X. Ý THỨC VỀ THUỢNG ĐẾ
Như đã nói trước, các bậc Thiền đức không tán thành thái độ của người Công giáo - cả người công giáo huyền học - quá chấp nặng vào ý thức Chúa, coi như đấng khai sáng và bảo hộ thế gian và muôn vật. Thái độ của các ngài đối với Phật và Thiền là thái độ của Liệt Tử cỡi gió tiêu dao , môn đệ của Triệu Châu, Vân Môn và các bậc cổ đức khác không nhằm chứng gì hơn là hoàn toàn đồng hóa hoặc viên dung cái tôi, năng tri, và đối tượng của tư tưởng, sở tri. Vì lý do đó các ngài quyết không chịu đọc đến tiếng Phật hoặc Thiền trong bài giảng dạy của các ngài, chắc chắn đó không phải là phản Phật, mà chính vì Phật giáo đã hoàn toàn đồng hóa trong người các ngài. Chẳng hạn như câu chuyện sau đây của Pháp Diễn, ở Ngũ Tổ Sơn (? - 1104) quở nhẹ đệ tử là Phật Quả Viên Ngộ (1063-1135).
Ngũ Tổ nói: “Được lắm, nhưng có chút chưa ổn”. Viên Ngộ gạn hỏi hai ba lần chút ấy là gì, rốt cùng Sư mới nói: “Ông nói đến Thiền nhiều quá”. Viên Ngộ phản ứng lại: “Sao vậy? học Thiền thì tự nhiên phải nói Thiền, sư phụ ghét là sao?”. Ngũ Tổ nói: “Như một cuộc nói chuyện thường ngày vậy, thì tốt hơn”. Một ông tăng có mặt lúc ấy hỏi: “Tại sao hòa thượng ghét nhất người ta nói đến Thiền?” – “Vì nó làm cho ta bợn dạ”, đó là lời phán quyết của Sư.
Cùng tinh thần ấy, Lâm Tế Nghĩa Huyền (? - 867) có lối nói cực bạo, triệt để cách mạng. Nếu không quen với phương pháp dạy Thiền, những đoạn văn trích sau đây ắt khiến ta trố mắt, nghiến răng, tóc dựng đứng lên được. Người đọc có thể nghĩ rằng ông ta đáng ghê tởm quá, nhưng chúng ta đều biết rõ với nhiệt tâm nào ông đứng lên trước những giả dối của thế gian này, với ý chí bất khuất nào ông sấn bước qua trò đời ma chướng, đảo điên. Bàn tay ông có thể ví như bàn tay Jehovah quyết đập nát tất cả thần tượng và hình tướng. Ta thử đọc, chẳng hạn, vài đoạn văn sau đây, trong ấy Lâm Tế quyết lột trần tâm trí ta tất cả lớp trang sức giả dối cuối cùng.
1. “Bậc đạo nhân chân chánh tuyệt không nắm Phật, không nắm bồ tát la hán, cũng không nắm ba cõi thù thắng, quyết nhiên không câu chấp vào ngoại vật thì trước mắt tức thì hiện chánh pháp, vào lửa không phỏng, vào nước không chìm, vào ba đường địa ngục như dạo vườn cảnh, vào ngạ quỷ súc sanh mà chẳng thọ báo; vào[22] sắc giới chẳng bị sắc mê hoặc, vào vị giới chẳng bị vị mê hoặc, vào xúc giới chẳng bị xúc mê hoặc, vào pháp giới chẳng bị pháp mê hoặc.
2. Cứ tự nhiên mà động dụng, mặc áo ăn cơm, cần đi cứ đi, cần ngồi cứ ngồi, đừng mang mảy tâm niệm nào cầu Phật quả. Quý ông cho rằng đạo có tu chứng, chớ nói nhảm. Đặt ra tu chứng là tạo nghiệp sanh tử. Ông nói sáu độ muôn hạnh cùng tu, ta thấy toàn là tạo nghiệp. Cầu Phật, cầu pháp là tạo nghiệp địa ngục. Cầu bồ tát cũng là tạo nghiệp. Coi kinh coi giáo cũng là tạo nghiệp. Phật với Tổ Sư đều là người vô sự. Quý ông nói có đạo tu được, có pháp chứng được. Đạo nào mà tu? Pháp nào mà chứng? Chỗ thọ dụng của ông nay còn thiếu hụt vật gì chứ? Mà bồi đắp vào đâu chứ?
3. “Sãi núi tôi sao phải nói lên ở đây? Chỉ vì cầu đạo quý ông cứ tìm kiếm mãi tâm không dứt được niệm... Quý ông cầu chân lý! theo chỗ thấy của sãi núi tôi thì dứt hết là tự nhiên quý ông ngồi trên đầu báo hóa thân Phật. Mười địa bồ tát chẳng qua như đứa trẻ hầu, hai phần diệu giác như gông đeo cùm khóa, la hán bích chi chỉ là bùn phẩn, bồ đề niết bàn như hàm thiết buộc ngựa lừa.
4. “Ví nói đến chỗ thấy của sãi núi tôi thì không gì chẳng sâu thẳm, không gì chẳng giải thoát. Quý ông cầu chân lý, tâm pháp không hình tướng, không xâu suốt hết mười phương:
tại mắt gọi là thấy,
tại tai gọi là nghe,
tại mũi ngửi mùi,
tại miệng bàn nói,
tại tay nắm giữ,
tại chân đi đứng,
gốc là một tinh minh chia làm sáu phần hòa hiệp. Một tâm đã là không nên tùy chỗ mà giải thoát. Được như vậy là chốn chốn chẳng trệ, xâu suốt mười phương, ba cõi tự tại, vào tất cả cảnh giới sai biệt; trong khoảng một búng tay, vào suốt pháp giới , gặp Phật nói Phật, gặp Tổ nói Tổ, gặp La Hán nói La Hán, gặp ngạ quỷ nói nga quỷ, dạo nát khắp quốc độ, giáo hóa chúng sanh mà không hề lìa một niệm.
…Nếu có người đứng lên hỏi ta về việc cầu Phật, ta liền tùy ứng đưa ra cảnh giới thanh tịnh.
Ví hỏi ta về bồ tát, ta hến tùy ứng đưa ra cảnh giới từ bi.
Ví hỏi ta về bồ đề, ta liền tùy ứng đưa ra cảnh giới tịnh diệu.
Ví hỏi ta về niết bàn, ta liền tùy ứng đưa ra cảnh giới tịch tĩnh.
Cảnh thì sai khác muôn vàn, người thì chẳng khác; đó là tùy theo ngoại vật mà ứng hiện hình tướng, như trăng trong lòng nước.
Tôi cùng ông đi vào quốc độ tịnh diệu: khoác áo thanh tịnh, nói Phật pháp thân
Lại đi vào quốc độ không sai biệt: khoác áo không sai biệt, nói Phật báo thân
Lại đi vào quốc độ giải thoát: khoác áo quang minh, nói Phật hóa thân.[23]
5. “Này, quý ông cầu chân lý! muốn ngộ vào chánh tông (Thiền), chớ để thiên hạ phỉnh mình. Trong cũng như ngoài, gặp chướng ngại nào cứ đạp ngã ngay; gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp La Hán hoặc họ hàng thân thiết, giết hết, chớ ngần ngại: đó là con đường độc nhất để giải thoát. Đừng để bất cứ ngoại vật nào trói buộc mình, hãy vượt lên, hãy bước qua, hãy tự do. Tôi thấy suốt trong thiên hạ những vị gọi là cầu đạo không ông nào đến với tôi tự do và độc lập hết. “Hễ gặp việc, tôi đạp nhào hết, không cần biết họ đến với tôi bằng cách nào. Họ ỷ mạnh tay, tôi chặt đứt tay; họ ỷ giỏi nói, tôi bóp câm miệng, họ ỷ tinh mắt, tôi đập đui mắt. Quả thật bao năm rồi chưa một ông nào đơn độc đối diện với tôi, hoàn toàn tự do, hoàn toàn độc lập. Ông nào cũng mắc phải như nhau những trò lừa dối không đâu của hàng cổ đức. Tôi không có gì để cho quý vị. Tất cả những gì tôi có thể làm được là tùy bịnh mà cho thuốc, là giải phóng cho quý vị tất cả triền phược”.
“Này, chư vị cầu chân lý! hãy tỏ ra độc lập tự cường Tôi trân trọng đặt vấn đề ấy cùng quý vi. Suốt năm mươi năm gần đây, tôi chỉ chờ có vậy , mà chưa được gì hết. Người ta đến với tôi toàn là người ma, những súc sanh cổ quái vất vuởng bờ tre, rừng bụi, đồng hoang cỏ dại, điên khùng gặp gì cắn nấy, thối tha.
“Quý vị, loài ở hang, sao dám hoang phí của tín thí! Quý vị đáng gọi là sư sao khi còn vọng tưởng điên đảo như vậy ? Tôi nói cho biết: không Phật, không pháp, không tu, không chứng ? Quý vị tìm gì ở nhà láng giềng? Đó là trên đầu ghép thêm một cái đầu mượn? Quý vị thiếu gì?”
Quý vị cầu chân lý! những gì quý vị thọ dụng hiện giờ đây có khác gì với chư Phật chư Tổ đâu. Nhưng quý vị không tin tôi, mảng đi tìm ngoài. Đừng mê tưởng như vậy. Không có gì ngoài, mà cả bên trong vẫn không có gì nắm giữ đuợc. Quý vị chấp theo lời tôi nói, nhưng thà là dứt tuyệt tất cả tham cầu, đừng làm gì hết.
“Trân trọng.[24]
Đó là Lâm Tế chủ tâm quét sạch tất cả ngấn bụi ý thức về Chúa trong tâm người cầu chân lý. Lẫm liệt biết bao nhiêu, như lôi thần Thor, Sư giáng tất cả sấm sét trong từng lời cổ võ?
XI .VÔ CHẤP
Trạng thái của tâm trong đó tất cả dấu vết cơ trí, tình thức, đều được quét sạch hết, ngưòi Công giáo huyền học gọi là nghèo. Tauler định rõ rằng “cái nghèo tuyệt đối chỉ có ở tâm ngươi khi ngươi không còn nhớ biết có ai trả gì hay mắc nợ gì của ngươi không; mà rồi cả đến mọi vật ngươi cũng sẽ quên nốt trong cuộc du hành cuối cùng của cái chết”.
Các Thiền Sư cảm nghĩ đến cái nghèo một cách thiết thực và thơ mộng hơn; các ngài không gợi thẳng đến sự việc của thế gian. Đây, Thiền sư Vô Môn (1183-1260) cảm tác:
Hoa xuân muôn đóa, bóng trăng thu
Hạ có gió vàng, đông tuyết rơi
Tuyết nguyệt phong ba lòng chẳng chấp
Mỗi mùa mỗi thú mặc tình chơi
Và đây lời cảm tác của Thiền sư Nam Đài Thủ An:
Nam Đài ngồi tịnh trước lò hương
Cảnh lặng trời ngưng vạn sự buông
Nào phải ngăn lòng hay dứt niệm
Chỉ vì vô sự chẳng gì vương[25]
Bài thơ này, cũng như bài trên, không ngụ ý tác giả ăn không ngồi rồi, không làm gì khác, hoặc không có gì để làm khác hơn là thưởng thức hoa đào nở trong nắng sớm, hoặc ngắm vừng trăng bạc đìu hiu; không, có thể tác giả đang hăng say làm việc, đang giảng giải, đang tụng kinh, đang quét chùa giẫy cỏ như thường lệ, nhưng lòng tràn ngập một niềm thanh tịnh và khinh an. Người Công giáo có thể nói tác giả đang sống ở nơi Chúa. Mọi mong cầu đều xả bỏ hết, không còn một vọng tưởng nào gây trở ngại chi tâm trí ứng dụng dọc ngang, do đó, tâm gọi là tâm “không”, thân họ là thân “nghèo”. Vì nghèo nên họ biết thưởng thức “hoa xuân”, biết ngắm “trăng thu”. Trái lại, nếu của cải của thế gian chồng chất đầy con tim thì còn chỗ nào dành cho những lạc thú thần tiên ấy ? Các Thiền sư quen nói đến thái độ an tâm lập mệnh và cái giàu phi thế tục của các ngài bằng những hình ảnh cụ thể, chẳng hạn như thay vì nói chỉ có đôi tay không, các ngài bảo rằng muôn vật trong đời, nào đèn trăng quạt gió, nào kho vô tận, thật quá đủ lắm rồi. Nhưng Thiền sư Phương Hội ở Dương Kỳ có lần lại đề cập đến ngôi nhà điêu tàn của Sư. Ngày kia Sư thượng đường lớn tiếng ngâm thơ :
“Nhà ta phên mái rách tơi bời
Nền trắng một màu tuyết trắng rơi
Giá lạnh toàn thân, lòng vạn mối…
Sư ngừng giây lâu, rồi ngâm tiếp câu kế:
Người xưa nhà chỉ có bóng cây thôi”.
Hương Nghiêm nói đến cái nghèo bộc lộ hơn :
Năm trước nghèo chưa thật nghèo
Năm nay nghèo mới thật nghèo
Năm trước nghèo không đất cắm dùi
Năm nay nghèo dùi cũng không có nốt[26]
Sau đó có một Thiền sư bình giảng bài kệ nghèo của Hương Nghiêm như sau :
Không dùi không đất chửa rằng nghèo
Còn biết mình nghèo tức “chấp” nghèo
Rốt ráo nghèo là như thế ấy:
Bổn lai chưa thấy ai nghèo[27]
Vân Môn không mắc phải tội nghèo, nhưng sư vẫn không đẩy đà gì theo lời sư đáp cho một ông tăng hỏi Sư về gia phong của bản môn: “Da móp xương lồi”. Sự đẫy đà và phủ phê không bao giờ đi chung với đạo lý, ít ra ở đông phương nay. Sự thật thì không hẳn đó là những tư tưởng chống nghịch nhau, nhưng trong hiện tình kinh tế của chúng ta, sự tích trữ của cải toàn tạo nghịch duyên khó thích hợp với những lý tưởng thánh thiện. Có lẽ vì thế mà chúng ta lớn tiếng phản kháng trào lưu duy vật gây ra tình tệ. Nên người Phật giáo đặt lý tưởng sinh hoạt ở chỗ không có ai hết, thậm chí trí và đức cũng không nốt. Nói thế không có nghĩa là Phật giáo khinh miệt những sở hữu ấy, vì còn khinh miệt tức còn bị ô nhiễm, chưa thanh lọc hết; đã là chân Bồ tát thì cả đến cái thanh tịnh và đạo hạnh còn không chấp đến huống nữa là những nỗi hèn yếu nhỏ nhặt của thế nhân! Chỉ khi nào người Phật tử gạn sạch tất cả thứ ấy mới thật là nghèo, thô vụng và trong suốt.
Mục đích của kỷ luật Thiền, nói theo thuật ngữ Phật giáo, là đạt đến trạng thái không chấp trước.
Mọi kiến thức đều là của cải, là tích trữ tài sản, còn Thiền thì dạy buông bỏ tất cả vật sở hữu. Dó là cốt thực hiện tinh thần nghèo và khiêm hạ - hoàn toàn gội sạch tâm tưởng tất cả vết cảm nhiễm. Trái lại, học thức khiến con người thêm giàu sang cao ngạo. Vì học tức năm giữ - “chấp” càng học càng có thêm, nên “càng biết càng lo, kiến thức càng cao thì khổ não càng lắm”. Xét cùng ra, đó chỉ là “phí công bắt gió”. Thiện nhiệt thành tán đồng cái thấy ấy, đúng như Lão Tử nói:
Hoc: ngày càng thêm
Đạo: ngày càng bớt, bớt rồi lại bớt nữa, cho đến chỗ không làm, không làm nhưng không gì mà chẳng làm.[28]
Chỗ đến cuối cùng của “cái bớt” ấy là cái “vô sở chấp, vô sở cầu” tức cái nghèo vậy; và nghèo, nói một cách khác, tức là “không” – sunyata. Khi tâm hoàn toàn gội sạch tất cả cảm nhiễm chồng chất từ vô lượng kiếp thì hiện thực trong trạng thái trần truồng, không hóa trang, không che đậy. Đó là lúc tâm hiện thực là tâm, tự do, trống không, chân thực, phục hồi lại uy thế nguyên sơ. Đó là lúc thấm nhuần niềm vui, không phải thứ vui có thể bị phá bỏ bất cứ lúc nào bởi cái buồn đối cực, mà là một niềm vui tuyệt đối, một “ân sủng của Chúa” khiến con người “hưởng mọi sự tốt lành trong mỗi việc làm”, một niềm vui không gì bớt được, không gì thêm được, một niềm vui đời đời viên mãn vậy. Vậy, trong Thiền, vô chấp là một khái niệm tích cực, chớ không ngụ ý khiếm khuyết. Phương cách tư tưởng của Phật giáo đôi khi khác hẳn với người Tây phương, nên bạn đọc Công giáo thường rất bỡ ngỡ trước khái niệm “không”, cũng như trước những chủ trương duy tâm duy niệm tuyệt đối ấy. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là các nhà huyền học, dầu thuộc Phật giáo hay không, đều đồng ý nghèo là chỗ đến cuối cùng của diễn trình tu chứng.
Trong Công giáo, hầu như chúng ta còn vướng nặng ý thức về Chúa dầu rằng ta nói rằng ta sống, ta hành động, ta hiện hữu ở nơi Chúa. Thiền muốn ta xóa bỏ, nếu được, cả đến dấu vết cuối cùng ấy của tư tưởng về Chúa. Nên các bậc thiền đức khuyên ta:
Chỗ nào có Phật chớ đứng lại
有 佛 處 不 得 住
Chỗ nào không Phật chạy lẹ qua
無 佛 處 急 走 過
(Triệu Châu)
Tất cả công phu tu tập của chư tăng tại Thiền Đường, về thuyết cũng như hành, đều đặt căn bản trên “hành động không công đức” ấy. Nói một cách thơ mộng hơn, đó là:
Bóng trúc quét trên thềm nhà
Mà không một hột bụi dấy lên
Ánh trăng rơi trong lòng nước
Mà không dấu vết gì lưu lại.
Nếu diễn theo lối Ấn Độ bằng thuật ngữ Lăng Già, đó là:
“Tập khí không khác với tâm mà cũng không đồng với tâm; dầu bao trùm trong tập khí, tâm vẫn không có tướng sai khác.
“Tập khí, giống như một chiếc áo do mạt na thức dệt thành, khuất lấp tâm không chiếu sáng được, dầu bổn lai tâm là một chiếc áo vô nhiễm.
“Ta nói rằng a lại da thức giống như hư không, chẳng có mà cũng chẳng không; vì a lại da không can dự gì đến có không hai tướng.
“Do mạt na thức chuyển hóa, tâm gạn sạch hết ô nhiễm, đó là chứng ngộ, vì từ đây nó thấu triệt tất cả: đó là điều tôi dạy.