Nhập là ly (lìa), xuất là vi (tế). Ngoài ly biết nhập thì ngoại trần chẳng có chỗ dựa, trong vi biết xuất thì vọng tâm chẳng có chỗ tạo tác, trong tâm chẳng tạo tác thì chư kiến (đủ thứ kiến chấp) chẳng thể chướng ngại, ngoại trần chẳng chỗ dựa thì vạn vật chẳng thể trói buộc. Vạn vật chẳng thể trói thì tưởng niệm chẳng đuổi theo cảnh, chư kiến chẳng chướng ngại thì tịch diệt bất tư nghì. Sao gọi là thể tịnh? Vì bản thể tự ly vi vậy.
Nói về thể nhập nên gọi là ly, nói về sự dụng nên gọi là vi, dung hợp thành một thì chẳng ly chẳng vi. Thể ly thì chẳng thể nhiễm, chẳng nhiễm nên chẳng phải tịnh, thể vi thì chẳng thể có, chẳng có nên chẳng chỗ dựa, vậy thì dùng mà chẳng có, tịch mà chẳng không. Chẳng không nên chẳng phải đoạn, chẳng có nên chẳng phải thường.
Cái tánh của ly vi chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng tu chẳng học, chẳng phải xưa không mà nay có, chẳng phải xưa có mà nay không. Cho đến một pháp chẳng sanh, một pháp chẳng diệt, chẳng phụ thuộc nơi tam giới, chẳng biến hóa theo lục đạo, chẳng sửa đổi theo ngu trí, chẳng xoay chuyển theo chơn vọng, phổ biến bình đẳng, tất cả viên mãn gọi là một đại pháp giới, cũng gọi là nguồn gốc của sự ứng cơ giáo hóa. Kẻ mê thì uổng tu nhiều kiếp, kẻ ngộ thì ngay đó tịch lặng, hễ có sự ham muốn thì chẳng thấy cái ly, hễ có sự tạo tác thì chẳng thấy cái vi. Kẻ chẳng thấy vi tức là bên trong nổi ác kiến, kẻ chẳng thấy ly tức là bên ngoài khởi trần lao, ngoài khởi trần lao nên bị cảnh ma nhiễu loạn, trong nổi ác kiến nên bị tà kiến mê hoặc, trong ngoài đã có nhân duyên sanh khởi thì chơn nhất tự ẩn. Vì vậy kẻ mê ly nhiễm theo vọng gọi là phàm phu, kẻ mê nhiễm ly theo vọng gọi là nhị thừa, kẻ thông đạt bổn tánh của ly gọi là Bồ tát, kẻ liễu đạt tam thừa chẳng khác gọi là bình đẳng chơn Phật. Nhưng lý ấy thâm sâu, ngôn thuyết chẳng thể hiển bày, hình tướng chẳng thể tỏ rõ, muốn tỏ hình tướng thì mê nơi vô tướng, muốn hiển ngôn thuyết thì mê nơi vô thuyết, nếu chẳng hiển chẳng tỏ thì đại nghĩa khó thông, nên huyền đạo ly vi, chơn lý khó tả. Sở dĩ nói ly, là vì bản thể chẳng hợp với vật, cũng chẳng lìa vật. Như gương sáng hiện bóng vạn tượng, mà gương sáng chẳng hợp với bóng, cũng chẳng lìa bóng, cũng như hư không, dung nạp tất cả mà chẳng hợp chẳng lìa, ngũ sắc chẳng thể ô nhiễm, ngũ âm chẳng thể nhiễu loạn, vạn vật chẳng thể trói buộc, sum la chẳng thể hỗn tạp nên gọi là ly vậy. Sở dĩ nói vi là vì diệu thể vô tướng, vô hình vô sắc, ứng dụng mọi thứ mà chẳng thấy dung mạo, gồm đủ vạn năng mà chẳng hiện công đức, mắt nhìn chẳng thấy, lắng tai chẳng nghe, mà sẵn đủ hằng sa công dụng, chẳng thường chẳng đoạn, chẳng lìa chẳng tan nên gọi là vi vậy.
Hai chữ ly và vi là pháp yếu của đạo, sự cảm giác của lục căn chẳng dấu tích gọi là ly, muôn ngàn ứng dụng chẳng có ngã gọi là vi. Vi tức là ly, ly tức là vi, vì nói theo căn trần nên giả lập hai tên, mà bản thể vốn là một.
Người học đạo đều muốn dứt phiền não, cầu bồ đề, bỏ tiểu thừa, vào đại thừa, nhưng trong diệu lý thật chẳng có những việc này. Bản thể ly thì vốn chẳng có phiền não để dứt, chẳng có tiểu thừa để bỏ; bản thể vi thì chẳng có bồ đề để cầu, chẳng có đại thừa để vào. Tại sao? Vì chẳng một pháp có thể tương ứng vậy. Cho nên bậc thánh chẳng dứt vọng, chẳng chứng chơn, ứng dụng vạn năng mà chẳng tác ý. Nếu thật muốn cầu pháp thì phải vô sở cầu, vì chỗ thực tế vốn vô danh, cũng chẳng cần mong cầu ấy gọi là diệu giác.
Nói ly và vi chẳng phải vọng tâm có thể biết, chẳng phải tà trí có thể hiểu, vọng tâm tức là lục thức, tà trí tức là nhị trí (quyền trí và thật trí), vì bản thể chơn nhất nên nhị trí chẳng thể hiểu, vì bản thể vô vật nên lục thức chẳng thể biết; chẳng một pháp từ bên ngoài đến, chẳng một pháp từ bên trong ra, cũng chẳng một pháp do hòa hợp mà sanh, nên gọi là thái thanh, cũng gọi là chơn tinh (tự tánh). Vì bản thể lìa tất cả tri kiến nên chẳng thể dùng ý thức để đo lường, vì bản thể lìa tất cả số lượng nên chẳng thể dùng lời nói diễn tả, cho nên Duy Ma Cật im lặng, Như Lai tịch nhiên, dù nói các thừa, đều là phương tiện để khai thị ngộ nhập tri kiến Phật.
Nói biết là biết ly, nói thấy là thấy vi, nên Kinh nói "thấy vi gọi là Phật, biết ly gọi là pháp". Hễ biết ly thì chẳng lọt vào tất cả phiền não, hễ thấy vi thì chẳng lọt vào tất cả hư vọng; chẳng có hư vọng thì lý chơn nhất hiện, chẳng có phiền não thì sáng tỏ tự nhiên. Diệu nghĩa của ly vi chẳng một chẳng hai, ngôn thuyết chẳng thể nói, phải dùng thâm tâm thể cứu mới được sáng tỏ hiện tiền. Người học đạo chẳng nên quên cái đạo ly vi, đuổi theo tình thức, lời nói trái với tâm thì nghĩa lý chẳng thật. Nếu đối cảnh vô tâm, gặp duyên chẳng động, dụng công chẳng kể ngày đêm, chẳng màng đến động tịnh, chú tâm một chỗ, mới có thể khế ngộ, hễ có sự lấy bỏ, vọng có sở tu, vọng có sở chứng, đều chẳng vào được chơn thật, ấy là trái nghĩa ly vi, hủy pháp đại đạo.
Hễ chơn thì chẳng cần cầu, vì bên ngoài vô sở đắc, hễ thật thì chẳng cần tu, vì bên trong vô sở chứng, hễ không có vọng tưởng thì đạo ly vi hiện tiền. Ly là trống rỗng, vi là nhiệm mầu, hư vô tịch lặng nên gọi là ly vi.
Bậc thánh sở dĩ không có vọng tưởng vì thông đạt sự ly, diệu dụng vô cùng vì liễu triệt sự vi, vi thì vô tâm, ly thì vô thân, thân tâm đều mất, linh trí độc tồn, tuyệt nơi hữu vô, bặt nơi năng sở, pháp giới tự nhiên, công dụng sáng tỏ mà vô sanh. Nên bậc thánh ở nơi vô vi mà tùy cơ hóa độ, dùng giáo pháp chẳng cần ngôn ngữ mà âm thầm khế hợp chơn lý, tịch lặng chẳng thấy tướng người, cho nên được dung thông đại tượng, bao hàm vạn vật, cũng như hư không đầy đủ khắp nơi; kẻ mê nơi vô ngã mà lập ngã thì bên trong sanh khởi ngã đảo (ngã chấp điên đảo), trong sanh ngã đảo thì thánh lý bị kẹt; thánh lý bị kẹt thì bên ngoài có sở lập, ngoài có sở lập thì trong ngoài đều bị chướng ngại. Trong ngoài chướng ngại thì vật lý chẳng thông, bèn vọng khởi lưu chuyển luân hồi, sự lưu chuyển hỗn độn nơi tịch chiếu nên đại tượng chìm mất, chơn nhất nhiễu loạn; chơn nhất nhiễu loạn thì tà kiến vọng khởi, nên bị trôi lăn trong vòng sanh tử, vì thế nên giả lập cái luận ly vi để tỏ rõ thể dụng nhiệm mầu của tự tánh. Người học đạo hễ tham cứu mãi thì cuối cùng sẽ rõ được nguồn gốc của hư thật.
Sắc pháp thanh pháp, như bóng như tiếng, nếu chỉ dùng bóng và tiếng để chỉ bày thật tướng thì chưa thể cho là chơn thật, bởi vì ngón tay chẳng phải mặt trăng, lời nói chẳng phải là đạo, người học nên được đạo quên lời, thấy trăng quên ngón. Vậy thì kẻ mê ly tức tà ma, vì tham ái trần lao, cam chịu sanh tử; kẻ mê vi tức ngoại đạo, vì ham so đo tìm cầu, vọng khởi chư kiến.
Hữu và vô là căn bản của chư kiến. Sao gọi là hữu? Vì vọng có sở tác; sao gọi là vô? Vì quán xét thấy vô sở đắc. Đã có hai thứ kiến chấp hữu vô nên sanh khởi chư kiến, chư kiến đã khởi tức tà kiến bất chơn nên gọi là ngoại đạo.
Tồn và vong là căn bản của sanh tử, thân tồn thì sanh, thân vong thì diệt, kẻ chấp trước vọng tưởng, ham thích ngoại cảnh, ôm chặt thân kiến (chấp thân là thật), mong cầu vị lai được sanh nơi thù thắng, thọ quả báo tốt đẹp nên gọi là tà ma.
Hễ thấu được ly thì tất cả chẳng nhiễm, chẳng nhiễm tức siêu việt cảnh giới tà ma; hễ thấu được vi thì tất cả tịch lặng, chẳng có vọng tưởng, tức siêu việt đủ thứ tà kiến ngoại đạo, nên Kinh nói "vi diệu thâm sâu", chẳng lìa tự tánh vậy.
Nói vi là chẳng có chư kiến, nói ly là chẳng có nhiễm trước, chẳng nhiễm chẳng trước thì tịch diệt làm vui. Sao gọi là khổ? Vì chẳng liễu được vi nên bên trong có suy tư, vì chẳng liễu được ly, nên bên ngoài có nương tựa. Ngoài có nương tựa là tham, trong có suy tư là duyên, duyên tham đã khởi, liền bị cảnh ma sai khiến, ngày đêm bâng khuâng chẳng được tạm ngừng, cam chịu trần lao nên gọi là khổ. Sao gọi là vui? Vì liễu được vi nên bên trong chẳng suy tư, vì liễu được ly nên bên ngoài chẳng nương tựa. Ngoài chẳng nương tựa tức chẳng tham, trong chẳng suy tư tức chẳng duyên, chẳng duyên chẳng tham thì không bị vạn hữu trói buộc, cũng không bị trần lao sai khiến, do đó thanh hư tịch lặng, chẳng có gì chướng ngại, tự tánh giải thoát nên gọi là vui.
Ly tức lý, vi tức mật. Sao gọi là lý? Vì chẳng lìa tất cả vật; Sao gọi là mật? Vì bản thể ẩn mật mà hiện ra công dụng.
Ly tức không, vi tức hữu, "không" nên vô tướng, "hữu" nên hiển dụng. Do vậy phi hữu phi không là chánh tông của muôn pháp, phi không phi hữu là cha mẹ của vạn vật, ra chẳng phương hướng để đến, vào chẳng xứ sở để ở, bao gồm vạn hữu mà chẳng có việc làm, hóa độ muôn loài mà chẳng phải pháp chủ. Cho nên tiểu thất mà rộng vô biên, nhất niệm mà thông muôn loài, tâm chẳng thể suy lường, ý chẳng thể hiểu biết, ấy gọi là sức dụng trụ nơi giải thoát bất tư nghì. Sao gọi bất tư nghì? Vì bản thể vốn ly vi. Sao gọi là giải thoát? Vì chẳng có gì trói buộc vậy.
Ly tức pháp, vi tức Phật, cả hai hòa hợp gọi là tăng, ba tên một thể, một thể ba tên, hòa lẫn thì chẳng thể phân biệt, trở về cội nguồn lại thành vô danh. Ly tức dung, vi tức dùng. Dung thì bao hàm cáu bẩn, dùng thì chẳng gì so bằng. Chẳng gì so bằng nên diệu hạnh hóa độ thường xuyên, bao hàm cáu bẩn nên thường lẫn lộn trong vạn hữu. Lại chẳng mắt chẳng tai gọi là ly, có thấy có nghe gọi là vi, vô ngã vô tác gọi là ly, có trí có dụng gọi là vi; vô tâm vô ý gọi là ly, có thông có đạt gọi là vi. Lại ly tức niết bàn, vi tức bát nhã, bát nhã thì vô biên đại dụng, niết bàn thì tịch diệt vô dư; vô dư thì phiền não chấm dứt, đại dụng thì giáo hóa vô cùng. Nếu người chẳng liễu đạt ly vi, dù cho khổ hạnh đầu đà, xa lìa cảnh trần, dứt tham sân si, thành tựu nhẫn nhục trải qua vô lượng kiếp, cũng chẳng vào được chơn thật. Tại sao? Vì bị kẹt nơi y báo chánh báo, trụ nơi có sở đắc, chẳng lìa điên đảo mộng tưởng tà giác và chư kiến. Nếu có người thấu rõ ly vi, dù tập khí, vọng tưởng và phiền não vẫn còn hiện hành, nhưng luôn luôn cảnh giác diệu nghĩa của ly vi, thì người ấy chẳng bao lâu sẽ vào được chơn thật của vô thượng đạo. Vì sao? Vì liễu được căn bản của chánh kiến.
Nói ly là đối với lục nhập, nói vi là đối với lục thức, nếu hợp sáu thành một thì tịch lặng vô vật. Bậc thánh tùy theo sự chấp chẳng đồng của chúng sanh mà thiết lập đủ thứ ngôn giáo để ứng cơ hóa độ, nhưng trong lý cứu cánh thì chẳng có danh tự, ví như hư không, lìa số và phi số, lìa tánh và phi tánh, phi nhất phi dị, phi cảnh phi lìa cảnh, chẳng có xuất nhập, tâm thức chẳng thể suy lường.
Tất cả kinh luận đều tùy theo phàm tình mà phá chấp, tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh mà giả lập phương tiện, đều chẳng trụ nơi danh tướng và sự vật. Nếu chẳng trụ danh tướng thì chẳng cần tất cả ngôn thuyết và nghĩa của ly vi, nên Kinh nói "tùy nghi thuyết pháp, lý thú khó hiểu", dù nói các thừa, đều chỉ là phương tiện để trợ đạo cho chúng sanh chớ chẳng phải thật có cứu cánh giải thoát niết bàn. Ví như có người vẽ hình trong hư không và phát ra đủ thứ âm thanh, nhưng hư không cũng chẳng hiện tướng gì cả, cũng chẳng thấy thêm bớt biến động, hóa thân của chư Phật thuyết pháp cũng như vậy, ở nơi thực tế chẳng có đồng dị. Cho nên trời đất hàm ly, hư không hàm vi, mà sự tạo tác của vạn vật biến hóa vô cùng.
Tự tánh có thần, trong thần có trí, trong trí có thông, thông có ngũ thông, trí có ba thứ. Thế nào là Ngũ thông? Một là đạo thông, hai là thần thông, ba là y thông, bốn là báo thông, năm là yêu thông. Sao gọi yêu thông? Côn trùng già biến thành tinh, nhập vào thân người, thông minh kỳ lạ, ấy là yêu thông. Sao gọi báo thông? Biết quá khứ vị lai của quỷ thần, biến hóa của cõi trời và thần long, ấy là báo thông. Sao gọi y thông? Y theo pháp mà biết, duyên theo thân mà dùng, vãng lai bằng phù chú, y theo luyện đơn để tỏ linh biến, ấy là y thông. Sao gọi thần thông? Tịnh tâm chiếu soi, biết quá khứ vị lai, tùy theo sức định có đủ thứ biến hóa, ấy là thần thông. Sao gọi đạo thông? Ứng vật vô tâm, tùy duyên giáo hóa vạn hữu, quán tất cả pháp đều như hoa đốm trên không, bóng trăng trong nước, dù thấy mọi thứ hình tướng đều chẳng chấp thật, ấy gọi là đạo thông.
Thế nào là ba thứ trí? Một là chơn trí, hai là nội trí, ba là ngoại trí. Sao gọi ngoại trí? Lục căn phân biệt, hiểu biết cảnh trần, bác học cổ kim, thông suốt thế tục, ấy là ngoại trí. Sao gọi nội trí? Tự ngộï vô minh, phiền não cắt đứt, tâm ý tịch lặng, tất cả đều không, ấy là nội trí. Sao gọi chơn trí? Ngộ được bản thể tịch lặng, vốn là vô vật, thông đạt khắp nơi, tịnh nhiễm chẳng khác, ấy là chơn trí. Nên chơn trí đạo thông, chẳng thể gán tên, ngoài ra đều tà ngụy. Ngụy tức chẳng chơn, tà tức chẳng chánh, vì tâm sanh vọng chấp, mê nơi thể tánh, nên giả lập hai tên nội trí và ngoại trí. Nếu ngộ nhập ly vi, thông đạt vạn hữu thì tự tánh vốn chơn, siêu việt tất cả. Muốn phân biệt tà chánh, thấu rõ chơn ngụy cần phải pháp nhãn sáng tỏ mới được thông suốt. Nhưng người thế gian phần nhiều tin theo tà ngụy, chánh tín rất ít, tiểu thừa hiện hành, đại thừa bị kẹt, nên diệu lý khó được hiển bày. Ly là vô thân, vi là vô tâm; vô thân nên đại thân, vô tâm nên đại tâm. Đại tâm thì cùng khắp vạn vật, đại thân thì ứng cơ đầy đủ, nếu chấp thân là thân thì mất đại ứng (ứng cơ), nếu chấp tâm là tâm thì mất đại trí, cho nên muôn ngàn kinh luận đều nói phải lìa thân tâm, phá hết tri kiến chấp trước mới vào được chơn thật. Ví như thợ bạc luyện lấy vàng ròng, phải lược bỏ những chất khác mới làm đồ dùng bằng vàng thiệt được, nếu chấp thật có thân thì bị "có thân" chướng ngại, có thân chướng ngại thì pháp thân ẩn nơi hình tượng; nếu chấp thật có tâm thì bị "có tâm" chướng ngại, có tâm chướng ngại thì chơn trí ẩn nơi tưởng niệm, thế thì lục thức nhiễu loạn bên trong, lục căn phan duyên bên ngoài, ngày đêm bâng khuâng chẳng được ngừng nghỉ, khiến cho diệu lý chìm mất, đại đạo chẳng thông.
Chẳng quán tâm thì chẳng thấy vi, chẳng quán thân thì chẳng thấy ly, nếu chẳng thấy ly vi thì lạc mất pháp yếu của đạo. Nên kinh Kim Cang nói "Phật thuyết phi thân, thị danh đại thân" là nghĩa này vậy. Nói bỏ quyền (phương tiện tùy nghi) về thật, bỏ giả về chơn, cũng như thợ bạc lấy nhiều đồ bằng vàng để đúc thành một tượng, diệt những tướng khác nhau, hỗn hợp thành một, tức là đại dã (rèn đúc nhiều đồ kim loại trong một lò). Nói đại dã tức là đại đạo vậy, trong lò đúc của đại đạo, tạo hóa vô cùng, làm ra muôn ngàn đồ dùng, hoặc thành hoặc hoại mà bản thể chẳng có thêm bớt. Nên Kinh nói "có Phật chẳng Phật, tánh tướng thường trụ" sở dĩ nói dung tướng (nhiều tướng dung hợp thành một) là vì phàm phu chấp hữu tướng, sợ vô tướng; sở dĩ nói tướng là vì ngoại đạo chấp vô tướng, sợ hữu tướng, sở dĩ nói trung đạo là muốn khiến cho hữu tướng và vô tướng chẳng khác, phàm dùng lời nói diễn tả được đều chẳng phải chơn lý, tất cả đều là để phá chấp và dứt trừ sự nghi ngờ mà thôi. Nếu có người liễu ngộ Thật tướng chẳng có một pháp, bình đẳng bất nhị, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng bỉ (cái kia) chẳng thử (cái này), cũng chẳng trung gian (chính giữa), thì chẳng nhờ lời nói của bậc thánh mà chơn lý tự thông vậy.
Hể cho tướng là vô tướng thì tướng tức vô tướng, nên Kinh nói "sắc tức thị không", chẳng phải dùng sắc để diệt không, cũng như nước chảy im lìm, bị gió đánh lên bọt, tức bọt là nước, chẳng phải dùng bọt để diệt nước. Hễ cho vô tướng là tướng thì vô tướng tức là tướng vậy. Kinh nói "không tức thị sắc", chẳng phải dùng không để diệt sắc, không vô tận thì sắc vô tận, cũng như hủy bọt thành nước, nước tức là bọt, chẳng phải lìa nước có bọt. Kẻ ham hữu tướng sợ vô tướng, vì chẳng biết hữu tướng tức vô tướng; kẻ ham vô tướng sợ hữu tướng, vì chẳng biết vô tướng tức là tướng, kỳ thật hữu tướng, vô tướng tất cả đều ở trong tự tánh, người giác ngộ được gọi là Phật. Hễ ngộ thì vọng tưởng chẳng sanh, nếu vọng chẳng sanh thì bản thể vốn chơn thật.
Tướng của vô tướng gọi là ly, vì bản thể của ly vốn vô tướng; vô tướng của tướng gọi là vi, vì bản thể của vi chẳng phải vô tướng. Cho nên người hành đạo sống chẳng thấy vui, chết cũng chẳng buồn. Tại sao? Vì sống là trôi nổi, chết là nghỉ ngơi, cho sống là huyễn hóa, chết là chơn thật. Nên Kinh nói "sanh chỉ là pháp sanh, diệt chỉ là pháp diệt". Nói đến những pháp này, mỗi mỗi đều chẳng biết nhau, lúc sanh chẳng nói ta sanh, lúc diệt chẳng nói ta diệt. Bởi vì đại trí vô tri, đại giác vô giác, chơn tế lý không (nơi nghĩa lý chơn thật của tự tánh vốn trống rỗng), chẳng thể gán tên, chẳng thể lập tướng, cho nên niết bàn đại tịch, bát nhã vô tri, pháp thân viên mãn, tất cả sắc tướng có số lượng đều tịch diệt vậy.