Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

CÁC BÀI THUYẾT GIẢNG

  1.   LÝ THUYẾT VÀ THỰC HÀNH TỌA THIỀN 

          Những gì tôi sắp nói với quí vị đặt căn bản trên các lời dạy của tôn sư tôi, Lão sư Đại Vân(21). Mặc dù chính người thuộc phái Tào Động, người vẫn không tìm được một bậc thầy tài năng thật sự trong phái này và vì thế người đã đến tu tập trước tiên ở chùa Shogen, rồi chùa Nam Thiền (Nanzen-ji), hai tự viện thuộc phái Lâm Tế. Ở chùa Nam Thiền, kết quả người đã nắm được mật nghĩa thâm sâu của Thiền dưới sự hướng dẫn của Lão sư Độc Trạm (Dokutan-roshi), một bậc sư xuất chúng.

            Trong khi sự thực không thể chối cãi được là người ta phải trải qua tu tập để hiểu chân lý của Thiền, Lão sư Đại Vân cảm thấy rằng tâm trí con người hiện đại quá biết những bài giảng kiểu này chỉ có nghĩa như là những điều sơ đẳng để thực hành cho những người mới bắt đầu. Lão sư Đại Vân đã kết hợp những cái hay nhất của mỗi phái và thiết lập một phương thức dạy Thiền độc đáo. Quí vị sẽ không tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên đất Nhật cách dạy Thiền toàn bích và giản dị như vậy, rất phù hợp với khí chất tâm trí con người hiện đại, như tại tự viện của người. Là môn đệ của người trong khoảng hai mươi năm, nhờ ân huệ của người, tôi đã có thể mở được con mắt Tâm của mình ở một độ nào đó.  

---------------------------------------

(21) Đại Vân (Daiun) là pháp danh của Lão sư Tổ Nhạc Nguyên Điền (Sogaku Harada Roshi).. Xem thêm phần tiểu sử của ông ở Chương VI, “Các bức thư ngộ của Yaeko.”

            Trước khi bắt đầu các bài giảng của người, Lão sư Đại Vân đã khuyên chúng ta hãy lắng nghe. Điểm thứ nhất là mọi người hãy lắng nghe với đôi mắt mở rộng nhìn ông – nói cách khác, bằng toàn bộ con người mình vì ấn tượng chỉ nhận được qua cái nghe thông thường thì quá cạn cợt, giống như nghe đài phát thanh. Điểm thứ nhì, là mỗi người phải lắng nghe các bài giảng thuyết này như chỉ được nói cho mỗi một mình mình nghe, vì một cách lý tưởng là như thế.  Bản tánh của con người là, nếu có hai người cùng nghe thì mỗi người cảm thấy chỉ có một nửa trách nhiệm để hiểu, nếu có mười người cùng nghe thì mỗi người cảm thấy có một phần mười trách nhiệm. Song quí vị đông và đối với mọi người tôi cũng nói y như nhau, tôi yêu cầu quí vị đến thành từng nhóm. Song quí vị phải lắng nghe như chỉ có mỗi một mình mình và chính quí vị phải tự mình chịu trách nhiệm tất cả những gì đã nói.

            Bài thuyết giảng này được chia thành mười hai phần và sẽ được trình bày trong khoảng tám buổi giảng. Bài thứ nhất lý giải về tọa thiền và các phương pháp tu tập trực tiếp, bài kế nói về các khuyến cáo đặc biệt và những bài sau nói về các vấn đề xuất hiện trong lúc tọa thiền và cách giải quyết các vấn đề ấy.

              Thực ra kiến thức về lý thuyết hay các nguyên tắc tọa thiền không phải là điều kiện tiên quyết để thực hành. Một người tu tập dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy có thực tài chắc chắn sẽ nắm được lý thuyết này theo mức độ tu tập chín muồi. Song người học ngày nay, về mặt lý trí có khả năng biện biệt hơn những người đi trước họ trong Thiền, sẽ không theo đúng các chỉ dẫn, trước tiên họ phải biết lý do nằm phía sau các chỉ dẫn đó. Do đó, tôi cảm thấy nên bàn các vấn đề có tính cách lý thuyết. Song cái khó của lý thuyết thì vô cùng. Các kinh điển Phật giáo, giáo lý Phật giáo và triết học Phật giáo không gì khác hơn là những phương thức có tính cách lý trí về tọa thiền và tọa thiền là minh chứng thực tiễn của những cái ấy. Từ trong lãnh vực mênh mông ấy, bây giờ tôi rút ra những điều cốt yếu nhất để quí vị thực hành.

            Chúng ta bắt đầu với Phật Thích-ca Mâu-ni(22). Vì tôi nghĩ rằng tất cả quí vị đều biết Ngài đã bắt đầu với con đường ép xác, chịu những hành hạ và khổ hạnh mà những người trước Ngài không bao giờ dám thử, kể cả sự kiêng ăn lâu dài. Nhưng Ngài đã không đạt dược giác ngộ bằng các phương tiện này, suýt chết vì đói và kiệt sức, và đã nhận ra rằng theo đuổi một con đường chỉ có thể đưa đến cái chết là vô ích. Vì thế ngài đã uống sữa cúng dường, dần dần lấy lại sức và quyết định theo con đường trung đạo giữa ép xác và tự do phóng túng. Từ đó Ngài chỉ sùng mộ tọa thiền đến sáu năm (23) và kết quả vào một buổi sáng ngày mồng tám tháng mười hai đúng trong khoảnh khắc chợt thấy sao Mai (Venus) lấp lánh trên bầu trời phương Đông, Ngài đạt được giác ngộ viên mãn. Chúng ta tin tất cả điều ấy như một sự thật lịch sử.

          Những lời đức Phật tự nhiên thốt ra ngay lúc ấy được ghi lại nhiều cách khác nhau trong các kinh điển Phật giáo. Theo Kinh Hoa Nghiêm (Kegon-kyo), ngay vào lúc giác ngộ Ngài đã kêu lên: “Kỳ diệu thay! Tất cả chúng sinh vốn là Phật, đều được phú cho trí tuệ và đức hạnh, song vì  

---------------------------------------------

(22) Từ tiếng Nhật truyền thống là O-Shaka-sama [Đại Sa môn?]. Nó có tính cách vừa kính trọng vừa thân mật. Osama có tính cách tôn vinh, thử cưỡng dịch các từ ấy, tôi theo cách dịch tiếng Anh thường dùng của danh hiệu này. Xem “Phật” ở Chương X.

(23) Có chỗ nói sáu năm kể từ khi Ngài rời nhà cho đến lúc giác ngộ viên mãn. 

tâm con người vướng kẹt trong vọng niệm nên không nhận ra điều ấy.” Lời tuyên bố đầu tiên của Phật về sự giác ngộ của Ngài dường như là một trong những điều đáng sợ và đáng kinh ngạc nhất. Vâng, kỳ diệu thay, tất cả loài người dù thông minh hay ngu độn, nam hay nữ, đẹp hay xấu, cũng đều nguyên vẹn và đầy đủ như họ vốn vậy. Nói như thế có nghĩa là bản tánh của mọi người vốn không tỳ vết, toàn hảo, không khác với bản tánh của Phật A-di-đà hay bất cứ một vị Phật nào khác. Tuyên bố đầu tiên này của Phật Thích-ca Mâu-ni cũng là kết luận cuối cùng của Phật giáo. Song con người bất an và lo âu, sống cuộc sống dở điên dở dại vì tâm mình bị phủ cứng lớp vỏ mê hoặc nặng nề, trở nên điên đảo. Vì thế chúng ta cần trở về với cái toàn hảo xưa nay của mình để thấy qua hình ảnh hư dối của chính mình là bất toàn và tội lỗi, và đánh thức cái tánh thanh tịnh và toàn hảo vốn có của mình.

            Phương tiện hữu hiệu nhất để thực hiện điều đó là tọa thiền. Không những chỉ một mình Phật Thích-ca Mâu-ni mà nhiều môn đệ của Ngài cũng đã đạt giác ngộ qua tọa thiền. Hơn nữa trong suốt 2500 năm, từ khi Phật diệt độ, vô số tín đồ ở Ấn độ, Trung hoa và Nhật bản, bằng cách nắm lấy cái chìa khóa này, đã giải đáp cho chính mình câu hỏi nền tảng: “Sống và chết là gì?” Ngay cả ngày nay cũng có nhiều người đã có thể vứt cả âu lo, phiền não và tự giải thoát mình qua tọa thiền.

          Giữa Như Lai (một đức Phật đã viên thành tối thượng) và chúng ta, những con nguời tầm thường, trong bản chất không có gì khác nhau hết. Cái “bản chất” này có thể ví với nước. Một trong những đặc tính nổi bật của nước là tính thích nghi, ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Chúng ta cũng có cái tánh thích nghi như thế, nhưng vì sống ràng buộc và xiềng xích trong ngu muội, không biết bản tánh chân thực của mình, nên chúng ta đã đánh mất sự tự do này. Theo thí dụ này ta có thể nói rằng tâm của một đức Phật giống như nước yên lặng, sâu và trong sáng như pha lê, trên đó mặt trăng chân lý phản chiếu đầy đủ và toàn nhảo. Mặt khác, tâm con người giống như nước đục, luôn luôn bị các cơn lốc vọng niệm khuấy động và không còn có thể phản chiếu mặt trăng chân lý được nữa. Mặc dù trăng vẫn chiếu sáng trên sóng, nhưng nước đã bị vẩn đục nên không thể thấy ánh sáng phản chiếu. Vì thế, chúng ta đưa đời sống của mình đến chỗ thất bại và vô nghĩa.

            Làm sao chúng ta có thể đem mặt trăng chân lý soi sáng đầy đủ cuộc sống và nhân cách của mình? Trước hết chúng ta phải làm cho nước ấy trong sạch, làm lặn những cơn sóng đang dâng lên bằng cách làm cho những cơn gió tư tưởng biện biệt ngừng lại. Nói cách khác, chúng ta phải làm cho tâm mình trống rỗng những gì kinh Hoa Nghiêm gọi là “niệm tưởng của con người.”  Đa số người ta đánh giá cao tư tưởng trừu tượng, nhưng Phật giáo đã chứng minh rõ ràng là tư tương biện biệt nằm nơi gốc rễ mê hoặc. Có lần tôi đã nghe có người nói: “Tư tưởng là tâm bệnh của con người.” Theo quan điểm Phật giáo, điều này hoàn toàn đúng. Hẳn nhiên, tư tưởng trừu tượng có ích khi được vận dụng một cách khôn ngoan – nói thế có nghĩa là, khi người ta hiểu đúng bản chất và giới hạn của nó – nhưng bao lâu con người còn nô lệ vào lý trí, bị nó xiềng xích và kiểm soát thì chừng ấy cũng có thể gọi là bệnh được.

            Tất cả mọi tư tưởng, dù cao cả hay thấp hèn, đều bất định và vô thường, chúng đều có khởi đầu và kết thúc, dù cho chúng chỉ thoáng hiện, và điều này cũng đúng với tư tưởng của một thời đại hay một cá nhân. Trong Phật giáo tư tưởng được nói đến như là “dòng sinh tử.” Điều quan trọng là tiếp tục phân biệt vai trò của tư tưởng nhất thời và các khái niệm cố định. Những ý niệm ngẫu xuất thì tương đối không độc hại, nhưng các ý thức hệ, các tín ngưỡng, các quan niệm và quan điểm, không kể kiến thức thực tế, tích lũy ngay từ lúc mới sinh chúng bám chặt vào chúng ta, đều là những cái bóng làm u tối ánh sáng chân lý.

            Bao lâu những cơn gió tư niệm còn tiếp tục khuấy động nước Tự Tánh, chừng ấy chúng ta chưa phân biệt được cái thật và cái không thật. Do đó, bắt buộc chúng ta phải làm cho những cơn gió ấy yên lặng. Một khi gió lặng thì sóng im, bùn lắng và chúng ta thấy ngay rằng mặt trăng chân lý chưa từng không chiếu sáng. Giây phút nhận ra như thế gọi là kiến tánh, tức là giác ngộ, là hiểu rõ bản thể chân thật của Tự-tánh. Không giống như các khái niệm luân lý và triết học, vì chúng có thể thay đổi, nội kiến chân thật không thể biến mất được. Bấy giờ lần đầu tiên, chúng ta có thể sống với sự bình yên và cao quí bên trong, thoát khỏi sự bối rối và bất an, và hòa hợp với hoàn cảnh chung quanh.

            Về mấy vấn đề này tôi đã nói một cách vắn tắt, nhưng tôi hy vọng rằng tôi thành công trong việc truyền đạt đến quí vị tầm quan trọng của tọa thiền. Bây giờ chúng ta hãy nói về thực hành.

 

            Bước đầu tiên là chọn một căn phòng yên tĩnh để ngồi. Hãy trải một tấm đệm hay một tấm nệm mềm vừa phải, vuông vức khoảng một mét, trên nệm đặt một cái bồ đoàn nhỏ tròn, đường kính khoảng ba tấc để ngồi, hoặc dùng một tấm nệm vuông gấp đôi lại. Tốt hơn là không nên mặc quần tây dài hay mang vớ, những thứ này có thể cản trở cách xếp đặt đôi chân và đôi bàn chân. Vì một số lý do, tốt nhất là ngồi theo tư thế kiết già. Ngồi tư thế  kiết già, quí vị đặt bàn chân phải lên trên đùi trái và bàn chân trái lên trên đùi phải. Điểm chính của phương pháp ngồi này là thiết lập một chân đế rộng, vững với đôi chân khóa lại và hai đầu gối chạm xuống nệm, quí vị sẽ đạt được sự ổn định tuyệt đối. Với thân bất động như vậy, tư tưởng sẽ không bị các cử động của thân kích động và tâm dễ trở nên yên tĩnh hơn.

            Nếu thấy khó ngồi theo tư thế kiết già vì đau đớn, hãy ngồi theo tư thế bán già. Tư thế này chỉ cần đặt bàn chân phải lên trên đùi trái thôi. Đối với vị nào không quen ngồi xếp chân, ngay cả tư thế này cũng không duy trì được dễ dàng. Có lẽ quí vị thấy khó giữ yên hai đầu gối chạm nệm và có lẽ thỉnh thoảng phải đẩy một trong hai đầu gối xuống cho đến khi chúng nằm yên ở đó. Trong cả hai tư thế, kiết già và bán già, bàn chân đặt bên trên có thể đổi ngược lại khi hai chân cảm thấy mỏi.

            Đối với những ai thấy không thể thích nghi được với hai tư thế này, có thể ngồi theo tư thế cổ truyền của Nhật bản là ngồi trên hai gót chân và hai bắp chân. Tư thế này có thể duy trì trong một thời gian lâu hơn nếu có cái đệm đặt giữa hai gót và hai mông. Lợi điểm của tư thế này là cái lưng có thể giữ thẳng đứng dễ dàng. Tuy nhiên, nếu tất cả những tư thế này tỏ ra đau nhiều, quí vị có thể dùng một cái ghế. (24)

            Bước kế tiếp là giữ yên bàn tay phải trong lòng, lòng bàn tay để ngửa lên và đặt bàn tay trái lên trên lòng bàn tay phải, lòng bàn tay cũng ngửa lên. Đầu hai ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau để tạo thành một vòng tròn dẹt với hai lòng bàn tay và hai ngón tay cái. Bây giờ, phía thân bên phải là cực dương, phía thân bên trái là cực âm. Do đó, trong lúc thực hành chúng ta ép bên dương bằng cách đặt bàn tay trái và bàn chân trái lên trên bàn tay phải và bàn chân phải, như thế là trợ giúp đạt độ ổn định cao nhất. Tuy 

------------------------------------------------

(24) Xem các hình minh họa của tất cả các tư thế này, kể cả một tư thế được dùng rộng rãi ở các quốc gia Phật giáo Đông Nam châu Á, ở Chương IX. 

nhiên, nếu nhìn một tượng Phật, quí vị sẽ thấy vị trí của các bộ phận ấy trái ngược. Ý nghĩa của sự trái ngược này là một đức Phật, khác với tất cả chúng ta, đang tích cực dấn thân vào việc cứu độ.

            Sau khi xếp chân xong, hãy nghiêng thân mình tới trước để đẩy hai mông ra, rồi chầm chậm đưa thân mình trở về tư thế thẳng đứng. Đầu phải thẳng, nếu nhìn từ bên hông, tai phải ở trên một đường thẳng với vai và chót mũi phải thẳng đường với rốn. Thân mình từ eo trở lên dường như không có trọng lượng, không có sức ép hay căng thẳng.(25) Hãy giữ cho mắt mở và miệng ngậm, chót lưỡi phải chạm nhẹ phía sau hàm răng trên. Nếu nhắm mắt, quí vị sẽ rơi vào trạng thái hôn trầm và mơ mộng. Tia nhìn phải hạ thấp mà không tập trung vào bất cứ vật gì đặc biệt. Kinh nghiệm cho thấy rằng tâm yên tĩnh nhất với mệt nhọc hay căng thẳng ít nhất, khi mắt ở vị thế hạ thấp này.

            Cột xương sống lúc nào cũng phải thẳng. Đây là lời khuyên quan trọng. Khi thân trầm trệ không những chỉ vì sức ép đặt trên các cơ quan bên trong, can thiệp vào các chức năng tự do của chúng, mà còn vì các đốt xương sống do sự tác động lên thần kinh có thể gây ra những căng thẳng loại này hay loại khác. Vì thân và tâm là một, nên bất cứ sự suy yếu nào của các cơ năng sinh lý đều khiến cho tâm vướng kẹt, và như thế làm giảm tính sáng láng và sự qui nhất của nó mà những cái này thiết yếu cho sự tập trung có hiệu quả. Theo quan điểm sinh lý thuần túy, sự thẳng đứng như cột cờ hoặc một tư thế nặng nề đều không đáng ưa thích, vì một cái phát xuất từ kiêu hãnh vô ý thức và một cái từ tự ty, hèn hạ và cả hai đặt nền móng nơi cái ta, nên chúng đều là chướng ngại cho sự giác ngộ. 

---------------------------------------------

(25) Trọng tâm của thân-tâm ở dưới rốn khoảng năm cen-ti-mét.

            Hãy cẩn thận giữ đầu cho thẳng, nếu nó có khuynh hướng nghiêng tới nghiêng lui hay nghiêng qua một bên, nếu cứ giữ nó như vậy trong một khoảng thời gian lâu đáng kể, thì kết quả có thể bị vẹo cổ.

            Khi đã lập được một tư thế đúng, hãy hít một hơi thật sâu, giữ lại một chút, rồi thở ra chầm chậm và lặng lẽ. Hãy lặp lại như thế vài ba lần, luôn luôn thở bằng mũi. Sau đó, hãy trở lại thở tự nhiên. Khi đã quen thì một hơi hít sâu lúc đầu cũng đủ. Bây giờ, hãy nghiêng thân mình, trước tiên sang bên phải, nghiêng hết sức thì thôi, rồi nghiêng sang trái, khoảng bảy tám lần, bắt đầu bằng những vòng cung lớn, rồi những vòng cung nhỏ hơn cho đến khi thân mình trở  về yên nghỉ ở chính giữa một cách tự nhiên. 

          Bây giờ quí vị đã sẵn sang để nhiếp tâm. Có nhiều phương pháp nhiếp tâm tốt do những người đi trước trong Thiền truyền lại. Phương pháp dễ nhất cho những người mới bắt đầu là đếm hơi hít vào và hơi thở ra. Giá trị của bài thực tập đặc biệt này nằm ở chỗ tất cả mọi suy lý bị loại bỏ và tâm phân biệt được yên nghỉ. Như thế, những làn sóng tư tưởng phân biệt lắng xuống và tâm dần dần trở nên qui nhất. Khởi đầu, đếm cả hơi hít vào và hơi thở ra. Khi hít vào, quí vị hãy tập trung vào “một” và khi thở ra hãy tập trung vào “hai” như thế cho đến mười, lại tiếp tục như trước, chỉ đơn giản thế thôi.

             Như tôi đã nói, các ý niệm thoáng qua thay đổi bất thường một cách tự nhiên trong tâm thì chúng không phải là chướng ngại. Không may, điều này thường không được nhận ra. Ngay cả những người Nhật đã học và tu tập Thiền đến năm năm hoặc lâu hơn, cũng có nhiều người lầm tu Thiền là chận đứng ý thức. Thực ra, cũng có một kiểu tọa thiền nhằm mục đích chỉ làm như vậy(26), nhưng đó không

----------------------------------------------

(26) Xem Thiền Tiểu thừa (Shojo Zen) trg. 89.

phải là tọa thiền theo truyền thống của Phật giáo Thiền. Quí vị nên hiểu rõ rằng dầu có chăm chú đếm hơi thở đến đâu, quí vị cũng vẫn nhận thức được những gì xảy ra trong tầm mắt mình, vì mắt mở; quí vị sẽ nghe nhữngâm thanh thường ngày, vì tai không bị bịt lại. Vả lại đầu óc quí vị không buồn ngủ nên nhiều ý niệm lướt đi qua, lại, lui, tới trong tâm. Bây giờ, chúng sẽ không cản trở hay giảm thiểu hiệu quả của tọa thiền, trừ phi quí vị cho chúng là “tốt” rồi bám vào đó, hoặc nhất định chúng là “xấu” rồi cố gắng ngăn chận hay loại bỏ. Không nên xem bất cứ một nhận thức hay một cảm xúc nào là chướng ngại cho tọa thiền, cũng không nên theo đuổi chúng. Tôi nhấn mạnh điểm này: “theo đuổi” ở đây có nghĩa là bằng hành động nhìn, tia nhìn của quí vị vẩn vơ nơi các vật, bằng chiều hướng nghe, sự chú ý nơi âm thanh và bằng tiến trình suy tư, tâm quí vị bám vào các ý niệm. Nếu quí vị tự cho phép mình xao lãng trong những cách thức như thế thì sự tập trung vào việc đếm hơi thở bị trở ngại. Tóm lại, hãy để các ý niệm bất chợt xuất hiện và biến mất như vậy, đừng ve vãn chúng và cũng đừng cố trục xuất chúng mà chỉ tập trung toàn bộ năng lực mình vào việc đếm hơi hít vào và hơi thở ra mà thôi.

            Khi kết thúc một thời ngồi, không nên đứng dậy ngay mà phải bắt đầu đưa mình qua lại, trước tiên bằng những đưa mình qua lại nhỏ, rồi lớn hơn, khoảng năm sáu lần. Quí vị quan sát sẽ thấy rằng những cử động trong bài tập này trái ngược với những cử động quí vị đã làm lúc mới bắt đầu tọa thiền. Hãy đứng dậy chầm chậm và im lặng bước đi vòng quanh với những người khác, đi như thế gọi là kinh hành (kinhin), một hình thức của tọa thiền.

            Kinh hành, thực hiện bằng cách đặt nắm tay phải với ngón cái bên trong lên ngực và lòng bàn tay trái phủ bên ngoài nắm tay phải trong khi hai cùi chỏ giữ thẳng góc, giữ cho hai cánh tay trước thẳng và thân thẳng đứng với đôi mắt giữ yên ở một điểm cách trước hai bàn chân khoảng hai mét. Đồng thời tiếp tục đếm hơi thở ra vào khi quí vị bước đi chầm chậm quanh phòng. Bắt đầu bước bàn chân trái trước và bước đi như thể bàn chân lún sâu xuống sàn nhà, gót chân xuống trước rồi các ngón chân xuống sau. Bước trầm tĩnh và đều đặn với sự ổn định và trang nghiêm, không nên bước đi một cách lơ đãng và tâm phải khẩn trương như khi tập đếm hơi thở. Nên thực hiện kiểu đi này ít nhất năm phút sau mỗi lần ngồi hai mươi hoặc ba mươi phút.

            Quí vị nên biết đi như thế là tọa thiền di động. Lâm Tế và Tào Động thực hiện kinh hành hơi khác nhau. Trong phương pháp Lâm Tế, bước đi nhanh và mạnh trong khi theo truyền thống Tào Động thì bước đi chậm và nhàn nhã, thực tế trong mỗi hơi thở quí vị chỉ bước tới khoảng một tấc rưỡi. Thầy tôi, Lão sư Đại Vân, bênh vực cách đi dung hòa giữa hai cách đi nói trên, và đó là cách đi đang thực hành ở đây. Hơn nữa, phái Lâm Tế úp bàn tay trái lên trên nắm tay phải, trong khi theo truyền thống Tào Động thì bàn tay phải úp lên trên nắm tay trái. Lão sư Đại Vân cảm thấy phương pháp của Lâm Tế thích đáng hơn nên ông đưa nó vào lối dạy của ông. Bây giờ, dù cho việc đi này làm cho hai chân bớt tê cứng, luyện tập như thế chỉ được coi là kết quả phụ, không phải là mục đích chính của kinh hành. Do đó, vị nào đang đếm hơi thở nên tiếp tục đếm và vị nào đang tham công án nên tiếp tục tham trong lúc kinh hành.

            Bài thứ nhất đến đây là hết. Quí vị tiếp tục đếm hơi thở như tôi đã chỉ cho đến khi quí vị lại đến trước tôi.

Xem mục lục