Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

II.A.2.c2- Thị giáo

Dứt ý quên duyên, chẳng cho làm đối đãi với các trần (90). Tâm không cảnh vắng, chỉ vì bị bít lấp chẳng thông đã lâu.

 Hai câu trên là khiển trừ cái vọng. Hai câu dưới là nguyên (91) lại cái chân.

 Dứt ý quên duyên là dứt cái ý niệm, quên cái duyên trần. ý là phần chủ quan của sáu căn, hễ chủ mà đã thôi dứt rồi thì cái tâm phan duyên (duyên lự tâm) nó tự quên mất vậy.

 Chẳng cùng tác đối với chư trần: đứa phàm chẳng rõ được tự tâm, thành thử mỗi mỗi vọng hoặc chấp trước, tùy theo sự gì phan duyên lấy sự nấy, mà phân biệt cả cảnh giới lục trần; chứ nếu như cái ý thức chẳng sanh một niệm gì hết, tức nhiên lìa được tất cả quan niệm phân biệt thì, cái ý nghĩ dứt, cái duyên quên mất, với lục trần ai cùng làm đối đãi. Thế là sáu căn chẳng duyên với sáu trần mà trần cảnh tự nhiên vắng lặng cả.

 Tâm không cảnh tịch: Chân tâm vốn rỗng trống, trần cảnh nguyên lặng im; chỉn bởi tự quên chân tâm, chấp lấy vọng cảnh (bóng duyên của sáu trần), thành thử mới có các cảnh trần nó xôn xao lăng xăng. Chớ tâm (ýự) ta không chấp thì, dù trọn ngày đối cảnh mà, cảnh hằng vắng lặng, cũng phi bặt dứt tâm cảnh, trừ sạch vạn vật, nhiên hậu mới là tịch tịnh đâu. Chỉ có một điều là chẳng quên chân tâm thì, cảnh nó tự nhiên im lặng.

 Nên Kinh nói “Thấy hết các pháp (vũ trụ vạn vật), mà không chỗ thấy”, nghĩa là không trụ trước chỗ thấy, thực thế.

 Cửu trệ bất thông: đã lâu bị bít chẳng thông, là từ lúc vô thỉ, tâm sanh một niệm bất giác (mê: tức tham, sân, si), thì đến cả vạn kiếp cái vọng tình ấy nó sanh khởi luôn, thành thử chẳng hiểu thấu cái tâm vốn không, lại chấp đó cho là có, thế rồi cái chấp có đó nó che lấp cái chân tâm, bị ngưng trệ chẳng thông.

 Đến đỗi khiến cho cái tánh bổn giác viên minh, biến làm cái vọng kiến của năng kiến; cái vô tướng chân thể, biến làm cái vọng cảnh của sở kiến. Cái vọng làm ngần ngại cho cái chân, nên nói là bất thông.

 Ngày nay, nếu chẳng hồi quang phản chiếu, để phá những vọng căn vọng trần kia, thì không thể khôi phục lại ánh sáng suốt của bổn tâm.

 Ký: Khiển vọng là lìa các căn, cảnh hư vọng, vì cái vọng tâm nó nguyên không có tự thể của nó, mà nó xáo lẫn với trần để thành cái thể của nó, nên chi nó tùy theo cảnh mà có và không, nghĩa là hễ có cảnh đến thì cái thể của nó liền sanh, cảnh đi thì cái thể của nó liền diệt; đấy, đã nhân cảnh mà sanh, thì toàn cảnh đó tức là tâm. Lại, nhân nơi tâm để chiếu nơi cảnh thì, toàn tâm đó là cảnh, mà tâm cảnh ấy đều không có tự tánh của nó, mà chỉ là tâm với cảnh duyên lẫn nhau rồi sanh ra tự tánh ấy thôi; nếu tâm lìa vọng niệm thì, căn và cảnh đều vắng lặng.

 Nguyên chân ấy: Suy xét cho đến nơi đến chốn thì, chỉ có nhứt chân tâm mà thôi, cái tánh thể nó là sạch sáng, xa tuyệt căn trần, linh biết vắng soi, trong ngần không ngần mé, giáp khắp pháp giới, ngục Thiết Vi chẳng thể ngăn che ánh sáng của nó, bầu trời xanh không thể trùm đậy cái thể của nó, muôn pháp (sự vật) không thể ẩn khuất cái chân thực của nó, cho đến cả trần lao phiền não chẳng hay đổi cái chân tánh của nó.

 Do từ trước bị mê mờ nhứt pháp giới (chân tâm) bất giác vọng động nổi lên mà có cái niệm, tùy theo cái duyên hoặc tịnh hoặc nhiễm rồi tâm cảnh lẫn sanh nhau, trở lại che ngăn cái bổn tánh linh minh, mãi đến ngày nay, chưa hề tỉnh ngộ lại được, nên nói là “cửu trệ bất thông”.

 Thấy hết cả các pháp ấy: tâm, cảnh rõ ràng, sờ sờ vậy; mà không chỗ thấy đó: là cái chân tâm nó không biết, cái chân cảnh nó không tướng, vì không biết nên vẫn không, vì vô tướng nên vẫn vắng. Không biết là phi đồng như cái không biết của cây đá, mà chính là tâm nó không khởi cái niệm phân biệt, chỉ vắng lặng mà thường tỏ soi. Vô tướng là phi như cái vô tướng bằng cách dẹp hết vạn vật, mà ngay nơi tướng không trụ nơi tướng, mà chỉ soi nhưng thường vắng. Nên nói là “tâm không cảnh tịch”.

 Tâm phan duyên tức là cái tâm vọng tưởng. Với cái tâm đây phân biệt ra mà nói thì có ba là tâm, ý và thức. Nghĩa là cái tâm đối cảnh có tri giác, khác với cây đá, nên tên là tâm. Kế đó, cái tâm tính lường nên tên là ý. Đến cái tâm mà lảu lảu riêng biết, nên tên là thức. Đấy, cái vọng tưởng nếu dứt được rồi thì, ba cái kia đều quên mất, cảnh giới cũng tiêu diệt luôn, duy chỉ có nhứt chân tâm, rỗng thông chẳng ngăn ngại, không chỗ nào nó chả phổ biến mà, còn có sự vật gì làm trệ ngại ru!?

Xem mục lục