Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Người nào có thể ôn chuyện cũ mà biết được điều mới, người đó đáng làm thầy.
Khổng tử, Luận ngữ, II, 11.

Tháng 2, New York. Đó là năm 1952, trong một giảng đường của tòa nhà Low Library trong khuôn viên Viện Đại học Columbia, một cuộc tụ hội những học giả, đã thành và chưa thành danh, đến để dự khai giảng khóa học của Daisetz Suzuki. Giảng đường có cái vẻ mênh mông thời đại Victoria và Tiên sinh Suzuki gần như mất hút trong đó; chỉ có thể nhận ra giọng nói nhỏ nhẹ và cặp chân mày quắc thước phát ra từ bục giảng. "Đây sẽ là một khóa giảng," ông nói, "về triết lý của phi thời gian và không gian không khởi đầu. Cho nên khóa này cũng không có khởi đầu." Tên chính thức của khóa học là Triết học Trung Hoa, nhưng tất cả chúng tôi đều đến dự vì biết đó là khóa giảng của Daisetz Suzuki.

Buổi khai giảng này rõ ràng là một biến cố ở Columbia; trên hàng ghế phía sau ngồi đầy các học giả tên tuổi. Bác sĩ Suzuki nói tiếp: "Chúng ta phải bắt đầu với Đức Phật. Hầu hết các nhà văn lãng quên những kinh nghiệm mà ngài từng trải qua: họ nói về nhân cách đã đi qua những kinh nghiệm này. Tư tưởng của ngài biểu hiện kinh nghiệm của ngài, trong bối cảnh thời đại mà ngài sống. Mọi diễn đạt của bất cứ con người nào đều được tôi luyện bởi kinh nghiệm của ngài. Làm thế, chúng ta có thể diễn đạt những kinh nghiệm của ngài trong khuôn khổ thời đại của chúng ta. Chúng ta cần phải minh xác những diễn đạt ghi lại nói là của Đức Phật." Để giúp chúng tôi làm việc này, ông sẽ giới thiệu với chúng tôi khóa chuyên đề này về triết học Hoa nghiêm, mà tiếng Nhật nói là Kegon. "Hoa nghiêm được coi là thuyết giảng của Phật trong khi thành Chánh giác. Tất cả những lời dạy khác được Phật nói ra cho đệ tử sau khi ngài đã thành Chánh giác. Trong Hoa nghiêm, ngài không tùy duyên thuyết Pháp cho người nghe. Đó là sự diễn đạt trực tiếp ngay trong nội tâm Chánh giác của ngài. Không có người nghe; chỉ có Phật tự thân hiện hữu."

Khóa chuyên đềử kéo dài, hàng quan khách tên tuổi dần thưa thớt và biến mất, chỉ còn lại các nghiên cứu sinh với Bác sĩ Suziki. Từng lời giảng của ông, ở mỗi lần lên lớp, là những lời như đã ghi nhận ở trên: được suy nghĩ cặn kẻ, chọn lọc, đầy tính phản biện mẫn tiệp, mà vẫn trực tiếp, mạnh mẽ và giản dị một cách hiệu quả. Anh ngữ không phải là ngôn ngữ quê hương ông, nhưng rõ ràng đó là phương tiện truyền đạt của ông.

Tôi xin trích thêm một đoạn trong các ghi chú của tôi ở trong lớp. Hôm ấy Bác sĩ Suzuki bàn về bài kệ cốt lõi trong Dhammapada, XI, 8, 9: Bài ca chiến thắng của Phật mà ngài đã tán thán trong lúc thành Chánh giác. ‘Ồ, người thợ xây, ta đã nhìn thấy ngươi.’ Điều này chứng minh khía cạnh lý trí của Giác ngộ. Chính sự thấy làm cho toàn thể ngôi nhà sụp đổ. Thế giới này là kết quả của sự khái niệm hóa. Bao lâu trí năng của chúng ta còn vận hành, nó còn tồn tại. Chỉ sự thấy một vật thông thường không thay đổi nó. Nhưng khi ta đưa trí năng vào sự thấy, vật sẽ thay đổi. Khi đức Phật nhìn người thợ làm nhà, sự thấy ấy khiến người thợ ngưng việc làm nhà. Vật được thấy thường là đối lập với chủ thể thấy; chúng luôn đối nghịch nhau. Trong kinh nghiệm của đức Phật, có thể chưa từng có đối nghịch. Khi thế giới hòa tan trước đức Phật, ngài cũng đã từng hòa tan với nó. Ngài không đứng lùi lại để nhìn sự hoại diệt. Ngài không thể nắm bắt được người thợ bởi y chính là chiếc bóng của ngài. Muốn bóng mất đi, chính ngài phải tan biến. Sự thấy như vậy là sự thấy tuyệt đối chứ không phải đối đãi. Khi Thượng đế nhìn chính mình ngài không còn là ngài nữa; khi đức Phật nhìn người thợ xây nhà đang lao động, ngài đã rọi cái bóng của riêng mình ra phía trước, cố nắm bắt nó, giải thoát khỏi nó. Ở đây đức Phật đã trải nghiệm sự thấy tuyệt đối của ngài. Ngài muốn giải thoát khỏi vòng sanh-tử, mà cũng phải giải thoát khỏi cả ý muốn này. Khi ngài thốt lên ‘ta đã nhìn thấy ngươi’ thì người thợ xây mà ngài nói đó chính là ngài. Nếu ngài còn ý nghĩ được giải thoát khỏi một cái gì bên ngoài mình, ngài đã chẳng thể được giải thoát. Điều ngài muốn nói là ‘Ta biết ta là ai’; ‘Ta biết ta là ta’. Ngài đã nhìn thấy chính mình."

Trong những ngày Bác sĩ Suzuki giảng dạy triết lý của ông ở Columbia, thì ở trường Dòng Union, Paul Tillich đang dẫn giải về Phương pháp luận Thần học của ông. Có lần Bác sĩ Tillich nói với chúng tôi ông đã trở về Đức sau chiến tranh và đã thuyết trình một buổi trước đông đảo cựu học viên của ông. Một người trong số họ đã chúc mừng và nói với ông: "Những năm tháng sống ở Hoa kỳ của thầy thật hữu ích. Bây giờ cuối cùng chúng tôi đã có thể hiểu được thầy". Và Tillich cho rằng có lẽ thiên hướng siêu hình kiểu Đức của ông cuối cùng đã hòa trộn với năng khiếu diễn đạt ngắngọn và trực tiếp kiểu Anglo-saxon. Lạ thay cả hai người này đều truyền đạt những tư tưởng uyên thâm thường là nghịch lý của họ bằng thứ ngôn ngữ xa lạ với họ, mà cả hai đều được học trò của mình yêu quí, một mặt vì tính nhân bản xuyên suốt của họ, nhưng mặt khác, theo tôi, cũng vì tư tưởng trong sáng hiếm hoi của họ đã được diễn đạt bằng thứ tiếng Anh mà hiếm người bản xứ ở Mỹ sánh kịp. Một thứ tiếng Anh tưởng là đơn giản; thực ra rất phù hợp để chuyển tải những tư tưởng mà, vì nó xới tận tâm can của cuộc sống, rất trong sáng và căn bản. Sự trong sáng trong diễn đạt dẫn ta đến sự trong sáng của tư tưởng. Và sự trong sáng của tư tưởng dẫn ta đến tính nhân bản của họ. Cuối cùng, đó không chỉ là một khóa học với Bác sĩ Suzuki.

Xem mục lục