Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

VÀI NÉT TIỂU SỬ CỦA LÃO SƯ ĐẠI VÂN

Tổ Nhạc Nguyên Điền (Sogaku Harada) [pháp danh Đại Vân], người được Yaeko Iwasaki gửi các bức thư và những lời bình của ông đi kèm các bức thư ấy, mất ngày 12–12–1961, lúc 91 tuổi. Trong tang lễ của ông, kế bên di ảnh ông, người ta treo một cuộn giấy có mấy dòng chữ do chính tay ông viết:  

Bốn mươi năm bán nước 

Bên bờ sông 

Ô hô! 

Lao nhọc ấy hoàn toàn không công đức. 

Những dòng theo phong cách Thiền này đúng là một bài minh trên bia mộ vì không một Thiền sư Nhật nào trong những thời gian gần đây đã cần mẫn nỗ lực hơn Lão sư Đại Vân để dạy môn sinh rằng không có gì để học cả. Mười bốn người thừa kế Pháp và vô số môn sinh, tín đồ đã giác ngộ khắp nước Nhật chứng kiến những nỗ lực của ông, nếu nói “không công đức” vô hình trung là vô lý.

Mang danh nghĩa phái Tào Động, ông đã hàn gắn những cái hay nhất của Tào Động và Lâm Tế lại với nhau và hệ thống phối hợp kết quả, ấy là một thứ Phật giáo gây chấn động đã trở thành một trong những dòng giáo lý vĩ đại tại Nhật bản ngày nay. Có lẽ hơn ai hết, qua nội kiến tâm linh sâu xa của mình, ông làm sống lại những lời dạy của Thiền sư Đạo Nguyên đã bị dần dà hao mòn sức sống do sự hiểu biết nông cạn của các tu sĩ và học giả Tào Động cho đến bấy giờ họ còn nắm trong tay quyền giải thích những lời dạy ấy. Lời bình luận của ông về cuốn Tu Chứng Nghĩa (Shushoghi), một biên tập pháp điển của bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng của Đạo Nguyên, đã được công nhận là một trong những bình luận thâm áo nhất thuộc loại này.

Chùa Phát Tâm, tự viện của Lão sư Đại Vân, nằm trên Biển Nhật bản, chìm trong những cơn mưa không ngớt thường xuyên bị những cơn bão tuyết bao phủ, những trận lụt lớn có định kỳ trấn áp từ bên ngoài và nội qui nghiêm khắc chưa từng có “đu đưa” từ bên trong, đã nổi tiếng là Thiền viện khắc nghiệt nhất trong khắp nước Nhật, và chính Lão sư Đại Vân là người điều hành Thiền nghiêm chỉnh nhất. Hơn một lần ông đã từ chối những lời mời lãnh đạo các tự viện ở những vùng thời tiết ôn hòa hơn của nước Nhật, chủ trương rằng điều kiện khí hậu khắc nghiệt này giúp thúc đẩy tâm con người vào hốc bụng của họ, nơi mà cuối cùng họ sẽ tìm thấy bí mật của vũ trụ ở đó. Hàng trăm người cả đàn ông lẫn đàn bà đã kéo nhau đến chùa Phát Tâm trong những ngày cực thịnh của nó, do hấp lực phi thường của lão sư lôi cuốn và đưa họ đến Tự giác ngộ.

Giống như những bậc thầy có mức phát triển tâm linh cao, ông là vị thẩm phán có cá tính sắc bén nhất, ông phát hiện cũng như phanh phui nhanh chóng sự giả bộ, giả vờ. Những môn sinh bất bình thường bị tống khứ không thương xót, đối xử với họ bằng những phương cách hay nhất mà họ có thể chịu đựng được. Vì tất cả những gì ông đòi hỏi là lòng chân thành không thể không có (sine qua non) và sự gắng bó tuyệt đối với những lời dạy của ông, không chịu bất cứ sự lệch lạc nào dù nhỏ nhất. Những người quan sát bình thường thấy ông cứng ngắt và hẹp hòi, nhưng môn đệ và môn sinh tin tưởng nơi lời dạy của ông đều biết ông trí tuệ và từ bi.

Bên cạnh tính cách nghiêm khắc ấy, Lão sư Đại Vân có khía cạnh dịu dàng, và mặc dù ông không lấy vợ bao giờ mà chỉ là một tăng nhân theo đúng nghĩa của từ, ông thích đùa dỡn với trẻ con và rất thích súc vật, đặc biệt là chó.

Hoàn toàn đặt căn bản trên giáo lý và nội qui của hai phái Tào Động và Lâm Tế, một cách nổi bật, Lão sư Đại Vân xứng đáng dạy một thứ Thiền toàn bích. Lên bảy ông đã nhập vào đời sống chùa chiền Tào Động như một chú tiểu mới bắt đầu và tiếp tục tu tập ở nhiều chùa Tào Động suốt những năm tiểu học và trung học.

Lúc 20 tuổi ông phải đối mặt với sự đối lập cố chấp của người cố vấn Tào Động của ông, ông trở thành tăng nhân của chùa Shogen, trong thời gian đó nó là một tự viện Lâm Tế, vì ông đã không thể tìm được một bậc thầy thâm ngộ trong phái Tào Động. Trong hai năm rưỡi tu tập phi thường ở đó, ông đã đạt kiến tánh, nhưng sự giác ngộ của ông còn thiếu sự giả thoát hoàn toàn.

Năm 27 tuổi, do người cha khăng khăng muốn ông học phổ thông thêm nũa, ông đã từ giã chùa Shogen và ghi tên vào đại học Kamazawa (Câu Trạch), do phái Tào Động đỡ đầu. Sau khi tốt nghiệp ông tiếp tục thêm sáu năm nữa để nghiên cứu Phật giáo dưới sự hướng dẫn của các học giả nổi tiếng. Nhưng trong khi kiến thức Phật giáo của ông phát triển, nó không đem lại cho ông sự giải thoát mà ông mong muốn. Vì thế ông quyết định đi Kyoto, mục đích là để gặp Lão sư Độc Trạm (Dokutan-roshi), trụ trì chùa Nam Thiền (Nanzen-ji), có tiếng là Thiền sư giỏi nhất còn sống.

Ông được Độc Trạm nhận làm môn đồ và trong hai năm kế tiếp, hàng ngày ông đến tham công án và độc tham với thầy, trong lúc ông sống với một người bạn ở Kyoto, người mà ông phụ giúp các công việc của chùa. Qua hai năm, Lão sư Độc Trạm xúc động vì trí thông minh phi thường, nhiệt tâm nóng cháy và khát vọng chân lý của người môn đồ đã ban bảo ông làm thị giả. Mặc dù lúc ấy tuổi đã gần 40, Tổ Nhạc Nguyên Điền đã lẹ làng nhận vinh dự đặc biệt này và đến sống tại chùa Nam Thiền. Ở đó ông lao mình vào tọa thiền kịch liệt và hoàn tất mọi công án, cuối cùng con mắt Tâm của ông đã mở ra trọn vẹn và đã nhận ấn khả của Lão sư Độc Trạm.

Lúc bấy giờ Đại học Kamazawa lại gọi ông dạy học theo hợp đồng đã ký. Việc này dẫn đến 12 năm giảng dạy Phật giáo ở Komazawa, phần thời gian ấy, ông đã sống như một giáo sư thực thụ.

Lão sư Đại Vân – giờ đây ông đã xứng đáng với danh hiệu Lão sư – là một hiện tượng hiếm có trong giới Phật giáo hàn lâm, một giáo sư trong năm học và một Thiền sư trong kỳ nghỉ hè hướng dẫn các khóa nhiếp tâm ở nhiều chùa khác nhau. Trong một thời gian ngắn ông đã nổi tiếng là người giới luật nghiêm khắc.

Không thỏa mãn với cuộc sống hàn lâm hạn hẹp và sự đặt nặng lý thuyết của nó, đi đôi với cơ hội có giới hạn mà nó cung cấp đủ để ông huấn luyện người qua nhiếp tâm theo kinh nghiệp trực tiếp với Pháp đã lên đến đỉnh do sự thỉnh cầu lặp đi lặp lại nhiều lần rằng ông đảm đương chức vụ trụ trì chùa Phát Tâm. Cuối cùng, ông đã chấp nhận, và 40 năm kế đó ông đã sống như một bậc sư của tự viện này và nó nổi tiếng là một trong những trung tâm huấn luyện Thiền kiệt xuất ở Nhật bản.

Cho đến khi tuổi đã gần 90, Lão sư Đại Vân vẫn còn hướng dẫn những tuần nhiếp tâm kịch liệt tại chùa Phát Tâm, sáu lần một năm vào tháng tư, tháng năm, tháng sáu, tháng mười, tháng mười một, và tháng mười hai. Và giữa các lần ấy, ông còn tổ chức những tuần nhiếp tâm ở nhiều nơi khác của nước Nhật. Năm ngày trước khi ông trút hơi thở cuối cùng, ông đã ngã xuống trong cơn mệt lả và không đau đớn, càng lúc càng trở nên yếu hơn, từ trạng thái hôn mê một phần cho đến vô thức hoàn toàn. Ông mất đúng vào lúc thủy triều xuống. Lão sư Đại Vân thực đã cùng hạ xuống với nước.

Xem mục lục