Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

PHẦN MỘT
CON ĐƯỜNG CHỮA LÀNH



VÀO ĐỀ


Tôi sinh ra trong căn lều một gia đình du mục tầm thường trên một cao nguyên cỏ xanh hoang dã phía Đông Tây Tạng, giữa thế giới của những ngọn núi cao và những con sông rộng. Mặt đất bao phủ đầy tuyết suốt tám tháng một năm. Gia đình tôi thuộc bộ lạc du mục sinh sống trong lều, chăn nuôi gia súc như trâu Yak, ngựa và cừu. Nhiều lần trong năm chúng tôi cắm trại trên những thung lũng khác nhau để có đủ cỏ tươi cho gia súc.

Lúc lên năm tuổi, một thay đổi mạnh mẽ làm lay chuyển cuộc sống tôi. Tôi được công nhận là tái sanh của một vị thầy nổi tiếng thuộc tu viện Dodrupchen, một học viện quan trọng ở miền Đông Tây Tạng. Người Phật tử công nhận nguyên lý về nghiệp và tái sanh, vì vậy người Tây Tạng tin rằng : khi một Đại Sư viên tịch, Ông hay Bà ấy sẽ tái sanh như một người có khả năng lớn lao làm lợi ích cho kẻ khác. Vì tôi là đứa con duy nhất, nên cha mẹ tôi rất buồn, tuy nhiên họ đã dâng cúng tôi cho tu viện không một chút lưỡng lự. Cha mẹ tôi đã tự hào và cảm thấy được vinh dự sâu xa rằng con họ sẽ nhanh chóng trở thành một trong những người được tôn kính trong thung lũng của họ.

Mọi phương diện của cuộc sống tôi đột nhiên thay đổi. Tôi không có tuổi thơ bình thường được chơi đùa với những đứa trẻ khác. Thay vào đó, những vị Thầy phụ đạo phẩm giá săn sóc và đối đãi tôi với sự tôn kính, vì tôi được công nhận là vị Thầy tái sanh của họ. Tôi cảm thấy quen thuộc với cuộc sống mới, vì trẻ em luôn luôn dễ dàng thích nghi với những hoàn cảnh mới hơn người lớn. Tôi thương cha mẹ tôi, đặc biệt là bà ngoại, nhưng dù họ được đặc biệt tạm thời cho phép, tôi bảo họ không nên vào tu viện. Người ta cho rằng đây là một dấu hiệu khác chứng tỏ rằng tôi đã từng sống ở tu viện trong đời trước của tôi.

Từ bình minh đến khi chiều xuống, vòng thời gian của tôi đầy ắp việc học tập và cầu nguyện. Trong môi trường này, phần lớn thời gian tôi tràn đầy hoan hỷ và an bình. Những vị Thầy phụ đạo của tôi rất từ bi, thấu hiểu và thực tế. Họ không phải là những tu sĩ kỷ luật cứng ngắt như bạn đã hình dung, dù đôi lúc có thể như vậy. Trái lại, họ hiền từ, khiêm tốn và mang lại cho mọi người niềm hoan hỷ và nụ cười. Sau một thời gian, tôi không còn ham chơi đùa, chạy nhảy vô ích. Tôi cũng cảm thấy không cần thiết phải nhìn quanh nhiều, và tôi có thể ngồi yên trong nhiều giờ. Trước tiên tôi thọ những lời nguyện cho người mới tu và sau đó là tu sĩ. Mỗi một tháng được cạo tóc, và sau bữa trưa chúng tôi không ăn cho đến sáng hôm sau. Những ngày của chúng tôi đều đặn theo chu kỳ mặt trời và mặt trăng. Cho đến tuổi mười tám, tôi vẫn chưa thấy máy bay hay xe gắn máy. Một cái đồng hồ đeo tay là sản phẩm tinh vi nhất của kỹ thuật hiện đại mà tôi tình cờ thấy được trước khi rời tu viện.

Với chúng tôi, đạo Phật không chỉ là thiền định, học tập hay nghi lễ, mà là một cách sống hàng ngày và toàn bộ cuộc đời. Đạo Phật dạy rằng đặc tính thiết yếu của tất cả chúng sanh là tâm, mà trong bản tánh chân thật của mình, tâm thì thanh tịnh, an bình và hoàn thiện đầy đủ. Tâm là Phật. Như chúng ta biết, khi tâm thức chúng ta thoát khỏi áp lực của cảm xúc và hoàn cảnh bên ngoài, tâm trở nên an bình, rỗng rang, sáng suốt và lồng lộng hơn.

Trong tu viện, tôi đã được dạy về sự quan trọng của việc buông xả cái thái độ mà đạo Phật gọi là “chấp ngã”. Nó là một nhận thức sai lầm về một thực thể thường hằng, cứng chắc trong chính mình, trong những chúng sanh khác và sự vật. “Cái ta” là một ý niệm được tạo tác bởi tâm trí thông thường, không phải là tâm trong thực tánh của nó. Chấp ngã là gốc rễ của rối loạn tâm trí và tình cảm, là nguyên nhân của đau khổ của chúng ta. Đây là điểm ở đó chúng ta có thể hiểu cốt lõi, tinh thần và mùi vị của đạo Phật. Bạn có thấy đạo Phật là căn bản như thế nào không ? Phật Giáo nói rằng đau khổ do tâm thức chúng ta gây ra, thậm chí trước khi chúng ta có một cách ứng xử nào không khéo léo hay rắc rối, hoặc ngôn ngữ bất hòa, trước khi chúng ta lao vào đau khổ, bệnh tật, tuổi già và cái chết chúng là sự nghiệp của tất cả chúng sanh. Trong đạo Phật, tất cả những phiền não xáo trộn đều do từ, đều gắn chặt vào sự chấp ngã. Ngài Shantideva một Đại Sư của Phật Giáo đã mô tả cái bản ngã mà chúng ta bám víu vào như “con quái vật độc ác” :

Mọi bạo lực, sợ hãi và đau khổ
Hiện hữu trên thế gian
Đều do chấp ngã.
Vậy, con đại ác quỷ này có ích gì cho các bạn ?
Nếu bạn không buông bỏ bản ngã
Thì khổ đau của bạn không khi nào chấm dứt.
Giống như bàn tay mình không lìa bỏ lửa
Thì bàn tay không bao giờ ngừng bỏng.

Nhưng, làm thế nào chúng ta có thể buông bỏ bản ngã ? Với tôi, việc chứng ngộ thật tánh không thể thực hiện lúc tôi còn quá bé và mới bắt đầu giai đoạn tu hành. Nhưng, khi đã tiến bộ qua nhiều mức độ rèn luyện thân thể và tâm linh khác nhau, tôi đã có cảm hứng với sự tỉnh thức, lòng bi mẫn, sùng mộ, tham thiền và tri giác thanh tịnh. Điều đó có từ những mức độ tiệm tiến của việc nới lỏng sự siết chặt tâm thức và cảm xúc của sự chấp ngã của tôi, và tôi thu hoạch sức mạnh, tỉnh giác và sự rộng mở bên trong nhiều hơn. Vì tôi dần dần đưa tâm mình vào bản tính bình an của nó, và tự rèn luyện buông xả trong nó, sự rối loạn của môi trường bên ngoài bắt đầu ít tác động đến cảm nghĩ của tôi và trở nên dễ xử lý. Những kinh nghiệm về bản tánh bình an và rỗng rang của tâm giúp tôi chữa lành những biến cố khó chịu của cuộc sống, duy trì sức mạnh và hạnh phúc trong cả hai môi trường tốt và xấu.

Vào năm tôi mười tám tuổi, vì những thay đổi chính trị ở Tây Tạng, tôi đã đào thoát vất vả hàng ngàn dặm trong vòng nhiều tháng với hai vị Thầy và tám người bạn của tôi từ Tây Tạng đến Ấn Độ. Giữa đường, tại một hang động thiêng liêng trong một thung lũng trống, ở đó những ngọn núi xám sừng sững mọi hướng, Thầy tôi, Ngài Kyala Khenpo, người đã săn sóc tôi như cha mẹ từ khi tôi năm tuổi đã thở hơi cuối cùng. Đột nhiên tôi nhận thấy mình là một người mồ côi, một kẻ đào thoát và một người tỵ nạn không nhà.

Cuối cùng, chúng tôi đến Ấn Độ, một miền đất giàu trí huệ và văn minh. Lần đầu tiên trong nhiều tháng, tôi có thể hưởng thụ cảm giác mát mẻ dưới những bóng cây và thoải mái trong sự ấm áp của những chỗ ở. Trong khoảng một trăm ngàn người tỵ nạn Tây Tạng ở Ấn Độ, nhiều người đã chết vì sự thay đổi của khí hậu, thực phẩm, nước và độ cao. Với những người còn sống, nỗi đau khổ của những người thân còn ở lại Tây Tạng vẫn tiếp tục ám ảnh chúng tôi cả ngày lẫn đêm.

Trong những ngày đen tối đó, tất cả những gì tôi phải sống và an ủi tôi là ánh sáng trí huệ của đạo Phật trong tâm tôi. Nếu một vấn đề rắc rối có thể giải quyết và xứng đáng để thử thách, tôi cố gắng dâng hiến cuộc sống mình để giải quyết nó với một tâm thức an bình, một thái độ rộng mở, một tính cách hoan hỷ. Nếu vấn đề không giải quyết được, tôi cố gắng không nóng nảy và lãng phí thời gian và năng lực của tôi vô ích. Trong bất kỳ tình huống nào, tôi cố gắng buông xả những phiền não, những bám chấp của tâm thức, bằng cách không bám vào, không trụ nơi chúng, không lo âu về chúng, vì điều đó chỉ làm tình huống tồi tệ hơn. Ngài Shantideva đã nói :

Nếu bạn có thể giải quyết những vấn đề của mình,
Thì cần gì phải lo nghĩ ?
Nếu bạn không giải quyết được chúng,
Thì lo nghĩ có ích gì ?

Suốt từ lúc tôi đào thoát đến Ấn Độ, tôi không còn sống trong cộng đồng tu viện hay dưới sự giám sát của kỷ luật tu viện. Nhưng ấn tượng về sự an bình và hoan hỷ về tu viện thiêng liêng ở Tây Tạng vẫn sống động mạnh mẽ trong tâm trí tôi. Tiếng vọng của những lời từ ái, êm dịu của những vị thầy đầy từ bi và trí huệ tột cùng hồi tôi còn bé vẫn vang lên trong tai tôi. Quan trọng hơn nữa, cái kinh nghiệm về sự rỗng rang, an bình, sức mạnh mà tôi đã trau dồi rồi được tinh lọc và chiếu sáng trong lòng tôi, qua việc đối mặt những gian khó trong cuộc sống tôi, giống như vàng ròng được tinh luyện bằng sự nấu chảy và trui đập. Những hình ảnh, lời nói và kinh nghiệm ấy luôn luôn là ánh sáng dẫn đường và năng lực chữa lành qua những đau khổ, rối loạn và yếu đuối của đời tôi.

Che trú cho ánh sáng của tâm thức an bình khỏi gió bão của những trận chiến cuộc đời, và tỏa ra ánh sáng của sự rỗng rang và thái độ tích cực để đến với những người khác, là hai yếu tố giúp cho tôi tiếp tục sống qua những lúc khó khăn. Bằng nhiều cách, những bi kịch lớn của đời tôi đã chuyển thành những gia hộ ban phước. Chúng làm rõ những giáo lý đạo Phật về tính như huyễn của cuộc sống, lột bỏ tấm màn che của sự an toàn giả tạo. Không có những nghi ngờ gì nữa về quyền lực chữa lành của việc từ bỏ chấp ngã.

Tôi đến nước Mỹ năm 1980, một xứ sở của tự do và dư dả. Nói chung, thật khó cho tâm trí an bình sống được qua những tấn công của dục vọng và sự quyến rũ của vật chất hơn là những nỗi đau đớn, khổ đau. Nhưng hiệu lực của sự tu hành Phật giáo là trong lúc tôi hưởng thọ sự thịnh vượng vật chất của phương Tây, tôi mến phục hơn cuộc sống khiêm tốn, tự nhiên, trần thế của đạo Phật thời còn bé. Cũng vậy, tôi càng được hưởng thụ cuộc sống tâm linh của đạo Phật, tôi càng đánh giá cao lòng tin, lòng bi mẫn, sự rộng lượng đặt nền trên những giá trị của Do Thái Cơ Đốc Giáo kết hợp với sự thịnh vượng của phương Tây làm phong phú cho sức mạnh tâm linh tôi. Sống trong ánh sáng trí huệ của đạo Phật, tôi nhìn thấy những phẩm tính tích cực của mỗi hoàn cảnh qua cánh cửa của bản tánh an bình của tâm thay vì để cho những phẩm tính tiêu cực tràn ngập. Đây là trái tim của con đường chữa lành.

Năm 1984, lần đầu tiên trong hai mươi bảy năm, tôi có thể về thăm quê nhà Tây Tạng. Đó là lúc tôi sung sướng gặp lại một số bạn cũ, những người thân còn sống sót, và một thời khắc buồn rầu nhớ lại những người tôi thương mến, những khuôn mặt thân yêu ấy đã ở trong ký ức tôi nhiều năm, và những vị thầy tôn kính, mà lời dạy của các vị là nguồn chữa lành của tôi đã qua đời. Tu viện, trong ký ức tôi là nơi tu học, qua mấy chục năm yên lặng, nay còn lại là những bức tường vỡ. Gần đây một số tu sĩ đã bắt đầu trở lại xây dựng lại tu viện và đời sống tu viện của họ.

Đa số họ có thể chấp nhận và tự chữa lành khỏi những kinh nghiệm không may của mình mà không cần trách cứ ai khác. Rõ ràng người ta có thể tạm thời hài lòng bằng cách trách cứ, đổ lỗi những sự không may của mình về những người khác, nhưng điều này luôn dẫn đến kết quả là rối loạn và đau khổ lớn hơn. Bằng lòng, không phiền trách là điểm chuyển hướng thật sự của việc chữa lành. Nó là sức mạnh chữa lành của tâm. Đó là tại sao Ngài Shantideva viết :

Nếu bạn không thể phát sinh lòng bi mẫn
Hướng tới những người bị bắt buộc phải hại bạn
Vì những phiền não của họ (của vô minh và sân giận)
Việc cuối cùng bạn có thể làm là trở nên phẫn nộ với những phiền não ấy.

Ở Tây Tạng, người ta đến với những vị thầy tôn giáo để được ban phước và chỉ dạy về tâm linh hay xin cầu nguyện để chữa lành những khó khăn hay để thành tựu những mục tiêu trần thế hay tâm linh của họ. Hiếm khi họ đến để tham khảo về những vấn đề tâm lý, xã hội hay vật chất của họ. Tuy nhiên, trong nền văn hóa phương Tây, giới tăng lữ lại được tham khảo về tất cả các loại vấn đề đời sống. Từ khi tôi đến Mỹ, bất cứ khi nào gặp khó khăn, những người bạn đều đến gặp tôi để nhận lời khuyên. Thật lạ lùng, tôi lại có thể đề nghị những giải pháp chữa lành cho nhiều khó khăn của họ. Điều bí ẩn không phải là tôi đã được trang bị bằng bất cứ sự khéo léo y học, nghệ thuật chữa lành hay năng lực thần bí nào, mà do tôi đã tự tu hành trí huệ của đạo Phật, và có được khéo léo trong việc chữa lành những hoàn cảnh đau đớn của đời sống của chính mình. Phát hiện đó tạo cảm hứng cho tôi giới thiệu những cái nhìn và những tu hành của đạo Phật về sự chữa lành trong hình thức một quyển sách.

Quyển sách này là một hướng dẫn thực hành cho bất cứ ai mong muốn tìm thấy an vui và chữa lành cho lo lắng, căng thẳng và đau khổ. Nó là bản tóm tắt những lời dạy về trí huệ chữa trị mà tôi đã được nghe từ những lời êm dịu của những vị đại sư. Trí huệ này trở thành nguồn chữa lành năng lực nhất cho tôi và những người bạn tôi. Đó là những giáo lý đạo Phật về sự chữa lành, và tôi chỉ cố thử đem chúng đến với bạn mà không làm lu mờ chúng bằng giọng điệu và ý niệm của riêng tôi.

Quyển sách này có ba phần. Phần đầu là một cái nhìn tổng quan về cuộc sống hàng ngày và thiền định, những thành tố cần thiết cho việc chữa lành. Phần hai giới thiệu những bài tập đặc biệt để chữa lành những vấn đề tâm trí, tình cảm, xã hội và tâm linh. Những vấn đề về thân xác là khó chữa lành nhất, nhưng chúng cũng có thể được giúp đỡ bằng những bài tập làm phát sinh an bình, sức mạnh, và năng lực tích cực, suối nguồn tối hậu của sự khỏe mạnh thân thể của chúng ta. Phần cuối giới thiệu một số thiền định của đạo Phật không những liên quan đến những vấn đề trong đời sống hàng ngày mà còn với việc đánh thức Phật tánh mà tất cả chúng ta đều sở hữu và với sự mở rộng sức mạnh chữa lành vô tận của Tâm Phật cho chính chúng ta và người khác.

Sự khuyên bảo và hướng dẫn trong tập sách này bắt nguồn từ những giáo lý đạo Phật, đặc biệt từ một bản văn ngắn nhưng độc nhất vô nhị mang tựa “Chuyển hạnh phúc và đau khổ vào con đường giác ngộ” do Ngài Dodrupchen, Jigme Tenpe Nyima (1865-1926) một trong những vị Lama lãnh đạo và học giả có thẩm quyền của phái Nyingma của đạo Phật Tây Tạng và từ những luận thư khác như “Một hướng dẫn phương cách sống của Bồ tát” do Ngài Shantideva (thế kỷ thứ tám) một trong những vị thầy vĩ đại Ấn Độ của Phật giáo Đại thừa.

Trên tất cả, bất cứ những lời dạy về trí huệ chữa lành nào được thấy trong những trang giấy này đều được cảm hứng từ một người bằng xương bằng thịt tốt lòng và trí huệ nhất mà tôi đã từng gặp, là vị Thầy nhân từ Kyala Khenpo Chochošg (1892-1957) của tôi. Dưới sự chăm sóc của Ngài tôi đã được nuôi dưỡng trong suốt mười bốn năm như một người con. Nếu có bất cứ lỗi lầm nào trong sách đều do những lơi lỏng của tâm trí vô minh của tôi, và với trách nhiệm tinh thần, tôi cầu mong được sự tha thứ của tất cả các vị thầy đã giác ngộ và của những người đọc bi mẫn.

Nếu bạn theo những bài tập trong sách này, bạn có thể chữa lành những đau khổ và vấn đề của mình, phục hồi niềm vui và sức khỏe trong cuộc sống bạn. Ít ra, chúng có thể giúp bạn giảm bớt mức độ đau khổ, nỗi khó khăn và làm gia tăng niềm hoan hỷ và sức khỏe của bạn. Hơn thế nữa, sự an vui và sức mạnh phát xuất từ năng lực chữa lành của tâm sẽ trang bị cho bạn đón nhận những đau khổ và khó khăn thật dễ dàng, thoải mái như một phần của cuộc sống, cũng giống như chúng ta chào đón đêm tối như một phần của chu kỳ một ngày.

Tôi hy vọng rằng quyển sách này sẽ giúp mọi người học làm thế nào để được hạnh phúc và mạnh khỏe hơn. Bất cứ người nào tâm thức rộng mở với năng lực chữa lành sẽ được lợi lạc bằng cách thực hành theo những bài tập chữa lành trong sách này. Không cần thiết phải tự cho mình là Phật tử. Tuy nhiên, những bài tập này không có nghĩa là những thay thế cho sự điều trị thông thường. Thuốc men thích hợp, cách sinh hoạt, chế độ ăn uống và thực tập luôn luôn là thiết yếu cho sự chữa lành.
 


PHẦN MỘT
CON ĐƯỜNG CHỮA LÀNH


1
NHỮNG NỀN TẢNG CỦA SỰ CHỮA LÀNH



Tâm chúng ta sở hữu sức mạnh chữa lành đau khổ và tạo ra hạnh phúc. Nếu chúng ta sử dụng sức mạnh này cùng với lối sống đúng đắn, một thái độ tích cực và việc thiền định, chúng ta có thể chữa lành không chỉ những phiền não tâm trí và tình cảm mà ngay cả những rắc rối của thân thể.

Khi chúng ta đã bám vào những mong muốn và lo nghĩ với tất cả năng lực của ta, chúng ta chỉ tạo ra căng thẳng và mệt mỏi. Bằng cách buông xả cái ý niệm mà đạo Phật gọi là “chấp ngã”, chúng ta có thể mở ra với thật tánh của mình, đó là sự an vui và giác ngộ. Quyển sách này là một lời mời đánh thức trí huệ nội tại vốn có của chúng ta, nguồn chữa lành mà chúng ta đều có. Giống như một cánh cửa mở ra với trí huệ này, chúng ta có thể đem vào ánh nắng, sự ấm áp và làn gió êm dịu của sự chữa lành. Nguồn năng lực này là của chúng ta để tiếp xúc và chia xẻ bất cứ lúc nào, một tài sản vũ trụ có thể mang lại hạnh phúc cho chúng ta ngay cả trong một thế giới biến dịch không ngừng và đau khổ này.

Trong đạo Phật, trí huệ được dạy trong kinh điển chủ yếu nhằm đến việc thực hiện sự giác ngộ. Tuy nhiên, những luyện tập tinh thần cũng có thể giúp chúng ta tìm được hạnh phúc và khỏe mạnh trong đời sống hàng ngày. Có những bài thuyết pháp dài trong đạo Phật về sự cải thiện cuộc đời bình thường của chúng ta và cách có được một đời sống an vui, hoan hỷ và lợi lạc ngay trong thế giới này.

NHỮNG LỢI LẠC CỦA SỰ CHỮA LÀNH

Đạo Phật ủng hộ sự buông bỏ những căng thẳng không lành mạnh và không cần thiết do chúng ta tạo ra trong cuộc sống bằng cách nhận ra chân lý sự vật thật sự là thế nào. Tôi đã thấy nhiều ví dụ về sức mạnh chữa lành của tâm trong những vấn đề cảm xúc, tinh thần và cả bệnh về thể xác.

Một ví dụ về chính cuộc đời của tôi. Khi được mười tám tuổi, vị Thầy thân yêu Kyala Khenpo và tôi quyết định rời bỏ Tây Tạng vì rối loạn chính trị, dù biết rằng chúng tôi phải mất đất nước, nhà cửa, bạn hữu và cách sinh sống. Trong một thung lũng trống trải nhưng linh thiêng, Thầy Kyala Khenpo đã viên tịch vì bệnh tật và tuổi già. Ngài không chỉ là người Thầy giác ngộ từ ái mà còn là người chăm sóc từ khi tôi được năm tuổi như là cha mẹ ruột của tôi. Đây là khoảng thời gian đau buồn và bối rối nhất. Tuy nhiên, sự hiểu biết về vô thường – sự kiện rằng mọi sự luôn luôn thay đổi trong đời sống khiến tôi dễ dàng chấp nhận. Những kinh nghiệm tâm linh giúp tôi duy trì tĩnh lặng, và ánh sáng trí huệ của giáo lý làm cho cuộc sống tương lai trong sáng hơn với tôi. Nói khác đi, nhận biết bản tánh của sự việc đang xảy ra, mở ra với nó và dùng những nguồn sức mạnh mà tôi đã được trao cho giúp tôi chữa lành những mất mát một cách dễ dàng hơn. Chúng ta sẽ thấy có ba bước cơ bản – nhận ra những khó khăn và đau khổ, mở rộng ra với chúng, và trau dồi một thái độ tích cực – là toàn bộ quá trình chữa lành.

Lama Pushul, một vị Thầy khác của tôi, suốt thời còn bé đã có những vấn đề tinh thần. Vào tuổi thiếu niên, Ngài là người phá phách, gia đình đã trói Ngài lại để bảo vệ cho chính Ngài và người khác khỏi sự bạo hành đó. Qua những thiền quán chữa lành, chủ yếu là lòng bi mẫn, Ngài đã tự chữa lành và sau đó trở thành một vị Thầy, một học giả vĩ đại. Ngày nay, tôi biết rằng chưa có một ai vui vẻ, an bình và nhân từ hơn Ngài.

Khi tôi sống ở Tây Tạng, việc chữa lành thân thể bằng thiền định và thái độ đúng là một phần thông thường trong cuộc sống hàng ngày. Thế nên bây giờ có ai hỏi tôi cho những ví dụ về việc chữa lành thân thể, tôi cũng không dễ hình dung ra chuyện nào để kể. Đối với những người từ Tây Tạng, họ chấp nhận như một sự kiện bình thường rằng tâm có thể chữa lành cho thân thể. Tâm dẫn dắt những năng lực của cơ thể đó là lý do tại sao tâm có thể chữa lành. Có nhiều sự chữa lành, khi còn bé tôi không để ý đến. Tuy nhiên, tôi thực sự biết một ví dụ gần đây, nhiều người cho đó là chuyện lạ, nhưng với quan điểm của đạo Phật cũng không đáng ngạc nhiên lắm.

Hai năm trước, Ngài Dodrupchen Rinpoche, một vị Lama có tâm linh cao, trong lúc đến vùng ngoại ô xa xôi của Bhutan, đã bị một cơn đau ruột thừa nghiêm trọng. Một phó thủ tướng đã sắp xếp một trực thăng để đưa Ngài đi bệnh viện. Những bác sĩ sợ rằng ruột thừa của Ngài sẽ vỡ và sự đau đớn rất là lớn. Ngược lại với lời khuyên mạnh mẽ của các bác sĩ, Ngài từ chối giải phẫu và tự chữa lành cho mình bằng thiền định và những chân ngôn (Mantra).

BẤT CỨ AI CŨNG ĐƯỢC LỢI LẠC

Khả năng chữa lành những bệnh nặng nhờ thiền định tùy thuộc vào mức độ lòng tin và kinh nghiệm tâm linh của người đó. Dĩ nhiên, phần lớn chúng ta sẽ rất vui được giải phẫu khi bị viêm ruột thừa sắp vỡ. Tôi kể câu chuyện này để minh họa sức mạnh của tâm, và vì người ta quan tâm mạnh mẽ về việc duy trì sức khỏe thân thể của họ. Một số chúng ta là những vị thầy tâm linh. Nhưng bất cứ ai cũng có thể được lợi lạc từ thiền định và từ thái độ tích cực. Bắt đầu từ ngay bây giờ, chúng ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và mạnh khỏe hơn.

Mặc dầu bệnh tật thân thể là một chủ đề bạn sẽ đọc ở đây, quyển sách này như một sách giáo khoa, giúp chúng ta ứng xử với những phiền não hàng ngày. Đây là nơi bắt đầu tốt nhất cho phần lớn chúng ta. Nếu chúng ta có thể học cách đem sự bằng lòng lớn hơn vào bất cứ việc gì mình làm, những ban phước khác sẽ tự nhiên tuôn chảy.

Những quan niệm và bài tập thiền quán trong sách này được bắt nguồn từ những giáo lý Nyingma của đạo Phật, một phái lâu đời nhất của Tây Tạng, có từ thế kỷ thứ chín, một học phái gồm đủ cả ba truyền thống chính của Phật giáo : Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa. Tuy nhiên, bạn không cần phải là một Phật tử để sử dụng quyển sách này. Không may, nhiều người xem Phật giáo như là một tôn giáo được truyền bá bởi một đạo sư đặc biệt của lịch sử, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tôn giáo đó chỉ làm lợi lạc cho những người theo truyền thống này.

Đạo Phật là một con đường phổ quát chung khắp. Mục tiêu của nó là chứng ngộ chân lý phổ quát, trạng thái toàn giác, Phật tánh. Theo chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có vô số những chúng sanh chứng ngộ Phật tánh trước khi Ngài đản sanh. Đang có, đã có, và sẽ có đạo Phật, con đường và những vị Phật (những người đã giác ngộ) trong thế giới này cũng như trong nhiều thế giới khác ở quá khứ, hiện tại và vị lai. Có thật rằng cách đây hơn 2.500 năm, đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền bá những giáo lý được gọi là Phật giáo. Phật giáo được dạy bởi đức Thích Ca Mâu Ni là một trong những hình tướng biểu hiện của đạo Phật, nhưng không phải là loại đạo Phật độc nhất. Người nào với tâm thức rộng mở sẽ nghe được con đường thực sự, mà người Phật tử gọi là Pháp, thậm chí ngay trong thiên nhiên. Dharmasamgiti nói : “Người nào có tâm thức tốt, ngay cả vào thời không có Phật, sẽ nghe được Pháp từ bầu trời, tường vách và cây cỏ. Với những người tìm cầu mà tâm thanh tịnh, những giáo pháp và những giáo huấn sẽ hiển lộ theo những mong muốn của người đó.”

Đạo Phật nhận biết những khác biệt trong những văn hóa và thực hành của mọi người trong thế gian, và trong những nuôi nấng và nhân cách cá nhân. Nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác có những truyền thống chữa lành, và đưa ra những lời khuyên đặc biệt về đau khổ. Ngay cả ở Tây Tạng, có nhiều cách tiếp cận với đạo Phật. Có nhiều sự khác biệt về cách tiếp cận là tốt, ngay cả nếu đôi lúc chúng có vẻ mâu thuẫn với nhau, bởi vì con người thì khác nhau. Toàn bộ mục đích là làm cho thích hợp với những nhu cầu của cá nhân.

SỰ THIỀN ĐỊNH, TÂM THỨC, THÂN THỂ

Chữa lành bằng thiền định không giới hạn cho một niềm tin tôn giáo nào. Ngày nay, nhiều thầy thuốc được đào luyện trong truyền thống y khoa phương Tây đã giới thiệu những phương thức thiền định truyền thống như một cách hồi phục và duy trì sức khỏe tinh thần và cơ thể. Những thực hành này hiếm khi biết đến kinh nghiệm về cái mà đạo Phật gọi là Thật tánh hay sự rộng mở vĩ đại, mà chỉ nhấn mạnh vào việc quán tưởng, sự phát triển thái độ và năng lực tích cực. Bệnh cao huyết áp, trong nhiều trường hợp được tạo ra và tiến triển nặng hơn do những căng thẳng tinh thần, đặc biệt phù hợp với những điều trị thay đổi luân phiên như vậy (thiền quán, thái độ tích cực...). Một số thầy thuốc đã giới thiệu việc chú tâm vào một điểm trên cơ thể ở những vùng bị co cơ và sau đó chủ động buông lỏng những cơ đó, kết quả đạt được sự bớt đau và thư giãn. Phương pháp này theo cùng nguyên lý của đạo Phật về cách nhận biết một vấn đề và sự nới lỏng bám chấp vào nó.

Sự chữa lành có hiệu quả nhiều nhất nếu có bất kỳ niềm tin tâm linh nào hay kinh nghiệm thiền quán đi cùng. Tiến Sĩ Herbert Benson, khoa y trường Đại học Harvard, người khởi đầu Liệu Pháp Thư Giãn đã viết như sau : “Nếu bạn thật sự tin tưởng vào triết lý cá nhân hay niềm tin tôn giáo – nếu bạn gắn chặt tâm hồn bạn với thế giới quan của bạn – bạn có thể đạt được những kỳ diệu khác thường của tâm và thân mà thường chúng ta chỉ suy đoán về chúng.”

Tiến Sĩ Y Khoa Bernie Siegel, giáo sư và phẫu thuật gia của Đại học Yale, mô tả một số lợi ích của thiền định : “Thiền định làm bình thường hay giảm áp huyết, nhịp tim, những mức độ nội tiết tố căng thẳng trong máu, làm thay đổi những mẫu sóng não, cho thấy não ít bị kích thích... Thiền định cũng làm nâng cao ngưỡng chịu đau và giảm sự già sinh học của con người. Tóm lại, nó làm giảm sự hao mòn của thân, tâm, giúp con người sống khỏe mạnh và lâu hơn.”

Nhiều nhà báo như Bill Moyers, đã ghi nhận chi tiết về sự liên hệ giữa thân, tâm với sức khỏe. Ông đã nói trong phần giới thiệu quyển sách Tâm và sự chữa lành trên một loạt các buổi phát hình công cộng :

Tôi cho rằng mình luôn quan tâm về mối liên hệ giữa thân và tâm, mặc dầu tôi đã lớn lên trong một nền văn hóa phân chia tách biệt tâm và thân. Tuy vậy, hàng ngày trong thế giới phân chia dứt khoát tâm và thân này, ngôn ngữ chúng ta đã phản bội lại những giới hạn của những phạm trù của chúng ta.

Bà quả phụ Brown đã chết vì một cơn vỡ tim – bà ta không bị bệnh tim trước khi chồng bà qua đời. Cha mẹ tôi nói chuyện về người bạn bán tạp hóa của họ, người “hay tự lo rằng mình bệnh hoạn.” Chú tôi, Carl tin rằng cái cười có thể làm dịu sự đau khổ, trước thời gian Norman Cousins xuất bản câu chuyện của Ông về cách thế nào để đối phó với những bệnh hiểm nghèo bằng cách xem những phim Anh Em nhà Marx và những bộ phim video “Ống Kính Bộc Trực.”

Trong những năm gần đây, Y học phương Tây đã bắt đầu có cách nhìn xác thực hơn về thân và tâm, khảo sát sự liên hệ giữa tâm trí, những cảm xúc và sức khỏe. Trong những năm 70, những nhà nghiên cứu tìm ra bằng chứng ở não có những cái mà họ gọi là chất dẫn truyền thần kinh, là những sứ giả hóa chất đến và từ bộ não. Một số chất này có tên là Endorphins và Enkaphalins với chức năng làm hết đau. Một số khác dường như có liên quan đến trạng thái cá biệt của tâm trí như : giận dữ, sự bằng lòng, hay bệnh tâm thần.

Sự nghiên cứu tiếp tục tìm thấy những liên hệ sinh học giữa não bộ, hệ thần kinh và hệ miễn nhiễm. Mặc dầu y học phương Tây không phải là chủ đề của quyển sách này, thì những phát minh trong lãnh vực này rất đáng quan tâm. Bằng chứng mới về tâm và thân luôn luôn được đón nhận và có thể lợi ích cho nhiều người. Tuy nhiên, ý niệm căn bản đàng sau những cuộc nghiên cứu này thật ra là rất xưa. Đạo Phật tin vào sự quan trọng của tâm nhiều thế kỷ đã lâu trước khi có những học thuyết về sinh học phân tử hiện đại.

ĐƯỜNG LỐI CỦA Y HỌC TÂY TẠNG TRONG VIỆC
CHỮA LÀNH TÂM LINH


Trong đạo Phật, tâm phát sinh những năng lực chữa lành, trong lúc thân vốn là cứng đặc và vững chắc, làm nền, quy tụ và làm mạnh cho chúng. Bản văn chính của y học Tây Tạng là Bốn Tantra (Gyud Zhi), người Tây Tạng coi là Terma hay là sự Mặc Khải huyền bí, được Ngài Trawa Ngonshey tìm ra ở thế kỷ mười một. Theo những bản văn cổ này, gốc rễ mọi bệnh tật của thân và tâm là sự chấp ngã. Những độc của tâm thức khởi lên từ sự bám chấp này là tham, sân, si.

Những bệnh tật của thân phân làm ba loại chính. Sự mất hài hòa của khí hay năng lượng, thông thường tập trung ở phần dưới cơ thể và có tính lạnh là do tham dục gây ra. Mất hài hòa của mật, thường tập trung ở phần trên cơ thể và có tính nóng là do sân hận gây ra. Mất hài hòa về thủy dịch, thường tập trung ở đầu, mang tính lạnh là do si (vô minh) gây ra. Ba phạm trù : tham, sân, si này cũng như nhiệt độ phối hợp của chúng, ngày nay còn có thể rất ích lợi trong việc xác định những bài tập thiền quán nào có hiệu quả nhất, theo những tính chất và trạng thái cảm xúc cá nhân.

Theo y học Tây Tạng, sống trong an vui tự tại với phiền não và buông xả ngã chấp là phương thuốc tối hậu cho sức khỏe tinh thần lẫn vật chất.

Bản ngã là gì mà chúng ta hay gặp trong sách này ? Quan điểm của đạo Phật đôi lúc khó hiểu cho những người không phải đạo Phật. Dù bạn có thể thiền định mà không cần biết bản ngã là gì, một số hiểu biết về bản ngã sẽ làm dễ dàng hơn việc thực tập những bài tập chữa lành được giới thiệu ở phần sau.

Ngôn ngữ có thể lừa dối chúng ta khi nói về chân lý tối hậu. Trong ý nghĩa hàng ngày, khi chúng ta nói về “bản thân tôi” hay “bản thân bạn” là hoàn toàn tự nhiên. Tôi nghĩ chúng ta có thể đồng ý rằng tự hiểu biết là tốt, và tính ích kỷ có thể làm chúng ta không hạnh phúc. Nhưng hãy đi xa hơn một chút và thử nghiệm sự thật sâu hơn về bản ngã như đạo Phật thấy nó.

TẠI SAO CHÚNG TA ĐAU KHỔ

Tâm chúng ta tạo ra kinh nghiệm hạnh phúc lẫn đau khổ và khả năng tìm thấy an vui nằm trong chúng ta. Trong thật tánh của nó, tâm thì an bình và giác ngộ. Bất cứ ai hiểu được điều này là đã ở trên con đường đến trí huệ.

Đạo Phật đặt trọng tâm trên nguyên lý hai chân lý, chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối. Cái tuyệt đối là thật tánh của tâm thức chúng ta và của vũ trụ thì giác ngộ an bình, và toàn thiện. Thật tánh của tâm với đạo Phật Nyingma nghĩa là sự hợp nhất giữa tỉnh giác và rỗng rang, hay tánh giác và tánh không.

Chân lý tương đối hay quy ước là trong toàn bộ đời sống bình thường – cuộc sống trần tục vô thường qua đi của sanh, tử mà đạo Phật gọi là luân hồi (Samsara) – thế giới được kinh nghiệm như là nơi chốn của đau khổ, của sự thay đổi không ngừng và vọng tưởng, vì khuôn mặt của thật tánh bị che mất do những thói quen tâm thức và phiền não mọc rễ trong sự chấp ngã của chúng ta.

Trong tư tưởng phương Tây, “bản ngã” thường mang nghĩa cá nhân hay ý thức bản ngã về “tôi, là tôi và của tôi”, đạo Phật bao gồm ý nghĩa bản ngã này mà cũng hiểu “bản ngã” là bất cứ hiện tượng hay đối tượng nào – tất cả mọi sự – mà chúng ta bám chấp như thể chúng là một thực thể đang hiện hữu thực sự. Nó có thể là bản ngã của người khác, bản ngã của cái bàn, của đồng tiền hay bản ngã của một ý niệm.

Nếu chúng ta bám chấp vào những sự vật đó, chúng ta đang kinh nghiệm chúng theo cách nhị nguyên, như một chủ thể bám chấp một đối tượng. Bấy giờ tâm trí bắt đầu phân biệt, chia tách và dán nhãn sự vật như ý niệm rằng “tôi” thích “cái này”, hay “tôi” không thích “cái này”. Chúng ta nghĩ “cái này” đẹp, vậy là trói buộc đến, hay “cái kia” không đẹp, thế là đau khổ đến. Chúng ta khao khát những gì mình không có hoặc cảm thấy buồn rầu khi mất chúng. Khi tâm thức chúng ta càng nắm siết hơn, càng cảm thấy gia tăng kích thích hay đau khổ và đây là chu trình đau khổ.

Với tâm “tương đối” hay tâm bình thường, chúng ta chấp ngã như thể nó vững chắc và có thực. Tuy nhiên, bản ngã là một ảo giác, vì mọi kinh nghiệm trong luân hồi đều tạm thời, thay đổi và chết mất. Tâm bình thường của chúng ta nghĩ bản ngã như là một cái gì đó thực sự hiện hữu như một thực thể độc lập. Nhưng trong quan điểm đạo Phật, bản ngã không thực sự hiện hữu. Nó không cố định hoặc là một cái gì bền vững, mà chỉ là một mệnh danh, dán nhãn bởi tâm. Bản ngã cũng không là một thực thể độc lập. Trong quan điểm Phật giáo, mọi pháp vận hành tùy thuộc lẫn nhau, bởi thế không có gì thực sự có một phẩm chất hay bản tính độc lập.

Trong đạo Phật, luật nhân quả được gọi là nghiệp (karma). Mỗi một hành động đều có một hậu quả tương ứng, mọi sự tùy thuộc lẫn nhau. Hạt nẩy mầm thành cây, đơm hoa, kết trái rồi tạo ra hạt trở lại. Đó là một ví dụ rất đơn giản về nguyên nhân. Nhờ nghiệp, hành vi của chúng ta đã định hình thế giới mà chúng ta sống. Ngài Thế Thân (Vasubandhu), nhà viết luận thư vĩ đại của Đại thừa đã nói : “Do nghiệp, những thế giới khác nhau được tạo ra.”

Bám chấp tạo ra nghiệp tiêu cực – những thói quen và khuynh hướng tiêu cực của chúng ta. Nhưng không phải mọi nghiệp đều xấu, dù có một số người suy nghĩ nhầm lẫn về nó. Chúng ta cũng có thể tạo ra nghiệp tích cực và đó gọi là sự chữa lành. Sự bám chắc bản ngã tạo ra nghiệp tiêu cực. Nghiệp tích cực tháo gỡ sự bám chấp này, và khi buông lỏng sự nắm chặt ấy, chúng ta tìm thấy sự an vui trong mình và trở nên hạnh phúc, mạnh khỏe hơn.

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ PHẬT

Đạo Phật tin rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Trong thật tánh của mình, tất cả chúng ta đều là chư Phật. Tuy nhiên, khuôn mặt Phật tánh của chúng ta bị che lấp bởi nghiệp và những tì vết của nó, mà gốc rễ là sự chấp ngã giống như mặt trời bị mây che phủ.

Tất cả chúng sanh đều giống nhau và đều là một sinh linh toàn thiện trong thật tánh của chúng. Chúng ta biết, khi tâm thức được tự nhiên, thoải mái và tự tại trước những tình huống, những áp lực tinh thần hoặc cảm xúc làm rối loạn, chúng ta thể nghiệm được sự an vui. Điều này hiển nhiên là tâm bản nhiên không bị nhiễm ô là an bình và không đau khổ. Dù rằng, trí huệ, thật tánh thường an trú trong chúng ta, bị che phủ bởi sự nhiễm ô tinh thần, nó vẫn hoàn thiện và trong sáng. Tổ Long Thọ (Nagarjuna), người đặt nền tảng của học phái Trung Đạo của Phật giáo Đại thừa, viết :

Nước trong trái đất không bị biến thể.
Cũng vậy, trong phiền não.
Trí huệ vẫn không biến thể.

Tổ Long Thọ nói về sự an bình và giải thoát như là “cõi giới tối hậu” của chính nó luôn luôn ở trong chúng ta mọi lúc nếu chúng ta nhận ra nó, chứng ngộ nó :

Trong bụng bà mẹ mang thai
Dù có một đứa trẻ, ta không thể thấy.
Tương tựï, ta không thấy tự tánh mình
Nó bị che lấp bởi phiền não của chúng ta.

An bình là ở trong chúng ta, chúng ta không cần phải tìm kiếm nó ở đâu khác. Bằng cách dùng cái mà đạo Phật gọi là “phương tiện thiện xảo” gồm sự thực hành thiền định, chúng ta có thể mở bày ra điện thờ thiêng liêng tối hậu này. Tổ Long Thọ mô tả cõi giới tối hậu này – sự rỗng rang vĩ đại, sự hợp nhất giữa tâm và pháp giới – theo cách sau :

Khi khuấy sữa, bơ tinh chất sẽ hiện ra,
Tịnh hóa phiền não, cõi giới tối hậu sẽ hiển lộ toàn vẹn
Như đèn trong bình, ánh sáng không xuất hiện.
Phật tánh bị che phủ trong cái bình của phiền não
khiến ta không thể thấy.
Nếu ta đục một lỗ trên bất cứ chỗ nào của bình
Từ chỗ đó ánh sáng chiếu ra mạnh mẽ
Khi cái bình của những phiền não
Bị hủy diệt bởi định như Kim Cương
Ánh sáng chiếu soi vào hư không vô tận.

Thích Ca Mâu Ni, đức Phật lịch sử, nói trong Haivajra :

Chúng sanh là Phật trong bản tánh chân thật của họ,
Nhưng bản tánh của họ bị che ám bởi những phiền não duyên sanh
Khi những phiền não được trừ sạch, chúng sanh là Chân Phật.

Phật tánh hay giác ngộ là “vô ngã”. Nó là sự an vui, rỗng rang, vô ngã, nhất thể và niềm vui toàn thể, vĩnh viễn, toàn khắp. Với đa số người, viễn cảnh đạt đến toàn giác là rất xa lạ và khó hiểu. Mục đích của quyển sách này là không vượt khỏi bản ngã, cũng không phải là toàn giác, mà chỉ là buông xả việc chấp chặt bản ngã một ít để được hạnh phúc và mạnh khỏe hơn. Dù thế, nó giúp ta có được một ý niệm về cái có nghĩa là sự rộng mở và nhất thể toàn triệt.

Những câu chuyện chúng ta được nghe về “những kinh nghiệm cận tử” lúc hấp hối, hay trở về từø cõi chết, có thể cung cấp cho chúng ta sự quán chiếu. Nhiều người đã sống lại từ quá trình hấp hối đã mô tả việc di chuyển qua một đường hầm, gặp ánh sáng trắng xúc chạm cho họ một cảm giác đại lạc, đại an bình. Tuy vậy, ánh sáng không phải là một cái gì tách rời khỏi kinh nghiệm này. Ánh sáng là sự an bình. Và họ là ánh sáng. Họ không kinh nghiệm và thấy ánh sáng theo lối nhị nguyên thông thường, như chủ thể và đối tượng. Thay vào đó, ánh sáng, sự an bình và con người là một.

Trong một câu chuyện lúc cận tử, một người đàn ông đã thấy lại mọi việc xảy ra trong đời sống mình, từ lúc mới sinh ra cho đến khi chết, không chỉ là một sự kiện này tiếp theo một sự kiện khác, mà toàn bộ cuộc sống xảy ra cùng lúc. Và ông ta không thấy bằng mắt hay nghe bằng tai, ngay cả biết bằng ý, ông ta có một tỉnh giác sinh động và thuần khiết về cái thấy, biết và cảm nhận mà không có sự cách biệt giữa chúng. Trong trường hợp như vậy, khi những giới hạn và hạn chế không còn, đó là cái một. Với cái một, không có đau khổ hay xung đột, vì xung đột chỉ hiện hữu khi nào ở đó có hơn một.

Với Phật tử, những kinh nghiệm như vậy được đặc biệt quan tâm, vì chúng có thể là một thoáng thấy “trung ấm quang minh của bản tánh tối hậu” là một giai đoạn chuyển tiếp sau khi chết, cho người nào có một nhận biết nào đó về chân lý, vượt được khỏi phạm vi không gian, thời gian và những ý niệm thông thường. Những chuyện như vậy không chỉ là về kinh nghiệm chết, mà chúng còn có thể cho chúng ta biết về sự giác ngộ có thể thực hiện được trong lúc ta còn sống.

Tâm giác ngộ thực sự không xa lạ lắm đâu. Tánh không hay sự rỗng rang, thì ở đây với chúng ta, dù chúng ta thường không nhận ra nó, chúng ta có thể thể nghiệm toàn bộ về nó vào những thời điểm quan trọng trong cuộc sống, hay thậm chí là một cái thoáng thấy giữa cuộc sống hàng ngày của ta. Chúng ta không cần phải đợi tới lúc cận tử. Dù cho những câu chuyện cận tử có thể gây cảm hứng và thích thú, giác ngộ không phải chỉ là một câu chuyện này hay câu chuyện khác. Nó không phải là kinh nghiệm “này” hay cách nhìn “kia” hay chúng sanh này chúng sanh kia. Toàn bộ tánh rỗng rang vượt khỏi những đối cực “hiện hữu” và “không hiện hữu”, cũng không vừa “hiện hữu” vừa “không hiện hữu” hay “không hiện hữu” vừa “không phải không hiện hữu”. Nói cách khác, toàn thể tánh rỗng rang không thể ở trong mô tả và ý niệm.

CON ĐƯỜNG CHỮA LÀNH

Giác ngộ là nhất như (oneness) vượt lên sự chấp ngã, nhị nguyên, hạnh phúc hay phiền muộn, nghiệp xấu hay tốt. Tuy nhiên, khi ta nói về sự chữa lành như trong sách này, không cần thiết phải quá quan tâm đến giác ngộ. Chứng ngộ thật tánh của tâm ta là sự chữa lành tối hậu, nhưng với tâm thông thường cũng có những năng lực chữa lành. Chúng ta có thể dùng tâm nhị nguyên, thông thường để tự giúp đỡ chính mình. Phần lớn những bài thực hành trong sách này dùng những tiếp cận hàng ngày để trở nên thong dong và hạnh phúc hơn.

Vậy, mục đích chúng ta đơn giản là đi từ tiêu cực đến tích cực, từ bệnh tật đến chữa lành. Nếu lúc này chúng ta đã ở trong một trạng thái tích cực, chúng ta có thể học làm sao để duy trì và hưởng thụ nó. Tuy nhiên buông xả bám chấp nhiều đến đâu chúng ta sẽ cảm nhận nhiều tốt đẹp đến đó.

Trên một hành trình dài, chúng ta có thể luôn ghi nhớ đích đến tối hậu, nhưng thật là tốt nếu mỗi ngày chúng ta sống trọn vẹn và nghỉ ngơi suốt dọc con đường. Nếu muốn buông lỏng sự chấp chặt bản ngã, chúng ta không nên quá cố gắng. Tốt hơn nên có một lối tiếp cận nhẹ nhàng. Bất cứ những bước mà ta đi, dù là những bước ngắn, điều quan trọng nhất là thích thú với những bước nhỏ đó, và rồi chúng sẽ trở nên đầy sức mạnh. Luôn luôn chúng ta phải hân thưởng những gì mình có thể làm, và không nên cảm thấy điều chúng ta không làm được là xấu.

Hãy rộng mở, tích cực, buông xả hơn một tí. Đây là những mục tiêu của quyển sách này. Nếu chúng ta là người mới thiền định và tu hành tâm linh, điều quan trọng là thực hành, dùng kiến thức của ta để thấy con đường đúng mà đi. Khi ta giữ một thái độ rộng mở, những khơi gợi về những thiền định đặc biệt chữa lành giúp chúng ta tiến nhanh. Sự hướng dẫn tốt nhất của tất cả là trí huệ trong chúng ta. Chúng ta không nên hạn chế trong vài phương pháp thiền định. Thay vào đó, tất cả đời sống suy nghĩ, cảm nhận, những hoạt động và kinh nghiệm hàng ngày – có thể là một phương tiện của sự chữa lành.

Xem mục lục