Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

PHẦN MỘT
GIÁO LÝ VÀ TU TẬP

Chương III 
Những Cuộc Độc Tham của Mười Người Phương Tây 
với Lão sư Bạch Vân

DẪN NHẬP CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP

Sự tò mò lan rộng và ảnh hưởng thực tế mà Phật giáo Thiền đã khơi dậy ở phương Tây từ Thế Chiến thứ II – một ảnh hưởng chắc chắn là ảnh hưởng về ý nghĩa văn hóa và các hiện tượng tôn giáo của thời đại chúng ta – đã sản sinh ra một nền văn học có tầm vóc trong một số ngôn ngữ châu Âu. Một vài quyển trong trong các quyển phổ thông hơn thuộc loại sách này bằng Anh ngữ được Alan Watts tóm lược trong quyển The Way of Zen (Con Đường Thiền) của ông nêu ra rằng ngay cả Giáo sư Suzuki cũng không cho một “tường thuật dễ hiểu về Thiền bao gồm cả bối cảnh lịch sử và mối quan hệ của nó với các con đường tư tưởng Trung hoa và Ấn độ,” cũng không viết về “mối quan hệ của Thiền với Đạo giáo Trung hoa và Phật giáo Ấn độ”; rằng bộ Zen in English Literature and Oriential Classics (Thiền trong Văn học Anh ngữ và các Tác phẩm Cổ điển phương Đông) của R. H. Blyth cũng “thiếu thông tin về bối cảnh” và "không cố gắng trình bày có thứ tự về đề tài [Thiền]”; và rằng Chrismas Humphrey trong cuốn Zen Buddhism (Phật giáo Thiền) “không thực sự đặt Thiền trong mạch văn hóa.” Vì thế ông kết luận rằng đang có sự bối rối giữa những người phương Tây quan tâm đến Thiền vì thiếu “một tường thuật nền tảng, thứ tự và dễ hiểu về đề tài.”

            Kết luận ấy có tính cách dẫn dắt sai lầm cao độ. Sự kích thích tiến gần Thiền về mặt lý thuyết đối với các trí óc hàn lâm và những tò mò trí thức còn có thể được, song đối với những kẻ tìm kiếm hăng hái nhất mong đạt được giác ngộ thì nó còn tệ hơn là vô ích nữa, thật là nguy hiểm. Bất cứ ai nghiêm chỉnh cố gắng tu tập Thiền sau khi đọc những cuốn sách như thế không những chỉ thấy chúng đã chuẩn bị cho mình tọa thiền một cách nghèo nàn như thế nào mà thực tế còn cản đường mình đến đâu bằng cách trói buộc tâm mình vào những mảnh vỡ của các công án và những mảnh vụn của triết học, tâm lý học, thần học và thi ca khuấy động đầu óc, khiến cho mình trở nên khó khăn vô cùng trong việc tĩnh tâm va đạt trạng thái chánh định. Không phải không có lý do chính đáng khi các Thiền sư Trung hoa và Nhật bản cảnh cáo sự tiến gần có tính cách kiểu sức và lý trí đến kinh nghiệm chân ngộ sáng ngời là vô ích.

            Cái gì đưa đến Tự chứng ngộ không phải là kiến thức về Trung hoa, Ấn độ hay những con đường tư tưởng khác mà là các phương pháp thực hành đúng đắn đặt căn bản trên lời dạy của các bậc thầy. Trái tim của tu thiền là tọa thiền. Gạt bỏ trái tim này thì nó chỉ còn là cái xác không hồn. Bất chấp điều ấy, các quyển sách do ông Watts đã kể và những cuốn sách về Thiền của chính ông cũng không chứa gì hơn một sự thông tin sơ sài – và một vài cuốn cũng không được như thế nữa – về đề tài trọng yếu này. Cuộc đính ước tiến gần Thiền có tính cách triết học và lý thuyết này quá ư bề ngoài, theo bản kê cứu của một tuyển tập gần đây về các bài viết của giáo sư Suzuki. Trong tập sách ngót 550 trang đó người ta chỉ có thể tìm thấy có hai chỗ nói đến tọa thiền, một là một chú thích và chỗ kia chỉ trơ trọi ba dòng trong bản văn.

            Một vài người khác giải thích Thiền, người châu Á cũng như người phương Tây, còn hướng dẫn sai lầm độc giả của họ theo một hướng khác nữa. Theo cách thưởng thức kịch, họ nhấn mạnh một cách không thích đáng sự la hét và đánh đấm của các sư Trung hoa thời xưa, dù cho họ câu độc giả bằng những trích dẫn giật gân, nghịch lý như “Phải giết Phật” và “Nói được, ba chục gậy! Không nói được, ba chục gậy!” Họ có thể cố gắng khích động độc giả chấp nhận một thứ Thiền huyền bí và bổ bang thánh tượng, chấp nhận những bí mật sâu kín nhất mà chỉ một số rất ít lọc lựa làm kẻ đồng mưu không? Vì mục đích gì, người ta có thể hỏi, một vài người viết, có lẽ ít bi đát hơn, nhưng cũng bằng các công án có tính cách ngẫu hứng đào bới được bị đặt nhầm chỗ mà trước đây chưa từng được xuất bản bằng Anh ngữ, “giải đáp” chúng để cảm hóa những người đọc ít giác ngộ.

            Thiền như thực tế được thực hành ngày nay, đặc biệt là các sư dạy và hướng dẫn các học viên và môn đệ như thế nào trong những giây phút không có gì là kịch cả, đôi khi hơi buồn chán và thất vọng trong việc huấn luyện Thiền hết ngày này đến ngày khác, hoặc về bản chất các vấn đề mà học viên hiện thời đưa ra trước các sư – về điểm này thì các tác giả ấy im lặng một cách kỳ lạ.

            Ấy là sự bóp méo Thiền và không phải là thiếu “sự trình bày có hệ thống và uyên bác” nằm tại gốc rễ của sự nhầm lẫn hiện nay. Vì một số không phải là không quan trọng những người phương Tây, do cái mũi nhọn hàn lâm này hướng dẫn lầm lạc về một thứ Thiền giả thiết mà nó là sản phẩm của lý thuyết và suy diễn, không phải kinh nghiệm cá nhân, đã bị các hình thức phát biểu bí hiểm và dường như vô nghĩa của các công án cũng như cách hành xử mà bề ngoài có vẻ tàn nhẫn và phi lý của các Thiền sư Trung hoa bác bỏ. Kết quả là họ đã phản đối Thiền như là một cách tu hành kỳ quái và ngoại lai, không phù hợp với tâm trí người phương Tây. Những người khác lẹ làng khai thác sự tự do khoa trương về Thiền như là chuẩn y sự sùng bái tự do chủ nghĩa, lợi dụng tình trạng xuất bản không phân biệt rõ ràng và vô trách nhiệm các công án bị cô lập với bản thân giáo lý Thiền như là một toàn thể, làm giảm giá trị và sai lạc Thiền vì các mục đích như thế.

            Hy vọng rằng sự tiết lộ những gì thực tế xảy ra giữa một Thiền sư và các học viên này sẽ không những chỉ đánh tan toàn bộ ý niệm sai lầm rằng Thiền là ngoại lai hoặc “huyền bí” hoặc chỉ là sự nghiên cứu văn hóa khá hấp dẫn nếu không nói là hơi kỳ quặc, mà còn tiết lộ Thiền như là một giáo lý thẳng thắn và thực tiễn nổi bật và khi được hiểu và thực hành đúng thì rõ ràng Thiền có khả năng giải thoát con người khỏi những sợ hãi và lo âu sâu kín để họ có thể sống và chết với sự bình an và trang nghiêm, trong thời đại hạch tâm của chúng ta cũng không ít hơn trong quá khứ.

            Biên tập những chỉ giáo và hướng dẫn đã được ban cho mười học viên phương Tây - người châu Mỹ và người châu Âu - cùng với những câu hỏi và đáp của họ, chúng tôi tin là một trình bày dễ hiểu đầu tiên xuất hiện bằng Anh ngữ hay bất cứ ngôn ngữ nào khác, về các phương pháp và kỹ thuật giảng dạy thực tiễn của một Thiền sư theo chiều hướng huấn luyện Thiền đích thực. Toàn bộ gồm tám mươi lăm cuộc độc tham (dokusan). Chúng được góp nhặt trong một thời kỳ hai năm và thay đổi từ hai đến hăm bốn lần độc tham cho một học viên riêng biệt. Cuộc đối thoại xuất hiện giữa một nhóm các dấu sao là bản ghi lại một cuộc độc tham đầy đủ với vị lão sư từ lúc người học viên bước vào phòng cho đến khi trở ra. Nói chung, các cuộc độc tham của từng học viên riêng biệt được xếp theo thứ tự thời gian chúng diễn ra. Nhưng đây không phải là bản ghi lại liên tục mọi cuộc gặp gỡ với vị lão sư. Những cuộc độc tham chỉ gồm không hơn vài lời khuyến khích hay, nói chung, thiếu lợi ích đã được loại bỏ. Nơi nào có một số cuộc độc tham của một học viên can dự, ở đó có một thời kỳ một hay hai tháng xen vào.

            Mỗi cuộc độc tham trong số các cuộc độc tham này xảy ra trong thời kỳ biệt tu gọi là nhiếp tâm (sẽ được miêu tả đầy đủ trong một chương sau), trong khi đa số các cuộc độc tham đều ngắn gọn, cần thiết phù hợp với nhu cầu những ba mươi lăm hay bốn chục người, ba lần một ngày, thì thời gian của các cuộc độc tham đều do những đòi hỏi của cá nhân quyết định tối hậu chứ không do một thời hạn độc đoán nào cả.

            Tất cả các học viên ấy đều là người mới bắt đầu theo nghĩa chưa ai vượt qua được công án đầu tiên của họ (nghĩa là chưa chứng ngộ) trừ một trường hợp(1), và tất cả đã thực hành tọa thiền ở Nhật trong thời kỳ từ vài tuần lễ cho đến hai năm. Trong những trường hợp cá biệt, có thể phân biệt được một kiểu phát triển tri thức nhưng là một tri thức chưa trưởng thành để giác ngộ.

Người ta có thể nêu ra rằng những câu hỏi liên quan đến lý thuyết hay giáo lý – ví dụ, “Chỉ quán đả tọa và tọa thiền công án có gì khác nhau?” – không được vị lão sư bàn đến theo qui tắc trong độc tham, nhưng bởi vì những người

phương Tây này đều là người nước ngoài đến từ các nền văn hóa phi Phật giáo, nên ông trả lời họ. 

            Tài liệu sẽ tự nói cho nó, và bất cứ cố gắng phân tích hay giải thích nào về nó cũng sẽ không những chỉ là

----------------------------------------------

(1) Học viên H. .Ghi cả trường hợp này vào đây để người đọc có thể so sánh sự tiếp cận khác biệt của vị lão sư với một học viên ở mức cao hơn.

 

thừa mà còn có tính chất tự phụ nữa. Tuy nhiên, đối với những độc giả thiếu sự tiếp xúc với một bậc thầy có phẩm chất thì một lượng tin tức nhất định về bối cảnh có liên hệ đến thực hành độc tham ở Nhật ngày nay, đặc biệt như nó tác động lên người phương Tây, sẽ giúp họ có thể lợi dụng đến mức tối đa để thực hành theo tinh thần lời khuyên và chỉ giáo của vị lão sư như đã tiết lộ trong các cuộc độc tham ấy.

            Tọa thiền cùng với đề xướng (teisho) và độc tham tạo thành bộ ba để cho sự huấn luyện Thiền truyền thống đứng vững. Đối với người mới bắt đầu, cuộc gặp gỡ “mày đối mày” này với vị lão sư trong nội thất một cách riêng biệt có thể có điều gì đó khác biệt với kinh nghiệm hứng khởi và phong phú kỳ diệu, đem lại động cơ và chiều hướng thực hành cho y, đối với sự thử thách đáng sợ của những thất vọng to lớn tùy thuộc vào sức mạnh và tính chất nhiệt tâm của y, cái điểm mà sự tọa thiền của y trưởng thành, và quan trọng nhất là tùy theo nhân cách và các phương thức chỉ dạy của vị lão sư.

Một khi người học viên bước vào phòng độc tham và cúi lạy như là dấu hiệu bày tỏ lòng kính trọng và khiêm tốn, y hoàn toàn có quyền tự do nói hoặc làm bất cứ diều gì cho đến khi nào nó còn là một biểu hiện chân chính của sự cầu tìm chân lý và liên hệ một cách hợp lệ với sự tu tập của mình. Ngay từ lúc khởi đầu, khi y chưa kiểm soát được các tư niệm bất thường hay chưa chận đứng được sự vị ngã, thông thường và nhất là, nếu y có khuynh hướng triết học cố đưa vị lão sư vào những cuộc tranh luận trừu tượng, lý thuyết. Nhưng theo thời gian và qua thực hành tọa thiền đều đặn, tâm trở nên yên tĩnh hơn, sâu lắng hơn và qui nhất hơn, y sẽ hết quan tâm đến tranh luận trống rỗng và trở nên dễ chấp nhận hoàn toàn vị lão sư và các hướng dẫn của ông.

Với thực hành tọa thiền nhiều hơn, y sẽ dần dần bắt đầu kinh nghiệm, dù chỉ chốc lát, sự hài hòa và hợp nhất thâm sâu (nhất là các kỳ nhập chánh định), mà nó bắt đầu thế chỗ những cảm giác bất hòa và nhầm lẫn cảm thấy trước kia. Bấy giờ khi đến trước vị lão sư và khi được hỏi, y sẽ đáp với sự mạnh dạn và hoạt bát mà trước kia thì bối rối và ngập ngừng. Y có thể la hét với vị lão sư, song không phải vì bực bội hay tức giận, mà vì đã thoát khỏi đến một mức độ lớn lao những cơ cấu của trí óc và tình cảm đã ràng buộc y cho đến lúc này, và có thể gia tăng gom góp các năng lực của thể xác và tinh thần còn mơ màng bên trong. Khi sự tọa thiền trở nên sâu hơn và tâm đã được tẩy sạch các giá trị hư ngụy và các ý niệm mê hoặc, y bỗng nhiên có thể nắm lấy cây gậy của vị lão sư đập lên tấm nệm để trả lời câu hỏi châm chọc. Hoặc khi được yêu cầu đưa ra chứng minh cụ thể về sự tri giải công án, y không cần nhờ đến  khái niệm hay lý thuyết mà trả lời với toàn bộ con người mình. Một học viên có thể đáp không suy nghĩ theo kiểu này là y đang bay lượn trên bờ mép của ngộ, mặc dù chính y không biết. Chỉ có vị lão sư, với những năm dài kinh nghiệm và con mắt sắc bén phân biệt, là có thể phân định được độ hiểu biết chính xác của y và cho y sự hướng dẫn và khích lệ cần thiết ở điểm trọng yếu này.

Một vị lão sư có tài sẽ không ngần ngại dùng phương tiện và mánh lới, không loại trừ những cái đánh rất lẹ bằng cây hốt  (kotsu)(2) mà bất cứ lúc nào cũng có bên

---------------------------------------

(2) Kotsu (Hốt): Từ tiếng Nhật chỉ cây gậy hay thanh cây của các lão sư, dài độ 4 tấc có hình giống cột xương sống con người, các sư dùng để nhấn mạnh một điểm, hay đôi khi đánh lẹ để khiển trách  một môn sinh.

 

ông khi ông tin rằng nó sẽ đánh thức và kích động tâm người học viên ra khỏi trạng thái vô thức mơ màng để bỗng nhiên nhận ra bản tánh chân thực của nó. Không phải là không thường xảy ra chuyện một người mới bắt đầu sẽ ngại xuất hiện trước vị lão sư ngay cả trong một cuộc độc tham hàng ngày. Thay vì hăng hái phóng nhanh đến vị trí xếp hàng khi nghe tiếng chuông độc tham vang lên,(3) y cứ ngồi dính chặt một chỗ sợ bị khiển trách vì chưa có sẵn lời giải đáp công án. Nếu không được các vị trưởng tăng (ở một tự viện) hay các vị trưởng tràng (ở một trung tâm) tảng lờ không biết đến sự do dự ấy, thì chứng tỏ y không đáng được ngay cả một cái đánh khuyến khích, mà rất có thể y sẽ bị lôi ra khỏi chỗ ngồi và tống cổ vào độc tham nếu ở một tự viện nghiêm khắc. Khi không hăng hái, cuối cùng y cũng phải xuất hiện trước vị lão sư, và ông có thể nghiêm trách y là nhút nhát, rồi vắng tắt đuổi khéo y ra mà không hỏi hay bình luận một lời nào. Hoặc ông có thể đánh y một hốt trong lúc y đang lạy và rồi rung chuông ra lệnh cho y đi ra. Trong lúc đi ra, y đau khổ và kinh ngạc, suy nghĩ lý do tại sao mình bị đuổi ra một cách độc đoán như thế.

            Chiến thuật đặt người học viên vào một tình thế tuyệt vọng, y bị đẩy tới một cách không nhân nhượng từ phía sau và lại bị bức lùi một cách mãnh liệt từ phía trước, thường tạo ra sức ép bên trong đưa y đến một vụ nổ bùng bên trong mà không có nó chân ngộ hiếm khi xảy ra.

--------------------------------------------------

(3) Những người phương Tây theo dự khóa nhiếp tâm đầu tiên thường bối rối và hiểu lầm cảnh này, giải thích nó thuộc về phần nghi thức đã được qui định. Thực ra không phải thế. Tiếng chuông độc tham bỗng vang lên đủ để giải trừ sự căng thẳng tích lũy đã phát triển trong khi nỗ lực tập trung kịch liệt. Đồng thời lại có sự thúc đẩy chạy đua không thể kìm chế được đến trước vị lão sư để được trắc nghiệm. Đôi khi, có những học viên chạy trước vào phòng vị lão sư, không đợi ông ra hiệu. 

Song những phương sách cực đoan như thế vô hình trung lại phổ biến trong Thiền. Nói chung, những phương sách như thế thường có trong phái Lâm Tế hơn là trong phái Tào Động. Ở các tự viện, kỷ luật thường cứng ngắt và thô bạo hơn. Dù vậy các khóa nhiếp tâm đột xuất ở chùa không vang dội những tiếng hét đinh tai để khuyến khích của các vị trưởng tràng và tiếng quất mạnh mẽ của kích trượng. Những người phương Tây thường không nghĩ ra rằng những cú đánh bằng gậy có thể đẩy người ta đến kiến tánh, và họ kinh ngạc thấy rằng không những kích trượng thường được sử dụng một cách không khoan nhượng đã làm cho nhiều người Nhật đạt ngộ ở các khóa  nhiếp tâm mà thực tế nó còn được người ta yêu cầu đánh nữa. Một trong các môn đệ của Đạo Nguyên đã dẫn lại lời sư trong Chánh Pháp Nhãn Tạng Dị Văn Ký (Shobogenzo Zuimonki) kể rằng khi còn ở Trung hoa, sư đã nghe đoạn sau đây bàn về tọa thiền của một Thiền sư nọ nói: “… Khi còn trẻ, tôi thường viếng các bậc trưởng thượng của nhiều tự viện khác nhau, và một trong số các vị đó đã giải thích rằng: ‘Ngày xưa tôi thường đánh mấy ông tăng ngủ gật mạnh đến nỗi nắm tay tôi suýt vỡ mất. Bây giờ già yếu rồi, tôi không thể đánh mạnh như vậy được nữa. Vì vậy, khó có thể đào tạo được những bậc cao tăng. Ngày nay trong nhiều tự viện, các bậc thượng tọa không nhấn mạnh đầy đủ việc ngồi. Vì thế, Phật giáo đang xuống dốc.’ Vị ấy khuyên tôi: “Đánh càng nhiều, càng tốt.”(4)

Tất cả các bậc đại sư đã dạy rằng phải khơi dậy một nội lực mãnh liệt cho nỗ lực phi thường để đạt giác ngộ hoặc bằng cách thúc giục bằng gậy từ bên ngoài hoặc bằng

-----------------------------------------------

(4) Dẫn trong Sources of Japanese Traitions, trg. 254, William Theodore de Bary biên soạn

sức mạnh đích thực của ý chí từ bên trong. Chính đức Phật cũng đã nhấn mạnh điều này trong một kinh xưa qua những lời sau đây: “Phải cắn chặt hai hàm răng, lưỡi ép mạnh lên lợi, trấn áp, đè bẹp và khắc phục tâm bằng tâm, như một người khỏe đè trên đầu, trên vai một người rất yếu để trấn áp, đè bẹp, và khắc phục người yếu. Bấy giờ các tư niệm xấu xa, ác hại, có liên hệ đến dục vọng, oán ghét và mê hoặc sẽ qua đi, biến mất.”(5) 

            Thực tế, có những sư Lâm Tế ở Nhật hiếm khi sử dụng kích trượng và một số sư Tào Động cố gắng dùng nó chỉ để chứng tỏ rằng, rốt ráo chính nhân cách riêng của vị lão sư cùng với phương pháp huấn luyện mà ông đã thọ nhận mới quyết định các phương pháp giáo huấn của ông, chứ không phải hoàn cảnh môn phái mà ngôi chùa ông tùy thuộc.

            Nơi con người của bậc chân sư, có thể giảng giải Phật pháp với niềm tin quyết phát sinh từ kinh nghiệm thâm sâu của ông về Chân lý, người ta sẽ thấy hiện thân của trí tuệ và uy nghi của Thiền. Một vị thầy như thế là một bậc đạo sư mà tinh thần và tâm trí đồng nhất với tinh thần và tâm trí của chư Phật và chư Tổ, mặc dù họ cách xa nhau hàng thế kỷ về thời gian. Không có những người như thế, quá khứ của Thiền không có sự sống, tương lai của Thiền “không có năng lực tái sinh.” Thiền như là một sự tâm truyền tâm, ấp ủ chân lý sinh động, sống thực – chân lý trong hành động. Giống như âm nhạc bị nhốt từ trong đĩa hát cần điện năng và phương tiện tái sản để có thể sống dậy. Tâm trí của Phật khắc ghi trong các kinh cũng cần một sức sống như thế nơi con người của người đã giác ngộ để

------------------------------------------------

(5) The Satipatthana Sutta of Majjhima Nikaya (Lord Chalmers dịch trong Further Dialogues of the Buddha, part 1). 

tái tạo.

            Trong độc tham, vị lão sư thực hiện vai trò song đôi vừa là người cha vừa là người mẹ theo truyền thống. Đôi khi ông là người cha nghiêm khắc, hay khiển trách để thúc giục, rèn luyện và đôi khi ông là người mẹ dịu dàng, yêu thương, an ủi để khuyến khích. Khi người môn sinh chểnh mảng nỗ lực sẽ được vỗ về hay thúc giục; khi y tỏ vẻ kiêu căng sẽ bị quở trách, trái lại, khi y nghi ngờ hay thất vọng, y sẽ được khuyến khích và nâng đỡ. Như thế một vị lão sư có tài sẽ kết hợp sự lạnh lùng nghiêm khắc với sự quan tâm ấm áp, uyển chuyển và một tấm lòng không vị kỷ mà không bao giờ nên nhầm lẫn với nhu nhược hay yếu đuối, thêm vào đó là sự tự tin và một phong cách chỉ huy. Bởi vì lời ông nói chứa sức mạnh và trực thuộc nhân cách giải thoát của ông, những gì ông nói có năng lực làm tươi lại tinh thần ủ rũ của người môn sinh và khôi phục năng lực cho cuộc tìm ngộ của y bất chấp đau đớn, thất vọng hay phiền não nhất thời.   

            Nhưng những gì người môn sinh đáp một cách sắc bén nhất là bằng chứng cụ thể của tâm giải thoát của vị lão sư: sự tự phát như trẻ thơ, sự chiếu sáng, sự quan tâm nhiệt tình. Những người mới tu nhìn vị lão sư bảy mươi tám tuổi chứng minh một công án với sự lẹ làng như chớp và sự thâm nhập toàn bộ; và quan sát lòng bao dung tuôn chảy, không chút gắng gượng mà chính ông tham dự vào bất cứ hoàn cảnh nào với tất cả mọi cá nhân thì biết rằng họ đang chứng kiến một trong những sản phẩm tuyệt hảo của một hệ thống phát triển tâm và cá tánh độc nhất vô nhị, và họ sẽ tự nhủ mình trong giây phút thất vọng: “Nếu qua thực hành tọa thiền mà ta có thể biết được kinh nghiệm sống với sự tức thời và trực thức như thế thì đâu có phải là trả giá quá đắt.”

Tất cả những kỹ năng và bi tâm độc đáo của vị Thiền sư diễn ra trọn vẹn một khi ông cảm thấy tâm của người môn sinh đã chín muồi, tức không còn tư niệm phân biệt và ý thức rõ ràng – nói cách khác, trong trạng thái của cái Một tuyệt đối – tiết lộ một cách khác biệt trong cách người môn sinh đánh cái chuông độc tham, cách y bước vào phòng độc tham, cách y lạy, và cách y nhìn và hành động trong lúc độc tham. Bằng nhiều cách khác nhau, vị lão sư sẽ thúc giục, xô đẩy tâm y làm một cái nhảy tối hậu vào ngộ. Đến điểm này, nỗ lực của vị lão sư có khuynh hướng vỗ về, phấn khích người môn sinh tự mình sử dụng năng lực và nhất tâm vào sự tập trung và không nhường bước cho chán nản, thất vọng. Nhưng bây giờ ông lại thay đổi chiến thuật, ông bắn những câu hỏi sắc bén vào người môn sinh, đòi hỏi câu trả lời tức khắc, hoặc thình lình ông dùng cây hốt đánh y hoặc đập mạnh xuống đệm hay vào bàn, tất cả đều là nỗ lực nhằm đẩy bật tâm mê hoặc của người môn sinh.

Do hiệu quả của những việc làm như thế tác động lên tâm người môn sinh, những cái thúc đẩy nhanh chóng của người thầy giống như những cơn mưa dông trên vùng đất khô cằn, hay những tia sáng lóe lên trong căn phòng u tối, chúng giúp cho tâm của người đệ tử tiến tới điểm sanh tử kế tiếp, giai đoạn mà y cảm thấy như bị đóng chặt trong một “khối băng” hay bị nhốt kín trong một “lâu đài thủy tinh.”(6) Bây giờ y đã thực thấy chân lý nhưng không thể thoát ra và giữ nó được. Người môn sinh  biết rằng vị lão 

-----------------------------------------

(6) Các ẩn dụ này được dùng trong Thiền để miêu tả “mùi vị” trước ngộ. Có thể vẫn bị dính ở diểm này hằng tuần, hằng tháng hay cả hằng năm.  

sư không thể nói trước một cách chính xác giây phút ngộ sẽ đến lúc nào, ông cũng không thể “ban” ngộ cho y được. Chính ông cũng không thể làm gì khác hơn là nỗ lực hết sức mình và chủ yếu là làm kiệt quệ hết tư niệm cho tâm người môn sinh đạt đến trạng thái vô tâm như trẻ thơ (tức tâm trống rỗng)(7). Song cái đả thông tối hậu, cái “nhào lộn” đột xuất có tính cách quyết định của tâm (người môn sinh) báo hiệu ngộ sắp đến, và phải xảy ra. Trong thời cơ sinh tử này, sự cám dỗ luôn luôn có tiềm năng đột nhập, khi ngộ như một cú sét từ trời xanh giáng xuống, sẽ xảy ra, hoặc tốt hoặc xấu,(8) trở nên rất khó kháng cự. Ấy là cơ vận tuyệt vọng của cái ta thối lui để phá vỡ tâm tập trung, gây cho tâm chứng bệnh dịch tư niệm và chận đứng cái nhảy vọt tối hậu - nghĩa là sự quên ta trọn vẹn để tự do. Người thầy biết rõ rằng tâm của người môn sinh có thể bung lên thành cái nhảy vọt tối hậu này khi nó va phải một cú đánh, một câu nói hoặc một âm thanh duy nhất, nếu nó trống rỗng. Ông lấy làm đau đớn phải chỉ rõ sự cám dỗ này và cảnh cáo người môn sinh không làm mồi cho những quyến rũ của bản ngã. 

            Ngộ có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, không phải chỉ trong phòng độc tham. Thực tế, có một số môn sinh đã kinh nghiệm ngộ trong khi lắng nghe lão sư đề xướng. Tâm của họ bị buộc vào một câu nói đặc thù nào đó mà họ đã nghe vị lão sư nói nhiều lần nhưng chỉ bây giờ, vì tâm đã chín  

-----------------------------------------------

                (7) Cố gắng hết sức để đạt vô tâm nghe có vẻ như nghịch lý, nhưng nghịch lý này là một nghịch lý hợp lý và không phải là phi lý.

(8) Một vài người có sự sợ hãi vô ý thức về ngộ, tin rằng nó có thể ảnh hưởng tai hại đối với tâm. Không cần nói, đây là một sự sợ hãi vô căn cứ. 

muồi, nó mang một ý nghĩa mới và hốt nhiên tác dụng như

một tia sáng phát ra cái nổ bên trong báo hiệu sự khai mở của con mắt Tâm. Một vài người đã ngộ ngay trên tàu lửa hay trên chuyến xe buýt trên đường về nhà sau khóa nhiếp tâm. Thường nhưng không phải luôn luôn, kiến tánh theo sau một thời kỳ tập trung và thấm nhập kịch liệt.

            Theo cái nhìn của những người đi trước, những lời khêu gợi mà nhiều công án hay các cuộc vấn đáp (mondo) hay kết thúc: “Nghe câu ấy, bỗng nhiên ông tăng giác ngộ” hay “Bấy giờ con mắt Tâm của ông tăng mở ra,” người ta sẽ thấy những lời như thế ít có tính chất tưởng tượng như lúc đầu thoạt nghĩ. Những học viên bối rối thường hay hỏi: “Làm sao có thể đạt ngộ nhanh chóng và dễ dàng như thế được trong khi chỉ có một người tin các công án?” Điều quan trọng cần để ý ở đây là câu nói hay cú đánh của người thầy phá vỡ tâm mê hoặc của người môn sinh có hiệu quả chỉ vì nó đến đúng lúc tâm của người sau đã chín muồi và sự chín muồi này là kết quả của một thời kỳ tọa thiền lâu dài và một số cuộc độc tham với thầy. Nói cách khác, các công án theo cách thức phát biểu riêng, chỉ đưa ra những hoàn cảnh thúc đẩy, chúng bất chấp những năm dài xao xuyến, không nguôi tìm kiếm chân lý, đã đưa đến kinh nghiệm vinh quang tột đỉnh này.

            Bằng chứng giác ngộ của người môn sinh nằm trong khả năng đáp tức khắc, bằng cách “sống,” những câu hỏi đòi hỏi sự chứng minh cụ thể tinh thần công án. Cái gì thuyết phục người thầy tin chắc không những chỉ là lời nói hay dáng điệu hay sự im lặng (mà nó cũng có thể có hiệu quả tương đương) của người môn sinh mà còn cả lòng tin quyết và sự thông báo chắc chắn những cái ấy, tức là cái nhìn hiểu biết trong đôi mắt, tính cách cương quyết trong giọng nói, và tính tức thời, sự tự do, sự thông suốt trong chính các điệu bộ và cử động. Như thế có thể đối với hai người khác nhau, một ngộ và một chưa ngộ, trả lời bằng những lời nói và dáng điệu y nhau trong độc tham, và ông thầy chấp nhận những câu đáp của người này và từ chối những câu trả lời của người kia.

            Sự chấp nhận của người thầy đối với sự chứng minh của người môn sinh là xác định ngầm rằng người môn sinh đã đạt chân ngộ,(9) dù cho nó còn nông cạn như nhiều kinh nghiệm đầu tiên. Chỗ Thiền khác biệt với các phép tu khác của Phật giáo rõ ràng là nó khăng khăng rằng người môn sinh phải chứng minh cái hiểu của mình “ở bên kia mọi hiểu biết” mà không phải nói dông dài về nó. Cái gì có giá trị của Thiền là các điệu bộ thể hiện, những cử chỉ và câu nói phát xuất tức thời từ mức độ sâu nhất của toàn bộ con người mà không phải là ngững giải thích vô vị, dù vi tế. Một người thầy có kinh nghiệm có thể quyết định bằng một câu hỏi độc nhất – hoặc nếu là kinh nghiệm sâu xa thì chỉ bằng một cái liếc nhìn – sự kiện giác ngộ của người môn sinh, nhưng vẫn đòi hỏi người môn sinh chịu sự trắc nghiệm mà ông có thể thiết lập để xác định độ sâu và các giới hạn của cái ngộ, như thế, để người môn sinh cũng như chính ông được hài lòng.

 

Người ta vẫn thường công khai quả quyết rằng kinh nghiệm ngộ chân chính tự xác định giá trị cho nó và vì thế không cần phải trắc nghiệm. Nhưng ở đây sự tự lừa dối cũng mãnh liệt như trong các lãnh vực hành xử khác của con người, có lẽ còn mãnh liệt hơn là khác, vì chính bản chất của kinh nghiệm ngộ. Đối với người mới tu thì quá dễ

---------------------------------------------

(9) Không may, vô hình trung, điều này đúng một cách đồng dạng. Một vị lão sư dễ thông qua thường sẽ thông qua cho người môn sinh chưa có kinh nghiệm chân ngộ. 

lầm các thị kiến, sự xuất thần, ảo ảnh, nội kiến, mật khải, trạng thái ngây ngất hay ngay cả sự tịch tĩnh của tâm là kiến tánh. Mặt khác, cái cảm giác mênh mang như biển cả của một vài loại người bị chứng thần kinh loạn cũng có thể nhầm cho là ngộ vì nó cũng mang ý nghĩa đồng nhất với vũ trụ. Vì tất cả những lý do đó, và nhất là vì mối nguy hiểm đối với nhân cách kết quả từ sự tự lừa dối như thế mà cho là chân thật, nên giáo lý Thiền luôn luôn khẳng định rằng ngộ phải được trắc nghiệm và xác nhận bởi một bậc thầy mà kinh nghiệm ngộ của ông đã được một bậc thầy đã giác ngộ khác ấn chứng.  

            Nếu có thể có sự tự lừa dối mình về kiến tánh thì cũng có thể có kinh nghiệm kiến tánh mà không cho đó là giác ngộ. Lão sư Bạch Vân kể lại câu chuyện một trong các môn đệ của ông sống ở miền nam nước Nhật mà ông đã gặp mỗi năm một lần vào các tuần nhiếp tâm. Trong khoảng cách giữa các lần viếng thăm của lão sư, anh ta đã có sự thức ngộ nội tâm, nhưng không đồng thời có cơn xúc động trào dâng nước mắt vì vui sướng nên không tin rằng những gì mình đã nhận thức được là kiến tánh. Khi hỏi anh ta trong lúc độc tham, lão sư cảm thấy rằng nhận thức và nội tri của môn đệ mình như thế đáng được trắc nghiệm, và do đó, lão sư đã đưa ra nhiều câu hỏi “trắc nghiệm” anh ta. Ông ngạc nhiên vì thấy rằng anh ta đã có thể đáp đúng và đầy đủ và ông đã ấn chứng. Dù còn nông cạn, song kiến tánh ấy là thật. Điều phải quan tâm đầy đủ ở đây là bản chất của các phản ứng đối với cái ngộ của một người không những tùy thuộc vào độ sâu của kinh nghiệm ngộ mà còn vào cơ cấu tình cảm và tinh thần của y.

Cần phân biệt loại trắc nghiệm này với loại trắc nghiệm liên quan đến Pháp chiến (Hossen) mà ngày xưa hay xảy ra trong giới Thiền tăng Trung hoa và Nhật bản cho đến thời kỳ Bạch Ẩn (Hakuin), khoảng hai trăm năm qua. Các tăng nhân và cư sĩ(10) thuộc nhiều mức độ sức mạnh tinh thần khác nhau, thường chu du khắp xứ trong cuộc hành hương tinh thần, tìm các Thiền sư và cao tăng thâm ngộ để đấu “pháp thuật” với họ như là một phương tiện phát triển sâu rộng hơn cái ngộ của mình và đồng thời phát triển các kỹ thuật huấn luyện qua trắc nghiệm sức mạnh tinh thần của “địch thủ” họ. Những cú đấm và những cú đánh trả bằng ngôn ngữ đã tạo ra những cuộc tranh luận mà sau này được ghi lại và kết tập thành các tập công án vẫn được giới học Thiền ở Nhật dùng một cách rộng rãi.  

Với sự vượt qua được công án đầu tiên của mình, người môn sinh bước vào một giai đoạn độc tham mới. Sự gắng sức căng thẳng và kịch liệt, sự thay đổi với những tâm thái không chắc chắn, chán nản và thất vọng đến đây đã trở thành sắc thái xuất hiện của người môn sinh trước thầy mà giờ đây nhường bước cho tự tin, thoải mái và tương hợp hầu như bình đẳng với vị lão sư, đã tạo nên phong cách người môn sinh có cá tính đặc biệt trước vị lão sư. Vị lão sư không còn là người cha hay người mẹ nữa mà chỉ là một người anh khôn ngoan. Chắc chắn những cử động của người môn sinh vẫn còn mò mẫm và không vững vàng,  

---------------------------------------------

(10) Trong hàng cư sĩ, Bàng cư sĩ (Ho-koji) là người nổi tiếng nhất. Nhiều câu chuyện và truyền kỳ đã phát triển nói về cuộc đời say mê của ông. Ông là một học giả Khổng giáo và là một người giàu có đời nhà Đường, như đã được ghi lại, ông đã đổ toàn bộ của cải, vàng bạc của ông xuống sông, và từ đó cùng với gia đình lang thang khắp xứ, kiếm ăn bằng nghề làm vật dụng bằng tre và tham dự “Pháp chiến” với nhiều Thiền sư nổi tiếng đương thời. Xem thêm “Bàng cư sĩ” ở Chương X. 

giống như những hoạt động của một con chó con vừa mới mở mắt nhìn thế giới và bước những bước đầu tiên, nhưng “cái vách sắt và hòn núi bạc” không còn cản trở mọi hướng nữa. Độc tham, khi không còn đáng sợ, nó trở nên buồn tẻ, nhưng giờ đây chuyển từ công án này đến công án khác, một hớp uống cạn hết mấy con sông và tái tạo lại trời đất bằng một cái giơ ngón tay(11) người ấy kinh nghiệm một cảm giác luôn luôn mở rộng đầy năng lực và tự do. Để nắm được tinh thần các công án và tự phóng mình trọn vẹn vào các vai trò khác nhau do chúng sáng tạo, người ấy có thể diễn đạt một cách sống động và hùng hồn những tình huống cụ thể chân lý mà y nhận thức được. Nhưng có lẽ phép lạ vĩ đại nhất là tình cảm biết ơn của y đối với các Sư, Phật và Bồ-tát, đối với tất cả những ai đã giơ tay giúp đỡ và nói lời khuyến khích trong những giờ phút cần thiết. Bấy giờ lời nguyện thường được lặp lại của y là muốn đạt giác ngộ viên mãn vì toàn thể loài người mang một ý nghĩa mới và sâu xa.

            Theo những gì đã nói, rõ ràng là vai trò của người thầy trong huấn luyện Thiền thực siêu việt. Không ai, không một cái gì có thể thay thế chỗ của một bậc thầy đã thâm ngộ, và thật may mắn cho người môn sinh có nghiệp

duyên đưa đến tiếp xúc với một bậc thầy như thế. Thế thì không có thầy không thể thực hiện việc tu tập Thiền được 

-----------------------------------------------

(11) Đối chiếu với trường hợp thứ 19 của Bích Nham Lục (cũng như trường hợp thứ ba của Vô Môn Quan) thường được gọi là “Ngón Tay của Câu Chi,” lời dẫn nhập công án này nói:

                “Khi một hạt bụi dấy lên,

                Cả vũ trụ to lớn cũng lên theo. 

                Khi một đóa hoa nở ra,

                        Toàn thể thế giới hiển hiện.” 

sao? Không có cách nào hết. Theo tài liệu bao gồm trong chương này, người học có tâm nghiêm túc sẽ thấy mình được một vị lão sư xuất sắc đương thời trả lời một cách thực tế các câu hỏi liên quan đến việc thực hành có thể xảy ra với mình. Đọc thông suốt chương này cùng với các chương khác sẽ có thể khiến cho bất cứ ai cũng có khả năng để bắt đầu cuộc hành trình trên con đường đến giác ngộ.

            Xin thêm một lời để độc giả biết tài liệu độc tham này được biên tập như thế nào. Đặc quyền của tôi là có thể hành động như một thông dịch viên của Lão sư Bạch Vân trong nhiều năm, một hoàn cảnh đặt tôi ở vị trí duy nhất biết rõ các vấn đề tu tập Thiền của những người phương Tây dưới sự hướng dẫn của ông ở Nhật bản, biết rõ lời khuyên và sự giáo huấn mà ông đã tặng họ. Đối với tôi, những câu hỏi và trả lời này nếu được ghi lại, chúng sẽ có giá trị vô lượng đối với những học viên ở phương Tây và những người ở các nơi khác muốn tự tu Thiền song còn thiếu một bậc chân sư có tài.

            Hơn nữa, tôi cảm thấy họ phải đi một đoạn đường dài để đánh tan quan niệm lan tràn rằng Thiền là sự huyền bí hóa kỹ lưỡng hay là một “biểu hiện bạo dâm của văn hóa Nhật bản,” như một vài nhà phê bình có kiến thức nghèo nàn đã gọi như vậy.

Việc sử dụng băng ghi âm hay một phương tiện ghi lại nào khác bị đặt ngoài vấn đề vì nó sẽ khiến cho các học viên trở lại ý thức về mình làm cản trở việc độc tham của họ, và vì thế sẽ không bao giờ được Lão sư Bạch Vân cho phép. Mặt khác đối với tôi, cố gắng ghi chép những điều đáng ghi trong lúc độc tham cũng sẽ không được chấp thuận vì cùng lý do ấy, và trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ không được, nếu tôi phải làm công tác thông dịch tương ứng. Do đó, tôi quay sang ý nghĩ ghi lại bằng tốc ký ngay sau khi mỗi cuộc độc tham chấm dứt, trong lúc cuộc đối thoại vẫn còn mới mẻ trong tâm tôi, mọi điều đã được vén mở. Tôi tin rằng bất chấp sự ít thông thạo tiếng Nhật của mình, tôi cũng đã chuyển ngữ một cách trung thực bản chất những cuộc đối thoại diễn ra giữa Lão sư Bạch Vân và mười học viên phương Tây. Bất cứ khi nào nghi ngờ tôi đều cẩn thận kiểm chứng lại sự hiểu biết của tôi với ông. Song, có thể ở chỗ này hay chỗ kia tôi đã không nắm được đầy đủ sự uyển chuyển hay ý vị trong lời bình của lão sư, và bất cứ sơ sót nào như thế, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Cũng nên nói rõ rằng không nên xem nhẹ việc quyết định xuất bản tài liệu độc tham này. Thông thường độc tham được xem là vấn đề riêng tư giữa vị lão sư và người môn sinh, vì để bảo đảm sự thẳng thắn đầy đủ giữa thầy và trò, cả hai phải biết rằng những gì tiết lộ trong phòng độc tham sẽ không được tiết lộ ra ngoài. Song, Lão sư Bạch Vân đã bằng lòng cho xuất bản tài liệu này với điều kiện tôi cam kết với ông rằng nó phải thể hiện tối đa việc sửa lại nhiều hiểu lầm xuất hiện trong các sách viết về Thiền bằng Anh ngữ về bản chất và mục đích của độc tham. Tuy nhiên, ông đã ra điều kiện là không được tiết lộ bất cứ một giải đáp nào về các công án, như vậy những học viên sau này tu tập dưới sự hướng dẫn của một vị lão sư không thể gặp bất lợi vì đọc tin tức như thế. Điều kiện này đã được tôn trọng.

Xem mục lục