bị cắt ra từng mảnh trong cuộc hỗn chiến nơi hai đoàn quân hung bạo gặp nhau. Y rắn chắc như kim cương, kiên cố và bất động. Ngay cả khi tất cả chư Phật đồng xuất hiện nhiều như cát sông Hằng, trong y chẳng một mảy may rung động vì vui. Cũng như lúc bao nhiêu chúng sinh nhiều như cát sông Hằng đột nhiên biến mất, trong y cũng chẳng một mảy may thương xót. Y trụ trong vô niệm và nhất như tuyệt đối.”
Có thể điều này nghe có vẻ vô nhân đạo khủng khiếp. Nhưng quí vị hãy tưởng tượng một trận đại chiến hiện đại mà hằng triệu nhân mạng bị hủy diệt một cách vô ích; trước cảnh tượng dã man này chúng ta không dừng lại một phút và chúng ta lại chuẩn bị một trận đại chiến kế tiếp. Thượng đế dường như không một chút quan tâm đến những việc nhỏ bé này của loài người. Dường như Thượng đế ban cho tạo vật một lý tưởng vô cùng to lớn mà trí tưởng tượng của con người nhỏ bé không thể hiểu được. Theo quan điểm của Thần Hội, một hạt cải chứa trọn trong nó số thế giới nhiều như cát sông Hằng, và những số lượng, đại lượng, tất cả sự vật đều đặt căn bản trên trí phân biệt, không biểu hiện gì cho cái không vô niệm của sư.
Kinh Kim Cương nói đến một tiền kiếp của đức Phật, thân Ngài bị một bạo chúa cắt đi nhiều bộ phận của thân thể một cách rùng rợn: “Này Tu-bồ-đề, nhẫn nhục ba-la-mật mà Như Lai nói là chẳng phải nhẫn nhục ba-la-mật, do vậy ấy là nhẫn nhục ba-la-mật. Vì sao? Tu-bồ-đề, thân tôi trước kia bị vua Kalinga cắt đi từng mảnh, tôi không có ý niệm về tôi, không có ý niệm về người khác, không có ý niệm về chúng sinh, không có ý niệm về sự trường thọ[3]. Vì sao? Lúc thân tôi bị cắt ra từng mảnh, từng đoạn, từng phần, nếu tôi có ý niệm về tôi, hay về người khác, hay về chúng sinh, hay về sự trường thọ, thì cảm giác sân hận sẽ dấy lên trong tôi.” [4]
Vô tâm (Nhật: mu-shin; Hán: wu-hsin) là gì? Nó có nghĩa là “không có tâm” hay “không có ý nghĩ”, khó mà tìm thấy một chữ tương đương trong các ngôn ngữ châu Âu, trừ chữ Vô thức (Anh: the Unconscious; Pháp: l’Inconscient), mặc dù chữ này được dùng theo một nghĩa rõ ràng và rất giới hạn. Đây không phải là điều người ta hiểu chữ Vô thức theo nghĩa tâm lý học thông thường, cũng không phải theo nghĩa tâm phân học ban cho nó – tâm phân học hiểu vô thức sâu hơn nhiều so với sự thiếu ý thức đơn giản – nhưng nó còn hơn cả theo nghĩa “những vùng sâu như hố thẳm” của các nhà huyền học thời Trung cổ, hay theo nghĩa Thiên ý như đã có trước khi nói ra Lời.
Vô tâm hay vô niệm gốc do từ vô ngã (Hán: wu-wo; Nhật: mu-ga; Phạn: ātman), “vô ngã”, “không có ngã” nó là khái niệm nòng cốt của Phật giáo, Tiểu thừa cũng như Đại thừa. Với đức Phật, nó không phải là một khái niệm triết học mà là kinh nghiệm của Ngài, và toàn bộ lý thuyết phát triển quanh quan niệm này đã theo một khuôn khổ lý trí ủng hộ kinh nghiệm ấy. Khi nó được mở rộng và đào sâu, giáo pháp vô ngã mang hình thái siêu hình hơn, và giáo pháp Tánh không (Śunyatā) phát triển. Nhưng giáo pháp Tánh Không có một môi trường ứng dụng rộng rãi hơn, và với tư cách triết học nó thâm nhập sâu hơn vào nguồn kinh nghiệm. Vì khái niệm Tánh Không hiện nay được áp dụng không chỉ với kinh nghiệm vô ngã mà còn với kinh nghiệm vô tướng nói chung. Tất cả các Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa đều kịch liệt bác bỏ quan niệm về cá nhân, về hữu thể, về kẻ tạo tác, về bản chất, v.v… Vô ngã và Tánh Không thực tế là cùng một giáo lý. Với Tánh Không đi cặp với Bát-nhã, hiện nó đã trở thành một trong những đề mục chính của các Kinh.
Trong Đàn Kinh của Huệ Năng, Phật tánh và tự tánh là những đề tài luôn luôn ưu ái. Hai thuật ngữ này cùng chỉ một sự vật, cái Không (Śūnyā) bản lai thanh tịnh, rỗng lặng, không phân đôi và vô niệm. Cái Vô này này thanh tịnh và vô tri, chuyển động, phát khởi Bát-nhã, một thế giới đối đãi hiện ra. Nhưng tất cả những khởi động này không biểu hiện một sự kế tục về thời gian, không phải là những sự cố trong thời gian, và tất cả những khái niệm này – Tự tánh, Bát-nhã, và một thế giới của đối đãi và tạp đa – là rất nhiều tiêu điểm qui chiếu để cho sự hiểu biết của trí năng chúng ta trở nên dễ dàng và rõ ràng hơn. Do đó, Tự tánh không có thực tại tương ứng trong không gian và thời gian. Không gian và thời gian đều phát xuất từ Tự tánh.
Một điểm nữa tôi phải nói rõ hơn rằng Bát-nhã là một cái tên đặt cho Tự tánh, theo Huệ Năng, hay cho Vô thức, theo thuật ngữ của chúng ta, khi nó tự ý thức chính nó, hay chính xác hơn, chính hành động trở thành ý thức. Do đó, Bát-nhã chỉ vào hai chiều hướng đối với Vô thức và thế giới của ý thức bây giờ khai mở. Chiều hướng thứ nhất là Trí vô phân biệt và thứ hai là Trí phân biệt. Khi chúng ta theo hướng ly tâm của ý thức và phân biệt thì quên hướng kia của Bát-nhã, hướng qui tâm về Vô thức, chúng ta có cái gọi theo thuật ngữ tiếng Phạn là Prapañca, trí tưởng tượng. Chúng ta có thể nói điều này theo cách nghịch lại: Khi trí tưởng tượng tự xác định, Bát-nhã bị che khuất, sự phân biệt (vikalpa) có ảnh hưởng của nó và bề mặt không ô nhiễm của Vô thức hay Tự tánh bây giờ bị che mờ. Những ai chủ trương vô niệm hay vô tâm, đều mong chúng ta giữ Bát-nhã không lạc vào hướng phân biệt và chúng ta cương quyết quay cái nhìn kiên định theo hướng kia. Đạt vô niệm có nghĩa là, nói một cách khách quan, phục hồi Trí vô phân biệt. Khi vô niệm này được phát triển thêm, chúng ta hiểu được nghĩa của vô tâm theo tư tưởng Thiền.
[1] Những tác phẩm đã bị thất lạc của Bồ-đề Đạt-ma.
[2] Nguyên tác tiếng Anh của Emerson:
“If the red slayer think he slays,
Or if the slain think he is slain,
They khnow not well the subtle ways
I keep and pass, and turn again.”
[3] Tiếng Anh: “soul”. ND.
[4] So sánh với bản chữ Hán trong Kinh Kim Cang của Cưu-ma-la-thập: “Tu-bồ-đề, Nhẫn nhục ba-la-mật Như Lai thuyết phi nhẫn nhục ba-la-mật. Hà dĩ cố? Như ngã tích vị Ca-lị vương cát triệt thân thể. Ngã ư nhĩ thời vô ngã tướng, vô nhân tướng, chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng. Hà dĩ cố? Ngã ư vãng tích tiết tiết chi giải thời, nhược hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, ưng sanh sân hận. “