Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Chính người thầy đáng kính của tôi, Bác sĩ Kitaro Nishida, đã giới thiệu tôi với Bác sĩ Suzuki vào năm 1920. Kể từ đó, tôi đã tiếp nhận nhiều sự trợ Pháp của Bác sĩ Suzuki trong thời gian gần 45 năm. Vì vậy không những tôi kính trọng Bác sĩ Suzuki như là "Sư thúc" mà bản thân tôi còn cảm thấy rất gần gũi với ông. Thế rồi, sáng sớm ngày 12 tháng 7 năm 1966, ông chợt viên tịch sau cơn đau bụng dữ dội do tắc ruột.

Nhìn lại quãng đời ông, tôi không khỏi cảm nhận niềm sùng kính thiêng liêng. Buồn thay, tang lễ ông tôi đã không dự được vì cơn bịnh của mình. Thay vào đó, tôi đã gởi bức điện chia buồn: Cách nhau vô lượng kiếp; không rời nhau một sát na. Sau đó, khi mãn kỳ tang chế thất tuần, chúng tôi những người ở Thiền viện F.A.S, đã tổ chức lễ truy điệu trọng thể Bác sĩ Suzuki vào trưa ngày 4 tháng 9 năm 1966, giữa kỳ nhiếp tâm (sesshin) mùa thu, ở Linh vân viện (Reiun-in), chùa Diệu tâm (Myoshin-ji).

Trong dịp đó, tôi bổng gào lên và mở cuộc vấn đáp cuối cùng với Bác sĩ Suzuki. Cuộc vấn đáp này và bài diễn văn truy điệu tiếp theo được kể lại như vầy:

Ohhhhhhhh!

Hởi Người bị đau này!
Ngài có khổ không?
Không sao,
Cám ơn!

Bác sĩ Suzuki, trải qua một đời gần tròn thế kỷ, trước sau vẫn chuyên tâm tham cứu Thiền trong một đường hướng độc đáo. Đối với ông, tu và học là một và như nhau. Ông còn mưu tìm, nhờ khả năng Anh ngữ thông thạo của mình, cơ hội truyền bá Thiền ra hải ngoại. Nhờ vậy ông đã làm cho Thiền, từ chỗ chỉ được biết ở phương Đông, thành phổ biến khắp thế giới, và hơn thế, thành dưỡng chất cho cuộc sống tâm linh con người và do đó đã đóng góp cho nhân loại một cách sâu sắc và quảng đại. Đây quả là đại hỷ cho Chánh Pháp.

Khoảng mười năm trước, khi tôi xuất ngoại viếng thăm nhiều vùng khác nhau, từ Hoa Kỳ, châu Âu, Ai Cập, Cận Đông, Trung Đông, và Ấn Độ, tôi đã bất ngờ nhận thấy bất cứ nơi nào tôi đến tên tuổi của Bác sĩ Suzuki đều được biết đến như một nhà minh triết của Đông phương, và Thiền tông gắn liền với tên tuổi đó.

Trong danh tiếng đó của ông không thể tránh khỏi những mức độ nhận thức khác nhau giữa nông cạn và sâu sắc, chính xác hay sai lầm, tán thưởng hay phê phán. Nhưng dù sao, sự trọng vọng một người như Bác sĩ Suzuki, người được biết đến trên khắp thế giới vì những đóng góp độc đáo của ông cho tôn giáo và văn hóa, không những chưa từng có ở Nhật bản mà còn rất hiếm có trên thế giới. Có thể nói không ngoa rằng ông là một trong những kho tàng vĩ đại nhất của thế giới cũng như là quốc bảo của Nhật bản. Cho nên thông báo bất ngờ về cái chết của ông đã làm đồng bào trong nước và cả hải ngoại đau buồn, thương tiếc.

Đối diện với sự ra đi của ông, làm sao chúng ta có thể thấu hiểu thích đáng cái được gọi là cái chết của conngười-toàn-thế-giới này? Ngay cả khi chúng ta suy niệm về cái chết với ý nghĩa thông thường của nó - cái chết của bản thân chúng ta hay của người khác - chúng ta nhận ra, nếu chiêm nghiệm nó một cách sâu lắng, rằng còn lâu ta mới biết được cách trả lời. Do đó càng nan giải hơn nhiều để lãnh hội ý nghĩa một cái chết mà với sự am hiểu thường tình không bao quát được như cái chết của Bác sĩ Suzuki. Biết bao người đã gởi điện chia buồn và đã đến dự tang lễ. Nhưng tôi tự hỏi họ đã giải thích thế nào về cái chết của con người siêu việt sống-chết này - cái chết của Bác sĩ Suzuki, một "Người-Chết-Vĩ đại". Tôi cho rằng đây là mối quan tâm sâu thẳm của hết thảy chúng ta.

Từ trước đến nay, Thiền tông, như mọi người đều biết, không còn nhìn vấn đề "sống và chết" đơn thuần là một đối tượng biện luận mà là mối quan tâm toàn diện và ách yếu nhất của chính chủ đề sống và chết. Mà không chỉ trong Thiền tông, nói chung trong cả Phật giáo, vấn đề "sống và chết" được xem là vấn đề căn bản nhất. Sự chết không tự hữu ngoài sự sống; sự sống không tách rời sự chết. Sự sống có cái chết theo sau; sự chết đồng hành với sự sống. Chính vì thế cái chết không phải là một khủng hoảng tuyệt đối duy nhất; sống cũng là một khủng hoảng. Do đó trong Phật giáo có những từ ngữ như Shôji jidai (sinh tử sự đại: vấn đề lớn lao là sống và chết) hay Shôji no ichi daiji (sinh tử nhất đại sự ; một vấn đề trọng đại duy nhất là sống và chết). Đối với thuật ngữ "sinh-tử" (hay sống-và-chết), đó quả là vấn đề mênh mông ẩn ý. Nó mang nhiều ý nghĩa hơn ngữ nghĩa của nó. Có lẽ nó bao hàm cảý nhân loại, do đó, cả thế gian này. Nếu không chúng ta đã chẳng thể nói là "sinh tử sự đại"

Vấn đề sống-và-chết này sẽ không có tính hệ trọng hay tuyệt đối nếu nó bao hàm bất cứ điều gì có tính cục bộ chẳng hạn như sinh lý học hay tâm lý học, hoặc nếu nó bao hàm bất cứ cái gì đặc thù có thể phân biệt bằng những khái niệm như đúng-sai, tốt-xấu, ưa-ghét v.v. Ở đây chúng ta thấy cái lý do tại sao cần phải thăm dò bằng yếu tính hiện sinh vào ẩn ý của hạng từ "sanh-tử". Một sự thăm dò bằng yếu tính hiện sinh vào ẩn ý của hạng từ hoàn toàn giống như sự thăm dò bằng yếu tính hiện sinh vào chính vấn đề sống và chết. Vấn đề đến đây, do đó, không phải là vấn đề đặc thù hay cá biệt; cũng không phải là vấn đề - ngay cả khi nó bao hàm hết thảy - có thể được lý giải với cung cách thuần khách quan. Nó thực sự là vấn đề cốt lõi của hữu thể chủ quan. Do đó giải pháp của nó sẽ mang ý nghĩa cùng lúc với giải pháp rốt ráo cho toàn bộ vấn đề về con người. Đối với cái chết của Bác sĩ Suzuki, mọi phương cách tiếp cận thông thường rõ ràng là bất xứng khi chúng ta biết ông là người đã từng dẫn giải vấn đề sanh-tử cho thế giới.

Tôi nghĩ trong chúng ta chắc có người đã nghe chuyện Phật Thích-ca-mâu-ni, khi nhập niết bàn, đã nói với các môn đệ vây quanh ngài: "Nếu có ai trong các ông nghĩ rằng ta sắp nhập niết bàn thì người đó chưa phải là đệ tử của ta. Mà ai nghĩ rằng ta không nhập niết bàn cũng chưa phải là đệ tử của ta." Theo Thích-ca-mâu-ni, khẳng định cũng như phủ định việc nhập niết bàn của ngài đều không thể thành đệ tử của ngài. Thiền tông đã lấy điều này làm một công án. Chúng ta, cũng như những đệ tử của Phật Thích-ca, làm sao trực nhận điều đó vào giây phút này? Nghe câu nói này của Thích-ca-mâu-ni về việc nhập niết bàn, những người bình thường có thể hoang mang và ta thán: "Chúng con không hiểu nỗi những ẩn ngữ này của ngài; nó vượt ngoài tầm lãnh hội của chúng con." Nhưng một môn đồ của Thích-ca sẽ đương đầu với cái chết của Phật như thế nào để xứng đáng là một môn đồ thật sự? Đây là một vấn đề tối hệ trọng.

Vào thế kỷ thứ 9 ở Trung quốc, thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn có nói: "Trên đường đi, nếu ngươi gặp một người đạt đạo, hãy chào ông ấy không bằng lời cũng không im lặng." Hương Nghiêm muốn nói, với một người đã đạt Chánh giác hay Niết bàn, thì cả lời nói lẫn im lặng đều vô dụng. Như vậy, chúng ta sẽ chào một người Giác ngộ bằng cách nào? Câu hỏi này cần được xem xét như một vấn đề toàn diện và triệt để, chứ không phải bất cứ gì đặc thù kể cả lời nói hay sự lặng im.

Không giải đáp được thách thức này của Thích-ca-mâu-ni trước giờ lâm chung của ngài, chúng ta không tránh khỏi nhìn nhận Bác sĩ Suzuki đơn giản chỉ là một người đã được sinh ra và đã chết, một cách thông thường. Dù những thành quả của ông to lớn vô kể, chỉ ca ngợi chúng chưa phải là tán dương ông thật sự. Tôi muốn nói trừ khi chúng ta có thể thật sự tán dương ông trong phương diện Giác ngộ, ta không thể tiếp cận thấu đáo và hiểu rõ ý nghĩa thật của những thành tựu này của ông.

Tất cả những người ngưỡng mộ Bác sĩ Suzuki đều nhất trí cho rằng ông không chỉ là quốc bảo vô tiền của Nhật Bản mà còn là kho tàng vô giá của thế giới. Nhưng không phải chỉ có vậy. Đối với những ai đang băn khoăn tự vấn về sự hiện hữu của mình, với sự tra vấn triệt để về thế giới và lịch sử, vấn đề đối mặt với niết bàn của Suzuki quả thật nan giải. Tuy nhiên, một cách căn bản, đó cũng là nói về cái chết của mọi Chân-Nhân.

Đây là một trường hợp khác về cách nhìn vấn đề của một Thiền sư, Đạo Ngộ Tông Trí, cũng ở Trung quốc thế kỷ thứ 9. Một hôm Đạo Ngộ cùng thị giả là Tiêm Nguyên Trọng Hưng đến viếng tang một thân hữu. Thị giả Tiêm Nguyên xoa tay vào quan tài, hỏi thầy: "Người này sống hay chết?" Thông thường, hiển nhiên người nằm đó đã chết, nhưng Tiêm Nguyên đang truy tìm giải đáp cho vấn nạn sanh-tử, đã phải hỏi một câu chừng như vô nghĩa. Sư Đạo Ngộ liền đáp: "Ta sẽ không nói ‘sống’; ta cũng không nói ‘chết’." Lời đáp này thể hiện cùng tiêu điểm với câu nói trên của Thích-ca-mâu-ni. (Những ví dụ tương tự rất thường xảy ra trong Thiền tông trong thời kỳ đầu.) Thiền sư Đạo Ngộ, dù được thỉnh vấn nhiều lần cùng câu hỏi này, chỉ một
mực trả lời: "Ta không nói! Ta không nói!" Và Tiêm Nguyên, khi nghe câu đáp của thầy đã ngộ ra điều mà thầy thực sự muốn nói. Ngày nay, bạn thử nghĩ xem ông đã ngộ cái gì?

Đối với cách tiếp cận cái chết, không chỉ có lời giải đáp thiên về phủ định "không sống cũng không chết", mà còn những câu mang vẻ khẳng định. Thế kỷ thứ 10 ở Trung quốc có thiền sư Đại Tùy Pháp Chân, khi được hỏi "Ông sẽ ra sao khi sinh-tử đến?" đã trả lời không chút do dự: "Được mời trà ta uống trà; được mời cơm ta ăn cơm." Tôi e là nhiều người cho rằng câu trả lời lạc đề. Nhưng ngược lại, điều này bắn trúng ngay tâm điểm.

Có nhiều ví dụ tương tự như vậy trong Thiền tông; nhưng chúng ta không nhất thiết chỉ gặp trong quá khứ. Chúng ta đang trực diện sự "sinh-tử đến" của Bác sĩ Suzuki. Vậy Bác sĩ Suzuki sống hay chết? Nên hiểu cái chết của một người đã đạt đến cái Chết vĩ đại vượt ngoài sanh-tử, như thế nào? Nên hiểu thế nào về cuộc sống của ông? Nên trả lời câu hỏi này ra sao?

Tôi đã thực hiện cuộc vấn đáp trực diện cuối cùng của mình với Daizets-koji. Bạn đã làm việc đó như thế nào? Riêng tôi, bằng cách ấy tôi đã thể hiện niềm kính trọng và biết ơn sâu sắc cố Bác sĩ Suzuki. Đó không gì hơn là: "Cách nhau vô lượng kiếp, không rời một sát na"

NGƯỜI đang đau này là ai?
Nếu anh muốn nhìn thấy "TÔI" lúc lâm chung,
Trước tiên hãy chết cái Chết vĩ đại!
Vì "Tôi" không trả lời bạn đâu;
"Tôi" hiện diện vô hình trước mắt bạn,
Chạm đến, không cảm thấy,
Mường tượng, không tông tích.

Xem mục lục