Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

a- Hoán sắc b- Thời tiết c- Sanh diệt d- Lưu chuyển e- ái thủ hữu h- Hư sanh không lão

II.B.2.a Hoán (huyễn, ảo, hoạn) sắc (sắc thân giả dối).

Thân hoán nhà mộng, vật sắc giữa không.

 Nhà mộng, vật sắc đều tỷ dụ cái thân hư hoán (giả dối). Song, cái nhà mộng là nhân ngủ mê mà có nhà mộng mị; vật sắc (hoa đốm) là bởi con mắt bịnh mà có thấy như hào quang, đom đóm.

 Bị nghiệp buộc, mượn tứ đại mà có ra cái thân vốn không thực, vì là hư vọng, nên kêu là hoán (ảo, dối). Như người thế gian làm trò hoán thuật (113): lấy các thứ cỏ, cây, khăn… hoán thuật biến làm thành người, vật, cầm thú cử động qua lại, hình tướng rõ ràng, khi mà phép hoán thuật thu rồi thì, người, súc ấy, toàn chẳng thể có. Thân này không thực, cũng lại như thế.

 Giữa trời đã không màu vật, trong mộng đâu có nhà hoa, chỉn bởi quên chân chấp vọng, nên ngủ mãi trường dạ (114) mà chẳng thức tỉnh (túy sanh mộng tử). Bị cái bịnh ái kiến (115) nó che con ngươi, nên thấy giữa khoảng không - có các cái hoa tướng (không hoa)(116) và mặt trăng thứ hai(117).

 Ký: Mặt trăng thứ hai: Mặt trăng vốn chỉ có một, do con mắt bịnh của người nên thấy có trùng luôn, tựa hồ có hai mặt nguyệt.

 Hư không và mặt nguyệt chính, là tỷ dụ cái Pháp thân; hoa đốm và mặt nguyệt thứ hai là ví dụ hoán chất (xác huyễn).

 Chúng sanh chỉ một Pháp thân, nguyên không hoán chất, bởi mê mờ theo phần sắc và phần tâm, nên nhận lầm cái hoán khu bằng năm uẩn bốn đại làm cái sở hữu của mình. Tỷ như cái sở kiến trong chiêm bao (118) mãi kiếp luân hồi mà chưa tỉnh thức!

II.B.2.b- Thời tiết.

Đời trước không tột, đời sau đâu ngằn.

 Đời trước là vô thỉ. Đời sau là vị lai. Trước đã không bắt đầu từ đâu, nên nói là không tột (vô cùng); sau cũng không cuối, nên nói là đâu ngằn.

 Nghĩa là tất cả chúng sanh, với sanh tử từ trước, bỏ thân nọ thụ thân kia, chẳng thể cùng tột được biện lượng của những thân và đời ấy; thì với sanh tử của những đời sau, làm gì hạn định bìa mé. Chỉ có chừng nào tâm chẳng sanh một niệm vọng (chính định vô lậu), thì mới đoạn hẳn được bìa mé trước sau (bất sanh bất diệt).

II.B.2.c- Sanh diệt.

Mọc đây lặn kia, lên xuống mỏi mệt!

 Mọc là sanh. Lặn là diệt. Tức là chết thân kia, sanh thân đây. Lên là siêu thăng sanh lên tam thiện đạo, tức làm thân người, thân trời và thân a -tu-la. Xuống là trầm luân đọa xuống tam ác đạo, tức làm thân ở địa ngục, thân ở ngạ quỷ và thân súc sanh (súc sanh là sanh vật bị nuôi, như gia súc và lục súc).

 Rất mỏi mệt là cái tâm thần bị nghiệp (mười thiện mười ác của hữu lậu) lực xua khiến, mà phải trôi lăn không dứt nghỉ, thế, đâu chẳng nhọc nhằn quá ư mỏi mệt ru!?

II.B.2.d- Lưu chuyển.

Chưa khỏi ba vòng, giờ nào thôi nghỉ.

 Ba vòng là tam giới luân hồi. Giờ nào thôi nghỉ là do cái nhân trước, chịu cái quả nay. Với quả nay, lại tạo thêm cái nhân cho sau nữa. Cứ mãi như thế, hễ bỏ thân nọ, thụ thân kia, tỷ như con trâu phá hư cái ách (119). Kiếp sanh tử đã không biên tế, thì nào có thôi nghỉ! Duy có hạng người nào đã phá được cái cảnh không hoa tam giới, trò ảo thuật hai mươi lăm hữu, mới có thể thôi nghỉ không luân hồi.

II.B.2.e- ái, thủ, hữu.

Tham luyến thế gian, ấm, duyên nên chất.

 Tham luyến tức là ái, thủ (yêu, lấy). Lấy ấm và duyên để làm nên xác thân, đó là nghĩa của chữ hữu. Thế gian là tình thế gian và khí thế gian. Tình tức hữu tình, vì có tri giác (tân dịch là hữu tình, cựu dịch là chúng sanh). Khí tức khí giới (120) như vũ trụ, quốc độ là vật vô tri giác, Kinh gọi là cõi vô tình, vì không có tình thức; gần là nhà cửa, vật dụng, vườn ruộng, xa là cõi nước và cả thế giới.

 ấm tức là ngũ ấm. Duyên tức là mười hai nhân duyên. Do vì chúng sanh khởi lòng tham lam, thương yêu, luyến tiếc đắm trước lấy hai cõi thế gian là tình và khí, thành thử phải bẩm thụ lấy phụ tinh, mẫu huyết để tạo nên thân thể, mà nguyên ra cái thân đây vốn không bởi mượn cả năm uẩn, mười hai duyên họp tổ mới có, nên nói là thành chất.

 Ký: Khí thế gian là thế giới hình nó như món đồ, mà chúng sanh an trụ trong đó, tức tam thiên đại thiên thế giới.

 Tình thế gian là những chúng do ngũ ấm hòa hợp thành thân có tình thức tri giác, thực thế.

 Kinh Lăng Nghiêm nói “Do đấy, từ vô thỉ, đối với thế giới (thế gian), chúng sanh nảy lòng ràng buộc (tham luyến), nên với khí thế gian, không thể siêu việt (giải thoát), thực thế”.

 Thế, nghĩa là riêng cách, cũng là hiện tại, quá khứ và vị lai. Gian là xăn hở, sai khác, nghĩa là mỗi mỗi sai khác mà chẳng lầm loạn nhau (vì tùy phước, tùy nghiệp thụ dụng khác nhau).

 Song, hai cõi tình, khí bổn lai không có, do vì vọng tưởng mà kiến thiết thành lập ra. Kinh Lăng Nghiêm nói “Tưởng trừng thành quốc độ”. Kinh Tịnh Danh nói “Từ nơi các gốc vô trụ (tâm), thành lập ra tất cả pháp – Tam giới duy tâm”. Ngài Thiên Thai giải thích rằng “Nếu mê quên vô trụ thì, tam giới, lục đạo, hiện có lăng xăng, nhân đó mà lập thành tất cả các pháp của thế gian và xuất thế gian, còn nếu mà hiểu chứng được vô trụ, tức là cả vô thỉ và vô minh đều phản bổn huờn nguyên, để phát minh chân tâm và thành Thánh quả”.

 Kinh Lăng Nghiêm nói “Người mà phát minh được chân tâm, trở về nguồn gốc thì, mười phương thế giới, thảy đều tiêu tan (121)”. Đấy là hai cõi tình, khí thế gian, đều bị phá tan, mà cái huyễn chất cũng không thể còn nữa. Đó là nghĩa “tình dữ vô tình cọng thành Phật đạo”.

II.B.2.h- Hư sanh không lão (122)

(luống sanh uổng già)

Từ sanh đến lão, không đặng một chi!?

 Đây là nói cái sanh và cái lão, vì sanh mà không ích được sự gì, gọi là hư sanh; già mà chẳng đắc được chỗ chi, nên gọi là không lão.

 Ký: Một không chỗ đắc là đối với môn giới, định, huệ và cả các pháp xuất thế gian, chẳng được một nào là chỗ để chơn đứng.

Xem mục lục