I
Năm 1897, Daisetz Teitaro Suzuki thực hiện chuyến du hành đầu tiên qua phương Tây, lúc ông 27 tuổi. Ông sống ở La Salle thuộc tiểu bang Illinois trong mười một năm, làm việc cho Bác sĩ Paul Carus và công ty xuất bản Open Court. Cuộc định cư này được thu xếp bởi thầy của ông, Shaku Sòen, viện trưởng Engakuji (Viên giác tự) ở Liêm thương, người đã tham dự Hội nghị quốc tế về tôn giáo được tổ chức ở Chicago năm 1893. Bác sĩ Paul Carus là nhà tư tưởng cấp tiến gốc Đức, quan tâm sâu sắc đến tư tưởng Đông phương, nổi tiếng qua tác phẩm Phúc âm của Phật. Theo yêu cầu của Bác sĩ Carus tìm một người phụ tá từ Nhật có thể biết cả Hán cổ và Anh, Shaku Sòen đã giới thiệu với ông chàng thanh niên Daisetz. Lúc đó Bác sĩ Carus
đang biên dịch Đạo đức kinh ra Anh ngữ, và Daisetz giúp ông nghiên cứu, dịch các văn bản Phật giáo và Lão giáo. Tác phẩm đầu tay của Suzuki, cũng như những bản cùng dịch với Bác sĩ Carus đều do nhà Open Court lần lượt xuất bản.
Công ty Open Court vẫn nổi tiếng với những ấn bản của nó, nhất là sách về tư tưởng triết học. Nó còn ấn hành các tạp chí định kỳ như tờ The Monist (Nhất nguyên luận). Bác sĩ Carus sinh năm 1852 ở Đức và được hưởng nền giáo dục theo Schopenhauer. Ông quen thân với những người nổi tiếng đương thời như K.R.E. von Hartmann và Max Scheler. Năm 1886 ông di cư sang Hoa kỳ và thành hôn với trưởng nữ của ngài Hegeler, cũng là một di dân Đức đã đến Hoa kỳ từ đầu thập niên 1840 và đã trở thành một trong những triệu phú ở Illinois.
II
Tôi có dịp đi La Salle vào tháng tư năm 1966. Đại đức Toshiaki Saito, ông Mitsuru Yamada và ông Roger Adams, thuộc Giáo hội Phật giáo Chicago, đã đưa tôi đến đó. Từ lâu tôi đã mong muốn tham quan nơi mà Bác sĩ Suzuki thời trai trẻ vô danh đã từng trải qua hơn mười năm miệt mài tu học. Tôi có cảm giác đó là giai đoạn định hình vô giá đối với ông. Là một thanh niên nhạy cảm, đầy hoài bão và khát vọng tu học, ông một mình bước vào thế kỷ mới trong cảnh đất lạ quê người. Có thể nói sự khởi đầu của mọi hoạt động trí thức và triết học của ông từ đây về sau đều có dấu ấn của giai đoạn này. Chính tại đây tư tưởng Phật giáo của ông được mang ra đối nghiệm với tư tưởng hiện đại bắt nguồn từ truyền thống Thiên chúa giáo. Cũng có thể nói định hướng cuộc đời ông đã được hình thành ngay từ lúc đó. Ngoài ra, cũng cần thêm là tôi bị La Salle mê hoặc bởi chàng thanh niên Suzuki đã từng ở đó vào độ tuổi của tôi bây giờ.
La Salle ở về hướng Tây-Nam cách Chicago khoảng một tiếng rưỡi chạy xe. Nghe nói vào những thập niên trước để đi từ Chicago đến đó phải mất ba tiếng xe lửa. Ngày nay, dù có sự phát triển thần kỳ với những xa lộ hiện đại, La Salle vẫn giữ được nét khiêm tốn của những ngày đầu, và nó vẫn là một tỉnh lẻ đồng quê êm đềm với 14.000 cư dân. Thậm chí có lúc chúng tôi còn trông thấy cả đàn chuột đồng băng ngang xa lộ.
Chúng tôi đã đến thăm ngôi nhà nơi chàng thanh niên Suzuki cư ngụ khi sống ở La Salle. Từ đó đi bộ đến văn phòng Công ty xuất bản Open Court mất độ 20 phút mà ngày xưa Suzuki vẫn đi về mỗi ngày. Khi trở lại Tokyo, tôi đã đến thăm Bác sĩ Suzuki, và khi tôi đưa ông xem tấm ảnh chụp ngôi nhà, ông đã reo lên: "Ồ, phải rồi, nó đấy!" và chỉ vào cánh cửa sổ ngoài cùng bên phải trên tầng hai, cho tôi biết ông đã sống trong căn phòng nhìn về hướng Bắc đó. Tòa nhà, theo ông nói, lúc đó thuộc về ông Ramsey, một quản gia của gia đình Hegeler, và trông chẳng khác mấy so với sáu mươi năm về trước. Ông chăm chú nhìn nó với nhiều hoài niệm.
Đây là bức ảnh chụp ngôi nhà của ông Hegeler. Công ty xuất bản Open Court vẫn còn giữ văn phòng làm việc ở tầng một của tòa kiến trúc cổ 116 năm, trông như một pháo đài này. Nó hơi có vẻ điêu tàn và đứng trơ vơ cách biệt những ngôi nhà kế cận. Người ta nói Bác sĩ Carus và Daisetz thường cùng làm việc trong một căn phòng ở tầng hầm lững của ngôi nhà. Khi chúng tôi đến viếng, cô Elizabeth Carus, một trong những người con của Bác sĩ Carus, đang vắng nhà vì đi Chicago; nhưng thay vào đó là ông Alvin Carus, anh em của cô, đã tiếp đón chúng tôi. Trước đây vài năm, một người bạn của tôi khi đến thăm tòa nhà này đã may mắn gặp và được tiếp chuyện với Côử Carus, đã kể với ông rằng gia đình Carus vẫn thường gọi Bác sĩ Suzuki là "Tei-san" (tục danh của Bác sĩ Suzuki, tiếng Nhật là Teitarô), và cho biết thời đó ông tập thể dục trên sà ngang rất điệu nghệ.
Những kệ sách bao quanh tường của văn phòng chứa đầy tác phẩm triết học phản ảnh một không gian tri thức sinh động của thế giới từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Tôi thấy ở đây những ấn phẩm tái bản cuốn The Canon of Reason and Virtue (Lão tử đạo đức kinh) và cuốn T’ai-shan Kan-yin P’ien (Thái thượng cảm ứng thiên). Văn phòng được điều hành bởi hai người đàn ông, một cô gái và một phụ nữ trung niên. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy một hoạt động bề thế như vậy được tiến hành trong một tòa nhà đầy vẻ ảm đạm rêu phong. Và dù cuộc viếng thăm phố La Salle chỉ diễn ra trong ngày, đó vẫn là một kinh nghiệm bổ ích và đáng nhớ của tôi.
III
Những lá thư của D.T. Suzuki gởi từ La Salle cho thầy là Shaku Sòen vừa được xuất bản bằng Nhật ngữ trong Tuyển tập Thiền Suzuki Daisetz, phần phụ lục. Tất cả gồm mười hai lá thư viết từ tháng Giêng năm 1898 đến tháng 10 năm 1906, tức từ năm Suzuki 28 tuổi đến năm ông 36 tuổi, hiện được lưu giữ tại đền Tokeiji (Đông khánh tự) ở Liêm thương. Qua những lá thư này chúng ta có thể thấy nhân sinh quan nghiêm cẩn của ông. Đó là những tư liệu quí vén mở một cách sắc nét không chỉ những hoạt động hằng ngày của ông mà cả tư tưởng riêng của ông trong những ngày ấy, vì vậy, tôi xin trích ra đây một số.
Mô tả sinh hoạt hàng ngày của ông ở La Salle, chàng thanh niên Suzuki đã viết trong lá thư đề ngày 11 tháng 6 năm 1898:
Mỗi buổi sáng con đến phòng biên tập để dịch cuốn Daijò Kishin Ron (Đại thừa Khởi tín luận); buổi chiều và tối thường ở nhà một mình để trau giồi và nghiên cứu thêm. Gặp khi đẹp trời, tinh thần phấn chấn, con đạp xe về ngoại ô và thích thú đọc sách mang theo trong khung cảnh êm đềm xung quanh. Những ngày này con đang trải qua một cuộc cuộc sống khá kỳ thú, đôi khi phụ những người giúp việc trong nhà như kéo nước giếng, chở đất, đi mua đồ lặt vặt ở tiệm tạp hóa, bửa củi và cả nấu bếp, nếu cần.
Bản dịch tiếng Anh đầu tiên tác phẩm Daijò Kishin Ron (Đại thừa khởi tín luận) là một trong những thành tựu đáng nể của chàng thanh niên Daisetz ở La Salle, và trong bối cảnh lịch sử Phật học cận đại, nó là công trình tiên phong của một trí thức Nhật Bản dịch từ kinh điển Phật giáo bằng Hán văn. Kể về công việc này, ông nói cũng trong lá thư trên:
Việc dịch cuốn Kishin Ron (Khởi tín luận) khó đến mức có lúc con đã muốn bỏ dở. Nó quả là một thử thách. Nhờ có bản Hán dịch đời Đường mượn của một người bạn vừa được gởi đến hôm nay, con thật vui mừng khi có thể đối chiếu hai bản. Dù đã sơ dịch gần hết tác phẩm, con nghĩ tác phẩm cuối cùng chỉ có thể ra mắt chừng nào toàn bộ bản thảo được đọc và sửa chữa thêm nhiều lần. Theo con nghĩ, dù Kishin Ron, xét từ quan điểm triết học, ngày nay có thể không còn được đánh giá cao, nhưng từ quan niệm chủ quan và tôn giáo thì nó vẫn là một tác phẩm đáng lưu ý, có giá trị trường tồn bất diệt. Con muốn nói những ai vì lập trường khách quan hiện tại mà phủ nhận hoặc chống đối nó đều không chỉ mù tịt về ý nghĩa của Kishin Ron mà còn quên mất sự phát triển lịch sử của tư tưởng thế giới.
Trong một bức thư khác đề ngày 23 tháng 10 năm 1898, ông nói cũng chủ đề này:
Con có cảm giác vô cùng thoải mái, để thời gian trôi qua mà không biết mình đang làm việc gì đặc biệt ... Con đã đưa bản dịch tiếng Anh cuốn Daijô Kishin Ron cho Bác sĩ Carus xem, sau khi đã cẩn thận sao chép lại. Mặc dù ông nói ông sẽ sớm xem xét, con cũng không chắc khi nào ông sẽ làm việc đó, bởi lời của ông cũng khó tiên liệu như bầu trời mùa thu. Có lẽ con phải chờ tới khi thời gian chín mùi cũng như mọi sự tùy thuộc vào ý Trời.
Năm sau, 1899, ông viết trong một bức thư đề ngày 3 tháng 7:
Vài ngày nữa con sẽ đi Chicago và ở đó khoảng một tháng để viết lời tựa cho bản dịch cuốn Kishin Ron, khi đã tham khảo xong Tam tạng kinh (Tripitaka). Làm xong việc này, công trình coi như đã hoàn tất và sẵn sàng để in.
Thời gian này, song song với việc biên dịch, ông đang chuẩn bị viết cuốn Đại cương Phật giáo Đại thừa, sẽ được ấn hành sau đó. Đây là công trình có tham vọng vạch thời đại do một học giả Nhật soạn thảo bằng tiếng Anh, vì trước đó chưa từng có ai thử làm công việc như vậy. Ông đã đề cập đến dự án này trong bức thư đề ngày 21 tháng 11 năm 1899:
Con đã ghi chú dàn bài tổng quát những điều có thể được xem như đại cương về Phật giáo Đại thừa để hoàn thành trước khi rời khỏi đất nước này. Tất nhiên nó chỉ là một thứ bị vong lục đại cương cho nên còn nhiều chỗ cần phải sửa lại. Con sẽ rất sung sướng nếu nó có thể hữu ích cho Thầy làm tham khảo.
Trong khi bận rộn công việc ở Công ty xuất bản Open Court, có lẽ ông đã thu được nhiều kiến thức thực tiễn về ngành xuất bản sách báo. Có thể nói, những hoạt động sách báo của ông sau này, nhất là việc xuất bản tờ Phật tử Đông phương ở viện Đại học Otani, đều có kinh nghiệm khởi từ La Salle. Trong bức thư ngày 10 tháng 6 năm 1900:
Gần đây con đã ngẫu nhiên học được cách đánh máy chữ. Thỉnh thoảng con làm vài việc cho Bác sĩ Carus bằng phương tiện này. Mong thầy hiểu rằng con không hề chán nãn công việc hiện tại, vì mọi thứ việc chẳng qua là cách mưu sinhỢ Mới đây, người đọc bản thảo hay còn gọi là thư ký ban biên tập của Công ty đã xin nghỉ việc, và Bác sĩ Carus đã đề nghị con thay thế ông ấy. Dù chưa biết ông sẽ trả lương bao nhiêu cho công việc này vì con chưa hề hỏi, con vẫn biết chắc sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Mỗi ngày phải làm việc sáu tiếng, thời gian dành cho nghiên cứu hẳn sẽ bị cắt giảm.
Ông đã mô tả sinh hoạt hàng ngày ở văn phòng:
Công việc của con ở Open Court không phải ngày nào cũng viết. Chỉ khi nào cần xem xét một bài báo có liên quan đến Nhật Bản hay một tiểu luận nói về Phật giáo thì con mới phải cầm bút theo yêu cầu của Bác sĩ Carus. Nhiệm vụ của con ở công ty là đọc các bản in thử, liên lạc giữa tác giả và nhà in, làm mọi công việc liên quan đến từ điển, tìm những từ đặt sai chỗ và những chỗ trống, kéo dài ra hay rút ngắn lại vài câu, sửa lỗi chính tả, v.v. Dù đó là một vị trí khá hơn là một chân sửa lỗi bản in người Nhật, trong bản chất nô lệ nó vẫn như nhau. Trước mắt, con chưa được trả đồng lương nào vì vẫn còn là người thử việc.
Như cố Bác sĩ R. H. Blyth đã nói, quả thật Bác sĩ Suzuki rất ít khi chú ý vấn đề phụ nữ trừ những năm sau này khi ông thường đề cập đến ý nghĩa của nữ giới trong Phật giáo tương phản với Thiên chúa giáo, lấy nam giới làm trọng tâm. Tuy vậy, ông đã bộc bạch quan điểm của mình về phụ nữ và cuộc sống gia đình trong một bức thư lúc còn trẻ, đề ngày 11 tháng 6 năm 1898:
Con thật bối rối khi đi chung với phụ nữ và trò chuyện với họ. Bàn luận về việc học hành thì được, song để bàn với họ những chuyện linh tinh, chuyện thế sự, chuyện vặt vãnh thì con rất khó thích nghi. Ở Nhật mình có thể đối đãi với họ một cách lịch sự mà không cần nói một lời, nhưng ở đây, nước Mỹ, người ta có thói quen phải biết nịnh đầm, và thật khó vô cùng khi con phải tìm lời tâng bốc ai. Cho nên con phải tự giam mình trong nhà, đọc sách hay ngồi Thiền. Hình như câu tục ngữ "Đừng trở nên quá thân mật với đàn bà cũng như với đàn ông thiếu hiểu biết" vẫn chưa thay đổi trong một ngàn năm nay. Cho dù có học ở một mức độ nào đó, một phụ nữ vẫn là phụ nữ. Cho nên, có rất ít phụ nữ trung bình tự làm mình nổi bật bằng sự thể hiện những đức tính mà nữ giới cần có. Vì thực tiễn chung ở đây là coi trọng phụ nữ một cách không phân biệt, họ có nhiều cơ hội
hơn để nâng cao giá trị đạo đức cũng như bộc lộ những khiếm khuyết của họ. Do đó có thể nói không ai tránh khỏi cả hai yếu tố ưu điểm và khuyết điểm. Trong khi người phụ nữ Nhật có vẻ quá phục tùng và nhu mì, thì tính kiêu ngạo và tự phụ của phụ nữ ở đây chỉ là những sự nhũng nhiễu, nếu không nói là đáng ghét.
Từ khi đến sống ở đây, con dần dà cảm thấy nét đẹp độc đáo của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong các gia đình Nhật Bản. Dù tình mẫu tử ở đâu cũng như nhau, song ở đây tình yêu giữa cha mẹ và con cái khá lạnh lùng; chỉ có tình yêu trai gái là được coi trọng. Sự tán thưởng khuynh hướng đối xử tốt với vợ hơn với cha mẹ có vẻ lạ lùng dưới mắt người Đông phương. Phong tục ở đây là các thiếu nữ tự chọn bạn tình cho mình hơn là nghe theo ý kiến của cha mẹ họ. Họ có xu hướng độc lập rất cao, nhưng thiếu những tình cảm mềm mỏng và dịu dàng, là điểm chung của mọi người bình thường ở đây.
Con có khuynh hướng thích cuộc sống độc thân hơn có gia đình. Kể ra cũng kỳ cục nếu biết rằng con chưa bao giờ có đủ thời gian để suy nghĩ về chuyện này, nhưng chẳng có lý do gì để mọi người phải lập gia đình bằng mọi giá, về phần con cũng chẳng cần thiết phải làm như vậy.
Quan điểm căn bản của ông về cuộc sống nói chung và về nếp sống gia đình nói riêng được thể hiện qua những dòng sau:
Tại sao cứ thèm khát danh vọng cá nhân? Con chỉ mong có thể hiểu được ý nghĩa thật sự của cuộc đời, bằng cách làm tròn mọi trách nhiệm nào con cảm thấy phải chu toàn. Con đã cắt đứt mọi quan hệ với đồng Đô-la Vạn năng, và cảm thấy có khuynh hướng từ bỏ những ý nghĩ hệ lụy của gia đình. Nhân tiện, đối với cuộc sống gia đình, hôn nhân và tình yêu, con cũng có lý thuyết riêng của mình. Con mong sẽ có dịp nói với Thầy về quan điểm này của con. Hai vấn đề này, mãnh lực đồng tiền và cuộc sống gia đình, là hai ràng buộc lớn nhất (có thể từ này không chuẩn xác, con tạm thời dùng nó) trên đời, vì vậy con đã tự tách mình ra khỏi chúng và chuẩn bị dâng hiến mọi năng lực của mình cho những vấn đề khác...
Qua những tác phẩm dày cộm ông viết sau này, chúng ta thấy lời ông nói đã được chứng minh xác đáng ngoại trừ cuộc hôn nhân của ông với cô Beatrice Erskine Lane. Giá trị của nó, dù sao, đã được chứng thực rằng nguyên tắc chủ đạo của cuộc hôn phối này trong thực tế là để hỗ trợ nhau cùng nghiên cứu và truyền bá Phật giáo.
Điều đáng lưu ý là ý nghĩ về cái chết hình như là dòng sóng ngầm bên dưới mọi hoạt động triết học của ông trong thời gian đó, bởi ông viết:
Từ ‘chết’ quả đã khơi dậy trong con những cảm giác và ý tưởng bất tận. Con vẫn chưa thể quên được ấn tượng chủ quan mạnh mẽ của cái chết của mẹ. Bất cứ khi nào nghĩ đến nó, con không khỏi rùng mình. Không phải con sợ chết, vì con đã nhận thức được, qua kinh nghiệm riêng về những trận đau ốm gần đây, rằng cái chết chẳng là gì cả. Người ta nói cú đánh của tử thần dập tan mọi thứ, nhưng tinh thần chúng ta không bao giờ bị đình đốn bởi sự kiện này, và sự thao thức đó đưa chúng ta đến lĩnh vực triết học hay tôn giáo. Không có gì khiến con người bất an hơn từ ‘chết’...
Qua những dòng này chúng ta thấy sự tương ứng không thể nhầm lẫn với những phát biểu về chủ đề cái chết mà ông thường đề cập vào những năm cuối đời. Ông luôn thích trích dẫn, trong các bài thuyết trình cũng như trong bài viết, nhất là càng về cuối đời, bài hòa ca (waka) của thiền sư Shidò Bunan (Chí Đạo Vô Nan): "Trong khi sống, hãy chết, chết hẵn; chết như bạn sẽ chết, thì mọi sự sẽ tốt đẹp"2. Ở đây chúng ta nhận thấy suốt những năm nghiên cứu triết học Phật giáo sau này, ‘cái chết’ tiêu cực trong ông đã trải qua cuộc lột xác tận gốc để thành một ‘cái chết’ tích cực. Cuộc đời ông từ đó là nơi mà ‘cái chết’ tích cực này đóng một vai trò năng động nhất.
Như vậy, tư tưởng căn bản nào đã giúp ông nghị lực để chịu đựng mười năm dài ở La Salle một mình đối diện với cô liêu, lo lắng về tương lai, với cuộc sống đơn điệu của một người làm công? Trái với những gì ta tưởng, những ý nghĩ thầm kín, vững vàng và bình an của ông đã được ông mô tả một cách sinh động trong bức thư đề ngày 10 tháng 6, 1900:
Innen (nhân duyên, những quan hệ của nghiệp) ắt vượt ngoài tầm tư duy của chúng ta. Một ý tưởng, khi được tiếp nhận chưa có hiệu quả tức thì, biết đâu sau này nó sẽ giúp người đó thâm nhập Đạo Giác ngộ - chỉ bằng một khoảnh khắc lóe sáng qua tâm trí y. Cổ đức có nói, "Được nghe Phật pháp, dù chỉ một lần, cũng là phước đức vô tận, ngay dù không mấy có tín tâm;" chỉ cho chân lý này. Con đặc biệt không ưa thích lý luận, nhưng vì tin tưởng chắc chắn vào chân lý nêu trên nên thỉnh thoảng con vẫn tỏ bày ý tưởng của mình. Mong ước thầm kín của con là, nếu tư tưởng của con ích lợi cho sự tiến bộ của con người, thì trái ngọt trong tương lai chắc chắn sẽ kết quả từ đóỢ Theo đó dường như con đường mà chân lý hiển hiện không lệ thuộc bất cứ gì và hầu như bất chấp ảnh hưởng của con người. Chính vì niềm tin của con vào chân lý này mà con cố gắng thể hiện nó choquảng đại quần chúng. Phô bày quan điểm riêng của mình cho thiên hạ chẳng hãnh diện gì, nhưng bởi con tuyệt nhiên tin chắc rằng - ngay cả khi có thể có điều không đúng trong những gì con nói - một chút chân lý ẩn chứa trong quan điểm của mình cũng giống như câu chuyện ngụ ngôn về hạt lúa mì trong Thánh kinh, chắc chắn sẽ sinh trưởng mạnh mẽ và bao trùm khắp trời và đất. Đó là vì chân lý chẳng thuộc về ai, hoàn toàn độc lập, xuyên suốt, mà vẫn là cái để mọi người cũng như chính bản thân con phải theo đuổi.
Bước đầu đời của ông ở La Salle đã được chống đỡ một cách vững chắc bởi niềm tin tưởng mãnh liệt về chân lý bất diệt bắt nguồn từ tâm Bồ đề cháy bỏng của ông mong muốn chia sẻ chân lý với hết thảy nhân loại. Tuổi trẻ đó, ông đã tiếp tục khám phá sự bình an của tâm hồn ở giữa nghịch cảnh trong niềm vững tin rằng quả vốn đã có sẵn trong nhân, và trong cuộc sống đời thường ở La Salle, dù đôi khi nó là điều vặt vãnh.
S. B.