1. Trí Huệ rốt ráo đưa qua bờ bên kia. Bờ bên kia là Niết-bàn đối với bờ bên này là sanh tử.
Ý thức bao giờ cũng phân chia chủ thể và khách thể. Cao điểm của ý thức là khoa học. Khoa học là một cái biết bên ngoài mình. Cái biết đó không thể đồng hóa được với vật được tìm hiểu. Với khoa học, luôn luôn có một sự ngăn cách vĩnh viễn giữa người biết và vật được biết. Đó cũng là giới hạn của ý thức. Với cái biết phân chia giữa chủ và khách như thế, cái biết đó không thể là một với bản thể của sự vật. Trí Huệ siêu việt lên ý thức. Trí Huệ là cái biết trong đó, chủ thể và khách thể đều hòa nhập làm một, phá bỏ mọi hiện tượng vỏ ngoài để làm một trong bản thể, vì bản thể của chủ thể và khách thể là một.
Đây là cái biết của Thiền định. Trí Huệ chỉ có trong Thiền định, nghĩa là khi tất cả mọi vọng tưởng chấm dứt.
2. Trí Huệ Bát-nhã chỉ hiển hiện khi ý thức phân biệt ngừng bặt. Khi sóng yên, mặt nước bằng phẳng phản chiếu mặt trăng thực tại. Ý thức luôn duyên theo cảnh ngoài, vọng động không ngừng. Tất cả mọi Pháp môn của đạo Phật đều là điều phục tâm thức, nên lấy tâm làm căn bản. Nếu biết: tâm sanh thì tất cả pháp sanh, tâm diệt thì tất cả pháp diệt, tức thì tâm không còn niệm. Tâm Không là Trí Huệ.
3. Tổ Bá Trượng nói với Thiền sư Vô Ngôn Thông, vị Tổ Thiền Việt Nam: “Tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu”. Đất tâm nếu không, mặt trời trí huệ bèn tự chiếu.
4. Ngài Huệ Năng nói: “Niệm trước không sanh là Tâm, niệm sau không diệt là Phật.” Không có niệm sanh, không có niệm diệt là Trí Huệ.