Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Vì phải bất ngờ di chuyển từ Anh sang Mỹ mà lời mời viết bài cho số tưởng niệm này của tạp chí Phật tử Đông phương (The Eastern Buddhist) đến với tôi quá trể nên không thể viết điều gì xứng đáng với tầm quan trọng hiện thực của D. T. Suzuki, một nhà lãnh đạo tôn giáo thiên tài. Tôi chỉ có thể nêu lên đây một nhận xét nhỏ có tính tự truyện mà thôi.

Vào năm 1937, ở tuổi 33, cái tầng nền của thế giới mà lúc bấy giờ tôi nghĩ là của mình, đã sụt lở. Niềm tin chính trị trong tôi đã sụp đổ bởi tác động của chủ nghĩa Staline và những gì tôi nhìn thấy ở Tây ban nha, cuộc hôn nhân của tôi bất thành, việc làm gần như con số không, tôi thậm chí đã phải bắt đầu đi tìm tư vấn nơi các nhà tâm phân học vì dường như chẳng còn gì đáng để tôi sống trên đời này. Rồi có một ngày tình cờ nhìn vào tủ kính của một hiệu sách nằm đối diện viện Bảo tàng Anh quốc, và chỉ vì tò mò, tôi đã mua thử cuốn Essays in Zen Buddhism, vol. 3 (Thiền luận quyển hạ). Mấy tuần liền sau đó ngày nào tôi cũng quay về Hampstead Heath để đọc ngấu nghiến từng trang sách này, và nhanh chóng tìm mua các tác phẩm còn lại của Suzuki, hết quyển này đến quyển khác.

Điều lạ kỳ là D.T. Suzuki đã làm sống lại lòng yêu thích ban sơ về Phật giáo nơi tôi. Đó là lúc tôi đọc được quyển "Góp nhặt trên những cánh đồng Phật" của Lafcadio Hearn, ấn bản Tauchnitz, khi mới 13 tuổi. Lòng yêu thích này được hâm nóng lại vào năm tôi 21 tuổi, qua những tiếp xúc với các học giả Phật giáo khi tôi bước chân vào giảng đường đại học Heidelberg. Điều đáng ghi nhận là tôi thích những diễn giảng của Suzuki về sự uyên thâm siêu hình của Đại thừa Phật giáo hơn những kinh nghiệm thực tế về Thiền của ông. Có lẽ vì nguồn gốc và bối cảnh Nhật nhĩ man của tôi, vì hầu hết những học giả phi Á châu có nghiên cứu về Bát nhã ba la mật từ trước đến nay đều là người Đức. Đối với tôi, chính ở tầm vóc vĩ đại của con người mà Suzuki đã làm cho Đại thừa được chấp nhận như nhau trong cả hai tính cách tinh thần dân tộc khác biệt nhau như Đức và Anglo-Saxon. Vì lẽ, bởi chính đức Phật không là người Đức cũng chẳng phải người Anh, có thể vì thế mà sự diễn giải cả về mặt siêu hình cũng như thực tiễn rất có thể đều gần gũi như nhau với giáo lý nguyên thủy của Ngài.

Dưới tác động của thông điệp Suzuki mà tôi lánh mình vào một khu rừng tư nhân thuộc về một người bạn Quaker ở New Forest, và từ đó đã dốc chí thực tập Thiền ở cái tuổi quỉ quái này. Rồi tôi hồi phục, trở lại Oxford, xuất bản một số tác phẩm cố gắng chuyển đạt tri kiến về Đại thừa, đặc biệt về Bát nhã ba la mật, mà D.T. Suzuki đã truyền cho tôi trước hết. Sự chứng nhận của ông, một lần qua lời nói và một lần bằng thư tín, rằng tôi trên thực tế đã "thông hiểu Phật giáo", đã tiếp thêm nghị lực và cho tôi niềm hạnh phúc vô hạn. Đối với tôi do đó Daizetz Teitaro Suzuki luôn là một chân dung đầy thuyết phục đã từng vực tôi ra khỏi dỡ sống dỡ chết, cho tôi năng lực sống một cuộc đời có ý nghĩa trong gần ba thập kỷ qua. Và những gì ông đã làm được cho tôi cũng là điều ông đã làm cho nhiều người khác.

E. C.

Xem mục lục