Tổ thứ Mười Bảy: TÔN GIẢ TĂNG GIÀ NAN ĐỀ
(Sanghanandi)
Tôn giả là thái tử con vua Bảo Trang ở thành Thất-la-phiệt. Mới lên bảy, Ngài đã chán thú vui ở đời, xin được xuất gia. Một đêm nọ, Ngài đến động đá lớn ngồi thiền trong đó. Tổ thứ mười sáu (La-hầu-la-đa) đến đó, thấy Ngài đang ngồi yên nhập định, Tổ chờ đến hai mươi mốt ngày, Ngài mới xuất định, Tổ hỏi:
- Thân ông định hay tâm ông định?
Tôn giả đáp:
- Thân tâm đều định.
Tổ bảo:
- Thân tâm đều định, sao lại có xuất nhập?
Tôn giả đáp:
- Tuy có xuất định và nhập định nhưng vẫn không mất tướng của định.
Tổ vặn hỏi:
- Ông không mất tướng định, thì hãy đem tướng định cho ta xem?
Tôn giả hoát nhiên tỏ ngộ, liền xin Tổ tế độ. Tổ dùng tay phải cầm bát giơ cao lên tận cung điện Phạm thiên, lấy cơm thơm về cùng ăn với Tôn giả. Còn Tôn giả lấy tay phải đưa xuống tận kim cương luân[1], lấy nước cam lồ cho vào bình lưu ly, rồi dâng lên Tổ. Tổ truyền đại pháp cho Tôn giả. Về sau, Tôn giả đến nước Ma-đề truyền pháp cho Già-da-xá-đa, rồi dùng tay phải níu cành cây mà thị tịch.
Bài tán:
Xả bỏ ngôi vua
Vào hang thiền tọa
Chợt gặp thầy cũ
Vén mở vật xưa
Ấy Sa- la vương[2]
Ngay lúc gặp giặc
Đập vỡ vụn bát
Biển vàng[3] mêng mang.
Khí xả vương vị
Yến tọa thạch quật
Hốt ngộ tác gia
Hiên phiên cố vật
Thị Sa-la vương
Đương miến trước tặc
Kích toái bát vu
Kim hà hải khoát
棄捨王位 晏坐石窟 忽遇作家 掀翻故物
是娑羅王 當面著賊 擊碎缽盂 金河海闊
Kệ rằng:
Bảy tuổi hiểu đời nguyện xuất gia
Hang đá tập thiền lánh phù hoa
Vốn không các tướng lìa ngôn thuyết
Có gì rối rắm hai hay ba
Thầy trò đạo hợp cùng chung lối
Nhân nào quả ấy như hằng sa
Tri âm khó gặp người nhân hiếm
Đèn tâm tiếp nối mãi truyền xa.
Thất tuế yếm thế nguyện xuất gia
Thạch quật tập định giới phù hoa
Bổn vô chư tướng ly ngôn thuyết
Hà hữu cát đằng lạc nhị tam
Sư tư đạo hợp đồng nhất lộ
Lan nhân nhứ quả các thiên bàn
Tri âm nan ngộ nhân giả tiên
Tâm đăng vĩnh tục cổ kim truyền
七歲厭世願出家 石窟習定戒浮華
本無諸相離言說 何有葛藤落二三
師資道合同一路 蘭因絮果各千般
知音難遇仁者鮮 心燈永續古今傳 (HT. Tuyên Hóa)
Giảng:
Tôn giả là thái tử con vua Bảo Trang ở thành Thất-la-phiệt: Tôn giả là vị Tổ sư Ấn-độ thứ mười bảy được truyền tâm ấn, tên là Tăng-già-na-đề, người thành Thất-la-phiệt. Đây là một thành lớn do quốc vương Bảo Trang trị vì và vị thái tử con vua chính là Tôn giả.
Mới lên bảy, Ngài đã chán thú vui ở đời: Nhưng mới lên bảy tuổi, vị thái tử này đã không thích những thú vui thế gian. Vì sao Ngài không thích tất cả những thú vui thế gian? Vì Ngài có thiện căn sâu dày, không giống người bình thường như chúng ta, tinh thần điên đảo, cuốn theo dòng nước, trôi nổi trong biển khổ sinh tử. Ngài nguyện không trôi nổi trong biển khổ sinh tử, nên đã chán ngán không còn hứng thú những thú vui thế gian. Ngài xin được xuất gia: Ngài xin phụ vương cho Ngài xuất gia tu hành. Vì thế, Ngài thường tọa thiền. Mới lên bảy, Ngài bắt đầu tập tọa thiền, ngồi tư thế kiết già. Ngài thường tọa thiền một ngày, hoặc một đêm. Ngài đã tập luyện như thế. (Chú 1)
Một đêm nọ, Ngài đến một động đá lớn thiền tọa trong đó: Một đêm nọ, Ngài đến một hang đá lớn và tọa thiền ở trong đó.
Tổ thứ mười sáu (La-hầu-la-đa) đến đó, thấy Ngài đang ngồi yên nhập định, Tổ chờ đến hai mươi mốt ngày, Ngài mới xuất định: Lúc Ngài tọa thiền trong hang đá, Tổ thứ mười sáu đến, nhìn thấy Ngài đang nhập định, cho nên ở lại, đợi đến hai mươi mốt ngày, Ngài mới xuất định.
Tổ hỏi: Thân ông định hay tâm ông định? Tổ thứ mười sáu thấy Ngài tọa thiền hai mươi mốt ngày, bèn hỏi: “Khi ông tọa thiền thì thân nhập định hay tâm nhập định?”
Tôn giả đáp: Thân tâm đều định: Tôn giả Tăng-già-nan-đề đáp: “Thân định mà tâm cũng định”, nghĩa là hoàn toàn không phải chỉ thân định mà tâm không định; hoặc chỉ tâm định mà thân không định, ở đây thân tâm đều định. Ngài trả lời rất hợp lý.
Tổ bảo: Song Tổ thứ mười sáu vẫn muốn biện luận với Ngài, để tìm ra khuyết điểm của Ngài, liền nói: “Thân tâm đều định, sao lại có xuất nhập?” Thân tâm ông đều định, tại sao còn có xuất định và nhập định? Thân ông định, tâm ông cũng định thì lúc nào cũng phải ở trong định, làm gì còn có xuất và nhập nữa?
Tôn giả đáp: Tuy có xuất định và nhập định nhưng không mất tướng định: Tổ thứ mười bảy tức Tôn giả Tăng-già-na-đề liền trình bày rằng, tuy nhắc đến cảnh giới xuất định và nhập định, nhưng “tướng định” thì không mất, nghĩa là cái cảnh giới khi nhập định không hề bị mất; đến khi tỉnh, cảnh giới vẫn như vậy không khác so với khi còn trong định.
Tổ vặn hỏi: Lúc ấy, Tổ thứ mười sáu nói: “Ông không mất tướng định, thì hãy đem tướng định cho ta xem? Thử xem tướng định của ông hình dáng thế nào?” Tổ vặn hỏi Ngài như vậy.
Tôn giả hoát nhiên tỏ ngộ: Tôn giả Tăng-già-nan-đề hoát nhiên tỏ ngộ, hiểu rõ tất cả các pháp vốn thanh tịnh, tất cả đại định vốn không xuất không nhập, đó chính là đã khai ngộ! Hoát nhiên chính là khai ngộ.
Tôn giả liền xin Tổ độ thoát: Thế là, Tôn giả liền xin Tổ thứ mười sáu cho Ngài xuất gia.
Tổ dùng tay phải cầm bát giơ cao lên tận cung điện Phạm thiên lấy cơm thơm về: Tổ thứ mười sáu dùng tay phải cầm bát giơ lên cao, tới tận cung trời Đại Phạm, thọ nhận cúng dường của chư thiên rồi đem về cùng ăn với Tôn giả: Lúc ấy, Tổ nói: “Ông ăn đi! Ông tọa thiền nhiều ngày như vậy, nên ta đến cúng dường ông!” Thế rồi, Tổ và Tôn giả cùng ăn cơm thơm hương tích của cõi trời.
(Sau đây là phần của đệ tử của Hòa Thượng thêm vào.)
Đồng thời Tổ bảo đại chúng cùng ăn, nhưng lúc ấy đại chúng bỗng sinh tâm ghê tởm, nên không thể thọ dụng cơm thơm được. Tổ thứ mười sáu nói: “Đây không phải lỗi của ta mà do nghiệp cảm của các ông”. Tổ liền nhường một nửa chỗ ngồi rồi bảo Tôn giả Tăng-già-nan-đề ngồi vào cùng dùng cơm. Đại chúng càng sinh tâm nghi hoặc: “Tại sao không có chút quy củ gì giữa sư phụ và đệ tử, lại cũng không có sự phân biệt nào về tôn ti, tuổi tác?”
Biết lòng nghi hoặc của đại chúng, Tổ bảo: “Các ông không thưởng thức được cơm thơm này là có nguyên nhân. Các ông nên biết! Người cùng ngồi ăn cơm với ta chính là Phật Sa La Thọ Vương ở kiếp Trang Nghiêm thời quá khứ, ứng thân đến thế gian này để giáo hóa chúng sinh, về sau sẽ làm Tổ thứ mười bảy. Còn các ông thì vào kiếp Trang Nghiêm đã đắc đến quả thứ ba, nhưng chưa chứng được quả vô lậu.”
Đại chúng nghĩ: “Chúng ta hoàn toàn tin tưởng năng lực thần thông của Thầy. Nhưng Tổ nói Tôn giả là Phật Sa La Thọ Vương thời quá khứ, chúng ta làm sao tin được? Lúc ấy, Tôn giả Tăng-già-nan-đề biết đại chúng sinh tâm khinh mạn, liền nói: “Lúc Đức Phật còn tại thế, thế giới này bằng phẳng, không có đồi núi, sông ngòi, kênh rạch, nước rất ngọt, cây cối sinh trưởng tốt tươi, đất nước giàu có, không có tám đường khổ và mọi người đều thực hành mười điều thiện. Hiện tại, Đức Phật đã nhập Niết-bàn hơn 800 năm, thế giới này gò nổi lồi lõm, cây cối héo khô, con người không có tín tâm chân chính và chính niệm, không tin Chân như Phật tính mà chỉ thích năng lực thần thông.”
(Đệ tử chỉ bổ sung đến đây).
Còn Tôn giả lấy tay phải đưa xuống tận kim cương luân lấy nước cam lồ cho vào bình lưu ly, rồi dâng lên Tổ: Lúc ấy, Tôn giả cũng đã chứng thần thông, liền duỗi tay phải xuống tận đáy của lòng đất, đến tầng kim cương luân, chỗ ấy có nước ngọt như cam lồ, rồi lấy bình lưu ly đựng nước ấy mang về. Ước chừng ăn cơm thơm xong, mọi người cùng uống nước cam lồ. Trước quang cảnh ấy, ai nấy đều thấy vô cùng cảm khái, nên tức thời đảnh lễ sám hối.
Tổ truyền đại pháp cho Tôn giả. Về sau, Tôn giả đến nước Ma-đề truyền pháp cho Già-da-xá-đa: Tổ thứ mười sáu truyền pháp cho Tôn giả (Chú 2). Về sau, Tôn giả đến nước Ma-đề, truyền pháp cho Tôn giả Già-na-xá-đa. Truyền pháp xong, Ngài dùng tay phải níu cành cây mà thị tịch.: Lúc ấy, Tôn giả Tăng-già-nan-đề đưa tay phải vịn cành cây, thân Ngài treo lơ lửng giữa hư không, rồi viên tịch! Không bệnh gì mà Ngài viên tịch, quý vị nói như vậy là tự tại hay không tự tại? Ái chà! Thật là giải thoát! Quý vị xem, Tôn giả đưa tay phải níu cành cây mà viên tịch. Thật là thú vị!
Bài tán:
Xả bỏ ngôi vua, vào hang thiền tọa: Tôn giả vốn phải làm một vị hoàng đế, nhưng Ngài không làm hoàng đế mà đến hang đá tọa thiền trong đó.
Chợt gặp thầy cũ, vén mở vật xưa: Bỗng gặp một tác gia chân chính! Tác gia chính là thiện tri thức. Gặp thiện tri thức, “vén mở vật xưa”, mới phá tan chấp trước cố chấp của Ngài!
Ấy Sa-la Vương, ngay lúc gặp giặc: Ở đây như Phật Sa La Thọ Vương gặp giặc, lập tức bắt lấy.
Đập vỡ vụn bát, biển vàng mênh mang: Đập bát vỡ vụn, “Kim Hà hải khoát”, Hằng hà còn gọi là “Kim hà”; biển rộng (hải khoát) như biển lớn. Ở đây nói Phật pháp như biển lớn, càng truyền càng rộng, càng truyền càng nhiều.
Kệ rằng:
Bảy tuổi hiểu đời nguyện xuất gia: Lúc lên bảy, Tăng-già-na-đề đã không thích những thú vui thế gian, mà chỉ thích xuất gia tu hành.
Hang đá tập thiền lánh phù hoa: Bấy giờ, Ngài tu tập thiền định trong hang đá, “lánh phù hoa”: Ngài không cống cao ngã mạn, không cảm thấy mình hơn người nào, và cũng không có ý nghĩ giả trang thiền tướng bên ngoài. Quý vị xem! Ngài là thái tử của một quốc vương, nhưng không tận hưởng khoái lạc trong cung vàng điện ngọc, mà xả bỏ tất cả không chút kiêu ngạo, khoe khoang. Nhờ tập khí phù hoa không có, nên Ngài ở đó tu hành như vậy.
Vốn không các tướng lìa ngôn thuyết: Tu hành phải “quét sạch tất cả pháp, xa lìa tất cả tướng” (tảo nhất thiết pháp, ly nhất thiết tướng), phá sạch tất cả chấp trước. Nếu quý vị còn tồn tại một chút “tướng” thì rất phiền toái. Nói chung, nếu có ngôn thuyết thì không phải là thật nghĩa.
Có gì rối rắm hai hay ba: Rối rắm chính là thừa thãi, vô dụng, như việc trên đầu lại đặt thêm một cái đầu. Đệ nhất nghĩa đế đã đầy đủ, còn phải rơi vào hai hay ba làm gì? Vì vậy, chúng ta tu hành, muốn rõ pháp chân chính thì phải lìa tướng ngôn thuyết, tâm phan duyên và văn tự. Nếu quý vị không thể xa lìa tất cả tướng thì dù tu hành đến mức độ nào, cũng chỉ là thay đổi bên ngoài mà thôi.
Thầy trò đạo hợp cùng chung lối: Tổ thứ mười sáu gặp Tổ thứ mười bảy, điều này có thể nói là “thầy trò đạo hợp”, đạo giống nhau và cùng đi trên một con đường!
Nhân nào quả ấy như hằng sa: Có người nhân xưa rất tốt, nên kết quả cũng rất tốt, tất cả đều rất viên mãn. Chẳng qua mỗi người tu hành khác nhau, vì gieo nhân khác nhau, nên kết quả cũng khác, do đó nói “Nhân nào quả nấy, muôn màu muôn vẻ”.
Tri âm khó gặp người nhân hiếm: Tu hành chân chính có thể hiểu rõ nhau, sư phụ và đệ tử hiểu nhau, đây là việc rất khó. “Người nhân hiếm”, người tu hành chân chính từ bi, thực hành nhân nghĩa rất hiếm.
Đèn tâm tiếp nối mãi truyền xa: Đời này truyền lại đời sau, pháp môn dùng tâm ấn tâm này, do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni truyền đến Tổ thứ mười bảy, cho đến hiện tại, đều là tâm pháp truyền trao từ xưa đến nay.
(Tuyên Công Thượng Nhân giảng vào ngày 8, tháng 8, năm 1981)
Chú 1: Về nhân duyên xuất gia của Tôn giả Tăng-già-na-đề, trong “Truyền Pháp Chánh Tông Ký” có ghi như sau:
Tăng-già-na-đề, người nước Thất-la-phiệt, dòng sát-đế-lợi, là thái tử của vua Bảo Trang Nghiêm. Bồ-tát vừa sinh ra đã biết nói, nói chuyện với mẹ thường chỉ nói chuyện Phật sự. Vua và hoàng hậu thấy lạ, liền vời quốc sư đến hỏi con mình tại sao lại như vậy. Quốc sư nước này là người khác thường, có thể biết được việc xưa, liền tâu: “Tâu bệ hạ! Thái tử xưa là Phật Sa-la-vương, vì muốn hóa độ chúng sinh nên thị hiện sinh vào cung vua. Lên bảy tuổi, thái tử sẽ trở về với đạo, rời cung vua đến tu tập trong hang đá Kim Hà”. Vua và hoàng hậu thương con, nơm nớp lo sợ thái tử sẽ y như lời quốc sư nói. Đến năm lên bảy, thái tử quả nhiên nói kệ thưa cha mẹ, xin được xuất gia:
Kính lạy bậc song thân
Đã cho con hình hài
Nay con muốn xuất gia
Mong cha mẹ thương xót.
Khể thủ đại từ phụ
Hòa nam cốt huyết mẫu
Ngã kim dục xuất gia
Hạnh nguyện ai mẫn cố.
稽首大慈父 和南骨血母
我今欲出家 幸願哀愍故
Ban đầu, vua và hoàng hậu không bằng lòng, nên thái tử hết lời cầu xin mới được toại nguyện. Vua bảo Sa-môn Thiền-lợi-đa xuống tóc cho thái tử. Nhưng thái tử vẫn ở lại trong cung chín năm mới gặp được thánh tăng cho Ngài thọ giới. Đêm nọ, Bồ-tát tự cảnh tỉnh mình: “Ta đã thọ giới Cụ túc mà vẫn còn ở nhà thế tục, năm nay đã 26 tuổi rồi, làm sao gặp bậc Thánh để được khai đạo?” Ngài vừa nói xong, liền cảm ứng được ánh sáng từ hư không chiếu xuống, bỗng thấy một con đường bằng phẳng, phía trước có ngọn núi lớn, Bồ-tát liền đi đến đó……
Chú 2: Kệ truyền pháp của Tổ thứ mười sáu phó chúc cho Tổ thứ mười bảy, thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục ghi như sau:
Với pháp thực không chứng
Không giữ cũng không bỏ
Pháp không tướng hữu-vô
Làm sao có trong ngoài.
Ư pháp thực vô chứng
Bất thủ diệc bất ly
Pháp phi hữu vô tướng
Nội ngoại vân hà khởi
於法實無證 不取亦不離
法非有無相 內外云何起
[1] Kim cương luân 金剛輪: Theo Luận Câu-xá (Kosa) quyển 11 thì đại địa gồm 9 núi, 8 biển và 4 châu nằm trên tầng Kim luân hay Kim cương luân; dưới vòng Kim luân là tầng Thủy luân; dưới thủy luân là tầng Phong luân và dưới phong luân là hư không. Như vậy kim cương luân tiếp giáp với đáy của tầng đại địa.
[2] Sa-la vương 娑羅王: Tên của vua Diệu Trang Nghiêm, tương lai thành Phật hiệu là Sa La Thọ Vương (Kinh Pháp Hoa, phẩm Diệu Trang Nghiêm).
[3] “Kim Hà” là một tên khác của sông Hằng (Ganga)