TÍNH KHAM NHẪN LÀ CHẤP NHẬN SỰ SỐNG NHU THẾ LÀ NHƯ THẾ
Tính kham nhẫn hay thụ động không phải là tự phản tỉnh hay tự phản khảo nghiệm. Đó là một sự chấp nhận Phật A-di-dà không điều kiện. Chừng nào còn có dấu vết của nỗ lực ý thức (hakarai), các bạn chưa phó thác trọn vẹn cho Phật A-di-đà. Các bạn không có sự đơn nhất; và sự đơn nhất này phải được thành tựu bằng chấp nhận chứ không bằng nỗ lực. Trong trường hợp này tính kham nhẫn có thể đồng hóa với sự chấp nhận chứ không bằng nỗ lực. Trong trường hợp này tính kham nhẫn có thể đồng hóa với sự chấp nhận cuộc sống như thế là như thế.
Rồi ra, tin tưởng là phải “là như vậy” chứ không phải “trở thành như vậy". “Trở thành” hàm ý bất mãn cuộc sống, muốn có một thay đổi, nghĩa là thực hiện “ý chí của tôi” chống lại “ý chí của anh”; và dù chúng ta có nói gì về nhưng lý tưởng toàn thiện, tôn giáo cuối cùng vẫn là sự chấp nhận mọi sự “là như thế”, sự xấu cũng như sự tốt. Tôn giáo trước hết muốn “là như thế”. Do đó, “tin tưởng” là “sống đó” – đây là căn bản của một tôn giáo. Khi điều này được phiên chuyển thành những từ ngữ của tâm lý học, đạo tâm quay quanh trục kham nhẫn. “Các người đều chính đáng y như tự tính của mình” hay “đừng nghĩ tới ngày mai”, đấy là lời tối hậu của mọi tôn giáo.
Chính trong tinh thần đó, ngài Lâm Tế nói: “Người tu đạo chân chính không làm gì hết mà tiếp tục sống với mọi cơ duyên của cuộc sống trần gian này. Buổi sáng, y lặng lẽ thức dậy, vận y phục và ra ngoài làm việc. Khi muốn đi dạo, y liền đi dạo, khi muốn ngồi, y liền ngồi. Y không làm Phật, không nghĩ tưởng xa vời. Sao lại có thể thế? Cổ nhân nói, nếu bạn chuyên tâm tinh tấn cần cầu Phật quả, Phật của bạn thực tình là căn nguyên của luân hồi miên viễn”[20].
Hoài nghi tức là tự sát; cần cầu, với ý nghĩa “phủ nhận”, theo cách ngôn của đạo Phật, là vĩnh viễn trôi lăn trong biển sinh tử.
Có một người tên là “Jôyemon, ở tỉnh Mino, quá dao động về tâm hồn của mình. ông đã nghiên cứu đạo Phật nhưng lâu ngày mà không thành đạt. Cuối cùng, ông lên Kyoto, nơi đây Ichiren-in, vốn là một đại sư của Phật giáo. Chân tông, đang trụ trì, ông giãi bày tâm huyết với sư xin được chỉ giáo về giáo thuyết của Thân Loan Thượng nhân, Ichiren-in nói: “Ông đang già như là ông đang già” (Sự tế độ của Phật A-di-đà vốn chấp nhận bạn đang như là chính bạn). Jôyemon không được thỏa mãn, lại còn phiền trách nữa; rồi thì Ichiren-in lặp lại : “Ông được cứu rỗi như là được cứu rỗi”.
Người cầu đạo này chưa ở vào tâm trạng chấp nhận lời nói của sư tức khắc, y chưa vượt khỏi sự lệ thuộc vào những tinh tấn và cần cầu. Y vẫn theo đuổi thầy với nhiều thắc mắc nữa. Nhưng thầy không chịu bỏ qua đoạn đầu, mà cứ lặp lại “Ông được cứu rỗi như là được cứu rỗi” và lặng lẽ rút lui. May thay, sư là một luận sư của “tha lực”, vì nếu sư đã là một thiền sư, tôi chắc rằng Joyemon sẽ được dắt tay trong một cung cách khác[21].
John Woolman (1720-1772), một người Quaker, chết vì bệnh đậu mùa; lục sắp chết, ông đau yếu hầu nặng nên không thể nói. Ông xin viết, mực và viết một cách khó nhọc: “Tôi tin rằng tính mệnh của tôi đây là ở trong trí khôn của Chúa Kitô, tôi không biết gì về sư sống hay sự chết”. Sự bộc bạch này rất phù hợp với Thân Loan khi sư nói trong Thân dị sao (Tannishô): “Tôi nói sự Niệm Phật của tôi như đã được tiên sư của tôi giảng dạy. Còn tính mệnh của tôi sau khi chết thác sinh vào Tịnh độ hay địa ngục, tôi không có ý gì hết”.
Thân Loan thường đề cập đến tính Bất khả tư nghì của Phật tri. Tính mệnh của chúng ta đây hoàn toàn do trí tuệ đó; và trí đó, kiến thức hữu hạn của chúng ta không dò vào chỗ uyên áo của nó, cũng không cần thực thi ý chí hữu hạn của chúng ta vì nó; chúng ta cứ chấp nhận hiện hữu đang như thế, và xác tín của chúng ta hoàn toàn được đặt vào trí tuệ vô biên của Phật A-di-đà, và những gì mà chúng phải làm là đứng vững với xác tín này, niềm tin này, sự chấp nhận này và với sự ngu muội này. Kỳ diệu của chỗ sự ngu muội này lại chứa đựng cái trí tuệ khiến chúng ta hết sức bằng lòng với đời này và đời sau[22]
Kiến thức thần bí hay vô trí thần bí, và sự thỏa mãn có từ đó, cũng được phác họa bởi bài thơ 31 chữ của Nhất Biến. Thượng nhân ( 1229-1289). Khi sư đang học Thiền với ngài Pháp Đăng ( 1203-1298); Pháp Đăng muốn biết Nhất Biến hiểu thế nào ý nghĩa của câu “Một niệm khởi là có tỏ ngộ”
Nhất Biến trả lời bằng thơ :
Khi xưng tụng Danh hiệu
Không Phật cũng không Ta
Duy chỉ nghe có tiếng
Nam mô A Di Đà Phật
Nhưng Thiền sư không cho rằng Nhất Biến lãnh hội đích đáng, nên sư đọc thêm bài thơ nữa :
Khi xưng niệm Danh hiệu
Không Phật cũng không ta
Chỉ có
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Bài sau được thiền sư tán thưởng. Trong tôn giáo của Nhất Biến, chúng ta thấy Thiền tông và Chân tông là một đường lối thực tiễn nhất. Khi ý niệm NHƯ THẬT
(Yathãbhutam) này được diễn dịch thành những quan hệ nhân gian, chúng ta có đoạn văn sau đây, trong đó tự lực bị bác bỏ coi như trở ngại công việc của đấng Toàn Nhất, tức A-di-đà.
“Khi các ngài loại bỏ ý chí phản kháng của tự lực, các ngài nhận ra ý nghĩa của niềm xác tín ở Phật A-di-đà. Các ngài mong muốn được cứu rỗi và Phật thì sẵn sàng cứu rỗi, nhưng việc vãng sinh Tịnh độ của các ngài không có vẻ thành hình quá dễ dàng.
“Tại sao? Bởi vì ý chí phản kháng của các ngài vẫn còn tự quyết. Nó giống như cuộc hợp hôn giữa thiếu niên và thiếu nữ. Cha mẹ hai bên muốn thấy cả hai được phối ngẫu.
Một bên nói: “Nàng dâu không cần có nữ trang gì hết”. Nhưng bên kia cho là cần thiết vì rằng chàng rể thuộc một gia đình rất giàu có. Nhưng nếu không cho dâu của hồi môn dù chỉ một bộ đồ thì cũng không phải lẽ. Đôi bên sẵn sàng cả nhưng tính kiêu ngạo ngăn cản họ. Nếu nhà gái nhận đề nghị đúng theo tinh thần ở bên kia, mục đích mong mỏi sẽ được hoàn thành khỏi phải rầy rà.
Mối quan hệ giữa Phật và chúng sinh cũng vậy. Phật nói: “Hãy đến!”. Tại sao lại không đến với ngài dù bạn đang là gì? Nhưng ở đây chí phản kháng đè đầu nó và bảo: “Dù là thiện chí của ngài, tôi không thể đến với ngài như tôi đang là đây, tôi phải làm điều gì để xứng đáng với lời gọi".
Đấy là tự kiêu. Những gì Phật đòi hỏi ở các ngài không nhiều vậy; và bất cứ điều nào thừa thãi xuất phát tự lòng tự tôn và kiến thức hẹp hòi của các ngài đều trở ngại đoạn đường ân huệ của Phật đi vào lòng các ngài. Bởi vì, bạn chỉ cần phải đưa tay ra trước, Phật sẵn sàng gieo đồng tiền cứu rỗi vào đó. Đức Phật đang ra dấu cho các ngài, con thuyền đang đợi đưa các ngài sang bờ bến kia, không phải trả giá, chỉ có việc bước thẳng lên bến. Các ngài không thể phản đối rằng: đấy là một công việc khó khăn”. Vậy tại sao các ngài không hoàn toàn phó mình cho bản nguyện cứu vớt của Phật và để cho ý chí của ngài ngự trị trên mình?”[23]
Molinos viết cho Petrucci: “Một trong những quy luật căn bản giúp tâm hồn tôi giữ bền sự thanh bình nội tại là như vầy: Tôi không nuôi dưỡng niềm khát khao[24] lẽ thiện riêng rẽ này hay kia, mà chỉ lẽ thiện nào cao nhất trong tất cả, và tôi phải dọn mình cho tất cả những gì mà lẽ thiện tối cao ngày mang lại cho tôi và đòi hỏi nơi tôi. Đấy là những lời vắn vỏi nhưng chúng chứa đựng rất nhiều[25]”. Nếu có người hỏi một luận sư Chân tông những lời nào vắn vỏi mà lại chứa đựng nhiều, có ích cho lẽ thiện tối cao, ông sẽ nói ngay: Nam mô A-Di-Đà Phật, Nam mô A-Di-Đà Phật?”. Bởi vì, thực sự, đấy là câu thần chú mang thẳng các bạn sang bên kia bờ sinh tử.