(Mùa thu năm 1954, Giáo sư Douglas Steere, một tín đồ giáo phái Quaker, đến thăm Bác sĩ Suzuki và đã viết bức thư cho đăng báo về cuộc viếng thăm này. Nó cho thấy phần nào chân dung Bác sĩ Suzuki mà nhiều bạn hữu của ông thừa nhận. Trong thư gởi Ban biên tập, ông viết: - Tôi mới gặp lại Bác sĩ Suzuki hôm 29 tháng 4 năm nay (1966) và đó là cuộc gặp gỡ thú vị. Ở tuổi 95, ông vẫn rất sinh động và một mực đòi tự tay châm nước pha trà cho chúng tôi. Tôi kể cho ông chuyện một người bạn của tôi, cũng 96 tuổi, đã nói rằng ông không hiểu tại sao ông vẫn còn sống trên đời này nhưng ông nghĩ có lẽ vì Thượng đế cũng chưa biết làm gì với ông. Bác sĩ Suzuki cười nhẹ nhàng và bảo có lẽ đó cũng là trường hợp của ông. - Ed.)
"Một trong những điều đầu tiên tôi nghe nói khi đặt chân đến Nhật là Giáo sư Daisetz Suzuki, một học giả có hạng về Thiền Phật giáo, đã trở về từ New York và đang ở tại Liêm thương. Từ ba năm nay, tôi mời ông làm khách quý của chúng tôi mỗi năm một lần ở Đại học Haverford, vì vậy tôi đã thu xếp đến thăm ông vào ngày hôm sau. Anna Brinton và tôi đã di chuyển bằng hệ thống xe điện tuyệt hảo, đi qua nhiều vùng ngoại ô Tokyo trong một hoặc hai tiếng. Liêm thương từng là một trong các thủ phủ chính trị và tinh thần của Nhật Bản, được điểm xuyến đó đây bằng những tu viện và đền đài Phật giáo tuyệt đẹp do các Nhiếp chính thời đó xây dựng.
Tư thất và tàng kinh các của Giáo sư Daisetz Suzuki nằm trên khu vực vốn là đất chùa, phía cao trên thành phố. Ở đó nhìn qua đồi là Engakuji, một Thiền viện Phật giáo mà vị trụ trì là Sôgen Asahina vừa đến thăm Haverford mùa xuân vừa qua. Sau một hồi mải miết trèo lên những bậc cấp, chúng tôi gặp cô Mihoko Okamura, một cô gái Nhật-Mỹ duyên dáng đi theo làm thư ký cho Giáo sư Suzuki. Cởi giày ra như người Nhật thường làm trước khi vào nhà, chúng tôi mang những đôi dép mềm của gia chủ đưa cho và được đưa tới một gian phòng đơn sơ có trải một chiếc chiếu tatami. Chúng tôi ngồi xuống những tấm nệm mỏng bên một cái bàn thấp theo kiểu Nhật.
Bác sĩ Suzuki bước vào trong bộ đồ Kimino, gương mặt sáng lên với những nụ cười chào đón chúng tôi. Ông quì xuống cạnh cái bàn đối diện với chúng tôi và bắt chuyện ngay, nói từ khi trở về Nhật ông không thể làm việc được vì tất cả bạn hữu đồng hương đến thăm ông suốt cả ngày; đó là chưa kể vô số người thỉnh nguyện. Ông sẽ quay lại New York vào tháng giêng năm sau không chỉ vì khóa dạy của ông ở Đại học Columbia, mà còn để tìm sự yên ắng cho công việc mà ở Nhật ông không thể có được.
Tôi trích lời Jacques Maritain, "một người tư bản là một người không có thời giờ", và chúng tôi cười về sự hăm hở muốn trở lại cái bình yên, tĩnh lặng, vô danh của ông ở giữa lòng thành phố New York để có thể viết tiếp những quyển sách về Thiền. Tôi còn muốn tăng thêm gánh nặng cho ông khi nhận lời đề nghị của ông từ mùa xuân trước để giới thiệu tôi với vài người giỏi nhất trong giới Phật giáo Thiền tông Nhật Bản, cho tôi cảm nhận được sức sống của nó trên đất Nhật ngày nay. Sau tuần trà xanh và ăn bánh ngọt, ông viết cho tôi 4, 5 cái thiệp giới thiệu tôi với những người ở Tokyo và nhiều nơi khác mà ông nghĩ là hữu ích cho tôi. Sau này tôi mới biết, với những tấm thiệp đó tôi đã được tiếp đón nồng nhiệt hơn bất cứ phương tiện nào khác.
Việc thăm hỏi xong, ông dẫn chúng tôi đi xem hai gian nhà lớn bên cạnh tö thất ông, nơi lưu giữ toàn bộ kinh sách đáng kinh ngạc của ông. Nơi này tương lai sẽ là một trung tâm nghiên cứu Thiền Phật giáo khó có nơi nào sánh kịp ở Nhật Bản. Ngoài những thủ bản Thiền xưa cổ, ông còn có đầy đủ các kinh điển Thiên chúa giáo, thần học. Quả không dễ quay lưng trước một tàng kinh các như vậy khi ông chọn sống ở hải ngoại.
Nghị lực vô hạn, tư thái thong dong, nét sảng khoái nội tâm, phong cách nhã nhặn và độ lượng khôn dò nơi nhà học giả vĩ đại này, ở độ tuổi tám mươi ông đã tiễn chúng tôi trong một đám mây kinh ngạc khi lần bước theo những bậc thềm trên con đường quanh co sẫm tối mà người thư ký của ông đưa chúng tôi ra về. Cái gì trong Thiền đã nhen nhóm trong con người già nua này khiến ông rực sáng và khả ái đến vậy?