VI. NÓI NHẠI
Giảng về sự liên quan giữa chúa và người, Eckhart có lần nói: “Ví như có người đứng trước ngọn núi cao hô to: “Vô đi”, tiếng dội liền đáp lại: “Vô đi”. Nếu hô: “Ra đi”, tiếng dội đáp lại: “Ra đi”[16].
Trong nhưng lời đáp của các Thiền sư sau đây, xếp dưới mục “nói nhại”, có gì tương tợ như lời ví trên. Người sơ cơ khó nhận ra ý nghĩa ẩn trong những câu lặp lại như két ấy, đôi khi còn như tiếng nhái ghẹo của chư sư. Trong lối nói ấy thật sự tiếng nói chẳng có giá trị gì hơn là một thứ âm thanh, nên nếu hiểu được thâm ý là hiểu ở sự đồng vọng lại, không phải ở tiếng nói. Cái hiểu ấy phải phát ra từ sinh hoạt nội tâm vậy, và sự vọng lại chỉ cốt tạo cơ duyên thức tỉnh cho người thiết tha cầu chân lý. Khi tâm của đệ tử được chuyển theo chiều thích đáng nào đó để sẵn sàng vỡ ra một âm điệu nào đó, Thiền sư khẽ vặn một vòng khóa, ấy thế là bài hát bừng lên, hợp tiết tấu, bài hát không học ở ai hết mà chính khám phá ra tự trong chính mình. Cứ chỉ vặn khóa ở đây tức là lặp lại câu hỏi, và đó là chỗ ta cần quan tâm trong những câu chuyện trích dẫn sau đây:
Trường Thủy Từ Huyền hỏi Thiền sư Huệ Giác ở núi Lang Gia, thuộc tiền bán thế kỷ mười một:
“Cái thanh tịnh bổn nhiên nhân sao bỗng dưng sanh núi sông thế giới?”
Cái hỏi mượn ở kinh Lăng Nghiêm, đoạn Phú Lâu Na hỏi Phật tại sao cái Chân Như Tuyệt Đối hốt nhiên hóa thành thế giới hiện tượng nầy [17].Đó là một vấn đề triết học vĩ đại từng làm điên đầu tất cả những khối óc lớn ở tất cả thời đại. Bao nhiêu lời giải thích nối tiếp nhau trong lịch sử, tư tưởng đều có những sở đoản riêng, ở chỗ nầy hoặc chỗ khác.
Tứ Huyền bề nào cũng là một triết gia trong thế giới của ông, nên tìm đến thầy xin soi sáng vấn đề ấy. Nhưng lời đáp của thầy lại không phải một lời đáp theo lối thường, vì để đáp lại, thầy chỉ lặp nguyên lại câu hỏi của trò:
“Cái thanh tịnh bổn nhiên nhân sao bỗng dưng sanh núi sông thế giới?”
Dịch ra tiếng Việt câu nói mất nhiều ý vị. Xin đọc thẳng nguyên văn Hán tự như sau :
“Thanh tịnh bổn nhiên vân hà hốt sanh sơn hà đại địa?”
清 淨 本 然 云 何 忽 生 山 河 大 地?
Còn nữa, chưa hết đâu. Vì sau đó, vào thế kỷ mười ba, một cao tăng khác là Thiền sư Hư Đường còn đem câu chuyện ấy ra bình giảng một cách vô cùng bí hiểm. Ngày kia Sư thượng đường nói thế nầy:
Khi Từ Huyền hỏi Huệ Giác: “Thanh tịnh bổn nhiên vân hà hốt ,sanh sơn hà đại địa” , câu hỏi dội ngược lại người hỏi, và người hỏi liền mở được con mắt đạo. Vậy, tôi hỏi các ông thế là thế nào? Câu hỏi với lời đáp há chẳng là một câu như nhau sao? Từ Huyền tìm thấy lý huyền vi gì ở đó? Tôi xin bình giảng cho quí ông nghe”. Nói xong, Hư Đường cầm phất tử đập vào ghế, giáng rằng :
"Thanh tịnh bổn nhiên vân hà hốt sanh sơn hà đại địa?”
Lời giảng thật đã làm rối thêm vấn đề thay vì mở gút.
Luôn luôn vấn đề cái một (đơn) và cái nhiều (phức), tâm và vật, tư tưởng và thực tại, vẫn là một vấn đề lớn của triết học. Thiền, bởi lẽ chẳng phải duy niệm luận mà cũng chẳng phải duy thực luận, đề nghị một đường lối giải quyết riêng như ta vừa thấy biểu hiện trong câu chuyện “thanh tịnh bổn nhiên”.
Câu chuyện sau đây cũng giải quyết bài toán ấy một cách kì thú hơn. Một ông tăng hỏi Trường Sa:
“Làm sao chuyển non sông đất nước trở về cái tự kỷ?”
如 何 轉 得 山 河 國 土 歸 白 己 去?
“Làm sao chuyển cái tự kỷ thành non sông đất nước?”
如 何 轉 得 白 己 成 山 河 國 土 去?
Ông tăng thú thật không hiểu. Sư giảng:
Chợ búa Hồ Nam dân giả tốt
湖 南 城 下 好 黎 民
Củi nhiều gạo rẻ xóm làng đông.
米 賤 柴 多 足 四 鄰
Ông tăng trầm ngâm. Sư cho thêm bài kệ:
Sao hỏi non sông chuyển
誰 問 山 河 轉
Non sông chuyển đến gì?
山 河 轉 向 誰
Viên thông không hai phía
圓 通 無 兩 畔
Pháp tánh chẳng về đâu[18]
法 性 本 無 歸
Đầu Tử Đại Đồng, tịch năm 914 , đời nhà Đường, có lối trả lời bằng cách chỉ lặp lại một chữ, gọi là nhất tự pháp môn.
- Thế nào là Phật ? - Phật.
- Thế nào là Đạo ? - Đạo
- Thế nào là Pháp ? - Pháp.
Triệu Châu hỏi Đại Từ Khoan Trung thuộc thế kỷ thứ chín:
- Thế nào là bổn thể của Bát Nhã?
Khoan Trung không đáp gì khác hơn là lặp lại câu hỏi như một tiếng vang:
- Thế nào là bổn thể của Bát Nhã?
Thế đủ cho Triệu Châu thích chí phá ra cười, sảng khoái.
Bát Nhã là sự hiểu biết tối cao; với người Đại Thừa, bồ tát Văn Thù là hiện thân của trí Bát Nhã ấy. Nhưng đây không dính dấp gì đến Văn Thù hết. Câu hỏi đặt ra liên quan đến khái niệm về thể chất Bát Nhã; vì lẽ Bát Nhã là một hình thái hoạt động của tâm thức nên ắt có chỗ trụ. Theo triết lý Phật giáo, có ba khái niệm chủ yếu biện giải vấn đề hiện hữu: đó là thể, tức bổn chất, tướng, tức hiện tượng, và dụng, tức hoạt động. Hoặc theo Trung Đạo, ba khái niệm đó là người làm, sự làm, và cái làm. Bát Nhã là một tác động của tâm thức, vậy đằng sau phải có một tác nhân, một người làm, tức là thể. Nên câu hỏi:“Thế nào là bổn thể của Bát Nhã?” được nêu lên. Có khác là lời đáp chỉ là một câu lặp lại như một tiếng dội, không giải thích gì hết, khiến ta càng hoang mang thêm. Các Thiền sư không cho ta một mối chỉ nào để phăng tới cái gì ta mới thoáng thấy ngoài mặt. Cái gì ấy, nếu ta cố hiểu lấy bằng tri thức, ắt thoát mất khỏi ta. Ta phải đến với nó trên một bình diện vô thức khác. Trừ phi ta sinh hoạt chung trên một bình diện với chư sư, hoặc trừ phi ta từ bỏ cái gọi là trí xảo, ngoài ra không có nhịp cầu nào nối liền được với vực thẩm chia cách tri thức suy luận của ta với những câu nói nhại như két kêu.
Trong trường hợp trên chừng như ở những trường hợp khác, chủ tâm của các Thiền sư là chỉ con đường thân chứng lý Thiền, chớ không phải đưa ra một số ngôn từ, dầu rằng mọi người, các ngài cũng như chúng ta, đều dùng nó làm phương tiện truyền đạt tư tưởng. Lời nói, nếu phải dùng đến, chỉ có thể đạt tình, không thể diễn ý, nên hoàn toàn ta không thể hiểu gì được nếu ta cứ tưởng rằng câu nói của các Thiền sư có gói ghém một ý nghĩa phải tìm ra. Dầu vậy, lời nói không thể coi như vô tích sự được, nhất là khi nó liên quan đến tình cảm hoặc kinh nghiệm. Đó là điều cần nhận rõ để hiểu Thiền.
Lời nói, với các Thiền sư, là một thứ tiếng la, tiếng than, thoát ra từ sự thân chứng nội tại; nên không một ý nghĩa nào có thể tìm thấy được trong hình thức ấy, mà phải tìm ngay trong chính ta, từ nội tâm ta thức tỉnh chung nhau trong một kinh nghiệm. Nên hiểu ngôn ngữ Thiền tức tự hiểu chính ta, chớ không phải hiểu nghĩa của ngôn ngữ chỉ phản chiếu những ý niệm, chớ không phải những cảm giác thân chứng qua. Nên Thiền không thể nói được cho những người chưa có tự chứng cũng ví như người chưa nếm mật ong không thể tưởng tượng hương vị dịu ngọt của mật. Với những người này, hương vị “ngọt” chỉ là một danh từ rỗng, nghĩa là thiếu chất sống vậy.
“Ngũ Tổ Pháp Diễn” (? - 1104) khởi đầu học triết lý Phật giáo Duy Thức bách pháp luận[19].Ông đọc thấy câu này: “Khi Bồ Tát vào chỗ thấy đạo thì trí (ý thức suy luận) và lý (tâm thể trực giác) ngầm hợp nhau, cảnh (ngoại giới) và thần (nội tâm) gặp nhau, không còn phân biệt có năng chứng (chủ thể) và sở chứng (khách thể)”. Giới ngoại đạo Ấn Độ từng vấn nạn lại rằng đã không phân biệt năng chứng sở chứng thì làm sao có chứng. Các nhà Duy Thức không đáp được lời công kích ấy. Pháp Sư Tam Tạng Huyền Trang, lúc ấy đang ở Ấn Độ, đến cứu nguy các bạn lâm nạn bằng câu nói này :
“Như người uống nước, nóng lạnh tự biết”.
“Đọc câu ấy, Ngũ Tổ tự hỏi: “Nóng lạnh có thể biết được vậy cái gì khiến ta tự biết”[20]. Sư mang nỗi thắc mắc ấy đến hỏi các pháp sư thông thái Duy Thức, không ai đáp được. Có người bảo sư: “Ông muốn rõ ý ấy hãy sang phương nam gõ cửa phái Thiền truyền tâm ấn Phật”. Thế là rốt cùng Pháp Diễn đi đến với Thiền Tông.
Trước khi đi sang đề tài tiếp theo, tôi xin trích dẫn một trường hợp nói lặp khác. Pháp Nhãn Văn Ích (885-958) là tổ khai sáng ngành Thiền Pháp Nhãn hưng thạnh đầu thế kỷ thứ mười. Ngày kia, tổ hỏi Tu sơn chủ: “Sai một đường tơ đất trời phân cách, ông hiểu thế nào?[21]Tu đáp: “Sai một đường tơ, đất trời phân cách”. Pháp Nhãn nói: “Thế là nghĩa lý gì?". Ông tăng bạch: “Tu tôi chỉ biết có vậy, còn ý Hòa Thượng thế nào?”. Pháp Nhãn đáp ngay: “Sai một đường tơ, đất trời phân cách” .
Pháp Nhãn là một cao thủ của phép nói nhại. Và đây là một câu truyện thích thú khác. Sau khi khổ công cầu Thiền với năm mươi bốn pháp sư, Thiên Thai Đức Thiều (907- 971) rốt cùng đến gõ cửa Pháp Nhãn ; nhưng thối chí cầu Thiền, Sư chỉ nhịp bước cầm chừng theo đồ chúng thường. Ngày kia, Pháp Nhãn thượng đường. Một ông tăng bước lên hỏi: “Thế nào là một giọt nước nguồn Tào?”[22] Pháp Nhãn đáp: “Là một giọt nước nguồn Tào”. Ông tăng lựng khựng không hiểu gì hết, trong khi ấy Đức Thiều tình cờ đứng cạnh bỗng dưng sáng tỏ ý chỉ Thiền, mọi nghi niệm bấy lâu ôm ấp ở thâm tâm hốt nhiên tiêu tan hết. Ngay lúc ấy, Sư trở thành một người hoàn toàn mới lạ.
Những thí dụ trên đủ minh chứng Thiền không thể cầu được trong ngôn ngữ văn tự, dẫu Thiền vẫn dùng ngôn ngữ văn tự để truyền đạt. Nắm lấy diệu lý Thiền, xuyên qua ngôn ngữ, không phải nằm trong ngôn ngữ là một ngón tuyệt kỹ phải trải qua vô số thử thách ê chề mới đạt tới được. Đức Thiều sau ngày đốn chứng vào diệu pháp Thiền, cố gắng miêu tả cái thấy của Sư mở ra “dưới câu nói” của Pháp Nhãn. Đó là lúc Sư trụ trì ở chùa Bát Nhã, có nói bài pháp như sau:
Sư thượng đường, có một ông tăng hỏi: người xưa nói thấy Bát Nhã tức bị Bát Nhã ràng buộc, chẳng thấy Bát Nhã cũng bị Bát Nhã ràng buộc. Sao đã thấy Bát Nhã mà còn bị ràng buộc là gì?
Sư hỏi: Ông thấy Bát Nhã nói cái gì?
Ông tăng hỏi: “Chẳng thấy Bát Nhã thì ràng buộc như thế nào?”
Sư đáp: “Ông nói Bát Nhã chẳng thấy cái gì?”. Rồi tiếp: Nếu thấy Bát Nhã, đó chẳng phải là Bát Nhã, chẳng thấy Bát Nhã, đó cũng chẳng phải là Bát Nhã. Bát Nhã là cái gì mà nói là thấy, và chẳng thấy?” Nên người xưa nói:
Nếu thiếu một pháp (vật) chẳng thành Pháp thân,
Nếu thừa một pháp chẳng thành Pháp thân,
Nếu có một pháp (để thành) chẳng thành Pháp thân,
Nếu không một pháp nào (để thành) chẳng thành Pháp thân.
Chư thượng tọa, đó là chân tông Bát Nhã.
(Truyền đăng lục, quyển 25)
Dưới ánh sáng ấy, lối nói nhại như trên kể ra còn có thể lãnh hội được phần nào.
VII.
1.HÉT
Như đã trình bày trước, nguyên lý cơ bản của mọi phương pháp dạy Thiền là cốt đánh thức ở nội tâm người cầu đạo một năng khiếu nào đó để chính tự họ trực giác lấy chân lý Thiền. Bởi vậy các Thiền sư thường dùng lối “tác động thẳng” không phí thì giờ biện luận dông dài. Các cuộc vấn đáp giữa sư đệ thường rất cô đọng, hầu như không tuân theo khuôn phép lý luận nào. Phương pháp “lặp lại”, cũng như các phương pháp khác, đủ chứng minh tỏ rõ lời đáp của thầy chẳng nhằm giải thích, mà cốt chỉ thẳng con đường trực ngộ Thiền.
Quan niệm chân lý như một thứ sở tri ngoại thuộc mà chủ thể năng tri phải nhận ra, phải vận dụng tri thức để lãnh hội, là một kiến giải lưỡng nguyên đối đãi. Theo Thiền, chúng ta toàn sống trực tiếp với chân lý, trong chân lý, không thể lìa ngoài chân lý. Thiền sư Huyền Sa Sư Bị (535-905) bảo chúng ta: “Cũng ví như các ông ngồi trong biển cả, đầu vai ngập dưới nước, ấy thế mà các ông còn với tay ngoắc người khác xin nước” .
Bởi thế có ông tăng hỏi Huyền Sa: “Thế nào là cái tự kỷ của người học đạo?”
Sư hỏi lại ngay: “Ông dùng cái tự kỷ ấy làm gì?”
Nếu đem ra mổ xẻ, câu đáp ấy ngụ ý rằng hễ vừa nói đến cái tôi là tức khắc, và chắc chắn, ta tạo ra cái thể hai đầu của cái tôi và cái chẳng phải tôi, như thế là rơi vào những lầm lẫn của trí thức luận. Thiền có thể nói: Ta ở trong nước, đấy là sự thực, và cứ ngồi yên thế đi vì hễ hỏi xin nước là tức thì tạo ra giữa ta và nước một quan hệ hình thức, và ta sẽ đánh mất hết tất cả những gì thân thiết vốn là của ta.
Câu truyện sau đây có thể giải thích tương tợ trong ánh sáng ấy:
Một ông tăng hỏi Huyền Sa: “Trộm nghe hòa thượng có nói suốt mười phương thế giới là một khối minh châu, câu ấy nên hiểu thế nào?”
Huyền Sa đáp: “Suốt mười phương thế giới là một khối minh châu, hiểu để làm gì?”
Ngày sau Sư hỏi lại ông tăng: “Suốt mười phương thế giới là một khối minh châu, ông hiểu thế nào?”
Ông tăng đáp: Suốt mười phương thế giới là một khối minh châu, hiểu để làm gì?”
Sư nói: “Đúng là ông đang la cà ở động ma”.
Đó là một trường hợp hơi giống lối nói lặp, nhưng có khác hơn, có thể nói là nhiều trí xảo hơn.
Dầu vậy, Thiền không bao giờ viện đến cơ trí suy luận, luôn luôn chỉ thẳng đến những gì ta tìm cầu.
Ngày kia Huyền Sa đãi trà vị võ quan vi giám quân. Vi hỏi:
Thế nào là cái ta dùng mỗi ngày mà chẳng biết ?
如 何 是 日 用 而 不 知?
Sư không đáp, mời Vi dùng trái cây. Vi dùng rồi, lặp lại câu hỏi. Sư nói :
Đó chính là cái ta dùng mỗi ngày mà chẳng biết.
只 者 是 日 用 而 不 知
Quả đúng là một bài vạn vật học.
Ngày khác, có ông tăng mới vào tòng lâm xin Huyền Sa chỉ cho con đường vào đạo. Sư hỏi: “Ông có nghe tiếng suối róc rách đó không?” – “Có nghe” – “Đó là chỗ vào của ông”, Sư đáp (是 汝 人 處)
Phương pháp của Huyền Sa cốt làm cho người tìm chân lý tự mình hiểu thẳng trong chính mình thế nào là chân lý, thay vì thâu thập lấy kiến thức qua tay trung gian. Đúng như Terstegen nói: “Einbegriffener gott ist kein gott”[23].
Vậy, ta không ngạc nhiên khi thấy các Thiền sư thường la hét để đáp lại câu hỏi, thay vì đưa ra một lời giải đáp sáng tỏ. Khi dùng lời nói thì ít nhiều gì vẫn còn có chỗ phăng mối để dọ dẫm lý nghĩa, nhưng trước tiếng la tiếng thét thì ta không còn biết rờ vào đâu nữa, trừ phi ta được trang bị một thứ kiến thức khác thường hơn thuộc loại tôi đã cố gắng đem đến cho quý bạn đọc.
Trong số các Thiền sư thường dùng tiếng la hét quát tháo để khai thị; hai vị nổi danh nhất là Vân Môn Văn Yển (? 949) và Lâm Tế Nghĩa Huyền (? - 867), Vân Môn thì quát (quan:關), còn Lâm Tế thì hét (ha:呵)
Nhân ngày hạ mạt[24],Thúy Nham nói với tăng chúng :
“Từ đầu mùa an cư đến nay, tôi vì chư huynh đệ nói khá nhiều. Coi thử lông mi tôi còn không?”
Đó là Thúy Nham nhắc đến truyền thuyết cho rằng người nào giảng sai giáo pháp của Phật sẽ rụng hết lông mày. Thúy Nham, suốt mùa an cư, đã nói nhiều bài pháp nhằm xây dựng các huynh đệ trong khi không một lời nói năng nào giải thích được đạo pháp là gì, vậy có lẽ lông mi của Sư đã rụng hết rồi. Trên mặt chữ nghĩa, câu hỏi của Thúy Nham ngụ ý là vậy, còn về Thiền lý hàm ẩn trong ấy là một việc khác.
Bảo Phước, một Thiền sư khác có mặt lúc ấy, nói:
“Làm giặc, hỏng nhân tâm”
作賊人心虛
Trường Khánh, một Thiền sư khác, nói: Mọc nhiều (生 也)
Vân Môn, một cao tăng cuối đời Đường, quát lớn: “Quan!”
Quan 關 là cửa ải đặt ở địa đầu giữa hai nước để kiểm soát toàn bộ hành và hành lý. Tuy nhiên, ở đây quan là quan, không dính dấp gì đến đồn ải. Đó chỉ là một tiếng hét, một thán từ, không có gì phải phân tách hoặc giải thích.
Tuyết Đậu (980-1052), vị Thiền sư chủ xướng trong bộ Bích Nham Lục, có lời tụng về thán từ ấy như vầy: “Đã mất tiền toi còn mang tội vạ”[25].
Còn Bạch Ẩn (1683-1768) bình rằng: “Quả đấm, dầu giận mấy, cũng không đánh vào mặt hoa” .
Chắc rằng không thể bình giảng gì khác hơn được tiếng quát ấy của Vân Môn. Nếu ta cố gán cho chữ “Quan” ấy một khái niệm tri thức ắt lạc mất ngàn trùng trên mây xanh.
Lâm Tế được coi như người đầu tiên chủ xương hét (hát), nhưng trước đó có Mã Tổ (709-788), pháp tử của Nam Nhạc (677-744), và là vị cao tăng mở một kỷ nguyên mới cho Thiền sử, đã hét to khi Bách Trượng (724-814), đến tái vấn Thiền; tiếng hét chát chúa đến đỗi Bách Trượng điếc tai ba ngày.
Nhưng chính do Lâm Tế mà tiếng hét được đắc dụng và có hiệu năng nhất, và sau này biến thành một ngón tuyệt kỷ của Lâm Tế Tông khác hẳn với các ngành Thiền khác. Thật sự, môn đệ Lâm Tế quá lạm dụng tiếng hét đến đỗi Lâm Tế phải lên tiếng :
Tôi nghe quý ông toàn học hét. Thử hỏi quý ông: Ví như mái tây có người ra, mái đông có người ra, cả hai người cùng hét. Các ông có phân biệt tiếng hét nào là khách, tiếng hét nào là chủ không?”. Nếu các ông không phân biệt được, từ đây cấm học tiếng hét của lão tăng.
Lâm Tế phân biệt có bốn cách hét, tùy tiện mà dùng, gọi là tứ hát. Đó là :
- Có tiếng hét như gươm báu Vua Kim Cương,
- Có tiếng hét như bốn vó sư tử vàng trụ bộ trên mặt đất.
- Có tiếng hét như cần câu quơ bóng cỏ.
- Có tiếng hét không có tác dụng của tiếng hét[26]
Lâm Tế ngày kia hỏi Lạc Phố, một đệ tử: Một người dùng hèo đánh, một người hét, ông thấy người nào gần đạo hơn?
Phố đáp: Không người nào gần hết.
Sư nói: Vậy sao mới là gần?
Phố hét to: “ha!”
Sư liền vung hèo đập.
Lối đánh đá như thế là thủ đoạn quen thuộc của Đức Sơn đối với Lâm Tế chuyên hét nhiều hơn, nhưng ở đây có khác là Lâm Tế sử dụng hèo, còn ngón tuyệt kỹ của sư lại do môn đệ sử dụng một cách khá ngoạn mục.
2. IM LẶNG
Ngoài những “phương tiện thiện xảo” thuộc bảy loại kể trên, còn nhiều phương tiện khác, nhưng tôi không có kỳ vọng trình bày hết được.
Một phương tiện khá thông dụng là im lặng, Bồ Tát Văn Thù hỏi Duy Ma về “pháp bất nhị”, Duy Ma im lặng; đời sau ca tụng thái độ ấy của Duy Ma là sự “im lặng của sấm sét”- mặc như lôi.
Một chú tiểu thỉnh Ba Tiêu chỉ cho thấy cái “bổn lai diện mục”[27], trực tiếp, đừng qua ngôn từ suy lượng, Ba Tiêu ngồi trên tấm tọa cụ, im lìm chẳng nói.
Thiền sư Từ Phước cũng im lặng, không một lời đáp lại câu hỏi ấy của người cầu đạo.
Một chú tiểu hỏi Thiền sư Hàng Châu Văn Hỷ, pháp từ của Nhưỡng Sơn Huệ Tịnh: “Thế nào là cái tự kỷ?”, Sư mặc nhiên. Chú tiểu không hiểu cái im lặng ấy ngụ ý gì, bèn hỏi lại. Sư đáp: “Trời xanh vần vũ chẳng hẹn trăng lên”.
Một chú tiểu hỏi Tào Sơn: “Cái im lặng (vô ngôn) có thể tiết lộ cho biết được chăng?”
- Không thể tiết lộ ở đây.
- Vậy tiết lộ ở đâu ?
Tào Sơn đáp: “Canh ba đêm trước tôi mất ba đồng tiền ở đầu giường”
3. HỒI LÂU
Đôi khi các sư lặng im bất động hồi lâu - lương cửu - hoặc để đáp lại một câu hỏi, hoặc khi thượng đường nói pháp. Cái lương cửu ấy không cốt chỉ về thời gian trôi qua như ta sẽ thấy ở những câu chuyện sau đây.
Một chú tiểu thỉnh Thủ Sơn cho nghe một bản đờn không dây. Sư im lặng hồi lâu, rồi hỏi:
- Chú nghe không ?
- Bạch, không nghe.
Sư quở: Sao không bảo lớn tiếng hơn?
Một chú tiểu hỏi Bảo Phước: “Tôi nghe nói muốn biết con đường vô sanh phải rõ ngọn nguồn. Bạch hòa thượng, thế nào là ngọn nguồn?”. Bảo Phước im lặng hồi lâu, rồi hỏi: “Chú vừa hỏi tôi gì đó? Chú tiểu lặp lại câu hỏi. Sư phát đuổi chú tiểu ra vừa hét lớn: “Bộ tôi điếc sao?”.
4. HỎI NGƯỢC LẠI
Ta có thể nêu thêm phương pháp “phản vấn”, nghĩa là thay vì trả lời, hỏi ngược lại người hỏi. Trong Thiền, nói chung, câu hỏi nào cũng thoát ngoài thói thường - nghĩa là không phải hỏi để được chỉ bảo - nên tự nhiên lời đáp cũng chẳng đáp lại gì hết. Một Thiền đức kê ra có mười tám cách hỏi, đối lại có mười tám cách đáp khác biệt hẳn nhau. Như vậy một câu phản vấn vẫn là một lời đáp chiếu sáng vậy.
Một chú tiểu hỏi Từ Minh: “Tổ Đạt Ma qua Tàu có ý nghĩa gì?” Sư hỏi lại:
“Ổng qua hồi nào?”
Một chú tiểu hỏi La Sơn : “Ai là chúa tể ba cõi”. Sư hỏi lại:
“Chú biết làm sao ăn cơm không?”
Một chú tiểu hỏi Thiên Long, sư phụ của hòa thượng Câu Chi: “Làm sao thoát ly ba cõi?". Sư hỏi lại:
“Hiện giờ chú ở đâu?” .
Một chú tiểu hỏi Triệu Châu: “Ví có người không manh áo dính thân đến đây, hòa thượng bảo họ thế nào?”. Sư hỏi lại: “Chú nói không có gì?” - Bạch, không manh áo dính thân. Sư đáp: “Ừ, được rồi, không manh áo dính thân”.
5. LÝ LUẬN VÒNG TRÒN
Cứ thế quả không sao kể hết được những phương tiện khai thị chư sư sử dụng nhằm lợi lạc cho môn đồ. Vậy, để kết thúc chương này, tôi xin đưa thêm hai trường hợp khác, có thể coi như một thứ lý luận vòng tròn, nhưng ở một quan điểm khác, vẫn có thể biểu thị một tinh thần nhất nguyên luận tuyệt đối trong ấy mọi sự di biệt đều bị xóa nhòa hết. Đành rằng các Thiền sư đều tán đồng cái thấy ấy, nhưng cần xét lại, vì mặc dầu các ngài triệt để xác nhận kiến giải đồng nhất giữa cái “ta” và “cái người” mà đồng thời vẫn không từ khước những sự kiện dị biệt của cuộc sống cá nhân này.
Một đệ tử hỏi hòa thượng Đại Tùy: “Thế nào là cái tự kỷ của con?” .
Hòa thượng đáp: “Là cái tự kỷ của thầy” .
Trò: Làm sao cái tự kỷ của con lại là cái tự kỷ của thầy được?
Thầy: “ Đó là cái tự kỷ của con.”
Để hiểu câu chuyện trên theo tinh thần lý luận, ta chi cần thay thế “cái tự kỷ của con” bằng những chữ như vô minh, điên đảo hoặc phàm phu; và “cái tự kỷ của thầy” bằng những chữ như “giác ngộ, Phật, hoặc hư linh” là ta hình dung được ngay những gì đang diễn ra trong nội tâm của Đại Tùy. Điều cần lưu ý là nếu không có câu xác nhận cuối cùng “đó là cái tự kỷ của con” thì toàn thể cuộc đối thoại hóa thành một thứ triết lý phiếm thần luận.
Tư tưởng Đại Tùy còn được biểu lộ cụ thể hơn trong cuộc đối thoại sau đây giữa Tam Thánh Huệ Nhiên và Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Huệ Nhiên đến thăm Huệ Tịch.
Huệ Tịch hỏi: Ông tên gì?
Huệ Nhiên đáp: Tôi tên là Huệ Tich.
Huệ Tịch cãi lại: Huệ Tịch là tên tôi mà.
Huệ Nhiên nói: Vậy tôi tên là Huệ Nhiên.
Huệ Tich cười dài…
Câu chuyện đối đáp trên khiến ta liên tưởng đến cổ ngữ Ấn Độ “tai tvam asi!”, và có nghĩa là “ông là cái kia”. Tuy nhiên, giữa câu nói của Huệ Nhiên “tôi tên là Huệ Tịch” và câu nói Ấn Độ “ông là cái kia” vẫn khác biệt nhau nhiều, và chính đó là chỗ khác biệt giữa triết lý vêđănta Ấn Độ và Phật giáo Thiền Tông, hoặc giữa tinh thần duy trí ấn Độ và duy thực Trung Hoa. Tinh thần Trung Hoa không vụ suy rộng luận cao, ngoài tầm vói của cuộc sống như chúng ta hiện đang sống.
Theo giáo lý Hoa Nghiêm, có một thế giới siêu nhiên, trong ấy một sự vật dị diệt thâu nhiếp và dung thông tất cả sự vật dị biệt khác, thay vì mọi sự vật dị biệt đều chìm lỉm hết trong Đại Khối[28].Thế nên, ở thế gian này, ví ta đưa lên một cành hoa, hoặc chỉ vào một cục gạch, là toàn thể vũ trụ trăm hình vạn trạng đều hiện rõ, phản chiếu lại trong ấy. Nếu quả vậy, ta có thể nói các Thiền sư hoạt dung trong cảnh giới linh minh ấy hiển lộ đến cho các ngài với tất cả cơ mầu trong phút giây hoạt nhiên đại ngộ.