Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

Bốn Cái Không, Bốn Ánh Sáng hay Bốn Lạc, là cốt tủy của kinh nghiệm Yoga Ánh Sáng. Chúng được khởi dẫn bằng cách gom tụ khí trong Kinh Mạch Trung Ương trong thực hành ban ngày của trạng thái thức. Người có thể làm như thế, thì nên định tâm đặc biệt vào cái Không thứ Tư, hay Ánh Sáng Bổn Nguyên. Phương pháp để nhận ra Bốn Cái Không này là như sau :

Trong khi thực hành Yoga Ánh Sáng lúc ban đêm, thiền giả trước hết tập trung vào chữ A trên một cánh hoa sen trong Trung Tâm Trái Tim. Qua sự thực hành của nó, những khí của Năm Đại sẽ gom vào Kinh Mạch Trung Ương và những dấu hiệu khói, ảo ảnh, ánh sáng đom đóm… sẽ sanh khởi lần lượt. Khi cảm thấy buồn ngủ, nó tập trung vào chữ Nu, sau đó nhiều khí sẽ gom tụ, những tư tưởng phân biệt thô sẽ tan biến, và cái Không lúc Ban Đầu, hay Ánh Sáng của Xuất Hiện, sẽ khởi hiện ; bấy giờ nó sẽ kinh nghiệm một cảm giác như đang thấy ánh trăng sáng trong một bầu trời không mây. Khi thiền giả trở nên buồn ngủ hơn, nó tập trung vào chữ Ta, nhiều khí sẽ gom tụ, mọi tư tưởng phân biệt tế sẽ tan biến, và cái Thứ Hai hay cái Không Cùng Cực – còn gọi là Ánh Sáng của Tăng Trưởng – sẽ khởi hiện ; bấy giờ nó sẽ kinh nghiệm một cảm giác như đang thấy ánh sáng mặt trời trong một bầu trời không mây. Khi cảm thấy rất buồn ngủ, nó tập trung vào chữ Ra, sau đó mọi khí sẽ gom tụ, phần lớn những tư tưởng vi tế nhất sẽ tan biến, và cái Thứ Ba hay Đại Không – còn gọi là Ánh Sáng của Đạt Đến – sẽ khởi hiện ; bấy giờ nó sẽ kinh nghiệm một cảm giác như đang thấy bóng tối bao trùm tất cả trong một bầu trời không mây và sâu thẳm. Cuối cùng, khi thiền giả rơi vào giấc ngủ (hay trở nên vô thức), tập trung vào chữ Hum, mọi khí của sự Đạt Đến và mọi tư tưởng phân biệt vi tế nhất sẽ tan biến, và cái Thứ Tư, hay cái Không Toàn Thể – còn gọi là Ánh Sáng Bổn Nguyên – sẽ khởi hiện ; bấy giờ nó sẽ kinh nghiệm một cảm giác như đang thấy vòm trời trong sáng lúc bình minh, và tất cả Ba Nhiễm Ô của mặt trời, mặt trăng và của ánh sáng lờ mờ sẽ rời bỏ nó… Đây là Bốn Cái Không, hay Những Ánh Sáng của Giấc Ngủ mà thiền giả phải nhận ra và thực hành.

Lúc ban đầu, người ta có thể không nhận ra hết cả Bốn cái Không này, nhưng với sự thực hành liên tục và kiên trì, cuối cùng nó sẽ làm được. Người nào không thiện nghệ “nắm giữ” Bốn Cái Không, nên thực hành Yoga trong giấc ngủ cạn ; người thiện nghệ nên thực hành trong giấc ngủ sâu. Người chưa giỏi nắm giữ Ánh Sáng qua tiến trình bình thường sẽ khó làm trong chiều ngược lại, nghĩa là từ Ánh Sáng Bổn Nguyên đến nắm giữ cái Thứ Ba, cái Thứ Hai và rồi Ánh Sáng Ban Đầu. Bởi thế tiến trình bình thường là căn bản và rất quan trọng.

Nếu người ta bị bắt buộc phải xuất Định Ánh Sáng do sự dao động của khí, nó cần tập trung vào chữ Hum trong Trung Tâm Trái Tim để tái lập Định. Nếu điều này không có kết quả, bấy giờ nó cần cố gắng thiền định về Ánh Sáng “kém”. Nếu bị bắt buộc xuất khỏi Ánh Sáng “kém”, bấy giờ nó cố gắng thực hành Thân Huyễn của Giấc Mộng. Nhưng để làm được điều này, nó phải có thể gom khí vào Kinh Mạch Trung Ương và khám phá ra Bốn Cái Không trong thực hành ban ngày. Chỉ khi nào người ta đạt đến mức độ đó thì mới có thể hoàn toàn nắm giữ Ánh Sáng vào ban đêm. Những thiền giả kém tiến bộ có thể nhận ra Ánh Sáng Thứ Nhất hay Thứ Hai, nhưng với Cái Thứ Ba và Ánh Sáng Bổn Nguyên, sẽ rất khó khăn với họ.

Nếu trước khi đi ngủ, người ta khởi lên một ước muốn rất mạnh mẽ nắm giữ được Ánh Sáng, và tập trung vào chữ Hum trong Trung Tâm Trái Tim tỏa chiếu ánh sáng rực rỡ – tràn đầy khắp thân thể – nó sẽ có cơ hội tốt để thấy Ánh Sáng “kém”. Trong trạng thái giấc ngủ cạn, mỏng không có giấc mộng, nó sẽ thấy bản tánh của Tâm như là sáng ngời mà trống rỗng, trong suốt không ngăn ngại. Sự tỉnh giác của nó cũng rõ ràng như lúc thức. Tuy nhiên, nó không thể trừ bỏ những tư tưởng phóng dật, và đôi khi Tỉnh Giác sáng tỏ của nó cũng trộn lẫn bởi những giấc mộng sanh khởi. Nếu điều này xảy ra, nó cần tập trung tiếp vào chữ Hum và cố gắng giữ Tỉnh Giác sáng tỏ để làm Ánh Sáng an trụ. Người không thể nhận ra Ánh Sáng trong giấc ngủ sâu không nên nản chí, mà lại cố gắng tỉnh giác, và dần dần nó sẽ thành công. Nếu có sự dao động của khí, vài giấc mộng khởi lên, nó cần đồng hóa các thị kiến này với Phật Bổn Tôn và Mạn đà la của Ngài, rồi cố gắng lần nữa làm tan biến chúng vào Đại Không…

Người ta nên biết rằng Ánh Sáng “kém” không phải là Ánh Sáng của Giấc Ngủ thực sự ; cái này là cái Thứ Tư, hay Ánh Sáng Bổn Nguyên bặt hết mọi phóng dật và mọi tư tưởng phân biệt, trong khi cái trước chỉ là một Ánh Sáng bề ngoài và cạn cợt trộn lẫn với những phóng dật và tư tưởng phân biệt. Nhưng nếu người ta có thể làm vững chắc và mạnh lên Ánh Sáng “kém” này, cuối cùng nó sẽ thành công nắm giữ được Ánh Sáng Bổn Nguyên. Vào thời này, nhiều thiền giả Tây Tạng chỉ có thể đạt đến mức nắm giữ được Ánh Sáng “tương tợ” ; ngay những người có thể thực hành tốt cũng chỉ nắm giữ được Ánh Sáng “kém”. Bởi thế cực kỳ quan trọng là biết sự khác biệt này…

Xem mục lục